Sau hai tiếng chơi game với sự thiên vị của anh chủ quán dành cho Luận, rốt cuộc tôi cũng có thể về. Ôi dồi ôi, tôi là tôi đợi lâu lắm rồi, muốn về từ lâu nhưng vì xót tiền bỏ ra nên đành phải ở lại.
Mà chơi chả được bao nhiêu, chỉ thấy cẩu lương là nhiều.
Ai đời một chủ quán net nhìn thấy khách mới như tôi thì dè bỉu ghét ra mặt, còn với vị khách Vip đang ngồi đối lưng với tôi thì thái độ lại khác một trời một vực. Nếu bạn ngồi chỗ tôi hoặc chỗ ghế lân cận của Luận, bạn sẽ thấy cái cảnh tượng anh chủ quán chốc chốc mang đồ ăn nọ kia đến với cái lý do “Vì Luận là khách Vip”. Và còn thấy cả ánh mắt thù hằn của anh chủ quán nào đó lườm nguýt mỗi lần Luận khều vai chia sẻ đồ ăn cho tôi.
Nghĩ lại, tôi thấy vừa tức vừa tủi thân muốn chết.
Tôi thở dài lầm bầm tự an ủi bản thân, đứng trước cửa quán nhìn mây nhìn trời chờ Luận lấy xe rồi còn về. Chờ chừng hai ba phút gì đó, Luận đạp xe lại gần bày ra vẻ lãng tử chống một chân đứng trước mặt tôi.
– Lên xe mày ơi, về nhà tao thu dọn đồ đạc để qua nhà mày luôn nào.
Nghe Luận nói xong mà tôi đần cả người. Tôi còn tưởng lời bâng quơ khi nãy của tôi Luận chẳng để vào đầu, nào ngờ đâu Luận lại nhớ rất kĩ.
Thấy tôi im lặng, Luận lại nói tiếp:
– Nhanh đi mày ơi, trưa trầy trưa trật nắng nôi. Mày cứ đứng đần ra đó nhìn tao làm gì?
– Tao chỉ đang nhìn thế giới tươi đẹp này trước khi sụp đổ mà thôi.
Tôi nhìn Luận, cảm thán một câu từ tận đáy lòng. Luận cũng nhìn lại tôi chẹp miệng.
– Gớm thôi, cái thế giới của mày từ hồi quen tao tới giờ nó chả “nhuốm một màu buồn bã như ánh chiều tàn vấn vương trên từng kẽ lá”, giờ mày nói nó tươi đẹp thì cũng đến quỳ với mày luôn. Thôi, mày nhanh nhanh ôm cái thế giới của mày lên xe để tao chở về nào.
– Khiếp! Hôm nay bạn Tiến Luận nhà ta có vẻ tiến bộ về mảng văn chương nhỉ? Sao lúc thi văn tao lại không thấy mày “văn vẻ” như thế này vậy?
Tôi lườm lườm đánh cái bốp lên vai Luận rồi nhảy phốc lên xe.
– Người ta gọi là đúng người đúng thời điểm nha mày, chứ sai người sai thời điểm thì sao có kết quả vui được. Với lại ở với bạn “nhà văn” nào đó lâu năm rồi thì cũng phải học được cách văn vẻ chứ. Nếu không người ta lại chê cười cho bây giờ.
Luận ổn định cân bằng, bắt đầu đạp xe đi rồi tiếp lời tôi ban nãy. Tôi cười hà hà chọc lại Luận, chưa được mấy câu thì đã về tới nhà Luận rồi. Nhà Luận cách đầu ngõ hai nhà, trông khá nhỏ nhắn. Lại thêm sạp bán tạp hóa phía trước của mẹ Luận nên bên trong chẳng rộng rãi là bao. Nhưng được một điều rằng ba mẹ Luận rất thân thiện và niềm nở, khác xa với những gì mà Luận kể với tôi.
Mẹ Luận niềm nở mời mọc ăn cái này đi uống cái kia, còn ba Luận lại hỏi rất nhiều vấn đề học hành ở trên lớp của Luận làm tôi thấy hơi ngại. Có lẽ do tính hướng nội không thích nói nhiều với những người lần đầu gặp mặt hoặc cũng có thể do ảnh hưởng tính không thích tiếp xúc nhiều với người lạ từ mẹ tôi nên tôi chỉ khách sáo đáp lại từng vấn đề.
