Nhật Ký Xuyên Thanh

Chương 17: 17: Chương 16



Con đường phía trước Bối lặc phủ đã sạch bóng người, người của Bộ quân thống lĩnh nha môn đuổi hết người đi đường và người bán hàng rong.

Có kẻ to gan đứng dồn đống bên lề đường, chỉ chỉ trỏ trỏ hàng dài xe la rồng rắn tiến lại.
“Vị chân long nào giáng trần ấy thế?” Một người Mãn khoác áo choàng da dê, lấy tay làm ống nhòm, hỏi.
“Nghe bảo là Hoàng Tứ a ca.” Một người mặc trường bào đứng cạnh anh ta nói.
Người khoác áo da dê tỏ vẻ coi khinh, liếc xéo người kia một cái.

Người kia thấy anh ta vậy, vội vã rụt cổ lủi khỏi đám người.
Xe la của Lý Vi đi vào từ cửa hông.

Qua hai cửa sau, tại một lối đi nhỏ hẹp dài, xe la dừng bánh để đổi sang ngồi kiệu.

Lúc dìu nàng lên kiệu, Ngọc Bình nhỏ giọng nhắc: “Cách cách bước khéo ạ.”
Nàng lại ngoái đầu nhìn bức tường vây cao ngất.

Lối đi nhỏ được tạo bởi hai bức tường, ánh mặt trời bị chắn hết phía ngoài.

Nàng chỉ nhìn thấy mỗi vạt nắng hắt xuống mái hiên cao cao, mấy con chim nhỏ trên nóc nhà nô đùa nhảy nhót.
Vậy ra chỉ là đang đổi từ thành vây này sang một thành vây khác mà thôi.

Lý Vi bỗng nảy một niềm vui thích khi mình được người khác giấu kỹ.
Ngồi lên kiệu, thời gian lúc đi kéo dài hơn cả lúc vào cửa.

Chừng một khắc đồng hồ trôi qua, cỗ kiệu mới dừng lại.

Ngọc Bình theo sát bên kiệu suốt quãng đường, lúc này vén rèm kiệu dìu nàng bước xuống.
Tiếp tục theo bà vú già dẫn đường qua hai ngưỡng cửa nữa mới trông thấy tiểu viện Tứ a ca chọn riêng cho nàng.
Đằng trước viện là giàn nho trồng sẵn, mấy cây nho non rặt màu xanh đương bấu víu vào giàn tre gầy gò.

Đặc biệt, khoảng nền đất trong viện được san phẳng phiu, từ cổng viện đến trước phòng là lối đi gạch xanh lát thành.

Vú già dẫn tới nơi liền khom người lui đi.

Trong phòng, đám Ngọc Trản, đến đây trước cùng rương hành lý, đang tất bật xếp đồ xếp đạc.
Lúc trong cung, rõ là người của nàng nhiều quá thành ra dùng chẳng hết.

Ấy mà vừa ra ngoài, lại có vẻ ít quá không đủ dùng.

Ngọc Yên, Ngọc Trản và Ngọc Thủy bận rộn đầu mướt mồ hôi.

Một mình Triệu Toàn Bảo phải trông giữ những rương hòm to oành kia, mệt đến độ chân cẳng lẩy bẩy.
Vì trong số hành lý của Lý Vi có quá nhiều món quý giá, cơ hồ toàn đồ Tứ a ca cho, nên họ không dám tùy tiện kéo người ngoài vào giúp một tay, đành phải tự thân vật lộn.

Thấy vậy, Lý Vi nói với Ngọc Bình: “Ngươi cũng đi đi, chớ vội lấy ra hết ngay, tạm tìm đệm chăn cần dùng để tối nay đi ngủ là được, còn lại cứ lo liệu từ từ.”
Sau khi Ngọc Bình đi, Lý Vi bắt đầu luẩn quẩn vòng quanh địa bàn nhỏ của mình.

Trước hết nàng đi thăm cây thạch lựu trồng ở hậu viện từng thấy trên bản đồ.
Vừa đi vào từ con đường mòn bên cạnh, nàng đã bắt gặp ngay nơi đằng Đông một cây thạch lựu tán xòe rộng hệt một đám mây, che khuất một phần ba hậu viện.

Giờ này lựu hãy chưa kết quả, nhưng giữa những cành lá đã lấp ló sắc đỏ của nụ hoa, đôi ba nụ đã bung nở, vài cánh hoa đo đỏ non mềm khẩn cấp vươn mình.
Trước bữa trưa, công cuộc dọn dẹp chái Tây đã đâu ra đấy, phòng ngủ và phòng chính vẫn một bãi chiến trường.

Khu viện này trông hoàn chỉnh hơn so với hình ảnh trong tấm bản đồ Lý Vi thấy ban đầu.

Phía sau còn một nhà kho nhỏ, Ngọc Bình vừa dẫn người đi chất toàn bộ những hòm rương tạm thời chưa dùng vào nhà kho.

Giờ chỉ còn cần bố trí phòng ngủ, rương đựng xiêm y và những thứ đồ lặt vặt tùy thân khác đành để sáng mai sẽ xếp gọn lại.

Trong phủ đệ mới, về cơ bản thì Lý Vi và bốn cô cung nữ đều không biết gì về hoàn cảnh chung quanh.

Thấy sắp tới giờ ăn trưa, nhưng thậm chí chỗ lấy bữa ở đâu mà các nàng cũng chẳng biết nốt.
Bấy giờ, một bà vú già bước vào từ chỗ cửa hông Tứ a ca từng nhắc, đứng khúm núm trong nhà chính hỏi Ngọc Bình xem bữa trưa Lý chủ tử muốn dùng những gì.
Ngọc Bình gọi bữa trước, sau đó gọi Ngọc Thủy theo chân vú già đi cho biết đường biết lối, phòng lát nữa cần nước ấm lại không biết đi đâu mà lấy.

Lúc quay về, Ngọc Thủy lại mang theo một tin tức khiến cả Lý Vi cũng phải giật mình.
Hóa ra vú già này đang hầu trong thiện phòng chỗ thư phòng ở tiền viện của Tứ a ca, bà vú bảo mình được Tứ a ca cử sang, ngày thường bà ta sẽ qua đây mỗi khi Lý cách cách gọi bữa, lý do là vì bên đấy gần bên đây.
Không chỉ mình thiện phòng, đến những việc vặt như quét tước đình viện và tỉa tót cỏ hoa, phải nói cả khu viện của Lý Vi đều đã thuộc trong phạm vi thư phòng ở tiền viện của Tứ a ca.

Lý do vẫn là vì gần, nên mới gộp vào để quản lý cùng vậy.
Dùng bữa trưa xong, lại thêm một ma ma thoạt trông khá có tiếng nói tới cửa, nhận rằng mình là người quản lý tất cả hạ nhân trong viện, đến đây cốt là để phổ cập cho Lý Vi một số phép tắc trong phủ này.
Lý Vi cho bà ta ngồi, dâng trà, rồi mời bà ta nói cặn kẽ.

Sao nàng cứ cảm thấy phép tắc trong phủ này dễ là không hề đơn giản như nàng nghĩ thế nhỉ?
Phủ Bối lặc mới được chia thành nội viện và ngoại viện: đứng đầu ngoại viện là thư phòng của Tứ a ca, đứng đầu nội viện là chính viện của phúc tấn.

Nhưng ngoại trừ phúc tấn, vẫn còn bốn ma ma quản sự nữa dẫn dắt công việc ở nội viện.
Trang ma ma hôm nay đến giới thiệu quy củ với Lý Vi là chủ quản của nhóm hạ nhân, chỉ cần là người hầu hạ trong nội viện, thì ngay đại a đầu bên cạnh phúc tấn cũng nằm vào danh sách của bà ta, chịu sự quản thúc của bà ta.

