Nhìn những người say ngã lăn quay ra đấy, không một ai có thể phàn nàn rằng Tứ a ca thết cỗ lần này chưa khiến mọi người được ưng bụng.
Thế nên hơn bốn giờ chiều hôm ấy, lúc các khách khứa nhao nhao cáo từ, phúc tấn và ba nàng cách cách đều những tưởng tiệc hôm nay diễn ra vô cùng viên mãn.
Lý Vi vui cái thứ nhất vì hôm nay có các đại sư phụ ở thiện phòng A Ca Sở đến nấu cỗ, để nàng lần nữa được nhâm nhi những hương vị khoái khẩu.
Hết vui thì buồn, nàng đâm buồn vì không được nghe trọn vở diễn.
Nguyên tiết mục hát hí chỉ được biểu diễn ở hai nơi là tiền viện của Tứ a ca và chỗ phúc tấn, còn chỗ các nàng có mỗi hai chú hề đến pha trò.
Tuy cũng cười thắt cả bụng, nhưng khi tiệc tàn vẫn cứ thấy chưa thỏa.
Mà Tứ a ca, chàng lại tức tối nhốt mình trong thư phòng.
Những người khác không ai biết sự tình phát sinh ở tiền viện, phúc tấn cũng chỉ nghe nói đường huynh Ba Khắc Thập nhà ngoại uống say lướt khướt, mới lo lắng sai Phúc ma ma dặn người trong nhà chăm sóc chu đáo.
Còn Phúc ma ma lại nghe Tam a ca, Tứ a ca và Ngũ a ca ngồi uống với nhau rất là khoái chí, sau Tam a ca được người ta khiêng về tận phủ.
Vậy là mãi đến vài hôm sau các nàng vẫn không hề phát hiện Tứ a ca đang hờn dỗi trong thư phòng, các nàng cứ ngỡ chàng bận quá mới không về hậu viện thôi.
Lưu thái giám bữa ấy được mượn từ thiện phòng ở A Ca Sở sang, nay đang tìm đủ mọi cách nhờ người ta biếu chút lễ lạt cho Tô Bồi Thịnh.
Năm nay lão đã ngót sáu mươi, tự nhận thấy mình lưỡi cùn sắp lụt mất nghề, mắt mũi kèm nhèm, tay mắc tật run.
Thiện phòng của A Ca Sở phục dịch cho những là con rồng cháu phượng, lão cũng sợ sống đến hôm nay tự dưng phạm phải lỗi lầm gì, chẳng những sẽ làm mất hết cái thể diện già nua cả đời này, mà để đánh mất luôn tánh mạng nữa thì thực là một mối thiệt đớn đau.
Trong ba vị a ca ra cung dựng phủ hiện giờ, nếu có một người đồng ý cho đón lão vào phủ hầu hạ, thì nửa đời sau lão còn có chỗ cậy nhờ.
Nhưng khi làm tiệc mời khách, đầu bếp mà Tam a ca mời lại là Tam phúc tấn của Đổng Ngạc gia, Ngũ a ca nhờ Nghi phi, mỗi mình Tứ a ca là ký thác vào bên chỗ lão.
Đúng là duyên phận mà.
Với Lưu thái giám mà nói, đến nhà a ca nào cũng được cả, lão vào nhà nào cũng cúc cung hầu tận tụy được.
Lúc đám ông tướng, ông giời con này chưa đủ lông đủ cánh đã ăn cơm lão làm đấy kia; bây giờ cưới phúc tấn, sinh con đẻ cái thì đã sao, các ông khỏi cần mở miệng, khéo lão cũng biết nên làm gì để lấp đầy cho cái bụng của các ông rồi.
Nhưng muốn dấn thân vào phủ a ca, cứ phải có một cái cớ trước đã.
Hầu cỗ này cho tốt, mới gợi được cho a ca nhớ về những tình nghĩa xưa kia.
Bằng không nếu lão cứ tùy tiện mở lời, a ca biết đâu mi là cọng cỏ từ xó xỉnh nào chui ra?
Lưu thái giám tự thấy mình đã hầu bữa cỗ này vẹn toàn không để lôi thôi một sai sót nào, lão còn cố ý đặt thêm vào mâm của Lý cách cách những món mà ngày thường cách cách thích ăn.
Vài ngày sau khi đám tiệc kết thúc, lão mới lặng lẽ chuyển lời cho Tô Bồi Thịnh.
Nói ra thì thực là đáng thương, người già tuổi gần đất xa trời, chỉ ước sao trước khi nhắm mắt xuôi tay được nhìn thấy quê hương lần cuối, thế nên mới muốn ra khỏi chốn cấm cung này.
Tứ a ca phẩm chất cao thượng, bụng dạ thiện lành, là người niệm tình cũ, bấy mới cho lão được ỷ vào bộ mặt già này để mà sanh lòng góp chút sức mọn.
Tô Bồi Thịnh nhận lễ lại thầm than ôi.
Cùng là thái giám với nhau, Lưu thái giám lại còn là lão tiền bối, ngày trước không làm ra điều gì đê hèn bỉ ổi, hắn đây rất sẵn lòng cho bực lão làng thế này vào phủ, cũng dễ bề học hỏi kinh nghiệm.
Nhưng hoàn cảnh hiện giờ thực không phải thuận lợi gì cho cam.
Chuyện cỗ tiệc khách khứa hôm ấy hắn chứng kiến đầu đuôi toàn bộ, dạo đây Tứ a ca ở lì trong thư phòng, suốt ngày viết chữ đọc sách không buồn về hậu viện, nhìn vào là biết cơn giận sôi thấu trời cao!
Làm sao hắn dám đi sờ râu hổ?
Nhưng từ chối Lưu thái giám thì cũng không hay, đành lén ra hiệu ngầm, rồi mách cho lão đi tìm cách khác.
Người khác có lẽ không biết, nhưng hắn rất rõ một điều rằng Lưu thái giám luôn cực kỳ quan tâm Lý cách cách.
Thế là vòng hết một vòng, Hứa Chiếu Sơn trước kia hầu hạ Lý Vi nay lại cười hí hởn đem bánh ngọt tự tay mình làm đến cửa, dưới danh nghĩa thăm hỏi, thỉnh an chủ cũ.
Trang ma ma không hỏi nhiều, cho hắn đi vào.
Nhìn thấy Hứa Chiếu Sơn, đám người Lý Vi đều giật mình sinh ra cảm giác như đã qua cả một đời.
Vừa vào cửa, Hứa Chiếu Sơn sụp quỳ xuống ngay dập đầu trước Lý Vi mấy cái, ngửng đầu lên đã nước mắt vòng quanh: “Lâu lắm rồi không gặp chủ tử, nô tài nhớ nhung khôn kể…” Lời này có ba phần thật, bảy phần diễn.
Chuyển từ chỗ Lý cách cách sang thiện phòng, hắn cũng chịu trăm bề khổ cực, đương nhiên không thể nhàn hạ như lúc ở A Ca Sở.
Từ khi sang đấy, Lưu thái giám giúp đỡ hắn nhiều, hắn cũng nhận ơn lão.
Thế cho nên lần này mới đồng ý ra ngoài thay mặt nói giúp cho Lưu thái giám.
Sau khi dâng món bánh bao thủy tinh năm nhân* mình học được và làm khéo nhất lên, bèn trình bày rất thẳng thắn về ý định của Lưu thái giám.
Lý Vi đương định thử bánh bao thủy tinh năm nhân hắn làm, với vỏ ngoài là lớp bột nếp nhào mịn, đem hấp cho đến khi vỏ chuyển màu đục; bên trong là hạt thông, hạt phỉ, óc chó, đậu phộng, hạt vừng, rang thơm xong một nửa nghiền mịn, nửa kia nghiền hạt vụn, bỏ thêm đường phèn, mật ong, rồi vo viên thành nhân.
