Nhị Triều Hoàng Hậu - Dương Vân Nga

Chương 19: Phó vương lê hoàn



Xâm xẩm tối, ta đang ngồi giải quyết nốt đống tấu chương còn lại trong ngày, Lan Nhi đang đứng bên cạnh hầu trà, còn người hầu và thị vệ đã đưa Toàn Nhi về Cung Cồ Quốc để chuẩn bị tắm rửa, thay đồ sớm, thì thị vệ vào bẩm báo, có Tâm phúc Tướng quân Phạm Cự Lượng xin vào gặp gấp.

Vừa cùng nhau bàn bạc đại sự ở Ngự điện hồi chiều, giờ lại xin gặp gấp, phải chăng Phạm Tướng quân đã nghe ngóng được việc gì? Vừa lệnh cho Phạm Tướng quân vào mà lòng không khỏi băn khoăn nghĩ ngợi.

Sau khi thi lễ cung kính, Phạm Tướng quân không đợi tao hỏi, bèn trình bày luôn:

– Thần có thiển ý này muốn bẩm lên Thái hậu, nhưng vì không tiện nói trước mặt các văn võ bá quan, nên phải liều mình xin gặp riêng Thái hậu như thế này. Việc bài binh bố trận như ban chiều các đại thần đã thống nhất thần không có ý kiến gì nữa. Chỉ có điều xưa nay mỗi khi có họa xâm lăng, thì đều là Hoàng Thượng, Vương gia phải trực tiếp ra trận để bảo vệ đất nước, giang sơn của mình. Nay Tiểu Hoàng Thượng còn nhỏ, khó có thể gánh vác được việc này, mà anh em, chú bác tâm phúc đứng ra thay mình gánh vác lại không có, thiết nghĩ như vậy khó thu phục được lòng thiên hạ, khó an ổn lòng binh sỹ ra trận. Vậy nên thần mới thiển nghĩ, nên chăng Thái hậu hãy phong Lê Thập đạo Tướng quân làm Phó Vương để thay Hoàng tộc gia trận. Có Vương gia sát cánh bên mình, thì binh sỹ mới có thể yên lòng mà chiến đấu vì đại sự được.

Phạm Tướng quân nói đến đó, rồi im lặng nhìn ta nghe ngóng. Ta trong phút chốc quá đỗi bất ngờ vì cái ý tưởng đó, không thốt nên lời. Thấy ta im lặng, Phạm Tướng quân lại tiếp:

– Trong thời bình mà nói, binh sỹ vẫn là trên bảo dưới nghe. Nhưng lúc ra trận liệu có còn được như thế chăng? Không có Hoàng Thượng, Vương gia lăn xả đi đầu, ghi công luận tội họ, liệu họ có thể hết mình mà chiến đấu? Lê Thập đạo Tướng quân tuy không phải là người nội tộc, nhưng đều là có mối thâm tình tâm giao xưa kia. Như thần đây, vì đội ơn họ Dương và Võ đường Dương Xá mà hết lòng lo lắng cho Thái hậu và Tiểu Hoàng Thượng. Vậy thì một người khảng khái, nghĩa hiệp như Lê Tướng quân, lẽ nào không đáng tin cậy hay sao?

Phạm Tướng quân nói xong lại tiếp tục cúi đầu chờ đợi. Ta vẫn ngồi ngây ra đó không nói gì. Lan Nhi thấy vậy cúi xuống rót trà, cố ý để áo nàng quệt vào mặt ta làm ta trở về với thực tại. Ta nuốt vội cục nước bọt, rồi bảo:

– Phạm Khanh gia nói hết sức có lý, nhưng việc phong Vương là một việc hết sức hệ trọng, ta cần phải hỏi ý kiến các vị đại thần đã.

– Nếu cần hỏi ý kiến các vị đại thần, vậy thần đâu cần phải gặp riêng Thái hậu? Xin Thái hậu hãy hiểu cho hai điều này: Thứ nhất các vị đại thần chính là những người đã cả một đời cùng Tiên Đế dọc ngang xây dựng cơ đồ, hết lòng phò tá họ Đinh lập quốc, họ dễ gì đồng ý để một người ngoại tộc được phong Vương. Thứ hai: Cũng chính vì một đời phò tá họ Đinh, nên Thái hậu cũng cần hiểu rằng, họ chẳng qua là trung thành với họ Đinh mà tôn Tiểu Hoàng Thượng lên ngôi cao. Là họ trung thành với dòng máu họ Đinh đang chảy trong huyết quản của Tiểu Hoàng Thượng chứ họ có thực sự trung thành với Thái hậu và Hoàng Thượng? Thái hậu và Hoàng thượng, hai người đang ở ngôi cao tót vời, nhưng cũng chính là thân cô, thế cô giữa Hoa Lư này thôi.

Phạm Cự Lượng nói đến đó nghe chừng đã hết ý, bèn im lặng đứng sang một bên. Một hồi thấy ta tiếp tục im lặng, mà có vẻ như cũng không chờ đợi câu trả lời của ta, bèn xin phép cao lui rồi trở về phủ thất.

Lan Nhi tiễn chân Phạm Tướng quân rồi đi gọi kiệu để ta trở về bên Cung Cồ Quốc.

Còn lại một mình ta trong bóng tối tịch mịch đang dần buông xuống.

Sao cuộc đời lại bỗng dưng đặt ta vào hoàn cảnh như thế này?

Lê chân lên kiệu trở về Cung Cồ Quốc bỗng thấy người mệt mỏi rã rời.

