Một năm trời không gặp Tứ a ca, Lý Vi bỗng thấy có phần xa lạ.
Bước từ ngoài cửa vào, rõ ràng Tứ a ca đã cao thêm ba, năm tấc so với năm ngoái.
Năm ngoái trước lúc đi trông phừng phừng hăm hở như cậu chàng sinh viên chưa ra trường.
Bây giờ lại hóa thành anh lính vừa xong khóa huấn luyện thực chiến ba năm, khí chất thay đổi chóng mặt.
Ít nhất thì đã khiến phản ứng đầu tiên của Lý Vi chẳng phải hai mắt rưng rưng hùng hổ nhào đến, mà là nhún thấp người rồi thưa: “Thiếp cầu chúc a ca cát an, vạn phúc.”
Trời ạ, ngoài lần đầu gặp vạn tuế ở Trữ Tú cung (tuy không được diện kiến), thì chưa lần nào nàng nghiêm trang thế này đâu.
Tứ a ca thấy Lý thị như thế, trong lòng nhiều ít những mối ngổn ngang.
Qua những báo cáo mười ngày một lần của Trương Đức Thắng, chàng biết chuyện sau khi Lý thị hay tin phúc tấn muốn ẵm Nhị cách cách đi, từ ấy đã giữ vững tần suất đi thỉnh an mỗi ngày.
Năm ấy khi phúc tấn vừa vào còn lảng đi làm biếng, năm nay chàng vừa xa nhà một cái đã hiểu chuyện hơn nhiều rồi.
Lúc chưa về chàng còn cảm thán, quả nhiên mình đã nuông chiều Lý thị quá trớn.
Nàng quy củ hơn một chút, cung kính với phúc tấn hơn một chút, là chàng cũng được yên tâm.
Nhưng hôm nay trông thấy điệu bộ co ro khúm núm của nàng, chàng lại mềm lòng.
Chàng vươn tay dìu Lý thị dậy, nhìn nàng cúi gằm đầu chẳng dám để chàng thấy mụn nước bên khóe miệng, thì không còn nhất quyết nâng cằm nàng lên xem như năm xưa nữa.
Khi ấy chàng cho rằng Lý thị thực sự không gánh nổi sự cất nhắc của chàng, tại nàng nhát gan quá.
Song được chàng sủng có mấy hôm, mà đã trốn tránh phúc tấn như thế.
Chẳng lẽ chàng là hạng sủng thiếp diệt thê, quên gia pháp tổ tông hay sao?
Giờ đây, chàng cũng phải chừa cho nàng một đôi phần thể diện.
Tứ a ca cầm tay Lý Vi, hai người cùng ngồi xuống như xưa.
“Ta đem nhiều đồ về cho nàng lắm, lúc nữa sẽ bảo Tô Bồi Thịnh đưa sang đây.
Lần này ra ngoài tuy gian khổ, nhưng cũng đụng phải vài ba chuyện lý thú.
Trước kia chỉ toàn thấy mỗi ở trong kịch bản, không ngờ lại được gặp thật.”
Tứ a ca khẽ bật cười, giọng dịu dàng hết mực: “Có lần, bọn ta tá túc tại một ngôi đền thờ Thổ Công, đêm xuống lại có tiên nhân đến báo mộng, bảo nhà ông ta phải chịu mối oan tày trời, cất công đi xin Diêm vương tới tìm bọn ta nhờ phân xử.” Chàng kể từ tốn, bất giác làm Lý Vi vốn định sống chết gì cũng phải giấu mặt đi, rốt cuộc chịu ngẩng đầu.
“…!Nguyên ta còn tưởng giống như trong kịch bản viết, đúng là có mối oan nghiệt ngã thực, bèn sai thị vệ đưa ông ta lại để hỏi.
Kẻ này vốn bị treo trên xà nhà, mấy thị vệ xúm lại cởi cho ông ta xuống, ông ta mới sợ mất mật, nói chẳng qua đến đây vì muốn lừa vài đồng bạc.
Dùng cách này, ông ta đã bịp được không biết bao nhiêu người qua đường.
Người bình thường nghe oan hồn trần tình, chắc chắn chỉ có số ít đứng ra giải oan cho, còn phần nhiều là xin ông ta rộng lòng nương tay, rồi nhanh nhanh chóng chóng chạy ù đi mất.
Vậy nên ông ta bèn thừa cơ xin xỏ đồ từ người khác.” Tứ a ca vừa kể vừa than thở, lại thấy Lý thị không giấu được nụ cười.
Vẫn dễ dỗ như thế.
Tứ a ca bèn kể tiếp.
Ngọc Bình lặng lẽ đi vào đổi chén trà, thấy Tứ a ca kể những việc gặp trên đường như thể là kể chuyện, cách cách lại hân hoan như đương nghe kịch Nam.
Lúc trở ra, nàng ta mới thở vào nhẹ nhõm, coi bộ ra ngoài một năm, Tứ a ca vẫn chưa quên cách cách.
Ngồi nói thể mà cũng nói được tới tận trưa.
Tứ a ca thuận đà ở lại dùng bữa, cũng gặp luôn Nhị cách cách.
Nhị cách cách hiện đã được bảy tháng, người béo tròn kháu khỉnh, cánh tay núng nính y hệt củ sen.
Tuy mới học ngồi chưa bao lâu, nhưng đã rất là tinh nghịch, khi ngồi cứ thích xoay tới xoay lui, chỉ cần cho nằm úp sấp, thì sẽ ngúng nguẩy tay chân như là con rùa.
Lý Vi không bao giờ hạn chế con, hào phóng nhường luôn cả cái giường của mình.
Giường nàng như một nhà gỗ nhỏ, không gian bên trong tương đối rộng rãi, có lẽ vì để tiện bề lăn giường với Tứ a ca nên đằng dưới rất cứng cáp, vững chãi vô cùng.
Cơm nước xong, Tứ a ca muốn đi thăm Nhị cách cách một chốc.
Theo chân Lý thị vào phòng ngủ, kết quả nhìn thấy chiếc nôi bị bỏ qua một bên, mép ngoài giường Lý thị được quây thêm một lớp rào chắn, trên giường trải tấm đệm trắng thuần không một nét hoa văn.
Nhị cách cách đương ở trên giường dốc sức bò khắp chung quanh.
Ngọc Thủy và Ngọc Yên chia nhau đứng hai bên giường coi chừng nó.
“Sao lại để con ngủ ở giường nàng?” Tứ a ca khó hiểu hỏi.
Những trường hợp nuông chiều con không phải không có, nhưng để con ngủ luôn trên giường mình lại hiếm thấy, cùng lắm là cho nó ở gian bên cạnh.
Với thân phận như Lý thị, bất cứ lúc nào cũng phải trong tâm thái sẵn sàng hầu hạ chàng, thì sao nhường giường của mình được?
Dù Nhị cách cách có là máu mủ ruột thịt của chàng, song con nít độ này dễ ị đùn đái dầm, ngộ nhỡ dính cả ra giường chiếu thì tính làm sao?
Nghĩ vậy, Tứ a ca hỏi nàng: “Nàng ngủ chỗ nào?”
Lý Vi chỉ qua chái Tây.
Dạo này sinh hoạt thường ngày của nàng đều giải quyết hết bên đấy, buổi sáng ở với con, tối lại quay về chái Tây.
Tứ a ca không giấu nổi cái chau mày.
Khi trước vì muốn lấy ánh sáng, nên giữa chái Tây và phòng chính chỉ ngăn cách nhau bằng một chiếc kệ nhiều ngăn, tuy trước sạp có đặt thêm bức bình phong, song từ khi dựng phủ chàng toàn sủng ái Lý thị trong phòng ngủ.