Bánh ngọt này càng nhai càng ngon, Lý Vi vừa nghe hắn nói đã muốn thử ngay.
Hứa Chiếu Sơn đứng dậy, thưa: “Tuy Lưu gia gia có ơn với nô tài, nhưng chủ tử lại là người quan trọng nhất trong lòng nô tài, vậy nên cũng không dám dối gạt gì chủ tử.
Đại để là Lưu thái giám muốn nhờ chủ tử giúp xin với Tứ gia, ông ấy muốn vào phủ Tứ gia hầu hạ.”
Lý Vi sửng sốt, nghĩ rồi lại nhìn chung quanh, thấy đều là người nhà, bèn hỏi thẳng: “Chúng ta mới dọn ra đây chưa tròn một tháng, nếu gia gia nhà ngươi muốn ra theo, thế sao không ra từ sớm?”
Hứa Chiếu Sơn nói: “Chủ tử thông tuệ, nô tài không dám nói càn, chỉ là hơn hai mươi ngày trước, bên thiện phòng của A Ca Sở bỗng dưng bảo phía trên muốn điều hai người ra ngoài đây hầu.
Thiết nghĩ chắc là vì chuyện này đây…”
Nhóm Tam a ca dọn ra ngoài chính vì để nhường chỗ cho các tiểu a ca.
Nhưng chuyện sửa nhà, dọn đồ đạc vẫn còn phải vật lộn thêm một thời gian nữa.
Tin tức Lưu thái giám nghe được không đơn giản chỉ là điều thêm hai người vào phủ hầu, mà còn sẽ tiến hành thay đổi một nửa số người: loại trừ tất cả những ai lớn tuổi, và kẻ bình thường hay mắc những thói cắp vặt, không nhanh nhẹn, lười nhác không vâng lời.
Người bị loại bỏ chỉ có hai nơi để đi, đều chẳng phải chốn tốt đẹp gì: kẻ không tay nghề thì đi làm việc chân tay nặng nhọc; kẻ biết chút ít khả dĩ sẽ được điều đến thiện phòng chỗ cung giám – chuyên nấu cơm cho cung nhân khổ sai, kiêm làm Tân Giả Khố* và đồng thời trông giữ cơm canh của cung nhân trong những cung thất bỏ trống.
*Tân Giả Khố tức Nội quản lĩnh, một tổ chức của Bao y, quản lĩnh việc mỗi tháng hạ nhân sẽ lĩnh nhận một đấu vàng hoặc nửa đấu vàng lương thực để sống.
Thế thì thực là rớt cấp không phanh.
Tuổi Lưu thái giám đã lớn, tuy trong vòng một năm rưỡi đây sẽ không bị thay thế ngay, nhưng khi trước lão ở thiện phòng phải gọi là nhất ngôn cửu đỉnh*, lẽ nào bây giờ lại phải nhìn sắc mặt của những kẻ mới từ ngoài vào, mà làm việc ư? Đợi khi lão khọm già sức suy, bị người ta thế chỗ, hẳn nhiên sẽ chẳng còn ai muốn để một lão già đi nấu cơm cho đám nô tài nữa.
Mà nấu gì cho chúng nó ăn? Thì là bánh bao, dưa muối chứ gì! Thế còn dùng đến hai cái tay này của lão nữa không?
*Nhất ngôn cửu đỉnh ý chỉ lời nói có giá trị.
Cũng nhờ lão tai mắt nhanh nhạy bắt được tin tức, vốn tưởng còn được tung hoành trong A Ca Sở vài chục năm, ai mà ngờ đâu lại ra nhanh thế này? May rằng trước đó lão vẫn có chuẩn bị một vài chứ không phải không, thấy người ta phát tín hiệu, là bắt đầu ra sức tạo thiện cảm ngay.
Hứa Chiếu Sơn nói xong, cũng không nói tốt cho Lưu thái giám nhiều thêm.
Cứ như hắn nói, chủ tử của hắn là Lý cách cách, lên trên Tứ a ca, lên trên nữa là Vạn Tuế gia.
Hắn và Lưu thái giám có lẽ có một phần thân tình hương hỏa vì cùng gốc cùng gác, sẵn sàng giúp cho một tay, song cũng không thể bởi vậy mà quên mất chủ.
Lý Vi nghe xong, nghĩ một lúc, lắc đầu bảo: “Chuyện này…!ta không giúp được đâu.” Đối với nàng, Tứ a ca thân thiết hơn với Lưu thái giám là một chuyện, còn thì đây dầu sao cũng là chuyện trong cung.
Nàng không hiểu, tốt nhất đừng can thiệp vào.
Nhưng hoàn cảnh của Lưu thái giám giờ đây quả tình làm người nghe rất sinh lòng đồng cảm.
Mặc dù Lý Vi không có ấn tượng gì với lão, nhưng lúc ở A Ca Sở, nàng muốn ăn gì, thiện phòng đều đưa đồ ăn sang rất nhanh; bất kể người ta muốn nịnh bợ Tứ a ca hay ai khác, tóm lại người được hưởng là nàng, tất nhiên nàng cũng sẽ nhận phần ân tình ấy.
Nàng nói: “Về chuyện của đại thái giám này, ta tuy đồng cảm, nhưng đành chịu thôi.
Nếu nhà ngươi về mà ông ta có hỏi, hãy thay mặt ta xin thứ lỗi, vì không giúp được gì, cũng ngại lắm thay.”
Hứa Chiếu Sơn mua một cỗ xe ở trong cung để ra đây một chuyến, nên không thể nán lâu.
Lý Vi sai Ngọc Bình gói cho hắn năm lạng bạc, bảo với hắn: Nếu ở trong cung phạm lỗi gì cần đút tiền, thì nhất thiết là đừng tiếc mấy đồng bạc.
Triệu Toàn Bảo tiễn Hứa Chiếu Sơn ra ngoài đường, nói: “Giờ chắc huynh chẳng coi phần thưởng của cách cách ra gì nữa nhỉ?” Thiện phòng kia là nơi béo bở biết bao nhiêu.
Hứa Chiếu Sơn nhét bạc vào ngực: “Thôi huynh khỏi cần phải nói thế mà khích tôi.
Hứa Chiếu Sơn tôi vẫn chưa nông cạn đến nỗi xa chủ mấy hôm là đã quên luôn gốc mình.”
Triệu Toàn Bảo không nói nữa, đưa đến cửa thứ hai, đứng cách cửa rất xa, hắn hạ giọng bảo: “Nếu huynh trung thành như thế thực, vậy tôi xin thêm một câu: Mấy hôm nay thời tiết thay đổi, nhiều ngày qua cách cách chưa có bữa nào ăn uống tử tế rồi.”
Hứa Chiếu Sơn tuy thông minh, nhưng đúng là không thể nghe hiểu ngay những lời ấy.
Như cảm nhận được, hắn lia mắt khắp toàn thân Triệu Toàn Bảo vài lượt, phát hiện tên này gầy hơn đôi chút, mặt mũi vô hồn, chẳng tài nào nhận ra đang nghĩ cái gì.
“…!Kẻ sĩ ba ngày không gặp, đã phải nhìn bằng con mắt khác.” Trước khi đi, Hứa Chiếu Sơn lẩm bẩm.
Đứng tại chỗ dõi nhìn hắn ra ngoài, đoạn Triệu Toàn Bảo xoay gót quay về.
Hậu viện bây giờ chỉ e không kẻ nào nhạy tin ở thư phòng hơn hắn.
Tuy hắn chưa từng dò la, nhưng từ kiểu ít nói, dáng điệu vội vàng ngược xuôi của những người bên thư phòng, đều cho thấy rõ rằng tình hình hiện tại không khả quan cho lắm.
