Nhật Ký Chăm Sóc Vai Ác Ốm Yếu

Chương 32: Rời khỏi nhà



Tuy Đàm Mặc không hiểu đạo lí đối nhân xử thế, nhưng anh rất thông minh.

Giờ phút này anh nóng nảy tức giận là thật, nhưng cố ý cũng đúng.

Kiều Lam nói giữa hai người không có quan hệ gì khiến anh phải giúp cô hoặc chu cấp cho cô. Mấy tiếng “giữa chúng ta không có quan hệ gì” tựa như một đoạn băng được lặp đi lặp lại trong đầu anh vậy.

Thậm chí còn cố ý gia tăng âm lượng lên.

Anh hung hăng ném dao nĩa xuống bàn. Phẫn nộ, đau lòng, khó chịu, còn có những cảm xúc mà chính anh cũng không diễn tả được, chẳng hạn như thất vọng, chẳng hạn như tủi thân.

Đôi mắt anh mù mịt, chỉ muốn tức giận bỏ đi.

Kiều Lam vội vàng nói xin lỗi với mấy vị khách bị làm phiền, sau đó quay lại chỗ Đàm Mặc: “Bác Trần còn chưa đến, cậu muốn đi đâu? Đàm Mặc, mình không định khiến cậu tức giận.”
Anh không muốn nghe, bây giờ đi đâu cũng được, tóm lại là anh không muốn ở chỗ này.

Kiều Lam nhanh chóng sắp xếp dao nĩa lại cho Đàm Mặc, ngăn xe lăn lại không cho anh đi. Đàm Mặc lạnh lùng ngồi trên xe lăn bình tĩnh nhìn Kiều Lam.

Bầu không khí giữa hai người hơi căng thẳng, có điều chỉ mỗi Kiều Lam cảm thấy thế. Đàm Mặc không cảm nhận được bầu không khí này. Anh không nói lời nào nhìn chằm chằm Kiều Lam một lúc lâu, đột nhiên nhớ tới lần đầu tiên mình mang bữa sáng đến cho Kiều Lam, giữa hai người cũng có một lúc giằng co như vậy.

Lúc ấy kiểu gì Kiều Lam cũng không chịu ăn, anh cũng nhìn cô như thế này, nói nếu cô không ăn vậy thì đổ hết đi, cuối cùng Kiều Lam đành thỏa hiệp.

Đàm Mặc giật mình, lực chú ý bỗng bị dời đi. Anh không còn tức giận nữa, cúi đầu như có điều suy nghĩ. Kiều Lam không biết những gì mà Đàm Mặc đang nghĩ trong đầu lúc này, nhìn chén canh bị đổ, cô bất đắc dĩ nói: “Mình giúp cậu thêm một lần nữa. Cái này không tính vào tiền của cậu, nhà hàng có thể bồi thường miễn phí.”
Đàm Mặc hoàn hồn.

“Không cần.” Anh ngẩng đầu nhìn Kiều Lam chăm chú: “Tôi không muốn ăn.”

Kiều Lam cúi đầu nhìn món bò bít tết mà Đàm Mặc gần như còn chưa đụng đến. Hôm nay anh ăn ít như thế, lát nữa về nhà chắc chắn sẽ đói bụng.

“Vậy mình gói lại, lát nữa để bác Trần mang về.”

Ánh mắt Đàm Mặc hơi lóe lên: “Vậy thì tôi sẽ bảo bác Trần đổ đi.”

Kiều Lam: “…”

Đàm Mặc nhìn dáng vẻ không nói nên lời của Kiều Lam, tâm tình rốt cuộc cũng tốt lên được một chút, tưởng rằng Kiều Lam sẽ thỏa hiệp như lần trước, nào ngờ cô không hề cười, mặt không biểu cảm nhìn từ trên cao xuống.

“Muốn đổ thì đổ đi.”

Cô thật sự cảm thấy Đàm Mặc lúc này hệt như một đứa trẻ hư quen vòi vĩnh. Kiều Lam quay người bỏ đi.

Để lại Đàm Mặc với đôi mắt đầy vẻ kinh ngạc và mờ mịt. Đợi sự mờ mịt kia qua đi, trong mắt anh chỉ còn lại giông bão.
Chưa đầy một lúc sau bác Trần đã vội vội vàng vàng chạy tới. Vừa nhìn thoáng qua ông đã phát hiện bầu không khí hôm nay có gì đó không đúng lắm. Bác Trần thận trọng quan sát vẻ mặt của Đàm Mặc, mặc dù trông vẫn không có biểu cảm gì, nhưng sự tức giận đã dần hiện rõ.