Dù sao cũng không còn bất tiện như hồi trong cung, nay chỗ ở rộng rãi, đương nhiên không thể để mình chịu thiệt được.
Nhìn con đương chơi trong căn phòng ngủ ban đầu, lại nhìn bức bình phong được mỗi tác dụng bịt tai trộm chuông dựng bên kia.
…!Lý thị cố tình ư?
Ánh nhìn ngờ vực của Tứ a ca vừa lia sang, Lý Vi theo bản năng cúi đầu ngay.
Cha chả, nàng chột dạ cái bíp.
Kế đó nàng mới dũng cảm ngẩng đầu, ngờ đâu Tứ a ca chẳng hề nổi giận, lần này về hình như bụng dạ chàng thâm sâu hơn hẳn trước kia.
Tứ a ca thấp giọng cười khẽ, dắt tay Lý Vi sang chái Tây.
“Lui xuống cả đi.” Chàng nói với đám Ngọc Bình.
Tận lúc Tứ a ca đẩy nàng ngã ra sạp, nàng mới phát hiện chàng đuổi mọi người đi hết chỉ để làm chuyện này!
Đủ mọi cảm xúc lẫn lộn trào lên, nào giận hờn, sợ hãi, phẫn nộ, ghen tuông, Lý Vi che khóe môi giãy giụa: “Đừng…!gia, thiếp thế này không thể để chàng nhìn được…”
Tứ a ca nói: “Nếu vậy, gia không nhìn nữa, nàng nghiêng người đi.” Chàng đẩy nghiêng mặt nàng, hôn vào bên khóe môi không bị phồng rộp.
Nàng che miệng khóc rưng rức.
Một năm qua nàng phải gồng mình đến là khổ sở, đến nỗi tưởng như mình chẳng còn là mình nữa rồi.
Nàng biết Tứ a ca thích điều gì ở nàng, nên cứ mãi ám ảnh nỗi sợ liệu rằng khi về chàng có đâm ghét nàng của hiện tại hay không? Nhưng nàng lại thấy tủi thân, nàng luôn luôn thành thật, luôn hành xử và đối đãi với người khác bằng tất cả lương tâm mình, thế thì tại sao nàng lại dần dần trở thành loại phụ nữ mà chính nàng còn không thích cơ chứ?
“…!Biết nàng ấm ức, nên với xa cách với gia.” Tứ a ca ghé vào tai nàng nói: “Gọi Dận Chân nghe xem, Dận Chân về rồi đây.”
Lý Vi tức khắc vỡ òa, ôm Tứ a ca, nói năng lộn xộn: “Gia…!thiếp sợ, thiếp sai rồi, thiếp và phúc tấn…!thiếp không có ý đó đâu…!thiếp không muốn…!chàng không thích thiếp nữa…!chàng ghét thiếp…”
“Bậy nào.” Tứ a ca chậm rãi nói: “Ai bảo gia không thích nàng nữa? Ai bảo gia ghét nàng?” Chàng áp mặt vào mặt nàng, hai người môi kề má ấp.
Lý thị không giống những người khác.
Lần này xa nhà chàng mới hiểu ra.
Khi một người nhớ nhung ai đó, trong lòng vấn vương bóng hình ai đó, có gạt được người khác, chứ sao lừa được bản thân mình.
Nghĩ đoạn chàng nhoẻn miệng cười, đưa tay gạt vệt nước mắt trên mặt nàng.
“Ở ngoài lúc nào cũng nhớ mẹ con nàng.
Nàng, và Nhị cách cách nhà ta, đang nóng hay đang lạnh, ban đêm có khóc không, có bị bắt nạt không.” Giọng Tứ a ca chầm chậm, vùi đầu vào tóc nàng hít hà làn hương trên người nàng.
Chàng cười nói: “Người toàn mùi sữa, nàng vẫn cho Nhị cách cách bú à?”
Lý Vi đương thút tha thút thít, lúc này vội đẩy chàng tránh chàng, khàn giọng đáp: “Ngày…!ngày nào cũng cho.
Đã bôi cả lọ sáp thơm rồi mà sao người vẫn còn ngửi thấy!”
“Thế hôm nay cho ta đi.”
Vờn nhau hết một buổi trưa, lúc xong việc thì mặt trời ngoài ô cửa cũng vừa xuống núi.
Gian phòng tối dần, mành the che cửa sổ ánh lên một quầng ráng đỏ.
Chàng trở người ngồi dậy, Lý Vi biết như này là sắp sửa sang phòng phúc tấn đây.
Đi biền biệt một năm mới về, kiểu gì cũng phải nể mặt phúc tấn.
Nàng ăn thịt dê cũng vì lý do này.
Nhưng bây giờ nàng khó chịu muốn điên, bèn xoay lưng ra ngoài, chôn mặt trong chăn để mà ngạt thở chết quách đi cho xong.
Tứ a ca choàng thêm áo rồi gọi nước ấm, vừa quay đầu đã trông thấy bộ điệu ấy của nàng.
Lại ghen.
Ấy mà Tứ a ca bỗng thấy nhơ nhớ, đoạn chàng bảo người đặt nước ngoài bình phong, đi ra cho đứa hầu lau sạch sẽ, rồi quay vào gọi nàng.
“Chưa chịu dậy nữa à? Tới giờ ăn tối rồi đấy.” Tứ a ca nói, thấy Lý thị ngồi dậy giữa đống chăn, quanh miệng là màu đỏ rừng rực, hai cánh môi bị chàng gặm c ắn sưng tợn, ngồi đấy bọc chăn làm chàng nhìn mà lại muốn nữa rồi.
Đám Ngọc Bình đã đứng ở ngoài cả buổi trời, đưa nước ấm vào xong lại không thấy động tĩnh gì nữa.
Tô Bồi Thịnh hơi nóng ruột, lúc ở thư phòng Tứ a ca có nhắc buổi tối sẽ dùng bữa ở chỗ phúc tấn.
Giờ này chưa ra, chẳng biết đang làm gì?
Một lúc sau, trong phòng lại vang lên tiếng động.
Tuyệt, hai người đồng loạt ngậm miệng, tiếp tục đứng gác.
Hiếm khi Tứ a ca buông thả một phen.
Một năm nay chàng đã chứng kiến quá nhiều chuyện, đám quan viên khốn nạn ấy khi nào cũng rót vào tai chàng những câu rất dễ nghe, nhưng tuyệt nhiên không có lấy một câu nào là thật.
Chàng biết, cứ cho xét kỹ là những kẻ này vỡ mật ngay.
Tuy nhiên lời của hoàng thượng và thái tử nói với chàng trước khi chàng ra cung, làm chàng không dám thẳng tay với bọn người ấy được, chỉ còn cách lá mặt lá trái thôi.
Chàng là hoàng a ca, phụng hoàng mệnh đến điều tra chúng, nhưng bọn người này lại cả gan phỉnh phờ chàng một cách trắng trợn.
Dựa vào đâu hả? Song, một sự thật rằng chàng vẫn không thể trừng trị chúng được.
Bọn ấy tự do hơn chàng, sống thảnh thơi hơn chàng.
Trong phòng chàng có mỗi ba cách cách, sủng nhất thì chỉ có mình Lý thị, nàng lại còn là người tính cách đơn giản.
Nhưng trong số bọn người kia, lại có kẻ nuôi những hai, ba mươi cô tiểu thiếp, mấy cô tuyệt sắc khéo xòe một bàn tay cũng đếm không xuể; có kẻ chẳng biết đã vào cung được bao lần; còn có kẻ từng đưa cả ái thiếp sang hầu chàng.
Chàng phát tởm!