Người duy nhất tạo được ảnh hưởng đến bầu không khí của cả thư phòng, có khả năng giấu nhẹm mọi tin tức không để lọt chút nào vào hậu viện, chỉ có Tứ a ca.
Nên chi, tuy Triệu Toàn Bảo không biết Tứ a ca bị làm sao, song chắc chắn không phải điều tốt lành gì.
Hắn cũng bảo ban Ngọc Bình cặn kẽ, dặn mấy ngày tới hãy gắng tìm chuyện gì mà quấn lấy cách cách cả ngày, để miễn cách cách nhớ đến Tứ a ca.
Câu hắn nói với Hứa Chiếu Sơn, hắn đã nghĩ trước, rồi mới thốt khỏi miệng.
Lưu thái giám là người tinh tường, chỉ cần một tí phong thanh, lão cũng đã ngửi ra được mùi.
Hơn nữa, cách cách còn nhỏ, trong những chuyện ân huệ nghĩa tình vẫn còn thiếu sót đôi ba chỗ, hắn sẽ bổ sung thay cách cách vậy.
Với thủ đoạn của Lưu thái giám, vào phủ Tứ a ca chỉ là chuyện chẳng chóng thì chầy.
Tiết lộ cho một tin, để lão ghi nhớ ơn tình của Triệu Toàn Bảo hắn, ắt sẽ có lợi về sau.
Bên này, Hứa Chiếu Sơn ra ngoài đứng ở đoạn ngã rẽ đợi, một khắc sau xe la trong cung đã tới.
Hắn vừa lên xe, người trên xe đã quẳng cho hắn một cái túi nặng trình trịch.
Người kia hếch cằm về cái túi: “Đây là phần của huynh, mở mà xem.”
Hứa Chiếu Sơn mở túi, đổ bạc ra lòng bàn tay xem chất lượng, lại cầm lấy một miếng bỏ lên miệng cắn thử, áng chừng sức nặng, mới hài lòng cười bảo: “Ừ cũng được.”
Người kia cười hề hề bưng ấm trà đặt trong xe lên, rót cho hắn một chén trà, đưa bằng cả hai tay cho Hứa Chiếu Sơn, nói: “Về sau Hứa ca ca có thứ gì tốt, không ngại thì hãy đem qua đây, mọi người cùng san sẻ điều hay với nhau.”
Hứa Chiếu Sơn cũng cười ha ha, nhận chén trà rồi hai người cùng bật cười.
Sau khi về cung, hắn vào thiện phòng ở A Ca Sở với số bạc cất trong ngực áo.
Đương nhiên, người ngoài chỉ ngỡ là hắn ra cung thăm người nhà, nay về rồi phải đến chỗ Lưu thái giám báo cho một tiếng trước.
Buồng của Lưu thái giám nằm ở nơi cách xa nhà bếp nhất, và gần nhà kho nhất trong thiện phòng.
Bình thường không có lấy một tí hơi sự sống đâu, mùi tanh hôi của cá chết tôm rữa cũng chẳng bay qua đây được.
Hứa Chiếu Sơn đứng trước cửa, không gõ cửa, mà kề sát vào cánh cửa nhỏ giọng gọi: “Lưu gia gia, Tiểu Hứa Tử về rồi đây.”
Trong buồng vang một tiếng ho khan, Lưu thái giám cất giọng khàn khàn: “Vào đây.”
Hứa Chiếu Sơn đẩy cửa cho hở ra một khe, lách mình vào, nhanh tay khép cửa lại.
Vào buồng, trước tiên hắn moi túi bạc ở trong ngực ra, cung kính đặt xuống cái bàn trong buồng Lưu thái giám, sau đó lùi về sau ba bước, cúi đầu nín thinh.
Lưu thái giám chỉ quan sát nét mặt hắn khi vào cửa, biết ngay chuyện này không thành rồi, đâm ra thôi không hỏi nữa.
Hứa Chiếu Sơn nhìn lão không có vẻ như buồn, con mắt đảo tròn, ton hót lấy lòng: “Lưu gia gia, nói ra thì chỉ tay nghề của ông mới là cao siêu.
Cách cách nhà ta rời khỏi đây, không được ăn những món ông làm nữa, thành thử ăn gì cũng nhạt mồm nhạt miệng.”
Lưu thái giám cười ha ha: “Thế à?”
Hứa Chiếu Sơn nói: “Lại chẳng thế? Cách cách nhà ta chán ăn buồn uống mấy bữa nay rồi.”
Nghe câu ấy, Lưu thái giám mới hơi phản ứng lại, mặt mày tươi vui, nói: “Được rồi, biết anh có lòng trung rồi.
Đi đi, Lương sư phụ nhà anh mắng anh suốt một ngày nay, bảo anh vừa đi khỏi là chẳng còn ai sàng bột làm mì nữa, làm cả ngày nay ông ta quýnh quáng không biết đường nào mà lần, đợi anh về phải đá đít anh cho bõ ghét đây.”
Hứa Chiếu Sơn toan ra ngoài ngay: “Thế tôi đi nhé Lưu gia gia.”
“Gượm đã.” Lưu thái giám nói, “Cầm cái túi kia đi luôn đi.
Có một tí đấy, gia gia nhà anh chẳng báu gì.”
Đó chính là cái cớ mà Lưu thái giám sai hắn ra cung hôm nay.
Của ăn trong thiện phòng thì nhiều, dĩ nhiên sẽ có những thức quý.
Nhưng một bát xúp vi cá bỏ bao nhiêu vi cá, một nồi gà hầm nhân sâm cho mấy lạng nhân sâm, thì đều tùy thuộc vào bàn tay người nấu cả.
Nhiều nhiều ít ít, rất khó đo lường.
Là chủ quản, Lưu thái giám cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài nhắm mắt bỏ qua.
Nên buổi sáng lão mới lấy ít tổ yến giao cho Hứa Chiếu Sơn, bảo hắn đem ra ngoài đổi thành bạc.
Tổ yến chỉ có hơn bảy lạng thế thôi, mà đem đổi lại được về những bốn chục lạng bạc.
Vốn ban đầu Lưu thái giám cầm đi phần nhiều hơn, rồi lão lại chia một ít cho hai thái giám chủ quản khác.
Nhưng hiện giờ, rõ là lão không muốn chia phần này cho Hứa Chiếu Sơn nữa rồi.
Cứ xem túi bạc ấy như là món quà cảm ơn hắn đã đem câu nói kia về nói cho lão nghe vậy.
Hứa Chiếu Sơn thấy thế, cũng biết chính lời Triệu Toàn Bảo nói đã phát huy tác dụng.
Trống vang chẳng cần gõ mạnh*, coi bộ Triệu Toàn Bảo ra ngoài chưa đầy hai tháng, mà đã có tiến bộ rồi.
*Câu này ý chỉ người có đầu óc tổ chức, có khuyết điểm gì chỉ cần được nhắc nhở là sửa ngay.
Hứa Chiếu Sơn cầm bạc ra ngoài, lòng những mối phức tạp.
Một chút là ganh tị, vì bỗng sao Triệu Toàn Bảo khôn ra hơn mình nhiều quá, nay còn biết chơi trò đánh đố với Lưu thái giám nữa kia; song già nửa còn lại trong những mối phức tạp ấy, lại là niềm lo âu.
Chắc chắn tên này đã phải chịu nỗi thiệt gì lớn đây.
Sự khước từ của Tô Bồi Thịnh và câu nói Hứa Chiếu Sơn đem về khiến Lưu thái giám dập tắt mọi hy vọng móc nối quan hệ với phủ Tứ a ca, lão lại chuyển hướng phấn đấu sang Nội vụ phủ.
Nếu không vì người của Nội vụ phủ bụng dạ đen tối, xuống tay tàn nhẫn, thì lão cũng không đến nỗi phải nghĩ cách tìm con đường khác thế này.
