Như Mài Như Dũa

Chương 33



Người sư huynh mà Tống Lãng Huy nói là Hứa Minh Kiến, cùng chuyên ngành với Trần Trác. Cuối tuần Tống Lãng Huy dẫn Trần Trác đến một quán ăn bán món Việt Nam, hai người đi ra cầu thang sau bếp sực nức mùi sả và cà phê để xuống tầng hầm.

Căn phòng dưới tầng hầm là rạp kịch mô phỏng của Hứa Minh Kiến. Bố anh ta là biên kịch nổi tiếng trong ngành, được công chúng quen mặt nhờ mấy bộ phim lịch sử đình đám. Ấy thế mà lên đại học Hứa Minh Kiến lại không chọn chuyên ngành biên kịch, kiên quyết đòi học lý luận kịch nghệ, vừa lên năm ba là tự dựng rạp riêng của mình, diễn mấy bộ kịch thử nghiệm, cũng chẳng hòng kiếm tiền, chỉ mời bạn bè chung sở thích tới xem cho vui.

Tống Lãng Huy cảm thấy người anh này có một số điểm khá tương đồng với Trần Trác, hai người đều theo đuổi những điều thuần phác mà số đông không hiểu được, vào những thời điểm quan trọng thì có đủ khả năng để đập tan ngôn luận của mọi người, nói thẳng ra là “quái”. Năm xưa Hứa Minh Kiến đứng đầu toàn quốc ở vòng hai chuyên ngành biên kịch, thế mà thi đại học các môn văn hóa xong lại giấu bố điền nguyện vọng ngành lý luận kịch nghệ, một ngành tối tăm tiền đồ thậm chí còn không cần điểm năng khiếu. Cho dù sau này anh ta cũng lập rạp riêng và bắt đầu viết kịch bản thì những câu chuyện mà anh viết ra lại đều là những vở kịch nói mà bố anh khinh thường và không thể kiếm ra tiền.

Khi Tống Lãng Huy và Trần Trác đến nơi thì trên sân khấu đang diễn tập, Hứa Minh Kiến ngồi ở giữa hàng ghế khán giả, trên tay vịn ghế còn đặt một bát phở trộn. Vở kịch hôm nay Hứa Minh Kiến cho các diễn viên diễn tập được chuyển thể từ cuốn sách “Demian” của Hesse, một câu chuyện nói về hành trình tìm kiếm bản ngã của mình nhưng lại không chỉ giới hạn về bản thân mình. Trần Trác và Tống Lãng Huy đều không mở lời, yên lặng đứng ở lối ra vào xem bọn họ diễn hết nửa đoạn đầu. Khán giả không tới mười người, trên sân khấu thậm chí còn không có micro, toàn bộ màn kịch đều vô cùng thô sơ, không qua sửa chữa, rất chân thực.

Màn biểu diễn này khác với tất cả những gì Trần Trác từng được xem, hóa ra ở một nơi giản dị như thế này, không cần hiệu ứng đèn đóm gì hết, mà cũng có thể lột tả được một câu chuyện đặc sắc. Vốn dĩ “Demian” không phải là một câu chuyện hoàn chỉnh về khải – thừa – chuyển – hợp, về thời gian, địa điểm, và nhân vật, Hứa Minh Kiến còn cố ý chia nhỏ câu chuyện hơn nữa. Trước đây Trần Trác chưa bao giờ đi xem kịch nói ở rạp, đặc biệt là mô hình thực nghiệm tiên phong như Hứa Minh Kiến đây, nó lôi cuốn Trần Trác hơn cả những bộ phim truyền hình và điện ảnh được “đóng gói” chỉn chu.

Cây bút trong tay Hứa Minh Kiến liên tục chỉnh sửa kịch bản dựa theo tình hình diễn tập của các diễn viên trên sân khấu, thỉnh thoảng dừng lại gắp một miếng phở. Anh ta nhìn thấy Tống Lãng Huy cũng không gây ồn ào gì, thậm chí còn không thèm tỏ ra tò mò về Trần Trác bên cạnh, chỉ cười với Tống Lãng Huy rồi búng tay bảo:

– Nhóc còn nợ anh một vai nam chính đấy.