Bọn này…!bọn này…!Sớm muộn gì rồi chàng cũng lần đến gáy từng kẻ một!
Chàng nghiến chặt răng, mặc Lý thị la càng lúc càng to.
La đi! Gia sủng nàng, gia hướng về nàng!
Lần này sau khi xuất ra, Tứ a ca thất thần mất một hồi lâu, đoạn từ từ đổ ập xuống người Lý Vi thở hổn hển.
Hai người quấn quýt lấy nhau, loáng cái đã hơn bảy giờ.
Tâm trạng mất kiểm soát bất chợt của Lý Vi cũng khôi phục lại bình thường, bèn dậy thay đồ chải đầu rửa mặt cho Tứ a ca.
Tứ a ca cũng bình ổn lại, nâng cằm nàng ngó nghía, nói: “Vẫn dùng cao lô hội ngọc bích à?” Chính cái vị trong miệng chàng lúc nãy.
“Dùng hiệu quả lắm, bôi vào là hết đau, không tái phát nữa.” Tóc Lý Vi vén lên lỏng lẻo, buông xõa trên vai.
Tứ a ca dém tóc lại cho nàng, đặt tay lên nàng, nhỏ giọng bảo: “Đừng nghĩ ngợi lung tung nữa.
Phúc tấn là phúc tấn, nàng là nàng.
Gia với nàng thế nào, lòng nàng phải biết chứ.
Chuyện khác đừng quan tâm làm gì, hãy chăm sóc tốt cho mình và Nhị cách cách.”
Lý Vi đương hối hận vì ban nãy lanh mồm lanh miệng nói nhiều quá, chẳng biết Tứ a ca hiểu ra sao.
Hai tay nàng ôm vòng người chàng, nũng nịu: “Gia…!vừa kia thiếp không có ý ấy đâu…!người đừng tưởng thật…”
Tứ a ca quàng lấy vai nàng, cười nói: “Gia lại hiểu nàng quá? Chỉ được cái hay ghen.”
Ra khỏi tiểu viện, Tứ a ca không sang viện của phúc tấn.
Hôm qua vừa về là chàng vào cung, lĩnh yến xong lại yết vua, hôm nay vì hoàng thượng cho nghỉ nên chàng mới không vào cung.
Tuy hiện giờ phúc tấn đã từ cung về, chàng cũng chẳng còn tinh thần nào đi sang bên ấy nữa.
Ăn qua loa cho xong bữa tối tại thư phòng, đêm Tứ a ca ngủ luôn tại đây.
Sang ngày thứ ba, Tứ a ca bắt đầu vào cung hằng ngày.
Sau khi lĩnh yến sẽ lại trò chuyện với hoàng thượng, thái tử; khi về thì nghỉ ở thư phòng.
Kết quả, lúc chàng rời cung về phủ, đã đem đến cho phúc tấn một tin tức lớn: Hoàng thượng sắp thân chinh.
“Ta cũng phải đi, hoàng a mã để ta dẫn dắt Tương Hồng kỳ*.” Tứ a ca ngồi xuống, vừa uống trà vừa nói.
Lúc trong cung chàng hạn chế uống trà hẳn, không ngồi với hoàng thượng thì cũng ngồi cùng thái tử, uống trà nhiều sẽ phải tiểu tiện.
Hôm nay vào cung chàng không rót bụng một ngụm trà nào, khi ăn cơm với hoàng thượng thì gặp thức ăn mặn chát, một ý nghĩ có phần mạo phạm chợt nảy lên trong đầu Tứ a ca: Do hoàng a mã lớn tuổi rồi nên khẩu vị nặng hơn chăng?
*Một kỳ trong chế độ Bát kỳ của nhà Thanh.
Rõ ràng phúc tấn hơi lấy làm khó hiểu, vội hỏi: “Khi nào sẽ đi ạ?”
“Khoảng mấy ngày tới sẽ thông báo.” Tứ a ca bưng trà, nghĩ bụng: Chắc các a ca vẫn chưa ai biết chuyện.
Hoàng thượng giấu khá kỹ, người trong kinh không nghe thấy một tin tức nào.
Đại doanh ở vùng ngoại ô kinh thành vốn phải theo hoàng thượng xuất chinh, động thái rộn ràng nhường ấy mà mọi tiếng gió cũng cứ lặn tăm, mánh khóe của hoàng thượng thực là cao tay.
Chàng thấy gương mặt phúc tấn lộ vẻ buồn buồn, cũng biết tại chàng vừa về có mấy ngày đã lại phải đi nữa, như thế là không quá tốt cho phúc tấn.
Ngay tới chàng cũng đâm hơi lo, nói: “Đến mấy a ca phải đi.
Hoàng thượng cốt muốn dẫn bọn ta đi mở mang đầu óc, có điều chuyến này đi chắc sẽ không quá lâu, việc binh quý ở chỗ thần tốc, bắt được tên thủ lĩnh xong sẽ về ngay.”
Phúc tấn xốc dậy tinh thần, toan bảo chàng hãy yên trí mà đi, chợt nghe Tứ a ca cho những người khác lui hết.
Nàng biết Tứ a ca có chuyện dặn dò nàng, bèn tập trung nghe.
Nguyên Tứ a ca tưởng vẫn còn thời gian, ngờ đâu lại sắp đi vắng tiếp, hễ nghĩ đến những trò ma mãnh vòng quanh của đám nô tài Nội vụ phủ kia, là lòng chàng không yên đặng.
“Chuyện đám người của Nội vụ phủ…!ta đã biết cả rồi.” Chàng vừa dứt lời, phúc tấn lập tức quỳ xuống thỉnh tội.
Tứ a ca đỡ nàng dậy, nói: “Nàng còn non trẻ, chưa biết những trò ghê gớm của chúng.
Khoan nói phủ ta, đến một, hai chủ tử không được sủng trong cung cũng bị chúng điều khiển nữa là.
Ta vốn nghĩ sẽ gạch bỏ vài kẻ khó bảo trong số chúng ra, nhưng lứa được đưa đến tiếp sau chưa hẳn đã tốt.”
Chàng nhìn phúc tấn, mong nàng hiểu được ý của chàng.
Chỉ một đám nô tài đã qua mắt được nàng, nếu mai sau có kẻ thân phận cao hơn làm khó dễ nàng, thì nàng tính kiểu gì đây? Chàng trừng trị được bọn nô tài, nhưng liệu có xử lý được người khác tương tự thế hay không?
Phúc tấn gật đầu, thưa: “Thiếp hiểu ý a ca, lần sau sẽ không tái phạm nữa.”
Tứ a ca nói: “Nàng hiểu là tốt.
Chuyện lần này coi như một bài học cho nàng.
Nàng phải nhớ rằng con người ở đời ai cũng ấp ủ lòng riêng.
Dù có là người thân cận nàng thì cũng vậy.
Vả chăng lần này chỉ có một, hai hạ nhân còn dễ xử, nếu về sau nàng có a ca, cách cách, cũng định mặc chúng bị kẻ khác chi phối luôn ư?”
Lời Tứ a ca nói như một cú huých cho phúc tấn tỉnh lại, bỗng chốc ngộ ra.
Lời này nửa là trách nàng không quản được người mình, tạo điều kiện cho những kẻ từ trong cung ra khuấy lộn cả phủ.
Nửa còn lại đang nhắc khéo đến Nhị cách cách.
Đại cách cách vì Tống thị không được sủng nên chẳng có ai chú ý tới nó, dù có kẻ muốn làm gì thì cũng sẽ không chọn nó.
Nhưng Nhị cách cách thì khác.
Nếu đưa Nhị cách cách sang chỗ nàng, lỡ ra để nó không dưng đổ bệnh như Phúc ma ma thì làm sao?
