Nhớ Ai Đó Đến Kiệt Quệ

Chương 49



Hả? Rước được rồi? Sao mợ không biết gì hết thế? Không lẽ cậu giấu nó trên rừng, ở cái nhà gỗ đó? Thảo nào thỉnh thoảng có những buổi cậu hay đi núi từ tờ mờ sáng đến tối mịt mới về, thảo nào ngay cả cô Hoàng Anh cũng chê. Hoá ra lòng cậu đã sớm có ý trung nhân, chắc sau này xây được nhà cao cửa rộng cậu mới đàng hoàng đón về.

Mợ biết mợ ích kỷ, nhưng mợ không thích chia sẻ cậu với ai cả, dù chỉ là một cái liếc nhìn. Mợ ghen ghê lắm, mợ hằn học chất vấn.

-“Thế cậu cho con đó cu tí chưa?”

Cậu nghiêm chỉnh lắc đầu, mợ thở phào nhẹ nhõm. Tiếc rằng, tới lúc mợ hỏi hai người ôm nhau chưa, thơm nhau chưa thì cậu đều đáp rồi. Mợ buồn quá, tâm trạng não nề như rơi thẳng xuống địa ngục, mắt long lanh một bọng nước, nhưng vì tò mò, nên mợ cố hỏi thêm phát cuối.

-“Thế cậu và con đó hôn nhau mấy lần rồi? Lần gần nhất là bao giờ? Chiều qua hử? Cậu đi bắt lợn rừng xong cậu rẽ vào mần nó luôn chứ gì? Tui chả đi guốc trong bụng các người!”

Mợ giận rồi đó, giận nên cái giọng cũng chua lòm ra. Cậu nheo mắt nhìn mợ, môi cậu lướt qua cánh môi mọng đỏ của mợ, rất nhanh thôi, đủ để đầu óc mợ chuếnh choáng, rồi cậu chậm rãi bảo.

-“Tụi tui…vừa hôn nhau xong.”

Mợ bị đơ mất một lúc, tới khi hết đơ thì sướng, sướng điên luôn. Hai tay mợ đập ngực cậu rầm rầm, thích chí gào thét ầm ĩ.

-“Tui hả? Tui là con đó hả? Vừa hôn xong thì tui chớ còn ai nữa? Cậu hai thương thầm tui từ lâu rùi hả? Cậu rước được tui rồi còn gì nữa? Ơ hoá ra lại là tui đấy, thế mới hay.”

Mợ cứ oang oang hết cả lên, hàng xóm láng giềng sang chúc Tết tưởng có chuyện liền lũ lượt chạy xuống, bu mợ nom đôi trẻ tình tứ trong bụng thấy ngòn ngọt nhưng ngoài miệng vẫn e hèm nhắc mợ đàn bà con gái ăn nói nhỏ nhẻ thôi, giữ ý giữ tứ một chút. Cậu hai ngượng hay sao ấy, thấy cậu đứng dậy rót nước vối vào phích cho bu mà mặt đỏ phừng phừng, còn quay lại lườm mợ mấy cái liền chứ.

Cáu là vậy nhưng lúc ăn cơm bu gắp cho cái đùi gà thì vẫn đẩy sang bát của mợ. Thằng Toàn chẳng biết có phải nom anh rể học tập không mà cũng chẳng ăn nữa, nhường cho con Trang, vợ nó xé thật nhỏ cho cu Thóc rồi quay sang bảo chồng.

-“Ban nãy tui xin bu cho thầy nó ba buồng cau đẹp rồi đó, để mồng mười mà hỏi vợ.”

Chú Toàn lí nhí cảm ơn bu, bác Trâm hơi ưng ức nhưng bu không có phản ứng gì nên bác đành lặng thinh. Cưới thêm vợ là cái quyền của đàn ông mà, đàn bà con gái đâu được bép xép. Hơn nữa nhà cu Thóc khá giả lắm, thằng cha nó có rước thêm chục cô về thì vẫn có chỗ ở thôi.

Cu Thóc còn nhỏ, chả hiểu gì sất, nó bốc miếng giò mút mút rồi dụi vào vai bu cười hềnh hệch. Hết bữa bác Trâm nhận dọn dẹp cho nhà nó về sớm, bu nó bồng nó đằng trước, thầy nó cùng con chó lẽo đẽo theo sau, đến ngã ba thì thầy nó đánh tiếng.