Chuyện gì đây?

Bác Trần ù ù cạc cạc đưa Đàm Mặc lên xe. Xe cất bánh được một lúc lâu ông mới hỏi Đàm Mặc: “Sao vậy? Cãi nhau à?”

Một lúc lâu sau, phía sau mới truyền đến giọng nói buồn buồn của Đàm Mặc: “Cô ấy nói tôi đừng đến đây nữa.”

Giọng Đàm Mặc chỉ là thấp hơn, buồn bực hơn bình thường một chút, thoạt nghe vẫn là giọng điệu lạnh lùng không chút gợn sóng như cũ, nhưng bác Trần lại nghe ra được chút tủi thân bên trong.

Không cho Đàm Mặc đến nhà hàng nữa sao. Bác Trần đã đoán ra được nguyên nhân đại khái, nhưng vẫn hỏi: “Vậy Kiều Lam có nói tại sao không cho cậu đến không?”
Bác Trần sẽ không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để được nói chuyện bình thường với Đàm Mặc. Mỗi lần giãi bày tâm sự đều có ích cho anh.

Đàm Mặc im lặng một lúc rồi ngẩng đầu, mặt không đổi sắc nhìn về phía đèn đường ở xa xa, bắt đầu kể lại.

“Kiều Lam nói trong vòng ba tháng tôi tiêu hết tổng cộng bảy vạn tệ, quá nhiều. Tôi nói không nhiều, cô ấy nói có, bảo đây là lãng phí, đồ ăn trong nhà hàng Tây không tốt cho sức khỏe của tôi. Cô ấy còn nói chúng tôi chỉ là bạn bè, là bạn học. Giữa bạn bè chung lớp với nhau thì không làm như thế, vậy nên tôi không cần phải cho cô ấy tiền, cũng không cần phải giúp cô ấy.”

Mặc dù bác Trần vẫn rất đau lòng vì Đàm Mặc mắc phải hội chứng Asperger, nhưng có đôi lúc ông cũng cảm thấy căn bệnh này có chỗ thuận tiện. Chẳng hạn như anh không biết nói dối, lúc trả lời vấn đề của người khác sẽ luôn nói thật, hơn nữa còn kể lại đầy đủ sự việc mà không thêm một lời vô nghĩa nào.
Mặc dù cảm xúc và trật tự lời nói có hơi sai lệch một chút.

Nghe anh miêu tả, xem ra nguyên nhân Kiều Lam không cho Đàm Mặc đến nhà hàng nữa cũng không khác lắm với suy nghĩ của ông.

Là một người có tư duy bình thường, bác Trần chẳng những hiểu được cảm nhận của Kiều Lam mà còn đánh giá cao hành động của cô. Nhưng nếu như là Đàm Mặc, anh sẽ không cảm nhận được sự bối rối cũng như khó khăn của cô. Suy nghĩ của anh cũng như chương trình máy tính vậy, có những logic được thiết lập riêng của mình, chỉ cần mình cảm thấy logic đó hợp lý, những người khác có nói gì cũng vô dụng.

Khi còn rất nhỏ, có lẽ là ba bốn tuổi gì đó hoặc nhỏ hơn, có một lần Đàm Mặc xây người tuyết trong phòng mình.

Đối với những đứa trẻ bình thường mà nói, có lẽ chúng không hiểu được nguyên lý tuyết sẽ tan chảy dưới nhiệt độ cao, nhưng rõ ràng là chúng biết rằng không thể mang tuyết vào phòng được.
Khi đó mẹ Đàm Mặc vẫn còn sống. Bà cầm lấy đôi tay nhỏ lạnh đến đỏ bừng của Đàm Mặc, hỏi anh tại sao lại muốn xây người tuyết trong phòng. Trên khuôn mặt nhỏ nhắn của Đàm Mặc không hề có chút biểu cảm nào, anh nói bởi vì bên ngoài có gió nên anh không thoải mái.

Bên ngoài có gió nên không thoải mái, nhưng lại muốn nghịch tuyết, vậy nên đem tuyết vào phòng chơi.

