*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Chương có nội dung bằng hình ảnh
Dạo gần đây Tứ a ca mải quẩn quanh một việc lo phủ đệ cho Thất a ca và Bát a ca. Công việc này quả như dính cứng vào tay chàng, gỡ ra làm sao được! Nếu một năm trước khi tiếp nhận nhiệm vụ này, trong suy nghĩ của chàng chỉ có đền đáp hoàng ân, tình nghĩa huynh đệ linh tinh, thì hiện bây giờ đã thấy phiền lắm rồi!
Chàng có phải kẻ chuyên trông việc xây nhà đâu cơ chứ.
Song theo tình hình hiện nay, hằng ngày bất kể có chuyện gì, chàng đều phải đến Nội vụ phủ trình diện. Hết lượt người này tới lượt người khác chạy vào báo cáo với chàng: “Tứ a ca, gạch xanh chỉ còn bốn trăm miếng”, “Tứ a ca, hơn sáu trăm mầm cây nhựa ruồi héo mất rồi”. “Tứ a ca, cái ao ở vườn hoa đằng Đông hết lấp được nữa rồi, hôm nay có người khiêng ngói lợp trần nhà đi ngang đó, sẩy chân ngã vào ao, vỡ hai gánh ngói.”
Đi chết hết đi! Đây không phải việc của gia!
Ức thì ức thế, Tứ a ca vẫn chậm chạp bỏ chén trà xuống, nói với người đang đứng trước mặt đợi chàng lên tiếng: “Ồ, người gánh ngói sao rồi?”
“Một người rơi vào bùn, khó lắm mới vớt lên được thì đã tắt thở, người còn lại bị gãy một chân.” Cái đám lấp ao đúng là chẳng được tích sự gì! Đổ tí đất vào trong, ở ngoài dựng trơ trơ vài ba tấm ván gỗ vậy, thế là xong, kệ ở đấy. Hai kẻ gánh ngói lại ham tiết kiệm bước chân, bèn chọn con đường tắt này để đi, mới thành ra hậu quả thế ấy.
Hay thật, vốn đang định phạt roi, giờ thì… Tứ a ca lắc đầu, thở dài: “Gửi cho người nhà họ ít bạc, đưa tang tử tế. Giục người xử lý phần ngói nhanh nhanh, cứ bảo sắp đến ngày rồi, cứ mà trù trừ nữa thì cả bọn cùng lôi đầu nhau đi gặp hoàng thượng đi.”
Trông bộ mặt vẻ ” đang rất là bực mình vì không tìm được ai để phạt roi” của Tứ a ca, người kia nhanh nhảu xéo ngay.
Tứ a ca thở dài một hơi, phiền quá đi mất.
Tôn chỉ hiện giờ là thà lặng tiếng còn hơn rầm rộ. Được ngồi ở Nội vụ phủ lo nhà lo cửa đã may mắn lắm rồi, nghe đâu hôm qua hoàng thượng vừa răn thái tử một trận, buổi trưa lại ban thiện cho. Tam a ca lại bảo bị cảm nắng, vẫn đang dưỡng bệnh trong phủ. Bát a ca dạo này thường xuyên theo chân hoàng thượng, hình như có hiềm khích với Đại a ca.
Ai cũng nói Đại a ca không thể giương mắt nhìn Bát a ca được hoàng thượng tin sủng.
Tứ a ca chỉ biết cười ha ha.
Bát a ca trở thành gương mặt rất nổi trội trong khoảng thời gian trở lại đây. Nào là y được hoàng thượng tin cậy, vụ phúc tấn của Nạp Lan Minh Châu bị đâm chết, hoàng thượng cũng chỉ cử y đi hỏi han. Rồi là khen y được một phúc tấn tốt. Phúc tấn của y là con gái Hòa Thạc cách cách, cháu ngoại An Thân vương Nhạc Lạc. Cha là Quách Lạc La Minh Thượng bị chết oan, có điều cũng tại bài bạc cá cược hai ngàn lượng bạc. Đặt ở hiện tại thì đã chẳng nên nỗi ấy, chỉ có thể nói rằng người này không bắt kịp thời đẹp.
Tuy nhiên, Tứ a ca nghĩ nếu nhìn từ góc độ khác, có lẽ ban đầu hoàng thượng chỉ muốn cho An Thân vương một cái tát thôi. Quách Lạc La Minh Thượng xui xẻo bị ngài chọn làm bè, vốn dĩ nếu cách cách của An Thân vương không chết, qua thêm vài năm nữa hoàng thượng sẽ chỉ hôn lần hai cho bà. Ngờ đâu ngạch phò* vừa đi, cách cách của An Thân vương cũng đi theo nốt. Thù oán chất chồng, hoàng thượng chỉ đành cố hết sức bù đắp lại.
*Cách gọi phò mã theo tiếng Mãn.
Chuyện Bát a ca cưới cô phúc tấn này về nhà là phúc hay là họa thì còn khó nói lắm.