Chờ Luận xếp xong đồ vào cái balo cỡ lớn thì cũng đã gần trưa. Mẹ Luận vừa níu tay tôi vừa luôn miệng mời ở lại ăn cơm. Nhưng mà tôi lại nhớ đến bà mẹ già ở nhà không màng nấu nướng, cũng như cái tên nào đó vào nhà bếp là chỉ có phá hoại nên phải lễ phép từ chối. Thấy bác gái có vẻ vẻ thất vọng, tôi cũng có chút áy náy không biết phải nói sao.
– Thôi đi mẹ, trưa trầy trưa trật nắng nôi, giờ mà còn ăn cơm với nước nữa thì đến tối luôn ấy. Thằng Sơn nó còn phải về rồi dọn dẹp chỗ ngủ cho con nữa chứ có được ở không đâu, mấy nữa con dẫn nó về lúc đó tha hồ mà ăn cơm.
Luận kéo cái balo ra giữa nhà, hơi trách móc với hành động của mẹ mình. Ba Luận nghe vậy không vui chút nào, bác ấy vỗ bốp vào đầu Luận một cái nạt nộ.
– Có bạn bè thế mà mày ăn nói với mẹ mày vậy đó hả?
– Con nói cũng đâu có sai, ăn cơm chỗ nào mà chả là ăn.
Luận lầm bầm trong cửa miệng, tôi không biết bác trai bác gái có nghe thấy hay không nhưng tôi thì lại nghe rất rõ. Tôi cười xuề xòa đưa tay nhéo vào người Luận một cái rồi đứng dậy lễ phép chào hai bác để ra về.
…
Mất một khoảng thời gian, tôi với Luận mới về được tới nhà. Nhìn cánh cổng vẫn đang khép chặt, tôi thở dài khe khẽ rồi hít vào một hơi thật sâu thực hiện công việc gọi cửa quen thuộc.
Trong lúc chờ đợi, Luận chợt hỏi tôi:
– Sao tao thấy nhà mày có chuông cửa mà, sao không ấn mà phải gọi như thế?
– Chuông đó chỉ để làm cảnh thôi!
Tôi chán nản trả lời Luận, mà ai biết đâu Luận lại tưởng tôi nói thật, cậu ấy chạy tới ấn chuông hai cái. Nghe tiếng chuông liền quay đầu nhìn tôi khó hiểu:
– Nó vẫn kêu mà, sao lại là làm cảnh?
Tôi thở dài bất lực, không biết nói sao cho phải. Tôi thật sự muốn hỏi Luận có phải cậu ấy dùng tiền mới ngồi được ở cái ghế lớp 11 hay không mà sao lại không biết lời nào lời nói thật lời nào lời nói đùa như thế. Nhưng nhìn đến cái mặt non nớt đang nhìn tôi đăm chiêu kia lại không biết nên mở lời như thế nào.
– Chờ lát nữa mẹ tao ra thì mày sẽ rõ.
– Ơ, thế mẹ mày tên Tuyết á hả? Mày kêu cả tên lẫn họ mẹ mày ra thế mà không bị ăn chửi à?
Tôi vừa định lên tiếng trả lời Luận, lại thấy cái đầu mẹ tôi từ bên trong ló ra ngoài, kèm theo cái giọng nhão nhoét đặc trưng của bà:
– Chờ tí xíu là mẹ ra rồi, em đã gọi mà còn ấn chuông làm gì thế San?
Tôi đưa mắt nhìn mẹ, rồi quay qua nhìn Luận giao thiệp bằng ánh mắt. Đó, mày cứ nhìn cho rõ cái bà mẹ chả khác gì đứa trẻ con năm sáu tuổi đó đi. Nhìn đi rồi sáng mắt ra vì sao cái chuông cửa lại chỉ để làm cảnh.
Luận nhìn tôi nghệt mặt đờ đẫn, tôi dám chắc cậu ấy không hiểu ý tôi chút gì luôn.