Hôm đó Trần Trác và Tống Lãng Huy xem hết buổi diễn tập, Trần Trác tự cho rằng rạp kịch này nghiễm nhiên trở thành hoạt động thời đại học của mình. Đại đa số người ở rạp kịch đều là bạn cùng trường với Trần Trác, tính cách rất hiền hòa, đây là lần đầu tiên Trần Trác hòa nhập với một tập thể nhanh đến như vậy, lại còn có cảm giác thuộc về nữa chứ. Mỗi người trong đoàn kịch đều nghiêm túc với hoạt động này, họ thật sự có niềm đam mê với diễn kịch. Trần Trác ở chung với họ lâu từ từ cũng đem lòng yêu thích kịch nghệ và khoảng trời nhỏ dưới lòng đất ấy.

Chưa đến một tháng, ngoại trừ những lúc đi học thì Trần Trác đều ở đây tập kịch với Hứa Minh Kiến, học cách sửa và viết kịch bản. Việc biên kịch cũng là cậu chủ động ướm lời với Hứa Minh Kiến, anh không nói đồng ý hay không, chỉ nhướn mày hỏi cậu:

– Nghĩ kĩ rồi hả? Muốn bỏ phí gương mặt này, không diễn mà chỉ viết thôi à?

Trần Trác thì không có ý định này. Bản thân cậu cho rằng, nếu đã không phải người có thiên bẩm diễn xuất trước máy quay như Tống Lãng Huy, vậy cho dù bắt buộc phải diễn thì cách tốt nhất là nên bắt đầu từ việc tìm hiểu kịch. Huống hồ viết văn ở chỗ Hứa Minh Kiến được tự do, không chịu bó buộc, không như tập làm văn hồi phổ thông. Trần Trác là người có tư duy khoa học tự nhiên chiếm chủ đạo, hồi cấp ba làm văn toàn không đạt yêu cầu của giáo viên. Cậu không thể vận dụng thuần thục cấu trúc song hành, nhưng tư duy linh hoạt của cậu lại rất ăn rơ với Hứa Minh Kiến.

Hứa Minh Kiến và cậu tâm đầu ý hợp, anh chủ động liệt kê ra một loạt các cuốn sách, bảo cậu tìm đọc từng cuốn một, chúng không chỉ có ích cho việc viết kịch bản mà còn hỗ trợ cả chuyện thi cử trên trường.

Tống Lãng Huy cũng được xem như một phần tử trong đoàn kịch, nhưng phần lớn thời gian anh mắc quay phim và tham dự những hoạt động khác, chỉ thỉnh thoảng diễn một vai phụ cho vui. Có một lần ngồi ăn chung với nhau, Hứa Minh Kiến lại nhắc chuyện ngày trước Tống Lãng Huy từng hứa sẽ diễn nam chính cho anh ta. Tống Lãng Huy cười, choàng vai Trần Trác:

– Vậy em cũng chỉ làm nam chính trong kịch bản của A Trác nhà em thôi.

Người trong đoàn kịch biết hai người thân thiết, choàng vai nhau thêm cả từ “nhà em” cũng chả phải chuyện gì lớn. Tính cách của mấy người ở đây cũng không thích phô trương, có “điên cuồng” thì cũng chỉ giới hạn ở căn hầm ngập tràn mùi hương đồ ăn Việt Nam mà thôi. Huống hồ được Hứa Minh Kiến mời tới đây thì ắt hẳn cũng có chỗ khác người bình thường, cũng chẳng quan tâm mấy đến thân phận của Tống Lãng Huy.