So với Bát a ca, Thất a ca dựng phủ cùng năm, cưới phúc tấn cùng năm với y lại thành kẻ đáng thương. Hễ nhắc Thất a ca là người ngoài sẽ luôn kèm theo cụm “cùng dựng phủ chung với Bát a ca” ở sau cái tên, phận làm anh mà phải chịu nỗi ấy thì thực là mất mặt. Mẫu phi Đới Giai thị của y tuy là Tần, song vào cung mười mấy năm trời lại không thấy nhích lên thêm bậc nào. Bà vào cung đúng dịp thuận lợi, sơ phong* cũng cao, có một con trai, ấy mà qua hơn chục năm, vẫn chưa được tiến phong, từ đó bị gán cho luôn cái danh không được sủng. Có một mẫu phi như thế, Thất a ca lại không vượt trội hơn ai, tới tận giờ này vẫn chưa thấy nói năng gì để mà người khác biết đường tu sửa phủ đệ. Chả nhẽ định giao đứt cho Nội vụ phủ tùy ý giải quyết, chắp vá qua loa thật?
*Phong tước lần đầu.
Tứ a ca ngẫm nghĩ, bèn sao lại bức phong thủy của phủ Thất a ca, rồi đi sang A Ca Sở.
Tuy mới dọn ra ngoài hai, ba năm, song khi quay về nơi này bỗng lại sinh ra cảm giác như thể đã trải qua một đời. Tứ a ca thả chậm bước dọc bức tường cung quen thuộc, thốt nhiên dấy lên nỗi lòng hoài niệm.
Chàng vừa đi vừa ngắm cảnh, lúc đến A Ca Sở, vừa khéo Thất a ca cũng đang ở đây.
“Đúng lúc quá, lão Thất qua đây xem xem, đệ định sửa phủ theo kiểu nào?” Vào phòng, Tứ a ca nói thẳng. Chàng nhét bức phong thủy trong tay mình vào tay Thất a ca, nói: “Dâng trà, khát chết mất.”
Thất a ca kẹp bức vẽ dưới nách, tự tay bưng trà cho chàng: “Mời Tứ ca dùng.”
Cùng uống với nhau chén trà, hai người mới di chuyển sang thư phòng của Thất a ca, trải bức phong thủy ra cái bàn học trước cửa sổ. Tứ a ca chỉ vào chỗ cửa trước rồi giới thiệu lần lượt từng nơi cho y, chàng vốn tính làm việc gì là cũng phải làm bằng tốt nhất, ngay cả cây cối trong phủ Thất a ca và Bát a ca đều do chính tay chàng lựa chọn. Chàng giảng giải đầu đuôi rõ ràng, Thất a ca chỉ mải gật đầu.
Tứ a ca bất mãn: “Lão Thất, đệ cũng phải cổ vũ cho Tứ ca đi chứ, nói câu để biết chắc, cứ gật đầu hoài mà làm chi? Có ưng cảnh trí nào, nhân dịp này vẫn sửa được, Tứ ca làm cho đệ hết.”
Năm xưa ở A Ca Sở, Thất a ca có tiếng là người trầm tính kiệm lời. Dẫu rằng đều có những mẫu phi mờ nhạt như nhau, đặt lên bàn cân so thì mẫu tộc của Bát a ca còn lép vế hơn đôi chút, song tinh thần cầu tiến ở Bát a ca có phần nhỉnh hơn hẳn, Thất a ca lại không lấy làm mặn mà gì.
Lúc này, Thất a ca nói: “Vừa nãy Tứ ca nói vậy, là đệ biết nhất định không sai sót được. Khi nào đệ đệ chuyển vào ở, chắc chắn chỗ nào cũng thích. Tứ ca muốn tốt cho đệ đệ, đệ đệ biết cả.”
Phút chốc Tứ a ca cảm thấy con người Thất a ca sao này mà khá quá. Ngày trước còn cho rằng y không có chí hướng gì, khiến người ta trông vào mà chướng mắt. Nay nhìn nhận lại thì cũng có vẻ là một người biết nghĩ.
Chàng bật cười, nói: “Vậy là tốt.” Nói đoạn, lia mắt một vòng quanh thư phòng của Thất a ca, thấy các bức họa treo rặt những đối tượng hoa chim sâu cá, đậm ý an nhàn phiêu dật. Xem ra Thất a ca quả nhiên không mảy may lòng tranh giành cướp đoạt, chỉ ước mong được ngày nào hay ngày ấy.
Quay về, Tứ a ca bắt tay sửa sang lại đôi ba chỗ trong bức vẽ phong thủy phủ Thất a ca, thêm vào ít quái thạch, trúc gầy các loại. Thả thêm mấy con cá vào ao nước ở hoa viên; và còn dặn riêng thợ chăm hoa trồng ít rêu xanh ở chỗ góc tường, bậc thềm. Làm hết những điều trên, những nét kiêu kỳ, thanh cao tức khắc phát ti3t ra ngoài.
Cho đi có phúc hơn cả nhận lại. Dù giúp đỡ em út chỉ là việc nhỏ thôi, nhưng làm xong rồi, lòng Tứ a ca vẫn tràn ngập niềm kiêu hãnh của một người anh.