-“Bu mày về trước, tui sang báo tin vui cho Phụng nhé!”

-“Ừ.”

Cái Trang đáp nhưng không ngoảnh lại, cu Thóc mải nũng mẹ cái này cái kia nên chẳng bận tâm lắm. Toàn định dắt chó sang với Phụng nhưng chó bữa nay giở quẻ, một mực không chịu rẽ phải mà cứ thế lon ton chạy theo Trang Thóc. Toàn một mình ở ngã ba, nhìn theo bóng lưng của hai người một chó, bất chợt lòng nó trĩu nặng, nó đứng đó rất lâu, rất lâu cũng không biết nên rẽ hay nên đi thẳng?

Thế rồi, nó gặp bà cả. Bình thường bà sang chảnh lắm, tầm mắt bà cao, bà sao có thể hạ xuống để nói chuyện với người như nó? Tay bà còn cầm cành lộc non, chắc có lẽ do bà mới đi chùa về nên tâm an tính lành, bà bâng quơ bảo.

-“Bắt tôm về thì thả tép đi, hai con chung giọ, khó mà êm ấm.”

Phú ông ở mạn đồng xa xa nghe thấy giọng bà liền mừng huýnh lao tới, bà kiêu căng rảo bước, một cái liếc nhìn cũng không bố thí cho ông. Nó nom ông bà, chẹp miệng lắc đầu. Lời bà nói khá có lý đấy chứ, hai vợ lại thêm một con chó, kể cũng mệt nhỉ? Nhưng con Trang đẻ cu Thóc rồi, bỏ sao được? Con Phụng thì đáng thương, nó nghĩ một hồi, rồi nó nhức hết cả óc, đành chạy về nhà lôi vò rượu ra uống ừng ực, ấm cái bụng đã, mọi chuyện để tính sau vậy.

Rượu con Trang ủ thì ngon phải biết rồi. Nó được Trâm dạy mà, Trâm cũng ủ vài vò biếu họ hàng gần xa. Riêng dì Hồng được ưu ái hai vò, con cháu có hiếu thật, dì mát ruột ghê gớm, dì kéo mợ vào buồng thủ thỉ.

-“Cái chợ đầu mối phía Nam ấy, cách chỗ mình hai canh giờ, nhà dì có xe bò thồ hàng rồi, ra giêng Trâm xuống đó làm ăn với dì không? Có gì mình bán nấy, chợ buôn lớn lắm, lãi ít nhưng bù lại bán được nhiều.”

Mợ nghe dì tỉ tê gật đầu lia lịa, căn bản mợ vốn đang lo không biết đào đâu ra đủ tiền nộp lệ phí thi cho cậu đây. Dì cháu bàn bạc rõ rôm rả, ấy thế mà đến lúc thực thi, dì lười chảy thây, đi được dăm bữa nửa tháng thì ngại, toàn trốn ở nhà rồi gửi hàng cho cháu bán giùm. Dì có gửi thêm chút tiền uống nước nữa nên mợ tuy nhọc hơn nhưng lại dành dụm được nhiều hơn, mới qua hai tháng đầu năm mà đã bỏ ra được mười bảy quan rồi, mợ mừng ghê lắm.

Sang tháng thứ ba, có một ngày trời xanh miên man, hoa gạo đỏ thắm đượm nồng nàn, trong buổi chợ chiều oi ả nhộn nhạo, mợ tình cờ gặp bé Dung. Người nó nhỏ xíu, kéo chiếc xe thồ to bự, thằng chồng phì phèo nhả khói thuốc lào bên cạnh, thi thoảng lại đập đập điếu cày vào lưng vợ, ra sức quát nạt chửi rủa.

Mợ gọi con bé, nhưng có lẽ nó xấu hổ nên cứ cúi gằm mặt. Nó tội ghê, khổ nỗi mợ lại chẳng dám ra can, tại sợ làm thằng cha mất mặt rồi nó nuôi hận, đêm về nó hành vợ thêm thì khổ.