Hội trường nhỏ nửa bỏ hoang trong trường và căn hầm sau khi kết thúc màn tập kịch cũng trở thành nơi hẹn hò của Tống Lãng Huy và Trần Trác. Lúc trước hai đứa nói về Toán về Lý, bây giờ thì nói về kịch bản mình đang viết và bộ phim mình đang quay, nắm tay, ôm hôn, là những hồi ức ấm áp và vui vẻ biết nhường nào. Tống Lãng Huy là người chu toàn được đủ mọi câu lạc bộ và hoạt động mà giảng viên hay nhắc tới, bất kì hoạt động của sinh viên trong trường hay là hoạt động thương mại ngoài trường anh đều sẵn sàng tham gia, so ra thì Trần Trác đơn điệu hơn rất nhiều, ngoài trường học thì cậu chỉ có rạp kịch thôi.

Khi đó hai người cũng chả cảm thấy như thế này có gì mà không tốt, Tống Lãng Huy không yêu cầu Trần Trác tham gia vào những cuộc náo nhiệt của anh, và Trần Trác cũng không bắt Tống Lãng Huy phải từ chối những hoạt động đó. Những lúc một mình, cả hai đều tập trung vào công việc của mình, còn khi ở bên nhau thì trong mắt chỉ có đối phương.

Hồi hè từng có trải nghiệm tình dục tuyệt mỹ nên thỉnh thoảng hẹn hò cũng khó tránh “bén lửa”, nhưng Trần Trác hay ngại ngùng, không quen thân mật ở nơi bán công khai như thế này, Tống Lãng Huy cũng cố gắng làm dịu hơi thở hổn hển có phần nặng nề của mình. Bàn tay nóng rực của anh hẵng còn đặt trên vòng eo cũng nóng không kém, môi anh chà xát sườn mặt Trần Trác, miết đến tận vành tai mới ngưng, anh hỏi:

– Vậy em dọn ra ngoài sống chung với anh được không?

Tống Lãng Huy chỉ ở trong ký túc xá một tháng là dọn ra ngoài, nguyên nhân là anh có một đứa bạn cùng phòng thường xuyên bán tin tức của anh cho bọn báo giải trí, có một lần báo đăng cả tin Tống Lãng Huy đến muộn lớp hình thể. Tuy từ nhỏ anh đã quen bị người ta chú ý, nhưng gặp mấy tin vụn vặt như thế này cũng khá phiền, huống hồ anh còn cần không gian riêng tư để đi gặp Trần Trác. Từ nhỏ anh đã lăn lộn khắp các đoàn phim rồi, Tống Cảnh và Chương Nhân Ỷ cũng chả có gì không yên tâm khi anh dọn ra ngoài, cùng lắm là yêu cầu anh phải về trước mười hai giờ đêm vào những ngày không có cảnh quay.

Trần Trác không đồng ý ngay, thực tế thì cái tay đang dọ dẫm trong áo cậu khiến cậu rất khó để tỉnh táo vào lúc này. Cậu cố gắng xoa dịu cảm xúc để ngẫm nghĩ, dù bây giờ nhịp tim cậu đang đập nhanh một cách bất thường, cuối cùng cậu bảo:

– Đợi thêm thời gian nữa được không anh?

Trần Trác chịu cân nhắc là Tống Lãng Huy đã đủ khoái trá rồi, vả lại hai người sống chung cũng là một chuyện nghiêm túc. Tống Lãng Huy hỏi xong đã thấy bản thân mình kích động quá, nên cho bản thân và đối phương thêm không gian để suy nghĩ thì hơn.

Tống Lãng Huy không nói gì làm Trần Trác tưởng anh không vui, hàng mày mới nhăn một tí lúc nãy bây giờ lại điểm thêm một vệt tủi thân và dè dặt, mặt cậu đỏ bừng bừng, nói tiếp:

– … Anh đừng giận, để em giúp anh nhé.

Tống Lãng Huy vốn không có suy nghĩ này, anh bảo sống chung cũng không phải chỉ vì mỗi khía cạnh đó, nhưng Trần Trác sẵn lòng thì anh cũng chẳng từ chối. Đây là một phần của chuyện yêu, không có gì đáng xấu hổ, giống như buổi chiều nồng đậm vị hoa quả ấy, anh tin Trần Trác và mình cảm nhận cùng một nỗi vui.