Về phủ, bỗng nhớ sáng nay có bảo sẽ dẫn Nhị cách cách và Tố Tố đi du xuân, chàng bèn sai Tô Bồi Thịnh đi gọi thợ thêu trong phủ tới, ngoài ra còn mở nhà kho lấy mấy xấp vải đẹp mới về năm nay. Kế đó chàng tự trải giấy, chỉ đi vài đường bút đã phác họa ra ngay dáng hình yểu điệu một người con gái. Nàng ấy đứng ở giữa, mặt tròn, mắt hạnh, nhoẻn cười trong veo, suối tóc nhánh đen vén lại bên tai, gài nghiêng một chiếc trâm ngọc mắt mèo.
Chàng đổi bút, pha thuốc màu, đồ nét trước, lại lên màu, xong mới trau chuốt gọn gàng. Người trong tranh mặc áo màu hồng phấn; kỳ bào hồng đào xen viền sắc bạc; khoác tấm áo choàng có cổ lông thỏ trắng, mặt áo vàng lá liễu, tím nhạt lót mặt trong; chân đi cặp ủng thẫm đỏ, điểm xuyết thêm lông thỏ trắng phau.
Lúc thợ thêu đến, Tô Bồi Thịnh nháy mắt làm hiệu cho họ đứng sang bên hầu. Vẽ tranh xong, Tứ a ca gọi lại căn dặn: “Chiếu theo kiểu trong tranh, làm hai bộ một lớn một nhỏ. Cho các ngươi nửa tháng, có làm được không?”
Thợ thêu đồng thanh đáp không vấn đề gì.
Tứ a ca dặn kỹ: “Trên xiêm y màu hồng chỉ dùng chỉ bạc để thêu hoa, không được dùng sợi tơ mang màu khác.” Lại luôn miệng bảo chỗ này phải làm thắt eo, chỗ kia thêu bằng chất liệu gì, vân vân.
Hành người khác như là một thú tiêu khiển của Tứ a ca. Thợ thêu lui ra, đi sang tiểu viện. Chàng nhớ mình từng nói sẽ nung cho Tố Tố một bộ đồ sứ, bèn hỏi Tô Bồi Thịnh: “Bộ sứ trắng kia đã nung xong chưa?”
Tô Bồi Thịnh đáp: “Hôm qua đã đưa tới đây, nô tài dẫn người đi tự kiểm. Tổng cộng có hai trăm ba mươi sáu món.”
Trong đó còn có mấy món làm theo mẫu tự tay chàng vẽ. Tứ a ca nổi hứng, nói: “Đem vào đây xem.”
Tô Bồi Thịnh đi kêu người khiêng hai rương vào, mở rương lấy từng món ra đặt lên bàn.
Bộ đồ sứ trắng này được làm toàn bộ từ sứ Điềm Bạch thân mỏng*, thoạt trông ánh lên sắc trắng tựa làn da sáng trong mềm mại của nàng mỹ nhân. Để nung ra được màu sứ này, người thợ nung phải bỏ biết bao là công sức.
*Sứ Điềm Bạch: có từ thời Vĩnh Lạc đế của nhà Minh. Sở dĩ gọi là “Điềm” vì màu men gốm trắng tinh mang lại cho người nhìn cảm giác đẹp đẽ ngọt ngào.
Lý Vi thích đồ sứ có hình tròn, bất kể là cốc, đ ĩa, chén, ly, ấm, lọ, các vật dụng bằng sứ trong phòng nàng dù chỉ là bồn hoa thôi cũng được thiết kế theo hình quả bí đỏ. Nhưng thế vẫn chưa vừa ý nàng, nếu tròn ủng như quả dưa hấu có khi nàng còn vui hơn.
Những món khác dễ tìm rồi, duy chỉ mỗi tách uống trà có nắp là chưa tròn. Không dưới một lần Tứ a ca bắt gặp nàng uống trà trong cái thố đậy mà thiện phòng dùng, làm chàng nhìn kiểu gì cũng thấy kỳ quặc, cứ ngỡ nàng đang ăn canh.
Lần này dứt khoát nung luôn cả bộ cho nàng.
Trên chiếc bàn dài ở phòng chính bày đầy là những món đồ sứ trắng muốt đủ các kích cỡ, ánh dương chiếu vào là cả phòng long lanh. Tô Bồi Thịnh kịp bắt lấy một nét cười vừa lòng từ Tứ a ca, bụng thầm cảm tạ ông trời thay nhóm thợ nung.
Tứ a ca cầm cái cốc được làm phỏng theo tranh Lý Vi vẽ lên trước, thực chất đây là kiểu cốc quai cầm có nắp. Lúc đó trong thư phòng hai người nói chuyện nung sứ, nàng chấp bút vẽ một bức, trỏ vào cái cốc ấy, bảo làm kiểu này cho dễ cầm. Chàng bèn thử, và quả thực là khá dễ cầm. Phải nghĩ cách biến hóa từ thố đậy ra cái này, đúng là làm khó nàng quá mà.
Nguyên văn câu nói của Lý Vi như sau: “Hai quai hai tay cầm, một quai một tay cầm mà, tiện hơn bao nhiêu.”
Vì phong cách, vì an toàn, nàng thực là hao hết tâm huyết.