Thậm chí phúc tấn còn không thể cam đoan là chuyện này sẽ không xảy ra.
Vì ngay đến hiện tại, nàng vẫn chưa tra ra được là Phúc ma ma trúng chiêu kiểu gì, mà bà ta trúng chiêu chẳng phải một lần, ít nhất phải hai lần.
Tứ a ca trông thấy sắc mặt phúc tấn, không định chỉ nói nửa vời, trước khi lên đường lần nữa chàng phải kịp thời giúp phúc tấn thức tỉnh.
“Lý thị xuất thân nhà bình dân, hiểu biết hạn hẹp, song người bên cạnh lại biết tuân theo.
Phúc tấn, ba người cùng đi, ắt có một người là thầy của ta(1).
Nuôi con ai cũng muốn con thông minh, lại để thông minh hại đời mình.
Chỉ ước con ta cứ ngây ngốc, yên bình ngồi vào ghế công khanh(2).”
(1)Trích từ Luận ngữ – Khổng Tử.
(2)4 câu thơ trong bài thơ Tẩy nhi hí tác của Tô Thức.
Mặt phúc tấn đỏ lên, nhưng Tứ a ca vẫn nói: “Ta tặng bài thơ này của Tô công cho phúc tấn, mong phúc tấn nhớ lấy mà nghiền ngẫm.”
“…!Thiếp xin lĩnh giáo.” Phúc tấn đứng dậy rời chỗ, đoan trang quỳ xuống thưa.
Mười ngày sau, Tứ a ca theo hoàng thượng xuất chinh.
Thái tử ở lại kinh giám quốc.
Từ Đại a ca trở xuống cho đến Bát a ca đều cùng đi với hoàng thượng.
Hai tháng sau khi Tứ a ca đi, phúc tấn được tin có thai..
Lý Vi cảm thấy nàng càng ngày càng không thể kiểm soát tốt được bản thân mình nữa rồi.
Kể từ lúc có Nhị cách cách, nàng nhận ra chỗ dựa của mình không chỉ là mỗi Tứ a ca. Con người một khi đã có niềm tin thì sẽ thay đổi rất nhiều, mà sự thay đổi ở nàng ấy chính là bắt đầu soi mói, xét nét đủ điều với Tứ a ca. Tuy không dám nói ra miệng, nhưng quả tình nàng ngày càng mất kiên nhẫn với chàng.
Có thì giờ ứng phó với chàng, nghe những lời ngon tiếng ngọt từ chàng, thôi thà ở với con gái còn hơn.
Nàng vốn đã không giỏi kiềm chế tính khí, cho rằng mình cứ trên cái đà không còn đáng yêu như xưa thì chẳng mấy chốc rồi Tứ a ca cũng sẽ chán ngán. Lại còn mường tượng ra hằng hà sa số những diễn biến về cuộc sống bất định ở hậu viện của mình sau khi không còn được Tứ a ca sủng ái.
Thực là ba trăm sáu chục thoi đưa, gươm sương dao gió những chờ đâu đây*.
*Trích từ Táng hoa từ (Hồng lâu mộng – Tào Tuyết Cần, nhóm Vũ Bội Hoàng dịch). “Ba trăm sáu chục” tức ba trăm sáu chục ngày trong năm.
Dòng tưởng tượng bay cao bay xa giày vò Lý Vi, làm nàng thường ôm chăn khóc thầm. Nhưng nàng tự hành mình xong, bỗng phát hiện Tứ a ca lại năng sang chỗ nàng hơn lạ! Và còn dịu dàng hơn, dễ tính hơn cả; hễ nàng gắt gỏng, chàng sẽ đợi qua một lúc rồi rủ lòng bao dung tới gần dỗ dành nàng, vẻ như “Ái chà, lại nữa rồi, thật hết chịu nổi mà”, nhưng hành vi thì hoàn toàn trái ngược!
Rõ là chàng đắc ý chết đi được.
Bấy giờ Lý Vi mới ngộ ra… trí tưởng tượng của Tứ a ca phong phú lắm đấy cũng chưa biết chừng.
Thực sự rất muốn biết trong bộ óc của chàng, nàng trông sẽ ra sao…
Khi bụng phúc tấn mỗi ngày một lớn, lại phải đối mặt với một vấn đề đáng lo ngại nọ. Câu hỏi đặt ra rằng ai sẽ là người lên quán xuyến hậu viện trong thời gian này. Ít nhất phải lo cho đến khi phúc tấn ở cữ xong, thế thì là gần nửa năm.
Mặc dù Tứ a ca đang ở nhà, song hiển nhiên chàng sẽ không thay phúc tấn quản hậu viện với những công việc như xếp thực đơn cho nhóm cách cách; xem xét giờ làm việc của đám hạ nhân, lúc nào thì thay ca, lúc nào thì quét dọn vệ sinh các loại. Trải qua một cuộc biến động lớn trong nhóm hạ nhân Nội vụ phủ ở chính viện, tin chắc là cả phúc tấn cũng sẽ không đồng ý giao phó quyền lực vào tay hạ nhân, dù đó chỉ là tạm thời.
Vậy để ai gánh vụ này đây? Ngay lúc Lý Vi ngửi thấy mùi mình lại sắp trúng đạn, Tứ a ca đã thẳng thừng nói với nàng: “Nay phúc tấn mang thai nhiều điều bất tiện, ngày mai nàng hãy nhận đối bài* về đây.”
*Đối bài được làm từ gỗ hoặc tre, có dấu hiệu và có số riêng của các gia đình quý tộc phong kiến, dùng để cấp phát tiền lương và các dụng cụ.
Lúc này hai người đương dùng bữa trong phòng, củ sen đầu thu ngon tuyệt cú mèo, ăn dai giòn sừn sựt. Thế nên món chay tối hôm nay là củ sen thái hột lựu trộn củ cải thái hột lựu trộn đậu phộng ướp nước muối, hột nào hột nấy giòn tan khó cưỡng. Món mặn có khoanh củ sen chiên giòn, bánh ngọt có củ sen hoa quế chưng. Ba món trên đều là món Lý Vi gọi.
*Khoanh củ sen chiên giòn
*Củ sen hoa quế chưng
Nhìn đồ ăn, Tứ a ca buông một câu phàn nàn: “… Nàng ăn gì là cũng phải ăn cho bằng ngấy mới thôi.” Song chàng vẫn thò đũa gắp củ sen hột lựu rất nhiệt tình.
Lý Vi chẳng để bụng, vừa nhai củ sen chiên vừa húp cháo. Nhị cách cách ngồi ở cái bàn nhỏ đằng dưới, Lý Vi không cho nhũ mẫu đút cơm, vì nàng nhớ trẻ con thì nên cố gắng rèn luyện khả năng tự chăm sóc mình. Cứ lo nó ăn vung vãi bầy bừa làm gì? Cùng lắm là ăn xong rồi mình thay bộ đồ mới thôi, đâu dễ gì mới đầu thai được thành con ông cháu cha, hãy cứ bung lụa hết mình đi nhé cô gái!
Vậy là, Nhị cách cách biến luôn chỗ ăn của mình thành bãi chiến trường. Sợ thìa và đũa sẽ làm con bị thương, nên dụng cụ ăn uống của Nhị cách cách không gì khác ngoài hai bàn tay, trong cái đĩa bạc đặt trước mặt là một đống cơm hổ lốn. Tứ a ca ra chiều nhìn mà nhức hết cả mắt, nhưng một điều bất ngờ là chàng lại không hề can ngăn.