Động tác của Trần Trác không linh hoạt lắm, cũng có thể là do căng thẳng, nhưng Tống Lãng Huy dòm khuôn mặt hơi ngại ngùng của cậu cúi xuống thì vẫn khoái quá xá. Anh bỏ tay khỏi áo Trần Trác, ấp lên bàn tay đang hoạt động của Trần Trác.

Hôm đó Trần Trác vẫn theo Tống Lãng Huy về nhà của anh. Cậu toát nhễ nhại mồ hôi, mà ký túc xá hơn mười một giờ không cho tắm nữa. Hai người tắm xong thì không làm gì hết, hôn xong hai đứa ôm nhau ngủ. Buổi sáng Trần Trác dậy trước, Tống Lãng Huy mang máng nghe thấy tiếng xối nước vọng ra từ phòng tắm, trong lòng anh dâng lên một thứ cảm giác quá đỗi bình yên. Anh vùi đầu vào gối, thầm nhủ, có lẽ đây mới là nguyên nhân anh muốn sống chung với Trần Trác.

Ngoại trừ đi học và hẹn hò với Tống Lãng Huy ra thì trọng tâm cuộc sống của cậu chính thức chuyển sang rạp kịch, đến cả giờ tự học cũng tìm một góc trên khán đài đọc sách. Chủ quán ăn Việt Nam ở lầu trên rất thân với Hứa Minh Kiến, hầu hết bữa trưa và bữa tối anh đều lên lầu trên ăn phở bò. Cuối học kỳ đầu tiên, Hứa Minh Kiến đã để Trần Trác tự viết kịch bản, còn bảo Trần Trác là nếu kịch bản thích hợp thì qua Tết sẽ cho tập.

Cái tên bạn cùng phòng hay sắm vai “anh trai dịu dàng” của Trần Trác biết cậu chơi với Hứa Minh Kiến thì ra chiều xót xa khuyên cậu:

– Trần Trác à, không phải tôi mắng cậu đâu, nhưng mà cậu dại thật chứ chẳng đùa. Cậu xem thử bố Hứa Minh Kiến là ai, sau này anh ta không chơi mấy thứ văn nghệ này nữa thì cũng có cả đống phim nhờ anh ta viết kịch bản. Mấy thằng công tử như Tống Lãng Huy chơi trong đoàn kịch đó thì không sao, bọn con nhà giàu cũng toàn chơi thế, nhưng mấy đứa khác chỉ toàn là bọn bất tài không có phim để diễn, không có đường để đi.

Và Trần Trác cũng bị quy vào đội “bất tài” đó. Tên này đợt trước hưởng ké hào quang của đứa bạn bên khoa biểu diễn nên đang đóng vai quần chúng trong một bộ phim tết nào đó, cảnh diễn chưa tới năm phút, có bị hậu kỳ cắt hết hay không cũng chưa rõ, nhưng hắn ta thấy mình có kinh nghiệm nên có thể “lên lớp” Trần Trác. Trần Trác biết hắn ta không có ý xấu, cũng lười tranh luận nên nói luôn là mình đã hối hận vì chọn trường này, đang định chuyển sang thi vật lý. Hắn thấy suy nghĩ của cậu ngang ngạnh quá nên từ bỏ chuyện dạy đời. Trần Trác cười vì tai được yên, những lúc ở trong ký túc xá cậu chăm chỉ gặm sách mà Hứa Minh Kiến đề cử.

Lời tự thuật của những người đi trước trong sách có thể giúp cậu hiểu về kịch nghệ nhanh nhất, thật ra cái này cũng giống như vật lý vậy, ngoài dựa vào trải nghiệm thì cũng phải có một hệ thống lý luận.