Tứ a ca chọn mấy món trông khi cầm tinh tế, nhã nhặn, nói: “Giữ lại một ít cất ở đây, còn lại đưa sang cho nàng ấy.”
Có vài thứ hay ho, chàng cũng vui lòng dùng thử xem sao.
Lúc Trương Đức Thắng gọi người khiêng rương gỗ sang tiểu viện, thợ thêu hãy chưa đi, hai bên lướt ngang qua nhau. Nhóm thợ thêu liếc thấy lại có người khiêng những mấy rương đồ đi sang tiểu viện. Trước mặt không dám nói năng gì, khi trở về phòng hạ nhân mới bàn tán xôn xao: “Ai cũng bảo Lý cách cách thế này thế kia, không chính mắt thấy thì thật là không dám tin.”
Một người bảo: “Mới thế mà đã nhộn lên? Hiếu Hiến hoàng hậu* ngày xưa…”
*Hiếu Hiến Đoan Kính hoàng hậu (Đổng Ngạc thị) là một phi tần rất được sủng ái thời Thuận Trị đế.
“Suỵt! Chị chán sống rồi à! Im miệng ngay!”
Bấy giờ cả đám người mới không dám hó hé gì nữa, lặng lẽ đi đo cỡ cắt vải.
Trong tiểu viện, nhìn thấy cả một rương với đủ mọi loại cốc bát, Lý Vi sướng muốn điên! Hồi ở hiện đại nàng đã đam mê sưu tầm các kiểu cốc và bát, lướt Taobao thấy là phải mua ngay liền tay, vào siêu thị đi ngang khu bán đồ bếp núc là chân như đóng đinh ngay ở đấy. Vì tình yêu với đồ sứ, đi vào chợ hoa hễ thấy có bồn hoa nhỏ nhỏ xinh xinh nào là cứ muốn tậu về, mua về nhà bèn nghĩ: “Lần sau trồng hoa là dùng được rồi”. Nhưng “lần sau” này lại chẳng biết đến mùa quýt nào…
Thấy Lý cách cách chỉ huy mọi người thay hết những món đồ hiện đang sử dụng, bồn hoa trong phòng cũng phải đổi hết thành bồn mới, Trương Đức Thắng sợ họ lu bu quá, bèn giữ người mình ở lại giúp đỡ một tay. Đồ mới phải lấy ra lau chùi sạch rồi trưng bày lên, cái cũ cũng được chùi lau sạch và cất vào trong rương. Triệu Toàn Bảo gọi thợ hoa tới, đem tất cả bồn hoa đi đổi thành cái mới.
Bồn tố hinh mà Lý Vi đặt trong phòng ngủ được chính miệng nàng dặn phải thay bồn to, và dựng thêm hai cây cột, “Để xem nó có leo lên không”. Nàng nói.
Thợ hoa chưa chăm loài hoa dại như này bao giờ, trông không giống mấy loại hoa mọc leo lên cột. Nhưng nếu chủ tử muốn thấy nó leo, nó ắt phải leo được. Người thợ quyết định đi về tìm cột để quấn dây leo lên cố định xem nó có sống nổi không, xem liệu sang năm nó có ghép cành được như những loại cây leo không.
Tô Bồi Thịnh thấy Trương Đức Thắng đi mãi chưa về, đang định tìm người đi hỏi, Tứ a ca coi sắp đến giờ ăn trưa, bèn thẳng tiến sang tiểu viện. Vừa vào chàng đã thấy hàng đống rương gỗ bày la liệt trong sân, Triệu Toàn Bảo và Trương Đức Thắng đang bắt tay với bọn người hầu, vừa ghi chép vào sổ sách, vừa cất đồ vào trong.
“Chuyện gì đây? Tiểu Đức Thắng! Vác cái mặt mi lại đây ngay!” Tô Bồi Thịnh bước tới quát.
Thấy Tứ a ca, mọi người trong sân quỳ xuống ngay.
Lý Vi dẫn Nhị cách cách từ trong phòng đi ra, tay mỗi người cầm một chiếc cốc có quai vừa được đưa tới.
“A mã, ngạch nương dạy con uống sữa bằng cái này!” Nhị cách cách giơ cốc, giọng hồ hởi.
Nhìn cái cốc, Lý Vi bất chợt nhớ về món trà sữa của hiện đại, ở đây uống bằng chén trà nắp đậy cứ thấy lạ kỳ. Nàng bảo Ngọc Bình đi đun một ấm, bày cho Nhị cách cách chơi trò gia đình, còn dặn riêng thiện phòng làm bánh xốp trứng và mấy loại bánh ngọt vỏ giòn mang sang.
Được dùng nhiều kiểu cốc khác nhau, Nhị cách cách vô cùng thích thú, vừa gặp a mã đã nóng lòng muốn chia sẻ.