Thương nó nên bữa nào gặp mợ cũng lén quẳng vào gánh hàng của nó thứ gì đó, khi thì chút xôi lạc, khi thì miếng bánh đúc, hay có lúc là vài chiếc kẹo kéo nó thích ăn. Ôi mợ cũng chả dư giả gì, nhưng xưa các cụ dạy mà, lá rách thì đùm lá nát thôi. Rồi có bữa thằng chồng nó về trước, nó chạy ra ôm chầm lấy mợ, khóc lóc rấm rứt.

-“Mợ Trâm ơi…mợ về bảo anh Trí khi nào thi đỗ thì mau mau sang chuộc con mợ nhé! Nó đánh con hoài, nó kêu rước vợ nhỏ chẳng mần ăn được gì sất, rồi nó bảo con là con nợ, cả tháng nay nó toàn bắt con ăn khoai thôi…con…con…thèm cơm lắm mợ à…”

Bé Dung nấc lên từng tiếng, mợ Trâm hì hụi lôi ra nắm cơm nhỏ cùng ít muối vừng mợ để dành ban sáng, cười cười đưa nó. Nhìn nó nhai ngon lành khoé mắt mợ rơm rớm, hôm ấy mợ ngồi an ủi nó mãi đến xế chiều, thành ra hàng họ chẳng bán được là mấy. Lúc ngó thấy xấp vải lanh còn nguyên mợ mới bắt đầu sốt ruột, cũng may có anh thương lái đi qua sà vào hỏi han.

-“Toàn bộ chỗ này bán bao nhiêu thế cô em xinh đẹp?”

-“Bảy tiền.”

Thấy khách sộp nên mợ nói thách, ai ngờ hắn đưa ra bảy mươi tiền luôn, tức bảy quan ý, với điều kiện mợ phải cho hắn ôm một cái. Mợ lúc đó đầu óc chập cheng lú lẫn, chỉ nghĩ được bảy quan là rất nhiều, góp vào sẽ rất nhanh đủ tiền cho cậu nộp lệ phí thi, và cả con Dung nữa, ngày mai mợ sẽ mua cho nó nguyên xâu bánh tẻ nóng hổi. Trong khoảnh khắc ngu muội nào đó, mợ đã gật đầu cái rụp.

Tiền thì mợ cầm chắc trong tay rồi đó, khổ nỗi, cái thằng cha khốn nạn, ngoài ôm ra thì hắn dám thơm mợ thêm một cái vào cổ nữa mới điên chứ. Mợ chưa kịp cầm đòn gánh dần cho một trận nhừ tử thì nó đã lủi mất, vải còn chẳng thèm lấy. Mợ ngó nghiêng ngó dọc một hồi, thấy không có mống nào thì thở phào nhẹ nhõm, đoạn lật đật quay lại dọn hàng.

Trên đường về tự dưng mợ bắt đầu sợ sợ, sợ nhỡ có ai hớt hẻo cho cậu thì mợ toi. Trộm nghĩ chợ chiều tan từ lâu rồi, chắc ma không biết quỷ không hay đâu. Mợ tự trấn an mình mãi nhưng lòng dạ cứ bồn chồn bứt rứt, tâm trạng nôn nao thấp thỏm đến lạ.

Linh cảm của mợ quả không sai, chẳng rõ cơ sự ra làm sao mà lúc về tới nơi mợ thấy bịch quần áo của mợ được gói gọn gàng đẹp đẽ, đặt ngay ngắn ngoài ngõ. Cổng cài chặt chốt, cậu đang ngồi chặt củi trong sân, sắc mặt có vẻ không được tốt cho lắm, mợ ríu rít gọi nhưng cậu không thèm đáp, cậu quăng chiếc rìu đánh phật, thân cây hồng đứt đôi, còn cậu lừ lừ bỏ vào buồng.

Mợ len lén mở cổng chạy theo, ngặt nỗi chẳng mấy chốc đã bị cậu vòng tay qua nhấc lên. Mặc cho mợ năn nỉ ỉ ôi, cậu vác mợ, như cái cách cậu vẫn vác lợn, rẽ về phía nhà bu Trinh. Tới nơi rồi, cậu thẳng tay ném mợ vào lùm rơm trước cửa, đoạn lạnh lùng quay lưng, một lời cũng không nói.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.