Cứ xem bây giờ, là không được rồi; việc hay phải chóng làm, chứ để rầy rà ra, có khi đã mất lượt vào phủ Tứ a ca, lại chỉ còn nước đi nấu cơm cho bọn tiện nhân ở Tân Giả Khố.
Nhưng ngờ đâu chưa tới nửa tháng, đã có tin tốt ở Nội vụ phủ truyền về.
Phủ Tứ a ca muốn xin một đầu bếp từ thiện phòng của A Ca Sở, Lưu thái giám phen này cảm động rơi cả nước mắt! Lão không kịp nói bao lời, mải lo quẳng chìa khóa và sổ sách nhà kho cho hai thái giám chủ quản còn lại, sửa soạn rương hòm tay nải, yên vị trên xe la rời khỏi hoàng cung.
Thấy lão như thế, Ngưu thái giám và Mã thái giám vốn định sắp bàn cỗ rượu tiễn lão, đều không hiểu là thế nào.
Mã thái giám hỏi giọng khó hiểu: “Lão Lưu này muốn về quê hưởng tuổi già thực đấy à?”
Ngưu thái giám lanh hơn, tuy thấy lạ, nhưng nỗi lo chiếm phần nhiều.
Lưu thái giám hành xử kỳ cục, chẳng có nhẽ thiện phòng của A Ca Sở xảy ra chuyện lớn gì thật ư?
Hứa Chiếu Sơn tiễn Lưu thái giám ra cửa cung mới quay về.
Hắn nửa là ngưỡng mộ Lưu thái giám được đến phủ Tứ a ca, suy cho cùng ấy cũng là nơi xuất thân của hắn; nửa lại nghĩ: Thôi vẫn nên ở lại trong cung chịu khó vươn cao hơn nữa, ngày sau đến tuổi như Lưu thái giám có mà muốn ra, thì lúc đấy lại xin cách cách vậy.
Phủ Tứ a ca, Lưu thái giám được dẫn thẳng tới thiện phòng ở tiền viện.
Trương Đức Thắng đích thân ra đón, cất giọng thắm thiết gọi: “Lưu gia gia, ông ra đây rồi đấy à!”
Nay Lưu thái giám và cậu ta đã ở vào thế phong thủy luân phiên, vật đổi sao dời; nếu đã đến đây, nghiễm nhiên phải bái trình thằng quỷ sứ núi này.
Lão lấy một chiếc hà bao ra, nhét ngay vào tay Trương Đức Thắng nhân lúc cậu ta không để ý.
Trương Đức Thắng nhận lấy, lão mới hỏi: “Nhưng có chủ tử nào đương gặp vấn đề cấp bách gì chăng? Không thì cũng cho ta xin đi rửa mặt một cái hẵng lại vào hầu.”
Trương Đức Thắng chìa tay đón lấy tay nải của lão, nửa dìu nửa kéo lão vào thiện phòng, nói nhỏ: “Còn ai trồng khoai đất này? Ông rõ nhất còn gì.” Nói xong làm khẩu hình chữ “Lý”.
Lưu thái giám bừng tỉnh, cảm thán: “Chủ tử này giờ vẫn khỏe cả chứ?” Ngày ở trong cung đã khiến Tứ a ca yêu chiều đến độ không để ai vào mắt nữa, nay ra ngoài mà vẫn được sủng ái cỡ ấy ư?
“Khỏe lắm.
Không ai sống tốt hơn người ấy cả.” Trương Đức Thắng lắc đầu cười, nhỏ giọng hơn: “Người ấy bây giờ là bực cao quý rồi, gan rồng tủy phượng bỏ miệng lại thành nhạt nhẽo, không thì gia nhà chúng tôi cần gì phải cố ý xin đầu bếp về.
Gia bảo muốn ăn lại hương vị trước kia, những kẻ mới vào phủ hầu hạ làm không như ý, ha…!ha ha…”
Lưu thái giám hiểu điều này, nhưng ngày xưa có thấy Tứ a ca mặn mà gì mấy với cơm thiện phòng nấu đâu.
Tuy Lý cách cách không đồng ý nói giúp cho lão, nhưng lão được vào phủ Tứ a ca, lại là nhờ phúc của Lý cách cách thật đấy.
Lưu thái giám lắc đầu, thực là…!duyên phận mà.
Lão hào hứng lên, xắn tay áo bảo: “Vậy thì hãy để lão Lưu ta thể hiện tài năng!”
Trương Đức Thắng đứng đợi bên cạnh nhìn không chớp mắt, chẳng mấy chốc bốn món bánh ngọt, hai món nước đã ra lò.
Nom thấy cũng có phải thức gì mới mẻ đâu nhỉ?
Nhưng ngẫm lại chuyện bà cô tổ kia chỉ chán ăn có mười ngày, đã dụ được Tứ a ca chí tại thư phòng, định ngồi trong đấy đến khi địa lão thiên hoang, ra ngoài; Tứ a ca ra ngoài chưa đầy nửa ngày trời, đã mời ngay thái y vào đây; thái y vào chưa đầy một khắc, đã nổ ngay tin rằng trong bụng bà cô tổ ấy đương có một ông trời con thực.
Lại thêm bốn, năm hôm nữa thấy người ấy vẫn ăn uống chán ngán quá, Tứ a ca bèn mời luôn Lưu thái giám về đây.
Lý do đơn giản là Tứ a ca thấy lúc ở A Ca Sở nàng ăn rất ngon miệng, tức nghĩa đầu bếp ở đấy tài tình, mời về ắt sẽ nấu cơm cho nàng ăn được.
Nghĩ ngợi hết một lúc, Trương Đức Thắng vẫn quyết định tự dẫn người đưa mấy món bánh ngọt và chè này sang đấy.
(còn tiếp).
Khi Tứ a ca nhốt mình lầm lũi trong thư phòng, mọi sự quan tâm của Lý Vi lại bị cuốn cả vào những trò đọc kịch bản, sơn móng tay, chơi thảy đá, chơi tào cáo, đánh bài, cược xúc xắc, ném thẻ vào bình rượu,.. do Ngọc Bình bày ra.
Tuy cũng rất lấy làm lạ là sao lâu lắm rồi chẳng gặp Tứ a ca, nhưng nghĩ đến việc có lẽ trước mắt Tứ a ca đương cố gắng cho hành trình đoạt đích, mới không rảnh quyến luyến hậu viện, nên nàng không quá để bụng.
… Dù sao Tứ a ca cũng có phải Tây Môn Khánh đâu, còn lâu mới đi cướp vợ người ta được*.
*Tây Môn Khánh theo miêu tả trong Thủy Hử và Kim Bình Mai là một nhân vật hoang dâm vô độ, tư thông với Phan Kim Liên, vợ Võ Đại Lang, anh trai Võ Tòng.
Đã không có mối phiền hoa dại quẩn thân, Lý Vi rất đỗi an tâm dẫu ngày ngày Tứ a ca không đến. Nhưng Ngọc Bình lại chẳng được một lúc yên lòng, nàng ta và Triệu Toàn Bảo bên thì dỏng tai nghe ngóng để không bỏ lỡ một tin tức nào từ thư phòng, bên lại theo dõi nàng gắt gao.
Theo dõi được một thời gian, nhận ra ngay rằng gần đây nàng ăn thực ít quá.
Ngày trước mỗi bữa tới giờ cơm, cách cách đều sẽ điểm tên món nọ món kia; đến lúc ăn bánh ngọt, hoa quả cũng rất phấn chấn. Song dạo này hễ hỏi ăn gì, là cứ “tùy” luôn vậy, khi những món thường ngày nàng thích ăn được đưa đến, lại “không có hứng ăn”.