Ở ngoài đồ đạc lộn xộn, ba người dời bước qua chái Tây. Ngọc Bình dẫn người bưng trà sữa, bánh ngọt lên. Tứ a ca cũng cực kỳ hăng hái nhận một vai trong trò chơi gia đình với Nhị cách cách, dùng thử chiếc cốc mới với vẻ rất là nghiêm túc. Lý Vi trố mắt nhìn Nhị cách cách hướng dẫn Tứ a ca cách cầm cốc, chẳng biết trong cái đầu bé xíu ấy của nó lấy đâu ra mà lắm “quy tắc dùng cốc kiểu mới” đến vậy, mà Tứ a ca nghe lời nó thật. Hai cha con chơi đùa tíu ta tíu tít.
Lý Vi thấy như mình bị ngó lơ hẳn. Tới lúc Nhị cách cách dạy chán chê, ngoái đầu bỗng thấy bánh ngọt sắp bị ngạch nương ăn hết ráo, miệng nó dẩu ra, tấm tức nhìn bà mẹ ruột của mình.
Làm Lý Vi không tài nào nuốt trôi được miếng bánh đậu đỏ cuối cùng, ngay Tứ a ca cũng giả cách xụ mặt rầy nàng: “Sao nàng có thể ăn nhiều thế được nhỉ?”
“Đúng thế! Đúng thế!” Nhị cách cách gật đầu luôn.
“Sắp đến giờ cơm rồi.” Tứ a ca nói.
“Chính xác! Chính xác!” Nhị cách cách tí tởn nhìn ngạch nương mình bị khiển trách.
“Cất hết đi.” Tứ a ca nói với Ngọc Bình.
Ngọc Bình bước lại đem hết các đ ĩa bánh ngọt đi.
“… QAQ.” Nhị cách cách rưng rưng dõi nhìn mấy đ ĩa bánh bị Ngọc Bình đem đi.
Lúc ăn trưa, Nhị cách cách cứ bí xị hoài, sau cùng Lý Vi đành an ủi nó, bảo ngủ trưa dậy sẽ có bánh ngọt ăn, mới dỗ nó vui lên được.
Tứ a ca vốn còn đang phân vân giữa việc nên chiều theo ý Nhị cách cách hay là nhân cơ hội này dạy nàng cách kiềm chế bản thân, mà chưa gì Lý Vi đã dỗ dành con gái đâu vào đấy. Nhìn hai mẹ con nhoáng cái đã vui vẻ ăn cơm, chàng vẫn thấy hơi khó lòng tiếp thu.
Hai con người vô tâm này!
Lại nhìn Nhị cách cách, bụng bảo: “Ngạch nương con còn chẳng buồn lấy bánh ngọt ra cho con xem, cũng không hề hứa hẹn rằng ngủ trưa dậy sẽ được ăn mấy miếng, được ăn bao nhiêu, có phải là món hồi sáng không, mà con cứ đồng ý khơi khơi thế thôi đấy hả?”. Năm xưa lúc bị mấy bà ma ma dạy mình dụ khị, chàng còn biết nói thầm trong đầu: “Đừng có khinh gia, biết thừa là các bà lừa gia đấy”, song Nhị cách cách giờ phút này thì đã tin sái cổ luôn rồi.
Tứ a ca tự nhủ: Tố Tố không phải chàng sinh, tính nết kiểu ấy còn dễ hiểu, nhưng Nhị cách cách lại mang trong mình dòng máu của chàng, có ra sao chăng nữa cũng không thể để nó giống y như ngạch nương nó được.
Vừa dịp, chàng vốn thấy chỗ cho a ca ở bên tiền viện hãy trống quá, nhân lúc Đại cách cách và Nhị cách cách còn bé, không phải kiêng dè nam nữ khác biệt, nên sẽ cho chuyển qua một thể luôn, làm thế cũng dễ bề mở lời với phúc tấn.
Chàng hạ quyết tâm, ăn xong bữa trưa không đi luôn mà ở lại nghỉ. Hai người nằm trên sạp ở chái Tây, lúc nằm cạnh nhau trò chuyện, Tứ a ca thử nói với Lý Vi: “Về sau, buổi sáng sẽ cho Nhị cách cách theo ta đi học.”
Lý Vi chỉ nghĩ đến một vấn đề, bèn cất giọng dè chừng: “Thế là từ nay Nhị cách cách phải dậy lúc ba giờ ư?”
“Đương nhiên không phải. Ăn sáng xong cho nó qua là được, bữa trưa sẽ về chỗ nàng. Chiều thì không cần đi.” Tứ a ca tự thấy như vậy khá tốt, bèn nằm chờ Lý Vi phản bác, hai người sẽ bàn bạc điều kiện.
“Được ạ.” Thế chẳng ra là đi mẫu giáo sớm à? Tứ a ca cũng được tính vào cấp bậc tiến sĩ quốc học chứ nhỉ? Từ văn đến võ chàng đều dạy được, lại còn không phải lo chàng ngược đãi con trẻ.
“…” Gật đầu nhanh quá, làm Tứ a ca không kịp phản ứng. Với cả, sao chẳng lo lắng một tí gì thế nhỉ? Thế nào cũng phải bày tỏ chút chút nỗi lòng mẹ hiền chứ?