Tự buông mình vào trạng thái lơ mơ, không buồn suy nghĩ gì thêm nữa, mà vẫn thấy lòng não nề khôn tả.

Trở về Cung Cồ Quốc thấy Toàn Nhi đã được tắm rửa sạch sẽ, đang chuẩn bị ăn cơm để đi ngủ, Cấm vệ quân vẫn canh gác cẩn mật xung quanh mới yên tâm về phòng.

Mặc cho Lan Nhi và thị nữ trong Cung chuẩn bị nước hầu tắm, kì cọ rồi mặc quần áo, xong xuôi lại xếp cơm tối ra ăn, mà ta cũng chẳng thèm để ý. Cơm thì không thèm động đũa.

Lan Nhi thấy vậy bèn bảo hết người hầu kẻ hạ ra ngoài rồi nói:

– Nếu Thập đạo tướng không phải là Lê Hoàn, mà là một huynh đệ nào đó khác ở Dương Xá thì Thái hậu có tận dụng mối quan hệ này không? Sao người không đơn giản là gạt mối quan hệ tư tình qua một bên để suy nghĩ cho đại cục? Suy cho cùng Phạm Tướng quân nói rất đúng. Đó cũng là những điều mà bản thân em suy nghĩ, trăn trở bấy lâu nay. Người và Hoàng Thượng không thể đứng ở ngôi cao chín tầng mà không có ai ở bên mình được. Ngày nay thì chưa xảy ra chuyện gì mọi người đều quy thuận, nhưng rồi mai sau ai biết ra sao?

Nói xong rồi nàng ngồi đó nhìn ta. Ta không đáp lại, vẫn cứ ngồi bên bàn ăn, không thèm cầm tới đũa bát.

Ta hiểu ý của nàng, nhưng đơn giản như thế thì ta suy nghĩ làm gì? Cuộc đời đâu phải cứ nói gạt chuyện xưa sang một bên là có thể gạt được. Những chuyện đã xảy ra, những ân oán của con người, dù có chôn sâu, vùi chặt, thì nó cũng đâu phải là tảng đá, hay khúc gỗ nằm dọc đường mình đi, nói gạt ra là có thể gạt được, mà nếu mình không gạt nổi thì có thể sai người hầu kẻ hạ nhấc qua một bên cho mình?

Ôi nếu cuộc đời của ta và con người ấy, cứ thế mà chạy theo hai đường thẳng xa nhau mãi mãi, rồi mai sau ta nguyện làm kiếp trâu ngựa trả nợ ân tình cho chàng, trả món nợ thề bồi non nước khi xưa chúng ta đã hứa thì ta cũng cam lòng. Nhưng bây giờ thì sao? Hơn mười năm qua chúng ta không hề gặp gỡ. Chúng ta, hoặc ít nhất cũng là ta, đã phải kiếm đủ cớ để không phải nhìn thấy nhau ở Hoa Lư này. Nhất là từ khi tiếng đồn vang khắp Kinh thành rằng Hoàng hậu cung Cồ Quốc chính là được sủng ái nhất trong năm Hoàng hậu. Đến khi Toàn Nhi ra đời thì ta càng hạn chế giao tiếp, chẳng mấy khi tham gia các yến tiệc lễ lạp của Hoàng cung. Có những lúc ta lo cho con mình, lo cho cuộc sống của hai mẹ con tới mức đã quên cả sự tồn tai của chàng, quên mất rằng mình đã từng có một thời thanh xuân thơ mộng như thế, quên mất rằng chúng ta đã từng có những ngày tháng bên nhau, từng thề thốt sẽ mãi mãi không rời. Thế mà rồi bây giờ thì sao? Chồng vừa qua đời chưa được bao lâu lại muốn dựa dẫm vào thế lực của chàng để tăng vây cánh cho mẹ con mình. Ta không phải là trơ chẽn quá hay sao?

Nhưng nếu không dựa dẫm vào chàng thì ta biết làm sao đây? Giặc Chiêm thì đang lâm le ngoài bờ cõi mà ta với Toàn Nhi mẹ góa con thơ, không thể làm gì được. Anh em họ mạc thân thiết cũng không có để tham gia trận tiền. Ai chắc rằng tất cả sẽ vì hai mẹ con ta mà chiến đấu? Ai sẽ sống mái ở nơi xa trường trong khi hai mẹ con ta bất lực ngồi nhà? Rồi ra tính về lâu về dài cũng vậy, nếu ai đó có âm mưu, lòng bụng gì, liệu chúng ta có thể trông cậy vào ai?

“Thân cô thế cô giữa Hoa Lư này”! Phạm Tướng quân thật biết đánh vào điểm yếu ấy mà làm lung lạc ý chí người ta!

Bao năm qua giữa những biến động sóng gió Hoa Lư, kể từ khi không còn được họ Đinh đoái hoài tới, kể từ khi Ngọc Nhi qua đời một cách bí ẩn, cho tới khi Hoàng tử Hạng Lang được chọn làm người kế vị, rồi ngay cả khi họ Đinh qua đời, không phải chính là cái cảm giác đó xấm chiếm lòng ta, làm ta bao phen kinh sợ hay sao? Không phải ta bao lần muốn trốn khỏi nơi này vì quá cô đơn và sợ hãi hay sao?

Bây giờ ngồi trên ngôi cao này như là đã ngồi trên lưng cọp thì làm sao có thể dễ dàng xuống được? Không phải là cần lắm những người thân tín ở bên, để có thể tin tưởng và trợ giúp mình hay sao?