Có lúc Trần Trác cảm thấy kịch nghệ là một sự tồn tại tiệm cận với thế giới song song. Cậu chia sẻ suy nghĩ này cho Tống Lãng Huy nghe, anh đang trên đường đi quay một tiết mục phỏng vấn, nói với cậu qua điện thoại:

– Đương nhiên rồi, không phải chỉ có Einstein mới nghiên cứu về thế giới song song đâu nhé. Anh nhớ hồi ba bốn tuổi anh chả có khái niệm gì về diễn xuất hết, nhưng xem một bộ cổ trang mà bố anh đóng xong thì suýt nữa khóc toáng lên vì sợ, tại sao cái người này có gương mặt giống hệt bố mình lại là người hoàn toàn khác như vậy. Sau này lớn hơn chút thì hiểu ra, cảm thấy cái nghề này cũng hay ho quá chứ, em có thể trải nghiệm nhiều cuộc đời đa hình đa dạng.

Kịch bản mà Trần Trác định viết vừa khéo có một nhân vật đa nhân cách, cậu hỏi Tống Lãng Huy:

– Vậy anh thích diễn cuộc đời như thế nào nhất?

– Cuộc đời nào có thể gặp được em thì anh thích cuộc đời đó.

Trước khi thi học kỳ Trần Trác đổi nơi tự học của mình sang thư viện, Hứa Minh Kiến biết cậu là người có yêu cầu cao với điểm số nên gửi cho cậu một đống đề thi những năm trước. Có lần cậu bị nữ sinh bàn bên cạnh chụp lén, cô đăng tấm ảnh lên diễn đàn trường hỏi, “Xin hỏi anh này năm mấy khoa biểu diễn vậy, TUI, PHẢI, LÀM, QUEN, VỚI, ẢNH!”

Tấm ảnh đó chỉ chụp được sườn mặt Trần Trác, ánh sáng cũng không tốt lắm, cậu ngồi cạnh cửa sổ, trên tàng cây ngoài cửa sổ lầu hai còn đọng một đóng tuyết từ tối qua.

Phần bình luận toàn là chửi cô nàng dám chụp lén mà không dám chủ động làm quen, hết ba bốn trang bình luận cuối cùng mới có được ít thông tin rằng chàng trai này không phải bên khoa biểu diễn mà là bên lý luận kịch nghệ. Vốn dĩ đã có mấy người bày tỏ sự tò mò và đang đợi đáp án, thấy được thông tin này lại bắt đầu nói “Tui nói rồi mà cái đám trẻ trâu tự khen mình đẹp bên khoa biểu diễn không có được cái khí chất này đâu”, “Lý luận kịch nghệ quá hợp với ảnh luôn! Quân tử khiêm tốn ôn hòa như một viên ngọc được mài giũa”. (*)

(*) Chữ “Trác” trong tên Trần Trác có nghĩa là mài giũa, thường nói đến ngọc được mài giũa thì sẽ trở thành ngọc đẹp.

Cái người trả lời về chuyên ngành của Trần Trác phì cười, trả lời tiếp: “Trùng hợp thật, cậu bạn này tên là Trần Trác.”

Thế là bằng một cách kỳ diệu nào đó, Trần Trác bỗng trở nên nổi tiếng trong một phạm vi nhỏ, đi trong trường thỉnh thoảng cũng có mấy cô nàng bạo dạn chào hỏi cậu, có người thú vị hơn, đứng từ xa hô to: “Á, anh chính là chàng trai ôn hòa, là viên ngọc được mài giũa!”

Lúc đó Hứa Minh Kiến đang đi cùng với cậu, lão Hứa bình thường không quan tâm mấy chuyện này mà cũng thấy tức cười. Buổi tối Tống Lãng Huy quay phim xong chạy thẳng đến rạp kịch, Hứa Minh Kiến thuật lại cảnh tượng hồi chiều đến lần thứ năm mà vẫn chưa chán. Tống Lãng Huy cười hơn hớn, còn tươi hơn cả lúc mình được con gái theo đuổi. Anh bảo:

– A Trác em thấy chưa, anh nói rồi mà, chỉ là vấn đề thời gian thôi, viên ngọc mà anh tâm đắc sao có thể bị phủ bụi mờ được.

Mọi người cười đùa với nhau, ngoại trừ Trần Trác thì không ai rõ rốt cuộc anh đang nói về cái gì.