“Thiếp phải làm cho nó một cái cặp nhỏ mới được.” Sau khi xuyên không về đây, thành tựu lớn nhất mà Lý Vi gặt hái được đó chính là kỹ thuật may vá đã đạt max điểm, mỗi khi ngứa tay lại muốn làm chút gì đấy. Nàng dự định sẽ làm cho Nhị cách cách chiếc ba lô nhỏ kẻ ca rô, một hộp bút, một túi nhỏ, thật là dễ thương.
Vốn đã sẵn tâm lý sẽ phải làm một bài thuyết phục mỏi mồm tốn nước miếng, song thấy nàng đã nghĩ đến tận chuyện này, Tứ a ca thực sự dở khóc dở cười. Bụng nghĩ: Có lẽ chàng lầm rồi, với chị em phụ nữ mà nói, tương lai của con cái luôn luôn là điều được các chị đặt lên hàng đầu. Nhìn Tố Tố như thế, chắc bên phúc tấn cũng sẽ không gặp trắc trở gì đâu.
(còn tiếp)
Kể từ ngày Tứ a ca quy định mỗi bữa Nhị cách cách chỉ được ăn một bát cơm, Lý Vi cũng chẳng muốn giở trò lá mặt lá trái ra để chống đối lại uy quyền phụ thân của Tứ a ca trong lòng Nhị cách cách nữa. Thêm nữa là từ hồi dạy Nhị cách cách khóc kiểu khóc con gái, nàng nhận ra trẻ con thực đúng là một tờ giấy trắng tinh, người lớn vẽ gì lên đó, nó sẽ trưởng thành theo kiểu ấy luôn.
Vậy nên, Lý Vi không dám và cũng không muốn chơi mấy trò khôn lỏi nữa, nàng sợ ngộ nhỡ Nhị cách cách học được, rồi chẳng biết sẽ nên nết gì. Đạo Ngộ Thiền sư dạy: “Một sinh mười, mười sinh trăm, thậm chí sinh ngàn vạn, chư pháp đều từ một mà ra.” Tuy là lời của Phật gia, song nguyên tắc lại như nhau. Hôm nay nàng dạy Nhị cách cách một cách, tỷ như đổi bát nhỏ thành bát lớn, nhưng ai biết Nhị cách cách sẽ giác ngộ được đạo lý gì từ trong ấy?
Phận đàn bà con gái ở thế giới này vốn phải chịu vô vàn trói buộc. Lý Vi muốn Nhị cách cách được hưởng thụ cuộc đời, nhưng lại không mong nó coi trời bằng vung. Nên là, nàng quyết định dựng lên một vùng trời riêng cho Nhị cách cách, ấy chính là Tứ a ca. Để nó kính sợ chàng, ngước nhìn chàng, không dám làm trái lại lời chàng nói.
Một mặt, khi nuôi dạy một đứa trẻ, đòi hỏi phải có một người khiến nó sợ, tức cần có người đóng vai ác trong cả quá trình ấy. Mà nàng chắc chắn sẽ chẳng làm nên cơm cháo gì với nhiệm vụ gay go này, nên chỉ đành trông cậy hết vào Tứ a ca. Mặt khác, tiền đồ của Tứ a ca sẽ còn rộng mở thêm nhiều nữa, từng bước gò nắn cho Nhị cách cách vâng theo quyền uy của chàng sớm không phải là chuyện xấu. Bằng không, nửa đời trước chỉ coi chàng là một a mã, được làm nũng, mè nheo tùy ý; nửa đời sau chàng lên ngôi vua, Nhị cách cách không tiếp nhận kịp, giẫm trúng chỗ mìn thì biết tính sao?
Dù sao, làm một cách cách, nó cũng không cần phải ôm hùng tâm tráng chí gì.
Nhưng suy cho cùng, Nhị cách cách đã quen với chế độ ăn uống đầy ắp khi trước, tự dưng bị hạn chế, trông cũng tội nghiệp lắm thay. Lý Vi bó tay, song không nỡ lòng nào trơ mắt nhìn, đành phải nghĩ cách tìm đồ ăn vặt cho nó ăn.
Phải ngon, và cũng phải tiêu tốn sức nữa. Tìm món nào mà hì hục mãi mới bỏ được một miếng nhỏ vào miệng là tốt nhất.
Hạt dẻ ngào đường quả là một món rất phù hợp với tiêu chí đề ra.
Mỗi lần ăn Lý Vi chỉ đưa nó chục hạt, vỏ hạt dẻ đã mở miệng, có điều muốn bóc thì hơi rắc rối. Tứ a ca vừa vén mành bước vào đã ngửi thấy mùi thơm ngọt tràn khắp căn phòng, liền đó bắt gặp Nhị cách cách đang ngồi ngay ngắn trước cái bàn thấp trên giường đất, hai tay cầm hạt dẻ, chậm chạp tách vỏ.
Hạt dẻ được ngào với đường nên đến cả lớp vỏ cũng thấm đẫm hương ngọt. Lần nào cũng như lần nào, Nhị cách cách toàn ngậm trước cho tới khi hết vị ngọt, mới quyến luyến bóc vỏ ra ăn. Thấy Tứ a ca sang, thoạt tiên nó lưỡng lự nhìn hạt dẻ mình vừa bóc xong, sau đó cương quyết đưa luôn cho chàng: “A mã, ăn này.”