Đây là tư duy logic của Đàm Mặc lúc nhỏ.

Trong mắt người ngoài, quả là ngu ngốc đến vô lý.

Sau đó mẹ Đàm Mặc đợi cùng anh đến khi tuyết tan, nói cho anh biết sau khi tuyết tan thì sẽ biến thành nước, làm bẩn sàn nhà, ướt ghế sofa, lúc này Đàm Mặc mới bị thuyết phục.

Rất khó để thay đổi suy nghĩ của Đàm Mặc, trừ khi có thể dùng logic chính xác hơn thuyết phục anh.

Lúc trước mẹ Đàm Mặc có thể dùng chuyện tuyết tan để thuyết phục được anh, đó là hiện tượng tự nhiên, trực quan và rõ ràng. Nhưng hiện tại, Kiều Lam không cho Đàm Mặc đến nhà hàng nữa là bởi vì lương tâm cô không cho phép. Lý do này sao có thể thuyết phục Đàm Mặc được đây?
Theo Đàm Mặc, được người khác giúp đỡ là một chuyện rất vui vẻ. Anh không hiểu tại sao mình giúp Kiều Lam thì Kiều Lam lại bối rối, không vui; mà bởi vì Kiều Lam không vui vì được anh giúp đỡ, nên Đàm Mặc có lẽ sẽ cảm thấy là bởi vì cô không thích anh nên mới không muốn nhận sự giúp đỡ của anh.

Kiều Lam không nhận tiền của anh cũng đồng nghĩa với việc cô không chấp nhận anh.

Bác Trần đau đầu.

Trước đây ông vẫn luôn muốn Đàm Mặc có được một người bạn để giao tiếp và đối xử tốt với anh, bây giờ đã có nhưng lại nảy sinh vấn đề mới.

Cách cư xử của Đàm Mặc đối với bạn bè không giống với những người bình thường, ngay cả định nghĩa bạn bè của anh cũng hoàn toàn khác biệt.

Hôm sau bác Trần đưa Đàm Mặc đến trường với tâm trạng thấp thỏm, thật sự không yên lòng nên ông gửi cho Kiều Lam một tin nhắn, bảo Kiều Lam tuyệt đối đừng lạnh nhạt với Đàm Mặc, điều này sẽ kíƈɦ ŧɦíƈɦ đến anh.
Dù bác Trần không nói thì Kiều Lam cũng sẽ không làm như thế.

Đêm qua cô đọc sách về hội chứng Asperger đến hơn hai giờ sáng, bây giờ buồn ngủ đến nỗi mở mắt không ra.

Nhưng khi Kiều Lam nói chuyện với Đàm Mặc, Đàm Mặc lại ngậm chặt miệng không trả lời cô. Kiều Lam muốn nói lý lẽ với Đàm Mặc: “Đàm Mặc, từ chối sự giúp đỡ của cậu không có nghĩa là từ chối cậu. Cậu đã giúp đỡ mình suốt một học kỳ rồi, bây giờ mình không cần nữa.”

Rốt cuộc Đàm Mặc cũng lên tiếng: “Cậu cần. Cậu vẫn còn đang đi làm thêm.”

Kiều Lam: “…”

Rốt cuộc Kiều Lam cũng hiểu rõ được một câu mà hôm qua mình đã đọc.

Đối với những người mắc hội chứng Asperger mà nói, phàm là chuyện phù hợp với logic của họ, họ nhận định là đúng, thì người khác có nói gì cũng vô dụng.
Nói nhiều có khi còn phản tác dụng.

Đàm Mặc mím môi, muốn nói gì đó nhưng rốt cuộc vẫn không thốt ra thành lời.

Hôm đó lúc rời khỏi nhà hàng Tây, trong một thoáng, Đàm Mặc buồn đến mức không muốn gặp Kiều Lam cũng không muốn đến trường nữa.

Thế nhưng thứ hai anh vẫn đến trường học, không những đến mà còn tiếp tục ngồi ở bên cạnh Kiều Lam. Anh vẫn còn tức giận vì những lời nói và hành động của Kiều Lam ngày hôm đó, nhưng một mặt khác, trong lòng anh vẫn hơi lo lắng nếu mình thật sự không đi, có phải Kiều Lam cũng sẽ không để ý đến mình nữa hay không.

