Lệ Ngọc theo ký ức trong đầu, nhanh chóng làm quen với hoàn cảnh. Cô cũng không biết cô đang ở tình tiết nào trong câu chuyện. Cho nên, chỉ có thể chịu khó chịu cực khổ một thời gian để làm quen với hoàn cảnh, rồi mới có thể tìm cơ hội thoát ly được. Cũng may, Lệ Ngọc cũng không cần chịu đựng bao lâu.
Vài ngày sau đó, vào buổi trưa đang ngồi đấm bóp cho mẹ chồng thì… chồng của nguyên chủ cũng chính là nam chính về và còn dẫn theo một cô bạn học. Người đó không ai khác chính là nữ chính chứ đâu. Xem ra, đây chính là cơ hội tốt để Lệ Ngọc vứt áo ra đi đây này. Có lẽ, nguyên chủ vẫn rất ấm ức nên đã cố tình để Lệ Ngọc xuyên vào ngay cái thời điểm này, làm thay đổi số phận bi thảm của mình đi.
Thấy con trai về, bà mẹ quay sang nói với cô.
– Bây coi ra sau kêu con Lụa bắt con gà mần thịt nấu cháu đi!
– Dạ!
Lệ Ngọc ngoan ngoãn thực hiện vai trò của một con dâu hiếu thảo, lễ phép đáp một tiếng, rồi nhanh chóng đi ra sau nhà. Cô cũng không thèm liếc mắt nhìn hai người vừa mới bước vào kia một cái. Nhưng trong lòng thầm chửi. “Mẹ nó! Chém cha cái kiếp làm dâu! Chồng dẫn vợ bé về mà còn phải mần gà nấu cháo đãi. Khốn nạn!”
Lệ Ngọc ra sau bếp thì thấy con Lụa đang lặt rau, bèn nói với giọng mai mỉa.
– Lụa! Bà kêu đi bắt gà nấu cháo đãi cậu Út với mợ Út tương lai về kìa!
Con Lụa năm nay mới 14 tuổi thôi, nhà rất nghèo cũng không có biết chữ, phải lên đây giúp việc nhà để kiếm tiền về lo cho gia đình. Nghe Lệ Ngọc nói vậy, nó ngạc nhiên hỏi.
– Hả? Mợ Út nói gì kỳ vậy? Cậu Út về, mợ Út ở đây… còn mợ Út tương lai nào nữa?
Lệ Ngọc cười khẩy dành lấy rổ rau, nói.
– Tao thì tính cái gì mợ Út! Con ở không lương đúng hơn! Mà thôi… mày đi bắt gà nhanh đi. Để tao lặt rau cho, để một hồi bà xuống thấy chưa xong thì rầy tao với mày không còn một chỗ à.
Con Lụa nó tuy còn nhỏ tuổi nhưng không phải là không hiểu chuyện đời, tính ra nó còn khôn hơn nguyên chủ nhiều. Nó cũng biết nguyên chủ gả về làm dâu nhà này chỉ là con dâu, chứ đâu được xem là vợ. Nhưng phận là người giúp việc, nó cũng không muốn nhiều chuyện làm gì, ai bảo sao thì nghe vậy thôi.
Nó bắt gà vô xong thì thấy Lệ Ngọc đã lặt xong rổ rau, trên bếp cũng đã bắt nước. Mấy ngày nay, nó thấy biểu hiện của Lệ Ngọc rất là khác trước, không những nói chuyện mạnh dạn hơn mà làm việc cũng nhanh tay hơn nữa. Nó vừa cắt cổ gà vừa tò mò hỏi.
– Mợ Út à! Em thấy mấy bữa nay mợ lạ lắm, không giống hồi trước chút nào…
Lệ Ngọc cũng không thèm che dấu bản tính thật của mình, cô thản nhiên nói.
– Con người thì ai cũng phải trưởng thành chứ? Không khôn ra không lẽ để suốt đời bị đè đầu cưỡi cổ sao? Như em hồi mới lên làm cũng khờ ệch, bây giờ cũng lanh lợi rồi đó.
Con Lụa cười cười nhưng cũng công nhận lời nói của Lệ Ngọc hoàn toàn đúng.
– Dạ! Mợ Út nói cũng phải.
Lệ Ngọc chợt nói.
– Sau này em gọi chị là chị Ngọc được rồi, đừng gọi mợ Út nữa, chị nghe cảm thấy dường như mình bị già.
– Hi hi hi… mợ… chị Ngọc tiếu ghê…
Hai người vừa mần gà nấu cháo, vừa nói chuyện nô đùa. Trong nhà bếp tràn ngập tiếng cười vui vẻ nhưng ở nhà trên thì không khí có vẽ hơi gượng gạo.
Bà Hai vừa ngồi nhai trầu, vừa nhìn đứa con trai út của mình, lại liếc nhìn cô gái đang ngồi cạnh bên mà không khỏi thở dài. Tuy con trai bà chỉ nói đây là bạn học, trên đường về nhà tiện thể ghé thăm cho biết, nhưng, đầu bà đã gần bạc trắng hết rồi, không lẽ không nhìn ra là hai đứa đã tâm đầu ý hợp sao. Nhưng mà, con dâu là do chồng bà trước lúc chết chỉ định, bà cũng không dám cãi. Với lại, từ lúc cưới về tới giờ, Lệ Ngọc cũng ngoan ngoãn, dịu hiền, chịu thương, chịu khó, chăm lo cho bà, bà cũng không có cách gì mà trách cứ được. Cưới cũng đã cưới rồi, thôi đành tùy vào chúng nó vậy. Nếu con trai bà lần này chịu ở nhà một thời gian, nhất định sẽ thấy cái tốt của Lệ Ngọc, không chừng sẽ chấp nhận người vợ này. Còn nếu không… bà nghĩ chắc phải thiệt thòi Lệ Ngọc thôi. Dù sao, cô gái kia so Lệ Ngọc đều hơn về mọi mặt.
Nghĩ rồi, bà cũng chỉ nói chuyện qua loa cho có lệ, vờ như không nhìn ra điều gì, để cho không khí vui hơn. Con trai bà đi đã gần nửa năm rồi mới về, phải để cho cả nhà cùng vui vẻ. Bà cũng nghĩ Lệ Ngọc khù khờ, chắc sẽ không nhìn ra. Nhưng bà không biết rằng, Lệ Ngọc không chỉ nhìn ra, mà còn sắp sửa chuẩn bị thoát khỏi kiếp làm dâu cho bà nửa kia.
Chỉ là lúc này, bà lại không hề hay biết. Cứ thản nhiên mà mừng con trai về. Thậm chí còn khen lấy khen để cô gái mà hắn dẫn về. Trong lòng tiếc rằng, phải chi không có Lệ Ngọc thì tốt rồi.
Xưa nói, dâu là con mình
Con gái là con người ta
Nhưng có mấy ai làm được
Làm dâu khác gì con ở không lương.