Chỉ mình Tứ a ca biết, sở dĩ chàng không ngăn lại hành vi của Nhị cách cách chính bởi tại chàng bỗng dưng thấy Tố Tố nói rất có lý.
Trong sự lưỡng lự, Lý Vi không đáp “vâng” ngay, thực ra nàng đang tìm cớ.
“Tố Tố.” Tứ a ca giục nàng.
Tố Tố là biến thể của Tố Hinh. Kể từ ngày cái tên ngang trái ấy được gọi, Lý Vi đã buộc mình phải cố chịu việc nó trở thành nhũ danh của nàng.
Có tiếng gọi ấy kích thích, Lý Vi nhanh chóng tìm ra ngay một người thay thế và một lý do thích đáng nhất!
Đấy chính là Tống cách cách. Nàng ta theo hầu Tứ a ca lâu nhất. Nàng ta sinh Đại cách cách. Nàng ta tính nết hiền dịu, không làm chuyện xấu. Và mấu chốt nữa là, nàng ta được phúc tấn tin cậy!
Lý Vi giở giọng trăm phần trăm chân thành: “Tứ gia, nói không phải ra vẻ khiêm tốn chứ, nếu thiếp tiếp quản mọi việc, phúc tấn chắc chắn sẽ không yên tâm đâu. Đúng là phúc tấn tốt thực, có gì bất mãn đều nén lại trong lòng, nhưng thiếp đâu thể ỷ y vào điều ấy mà làm bộ không biết gì. Phúc tấn đang mang thai, thiếp nghĩ dẫu có vì đứa nhỏ, thì thời gian tới cũng phải giữ cho tâm trạng phúc tấn được tươi vui khoan khoái. Để Tống cách cách quản lý, xét từ kinh nghiệm hay thân phận, hay bất kể mặt nào, cũng đều hơn thiếp cả.”
Lời nàng nói câu nào cũng là thật tình. Lấy ví dụ giám đốc văn phòng nghỉ sinh nửa năm, cấp dưới thân tín của chị ta sẽ thay mặt lo liệu, nhưng mấy ông lãnh đạo ở trên lại muốn bạn nhận kèo này (p/s: không thêm lương). Thế bạn sẽ nhận lời hay là từ chối đây? Mặt khác, khi kết thúc kỳ nghỉ sinh, chị giám đốc vẫn sẽ quay về, chị ta thuộc dòng chính quy trong hàng các ông lớn chính quy, sẽ ngồi trên đầu trên cổ bạn cả đời, có bạn đi chứ người ta vẫn cứ đứng hiên ngang ở đấy thôi.
Loại công việc chỉ được cái nước rước thù vào thân này thì ai thèm làm?
Lý Vi chối từ.
Nhưng Tứ a ca lại gập ngón tay gõ gõ bàn, “Sáng mai, đại ma ma sẽ đưa đối bài tới đây.” Dứt lời, chàng ra hiệu cho Ngọc Bình dâng trà.
Lý Vi đành nuốt ngược hết mấy lời sắt son thiết tha xuống bụng.
Lúc Tứ a ca dễ nói chuyện, nàng còn chơi trò dùng dằng ngúng nguẩy được. Song khi chàng đã tỏ ý chuyện này không thể thương lượng, thì tốt nhất là nàng nên lập tức quỳ xuống ca bài Chinh phục là vừa. Ha ha, chị đây ứ thèm đàm đạo dân chủ với người cổ đại. Rặt những người tư tưởng chưa được khai hóa! Là một người hiện đại, chị đây phải có lòng bao dung.
Tự an ủi mình xong, Lý Vi ngồi uống trà với Tứ a ca.
Uống trà xong, hai người theo lẽ thường một người đi viết chữ; một người đi nói chuyện với Nhị cách cách, cụ thể là mô phỏng Bạn nói tôi học theo phiên bản tiếng Mãn. May rằng hai năm trước khi kỳ tuyển tú diễn ra Lý Vi mới bắt đầu học, ký ức hãy còn mới tinh, chưa quên sạch bách. Khi chơi trò này với Nhị cách cách đúng là kẻ tám lạng, người nửa cân.
Tứ a ca ở bên viết chữ, quanh tai toàn những câu tiếng Mãn cơ bản như “Xin mời uống bát rượu này”, “Mọi người cùng đi săn thú”, “Bát sữa này thơm phức”. Trình độ của Tố Tố xấp xỉ trình độ của một đứa con nít chưa đầy hai tuổi, thêm vài năm nữa khéo Nhị cách cách phải dạy lại nàng.
Chàng hiểu nguyên do tại sao Tố Tố không chấp nhận chuyện thay phúc tấn quản lý sự vụ. Vì tốt cho nàng, nên chàng mới buộc nàng phải nhận.
Đôi lúc chàng lại nghĩ, có lẽ Lý gia cũng giống như những điều trong sách viết, là một gia đình cha hiền con thảo, anh em thuận hòa, vợ chồng êm ấm. Tố Tố được gả cho chàng bao nhiêu năm, mà tính tình vẫn hệt một đứa trẻ chưa lớn. Nàng chỉ ngồi một chỗ đón nhận lòng tốt của người khác, và rồi dùng lòng tốt của mình để báo đáp người ta.
Với chàng và phúc tấn, nàng luôn ở thế chịu đựng, chưa một lần nào muốn đứng lên chống đối. Chàng sủng ái nàng, nàng sẽ dốc hết lòng dạ mình mà đáp lại. Phúc tấn không thích nàng, nàng bèn tránh né. Rồi biến điều này thành cái cớ cho một niềm ước mong rằng phúc tấn sẽ thích nàng, sẽ không làm tổn thương nàng vì nàng “thức thời”.
Tố Tố đã gửi gắm tất thảy vào lương tâm của người khác.
Trước đó khi xảy ra chuyện phúc tấn muốn ôm Nhị cách cách đi, không có chàng bên cạnh, nàng mới tiến bộ hơn đôi chút. Song cũng chỉ mỗi việc là gọi Võ thị đến cạnh mình hòng hư trương thanh thế, chứ thực chất hành động duy nhất lại đến từ thái giám hầu cận nàng, đã mượn sức đánh sức, giành về cho nàng một con đường sống.
Tứ a ca cho rằng Triệu Toàn Bảo có thủ đoạn đấy, nhưng vẫn cần mài giũa thêm, lần này tuy không chọn sai thời cơ, song chưa thể khống chế được toàn cục, thành ra mới kéo luôn cả chủ tử mình vào. Ngàn quân dễ kiếm, mãnh tướng khó cầu, qua mấy năm nữa là tương đối đâu đấy rồi. Lúc đó chàng sẽ không còn nghĩ cách xem nên dạy dỗ hắn thế nào nữa, mà là tính xem phải kìm kẹp làm sao để tay hắn không duỗi quá dài.
Khi chàng quay về, Tố Tố vẫn tập trung hết sức vào chàng như trước, không còn quan tâm điều gì khác nữa. Với cái tính hay dỗi hờn như thế, nếu không ỷ là chàng thương nàng, thì sao nàng dám an tâm tới vậy?
Cứ như phúc tấn, lúc còn ở trong cung, vì sao phúc tấn to gan đến thế? Chẳng cũng vì nàng ỷ vào danh phúc tấn của mình do được hoàng thượng ban ư? Để khi chàng tuyên bố với nàng một sự thực rằng với chàng, cái danh “phúc tấn” chẳng có giá trị gì cả, hiện giờ phúc tấn có còn dám liều lĩnh như thế nữa không? Dù nàng có giở mánh khóe, thì cũng sẽ thận trọng thăm dò thái độ của chàng trước.