Dù Kiều Lam không chấp nhận anh, lừa gạt tình cảm của anh khiến anh khổ sở như vậy, Đàm Mặc vẫn không muốn đường ai nấy đi với Kiều Lam một chút nào.

Bùi Ninh không có mắt nhìn gì cả, còn chạy tới hỏi Kiều Lam đề tiếng Anh. Hỏi xong vừa ngẩng đầu lên đã đối mặt với ánh mắt hung ác của Đàm Mặc, Bùi Ninh bị dọa đến giật nảy mình.
Sau đó cậu ta nhanh chóng dời mắt, ghé sát vào tai Kiều Lam, nhỏ giọng hỏi: “Đàm Mặc sao vậy? MÌnh đâu có chọc giận cậu ấy đâu?”

Kiều Lam: “… Là vấn đề của mình.”

“Cậu mà lại chọc Đàm Mặc tức giận sao?” Bùi Ninh tỏ vẻ ngạc nhiên. Cậu thật sự cảm thấy Kiều Lam đối xử với Đàm Mặc tốt không chịu được.

Tiếng nói chuyện của Bùi Ninh rất nhỏ, Đàm Mặc không nghe được hai người đang nói gì hết, chỉ có thể nhìn thấy bọn họ đang ngồi rất sát vào nhau, bàn tay bỗng nhiên siết chặt.

Có tiếng vỡ nát khe khẽ vang lên.

Đàm Mặc cúi đầu nhìn, màng thủy tinh đã vỡ nát, ngón tay bị cắt một vệt nhỏ, máu lập tức thấm ra, nhỏ xuống chiếc áo đồng phục màu trắng.

Kiều Lam vừa quay đầu lại đã nhìn thấy vết máu bên trên áo đồng phục của anh, cô sợ hãi hỏi anh làm sao vậy, sau đó nhanh chóng lấy băng keo cá nhân ra từ trong cặp.
“Đưa tay cho mình.” Kiều Lam thấy Đàm Mặc không chịu phối hợp, bất đắc dĩ nói.

Đàm Mặc nhìn chằm chằm cô, không nhúc nhích.

Kiều Lam thật sự không còn cách nào khác, vươn tay nắm lấy cổ tay của anh, dùng khăn giấy lau sạch sẽ vết máu trên đầu ngón tay anh, sau đó cẩn thận dùng băng keo cá nhân dán lại: “Sắp kiểm tra tháng rồi, không biết có ảnh hưởng gì không.”

Đàm Mặc im lặng rút ngón tay ra, lạnh lùng nói: “Sẽ không.”

Sau đó, buổi chiều trên đường về nhà, anh nhìn chằm chằm băng keo cá nhân trên ngón tay gần nửa tiếng đồng hồ.

Hai ngày nữa là đến kỳ kiểm tra tháng đầu tiên của học kỳ này. Đến khi có điểm, dù Đàm Mặc vẫn đứng nhất khối, nhưng không hiểu tại sao thành tích môn tiếng Anh của anh lại chưa đến 140 điểm.

Rất nhiều người cảm thấy ngạc nhiên, nhưng họ không dám đến hỏi.
Đàm Mặc nhét bài kiểm tra tiếng Anh vào trong cặp, không nói lời nào.

Vào tiết học, giáo viên Anh Văn chiếu vài bài Writing lên trên máy chiếu, bảo đây là những bài Writing đạt điểm cao nhất lần này.

Chủ đề bài Writing là tình bạn.

Thầy Lưu khen ba bài Writing không ngớt lời. Trong đó viết rằng tình bạn là chia sẻ, là thứ tình cảm dù nhiều năm không gặp cũng sẽ không biến mất, là thứ giúp mọi người trở nên tốt đẹp hơn. Trong ba bài Writing đó có một bài là do Kiều Lam viết.

Đàm Mặc cũng viết về tình bạn.

Anh viết tình bạn là sự chiếm hữu, là không cho phép người thứ ba chen chân vào.

Phần Writing chiếm 15 điểm, cuối cùng chỉ được có 2. Đàm Mặc im lặng ném bài kiểm tra vào thùng rác.

Buổi chiều sau khi tan học, Kiều Lam tiếp tục đến nhà hàng Tây làm thêm. Đàm Mặc không thể đến đó nữa, ngồi trong xe chăm chú dõi theo bóng lưng của Kiều Lam. Bác Trần thật sự không muốn nhìn thấy dáng vẻ này của Đàm Mặc. Ông mở radio muốn dời sự chú ý của anh.
Kết quả thật sự dời được sự chú ý của Đàm Mặc.