Trần Trác và Tống Lãng Huy trao nhau một nụ cười chân thành giữa khung cảnh náo nhiệt này.

Điểm thi cuối kỳ của Trần Trác rất khá, về nhà cũng bắt đầu nghiêm túc viết kịch bản. Ngoài việc bố mẹ yên lặng yên lặng hơn bình thường trong bữa cơm tất niên thì có vẻ như cuộc sống của cậu lại được đưa vào một quỹ đạo tốt. Trần Khải Sinh vẫn chưa chịu từ bỏ, khi cả nhà quây quần xem Gala Đêm xuân với nhau ông đột nhiên nhắc đến chuyện đã liên lạc với một người bạn đại học nào đó, bây giờ đang dạy cho một trường đại học nào đó ở nước ngoài. Tuy trường này không có xếp hạng cao nhưng nếu Trần Trác chịu nộp đơn thì ông sẵn sàng giúp đỡ, khoảng thời gian từ lúc tốt nghiệp cấp ba đến lúc nộp đơn có thể nhờ một bên trung gian viết kinh nghiệm thực tiễn cho.

Thật ra Trần Trác có hơi áy náy, cậu đã từng trải qua khoảng thời gian khó khăn mà lựa chọn này đem tới, nhưng cuối cùng lựa chọn đó lại làm khổ cha mẹ, di chứng mà Trần Khải Sinh phải chịu e là còn nghiêm trọng hơn cậu. Sau khi lên đại học cậu cũng giảm bớt tần suất gọi điện thoại cho mẹ, nói được hai ba câu là mẹ lại thở dài.

Trần Trác hiểu bố mẹ mình cũng là người không thích giao tiếp với xã hội giống như mình. Cậu không biết đằng sau một câu bâng quơ “sẵn lòng giúp đỡ” của Trần Khải Sinh là ông đã phải chịu khó liên lạc như thế nào với người bạn cũ lâu năm không gặp, phải dẹp bỏ thể diện qua một bên đi cầu xin người ta chỉ vì muốn cậu quay lại con đường mà ông gọi là đúng đắn.

Nhưng sai thời điểm mất rồi. Trần Trác đã lĩnh hội được niềm vui từ kịch nghệ, nếu như tháng Chín Trần Khải Sinh nói như vậy thì có lẽ cậu sẽ đắn đo rồi thỏa hiệp. Nhưng từ những cuốn sách Hứa Minh Kiến đề cử, từ căn hầm đậm vị phở Việt Nam, cậu đã nhìn thấy một thế giới đặc sắc hơn. Trần Trác đợi tiếng vỗ tay trên chương trình truyền hình ngừng lại mới nói:

– Bố ơi, có lẽ con đường này chưa hẳn là đúng, nhưng hiện giờ con đang rất vui.

Cậu nói xong, lại cảm thấy câu nói này cũng giống như đang nói về mối quan hệ của mình với Tống Lãng Huy vậy. Một lần chọn không đúng chuyên ngành bố mẹ mong muốn, nửa năm qua đi họ vẫn chưa thể chấp nhận được, Trần Trác không thể tưởng tượng nổi mình phải thẳng thắn chuyện của mình với Tống Lãng Huy như thế nào. Giữa những tràng cười và tiếng pháo vang trong tivi, cậu thở dài một hơi não nề.

Kịch bản mà Trần Trác viết có tên là “Pha lê trong suốt” (*), vừa khai giảng trở lại, Hứa Minh Kiến thảo luận với cậu non nửa tháng trời, sửa lại một loạt rồi mới chính thức cho tập dợt. Tống Lãng Huy tự giác tới nhận vai nam chính, cười hí hửng nói:

– Vậy nhờ biên kịch Trần chỉ bảo thêm ạ.

(*) từ “trong suốt” là “tình lãng”, lãng này giống với chữ lãng trong Tống Lãng Huy. Cụm từ này trích từ câu “Pha lê trong suốt, quýt thì rực rỡ” của nhà thơ Bắc Đảo. Nó có nghĩa là pha lê tuy trong suốt long lanh nhưng dễ vỡ, quýt mang màu rực rỡ nhưng chóng tàn.