Chao ơi, hãy xem lại ta kìa! Ta lại có thể nghĩ tới chuyện đó một cách thản nhiên như vậy! Lại có thể nghĩ tới việc kéo con người ấy về phía mình. Sao ta có thể trơ chẽn đến vậy! Rồi người sẽ nghĩ thế nào? Liệu con người ấy có chấp nhận việc này không? Có vì việc này mà khinh thường ta, khinh thường kẻ bội bạc năm xưa, giờ lại có thể dựa dẫm vào sức mạnh của người để bảo vệ chính bản thân và đứa con của mình? Rồi đây chúng ta đối diện với nhau như thế nào? Nợ nần xưa chưa trả, ân oán xưa chưa một lần sáng tỏ. Vậy mà giờ lại như thế này. Chúng ta liệu còn có thể đủ tự tin mà nhìn vào mắt nhau một ngày nào đó không? Có đủ không? Có được không?

Ta cứ suy nghĩ như thế, cứ nâng lên đặt xuống, lăn qua lăn lại giữa giường. Rốt cuộc vẫn không thể quyết định được. Rồi lại nghĩ, không biết quân tiền trạm đã đi tới đâu, không biết quân Chiêm Thành đã có động tĩnh gì rồi, không biết cảnh can qua giặc giã chúng ta sẽ đối phó như thế nào? Chuyện nọ lại tới chuyện kia, chuyện này chồng tiếp lên chuyện khác. Thế mà hết một đêm trắng không hề chợp mắt.

Sáng, Lan Nhi tỉnh dậy, nhìn mặt ta đã đoán được sự tình. Nhưng nàng cũng không hỏi han gì cả, cứ thế mà chuẩn bị nước rửa mặt, chải đầu, rồi lấy quần áo ấm giúp ta mặc vào người.

Sáng nay trời trở lạnh hơn. Mưa phùn lại kéo về lê thê. Không gian hết sức não nề, thê lương.

Nhà bên báo Toàn Nhi đã chuẩn bị quần áo chỉnh tề, đang đợi ta gọi sang dùng bữa sáng để hai mẹ con sang Ngự Điện chuẩn bị cho buổi chầu sáng.

Ta cho truyền sang, hai mẹ con cùng ngồi vào mâm cơm, nhưng cũng chẳng buồn ăn gì cả. Chỉ bảo Lan Nhi múc cho bát nước canh hạt sen hầm chân giò nóng, uống một hơi rồi lại lặng im ngồi đó.

Thấy thái độ ta như vậy, Lan Nhi và người hầu kẻ hạ chỉ ai nấy đều im bặt, không dám nói nửa lời. Toàn Nhi thấy không khí nặng nề như thế, hết nhìn ta lại nhìn Lan Nhi, nhưng cũng không thấy có động tĩnh gì, đâm ra sợ sệt, không dám mè nheo gì, cứ thế nhai vội cho hết bát cơm.

Ăn xong hai mẹ con, Lan nhi cùng hai hầu gái lại lục tục khăn áo để sang Ngự điện.

Chính vào lúc Lan Nhi khoác áo choàng lên vai ta, ta bèn bảo nàng:

– Thôi không cần mặc áo choàng nữa, em đi lấy giấy mực ra đây cho ta.

Sau đó gọi Toàn Nhi vào phòng, bảo soạn một Thánh chỉ phong Lê Thập đạo Tướng quân làm Phó Vương, trực tiếp thay mặt Hoàng thượng cai quản việc điều binh khiển tướng chống lại quân Chiêm Thành. Việc cắt đặt lực lượng chống Chiêm Thành theo đó giao hết cho Phó Vương cai quản. Việc thưởng phạt như thế nào cũng đều giao cho Phó Vương trên trận tiền tự mình quyết định cho phân minh.

Viết xong bèn sai Lan Nhi mang sang Ngự điện giao cho Lý Công Công. Lại báo với Lý Công Công thông tin cho các đại thần biết, Hoàng Thượng bị ốm trong mấy ngày tới sẽ không thiết triều được. Những việc gì cần gấp thì sai Lý Công Công tới bẩm báo, còn công việc quốc gia hàng ngày thì chuyển Tấu chương về Cung Cồ quốc để giải quyết. Khi nào Hoàng Thượng khỏi ốm sẽ thông tin tới cho các quan đại thần sau.

Sau khi Lan Nhi ngồi kiệu nhỏ đi rồi, mọi người lại lục tục cởi mũ áo ở nhà.

Toàn Nhi và đấm hầu gái thấy không phải sang Ngự điện thì hết sức vui vẻ. Nhưng thấy thái độ của ta hết sức lạ lẫm thì không dám cười đùa nhiều, cùng nhau kéo nhau về phòng Toàn Nhi chơi đùa hết sức thận trọng.

Ta bảo bọn người hầu kẻ hạ trong nhà bê một chiếc tràng kỷ lớn ra ngoài hiên, trải thêm một chiếc nệm lông chồn ấm cúng, rồi bảo bọn chúng chuẩn bị thêm ấm trà, cứ thế ngồi bên hiên nhà mà vơ vẩn ngắm mưa.

Rồi chợt nhớ ra một việc, bèn cho gọi thị vệ Cung vào dặn dò, trong mấy ngày tới các đại thần, quan lại xin vào gặp Hoàng Thượng, Thái hậu đều nhất mực từ chối. Nếu sai lệnh thì chém đầu, bất kể là ai.