Hễ là chuyện của bọn a đầu, bất kể là về văn khế bán thân, hay số bạc phát hằng tháng, tuổi nào phải vào hầu hạ, tuổi nào nên ra ngoài cưới gả, đều phải qua tay bà tay.
Còn một người tự xưng là Na ma ma, phụ trách toàn bộ chuyện đàn bà con gái hầu hạ a ca – bao gồm cả phúc tấn – trong hậu viện.

Các nàng đến tháng khi nào, ngày nào được sủng, lúc nào mang thai, sinh con, ở cữ, vân vân.
Đại ma ma theo ra cung, bà ta vẫn quản lý nhà kho.

Nhưng hiện giờ nhà kho cũng chia làm kho trong và kho ngoài.

Kho ngoài được dựng trong thư phòng, chìa khóa dĩ nhiên cũng do người bên thư phòng giữ.

Chìa khóa kho trong chia cho phúc tấn giữ một chùm, đại ma ma một chùm.
Ma ma họ Bạch quản lý thiện phòng và tạp vụ của nội viện, hoa cỏ cây cảnh của hậu viện, ao hồ, quét dọn, đèn đóm, than lửa,…!do bà ta chịu trách nhiệm hết.
Chuyện của ngoại viện thì Lý Vi không có tư cách được biết, chỉ nghe mỗi chuyện nội viện thôi mà nàng đã cứng họng líu lưỡi rồi.
Bốn ma ma này chẳng phải đã thẳng tay loại trừ quyền lực của phúc tấn rồi hay sao?
Trang ma ma đến còn vì một chuyện nữa, bà ta muốn hỏi chỗ Lý Vi có đủ người dùng hay không? Nếu cần thêm người, vậy cần mấy tiểu a đầu, mấy đại a đầu? Nàng muốn những tiểu a đầu thế nào? Nếu nàng có yêu cầu đặc biệt gì, tỷ như phải xinh xắn một chút, phải tới từ Sơn Đông, Trang ma ma sẽ giải quyết giúp nàng.
Lý Vi cảm tạ Trang ma ma trước, kế đó bảo rằng đợi khi thảy đã êm thấm, rồi xem xét nếu cần thêm vài người, lúc ấy sẽ lại báo với Trang ma ma.

Tiễn người đi, nàng hỏi ý Ngọc Bình và Triệu Toàn Bảo xem chỗ họ cần thêm mấy người nữa thì ổn.
Ngọc Bình nói: “Cách cách có mấy người chúng nô tỳ hầu hạ là đủ rồi ạ, cùng lắm chỉ bận một khoảng thời gian, lúc thu dọn xong cũng không cần thêm người nữa.”
Triệu Toàn Bảo lại nói: “Chuyện thêm người trong phủ cũng có quy định số lượng.

Không nhân lúc này thêm người cho đủ nhân số, rồi đây chẳng biết khi nào mới thêm được nữa.

Nô tài thấy có thể xin thêm mấy đứa nhỏ tuổi, dễ uốn nắn dạy bảo, khi lớn cũng giúp được việc.”
Vậy là đi đến quyết định, Triệu Toàn Bảo sẽ xin thêm hai đứa sai vặt giúp trông cửa, truyền lời.

Những đứa sai vặt được bước chân vào nội viện đều chưa tới mười tuổi, lớn nhất là tám, chín tuổi sẽ rời khỏi đây.

Ngọc Bình cũng muốn xin hai tiểu a đầu giúp làm những việc nhỏ nhặt như truyền lời, tuổi từ năm trở lên, từ mười trở xuống, bởi lẽ nhỏ quá không giúp được gì, lớn quá lại chẳng dùng được mấy năm.
Lý Vi thực khó lòng chấp nhận được chuyện để học sinh tiểu học hầu hạ mình.

Ngọc Bình và Triệu Toàn Bảo cùng khuyên nàng, rằng những đứa nhỏ này hầu hết từ Hà Nam lánh nạn tới đây, vào Bối lặc phủ được ăn được uống đã là đường sống, biết bao người chen chúc vỡ đầu cũng chả vào nổi đâu.
“Huống chi, chúng ta có đánh đập, nhiếc móc gì chúng nó đâu cơ chứ.

Cách cách lương thiện, chúng ta đâu phải hạng thích hành hạ người khác.

Vào đây rồi, ắt phải dạy dỗ đàng hoàng.

Cách cách chỉ việc yên tâm, không để chúng oan ức gì được đâu ạ.” Ngọc Bình nói.
Ngọc Trản bèn đi tìm Trang ma ma xin thêm người, trời chưa tối đã dẫn bốn “cây củ cải” về: hai đứa trai sáu tuổi, hai đứa gái lần lượt bảy và tám tuổi.

Rửa ráy sạch sẽ xong, nom đứa nào cũng ốm o gầy mòn quá thể, mình nhỏ mà đầu lại to.
Lý Vi thấy lương tâm cắn rứt sắp chịu hết nổi.

Sau khi sửa tên, nàng sai Ngọc Trản dẫn chúng xuống.

Nàng dặn Ngọc Bình và Triệu Toàn Bảo có thể dạy chúng cách hầu hạ, song không được cố ý làm khó chúng, hằng ngày mười giờ đi ngủ, sáu giờ dậy, đừng bắt chúng làm việc nặng nhọc.
Ngọc Bình chỉ biết thở dài, Lý Vi khuyên can: “Nhỏ tí thế kia, thiếu ngủ là không chóng lớn được đâu.

Vả lại, xem cánh tay chúng kìa, còn chả dài bằng cán chổi, ngươi dám bắt chúng xách nước hay dám sai chúng khiêng rương? Để chúng nó làm những việc trong khả năng cho phép thôi, đợi sau này lớn rồi hẵng sai làm cái khác.”
Ra ngoài, Triệu Toản Bảo cười nói: “Hay, dẫn hai ông hai bà về thật đấy.” Dứt lời, vỗ vỗ đầu hai đứa sai vặt bên cạnh.

Tóc của chúng đã cạo sạch hết cả, chỉ chừa lại mỗi hai lọn bên tai tết thành hai bím nhỏ.

Lúc đặt tên cho chúng, Lý Vi đặt luôn theo tên của Triệu Toàn Bảo, một đứa là Toàn Phúc, đứa kia là Toàn Quý.
Ngọc Bình cũng có thêm hai đứa theo đuôi, đáp trả: “Được rồi, trước mặt chủ tử anh đã nói muốn xin thêm hai người trông cửa, truyền lời còn gì, ta thấy hai đứa nó vừa đẹp.”
Triệu Toàn Bảo lập tức nói: “Vậy cô cũng đừng than phiền chi.

Rỗi việc thì để chúng bay nhảy trong viện, có khi lại tạo niềm vui cho chủ tử.”
“Xéo đi!” Ngọc Bình lườm nguýt, dẫn hai tiểu a đầu mới tới về phòng, nói: “Nếu chủ tử đã thương cho hai muội tuổi nhỏ, không muốn phân công việc cho hai muội, vậy thì cả hai lấy khăn đi lau bụi đi.

Đừng đụng chạm vào thứ gì khác, đi đứng cẩn thận, đừng đá trúng thứ gì.”
Hai tiểu a đầu, một đứa tên Ngọc Xuân, một đứa tên Ngọc Hạ, liếc sang nhau, đoạn chạy đi tìm hai miếng vải rách và một cái thùng, rồi ra giếng múc nước.
Tình cờ gặp phải Toàn Phúc và Toàn Quý chỗ cạnh giếng, hai đứa nó đang múc nước, sợi dây dừng và bánh xe quá thô đã vượt ngoài sức kéo của cả bốn cánh tay gầy nhẳng.