Ngọc Bình lo lắng nói: “Chắc chắn là cách cách nhớ Tứ gia.” Nàng ta còn tưởng cách cách chơi vui thì không có lòng đâu để nhớ. Nhưng nghĩ lại trước kia cơ hồ hôm nào Tứ a ca cũng sang, bây giờ mười mấy hôm liền không thấy bóng dáng, thảo nào cách cách vì nhớ mà ăn uống không ngon.
Triệu Toàn Bảo càng không sao rời mắt khỏi thư phòng, chỉ chực một ngày nào đó hắn đi sang, người người trong ấy khấp khởi hân hoan, là sẽ biết ngay Tứ a ca đã hết cơn giận.
Thế nhưng chờ hoài đợi mãi, thấm thoát hơn mười ngày trôi qua, tiết trời dần nóng, cách cách không ăn cơm, trong bụng rỗng tuếch, sáng ngày ra còn phải chứng buồn nôn, nhưng lại không nôn ra được thứ gì, khỏi phải nói khó chịu biết dường nào.
Lý Vi tưởng bị viêm họng, bắt đầu uống nhiều nước, thôi ăn rau xào. Song vốn nàng đã ăn ít, giờ cả rau xào cũng bỏ ăn, hằng ngày chỉ rớ đến mấy chiếc bánh ngọt, vài miếng cơm.
Hộp cơm xách trả về thiện phòng luôn không thấy thiếu mất miếng nào, xem xuống đằng dưới thì gần như là vẹn nguyên. Tô Bồi Thịnh nghĩ bụng: Thôi đừng lại cảnh bên này Tứ a ca chưa nguôi giận, người ở bên kia đã xảy ra chuyện rồi.
Biết rồi ắt phải đi hỏi. Tối hôm nay, thấy Triệu Toàn Bảo quay về phòng thái giám bên thư phòng, Tô Bồi Thịnh bèn gọi hắn ra, không vòng vèo quanh co, đứng ngay ở chỗ kín trong viện hỏi có phải dạo này Lý cách cách thấy khó chịu ở đâu chăng?
“Là kẻ nào mắt mù hầu hạ sơ suất? Anh lo không tự làm được, thế sao không biết đường nói với Trương Đức Thắng một tiếng? Suốt ngày chăm chăm chạy qua bên đây, nhận cả mớ ca ca đệ đệ, những lúc mấu chốt thế này sao không thấy anh vận dụng ra?”
Trên trời trăng treo, Triệu Toản Bảo chỉ biết quỳ dập đầu, không dám thốt nửa câu xin thứ.
“Dậy!” Tô Bồi Thịnh đá hắn một cú, cả giận bảo: “Anh cứ việc nói với ta, tại sao mấy hôm nay chủ tử nhà các anh bỏ bê ăn uống? Hiện giờ ra ngoài, nhà ta có điền trang riêng, Lý chủ tử muốn ăn món mới mà không dám mở lời, kẻ hầu như anh cũng không biết chớp thời cơ nốt luôn ư? Tự anh bảo với thiện phòng một câu, rồi xem có bao nhiêu kẻ tót đi nịnh ngay?”
Đúng là như thế thực. Trong số bốn nữ chủ tử ở hậu viện, chỉ mỗi mình Lý cách cách là dùng thiện phòng của thư phòng theo Tứ a ca, ai mù sao mà không nhìn thấy? Ngày nào Triệu Toàn Bảo cũng mon men sang thư phòng, chẳng lẽ thật sự vì hắn có uy tín nên ai nấy đều vui lòng đon đả với hắn ư? Cứ nhìn mặt mọi người là quá rõ rồi còn gì!
Chỉ tiếc dù Lý cách cách hơi càn quấy, song lại chỉ thể hiện tính ấy ra trước mặt Tứ a ca. Triệu Toàn Bảo và Ngọc Bình ăn trận gậy cũng biết điều tém mình, biết bao nhiêu là người muốn bấu víu vào tiểu viện của Lý cách cách, không víu được lại khóc lóc kêu đất gọi trời.
Triệu Toàn Bảo lẩm nhẩm hồi lâu, nghĩ tới lời Ngọc Bình nói, bèn nhỏ giọng bảo: “… Ấy vì cách cách nhớ Tứ gia.”
Vừa dứt câu, đèn đuốc khắp bề rực sáng.
Tứ a ca chắp tay sau lưng đứng trên con đường mòn, chung quanh có hai lồng đèn thắp sáng. Có lẽ ban nãy đã thổi tắt nến đi nên mới không bị hai kẻ đương tránh ở sau bóng cây nói chuyện phát hiện.
Tô Bồi Thịnh bước ra phất tay áo quỳ xuống. Nếu không vì gọi người vào trong phòng sẽ rất gây chú ý, thì hắn còn lâu mới ra ngoài đây nói chuyện với kẻ đần độn này. Ngộ nhỡ bị Tứ a ca nghe thấy, lại phải gánh trên lưng tội danh bàn tán sau lưng chủ tử.
Hiện giờ hễ nhìn thấy Tứ gia là Triệu Toàn Bảo nhớ ngay đến hai chục gậy đòn, run rẩy vội lê gối qua.
Đến hai kẻ xách lồng đèn đứng bên cạnh cũng run run theo. Ai bảo câu “cách cách nhớ Tứ gia” vừa nãy Triệu Toàn Bảo thốt ra đã lọt cả vào tai mọi người? Thực là xúi quẩy!
Tứ a ca quay gót vào nhà, chỉ bỏ lại một câu: “Mỗi kẻ mười gậy, lôi vào viện đánh.”
Tô Bồi Thịnh đành bất lực gọi người vào, sau đó áp tải những kẻ có mặt lẫn thêm cả mình cho nằm lên băng ghế dài, đánh thùm thụp đủ chục gậy, rồi bò xuống khập khễnh bước vào nhà tạ ơn.
Xong lại đi ra gọi Triệu Toàn Bảo vào.
Triệu Toàn Bảo đi vào bắt gặp khuôn mặt đen kịt của Tứ a ca, khỏi cần dọa đã chúi nhủi ra rạp người dưới đất.
Kỳ thực Tứ a ca đen mặt là vì giận thật, lúc nghe Triệu Toàn Bảo nói câu Lý thị nhớ chàng, chàng thực chỉ muốn đẩy tên thái giám này ra ngoài đánh chết mới thôi. Song mạng sống con người trong mắt chàng không rẻ rúng đến vậy, nên tuy hận hắn tùy tiện phát ngôn về chuyện riêng của Lý thị, nhưng vẫn không thể không tha cho hắn.
Vì để ngăn chặn mọi người thám thính chuyện này, chàng thậm chí còn không thể phạt nặng, mà chỉ bảo cho đánh chục gậy tượng trưng thế thôi.
Vẫn nhẹ chán!
Triệu Toàn Bảo được phen mất hồn hú vía. Vốn là hắn định tranh sủng thay Lý cách cách, với lại đâu ít khi bọn thái giám nhân lúc riêng tư xì xào cả sau lưng cung phi. Đều là đàn ông với nhau, dẫu đã mất cái con giống con mái, nhưng không có nghĩa rằng sẽ không mang cái lòng đàn ông. Vậy nên lúc hắn nói với Tô Bồi Thịnh, cũng chẳng nghĩ ngợi gì cao xa. Nhưng bây giờ thấy Tứ a ca tức khí đến độ con mắt trợn tròn, không cần nói thêm gì nữa, hắn đã hãi hùng mất hết cả cái gan.
“Có lần sau nữa, gia không đánh ngươi đâu. Bỏ một, hai kẻ xuống lấp giếng vẫn còn dễ.” Tứ a ca nhẹ nhàng nói.
Triệu Toàn Bảo liều sức dập đầu, sợ quá không nói được gì.
