Nơi Thanh Âm Dừng Lại

Chương 2: Cháu thích à?



Trần Thanh có một thói quen không được tốt cho lắm. Đó là mỗi khi cầm cọ vẽ, cô sẽ tự động đắm chìm vào thế giới của riêng mình, tỉ như thời thế bên ngoài loạn lạc ra sao không phải chuyện đáng để cô phải bận tâm. Nếu người đời có thuốc phiện làm thần hồn điên đảo, vậy thì đối với cô, việc vẽ tranh còn hơn cả trầm luân trong chất kích thích.

Trần Thanh yêu nhất là trường phái ấn tượng, tuy hậu ấn tượng và biểu hiện cũng hấp dẫn cô đôi phần. Hội hoạ phương Tây không phải lúc nào cũng được đón nhận khi du nhập ra thế giới, nhất là động đến vấn đề lập trường thì cũng đủ chuyện để gây tranh cãi. Với thời buổi hiện nay, nhìn thấy một bức tranh của Monet hay Cézanne trong ngói nhà phong kiến phương Đông âu là chuyện khó lên trời.

(1) Trường phái Ấn tượng (Impressionism) là một trào lưu nghệ thuật bắt đầu tại Pháp vào cuối thế kỉ 19. Những bức tranh thuộc trường phái ấn tượng được vẽ bằng những nét cọ mảnh, nhỏ, là sự pha trộn không hạn chế giữa các màu với nhau và nhấn mạnh sự thay đổi chất lượng của ánh sáng trong tranh.

(2) Hậu Ấn tượng (Post-Impressionism) thực chất không phải một trường phái nghệ thuật chính thống. Nó là tên gọi chung của một nhóm nhỏ họa sĩ độc lập với mong muốn khắc phục những điểm hạn chế của trường phái Ấn tượng vào cuối thế kỷ 19. Họ hình thành nhiều phong cách hội họa mới, tập trung vào yếu tố cảm xúc, kết cấu cùng tôn giáo còn thiếu sót trong Trường phái Ấn tượng.

(3) Trường phái Biểu hiện (Expressionism) là phong cách hội họa, âm nhạc và văn chương mang tính tâm linh và đầy xúc cảm vào những năm đầu của thế kỉ XX. Trường phái này nhấn mạnh vào sự tìm kiếm mang tính chủ quan cho sự thật chứa đầy tình cảm cá nhân, đi sâu vào việc khám phá cảnh quan bên trong tâm hồn.

(4) Tên của các họa sĩ: Claude Monet, Paul Cézanne.

Cô nhớ bức họa nổi tiếng đầu tiên bản thân từng thấy đó là “Mẹ Whistler”. Chú hai nhà Trần là một người yêu thích khám phá, chú đến rất nhiều nơi trên thế giới, chụp lại vô vàn bức ảnh bằng công nghệ hiện đại nhất và luôn mang về nhà cả một bộ sưu tập lớn mỗi khi kết thúc hành trình. Năm Trần Thanh mười tuổi, cô từng thấy bức “Mẹ Whistler” trong một tấm ảnh mà chú hai chụp được nhân dịp ghé thăm bảo tàng nghệ thuật lớn ở Pháp.

“Đây là bức tranh “Mẹ Whistler”.

(5) Whistler’s Mother (Mẹ Whistler) được vẽ vào năm 1871 dưới bàn tay họa sĩ người Mỹ, James Abbott McNeill Whistler. Ông được xem là người khởi xướng cho chủ nghĩa Sắc Độ phát triển mạnh mẽ vào những năm 1880 – 1910 ở Mỹ.

Trần Thanh tròn mắt, líu lưỡi nói: “Mẹ…Uýt…uých lơ.”

Chú hai cười phá lên trước phát âm hài hước của cô. Trần Thanh bị cười chê thì ngại ngùng không thôi, hai tay tóm chặt lấy gấu váy trong khi má đỏ bừng bùng. Chị cả liếc cô bằng ánh mắt xem thường, nói: “Nếu em tập trung học hành trong lớp dạy chữ thì tốt biết bao.”

Trần Thanh như con mèo bị giẫm phải đuôi, phồng má cãi cố: “Em vẫn tập trung học mà!”

“Chút nỗ lực đó của em chắc chỉ bé bằng hạt gạo.” Chị cả thờ ơ đảo mắt.

“Thôi nào thôi nào.” Chú hai cười chán rồi thì mới ra vẻ người giảng hòa: “Nếu hai đứa lao vào nhau ở đây thì chú sẽ là người phải chịu trận đầu tiên đấy.”

Chị cả ‘hứ’ một tiếng, sau đó kiêu ngạo nâng váy đi vào buồng trong. Trần Thanh làm mặt quỷ đằng sau lưng chị, đương nhiên cảnh này cũng bị chú hai nhìn thấy. Người đàn ông xách cổ cô lên như gà con rồi đặt cô vào lòng mình, dùng bàn tay to lớn bẹo gò má mũm mĩm: “Cô nhóc này, cháu với chị cháu còn hơn cả chó với mèo.”

Trần Thanh bị chú hai bế thốc lên mà không báo trước, cô vội ôm chặt tấm ảnh vào trong lòng, tỉ như sợ chỉ một động tác thừa thôi cũng sẽ làm phá hỏng kiệt tác xinh đẹp này. Cô không quan tâm trên má mình có hai dấu tay của chú hai mà chỉ chăm chú xem xét tấm ảnh. Thấy tấm ảnh vẫn còn nguyên vẹn không một nếp uốn, cô thở phào: “May thật đó.”

“Cháu thích à?” Chú hai hỏi.

Trần Thanh gật đầu như chú gà con chuyên mổ cục tác ngoài sân.