Thấy thế, Ngọc Xuân và Ngọc Hạ nhanh nhảu bước lại giúp đỡ.

Rút cục bốn đứa nhỏ cũng múc được một thùng nước, chia ra đổ vào hai cái thùng chúng mang tới.
Toàn Phúc và Toàn Quý hỏi hai đứa bé gái: “Tỷ tỷ của hai người sai hai người đi múc nước lau đồ à?”
Tuổi Ngọc Hạ lớn hơn chút, nói: “Chủ từ vừa chuyển vào đây, bụi bay tứ phía, bụi giăng đầy, trông thực chẳng ra sao.

Bọn ta không làm được việc nặng, đi lau bụi đã là tốt lắm rồi.”
Ngọc Xuân lại lặng lẽ hỏi Toàn Quý: “Người dẫn hai người đi là thái giám nhỉ?” Làm Toàn Quý sợ sệt run bắn, vùng khỏi tay nó trốn ra đằng sau, kéo Toàn Phúc xách thùng bỏ chạy.
Ngọc Hạ đánh Ngọc Xuân một cái rõ mạnh tay, nhỏ giọng nói: “Muội thích chết thì cũng đừng kéo chân người khác!”
Ngọc Xuân khiếp vía, từ đây suốt tới tận tối chẳng dám ho he gì nữa.
Mấy bữa sau, bốn đứa nhỏ này ngoài cầm khăn lau, xách thùng nước lê la khắp nơi lau bụi, thì còn bị đám Ngọc Bình khiển trách, bị phạt phải đứng dựa sát tường với bát nước trên đầu.
“Kiểu gì cũng phải dạy phép tắc cho chúng.” Ngọc Bình nói.
Lý Vi không ngăn cản, suy cho cùng đây là chốn cổ đại, nàng nhiều lắm chỉ giúp được cho chúng tránh khỏi những trận đánh chửi, nhưng chẳng thể nào ngăn chúng học những quy củ, hành động đó không phải bảo vệ, mà chính đang hãm hại chúng.
Tới lúc phúc tấn chuyển vào, ngay cả Ngọc Xuân nghịch ngợm nhất cũng biết chính đốn lại hành vi cho đúng mực.

Bấy giờ Ngọc Bình mới thả chúng ra ngoài làm quen đường lối, làm nhiệm vụ truyền lời.

Như cách nói của Ngọc Bình: “Cuối cùng cũng giao được việc rồi.”
Một lẽ đương nhiên, chuyện phúc tấn chuyển nhà được làm hết sức linh đình.

Mới tinh mơ, Lý Vi và Võ cách cách đã bị gọi vào chính viện nghênh tiếp phúc tấn.

Đứng hơn một tiếng đồng hồ, tiếng vó của la ngựa và tiếng xe lăn bánh là những âm thanh đầu tiên truyền vào tai từ phía ngoài viện, và cả tiếng bước chân của rất nhiều người, tiếp sau là tiếng hô của đại ma ma đứng bên: “Quỳ!”
Hàng người hai bên nhất tề quỳ xuống.

Lý Vi và Võ cách cách khá hơn, dưới đầu gối có lót tấm đệm.

Những người còn lại, dù là đại ma ma, cũng không được hưởng đãi ngộ này.

Ngoại trừ lúc vào cung tuyển tú phải quỳ lâu, nàng đâu đã phải chịu cảnh khốn khổ thế này thêm lần nào nữa.

Quỳ chưa được một phút đã thấy đầu gối đau nhức nhối, mà không được thể hiện ra mặt, chỉ đành cố nén.
Quỳ hết mười phút mới nghe thấy tiếng nhóm người phúc tấn đi vào.
Sau phúc tấn là tiểu cách cách do Tống cách cách sinh.

Vừa vào, nàng sai Phúc ma ma dìu đại ma ma dậy, nói: “Phiền ma ma quá.”
Đại ma ma cúi đầu, thưa: “Trước mặt chủ tử, không dám than vất vả.

Phúc tấn vào phòng thôi.”
Lý Vi và Võ cách cách theo dòng người đưa phúc tấn đến chính viện.

Phúc tấn nói: “Hôm nay nhiều chuyện rối ren quá, hai muội về nghỉ ngơi đi, khi rảnh rỗi sẽ lại trò chuyện với hai muội.”
Lý Vi và Võ cách cách mới thành công thoát thân.

Trên đường về, Lý Vi nghĩ đầu gối mình chắc mẩm đã thâm đen cả rồi.
Sau khi các nàng rời đi, phúc tấn vẫn giữ Tống cách cách lại, nói: “Tình hình chỗ muội ở e rằng sẽ còn phức tạp thêm một thời gian nữa, trước muội hãy sai người về xem dọn tới đâu rồi.

Khi nào dàn xếp xong xuôi tất thảy, muội hẵng đưa đứa nhỏ về.”
Tứ a ca ra cung cùng phúc tấn, chuyện bên thư phòng có đám Tô Bồi Thịnh để mắt, có điều mọi thứ đã thu xếp ngăn nắp trật tự cả.

Tuy nhiên việc ra cung dựng phủ này ắt cũng phải chúc mừng đôi chút.

Chàng ngồi trong thư phòng lập danh sách tên khách khứa xong, liền về chính viện bàn bạc với phúc tấn.
Dầu rằng sớm được giao việc cho làm, nhưng hoàng a ca lại không được kết giao với ngoại thần.

Nên lần mở tiệc chiêu đãi này chỉ có người trong nhà sang ngồi quây quần bên nhau, mà người trong nhà theo định nghĩa của Tứ a ca cũng chỉ gồm ba tộc: Ô Nhã thị, Đồng Giai thị, và thê tộc Ô Lạp Na Lạp thị.

Hiếm có dịp được ra cung, chẳng bằng đặt thêm một bàn tiệc ở chỗ mấy cách cách nữa, mời người nhà của các nàng trong kinh vào sum vầy đoàn tụ.
Tống cách cách sinh cho chàng đứa con đầu lòng, chắc chắn phải mời người nhà nàng đến.

Nếu người nhà Tống cách cách được đến, vậy cũng không thể bên trọng bên khinh với những người khác.

Thế là dứt khoát mời vào đây hết.
Phúc tấn gật đầu đáp vâng.
Tứ a ca nói: “Ta đặt phòng ở của Tống thị gần bên nàng, bình thường nàng gắng coi chừng nàng ấy và tiểu cách cách một chút.” Chàng vốn định giao tiểu cách cách cho phúc tấn nuôi, sắp xếp như bây giờ cũng xuất phát từ cùng một lý ấy.
Phúc tấn ít nhiều đoán được ý của Tứ a ca.

Thú thực, lúc mới nhận ra, đúng thật nàng có hơi phấn khích.

Nàng biết mình không hợp lòng Tứ a ca, nên chẳng ngờ chàng lại sẵn sàng giao đứa nhỏ cho nàng nuôi.
Hôm nay đã không ngần ngại trao quyền nuôi dưỡng con của cách cách cho nàng, biết đâu ngày mai sẽ để nàng sinh đứa con của riêng nàng.
Sống trong nỗi niềm hoài nghi bản thân suốt quãng thời gian dài, giờ đây phúc tấn lần nữa vững tin rằng con đường mình chọn là hoàn toàn đúng đắn.

Việc tranh giành tình cảm với các tiểu cách cách đã làm ngọn đảo thành gốc, lẫn lộn tôn ti.

Nàng là phúc tấn, phải biết nắm giữ ưu thế lớn nhất của mình: thân phận và địa vị.