May thay, Tố Tố tuy không có thủ đoạn gì, nhưng cả tâm tính lẫn mắt nhìn đều không tệ. Tống cách cách mà nàng nhắc đến đúng thực là một ứng cử viên rất hợp ý phúc tấn. Song nàng lại chưa liệu tới một điều: phúc tấn đang có thai, Tống cách cách lại lo chuyện nhà cửa thay phúc tấn, vậy thì chỗ đứng của phúc tấn chỉ phút chốc sẽ bị Tống cách cách thay thế. Đám người dưới thì gió chiều nào theo chiều ấy, bình thường Tố Tố đã chẳng có tí bản lĩnh chỉ huy nào, ngoài mấy người theo nàng từ trong cung ra đây, thì vẫn chưa đào tạo ra được một tâm phúc nào khác nữa.
Một khi bị Tống cách cách hoàn toàn áp đảo, nàng sẽ khó mà trèo lên được vị trí đối đầu với phúc tấn. Dẫu chàng sủng ái nàng, ủng hộ nàng, nhưng hãy nghĩ xem trên đời này có mấy bà sủng phi vừa được sủng ái, vừa đứng vững được chân mình? Từ đó cho thấy: sự sủng ái của đàn ông tuyệt đối không phải là toàn bộ những gì đàn bà cần để giành lấy một chỗ đứng.
Không thể khiến đám hạ nhân nghĩ rằng đến Tống cách cách không được sủng mà nàng cũng chẳng bì lại được. Nếu vậy, từ đây cả nàng và Nhị cách cách sẽ phải chịu cảnh bị người xâu xé.
Nên chàng chỉ còn cách đẩy nàng lên, trao quyền lực cho nàng, hóa trang con cừu thành hồ ly, thậm chí là sói. Nàng ngồi ở một nơi cao hơn, người dưới sẽ càng không nhìn rõ được nàng. Lúc đó thì việc nàng ngốc thật hay giả ngốc cũng chẳng còn nghĩa lý gì nữa. Về những chuyện sau khi nàng lên thay, vốn dĩ không cần nàng phải bận tâm lo nghĩ, ở dưới tự khắc có người tranh nhau xử lý thập toàn thập mỹ giúp nàng.
Viết xong năm mươi trang chữ, đã đến giờ đi ngủ.
Tứ a ca gác bút, xem lại từng trang chữ mình viết hôm nay, khoanh tròn những chữ chưa ổn, ngày mai sẽ viết lại. Bên ngoài, Lý Vi thấy giờ cũng hòm hòm, bèn vào hỏi chàng có muốn ăn khuya không.
“Bữa khuya ăn món gì?” Chàng hỏi, thói quen ăn ít đồ vặt lót dạ trước khi ngủ của nàng cũng ảnh hưởng đến chàng.
“Thiếp và Nhị cách cách ăn bột củ sen hoa quế*.” Lý Vi nói, “Chắc Tứ gia không thích đâu…”
*Bột củ sen hoa quế
Tứ a ca lấy làm hồ nghi, nhẽ nào trên mặt chàng có viết dòng chữ “căm thù đồ ngọt tận xương tủy” à? Chàng thì không ác cảm gì với vị hoa quế, có điều trông bột củ sen dính dính sền sệt đúng là buồn nôn.
Kết quả lúc đi ra lại thấy món chuẩn bị cho chàng là bánh trôi rượu gạo*. Đây cũng là một thức quà vặt thôn dã, trước khi Tố Tố chưa được gả cho chàng, chàng chưa gặp món này bao giờ, còn giờ thì đã quá quen. Ăn bánh trôi chống đói cực kỳ hiệu quả, buổi tối nếu không ăn chút ít, đến đêm chàng sẽ rất dễ tỉnh giấc vì đói. Khi trước toàn phải cố gượng tới ba giờ sáng, trước khi sang thư phòng sẽ được ăn mấy miếng bánh ngọt trước.
*Bánh trôi rượu gạo
Nay nhờ phúc Tố Tố, chàng khỏi cần nhịn đói đến tận sáng nữa.
Bỏ bụng một bát bánh trôi rượu gạo thơm ngát ngào ngạt, Nhị cách cách được ẵm đi ngủ, chàng và Tố Tố quay về chái Tây. Đêm nay trời nóng nực, ngủ ở đây cũng không sao.
“Dọn một gian phòng cho Nhị cách cách, cứ để con ở chỗ nàng suốt thì không được.” Chàng nói.
Lý Vi biết điều này, Nhị cách cách bây giờ đang bước vào độ tuổi dồi dào sinh lực, thích bắt chước những hành động của người lớn. Buổi tối con ngủ ở nơi chỉ cách hai người một bức bình phong, ngộ nhỡ có động tĩnh gì bị nó trông thấy rồi học theo thì rách việc.
“Thiếp đã sai người thu xếp, nhưng giường ngủ thì vẫn phải đợi thêm.” Nàng nói.
Căn phòng cho Nhị cách cách là phòng góc cạnh phòng nàng, giường được làm mới. Ở đây quen nếp buổi tối các tiểu a ca và tiểu cách cách đi ngủ thì đều có nhũ mẫu ngủ cùng, Lý Vi rất không ưng. Nàng đang định tự tay làm một con búp bê bông thật lớn, để tối con gái ngủ sẽ ôm búp bê, nghe mới dễ thương làm sao.
Cơ mà, cuối cùng Nhị cách cách lại ôm Bách Phúc ngủ.
Sau khi Bách Phúc phát hiện Nhị cách cách một mình chuyển phòng, ban đêm nó bèn nằm ngay ở chân giường Nhị cách cách. Nhị cách cách làm bộ ngủ, lừa nhũ mẫu đi xong sẽ vén chăn gọi Bách Phúc lên với mình. Sáng dậy, Bách Phúc lanh lợi tự nhảy xuống, giả cách như mình ngủ trên cái ghế kê chân suốt đêm thôi. Mãi đến nửa tháng sau mới bị bại lộ.
Tứ a ca biết chuyện, chính mắt thấy Bách Phúc ngủ cùng Nhị cách cách, bị ôm bị đè rất khó chịu song không hề kháng cự, có tí tiếng động gì là cảnh giác ngẩng đầu, nhìn thấy chàng mới quẫy đuôi thả lỏng mình. Thế chàng mới ngầm cho phép Nhị cách cách ôm Bách Phúc đi ngủ.
Con hổ vải* mà Lý Vi tốn bao công sức làm ra lại bị Nhị cách cách bỏ xó, nàng đành đặt trên sạp trong chái Tây làm gối tựa. Con hổ sặc sỡ to đùng trông chẳng ăn nhập gì với phong cách trang trí của chái Tây. Tứ a ca thấy cũng không nói gì.
*Hổ vải
Từ ngày Lý Vi tiếp nhận tất cả đối bài của hậu viện, quả nhiên không còn phát sinh thêm chuyện gì. Nàng cho đại ma ma làm tổng quản dẫn đầu, còn lại vẫn làm việc theo quy tắc cũ của phúc tấn.
Chẳng biết đại ma ma nghĩ thế nào, lại lôi cả Triệu Toàn Bảo, Liễu ma ma và Ngọc Bình ra giao việc cho làm. Chính viện có mười thái giám do phúc tấn dẫn từ trong cung ra, nhưng từ lúc hai kẻ bị phạt đánh, những thái giám khác cũng không được giao chức vụ rõ ràng nữa, bị mắc kẹt ở phòng hạ nhân luôn. Ngoại trừ một số ít người khả dĩ thường xuyên chạy sang chính viện truyền tin cho Tứ a ca, thi thoảng cùng theo ra ngoài mua sắm và mang đồ về giúp các a đầu, ma ma ở chính viện, thì còn lại hầu như đều là những kẻ ngồi rồi. Phúc tấn lại không thích họ la cà khắp nơi, họ cũng được phen khiếp vía trước tình cảnh của những người bị đánh. Nên trái ngược với điệu bộ dốc lòng nịnh hót ban đầu, nay kẻ nào kẻ nấy đều làm như thế đang dưỡng già trước thời hạn.