Hic hic hic ~ ~ Tiếc quá đi!
Lý Vi tưởng chàng sẽ không ăn đâu, hạt dẻ kia bị Nhị cách cách hết bóc rồi liếm, dính toàn nước miếng nó. Ai ngờ Tứ a ca lại nhận lấy, ăn một cách trịnh trọng lắm, đoạn nhìn khuôn mặt bé bỏng mỗi lúc một đáng thương của Nhị cách cách mà rằng: “Cảm ơn Nhị cách cách nhé, ngon lắm, a mã rất vui.” Rồi chàng ẵm Nhị cách cách ngồi vào lòng mình, trước những lời khích lệ của chàng, Nhị cách cách bóc tất tần tật hạt dẻ của mình cho chàng ăn.
Sao lại có kiểu bắt nạt con gái nhà mình như thế cơ chứ?
Lý Vi hết nhịn nổi, đành tự bóc hạt dẻ nhét vào miệng Nhị cách cách. Làm Nhị cách cách, vốn đang hết sức chán chường song lại rất muốn hiếu thảo với a mã, mừng huýnh cả. Tứ a ca ôm Nhị cách cách, cười cười nhìn nàng, cũng nhặt hạt dẻ lên bóc vỏ, đút hết cho nàng và Nhị cách cách ăn.
Ba người ăn hết đĩa hạt dẻ trên bàn, Lý Vi vội bảo thôi.
Lúc Nhị cách cách được nhũ mẫu ẵm đi ngủ trưa, chàng mới hỏi: “Nàng thèm ăn à?” Phải ra cung rồi chàng mới được tiếp xúc với mấy món quà vặt này, còn ở trong cung, hạt dẻ toàn đem đi làm bánh hạt dẻ hoặc gà kho hạt dẻ* các loại.
*Bánh hạt dẻ
*Gà kho hạt dẻ
Tố Tố lớn lên trong gia đình bình dân, ắt là thuở nhỏ đã được ăn rất nhiều món ăn vặt. Thế mà khi vào cung đây, những thức quà bánh ấy lại thành của hiếm lạ.
Lý Vi lắc đầu: “Không phải ạ, giờ Nhị cách cách ăn ít, cứ thấy đói luôn, thiếp bèn tìm vài thứ cho nó ăn đỡ vậy.” Dứt lời, nhìn chàng một cái hờn trách.
“Khụ.” Nghĩ lại chuyện chàng yêu cầu Nhị cách cách chỉ được ăn một bát mỗi bữa, Tứ a ca cười bảo: “Cũng vì tốt cho nó thôi. Con nít tỳ vị yếu, ăn quá đâm bệnh thì nguy. Tuổi nó còn bé, lại không thể dùng thuốc tùy tiện, nó bệnh rồi chẳng lẽ nàng không xót ruột?”
Xót chứ. Nàng cũng phải hỏi cả nhũ mẫu lẫn Liễu ma ma mới biết vì sao trong cung phổ biến phương pháp nuôi con kiểu này – không gì khác ngoài nguyên do y học kém phát triển. Thêm việc không được hướng dẫn từ thầy thuốc có chuyên môn cao, dần dà mới đẻ ra cách bỏ đói con nhỏ. Vì những người ấy cũng không biết rốt cuộc bao nhiêu mới gọi là vừa phải, chỉ học được mỗi cách cho ăn ít, thế là thành ra như vậy.
Câu chuyện này làm nàng nhớ về hồi mới nuôi chó, nàng có hỏi bác sĩ thú y xem phải cho nó ăn uống thế nào. Bác sĩ dặn tốt nhất là đừng nên cho chó ăn quá nhiều, còn bảo thà để nó đói chút chút, vì chó đói không có hại gì, nhưng ăn nhiều sẽ dễ gặp vấn đề. Ngay trên mạng cũng nhất trí rằng chó con nên ăn ít thôi, tuy nhiên có thể chia làm nhiều bữa. Kết quả là có những người chủ chỉ tiếp thu mỗi nửa câu đầu, đơn cử như nàng từng gặp trường hợp một chú chó con kiệt quệ vì chủ cho ăn quá ít, khi được chủ đưa đến bệnh viện thú y, bác sĩ phán chó bị suy dinh dưỡng.
Chủ chó lại không tin, vì thức ăn cho chó ở nhà đều là hàng tốt, làm gì có chuyện suy dinh dưỡng, bèn nói: “Nó còn không đi ị nữa bác sĩ ạ.”
Bác sĩ thú y: “… Tại ăn ít quá nên không đi được chứ sao.”
Rồi thì người chủ cho chó ở lại bệnh viện để bác sĩ cho ăn hai bữa, chiều đấy nó ị được ngay, cũng có sức chạy nhảy tới lui nghịch quả bóng được.
Lúc đó đang ôm chó cho nó chích thuốc, Lý Vi tiện thể chứng kiến luôn toàn bộ sự việc này và thấy rất chi là 囧.