Xong xuôi lại ngồi lún vào chiếc tràng kỷ lơ mơ ngó trời đất.

Ta chính là muốn bắt trước họ Đinh khi xưa, lúc phong Thái tử cho Hạng Lang vậy. Bế quan, tỏa cảng để tránh mọi sự can gián của các vị đại thần. Việc ta bất ngờ phong Vương cho một người ở ngoại tộc như Lê Hoàn chắc chắn sẽ gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của các trung thần, nhất là Lưu Cơ, Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Phạm Hạp. Nhưng ta thây kệ, không xin vào gặp ta để can gián được, rồi họ cũng đành phải buông xuôi như khi xưa họ Đinh phong Thái tử cho Hạng Lang mà thôi.

Cái ta băn khoăn nhất chính là không biết Lê Hoàn, con người ấy sẽ nghĩ thế nào với việc này? Liệu người ấy có xin vào gặp ta để phản đối hay không? Ta sợ nhất phải đối diện với con người ấy, với sự kháng cự từ con người ấy, với thái độ, với ánh nhìn khinh bỉ của người ấy. Còn các vị đại thần khác hoàn toàn có thể dùng quyền uy hiện thời mà gạt đi được.

Nhưng tạm thời bây giờ cũng chưa phải lo lắng về việc đối diện với Lê Hoàn, bởi hôm nay chính là ngày các mũi tiến công xuất phát, Lê Hoàn chắc chắn chẳng có thời gian đâu mà để tâm tới việc này. Vậy nên thây kệ, ta cứ thong thả đã.

Đầu giờ chiều Lý Công công mang sang một chồng tấu chương và bẩm báo tình hình. Đoàn quân tiền trạm xuất phát ngay buổi tối hôm qua vẫn chưa có tin tức gì, trong sáng nay các mũi tiến quân đã xuất phát như dự định, không có gì trở ngại. Lý Công công nói rồi đưa ra một tấu chương quan trọng do các vị đại thần gồm Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp, Lưu Cơ cùng ký tên yêu cầu giải quyết gấp. Ta chưa dở ra đã biết nội dung là gì, chỉ bảo Công công cứ lui trước ta sẽ giải quyết từng việc rồi sáng mai báo lại sớm cho Công công.

Lý Công Công lui đi rồi ta mới bảo Lan Nhi mặc áo ấm để ra ngoài đi dạo.

Thế là lại một chủ một tớ lục cục đi ra ngoài. Nhưng đến khi Lan Nhi hỏi đi đâu thì ta cũng mới ớ người ra, vì ta đơn giản chỉ là muốn đi ra ngoài, chứ cũng chưa biết là đi đâu cả. Vậy là cứ thế mà lững thững đi ra ngoài vườn.

Qua ngọ một cái là trời trở lại âm u, giờ mới đầu giờ Mão mà mây đã giăng lên xầm xì. Sương mù từ các sông ngòi xung quanh kéo về giăng mắc trên các tán cây, kẽ lá che kín cả lối đi, tầm nhìn.

Ngẫm nghĩ mới thấy không phải tự dưng khi xưa họ Đinh phải dùng mọi cách để thu phục cho bằng được Ngô Nhật Khánh. Vị tướng trẻ này không phải là thừa biết những đặc điểm của khí hậu, thời tiết cũng như phong tục, tập quán của nước Việt, nên mới chọn thời điểm này để mà đưa quân giặc về đánh người Việt hay sao?

Thời gian này là thời điểm nông nhàn, cấy cầy đã xong từ trong Tết, lại vừa ăn Tết xong nên nhân dân đang nghỉ ngơi. Năm nay tuy họ Đinh vừa mất, không được tổ chức hội hè, nhưng tâm lý nhàn tản thì không thể tránh khỏi. Thêm vào đó ra Giêng thường là thời điểm lạnh giá nhất trong năm, mưa phùn và sương mù bao phủ, làm tầm nhìn giảm đi rất nhiều.

Nghĩ tới đó lại tự nhủ, quyết định của ta đâu phải chỉ đơn giản là vì ta và con trai mình? Đó không phải cũng là vì sơn hà, xã tắc, vì người dân Đại Cồ Việt hay sao?

Thở ra một hơi, thấy lòng thêm một phần nhẹ nhõm.

Rồi chợt nảy ra một ý định, ta bèn quay sang bảo Lan Nhi:

– Em về gọi một chiếc xe nhỏ, ta muốn sang thăm Trinh Minh Nương nương.

Lan Nhi đi rồi nhanh chóng trở lại theo chiếc xe một ngựa. Nàng vội nhảy xuống đỡ ta lên xe. Đợi ta yên vị ở trong xe, nàng mới rụt rè bảo:

– Thái hậu, người định sang thăm Trinh Minh Nương nương thật sao?

– Đúng là như vậy đấy! Sao em lại hỏi vậy?

– Vì em nghĩ thời điểm này đâu phải là thời điểm thích hợp để sang thăm Trinh Minh Nương nương..

Nàng nói tới đó rồi bỏ lửng câu nói. Ta nhìn xoáy vào nàng, nhưng nàng như chẳng để ý, tựa đầu vào thành xe rồi nhìn đăm đắm ra ngoài khung cửa sổ nhỏ, cứ như thể ngoài đó là hội hè gì vậy, và đây là đâu chứ không phải là cung Cồ Quốc mà nàng vẫn sống hàng ngày. Thấy vậy ta đành lặng lẽ thở dài quay đi.