Thái Tông lẫn Thế Tổ đều có những phi tử mà mình yêu tha thiết, nhưng không một ai trong số các bà có thể đi đến cuối con đường trong tình yêu đắm say của hoàng đế.
Từ đó thấy được, sủng ái chưa bao giờ là yếu tố quan trọng nhất.
Phúc tấn dịu dàng nói: “Dạ, thiếp hiểu ý a ca muốn nói, thiếp sẽ chăm sóc tốt cho Tống cách cách và tiểu cách cách.”
Tứ a ca cũng rất hài lòng, rốt cuộc chàng đã tìm thấy vị trí phúc tấn nên đứng, mà khỏi cần âu sầu mãi vì sự bất tuân của nàng nữa.

Đêm ấy, Tứ a ca nghỉ lại chính viện.

Qua bao nhiêu lâu, hai người lại trở về ấm êm thuận hòa như ngày trước.
Sau khi chia phủ, Tứ a ca không cần đến Thượng thư phòng học nữa.

Nhưng nếu công việc vẫn chưa được ban xuống, thì chẳng thà tiếp tục đến Thượng thư phòng còn hơn ở yên trong phủ để rồi tạo cho hoàng thượng ấn tượng về một đứa con trai không có lòng cầu tiến vươn lên.

Mà quãng đường từ ngoài cung đến Thượng thư phòng đâu hề gần, đi sẽ tốn kha khá thời gian.

Vậy nên Tứ a ca đã dặn, đúng hai giờ sáng hôm sau phải gọi chàng dậy ngay.
Vì khu viện Lý Vi ở chỉ cách thư phòng của Tứ a ca một bức tường, khi thiện phòng bên thư phòng bắt đầu đun nước làm bữa sáng, đám thái giám chạy ngược chạy xuôi chuẩn bị đồ cho Tứ a ca vào cung, bên đây Lý Vi cũng thức giấc theo.
Nghe tiếng động, nàng díp mắt bò dậy, vẫn mơ mơ màng màng: “…!Giờ nào rồi?” Vừa hỏi Ngọc Bình, vừa mò mẫm chiếc đồng hồ quả quýt dưới gối đầu.

Mở đồng hồ xem, mới có hai giờ?

Uống lộn thuốc à? Nếu còn ở hiện đại, hai giờ nàng mới đặt lưng thôi đấy.
Ngọc Bình gác đêm đứng dậy khỏi đống chăn đệm dưới đất, khoác thêm áo đi ra ngoài, Triệu Toàn Bảo đã sang.

Chỗ hắn ở vốn dĩ là phòng dành cho thái giám bên thư phòng, giờ này cố ý chạy sang đây đưa tin.
Hắn nói: “Tứ a ca sắp đi Thượng thư phòng, bên kia đang chuẩn bị.”
Ngọc Bình quay vào thưa lời, Lý Vi càng thêm đồng cảm với Tứ a ca.

Chuyển ra cung dường như chẳng lấy làm thoải mái gì cho cam, được sống trong một nơi rộng lớn hơn, nhưng cũng phải dậy sớm hơn.
Từ giờ trở đi, sáng nào Tứ a ca cũng phải dậy sớm.

Việc dọn nhà của phúc tấn cuối cùng đã xong, mới được rảnh tay chuẩn bị cho yến tiệc.

Tam a ca và Ngũ a ca cùng ra cung dựng phủ họa chăng cũng sẽ tổ chức đám cỗ.

Để tránh đụng ngày với họ, hay có lẽ vì để các huynh đệ của Tứ a ca đều tới tham dự được, nên phải thương lượng thời gian với hai phủ kia.
Mặt khác, còn cần thăm hỏi mấy phủ khác nữa.

Tứ a ca không thể đích thân đi viếng thăm, nàng cũng chỉ đành gửi thiệp mời người ta đến, song lễ nghĩa nhất định phải đầy đủ mới được.
Phúc tấn tự tay viết ba tấm thiệp, sai người gửi cho Đồng Giai thị trước.

Đồng Giai thị hiện giờ chia làm ba nhánh, luận từ Tứ a ca, lại chỉ có mỗi nhà mẹ là Hiếu Ý hoàng hậu.
Thạch Lựu cầm thiệp ra ngoài, chốc lát sau đã cầm về, nói: “Phúc tấn ạ, gác cổng nói giờ muốn ra ngoài phải cầm theo thẻ bài.”
Phúc tấn mới sực nhớ rương thẻ bài hôm qua Tứ a ca sai người giao cho nàng.

Muốn ra phủ, chỉ thư phòng và chỗ nàng có thẻ bài.

Cũng giống như việc mua bán mỗi ngày trong phủ, những thịt gà thịt vịt và rau dưa gạo mì hằng ngày Nội vụ phủ đưa tới, đều do người ở thư phòng cầm thẻ bài đi nhận.
Phụ nữ hậu viện bình thường không bước chân khỏi cửa, thay vì nói thẻ bài này là để cho nàng sử dụng, thà nói đó là vật dùng tượng trưng thân phận nghe còn hợp lý hơn.

Chứng tỏ rằng ở khía cạnh địa vị, phúc tấn và Tứ a ca ngang hàng nhau.
Dù sự thực có ra sao, thì trong mắt hạ nhân, uy tín của nàng ở phủ đệ mới đã được lập nên nhờ một tấm thẻ bài của Tứ a ca.

Nếu chẳng may phúc tấn muốn sai người ra ngoài mà còn phải sang thư phòng xin thẻ bài, vậy tức khắc uy tín của nàng sẽ chẳng còn sót lại chút gì nữa.
“Ta quên mất.” Phúc tấn nói, dặn Bồ Đào: “Bê cái tráp hôm qua Tứ a ca mang sang qua đây, lấy tấm thẻ bài có chữ “Xuất nhập bình an” trong tráp ra.”
Lúc này Thạch Lựu mới cho người đi gửi thiệp.
Tới cuối, khi sai người gửi thiệp về nhà mẹ, phúc tấn sai riêng Thạch Lựu đi theo, ngầm căn dặn nàng ta: “Nói với phu nhân, hai hôm nữa hẵng đến gặp ta.

Lúc đó ta sẽ giữ lại dùng cơm, bảo bà đừng dẫn ai khác đến.

Ta và phu nhân lâu ngày không gặp nhau, nhiều chuyện muốn nói lắm.”
Còn lại là chuyện Tứ a ca nói muốn mời người nhà của các cách cách vào tụ họp chung vui.

Đến đây thì không cần viết thiệp nữa, nàng bảo Phúc ma ma sai người đi truyền lời cho ba nhà của Tống thị, Lý thị và Võ thị, dặn nữ quyến ba nhà chuẩn bị sẵn, khi ấy sẽ có xe trong phủ đi đón.
Trọn một buổi sáng chỉ xoay quanh những việc này, phúc tấn cũng thấy hơi nhọc người.

Nàng nhớ từ hồi ăn Tết tới nay mình đã ngừng chép kinh khá lâu, bèn đứng dậy bảo: “Trải giấy, mài mực, ta chép kinh một lát.”
Phúc ma ma sợ nhất là nàng chép kinh, vội can: “Cả sáng nay phúc tấn chưa đi thăm tiểu cách cách, hay là giờ đi thăm đi ạ.”
Phúc tấn nghe vậy, đành đi thăm tiểu cách cách.
Giờ tiểu cách cách đã qua đầy tháng, nhưng thoạt nhìn tay chân vẫn khẳng khiu quá, chiếc cổ gầy guộc phải đỡ cái đầu to, lần nào nhìn phúc tấn cũng thất đảm kinh hồn.