Tứ a ca quẳng cho một câu: “Biến ra kia quỳ.” Triệu Toàn Bảo hết lăn lại bò cút ngay ra ngoài, lúc quỳ trên phiến đá dặm ở ngoài, mới tự dưng thở hắt ra một hơi, suýt nữa thì nghẹn khí chết toi.
Tô Bồi Thịnh trông luôn ngoài cửa, hắn bị đánh rồi, nhưng Tứ a ca chưa bảo hắn được về nghỉ ngơi, nên buộc phải tiếp tục gác đêm vậy. Vả lại người đánh sao dám nặng tay? Nhìn Triệu Toàn Bảo, hắn không thấy một chút đồng cảm. Nếu kẻ này không mở mang đầu óc ra, sớm muộn gì rồi cũng đi tong cái mạng.
Chủ tử là gì? Ấy chính là trời. Cho Tô Bồi Thịnh hắn mười lá gan, cũng không dám để lộ một câu về chuyện của Tứ a ca ra ngoài. Có thể Lý cách cách không ra dáng một chủ tử, song cách cách có Tứ a ca che chở. Triệu Toàn Bảo nhà ngươi có ai che chở không? Làm nô tài kiểu đấy à? Dù cho Lý cách cách không giống một chủ tử, nhà ngươi lại càng phải nên nết một nô tài; chủ tử mặc xác nhà ngươi, nhà ngươi càng phải tỉnh táo gấp bội, kìm kẹp bản thân mọi lúc, không được phép vượt quá giới hạn.
Triệu Toàn Bảo quỳ trọn một đêm, hai đầu gối sưng vù hệt cái bánh bao, sắc mặt bợt bạt tái xanh, toàn thân toát mồ hôi lạnh lại còn run lẩy bẩy, trông vật vờ chẳng khác gì một con ma. Tô Bồi Thịnh không bảo ai ngó ngàng đến hắn, vào nhà hầu Tứ a ca thức giấc ra ngoài.
Mười giờ sáng, Trương Đức Thắng phái Toàn Phúc và Toàn Quý đi hỏi Triệu Toàn Bảo, rồi về gọi người khiêng Triệu Toàn Bảo quỳ từ hôm qua đến tận giờ này vào phòng, cho đặt lên giường. Trong phòng đốt chậu than, Trương Đức Thắng rót thứ thuốc hãy còn nóng vào miệng hắn, sai người lấy khăn dấp nước nóng lau chân cho hắn.
Triệu Toàn Bảo nằm trên giường đau đớn cựa quậy, gân xanh cộm lên. Bốn, năm người đè hắn lại, lau đến khi hai chân hắn đỏ ran, mới chuyển sang đắp túi muối chườm cho hắn.
Sau khi xua hết mọi người ra khỏi phòng, Trương Đức Thắng nhìn Triệu Toàn Bảo mà khó nén lòng ước ao.
Triệu Toàn Bảo hổn hà hổn hển hớp lấy không khí, cái chân đau như không phải của mình nữa rồi. Hắn nhìn vào ánh mắt phức tạp của Trương Đức Thắng, nhiều ít cũng hiểu được ý của tên này.
Trương Đức Thắng nói: “Hãy yên tâm, chủ tử vẫn dùng tới huynh thôi.” Chẳng biết liệu cậu ta có được vận may như Triệu Toàn Bảo hay không, phạm vào lỗi sai, chủ tử phạt rồi ấy nhưng lại không định đổi quách đi một kẻ hầu mới.
Sao Triệu Toàn Bảo không biết? Ngày hôm qua hắn đúng là vừa tìm đường sống trong cõi chết. Lý cách cách vốn tính ôn hòa, rất hiếm khi quản thúc họ, gan hắn cũng theo đà càng lúc càng bành to. Từ rầy về sau, chắc mẩm Tứ a ca sẽ nhìn hắn bằng con mắt thêm phần hà khắc rồi. Chỉ tại nhất thời chưa tiện thay người cho cách cách thôi, không thì…
Triệu Toàn Bảo rùng mình một cái. Không thì, quỳ xong không cho ai ngó đến hắn, hắn đây cũng thành nửa tàn tật. Về sau chẳng mấy năm ắt sẽ không còn được việc gì nữa, kẻ hầu cách cách mà vô dụng, ấy chỉ có một nước là bị chuyển thẳng ra ngoài.
Hắn nhắm nghiền mắt, cả người rét run. May thay, may thay cách cách vẫn còn cần đến hắn. Kể từ giờ phút này, hắn phải ôm chặt chân cách cách! Để cách cách không thể nào thiếu hắn được nữa!
Nếu nói lúc trước hắn còn ấp ủ ý định “mượn gió Đông” là Lý cách cách hòng đặt chân vào thư phòng, thì hiện giờ suy nghĩ ấy đã tiêu tan toàn bộ. Về sau Tứ a ca tuyệt đối sẽ không dùng tới hắn. Cách cách đã là con đường duy nhất hắn có thể đi.
Trong tiểu viện, Lý Vi nghe Toàn Phúc và Toàn Quý nói tối hôm qua Triệu Toàn Bảo cảm lạnh, được đưa ra ngoài dưỡng bệnh rồi, bèn bảo với Ngọc Bình: “Đem mấy lạng bạc qua cho hắn, sắp cho hắn mấy đứa hầu, không vớ vẩn bệnh lại càng ngày càng nặng thêm.”
Rốt cuộc tên thái giám bị tiêu chảy của Tống cách cách chẳng quay về nữa.
Ngọc Bình cười vâng lời, đoạn gọi Toàn Phúc và Toàn Quý ra hỏi kỹ lưỡng, khi nghe bảo người gặp hai đứa này là Trương Đức Thắng, đã có ngay đáp án trong bụng.
Mấy hôm nay Triệu Toàn Bảo cứ bứt rứt muốn truyền tin cho Tứ a ca thay cách cách, lẽ nào tối qua tên này…
Ngọc Bình sợ tái mặt, nhưng càng hận Triệu Toàn Bảo tự xem là thông minh, rồi lại rước họa ngược về cho cách cách! Suốt cả ngày nhảy nhót tỉ tửng, tưởng tiểu viện này của cách cách không có nhà anh là không trụ nổi nữa à?
Sau khi cho Toàn Phúc và Toàn Quý rời khỏi, nàng ta đi loanh quanh vài vòng trong phòng. Mặc dù muốn đi nghe ngóng, nhưng không có Triệu Toàn Bảo, họ không cách nào dò ra được tí tin tức gì ở thư phòng. Đến việc xảy ra chuyện gì cũng mù tịt, thế có khác nào bảo người ta ngồi chờ chết không?
Một ngày trôi đi, tuy nom nét mặt Ngọc Bình như thường, nhưng cứ mải ngóng về hướng cửa nhỏ của thư phòng. Nàng ta nửa là sợ Trương Đức Thắng lại dẫn người đến, từ lần bị cậu ta dẫn đi trước, trong cơn ác mộng Ngọc Bình thường hay trông thấy cậu ta, lần nào cũng hãi quá choàng tỉnh, toát hết mồ hôi lạnh.
Nửa còn lại thì đương mong. Dù Triệu Toàn Bảo có bị phạt, cũng mong Tứ a ca không giận lẫy sang cách cách, mà đến thăm cách cách.
Nhấp nhổm đợi cho tới khi mặt trời ngả về Tây, thấy trên con đường mòn không có bóng ai, lòng Ngọc Bình hóa đống tro tàn, thiếu điều chạy về buồng trùm chăn khóc rống. Trở vào phòng, thấy cách cách ngây thuỗn mặt nhìn bàn cơm, lúc lâu sau lại xua tay định gọi bưng xuống, bèn cả gan lên tiếng ngăn: “Cách cách, đã sắp mười ngày người không dùng bữa đầy đủ. Cứ tiếp diễn như thế, thân nào chịu nổi? Cỡ gì cũng phải ăn một ít.”