Ngẫm nghĩ thì nàng nói cũng phải. Bây giờ gặp Trinh Minh Nương nương ta cũng chưa biết phải đối diện với nàng như thế nào. Sau tất cả bấy nhiêu chuyện như thế, không hiểu Trinh Minh Nương nương, nàng nghĩ gì về ta, liệu nàng có hiểu cho ta không? Trong một chốc, một lát làm sao có thể khiến cho nàng hiểu được tất cả tâm tư của ta đây? Nghĩ thế trong phút chốc lại thấy một nỗi chán nản dâng lên chìm ngập tâm hồn.

Đang ngồi ngây ra với ý nghĩ ấy thì thị vệ đánh ngựa khẽ nói vọng vào qua rèm trước cửa xe, dù rất khẽ mà vẫn khiến ta giật mình:

– Bẩm Thái hậu đã đến Cung Trinh Minh rồi. Có cần sai người báo trước để Trinh Minh Nương nương đón tiếp hay không?

Ta khoát tay như thể thị vệ bên ngoài có thể nhìn thấy được rồi bảo:

– Thôi, hãy đưa ta tới lầu Vọng Nguyệt.

– Lầu Vọng Nguyệt.. Tuân lệnh!

Thị vệ đánh xe không giấu nổi sự ngỡ ngàng, nhưng cũng chỉ nói vậy rồi lặng lẽ đánh xe quay ra.

Lâu lắm rồi không đến nơi này.

Không hiểu sao bỗng dưng ta lại bật ra cái tên ấy.

Men theo con đường nhỏ quanh co, chẳng mấy chốc đã trông thấy mái ngói rêu phong của lầu Vọng Nguyệt ẩn hiện giữa làn mưa và sương mù, trông hết sức thê lương.

Xe ngựa dừng lại bên núi, nơi con đường cheo leo chỉ có thể đi bộ. Hai thị vệ cứ nhất định đòi đi theo để hộ giá, đến khi ta sẵng giọng quát nạt, dọa chém đầu mới đành ở lại trông xe, để ta và Lan Nhi tự đi xuống phía hồ.

Dù bị một làn sương khói bảng lảng bao phủ, vẫn có thể nhìn thấy một mảng mặt hồ nước trong veo. Xuyên quan làn nước lạnh cóng, có thể nhìn thấy những lá sen và thân sen tàn gục chìm trong nước. Im lặng và cam chịu.

Tự ngày nào chính ta và Đinh nương đã tới đây rồi lệnh cho người hầu kẻ hạ sang đầm Cút mang giống sen về trồng. Vậy mà thấm thoát cũng đã gần chục năm trôi qua. Bao lần dự tính vậy mà không biết bao nhiêu chuyện xảy ra, chúng ta vẫn chưa được một lần ngắm hoa sen nở ở Lầu. Giờ mới có dịp ra thì hoa đã tàn, lá đã úa khô tự bao giờ.

Một mình ta đối diện với cảnh ấy, bỗng dưng thấy một nỗi cô đơn lạnh lẽo bủa vây. Thế là lặng lẽ đứng đó, đăm đắm nhìn ra xung quanh. Lan Nhi thấy vậy cũng không nói gì. Thế là hai người, một chủ một tớ cứ đứng bên nhau một lúc lâu như thế, không nói năng gì. Đến khi lạnh lẽo quá không chịu nổi nữa thì dắt díu nhau về.

Năm ngày sau có tin cấp báo từ quân tiền trạm, đã nghe ngóng được tin Ngô Nhật Khánh cùng quân Chiêm Thành đang tiến về nước ta theo hướng cửa biển Đại Ác và Tiểu Khang. Đạo quân do Tướng Phạm Cự Lượng dẫn đầu đang tiến về phía này để sẵn sàng đối phó với quân thù. Cánh quân ở biên giới phía nam vẫn giữ nguyên hướng tiến công, vừa tiếp tục nghe ngóng quân địch trên bộ, vừa sẵn sàng có thể chuyển hướng để kịp thời hỗ trợ Đạo quân thứ nhất nếu cần. Các Đạo quân còn lại vẫn bám dọc các con đường huyết mạch xung quanh Kinh thành, nhưng luôn trong tình trạng sẵn sàng để có thể nhanh chóng di chuyển, tiếp ứng cho một trong hai Đạo quân kể trên.

Nghe tin ngàn chiến thuyền quân giặc đang giong buồm tiến về cửa biển, cả kinh thành Hoa Lư như ngồi trên đống lửa. Túy nói là sức mạnh của quân Chiêm Thành khi ấy không thể so sánh với lực lượng của Đại Cồ Việt, nhưng chiến tranh cũng đã đi qua hơn chục năm rồi, họ Đinh không còn nữa, các tướng lĩnh như Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú đều đã lâu chỉ lo việc Triều chính, không còn ngồi trên lưng ngựa, quân đội tuy hùng hậu nhưng khi ra trận chưa ai biết được sẽ ra sao. Bởi vậy lòng người không tránh khỏi lo sợ.

Những ngày này ta cùng Toàn Nhi và các vị đại thần phải túc trực luôn ở Ngự điện để kịp xử lý các tình huống khẩn cấp. Các vị đại thần buổi tối cũng không về phủ thất, mà thay nhau nghỉ lại ở nhà khách của thành Đông để tiện cho việc bàn bạc việc lớn.

Không khí ở Hoa Lư căng như dây đàn.