Nàng đứng cách một bước chân, nghiêng người ngắm tiểu cách cách, nhũ mẫu bên cạnh quỳ ở dưới toan cất lời, bị nàng xua tay ngăn lại.
Lúc ra, nàng quở mắng nhũ mẫu: “Tiểu cách cách đang ngủ, ngươi ngồi bên nói chuyện chẳng hóa ra lại quấy rầy giấc ngủ của nó ư? Đừng thấy nó nhỏ mà lơ là, nó có nhỏ nữa thì cũng là chủ tử.”
Nhũ mẫu dập đầu liên tục, nhưng không dám lớn tiếng nữa, chỉ dám nhỏ giọng thỉnh tội.
Phúc tấn sợ nàng ta chểnh mảng, cảnh cáo lần thứ hai: “Nếu cách cách khỏe mạnh, ngươi nghiễm nhiên có công lao, ta và a ca sẽ ghi nhớ sự dụng tâm của ngươi.

Nếu cách cách có mệnh hệ gì, cả nhà ngươi trốn không nổi đâu! Còn dám bất cẩn nữa, xem ta có tha cho ngươi không!”
Nhũ mẫu luôn miệng xin tha, nói không dám tái phạm nữa.

Phúc tấn mới cho nàng ta đứng.

Hỏi tiếp chuyện, nàng ta thưa rằng hôm nay Tống cách cách đã cho bú hai lần, nhũ mẫu cho bú một lần, uống nước hai lần, cũng đã đại tiểu tiện.
Nhũ mẫu thấy sắc diện phúc tấn dần hòa hoãn, bèn lấy lòng: “Tiểu cách cách vừa ngoan vừa hiểu chuyện, không khóc quấy ai cả.”
Phúc tấn lại thở dài.

Nàng những mong tiểu cách cách này thích khóc quấy, còn tốt hơn là trầm tĩnh như bây giờ, nàng sợ hãi cảnh chỉ một chớp mắt sau thôi nó đã dứt hơi thở..


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.
Nhật Ký Xuyên Thanh

Chương 17



Vườn hoa của phủ Bối lặc trông đã tương đối hợp nhãn sau khi được sửa sang. Hằng ngày Tứ a ca hai giờ sáng dậy, bảy giờ tối về. Khi phúc tấn phải bận rộn chu tất việc nhà và làm yến tiệc mỗi ngày, Lý Vi bắt đầu cuộc tham quan ngắm cảnh phủ Bối lặc.

Chuyển vào đây vừa đúng là tiết xuân sang mùa cỏ cây sinh sôi, cảnh vật nơi nơi đã thành hình, thực vật xanh um tươi tốt, ganh đua khoe sắc.

Vườn hoa nằm ở nửa sau của phủ Bối lặc, chiếm diện tích khá lớn. Chính giữa là một hồ nước to, nước hồ lăn tăn sóng vỗ, đằng cuối phía Tây hồ có một ngôi đình nối liền với cây cầu vòm bên bờ hồ. Chung quanh đình nhỏ trồng đủ loại sen, nào hồng, nào trắng, có bông cánh nở cực to, cũng có bông cánh gối chồng lớp lớp.

Dưới hồ nuôi loài cá chép thổ cẩm, đáy hồ lát đá cuội, làn nước trong veo thấy đáy.

Bên hồ có hai bà vú già lực lưỡng đứng trông, thấy Lý Vi đến gần liền bước lên đón, thưa rằng nếu Lý Vi muốn hái hoa sen, chỗ các bà có sào hái sen cho nàng được; nếu muốn cho cá ăn hoặc ngắm hồ, nên vào đình hồ ngắm sẽ tốt hơn.

“Ở đây không có cây che bóng mát, sợ chủ tử phơi nắng lâu sẽ váng đầu.” Một vú già bảo.

Lý Vi muốn bơi… nước này thoạt trông mát mẻ quá. Hồi ở Lý gia nàng từng bơi rồi, có điều từ sau mười sáu tuổi là ngạch nương không cho nàng bơi nữa. Ngồi trong đình một chốc, vú già bưng tới hai đĩa thức ăn cho cá. Nàng cho cá ăn, rồi ôm vài cành sen hồng nụ đương chớm nở về.

Về đến tiểu viện, Ngọc Bình tìm một cái lọ lớn cắm sen, vú già nói nuôi trong nước mấy ngày là nở được ngay, đám sen này chóng nở lắm.

Lý Vi lựa ra hai cành, cắt bỏ phần thân dài quá khổ phía dưới, sai Ngọc Bình đi tìm một chiếc lọ cổ dài thuần trắng không một nét hoa văn, cao bằng nửa người, cắm vào đó hai cành sen một cao một thấp, rót vào nửa lọ nước trong, rồi gọi Triệu Toàn Bảo tới đưa sang thư phòng.

Triệu Toàn Bảo sai Toàn Phúc và Toàn Quý cùng khiêng lọ hoa, theo chân hắn đi sang thư phòng.

Trong thư phòng, Trương Đức Thắng vừa thấy Triệu Toàn Bảo sang, tủm tỉm cười đứng dậy đón ngay. Sau khi chuyển vào phủ Bối lặc, viện của Lý cách cách nằm kề ngay cạnh thư phòng của Tứ a ca, người trong thư phòng rõ mười mươi chuyện ấy.

Triệu Toàn Bảo bước nhanh, quỳ một gối xuống chào, cười toe toét: “Chào Trương ca ca, huynh bận à? Đây là hoa cách cách nhà chúng tôi bảo đưa sang, huynh xem…”

Trương Đức Thắng đã trông thấy lọ hoa hai đứa sai vặt khiêng, hai búp sen trong lọ ngan ngát hương và vẫn vương hạt sương từ hồ nước.

Mánh khóe cầu được sủng của Lý cách cách này khá lão luyện đấy. Sợ gì cũ rích, miễn có hiệu quả là được. Mấy bữa nay Tứ a ca đi sớm về muộn, bận tất tả ngược xuôi, trông qua có phần bải hoải bơ phờ. Mặc dầu hai cành hoa này nom hơi tẻ nhạt, nhưng biết đâu lại lọt được vào mắt a ca thì sao?

Cậu ta cần gì phải ngáng đường nhà người ta nữa?

Trương Đức Thắng hể hả nhận lọ hoa, không dám bày lung tung mà đặt hẳn trên chiếc bàn dài – vị trí đầu tiên rơi vào tầm mắt ngay khi vừa vào thư phòng. Lát nữa Tứ a ca về, nhất định sẽ nhìn thấy cho xem.

Tối, gần tám giờ Tứ a ca mới về đến nhà. Cưỡi ngựa tới trước cổng, chàng bước xuống, quẳng cương ngựa cho tên gác cổng, sải bước dài trở về thư phòng. Đang định gọi người múc nước ấm vào rửa mặt ngâm chân, bỗng dưng liếc thấy chiếc lọ cổ dài trắng muốt đặt trên cái bàn dài một cách rất mất hài hòa.

Lọ kia to oành, bên trong cắm hai cành sen thân cao búp lớn, oái oăm ở chỗ lại đặt ở cái bàn dài mà hẹp, làm người khác nhìn vào chợt sinh cảm giác chao đảo chênh vênh. Nhất thời khiến Tứ a ca thấy bứt rứt cả người.

Chàng cau mày chỉ lọ hoa: “Bỏ xuống.”

Tim Trương Đức Thắng đập thịch, lập tức nháy mắt ra hiệu tiểu thái giám đi qua ôm lọ hoa xuống dưới. Tứ a ca vào phòng trong rửa mặt súc miệng, lúc này Tô Bồi Thịnh cũng vào, thấy nét mặt Trương Đức Thắng bất thường, liền gọi cậu ta ra ngoài hỏi xem có phải hôm nay xảy ra chuyện gì hay chăng?