Ngày trước trong cung, Ngọc Bình còn hay trêu ghẹo nàng; chịu trận đòn kia xong, dường như nàng ta thận trọng hơn nhiều, song rất ít khi can ngăn nàng làm gì. Lý Vi nghĩ, rồi không bảo dọn đi nữa, nhưng nhìn cả bàn ăn thịnh soạn đủ màu, lại không có món nào khiến nàng muốn ăn.
Đã không muốn ăn, tức là cơ thể không cần – câu cửa miệng của một bà mẹ làm giáo viên dưỡng sinh ngành Trung y.
Thời học cấp hai, từng có khoảng thời gian Lý Vi cực thích ăn thịt gà, một tuần ăn được những năm ký thịt. Ăn hàng ngày, ăn hàng bữa cũng không thấy ngán. Người bình thường có thèm thịt gà đến mấy cũng không khủng khiếp tới mức độ vậy, thế là mẹ bèn bắt nàng vào bệnh viện gặp bác sĩ trung y: bắt mạch, xem màu lưỡi, sau khi hỏi về chế độ ăn uống thường ngày, mới kê toa thuốc bổ tỳ cho nàng, phán nàng mắc chứng tỳ khí hư.
Từ bé đã vậy, nên cả khi đã thay đổi một thế giới sống khác thì Lý Vi vẫn hết sức tin tưởng vào lời mẹ dạy. Lý Vi từng có thời rất say mê trung y, song nàng không có cái phú trời ban ở lĩnh vực này, thấy mênh mông toàn sách là sách lại nhức đầu. Về sau mẹ cũng dạy nàng, nếu thực sự chỉ muốn tu dưỡng thân, tội gì học chuyên ngành dưỡng sinh Trung y. Cơ thể con người cực kỳ thần bí, khi khuyết thiếu thứ gì, tự khắc đi ăn thứ nấy.
Cứ theo lý ấy, suy ngược lại câu trên kia.
Vì lẽ vậy, cuối cùng nàng vẫn buông đũa, nói: “Thôi, biết đâu ngày mai ta lại muốn ăn? Dọn xuống đi, bày đồ ăn ở đây ngửi mùi vào đâm khó chịu.”
Ngọc Bình gan lắm cũng chỉ dám nói một câu. Thấy Lý Vi nhất quyết thế, vẻ mặt trông cũng như là không muốn ngửi thấy mùi đồ ăn thực, đành vội sai người dọn hết bàn cơm xuống.
Lúc này, Tứ a ca đi vào.
Vừa vào chàng đã nhìn chăm chăm sắc mặt Lý Vi, không bắt nàng đứng dậy đón, ngồi xuống đè nàng lại nói: “Ở yên đấy.” Bấy giờ bàn cơm vẫn chưa được bưng ra, chàng nhìn các món trên bàn, thấy đều là những món Lý Vi thường ăn, mà hầu như lại không đụng vào món nào. Chàng khoát tay, cho những người khác lui đi hết.
Trong phòng chỉ còn hai người, chàng cau mày hỏi nàng: “Sao lại không ăn cơm?”
Lâu rồi Lý Vi chưa gặp chàng, gia dĩ dạo này cảm xúc trồi sụt luôn, lúc này không nhịn được ngả vào lòng chàng, nũng nịu nhõng nhẽo: “Không muốn ăn. Nhưng thiếp khỏe lắm, không khó chịu chỗ nào.”
Nói xong, ngay nàng cũng nhận thấy trong giọng mình phải trộn ít nhất một ký mật, thực là ngọt ê răng.
Ắt là do ta quá nhớ chàng.
Lý Vi tự an ủi vậy, vui ý ôm chầm lấy chàng, oặt ẹo tựa hẳn vào người chàng như không xương. Tứ a ca cũng rất phối hợp đưa tay ôm gọn người nàng, vỗ về lưng nàng từng cái một, không có tí nào gọi là mất kiên nhẫn. Hưởng thụ hết một lúc, Lý Vi mới hoàn hồn.
Ái cha… nàng thế này thì có hơi quá phận mình rồi.
Toan thẳng người dậy hầu Tứ a ca, chàng lại giữ nàng yên, nói: “Ngồi im đây, thái y sắp đến ngay.”
Thái y?
Lý Vi dù khó chịu vẫn nhớ mà giải thích: “Tứ gia, thiếp ổn lắm.”
Tứ a ca sờ bầu má mềm mềm của nàng, không nghe nàng. Trước khi ra cung chàng đã gọi thái y, đúng lúc đã dọn ra ngoài cung, thái y không cần trực ban sẽ đến khám trước khi về nhà, thế cũng không khiến quá nhiều người ghé mắt săm soi.
Hai người ngồi thêm một chốc thái y mới đến. Vì Tứ a ca bảo chuyến này chàng bí mật mời thái y về đây, nên khỏi phải ghi chú lại. Thái y hiểu ngay rằng chắc chắn không phải Tứ a ca, phúc tấn hay tiểu cách cách mới đầy tháng thấy không khỏe ở người, mà chính xác là vị cơ thiếp nào đó của Tứ a ca.
Công khai gọi thái y thì lo rành rành quá, vậy mới xin nhờ trong thầm lặng thế này.
Vương thái y tuổi độ tứ tuần, bình thường ở Thái y viện chỉ xem bệnh cho những phi tần bậc thấp như tiểu đáp ứng,… chưa từng có dịp nào bước vào cung của tứ phi, kể cả A Ca Sở. Nhưng Tứ a ca đã hỏi thăm, suốt ba đời tổ tiên nhà ông ta đều có chuyên môn nghiên cứu về phụ khoa.
Ra khỏi Thái y viện, ông ta lặng lẽ đến phủ Tứ a ca. Được người ta dẫn vào từ cửa hông, rồi vào nội viện từ cửa chính. Nên bên này thái giám vừa dẫn Vương thái y vào, chính viện của phúc tấn bên kia đã nhận được tin ngay tức thì.
Nguyên Tứ a ca nghĩ: dù thái y có không khám ra được bệnh gì chăng nữa, cũng phải nhắc nhở đám người ở nội viện rằng Lý thị thấy khó chịu trong người, đóng cái dấu lên người nàng, để những kẻ muốn gây chuyện phải tự cân nhắc lại. Diêm vương mới dễ, tiểu quỷ khó chơi. Tuy phúc tấn không nhiều chuyện, nhưng người dưới trướng nàng thì không chắc.
Ngờ đâu sau khi thái y vào, bắt mạch hai tay, lại xin xem sắc mặt và màu lưỡi, sau đó đi ra quỳ xuống thả luôn một quả bom.
“Cách cách có hỷ rồi.” Vương thái y nói.
Trong sự ngạc nhiên, Tứ a ca không quên nâng thái y dậy, Tô Bồi Thịnh đứng cạnh hỏi thay chàng: “Nếu là vậy, xin hỏi Vương thái y, Lý chủ tử nhiều ngày không buồn ăn buồn uống, liệu có gì đáng ngại cho sức khỏe chăng?”
Từ bé Vương thái y đã theo chân ông và cha đi chữa bệnh, trong nhà có hẳn một buồng riêng chất đầy là những phương thuốc bắt mạch. Người mang thai hay sinh ra những thói rất lạ, ông ta gặp nhiều thành quen, chỉ không ăn cơm thôi thì đã là gì, có người bầu bì rồi còn đòi ăn cá chạch sống, ấy mới là lạ lùng.
Nhưng ông ta không thể cứ thế mà thưa, ngẫm nghĩ một lúc, úp giở những lời ấy ở trong bụng ba lượt, mới nói: “Thần thấy khí sắc cách cách rất tốt, tỳ vị bất hòa nhất thời cũng có. Nhưng không cần dùng thuốc, cũng không phải ép cách cách ăn cơm…” Nói tới đây lén xem vẻ mặt Tứ a ca, tuy không nhìn ra gì được, Vương thái y vẫn chuyển lời sang hướng khác: “Cứ phải để cách cách muốn ăn là hơn.”