Đúng lúc ấy quân tiền trạm lại hỏa tốc báo về, thuyền chiến của quân Chiêm Thành cùng với Ngô Nhật Khánh đã bị bão đánh tan ngoài biển. Chỉ có vua Chiêm Thành và một số bộ hạ thân tín là còn sống sót trở về. Còn lại toàn bộ binh lính cùng với Ngô Nhật Khánh cùng hai con đều đã bỏ xác ngoài biển.

Hiện tại quân Đại Cồ Việt ở các hướng đang chuẩn bị rút về.

Nghe tin cả Hoa Lư như vỡ òa. Ai nấy đều vui mừng hạnh phúc vì đất nước tránh được cảnh can quan, đầu rơi máu chảy. Lại có thể yên bình mà trồng lúa, nuôi gà.

Duy chỉ có Kiểu Quốc Nương nương và Phất Kim công chúa là đau lòng.

Ngô Nhật Khánh và các con đã chết, không những thế còn bỏ xác ngoài khơi làm mồi cho cá dữ, Kiểu Quốc Nương nương không còn ai để nương tựa nữa.

Năm xưa khi Hạng Lang được yêu chiều, mẹ con nàng có thể nói là chỉ ở dưới họ Đinh mà ở trên cả thiên hạ, ngọc ngà châu báu, phú quý tót cùng vậy. Thế mà trong một phút chốc, ngoảnh lại đã tan tác hết cả, không còn ai bên mình. Ngẫm cũng xót xa cho một kiếp người.

Chừng hơn một tháng sau sau khi làm lễ Chung Thất cho Ngô Nhật Khánh xong, Kiểu Quốc Hoàng hậu xin ra khỏi Cung, quy y cửa phật ở một ngôi chùa nhỏ có tên là Đàm Lư, nằm ở vùng ngoại ô phía bắc Hoa Lư.

Còn Phất Kim công chúa mới thật là xót xa. Năm ngày sau khi nghe tin cả chồng và con nhỏ cùng chết theo thuyền giặc ở ngoài biển, nàng nhảy xuống một cái giếng bỏ hoang ở trong Cung mà chết.

Cha, anh vừa qua đời, chồng vì rắp tâm dẫn voi về giầy mả tổ rồi cũng bỏ mạng ngoài biển. Hai con nhỏ vì phải theo cha mà cũng không tránh khỏi kết cục thảm thương. Còn nàng thì tiều tụy, tàn tạ mặt mũi không khác gì quỷ dữ với hai vết xẹo to trên mặt. Ngẫm ra cũng chẳng còn cách nào khác.

Năm xưa đường đường là công chúa của nước Đại Cồ Việt, được họ Đinh yêu chiều, hàng trăm người hầu hạ. Thế mà nay cũng tan tác như một đóa phù dung bị mưa dập gió vùi!

Tang lễ Phất Kim công chúa xong xuôi được chục ngày, Đan Gia Nương nương vì quá thương con, thương cháu, trong khi tang chồng còn chưa kịp đoạn cũng lâm trọng bệnh mà qua đời.

Tang chồng tang. Hoa Lư chìm trong một màu trắng. Thê lương!

Mọi việc tang gia xong xuôi, đời sống ở kinh thành dần trở lại nếp cũ, thì đã hết mùa Xuân. Lại đến một mùa hạ.

Một buổi ta đang ngồi phê duyệt tấu chương, Toàn Nhi đang ngồi ở bàn trà học chữ cùng thầy đồ, còn Lan Nhi và đám hầu gái vừa ngồi may vá, vừa rì rầm nói chuyện gần đó thì thị vệ vào báo cáo, có bốn vị đại thần gồm Đô hộ Phủ sĩ sư Lưu Cơ, Định quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền cùng Vệ úy Tướng quân Phạm Hạp xin vào gặp.

Ta liền bảo thị vệ cho vào.

Nhưng chưa cần gặp ta đã biết là vì chuyện gì. Ấy chính là việc sáng ngày vừa ban Thánh chỉ cấp đất ở thành Đông để Phó vương Lê Hoàn xây phủ thất.

Mấy ngày trước cũng buổi chiều như thế này, ta đang ngồi làm việc thì chính là Tâm phúc Tương quân Phạm Cự Lượng cũng xin vào gặp mà tấu trình việc ấy. Trước kia Lê Hoàn làm Thập đạo Tướng quân, để tiện cho việc quản lí, huấn luyện quân đội nên đã xây nhà lập phủ ở thành Trường An. Nhưng nay Lê Hoàn đã làm Phó Vương, hàng ngày cùng Hoàng thượng và các vị đại thần bàn bạc việc kiến thiết đất nước thì không thể tiếp tục ở thành Trường An được. Không phải nếu muốn bàn bạc việc gì thì sẽ rất mất thời gian để di chuyển, triệu tập hay sao? Đấy là còn chưa nói chuyện hàng ngày Phó Vương phải đi đi về về vô cùng vất vả.

Chính là Tâm phúc Tướng quân đã nói như vậy. Bản thân ta không khỏi ái ngại việc rồi đây sẽ ngày ngày phải chạm mặt Lê Hoàn. Nhưng ta cũng chẳng có cách nào khác, suy cho cùng đã phong làm Phó Vương thì việc cấp đất để xây phủ ở thành Đông cũng là phải lẽ. Trước kia không phải Nam Việt Vương cũng vậy hay sao? Rồi tới Toàn Nhi và Tuệ Nhi, khi trước được phong làm Vệ Vương và Thân Vương, cũng đều đã được cấp đất để lập Phủ, chỉ có điều vì còn nhỏ nên vẫn ở trong Cung với mẹ mà thôi. Lệ đã thế rồi. Nên ta cũng cứ theo ý đó mà cho ban một Thánh chỉ, cấp cho Phó Vương một miếng đất và lệnh cho Phó Vương phải chuyển phủ thất về đó để tiện cho công việc quốc gia đại sự.