Ngay cả bác Trần nghe tin cũng giật nảy mình.

Bác Trần hay bật radio nghe tin tức trong thành phố, thượng vàng hạ cám chuyện gì cũng có, chỗ này kẹt xe chỗ kia xảy ra tai nạn vân vân. Kết quả nghe nghe một hồi chỉ thấy trên radio thảo luận việc rạng sáng hôm qua xảy ra một vụ cướp. Hai tên đàn ông cướp của một người phụ nữ, làm người này bị thương.

Bình thường thì những tin tức kiểu này nhiều lắm cũng chỉ khiến mọi người bàn tán một chút, nhưng vì nơi xảy ra vụ cướp là con đường có nhà hàng Tây kia nên đã đủ để khiến Đàm Mặc căng thẳng.

Nhà hàng Tây nơi Kiều Lam làm việc hằng ngày tuy nằm ở khu vực trung tâm thành phố nhưng lại không ở trên đường cái sáng sủa. Ban ngày thì an toàn, nhưng ban đêm thật ra rất nguy hiểm.
Nhất là vào đêm khuya, trên đường vắng tanh, con gái một thân một mình.

Bởi vì trước kia chưa từng nghe đến chuyện này nên Đàm Mặc cũng không nghĩ tới. Nhưng bây giờ tình cờ nghe được, trong lúc này, Đàm Mặc chỉ có thể nghĩ đến những lời mà phát thanh viên đã nói trên radio.

Dù cho có tức giận và khổ sở, Đàm Mặc vẫn nghĩ đến an toàn của Kiều Lam trước tiên. Hiếm khi anh lại lo lắng đến như thế, lập tức bảo bác Trần quay xe lại đi về phía nhà hàng Tây.

Bác Trần thở dài: “Thế là phải chờ Kiều Lam tan làm rồi đưa cô ấy về nhà sao? Vậy thì trễ quá. Chúng ta về nhà trước, sau đó tối tôi sẽ đến đón cô ấy về nhà, có được không?”

Rốt cuộc Đàm Mặc cũng bình tĩnh lại, lúc này mới nhớ đến tình cảnh hiện tại của mình và Kiều Lam.

Không hiểu sao Đàm Mặc lại không muốn để Kiều Lam biết là anh còn quan tâm cô như vậy.
“Không ổn.” Đàm Mặc trầm giọng nói. Một lúc lâu sau: “Bác Trần, bác tìm người đưa cậu ấy về mỗi tối đi.” Nói xong lại bổ sung một câu: “Lén đi theo, đừng để cô ấy phát hiện.”

Bác Trần: “…”

Rõ ràng là còn quan tâm, tại sao lại phải như thế.

“Được rồi.” Bác Trần đồng ý, sau đó lại hỏi: “Đi đến khi nào?”

“Không biết.”

Chắc là đến chừng nào cô vẫn còn làm thêm đi.

Bác Trần: “…”

Cậu vui là được.

Kiều Lam không hề biết chuyện gì đang xảy ra cả. Nhưng lúc đi làm, quản lý cố ý tìm bọn cô, nói gần đây chỗ này đã xảy ra chút chuyện, dặn dò bọn cô nhất định phải cẩn thận hơn một chút, đặc biệt là với những cô gái làm ca đêm, còn cố ý phát cho mỗi nhân viên một bình xịt cay và một con dao nhỏ.

Kiều Lam: …

Mấy ngày nay đều bình an vô sự, nghe nói cảnh sát đã bắt được hai tên cướp kia, nhưng tóm lại vẫn phải cẩn thận.
Sắp xếp tất cả mọi thứ xong, Kiều Lam thu dọn đồ đạc, nhìn đồng hồ rồi đi về nhà như thường lệ.

Bây giờ là 11:47, về đến nhà chắc cũng chừng 12:20… Hôm nay không có quá nhiều bài tập về nhà, chủ yếu có thể hoàn thành vào thời gian chuyển tiết được… Nhưng vẫn phải chuẩn bị bài ngày mai một chút…

Kiều Lam bước lung tung trên đường, vừa đi vừa lên kế hoạch. Về đến dưới lầu Kiều gia vừa đúng là 12:20.