Chẳng đợi Trương Đức Thắng nói, một tiểu thái giám từ phòng trong bước ra, thận trọng nói với Trương Đức Thắng: “Trương ca ca, Tứ gia gọi huynh vào hỏi chuyện lọ hoa.”

Mặt Trương Đức Thắng méo xệch, vừa vào đã sụp gối quỳ ngay tắp lự, trán dí sát mặt đất.

Tứ a ca đang được tiểu thái giám hầu thay quần áo, thấy cậu ta vào cũng chỉ thưởng cho một cái liếc mắt. Trương Đức Thắng tức khắc thuật lại rõ ràng không sót nửa chữ: “Sau bữa trưa, Triệu Toàn Bảo chỗ Lý chủ tử dẫn người khiêng tới đây, bảo rằng…”

Nói chưa dứt lời, Tứ a ca đã phất tay. Cậu ta đứng lên mà tấm lưng không dám ưỡn thẳng, lui dần về sau rồi đi ra ngoài. Qua một lúc, một tiểu thái giám lại bước khỏi gian phòng trong, lại ôm lọ hoa kia vào. Làm Trương Đức Thắng ngạc nhiên trợn tròn mắt, cậu ta hẵng tưởng kiểu này Tứ a ca sẽ phải nổi giận đây, nhưng thế kia là chuẩn bị ngắm hoa đấy ư?

Phòng trong, Tứ a ca ngồi trên sạp, tiểu thái giám ôm lọ hoa đứng trước mặt chàng. Chàng quan sát hai búp sen cắm trong lọ, hoa đẹp thì rất đẹp, nhưng hai cành hoa này đến cả một vật làm nền cũng không có, chứ đừng nói gì tới điểm nhấn, trụi lủi, chỉ tổ phí hoài cành sen sớm kết nụ hoa!

Tuy nhiên, vẫn còn biết đường cắt sửa thành một cao một thấp, coi như không quá tệ. Tứ a ca rút một cành ra, nghĩ bụng: nếu lọ sen đưa sang đây có hai cành sen cao ngang nhau, đoán chừng là chàng sẽ thật… không biết nên nói gì cho phải.

Có một số thứ thực sự phụ thuộc vào thiên phú đấy. Lý thị à, ha ha…

Chàng đặt hoa xuống, khẽ thở dài, mỉm cười bảo: “Trông cũng có đôi phần hoang dã.” Nhìn có khác nào hoa của những đàn bà con nít trí óc tịt mịt ngoài quê tiện tay hái rồi cắm bậy cắm bạ đâu cơ chứ.

Bên ngoài, thấy lọ hoa được ôm vào, Trương Đức Thắng nín bặt hồi lâu. Đang lấy làm khó hiểu, chợt Tứ a ca đi ra, bước liền một mạch, Tô Bồi Thịnh vội vàng bắt kịp, Trương Đức Thắng ở sau luôn miệng giục giã tiểu thái giám xách đèn lồng đuổi theo.

Ra khỏi thư phòng, lần theo con đường mòn vòng ra phía sau, qua hai ngưỡng cửa nhỏ là có thể nhìn thấy bức tường bao quanh khu viện của Lý cách cách. Khóa ở bên đây, tiểu thái giám trông cửa đã lanh lẹn mở khóa sẵn, quỳ dưới đất nghênh tiếp. Tứ a ca đi vào từ cửa nhỏ, Tô Bồi Thịnh theo bước, xua tay cho tiểu thái giám xách đèn lồng đứng chờ ở cửa.

Trong tiểu viện, Lý Vi đã rửa mặt súc miệng thay áo ngủ, đương nằm trong màn cầm xem cuốn thêu. Sắp sửa đây phải mặc sang trang phục hè rồi, mà so với hồi trong cung thì quy củ ở phủ Bối lặc không còn quá khắt khe nữa, nàng bèn nảy ý muốn mặc thử kiểu váy của nữ tử nhà Hán.

Kỳ bào hiện giờ thật… xấu không tả nổi. Khoan bàn đến chuyện từ đầu xuống chân đặc hình cái ống, từ khi nào mà kỳ bào lại thịnh hành kiểu màu sắc tươi rói cộng thêm những đường thêu phức tạp, được xem như một sự kết hợp giữa hai kiểu Mãn – Hán? Dù sao, tóm lại là vải quá dày, thêu nữa càng thêm dày, để mùa hè mặc thực tình mệt ghê gớm.

Vậy nên, với loại váy thời Hán kia, chỉ cần không đi ra viện, có lẽ mặc vui vui hẳn sẽ không sao. Hồi bé ở nhà Lý Vi cũng từng mặc, nhưng về sau lớn là chỉ được mặc kỳ bào, vì chuyện này mà ngày xưa nàng còn bị ngạch nương phạt đánh tay, đánh đến nỗi lòng bàn tay sưng phù hết cả.

Đang lật xem, Tứ a ca đã lặng lẽ đi vào.

Đám Ngọc Bình sao không thông báo! Lúc trong cung đâu có vậy, ra cung rồi là buông thả luôn phỏng Tứ a ca?

Lý Vi thấy chàng cứ lẳng lặng bước vào, nàng cũng không buồn đứng dậy nữa, quỳ hẳn trên giường hành lễ. Và nét cười trên mặt chàng kia – tuồng như là một nét cười giễu?

Nàng hơi sững người, thấy chàng cầm lấy tập tranh đặt bên gối, nương ánh đèn giở ra xem, hỏi nàng: “Nàng muốn làm mặc à?”

Xét tới chuyện chàng là người Mãn, lại còn là hoàng a ca, nhớ lại cảnh năm xưa bị ngạch nương dùng thước tre đánh tay, Lý Vi tức thì kéo tay áo chàng làm nũng: “Chỉ mặc trong viện thôi, thiếp không mặc ra ngoài đâu.”

Ngờ đâu chàng chẳng hề giận dữ, ngồi xuống lật xem kỹ càng, sau cùng gập lại mấy trang, nói: “Mấy bộ này đẹp, bữa nào ta sẽ cử sang cho nàng hai ma ma thêu thùa, để các bà ấy làm cho nàng mặc.”

Qua ải trơn tru trót lọt mà còn lời thêm được hai chuyên gia trong nghề đến may cho quần áo mới, Lý Vi sướng đến độ suýt để lộ hàm răng bị hổng mất một lỗ. Kết quả, tiếp sau đây Tứ a ca lại mỉa mai tay nghề cắm hoa của nàng.

“Nhìn hoa nàng đưa sang cho ta, làm ta thấy lạ lùng đáo để, rốt cuộc người vào phủ đây là tú nữ bước ra từ cuộc đại tuyển, hay cô thôn nữ sống cạnh con sông nhỏ ở thôn quê nào lẻn vào đây…” Chàng cười nâng cằm nàng, nói.

Thình lình Lý Vi giật bắn, mắt chớp chớp, giơ khăn tay che đi nửa khuôn mặt, giọng eo éo: “Đại gia tha cho, cũng tại bực cha mẹ nhẫn tâm kia của thiếp, đem đổi thiếp lấy hai lạng bạc một đấu gạo…”

Tưởng Tứ a ca chắc chắn sẽ cười một tràng, thế mà chàng lại rất phối hợp diễn tiếp cùng nàng.