Khi Thánh chỉ được ban ra, các vị đại thần có vẻ không hài lòng. Nên giờ đây đòi gặp ta chắc cũng không ngoài việc ấy. Nghĩ vậy nhưng ta không thể tránh khỏi băn khoăn, rốt cục các ngài muốn gặp để làm gì nữa? Mọi việc đã đâu vào đấy cả rồi, là Phó vương thì được cấp đất xây phủ thất là đương nhiên, vậy các ngài muốn ta thay đổi điều gì?

Vẫn đang rối rắm trong những ý nghĩ của mình thì các vị đại thần đã bước vào. Đợi thi lễ xong xuôi ta mới thong thả bảo:

– Các vị xin gặp bổn cung phải chăng có việc gì gấp gáp?

Bốn vị thận trọng đưa mắt nhìn nhau như tìm kiếm sự đồng thuận lần cuối cùng, rồi Định quốc công Nguyễn Bặc mới tiến lên phía trước mà thưa rằng:

– Bẩm Thái hậu, có việc này chúng thần đã định tâu lên Thái hậu từ lâu nhưng chưa có dịp thuận lợi. Lại thêm việc chuẩn bị lực lượng để đối phó với quân Chiêm Thành gấp gáp, mà nay mới có dịp thưa lại.

Nói đến đó Đinh quốc công dừng lại ý chừng nghe ngóng, khiến ta phải mở lời bảo:

– Có việc gì xin các vị cứ nói. Bổn cung ở đây mẹ góa con côi, không phải tất cả mọi việc đều là trông cậy hết vào các vị hay sao? Xin cứ tự nhiên cho!

Lúc ấy Định quốc công mới tiếp:

– Bọn thần chính là vì việc của Phó Vương mà đến. Ai cũng biết Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn là người văn võ toàn tài, đã cùng Nam Việt Vương Đinh Liễn chiêu binh mãi mã, có công lớn trong việc phò Đinh Tiên Đế dẹp loạn sứ quân, thống nhất đất nước. Chẳng thế Tiến Đế mới tin tưởng giao cho lãnh đạo mười đạo quân trong cả nước. Nhưng dù công lao lớn tới mức nào thì Lê Thập đạo Tướng quân vẫn là người ngoại tộc. Có thể hưởng bổng lộc lớn lao chẳng kém gì Vương gia, Hoàng tộc thì cũng không thể phong Vương được. Tước Vương vốn chỉ dành cho các Hoàng tử con vua, chính là những người có quyền nối ngôi khi Hoàng thượng băng hà. Vậy mà nay lại phong cho Lê Hoàn, không phải như vậy hiên hạ sẽ thấy quá lạ kỳ và không tránh khỏi chê trách triều đình không biết làm việc cho đúng phép tắc hay sao? Khi Hoàng thượng cùng Thái hậu ban thánh chỉ lập Lê Thập đạo Tướng quân làm Phó Vương, bọn thần đã không kịp xin vào gặp để can gián. Nay sẵn việc Hoàng thượng cùng Thái hậu vừa ban Thánh chỉ cấp đất để Lê Hoàn lập Vương phủ, bọn chúng thần mới có cớ để tâu lại việc này. Xin Thái hậu hãy xem xét lại toàn bộ sự việc.

Nghe Định quốc công nói ta không tránh khỏi cảm thấy sửng sốt. Việc phong Vương này họ không gặp ta can gián được, trải qua mấy tháng lại thêm biết bao biến cố thương hải, tang điền vậy mà giờ vẫn khăng khăng đòi hủy bỏ cả việc ấy. Thế mới thấy, như Tâm phúc Tướng quân Phạm Cự Lượng đã nói, họ trung thành với họ Đinh tới mức nào!

Ta nuốt nước bọt mà thấy trong miệng khô khốc, nói không ra hơi:

– Ý các ngài là ta nên thu hồi lại cả tước Vương đã phong cho Lê Hoàn?

Dường như chỉ chờ ta nói câu ấy, vừa dứt lời bốn vị Đại thần nhất loạt quỳ rạp xuống rồi bảo:

– Thái hậu sáng suốt! Đó chính là mong muốn của bọn chúng thần! Xin Thái hậu hãy phê chuẩn!

– Các ngài đứng dậy cả đi. Ta đã hiểu ý của các ngài rồi! Nhưng ta e rằng không thể nghe theo lời can gián của các ngài được.

Bốn vị Đại thần đang lục cục đứng dậy nghe thấy nói câu đó, lại nhất loạt thủ phục xuống, rồi Vệ úy Tướng quân Phạm Hạp liền lên tiếng:

– Xin Thái hậu hãy cân nhắc lại. Phong vương cho người ngoại tộc xưa nay chưa từng có. Làm thế không phải về sau sẽ thành lệ xấu hay sao. Rồi sau nhỡ xảy ra chuyện tranh giành ngôi báu thì phải làm thế nào? Quốc có quốc pháp, những luật lệ đã quy định rồi không phải ta nên tuân theo để làm gương cho bá tánh, cho người hậu thế hay sao? Hơn nữa..