Kiều Lam ngẩng đầu nhìn lên, hơi kinh ngạc, đèn trong nhà vẫn còn sáng.

Lúc này đúng ra thì cả nhà họ Kiều phải ngủ hết rồi chứ, trừ khi mẹ Kiều lại thức đêm xem phim, nhưng bình thường xem phim bà ta sẽ không bật đèn phòng khách như thế.

Đèn đuốc sáng trưng, Kiều Lam thả chậm bước chân lên lầu, luôn cảm thấy sẽ xảy ra chuyện gì đó.

Lên lầu, mở cửa, Kiều Lam vừa nhìn đã thấy ngoại trừ Kiều Nguyên ra thì cha mẹ Kiều và cả bà nội Kiều đều đang ngồi trên ghế salon. Vẻ mặt bà nội Kiều trông như thể đang xem kịch vui, còn sắc mặt của cha mẹ Kiều thì khó coi vô cùng.
“Sao còn chưa vào mà đứng ở cửa?” Vừa thấy Kiều Lam là mẹ Kiều lập tức đứng lên.

Bà nội Kiều “chậc chậc” vài tiếng: “Có khi chột dạ nên không dám vào đó.”

Cha Kiều ngồi trên ghế salon với khuôn mặt dữ tợn, quát to một tiếng: “Còn không mau đi vào đây!”

Kiều Lam nheo mắt, chân chuẩn bị bước vào thì khựng lại.

Lúc lên lầu cô đoán là có lẽ đã xảy ra chuyện gì đó, chẳng hạn như chị Hai Kiều chạy về nhà khóc lóc chuyện chồng mình đi tìm bồ nhí, hoặc là bà nội Kiều và mẹ Kiều cãi nhau đại loại vậy, nhưng tuyệt đối không hề nghĩ rằng chuyện liên quan đến mình.

Dù sao cô cũng chẳng làm gì cả.

Nhưng nhìn tư thế của ba người này, trông giống như thể cô đã gây nên chuyện gì đó không thể tha thứ vậy.

Mẹ Kiều thấy cô đứng mãi ở cửa không nhúc nhích thì càng tức hơn: “Mày điếc không nghe thấy có phải không? Tao bảo mày đi vào, đóng cửa lại. Bị người khác nghe được mày không thấy mất mặt nhưng tao thì có đấy!”
Kiều Lam nhíu mày: “Tôi làm sao mà phải mất mặt?”

“Ôi chao, thế mà còn không nhận.” Bà nội Kiều nhíu mày: “Tao đã bảo rồi mà, ngày nào cũng lêu lổng bên ngoài thì kiểu gì cũng học thói hư tật xấu. Đêm hôm khuya khoắt mày không về nhà thì đi đâu chứ? Trộm tiền trong nhà mà còn không dám nhận sao?”

Kiều Lam cuối cùng cũng nghe được thứ mình cần. Nghi ngờ cô trộm tiền của nhà họ Kiều à?

“Tôi không trộm.” Kiều Lam nói.

“Cách đây ít lâu chị Hai mày về cho tao hai vạn tệ, tao để trong ngăn kéo dưới bàn trà, không để ý tới. Hôm nay cầm lên đếm lại thì thiếu hơn một nghìn tệ.” Mẹ Kiều hung hăng cầm xấp tiền vỗ lên bàn: “Mày nói xem tiền đi đâu!”

“Không biết, không phải tôi.” Vẻ mặt Kiều Lam không chút thay đổi, cô nói: “Bà đi hỏi người khác đi.”

“Không phải mày thì là ai, hả? Mày nói thử xem? Bà mày tiếc tiền không nỡ xài, tao và cha mày thì không có khả năng rồi, Nguyên Nhi thì mấy ngày trước tao vừa cho tiền nó, gần đây chị cả mày cũng không về. Không phải mày thì là ma trộm mất hả?”
“Có khi thật sự là ma trộm đó.” Kiều Lam rũ mắt, chế nhạo. Mẹ Kiều bị thái độ của KIều Lam kíƈɦ ŧɦíƈɦ, không ngồi yên nổi: “Không nhận đúng không, nghĩ mình học giỏi có bản lĩnh rồi thì tao không quản được mày nữa đúng không?” Bà ta đứng dậy bước qua bước lại vài vòng, sau đó vào nhà vệ sinh lấy ra một cây chổi: “Tao hỏi lại một lần nữa, có phải mày trộm tiền hay không?”