Đại ma ma cho Triệu Toàn Bảo phụ trách quản lý toàn bộ thái giám ở hậu viện. Vốn chuyện này nên chọn người từ một trong số những thái giám bên chính viện của phúc tấn thì ổn hơn, nhưng đám người ấy một là nhát gan, hai là muốn nhận lắm nhưng không dám mở miệng. Triệu Toàn Bảo vừa mới đứng ra, lũ người sau đã tức thì nhao lên gọi ca ca, còn có hai kẻ nằng nặc nhận hắn là cha cho kỳ được, lại bị Triệu Toàn Bảo cự tuyệt.
Việc đầu tiên Triệu Toàn Bảo làm khi nhận nhiệm vụ đó là liệt ra một danh sách tên các thái giám ở hậu viện. Chủ yếu vì so với nhóm cung nữ từ cung ra, vai trò của thái giám thực sự rất nhỏ. Dù ở chỗ Lý Vi đây, nếu Triệu Toàn Bảo không giữ quan hệ thân thiết với bên thư phòng kia luôn, thì nàng còn chẳng nghĩ tới chuyện dùng đến hắn.
Tống thị và Võ thị đều có đưa theo một thái giám ra cung, thường hai tên thái giám này chỉ làm những việc như sang thiện phòng lấy đồ ăn. Sau này cũng qua lại với đám thái giám của chính viện, lòng vừa ngưỡng mộ vừa ganh ghét vừa căm hận Triệu Toàn Bảo.
Triệu Toàn Bảo chia các thái giám làm ba nhóm, cho họ tuần tra hậu viện hằng ngày, dặn là để đề phòng lũ trộm cắp cường đạo, song kỳ thực mục đích chính là giám sát chặt chẽ cửa nẻo hậu viện. Hiện tại người trông cửa hậu viện vào ban ngày là một thằng hầu và một đứa a hoàn bé bảy, tám tuổi; buổi tối đổi thành bà già hoặc cô cô đứng tuổi. Nhóm thái giám đi tuần để kiểm tra các chỗ gác, thấy có kẻ nào chuồn đi giữa giờ gác sẽ lôi ra phạt đánh mười gậy ngay tại chỗ.
Một thời gian ngắn sau, nhóm người trông cửa ở hậu viện tỉnh táo hơn hẳn, gần như chẳng còn xuất hiện mấy kẻ chạy nhảy lung tung nữa.
Sau khi Trang ma ma nhận theo phúc tấn, đại ma ma không ý kiến gì, song bình thường luôn có phần xa cách. Trong mắt đại ma ma, phủ này chỉ có duy nhất một chủ tử là Tứ a ca.
Nhưng Trang ma ma đã bám víu vào phúc tấn, thì chỉ còn nước bất chấp bước đến cùng. Huống hồ bà ta còn ôm lòng bất bình, có đại ma ma lừng lững ở đấy, bọn bà ta biết khi nào mới được dịp thể hiện mình với Tứ a ca? Thế chẳng bằng chuyển hướng sang phúc tấn. Ít nhất phúc tấn hiện giờ tin dùng bà ta, ở hậu viện này, Trang ma ma trước nay chưa bao giờ hối hận vì đã đứng về phe phúc tấn.
Tuy nhiên, Tứ a ca xếp bốn ma ma vào hậu viện chính vì mong bọn bà ta sẽ giữ được sự trung lập, không nghiêng lệch về phía phúc tấn hay bất kỳ bên nào khác.
Trang ma ma đoán phỏng chừng đại ma ma đã nghĩ cách loại bỏ bà ta. Nên biết rằng nay đại ma ma đương cầm trong tay danh sách tên tuổi của mọi người ở hậu viện, quyền lợi này không hề nhỏ.
Nếu là Trang ma ma, bà ta chắc chắn không đời nào lại bằng lòng trao hết quyền hạn của mình cho người ngoài. Không có quyền ấy, thì phúc tấn cần bà ta làm gì? Có quyền trong tay rồi, bà ta mới làm được nhiều việc hơn cho phúc tấn.
Chính bà ta đã mách với phúc tấn chuyện Triệu Toàn Bảo dẫn dắt đám thái giám ở chính viện “làm phản”. Cứ tưởng phúc tấn sẽ nghĩ cách đánh tan uy phong của Triệu Toàn Bảo, vì dù sao đám thái giám ấy kẻ nào cũng mong được phúc tấn trọng dụng, lúc này chỉ cần phúc tấn đứng ra nói một câu thôi, là những người này sẽ hùa vào đạp đổ Triệu Toàn Bảo ngay.
Ấy nhưng phúc tấn chỉ buông vẻn vẹn mấy chữ: “Ừ, ta biết rồi.” Rồi đuổi bà ta đi.
Làm Trang ma ma rời đi mà vẫn chưa thể thông não nổi.
Bụng phúc tấn đã bước sang tháng thứ tám, gần đây nàng luôn cố không để mình nghĩ ngợi quá nhiều. Thoạt nghe chuyện Trang ma ma kể, thực là đáng phiền lòng. Nếu là nàng của tám tháng trước thì có khi sẽ tìm cách đả kích Triệu Toàn Bảo, hoặc thử dò ý Tứ a ca.
Tuy nhiên, khi đã mang thai, nàng lại càng hiểu hơn về cách thức xử lý sự việc của Tứ a ca.
Vụ của Triệu Toàn Bảo nảy sinh thực ra cũng tại nàng đã chấp nhận Trang ma ma đầu quân cho mình. Đám người Trang ma ma là tai mắt do Tứ a ca xếp vào hậu viện, không ai trong họ có lòng thiên vị bất cứ chủ tử nào trong hậu viện, chỉ khi nhận một mình Tứ a ca là chủ tử, thì họ mới được phát huy tác dụng lớn nhất.
Tứ a ca muốn chế ngự hậu viện của các thê thiếp nhà chàng, không để các nàng làm ra chuyện gì gây tổn hại đến lợi ích của chàng. Nếu các nữ chủ tử trong hậu viện tự sát tự diệt, người bị hại đầu tiên sẽ chính là con nối dõi của chàng.
Ở mặt này, ngay nàng mà chàng cũng không tin.
Nhưng việc Trang ma ma ngả về phía nàng đã phá vỡ thế cân bằng ấy. Vì cảnh cáo nàng, cũng vì để thế lực ở hậu viện lấy lại cân bằng, Tứ a ca mới đẩy Triệu Toàn Bảo ra.
… Chỉ cần nàng buông Trang ma ma là được. Lúc đó chẳng cần nàng ra tay, Tứ a ca sẽ tự mình trấn áp Triệu Toàn Bảo.
Nhưng mà, phúc tấn đỡ bụng nghĩ, tạm thời nàng vẫn cần sự trợ giúp của Trang ma ma. Có bà ta ở đây, nàng sẽ nắm chắc được hậu viện hơn nữa. Vậy thì nàng mới có thể che chở con mình.
Bắt nàng giao hết thảy vào tay Tứ a ca, tin tưởng rằng Tứ a ca sẽ bảo vệ tốt cho nàng và đứa nhỏ, với nàng mà nói, chuyện này quả thực khó hơn cả lên trời.
Nàng thà giữ thật chặt quyền chủ động trong tay mình.