Đó là khoảng thời gian tươi đẹp nhất thời đại học trong hồi ức của Trần Trác. Cậu và người cậu yêu cùng nhau dệt câu chuyện cậu viết thành hình thành dạng, mọi người trong đoàn kịch luyện tập cũng vô cùng nghiêm túc, Trần Trác có thể cảm nhận được mọi người đều hiểu câu chuyện này, hiểu được cậu muốn kể điều chi. Mỗi khi tập diễn xong cậu đều có rất nhiều nghĩ suy để không ngừng hoàn thiện kịch bản, và trong lúc cọ xát thì kĩ năng diễn xuất của mọi người cũng trở nên thuần thục hơn. Trần Trác nhận được học bổng nhờ thành tích đứng đầu chuyên ngành trong học kỳ một, sau khi tập xong cậu bao mọi người ăn ở lầu trên.

Thậm chí Trần Trác còn thích những giây phút tập diễn với Tống Lãng Huy hơn cả những buổi chiều cùng anh làm bài tập lúc trước, ngay cả lúc hai đứa tranh luận vì một câu thoại cậu cũng thấy ưng.

Thậm chí khi đó Trần Trác còn từng có suy nghĩ: Có lẽ làm một biên kịch cũng được, viết hoài viết mãi những câu chuyện cho Tống Lãng Huy. Anh muốn trải nghiệm cuộc sống như thế nào thì cậu cũng sẽ viết ra cho anh.

Tháng Năm hằng năm, đoàn kịch sẽ tổ chức công diễn, nhưng rạp kịch giới hạn số ghế nên khán giả cũng chưa tới ba con số. Tống Lãng Huy tham gia cũng xem như là một điểm thu hút lớn, năm đó phải nói là giành giật nhau từng cái vé. Ngày chính thức công diễn, không một tấm vé nào bị bỏ phí. Mọi người trong đoàn hoàn thành vở kịch cực kỳ tốt, khi màn diễn kết thúc, tiếng vỗ tay rần rật như pháo vang lên từng tràng dài trong căn hầm nho nhỏ. Bọn họ chào cảm ơn ba lần, Trần Trác và Tống Lãng Huy đứng chính giữa, hai người siết chặt tay nhau cúi chào dưới ánh đèn sáng rực và vô vàn cặp mắt quan sát.

Giây phút này là đường đường chính chính.

Tiệc mừng công cũng vẫn là món Việt Nam. Chủ quán cười bảo bọn họ không thấy ngấy à, sau đó quyết định “chơi trội” làm luôn một món cá chưng tê cay. Trần Trác không hảo ăn cay, dính một tí mặt đã đỏ lét, môi cũng đỏ theo. Hôm đó mọi người đều đang thả mình trong sự sung sướng, Tống Lãng Huy không nhịn được, hôn cậu ngay trước mặt mọi người.

Cả bàn sững sờ mười giây, sau đó ồn ào trở lại ngay, bàn khác không hiểu đã xảy ra chuyện gì cũng quây lại hô “Encore” rồi cả “Bravo”. Tuổi trẻ sống buông thả mà, không ai thấy nụ hôn này có vấn đề gì cả, mọi người đều vỗ tay reo hò, sau khi tàn tiệc đi ra ngoài giữ kín như bưng chuyện của họ.

Đoàn kịch này xem như là những người chứng kiến cho mối quan hệ ấy. Chắc có lẽ bạn cùng phòng của Trần Trác nói đúng, đa số những người có mặt hôm đó cuối cùng rồi cũng chẳng thể bước chân vào giới giải trí, tốt nghiệp đại học xong phiêu dạt một thời gian rồi cũng quay về cố xứ, làm một ngành nào đó không dính líu gì tới kịch nghệ. Đến cả Hứa Minh Kiến cũng theo bước chân cha, bắt đầu viết những kịch bản tình cảm nhăng nhít nhưng kiếm ra tiền, một lần viết là tám chục tập.