“Cho cháu đấy.”

Cô mở to mắt trong thích thú: “Thật sao?”

Chú hai dương dương tự đắc gật đầu: “Thơm chú một cái là được.”

Trần Thanh lập tức tỏ vẻ ghét bỏ. Cô hồi nhỏ không hiểu sao chú hai cứ thích trêu chọc mấy đứa trẻ con, đến cả cha mẹ cô cũng không đòi cô thơm má nữa là. Dẫu vậy, vì để đánh đổi được tấm ảnh chụp bức “Mẹ Whistler” về tay mà cô đành cam chịu tặng cho chú hai một nụ hôn lên má.

Sau này, trong mỗi chuyến thám hiểm của mình, chú hai luôn nhớ sẽ mang thật nhiều những gì liên quan đến hội họa về cho Trần Thanh. Đôi khi là vài ba tấm ảnh, đôi khi là một tập tem phiếu, đôi khi lại là những bì thư được in ấn một cách tinh xảo, tất cả đều có có hình ảnh của những bức tranh đến từ khắp nơi trên thế giới.

Dần dà, cô biết đến những cái tên của Cassatt, Chase, Renoir,… Tất cả đều phủ một màu sắc hết sức rực rỡ vào thế giới đơn điệu và nhàm chán của cô.

(5) Tên của các họa sĩ: Mary Cassatt, William Merritt Chase, Pierre-Auguste Renoir.

Cha và mẹ thường than vãn chú hai nuông chiều cô quá mức, dù lúc nào cũng bị chú cười qua loa cho xong chuyện. Cô si mê những bức tranh như những cô tiểu thư nhà quyền quý si mê những thú vui khó hiểu, thậm chí còn dùng hết sức mình để mè nheo cha mua cho cô một bộ màu vẽ.

Ông Trần thở dài, đảo mắt sang chỗ khác: “Nếu vẽ tranh chỉ tổ làm con lấm lem mặt mày thì chẳng thà con nên học thêu thùa như chị con còn hơn.”

Cuối cùng, ước nguyện về một bộ màu vẽ của Trần Thanh vẫn là do chú hai thực hiện. Chú hai và cô tựa như hai người bạn vong niên cùng chung sở thích, luôn bí mật chia sẻ cho nhau những mong muốn bị giễu cợt là tầm thường, nhạt nhẽo.

Đương nhiên, quãng thời gian Trần Thanh sống trong sự nuông chiều ít ỏi đó cũng kết thúc khi cô kết hôn và chuyển tới nhà chồng ở phía Bắc.

Bất lợi của việc kết hôn có rất nhiều, thậm chí đủ để giải thích cho lí do vì sao chị cả của cô lại sợ hãi đến mức phải bỏ trốn như thế. Tuy nhiên, đãi ngộ ở nhà họ Dương cũng không tệ. Cô nói muốn có một quán trà, cô liền có một quán trà riêng của mình. Cô tiêu xài mua màu vẽ, giấy vẽ, chưa từng có ai bận tâm vì mọi người đều coi đó là sở thích hoang phí của các mợ chủ.

Quán trà là căn cứ duy nhất mà cô có thể tung hoành với sở thích vẽ tranh, cũng là nơi duy nhất giúp cô thoải mái khỏi các hỉ nộ ái ố thường nhật.

Sang canh ba thì Trần Thanh mới chịu đứng dậy khỏi ghế vẽ. Cô hai nhà họ Lê đã rời đi từ rất lâu, cụ thể là mấy giờ thì Trần Thanh cũng không nhớ.

(6) Canh ba bắt đầu vào khoảng 11 giờ đêm.

Chiếc bụng đói meo như thể đang lên tiếng tố giác cô đã ăn quá qua loa vào bữa tối. Trần Thanh dọn dẹp bộ cọ và màu vẽ để cất đi, sau đó đi ra ngoài định kiếm thứ gì đó ăn.

Phòng vẽ tranh của cô vốn chỉ là nhà kho cũ đằng sau quán trà, tuy làm bà chủ nhưng Trần Thanh cũng rất ít khi phải quán xuyến bất cứ thứ gì. Cô thuê được mấy người làm, chẳng định rêu rao quảng bá ấy nhưng quán trà lại được các cậu ấm cô chiêu lui tới đông vô kể. Tuy nhiên, Trần Thanh chẳng có hứng tiếp khách, cái gì cũng giao lại hết cho người khác.

Dù vậy, vẫn có thời điểm mà cô phải tự thân vận động, như đi kiếm đồ ăn chẳng hạn.

Trần Thanh cắt cho mình một miếng bánh gato phủ đầy kem, còn thảnh thơi hãm một ấm trà hoa nhài. Cô thắp một ngọn nến, ung dung tận hưởng bữa khuya được tự cô cho rằng vô cùng lãng mạn.

Lúc này, cửa ra vào quán trà đột ngột bị đẩy ra.

Trong đêm tối, tiếng chuông cửa bất chợt rung lên xé tan màn đêm yên ắng, cũng đồng thời doạ cho Trần Thanh nhảy dựng. Cô hét toáng lên, chiếc dĩa xúc bánh trượt khỏi tay, rơi thẳng xuống sàn.

“Aa!”

“…”

Bầu không khí lại rơi vào yên ắng.

Trần Thanh ôm trái tim đang đập loạn trong lồng ngực, thở hổn hển trợn mắt nhìn về phía cửa. Người đàn ông nghe thấy tiếng hét của cô cũng giật mình không kém, lập tức đứng sựng lại.

Trần Thanh không tin nổi vào mắt mình, lắp ba lắp bắp: “Cậu…cậu Đình?”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.