Nói cách khác: Chỉ cần khiến cách cách muốn ăn.
Làm thế nào để Lý Vi có hứng ăn cơm, chút chuyện cỏn con này khỏi cần Tứ a ca bận tâm lo nghĩ, chàng chỉ dặn dò Tô Bồi Thịnh, Tô Bồi Thịnh lại dặn Trương Đức Thắng, Trương Đức Thắng mới đi mời đại ma ma.
Đại ma ma nói: “Có rồi à?” Nhìn vào mức độ được sủng của Lý cách cách, lần này a ca ắt là rất quan tâm: “Cách cách không muốn ăn hay muốn ăn nhưng không dám nói?” Tuy đại ma ma thấy Lý cách cách có phần không chín chắn lắm, nhưng cũng có những hiểu biết nhất định về tính nết nàng, biết người này không phải thừa cơ mè nheo, giả vờ giả vịt. Ngược lại, còn hơi hơi nhát gan.
Hai hôm nay Trương Đức Thắng cũng sắp hết nuốt nổi cơm, mặt nhăn nhó bảo: “Chúng tôi cũng nghĩ vậy, nhưng đại ma ma nghĩ xem, đồ ăn thiện phòng bên thư phòng nấu ra để a ca ăn, giờ lại ưu tiên hết cả cho người ấy. Có khi những món a ca đã cố ý gọi, mà cũng chẳng thấy người ấy đụng vào tí gì.”
Ngay đến Tứ a ca cũng sợ nàng muốn ăn nhưng không dám nói ra, nên mấy ngày gần đây chàng cứ gọi luôn những món ngày thường chàng còn không buồn ngó tới, song bưng món nào lên, là lại bưng xuống nguyên vẹn.
Thế là đại ma ma bèn đưa Liễu ma ma hầu Tống cách cách qua. Liễu ma ma dọn thẳng vào tiểu viện, sau khi vào cũng cẩn thận hầu hạ hai bữa. Thấy tình hình không khá hơn, Liễu ma ma hỏi Lý Vi: Chán ăn cảm giác thế nào?
Lý Vi nói: “Giống như là đã ăn no.”
“Thế bình thường có đói không?”
“Không đói.”
Thực ra Lý Vi cũng khá sốt ruột. Khi biết mình mang thai, nàng cảm thấy như này là không ổn rồi. Nghi bị khó tiêu, nhưng nghe trong dạ dày vẫn thấy tiếng ùng ục. Nàng thử uống các loại canh chua cay, nước ô mai kích thích ăn uống, cũng thử uống sữa chua để trợ tiêu hóa, mà vẫn vô tác dụng.
Tứ a ca vốn tính nôn nóng, đụng việc gì cũng chỉ muốn mau chóng thấy kết quả. Đợi qua vài ngày thấy Trương Đức Thắng không làm gì được, đại ma ma và Liễu ma ma cũng đều bó tay; sau khi hỏi chuyện họ, bèn dứt khoát tự mình ra tay. Một mặt chàng mượn đầu bếp ở Lý gia, song lại thấy Lý gia chỉ là hộ nhà thấp bé, đầu bếp tài mấy cũng có hạn; mặt khác chàng hỏi thăm bên Nội vụ phủ, xin đầu bếp từ thiện phòng A Ca Sở, lý do đương nhiên là về để hầu mình.
Chưa đầy ba ngày, hai đầu bếp đầu vào nhận việc. Đầu bếp của Lý gia được dẫn tới thiện phòng ở nội viện, Lưu thái giám của A Ca Sở thì vào thiện phòng ở tiền viện.
Tối nay, Tứ a ca lại sang tiểu viện, đúng lúc gặp giờ ăn tối. Chàng vừa vào đã trông thấy Ngọc Bình vén mành cho mình cùng vẻ mừng vui khấp khởi.
Coi bộ có tác dụng rồi. Cứ phải để chàng tự xuất chiêu mới được.
Vì thế chàng cũng thấy hôm nay thoạt trông Lý thị khởi sắc hơn nhiều, mặt mày rõ hồng hào hơn ngày hôm qua.
“Gọi người bưng đồ ăn lên đi.” Chàng nói sau khi ngồi xuống.
Hai đầu bếp cùng vận hết tài năng, bày đồ đầy ắp cái bàn vuông trong phòng chính. Lý thị lại hô biến về với vẻ nói cười khúc khích, khen món này ngon, món kia cũng ngon.
Hôm nay con sâu thèm ăn trong Lý Vi vừa sống dậy, đã thấy như mình bị bỏ đói liền ba năm. Nàng vừa gắp đồ ăn cho Tứ a ca, vừa không quên ăn phần mình: “Bánh bao xúp chiên thơm này ngon lắm! Ngon cực kỳ! Tứ gia ăn thử xem? Còn cả đậu hũ cay này nữa!”
Kỳ thực đây là hai món thuở bé Lý Vi thường lấy ra hành hạ đầu bếp Lý gia. Bánh bao xúp chiên thơm là bánh bao xúp đem chiên trước, rồi rắc thêm hành thơm và hạt vừng lên trên, là món thay thế mỗi lần nàng thèm ăn bánh bao chiên Thượng Hải. Còn đậu hũ cay coi như món nàng tự nghĩ ra để thay cho đậu hũ ma bà, có điều cách làm khác hoàn toàn so với đậu hũ ma bà chính tông.
Thịt ba chỉ thái lát mỏng đem chiên cho ra dầu, bỏ ớt và tiêu để dầu ngấm màu đỏ, đổ thêm nước dùng, đậu hũ non, rau xanh, trước khi múc ra tô thì rắc thêm hạt tiêu xanh và hành thơm, rau mùi. Ăn kèm cơm là nàng ăn được hai bát lớn.
Ăn bữa chính xong, Lưu thái giám bưng bánh ô mai lên, nàng lại ăn nửa đĩa nữa.
Tứ a ca sợ nàng đói bụng bao ngày, bỗng dưng ăn nhiều thế này lại càng không chịu nổi, bèn ngăn: “Được rồi, muốn ăn thì ngày mai bảo ông ta nấu cho nàng là được.”
Lý Vi chưa đã thèm, bưng chén trà thở dài: “Thiếp sống lại rồi.” Nghĩ lại những ngày không có hứng ăn, chừng như đến cả tinh thần cũng rệu rã nốt.
Tứ a ca đen mặt, buông chén trà nói: “Ăn nói bậy bạ! Không có phép tắc gì cả!” Thấy Lý Vi hoảng hồn đặt chén trà xuống ngay không dám nói gì nữa, chàng khẽ thở dài: “Bây giờ nàng có mang, phải tự biết giữ sức khỏe… Sợ thế cơ à? Qua đây.”
Lý Vi ngồi dịch sang, chàng cầm tay nàng bảo: “Gia đối xử với nàng thế nào, nàng vẫn không biết ư? Mới có một câu đã làm nàng sợ à?”
Đấy chẳng là kiểu giả cách hối lỗi mỗi khi bị chủ tử mắng hay sao…
Nhưng thốt câu này ra ắt sẽ rách việc hơn, vậy nên nàng chỉ đành ngả vào người nàng, níu lấy cúc áo chàng làm vẻ ngu ngơ… Quả nhiên chọc chàng bật cười, kéo nàng lại nói: “Đấy rồi lại quậy gia.”
Vì quý ngài đây thích thể loại này chứ sao… Lý Vi chợt thấy rất lo, cứ tiếp tục để Tứ a ca nuôi kiểu này nữa, liệu IQ của nàng có càng lúc càng giảm sút đi không?
(còn tiếp)