“Không phải nó thì là ai? Nó mới mua điện thoại đấy, không phải trộm tiền thì lấy đâu ra tiền mà mua điện thoại? Còn nói gì mà làm thêm kiếm được.” Bà nội Kiều liếc nhìn mẹ Kiều, đôi mắt ti hí dán chặt vào Kiều Lam, đột nhiên đứng lên: “Nhìn kìa, tao đã nói là nó trộm rồi mà, mày xem trên cổ nó là cái gì…”

Nói xong liền chạy đến định giật lấy mặt dây chuyền bằng ngọc hình quả táo trên cổ Kiều Lam.
Kiều Lam một tay đẩy bà nội Kiều ra, một tay bảo vệ cổ. Giọng bà nội Kiều càng trở nên bén nhọn: “Thế này thì không cần mặt mũi nữa, trực tiếp đánh chết nó đi…”

Cha Kiều mãi không nói gì, ngay khi bà nội Kiều bị đẩy qua một bên, khuôn mặt béo ú tràn đầy dữ tợn của ông ta run lên, rút lấy cây chổi trên tay mẹ Kiều, nổi sùng: “Mày lại đây cho tao…”

Kiều Lam đẩy cửa chạy xuống dưới lầu.

Cha Kiều cầm chổi đuổi theo.

Kiều Lam còn trẻ, thân thể tốt hơn một cha Kiều béo ú lại còn đi dép lê. Hơn nữa có lẽ ông ta không ngờ được rằng người hướng nội nhát gan như Kiều Lam lại dám bỏ chạy, vừa đuổi theo xuống dưới lầu vừa mắng. Đến khi xuống đến nơi, đã không còn thấy tăm hơi Kiều Lam đâu cả.

Tìm tới tìm lui cũng không thấy, cha Kiều tức giận mắng chửi một lúc lâu mới trở về nhà. Ông ta không tin là Kiều Lam không trở lại, chờ cô về ông ta nhất định sẽ đánh chết cô.
Kiều Lam nhanh chân chạy khỏi tiểu khu, mãi đến khi đã ra đến đường cái cô mới thở phào nhẹ nhõm, ngồi xổm dưới chân đèn bên lề đường để ổn định hơi thở.

Hôm nay nếu bị cha Kiều bắt được, cô thật sự có thể bị đánh đến chết.

Bây giờ tạm thời đã an toàn, nhìn con đường lớn vắng hoe trước mắt, Kiều Lam lại hơi rầu rĩ.

Bây giờ phải đi đâu đây? Sau này phải ở chỗ nào?

Nhà hàng Tây đã đóng cửa, cũng không thể quay về, một đứa con gái như cô không thể nào ngủ một đêm trên đường lớn được, cũng không thể la cà ở quán net như mấy thằng con trai.

Đi thuê một phòng?

Mới tưởng tượng thôi đã thấy xót tiền rồi.

Nhưng thật sự cô cũng không nghĩ ra được cách nào khác, chỉ có thể lấy điện thoại ra mở Meituan [1] lên, tìm kiếm khách sạn gần nhất, giá rẻ một chút. Giải quyết chuyện hôm nay trước đã rồi tính sau, những chuyện tiếp theo để ngày mai nghĩ.
[1] Meituan: một ứng dụng về khách sạn, du lịch, ăn uống, giống như Traveloka bên mình.

Kiều Lam ngồi xổm trên đường, lướt điện thoại lên xuống. Tìm tới tìm lui, rốt cuộc cô cũng tìm được một khách sạn phù hợp. Kiều Lam mở bản đồ ra nhìn, sau khi xác định được địa chỉ, cô đang chuẩn bị đứng lên thì một chiếc ô tô màu đen từ xa lướt tới, cuối cùng dừng lại trước mặt Kiều Lam.

Cửa xe từ từ mở ra, thiếu niên ăn mặc vô cùng phong phanh, sắc mặt tái nhợt, ánh mắt âm trầm ngồi trong xe nhìn xuống Kiều Lam đang ôm gối ngồi xổm bên đường với vẻ mặt ngơ ngác.

Bốn mắt nhìn nhau gần nửa phút, thiếu niên rốt cuộc cũng quay mặt đi.

“Còn chưa lên?”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.