Trần Trác vẫn giữ đĩa CD của màn biểu diễn này, tháng Năm năm nào cũng lôi ra xem lại. Thật ra cảnh quay không được rõ, thu âm cũng rất tầm thường, thậm chí bây giờ nhìn lại thấy một số câu thoại hơi quá lố. Nhưng Trần Trác biết, trong đây có Tống Lãng Huy vừa mới hai mươi tuổi, có cậu ngồi dưới khán đài cầm quyển kịch bản với biểu cảm điềm tĩnh nhưng trong lòng thì hồi hộp, cũng có những người bạn hiền hậu cùng chung chí hướng thích xây tạo giấc mơ, ai ai cũng đầy khí chất và tài năng. Đến cả nụ hôn cuối buổi của hai đứa và tiếng hò reo của mọi người lúc ăn tiệc cũng được Hứa Minh Kiến giữ máy quay thu lại làm cảnh bên lề.

Những người trong câu chuyện đều không còn đứng trước ống kính nữa rồi, còn câu chuyện của cậu là Tống Lãng Huy thì cũng được viết ngoáy một dấu chấm hết.

Mấy năm trước Hứa Minh Kiến có chạm mặt Trần Trác ở một buổi tiệc, bộ phim mà anh viết đang hot, xung quanh anh toàn là nữ diễn viên trẻ. Trần Trác tình cờ gặp anh trong phòng vệ sinh, trên mặt anh lại không có bất kỳ vẻ thỏa mãn hay vui vẻ nào. Trần Trác vẫn còn nhớ căn hầm chật chội và lập lờ ánh sáng, trên tai Hứa Minh Kiến kẹp điếu thuốc, và trên mặt luôn là nụ cười hờ hững thong dong, tay trái cầm kịch bản, tay phải gắp một đũa phở.

Hai người chào hỏi nhau, nhưng không tài nào tìm được sự thân thuộc ngày xưa. Lần cuối hai người nói chuyện với nhau là lúc Hứa Minh Kiến chửi Trần Trác là đồ tồi.

Trước khi Trần Trác ra khỏi phòng vệ sinh, bỗng dưng Hứa Minh Kiến nói một câu không đầu không đuôi:

– Lúc trước có phóng viên hỏi anh có thân với hai đứa hay không, hỏi anh có phải hai đứa từng tham gia đoàn kịch của anh hay không, hỏi có phải em với Tống Lãng Huy đã trở mặt nhau từ trước hay không, hỏi anh có câu chuyện nào về hai đứa để chia sẻ hay không.

Hứa Minh Kiến dập tắt điếu thuốc:

– Mẹ kiếp anh không trả lời một câu nào, chỉ nói, tôi đếch có đoàn kịch nào hết.

——-

Chắc một số bạn chưa rõ tại sao HMK lại nói câu cuối, ban đầu mình cũng ko rõ nên đi tìm đồng đạo trên weibo, mình thấy họ phân tích khá hợp lý nên mình giải thích theo cách họ nói nhé: Mấy bạn đọc đoạn cuối cũng thấy là đam mê với nghệ thuật của HMK rất mạnh, anh dẫn theo nhiều người khác cùng xây tạo ước mơ, nhưng đến cuối cùng ko ai tiếp tục đam mê này được nữa mà phải chuyển sang con đường khác, đến cả bản thân HMK cũng phải đi theo đồng tiền mà viết kịch bản nhăng nhít, nên khi phóng viên hỏi dồn những câu liên quan đến đoàn kịch, tuy là về TT và TLH, nhưng giống như đang hỏi bản thân HMK rằng có phải ngày xưa anh từng dẫn bao nhiêu đó người đi xây ước mơ hay không. Nhưng sự thật thì quá phũ phàng, đến bản thân anh cũng ko thể biến ước mơ thành sự thật, nên trước mặt những người không cùng chí hướng, không hiểu nội tình (ý là bọn phóng viên), thì anh thà là chối bỏ quá khứ chứ không muốn nói chuyện đó với bọn họ.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.