Đảo mắt lại đến năm mới. Tính theo tuổi mụ, Đại cách cách và Nhị cách cách đều lớn thêm một tuổi. Tứ a ca muốn nhân dịp này đưa cả hai tiểu cách cách vào Vĩnh Hòa cung trình Đức phi. Song chẳng khéo là ngay hôm hai mươi tháng chạp, phúc tấn chuyển dạ. Sau một ngày một đêm, đã sinh hạ một tiểu a ca.
Tứ a ca mừng quýnh, nghĩ khi vào cung, sẽ lựa dịp nói với hoàng a mã, đây cũng là một tin vui.
Nhưng vấn đề tiếp sau đây là phúc tấn phải ở cữ, không thể vào cung. Tứ a ca dâng sớ thỉnh tội, lại thân hành vào cung nói rõ tình hình. Hoàng thượng hay tin phúc tấn vừa sinh a ca, bèn hào phóng cho vắng, còn cho phép Tứ a ca mỗi ngày sau khi lĩnh yến, sẽ được về phủ sớm.
Vậy là, kế hoạch cho Đại cách cách và Nhị cách cách vào cung cũng đi tong.
Trước đó Tống cách cách đã đem số vải phúc tấn thưởng Đại cách cách mừng tết ra, cất công may hẳn một bộ kỳ bảo đỏ rực cho Đại cách cách. Tuy khi ấy phúc tấn đã vào giai đoạn nằm đợi sinh, nhưng chỉ cần chưa đến lúc sinh thì dù có là bụng mười tháng, cũng phải lặn lội vào cung chúc năm mới. Nên Tống cách cách mới dồn hết tâm trí vào chuyện Đại cách cách lần đầu tiến cung.
Ai biết phúc tấn tự dưng đòi đẻ giờ này.
Tống cách cách nuối tiếc vuốt bộ kỳ bào nhỏ mới cóng, lòng đâm oán trách đứa con này của phúc tấn ra đời thực không phải lúc. Đợi cho đến khi Đại cách cách vào cung rồi hẵng sinh chẳng tốt lắm hay sao? Cùng lắm thì nửa tháng là đủ.
Đức phi không có hứng thú gì với mấy đứa cháu gái do hai cách cách sinh ở phủ Tứ a ca, từ lúc sinh ra tới giờ chưa thưởng cho một lần nào, chứ nói gì đến chuyện gọi vào trình. Bỏ lỡ năm nay, thế thì chỉ còn biết đợi sang năm.
Nghĩ ngợi một lúc, Tống cách cách tự an ủi mình, “Sang năm, để Đại cách cách cứng cáp hơn, học được nhiều điều hơn, rồi hãy vào cung, biết đâu chừng Vĩnh Hòa cung sẽ quý nó hơn thì sao.”
Trong tiểu viện, Lý Vi nhẹ nhõm thở phào.
Từ lúc Tứ a ca định cho hai tiểu cách cách vào cung là Liễu ma ma đã xắn tay dạy Nhị cách cách những phép tắc trong cung. Nào là không được nhìn thẳng vào quý nhân; quý nhân hỏi phải trả lời thế nào; quý nhân không chú ý tới mình thì không được mở miệng; vào rồi thì đi đứng kiểu gì, quỳ kiểu gì, dậy kiểu gì.
Lý Vi ngồi ngay ở trên làm đạo cụ, nhìn con gái ở dưới quỳ, dậy, lại quỳ, lại dậy, dập đầu, người lung la lung lay, mà lòng đau quặn thắt. Phúc tấn ở cữ không vào cung được là một cơ hội hiếm có khó tìm, Nhị cách cách cũng không cần đi nữa. Lý Vi hí hửng ôm Nhị cách cách bảo: “Mình nghỉ thôi.” Mình khỏi phải vào cung, mai sau a mã con làm anh hoàng rồi, thì chỉ có người ta quỳ trước mình thôi, lúc ấy mình hãy vào.
Tứ a ca chưa chịu bỏ cuộc, ngồi trong tiểu viện, nói giọng lưỡng lự: “Phúc tấn không đi được, hay là ta đưa chúng nó vào, cho chúng nó đến Vĩnh Hòa cung trước, thế cũng được.”
Lý Vi đen mặt, vội viện cớ hòng xóa sổ ý nghĩ này khỏi đầu chàng, nói: “Tứ gia, hay đợi sang năm, để phúc tấn dẫn Đại a ca vào, nương nương gặp Đại a ca ắt là sẽ vui. Lúc đó cho Đại cách cách và Nhị cách cách đi cùng là được.”
Vậy phải đợi thêm một năm nữa. Tứ a ca không muốn chờ lâu như thế, chàng vốn tính nôn nóng, chuyện gì cũng thích phải thấy kết quả ngay. Chàng nghĩ: liệu nhờ phúc tấn của các huynh đệ khác đưa hai cách cách vào có được không? Nhưng nghĩ tới nghĩ lui, thấy cũng không ổn. Phúc tấn của Tam a ca sẽ sang chỗ Vinh phi trước là cái chắc, tới đó rồi mới cho người dẫn sang Vĩnh Hòa cung được. Phúc tấn của Ngũ a ca thì đến con của trắc phúc tấn nhà mình sinh cũng chẳng muốn dẫn theo, Tứ a ca không quá thích nàng ta, sao yên bụng gửi nhờ cách cách của mình cho nàng ta được.
Lý Vi thấy mãi tới đêm trước ngày phải vào cung mà chàng vẫn chưa nói năng gì, tưởng êm đẹp rồi. Thế mà ngày hôm sau, trời hãy còn tờ mờ, xe la trong cung đã đến chờ. Đi cùng xe là thái giám của Dục Khánh cung.
Hóa ra thái tử còn nhớ Nhị cách cách nhà Tứ a ca, sinh chỉ kém tiểu cách cách chết non của y mấy tháng. Bởi vậy y luôn có cảm tưởng Nhị cách cách là tiểu cách cách hóa kiếp quay về nhà Ái Tân Giác la. Vừa dịp vài hôm trước đó phúc tấn của Tứ a ca mới sinh a ca không vào cung được, y nhớ Tứ a ca từng nói muốn đưa Đại cách cách và Nhị cách cách vào trình Đức phi, bèn chủ động cho xe tới đón.
Viên thái giám được cử đi cũng là thái giám ngũ phẩm khá được thái tử trọng dụng. Trước tiên thái giám ấy hành lễ với Tứ a ca, sau đó truyền lại lời thái tử: “Tứ gia hãy yên tâm, điện hạ nói thái tử phi cũng rất mến tiểu cách cách, đón vào sẽ giao cho thái tử phi trông.”
Tứ a ca vừa ra vẻ ngần ngừ, viên thái giám nhìn vẻ mặt chàng, mau mắn bồi thêm một câu: “Điện hạ đang muốn gặp Nhị cách cách của quý phủ một lần.”
Rồi, hết chỗ nói.
Tứ a ca đành vội sai người về hậu viện ẵm hai cách cách ra đây.
Bên Lý Vi có Tô Bồi Thịnh đích thân sang, vừa sang hắn đã gọi nhũ mẫu ra khẩn trương mặc đồ chải đầu cho Nhị cách cách, đoạn đi giải thích với Lý Vi.
“Thái tử ư?” Nghe xong, Lý Vi càng thêm mông lung, “Sao thái tử lại nhớ Nhị cách cách nhà ta?”
Ngó trái ngó phải thấy không ai, Tô Bồi Thịnh mới sáp lại nhỏ giọng nói: “Nhị cách cách nhà ta sinh vào dịp đẹp, dịp ấy Nhị cách cách của Dục Khánh cung… vừa mất.”
Đẹp chỗ nào chỉ cái coi?!
(còn tiếp)