“Tội nghiệp quá thay. Nếu đã vào phủ, thì hãy ngoan ngoãn hầu chủ tử. Nếu sinh hạ được một đứa con dù trai hay gái, gia sẽ đãi rượu nạp nàng vào cửa hầu chủ mẫu.” Tứ a ca diễn tay ăn chơi đàn đúm thật chẳng giống tí nào…

Nhưng nếu đại gia đã tung hứng, Lý Vi ắt không thể phủi tay bỏ dở nửa chừng, không thì dám là mặt mũi của vị đại-gia-thật này sẽ bớt đi nhiều phần tươi tỉnh đấy.

Nàng nghiêng người, cầm khăn che mặt giả khóc: “Hu hu hu… xin đại gia thương cho, tấm thân này của thiếp vẫn còn trinh bạch…”

Tứ a ca áp sát: “Trinh bạch? Để gia nghiệm xem có đúng là thế không.” Nói xong liền bắt đầu.

Lý Vi vặn vẹo đùn đẩy chàng, chân nhẹ nhàng đá loạn xạ, liên tục bật ra những tiếng gọi khẽ: “Đừng mà! Có ai không! Cứu tôi với!” Nàng chơi hóa nghiện mất rồi.

Đến lúc Tứ a ca cởi áo nàng, nàng hãy còn chống cự vùng vẫy, càng lúc càng khuấy đảo cảm xúc chàng… đây có được tính là đóng cảnh H không nhỉ?

Hai người nằm trong phòng, ngoài phòng Ngọc Bình bưng chén trà cho Tô Bồi Thịnh, mời hắn sang phòng góc ở sát vách ngồi nghỉ. Chái nhà là chỗ Lý cách cách thường lui tới, cho một thái giám vào nghỉ chân hẳn nhiên là không thích hợp lắm. Kỹ năng hầu đại thái giám của Triệu Toàn Bảo phải nói vô cùng nhuần nhuyễn, nào múc nước ấm cho Tô Bồi Thịnh ngâm chân, nào vắt khăn ấm cho hắn lau mặt, cuối cùng là bóp vai.

Vì không được ăn cơm, nên Triệu Toàn Bảo chỉ lấy cho hắn ít điểm tâm ăn tạm lót dạ.

Có lẽ được phục vụ thoải mái quá, hiếm khi Tô Bồi Thịnh lắm điều một câu: “Tiểu Triệu Tử, số anh là số may, chủ tử anh cũng tốt số, người được, số mệnh cũng được. Gắng mà hầu hạ, đặng mai sau sống sung sống sướng.” Hắn nhìn Triệu Toàn Bảo, nói giọng đầy ẩn ý: “Biết đâu, sau này cả nhà chúng ta cũng phải nhờ tay anh coi sóc.”

Triệu Toàn Bảo quỳ xuống mau mắn dập đầu: “Nô tài tạ ơn Tô gia gia chỉ điểm!”

Kế đó Tô Bồi Thịnh vẫn bưng trà uống, không nói thêm gì nữa. Khoảng hơn một canh giờ trôi qua, phòng trong gọi nước, Ngọc Bình đi ra rồi lại vòng về phòng góc, nói: “Tô gia gia, a ca nghỉ rồi.”

Tô Bồi Thịnh gật đầu, đáp: “Ta cũng chợp mắt một lúc đây, ở ngay phòng này.”

Triệu Toàn Bảo tự tay ôm đệm chăn mới đi thay. Hầu Tô Bồi Thịnh ngả lưng xong, hắn khẽ đóng cửa ra trông ngay ở ngoài. Ngọc Bình đưa mắt ra dấu cho hắn, hắn gật gù, ý rằng cứ yên tâm.

Hai canh giờ sau, tới hai giờ sáng, Triệu Toàn Bảo gọi Tô Bồi Thịnh dậy, bên ngoài đã có sẵn nước ấm và các vật dụng cần dùng. Tô Bồi Thịnh đi vào, đứng cách bình phong gọi Tứ a ca thức giấc.

Tứ a ca thay xong quần áo là về ngay thư phòng, rửa mặt ăn sáng ở đây sau đó đi Thượng thư phòng.

Buổi chiều, Trương Đức Thắng dẫn hai tiểu thái giám đưa sang một chậu sứ trắng to cỡ chậu rửa mặt. Bên trong là mấy nụ sen bát nom be bé xinh xinh, thêm cả một cái bàn con dành riêng để bày đám sen bát này, cùng được đặt cạnh án thư gần cửa sổ chái Tây.

Lúc dậy Lý Vi trông thấy, bèn ngồi trước án thư ngắm hoa trọn một buổi sáng, còn đặt bút vẽ hai bức tranh chẳng ra trật tự gì. Sau rồi lại vo thành cục liệng đi, để Tứ a ca thấy, quan niệm thẩm mỹ của chàng sẽ khiến chàng nhạo báng nàng nữa cho xem.

Ngọc Bình nói: “Nô tỳ đã bảo trong lòng Tứ gia có cách cách rồi mà, thứ này còn hiếm có hơn vàng bạc thật nhiều.”

Lý Vi cũng nghĩ vậy, nhưng những thứ Tứ a ca cho nàng, bất kể là vải vóc trâm cài hay ma ma thêu thùa, mọi thứ đều do nàng nghĩ ra thì chàng mới đưa sang. Còn vào những dịp lễ tết trong phủ luôn đưa đồ này đồ kia, nàng vốn cũng chẳng thiếu thốn thứ gì.

Chống cằm ngắm chậu sen kia, Lý Vi càng nghĩ càng say sưa.

Đây là tấm lòng Tứ a ca dành cho nàng cả đấy, nàng phải chăm bẵm tốt mới được.

Vừa ngồi mình sùi sụt cảm động trong dòng cảm tình thắm thiết, nàng vừa chợt nảy ý muốn sai Triệu Toàn Bảo lấy bạc ra xem liệu có mua được vài con cá vàng không. Có nước, có sen, giờ thêm đôi con cá, thế mới giống một ao sen thu nhỏ.

Trong phủ Bối lặc lại không có phòng chăm hoa nuôi chim, nhưng bên chỗ người chăm nom vườn hoa có nuôi cá thổ cẩm con. Triệu Toàn Bảo chẳng cần dùng bạc đã đem về được cho nàng mười mấy con cá, Lý Vi khoái chí thả hết vào chậu. Đám cá bột bé tí tẹo bơi thoăn thoắt trong chậu sen, làm nàng ngạc nhiên reo lên liên hồi.

“Chúng bơi nhanh quá!” Nàng quấn lấy chậu sen suốt một ngày, nghiền đủ loại bánh ngọt nát thành bột rắc cho cá ăn.

Tối nàng đi ngủ, Ngọc Bình và Ngọc Trản lại vất vả thay nước cho chậu sứ, nước bị nàng vọc cả ngày hóa đục hết rồi. Cứ thế thêm vài hôm, Tứ a ca bận chuyện yến tiệc nên không sang nữa, nàng chỉ đành nghịch chậu sen bát này. Chưa chịu bỏ cuộc, nàng bèn vẽ tiếp bảy tám bức tranh sen, nhưng vẽ xong thấy chưa vừa ý là nàng vo cục ngay.

Rõ ràng tranh sen của các họa sĩ nổi tiếng vẽ trông đâu quá phức tạp, nhìn góc nào cũng đẹp. Còn tranh nàng vẽ, sao nhìn góc nào cũng thấy bất ổn thế kia? Lý Vi nhìn đăm đăm bức tranh vừa hoàn thành trên án thư, lúc vẽ nàng hài lòng lắm; mà vẽ xong rồi, bắt nàng bình, nàng cũng chỉ bình được vẻn vẹn một câu: Tác phẩm đoạt giải nhất cuộc thi thư họa cho học sinh tiểu học.

… Chuyện này ắt hẳn có dính líu đến phú trời ban.