Cỡ này là hơi bị quá mức rồi đấy. Giờ nàng thấy cách nuôi con trong cung cũng phần nào giống thế: nào là để nó đói tí cũng có chết chóc gì đâu, cùng lắm là hơi yếu người này hơi mất tinh thần này; nào là ăn nhiều quá đâm ra tiêu chảy nôn mửa rồi lại đổ cho nhũ mẫu, ma ma là chăm sóc bất cẩn, để nó đói lả người… Mà đoán chừng các nhũ mẫu, ma ma cũng sẽ không để nhóm cách cách, a ca đói đến nông nỗi ấy thật đâu.
Lý Vi nhớ lại cách kiểm tra xem chó đã ăn no chưa của ngày xưa, ấy là sờ bụng nó coi có căng tròn lên không, và xem nó ị phân dạng rắn hay dạng lỏng. Nàng giảng giải cách nuôi chó như thể đang kể chuyện, còn tập trung nhấn mạnh vào việc con chó bị đói tới nỗi suy yếu hẳn và không đi vệ sinh, sau cùng mở rộng ra hơn với câu hỏi liệu cách này có dùng cho Nhị cách cách được hay không.
Tứ a ca kiên nhẫn nghe hết, nói: “Tức là nàng muốn nuôi Nhị cách cách như nuôi con chó con ấy hả?”
Câu này sao nghe cứ lấn cấn chỗ nào?
Trong cơn rối rắm, mong muốn vớt vát cho con gái của Lý Vi vẫn thắng thế, nàng nói: “Vậy cũng đâu thể áp đặt khắt khe được? Lỡ đâu một bát là quá ít với Nhị cách cách thì sao? Và nếu một bát rưỡi mới là vừa đủ với nó thì sao?”
“Ừ.” Tứ a ca hỏi, “Thế nàng muốn làm như nào?”
“Sẽ xem tình hình đi vệ sinh ra sao ạ.” Lý Vi nói giọng hùng hồn.
Tứ a ca gọi nhũ mẫu của Nhị cách cách tới, hỏi sinh hoạt thường ngày của Nhị cách cách gần đây thế nào. Lý Vi hãi hùng nghe nhũ mẫu thưa kỹ đến cả chuyện một ngày Nhị cách cách uống mấy cốc nước, đi tiểu mấy lần, phân có vàng không.
Cho nhũ mẫu lui ra, chàng thấy hồn nàng vẫn ở đâu đâu, không nhịn được búng vào trán nàng, “Đơ rồi à? Những nhũ mẫu này từ lúc chưa có con đã được Nội vụ phủ chọn về dạy dỗ, và sau đó đều phải trải qua hai, ba lần sinh nở thì mới được chọn làm nhũ mẫu. Bàn đến việc chăm nuôi con trẻ, họ thông thạo hơn nàng nhiều.”
Bọn người tinh ma ở Nội vụ phủ kia hằng ngày rãnh rỗi không việc gì làm là lại đem những chuyện trên trời dưới đất ra mà săm soi ngâm cứu. Đến cả chuyện phòng the họ cũng biên ra được tận một hai ba tập hẳn hoi, huống gì là chuyện nuôi con?
Lý Vi đành thôi, nàng phát hiện ở mặt này ấy mà, đúng là nàng không chuyên nghiệp bằng người ta thật.
Bỗng nghĩ ra điều gì, nàng lo lắng hỏi: “Lúc trước họ không nói gì, liệu có phải do thiếp đòi hỏi nhiều quá, nên họ dứt khoát mặc vậy cho bớt chuyện luôn không?” Nàng không gò bó Nhị cách cách trong chuyện ăn uống, và nhóm nhũ mẫu cũng chẳng ý kiến gì.
Tứ a ca không ngờ nàng lại đột ngột thông suốt, sợ nàng hiểu ra rồi lại tự trách mình, bèn nói: “Cái đấy thì không, dù nàng không dạy bảo Nhị cách cách, thì khi Nhị cách cách gặp chuyện, kẻ đầu tiên bị hỏi tội vẫn sẽ là họ, dù họ đổ ngược lại cho nàng thì cũng không thoát được tội. Lúc trước kia à, có lẽ do thấy Nhị cách cách không bị sao, nên mới không nói gì đấy.”
Lúc này Lý Vi mới nhẹ thở phào, may là không bị một phút hồ đồ mà làm hại con gái.
“… Thế thiếp cho nó ăn hạt dẻ có làm sao không?” Nàng lại nghĩ tới việc này.
“Không đâu, ăn hạt dẻ thôi thì bị gì được? Ta thấy mỗi lần nàng cũng không cho nó ăn quá nhiều, đừng cứ như chim sợ cành cong ấy vậy. Trên đời này, đâu còn ai thật lòng thật dạ yêu thương Nhị cách cách hơn nàng nữa.” Chàng kéo tay nàng, an ủi.
“Thiếp chỉ sợ tốt bụng lại thành ra hỏng việc. Lần đầu thiếp làm ngạch nương, cũng là lần đầu nuôi con, cái gì cũng phải tìm hiểu cho biết.” Chỗ này lại còn chẳng có internet, Lý Vi vẫn thấy choáng ngợp.
Đến trưa nàng cũng chẳng ăn được mấy.
(còn tiếp)