Nói tới đó Vệ úy Tướng quân bỗng dừng lại không nói tiếp nữa. Ta cùng các vị đại thần hướng mắt chờ đợi một hồi vẫn không thấy nói gì tiếp, áng chứng như thấy mình buột miệng mà kịp thời ngăn lại, Vệ úy Tướng quân cứ đứng im đó, cúi đầu không định nói gì thêm nữa. Ta đành bảo:

– Các vị hãy đứng dậy đi và nghe ta nói. Không phải ta có tư tình gì mà phong Vương cho Lê Tướng quân như thế. Các vị tin hay không là tùy các vị. Khi ấy Tiên Đế vừa băng hà, Nam Việt Vương là người duy nhất có thể gánh vác được giang sơn Đại Cồ Việt cũng không tránh khỏi kết cục bi thương cùng với Tiên Đế. Vệ Vương vì thế chưa đầy bảy tuổi đã phải lên trị vì đất nước. Chưa được bao lâu thì lại đến họa ngoại xâm. Lẽ thường khi đất nước gặp họa, Hoàng Thượng và Vương gia phải gánh vác trọng trách mà ra trận. Nhưng ta với Hoàng Thượng khi đó mẹ góa con thơ, Thân Vương thì cũng còn non nớt, ai sẽ gánh vác việc ấy? Các vị là các trung thần của triều đình, nhưng cũng đều ngấp nghé thất thập cả rồi, lại thêm hơn chục năm nay chỉ lo bàn việc nước chứ đâu có động gì đến binh đao, cung kiếm, ta nào dám phiền tới tuổi già của các vị nữa? Ta trong lúc lo lắng cho đất nước, nhất thời mới nghĩ ra việc phong Lê Hoàn làm Phó Vương, mong rằng Lê Hoàn sẽ mang tài trí của mình ra mà lãnh đạo quân đội, phò tá cho Hoàng tộc nhà Đinh giữ lấy giang sơn Đại Cồ Việt. Các ngài thử nghĩ mà xem, nếu chiến tranh xảy ra, không phải tất cả đều là trông cậy vào ngài ấy hay sao? Ngài ấy chính là người đứng mũi chịu xào, mà cũng là người thế mạng cho Tiểu Hoàng Thượng, cho Hoàng thân Quốc thích vẫn còn nhỏ, chưa tự mình ra trận được vậy. May sao cơn can qua tự tan, đất nước lại yên bình. Thế mà giờ ta nghe theo các ngài thu hồi lại tước Vương của ngài ấy, thì các ngài xem có được hay không? Lúc khó khăn thì giao gánh vác, lúc không cần nữa thì lại gạt ra. Hỏi như vậy có hợp với lòng người chăng? Nếu dân gian mà biết chuyện ấy, không phải mới thực là đề tài chê cười hay sao? Rồi sau còn ai dám vì sơn hà xã tắc, vì dòng dõi nhà Đinh, vì Tiểu Hoàng Thượng mà không quản thân mình nữa đây? Các ngài nghĩ sao về việc này?

Bốn vị đại thần nghe tới đó, lại đưa mắt nhìn nhau. Rồi Vệ úy Tương quân Phạm Hạp, sau một khắc im lặng, bước lên phía trước dứt khoát, cúi đầu rồi bảo:

– Bọn chúng thần trộm nghĩ, việc Thái hậu quyết định là hoàn toàn hợp tình hợp lý. Nhưng về đại cục lâu dài mà nói không phải là việc có lợi. Hiện tại Tiểu Hoàng Thượng còn nhỏ tuổi, mà anh em chú bác thân thích không có ai. Chỉ sợ rằng Phó Vương sẽ nhân đó mà thâu tóm mọi quyền lực rồi cơ nghiệp của Hoàng tộc họ Đinh lại rơi vào tay Phó Vương lúc nào không hay..

À thì ra là như vậy! Ra đó chính là ý của các vị ấy, chính là điều mà các vị ấy lo sợ. Là điều mà các vị cuối cùng cũng phải buột miệng nói ra.

– Các vị nghĩ Phó Vương Lê Hoàn là con người như vậy thật hay sao?

Đô hộ Phủ sĩ sư Lưu Cơ lúc ấy mới lên tiếng:

– Cũng chỉ là bọn thần lo sợ, suy đoán như vậy. Hiện nay lực lượng của Lê Hoàn rất lớn. Không những nắm trong tay toàn bộ quân đội, giờ đây lại được phong Vương ra vào hai thành như chốn không người.. E rằng rồi đây sẽ làm những việc không tốt cho Hoàng thượng.

– Các ngài nói không phải không có lý. Tấm lòng lo lắng cho Hoàng tộc họ Đinh của các vị ta xin ghi lòng tạc dạ. Nhưng nếu chỉ là lo sợ như vậy, không có can cớ gì mà bỗng dưng tước đi tước Vương vừa phong không phải rất là vô lý, khó thuyết phục được lòng người hay sao? Phó Vương lại là người có công lao với đất nước muôn dân không ai không biết. Việc Ngô Nhật Khánh cõng rắn cắn gà nhà, mang người Chiêm Thành về giày mả tổ vừa qua đi, giờ lập tức tước tước vị, như vậy ta có thể thuyết phục được ai đây? Các vị có ý kiến gì không?

Nói tới đó thì ai cũng im lặng, không ai nói thêm điều gì nữa. Thấy vậy ta bảo:

– Thôi các vị cứ về nghỉ ngơi, ta sẽ nghĩ thêm về việc này.

Bốn vị đại thần nghe đến đó thì cùng nhau rời đi, không ai nói thêm câu nào.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.