Sau khi thừa nhận bản thân thiếu hụt thiên phú, Lý Vi không thấy mất mát gì, trái lại nàng còn định bụng cất những bức vẽ hỏng đi. Dù sao trình độ của nàng cũng chỉ dừng ở mức ấy, lúc vẽ thấy sảng khoái con người là được.

Nàng tự bày trò giải trí, tự vui thú riêng, Ngọc Bình và Ngọc Trản lại phát hiện có phiến lá sen đang héo khô từ rìa lá!

Sấm sét giữa trời quang!

Đây là sen Tứ a ca đưa sang đấy!

Lý Vi hẵng chưa biết chuyện, năm con người trong viện nàng đã âm thầm mở mấy cuộc hội ý. Về chậu sen bát kia, Triệu Toàn Bảo nhìn Ngọc Bình chằm chằm: “Các cô lơ là chăm cây chứ gì? Có năng thay nước không đấy?”

Ngọc Bình sốt ruột đầu toát mồ hôi, nói: “Ngày nào cách cách cũng muốn ngắm sen, anh bảo xem ta có thay nước thường xuyên không?”

Ngọc Trản làm chứng: “Mỗi ngày thay một lần.”

Ngọc Yên lạc quan hơn: “Hay là tới kỳ nở hoa rồi?”

Triệu Toàn Bảo trợn ngược mắt: “Giờ mới tháng năm, sen bát nhỏ nữa cũng là hoa sen, sen trong vườn ngắm được đến tận tháng tám tháng chín, đâu ngỏm nhanh thế được.”

Năm người ngơ ngác nhìn nhau.

Cuối cùng, Triệu Toàn Bảo cẩn thận đặt cây sen bát kia vào một bát nhỏ, giấu trong ngực rồi chạy đi tìm người nuôi hoa sen trong vườn.

Người kia cầm bát sen ngó nghía, nói giọng chắc nịch: “Rễ này hỏng rồi, hết cứu nổi rồi, sắp sửa chết rồi.”

Triệu Toàn Bảo thiếu điều quỳ rạp, rễ hỏng kiểu gì mà hỏng? Ngọc Bình thay nước hằng ngày, sao chết được chứ? Nói thẳng ra là họ sắp chết mới đúng!

Hắn túm chặt tay người kia: “Ông nghĩ cách đi!” Với địa vị hiện tại, giờ phút này hắn đã hạ mình lắm rồi.

Người kia chịu bó tay, nhưng nể tình cả hai đều là hạ nhân, bèn cho Triệu Toàn Bảo một gợi ý: “Kích thước cây nào cũng như cây nào, anh nghĩ cách tráo đổi là được ngay chứ gì.”

Triệu Toàn Bảo mừng huýnh, vội hỏi: “Chỗ ông có không?”

Người kia lắc đầu: “Chỗ ta đây toàn sen lớn, muốn thì anh phải ra tiệm chuyên bán cây cảnh mua.”

Triệu Toàn Bảo quay về báo tin xấu ấy cho mọi người nghe, trong phòng ai nấy cũng xám mặt.

“Phương án duy nhất, phải tìm một cây tương tự khác thay thế thôi.” Triệu Toàn Bảo nói.

Hồi trong cung, Ngọc Bình từng theo chân Lý Vi đi thỉnh an phúc tấn, nói: “Trước ở cung có lần thấy viện phúc tấn có loại sen bát này, nuôi trong ang thái bình*.”

*Ang thái bình: một loại ang dùng phòng cháy quan trọng của Trung Quốc thời cổ đại.

Triệu Toàn Bảo không cười nổi nữa: “Đừng nói ngớ ngẩn nữa, chẳng thà chúng ta tự nghĩ cách ra ngoài mua.”

Chỗ phúc tấn kẻ nào dám đụng? Nói huỵch toẹt thì là, dù họ có dám đem thư phòng của Tứ a ca ra thử một lần, nhưng còn phúc tấn? Ha ha, đâu ai tiếc rẻ cái mạng đến thế.

Nhưng thư phòng của a ca… họ cũng chỉ dám nghĩ mà thôi.

Nếu đã được gợi ý, vấn đề còn lại là ra ngoài bằng cách nào. Triệu Toàn Bảo và Ngọc Bình bàn bạc nửa buổi trời, đều thống nhất rằng chuyện này càng ít người biết càng tốt. Vậy là sau khi bàn bạc, hai người vạch ra được hai ý. Một là xuống tay từ nhóm hầu việc nặng, nhóm người này ngày nào cũng phải ra ngoài mua đồ, khả dĩ nhờ họ mang về giúp.

Triệu Toàn Bảo lại có xu hướng cầu cạnh Trương Đức Thắng ở thư phòng, người bên thư phòng cũng ra ngoài suốt ngày mà. Hơn nữa, hắn còn có một ý, rằng muốn xây dựng quan hệ với người khác là phải nhờ người ta làm việc hộ mới được. Nhờ Trương Đức Thắng đem mấy cây sen bát về, tuy hơi mạo hiểm, nhưng mối liên hệ giữa viện của họ và Trương Đức Thắng sẽ được kéo gần từ đây.

Ngọc Bình phản đối. Cây do Tứ a ca gửi sang, ồ, chúng ta lại tự động chạy qua nói sen hỏng rồi ư? Thế có khác nào chui đầu vào chỗ chết?

Triệu Toàn Bảo cũng sợ điểm ấy, ngộ nhỡ Trương Đức Thắng chơi bẩn bán đứng họ thì sao bây giờ?

Hai người phân vân lưỡng lự, đành đi tìm Lý Vi.

Lý Vi còn thắc mắc sao đám sen bát trong chậu này ngày càng thưa thớt, bỗng nghe hai người nói rễ sen bị hỏng, sen sắp héo rũ, đang lo sốt vó chẳng biết làm sao.

“Đây là sen Tứ gia thưởng riêng cho người đấy ạ.” Ngọc Bình chực trào nước mắt, nàng ta sợ phát khiếp.

Lý Vi ở hiện đại đã mang tiếng không có khiếu chăm hoa, nên bấy giờ nàng không thấy hoảng hốt mấy. Tuy hơi tiếc nuối, nhưng đến xương rồng bà cũng héo hon dưới bàn tay nàng, sen bát này nhìn đã biết ngay là loại hoa quý và mảnh mai, có lẽ khí thế từ người nàng làm át cả vía hoa mất rồi.

Song sen này là tâm ý của Tứ a ca, tuy không sợ khi biết chuyện Tứ a ca sẽ đối xử tệ bạc với nàng, nàng vẫn muốn cứu vãn được tí nào hay tí ấy.

Nghe ý tưởng của Triệu Toàn Bảo và Ngọc Bình xong, Lý Vi hỏi vẻ lạ kỳ: “Làm gì mà phiền hà quá? Ra ngoài đâu khó tới mức ấy chứ hả? Trước hết cần đi nói với bốn bà ma ma, xem ta có được sai hai ngươi ra ngoài mua ít đồ không. Nếu được ra thì cả nhà cùng vui, nếu không được, đổi cách khác vậy.”

Cả Triệu Toàn Bảo và Ngọc Bình đều chưa liệu đến cách này. Hai người đã bị hoàng cung thuần hóa triệt để, rời khỏi đó rồi vẫn ngỡ như đang mơ.

Thế là Ngọc Bình dẫn Ngọc Trản đi tìm Trang ma ma, đưa cho ít bạc và quà biếu, thốt một loạt những câu nịnh tai. Trang ma ma không từ chối, chỉ nói: “Cách cách muốn sai người ra ngoài mua đồ cũng được thôi, nhưng phải đợi phúc tấn gật đầu đã.”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.