Mẹ tôi thấy tôi mãi không chịu vào, cũng không thèm để ý trả lời, cái mặt của mẹ tôi liền nhăn lại. Bà hờn dỗi bước ra ngoài lôi kéo tay tôi:
– San nay giận gì mẹ mà cứ đứng mãi ngoài cửa…
Mẹ tôi nói lấp lửng đến đó thì dừng. Có lẽ do bà thấy được sự hiện diện của Luận rồi.
– Con chào dì ạ!
Luận lễ phép chào hỏi, mẹ tôi liếc mắt lườm lườm Luận không thèm trả lời, cầm lấy tay tôi lôi kéo, để tôi cách xa Luận ra một chút. Bà nhổm người ghé vào tai tôi nói nhỏ:
– Em nhặt ở đâu tiểu mỹ thụ da trắng nõn nà xinh xắn này thế hả San?
– Tiểu mỹ thụ?
Tôi đưa mắt nhìn Luận đứng một góc bên kia lại nhìn đến bà mẹ già nhà mình nhíu mày hỏi lại. Mà mẹ tôi gật đầu rất chắc nịch.
– Đúng, tiểu mỹ thụ, da trắng nõn nà mắt thanh mày tú giọng nói cũng rất êm, đúng chất kiểu thụ mẹ thích luôn ấy nha.
Mẹ tôi vừa nói vừa nhìn trộm Luận, ánh mắt bà sáng rực. Đôi con ngươi nâu đồng chuyển động linh hoạt lúc nhìn Luận lúc nhìn tôi. Mặt mẹ tôi trông gian không tả được. Chẳng khác gì mỗi lần tôi ngồi xem phim đam mỹ cùng mẹ tôi, cứ đến cảnh hôn một cái là cái mặt của bà cũng gian y hệt như bây giờ vừa liếc nhìn người ta hôn vừa liếc qua tôi bình luận về tư thế hôn nọ tư thế hôn kia. Nhiều lúc bất lực đến nỗi tôi phải cắt luôn cả mạng để bà khỏi xem, nhưng lại chẳng ngờ được ngay hôm sau đó bà lại đi in một đống ảnh hết sức “đen tối” về treo khắp phòng.
Bất lực, thật sự rất bất lực! Tôi nhìn bà than thở:
– Sao mẹ nhìn ai cũng thấy người đó là tiểu mỹ thụ thế?
– Em lại không biết rồi, mẹ có mắt thần mà lị.
Tôi nhìn mẹ bĩu môi, mắt thần cái kiểu gì mà thấy ai da trắng dáng xinh, thêm cái răng khểnh cười duyên bà liền chắc nịch nhận định đó là thụ thì tôi cũng chịu thua. Tôi đáp lại bà:
– Vâng, mắt thần kiểu gì mà lần nào mẹ xem phim cũng đoán sai bét nhè công với thụ.
– Cái đó chỉ là nhầm lẫn tạm thời thôi nhá nhá, mắt mẹ nhìn người tốt lắm luôn.
– Vâng, ai trắng dáng xinh cười đẹp cũng là tiểu mỹ thụ, mà có mấy lần mẹ áp dụng đúng điều đó đâu. Chỉ thấy máu chó đầy đầu, người ta là công đường hoàng hẳn hoi lại cứ gán cho người ta là thụ.
Mẹ tôi nghe tới vậy liền hờn dỗi đánh cái đét vào người tôi, làu bàu cái gì đó tôi nghe không rõ. Nhưng chốc lát sau, bà lại ngẩng đầu lên nhìn tôi thắc mắc:
– Mà bé thụ ấy đến nhà mình làm gì? Lại còn cái balo to chà bá kia nữa chứ!
– Cậu ấy đến ở nhà mình một thời gian. Cậu ấy tên Luận, mẹ đừng gọi thụ này thụ nọ trước mặt cậu ấy kẻo cậu ấy sợ hãi chạy mất là mẹ hết “thụ” mà ngắm đó nhé.
Tôi giải thích với mẹ. Tôi thừa biết kiểu gì mẹ tôi cũng không nỡ bỏ qua cơ hội “ngắm ngía tìm tòi tiểu mỹ thụ tên Luận” đâu nên rất nghiêm túc nhấn mạnh từng chữ dọa dẫm bà một chút. Có lẽ bà cũng muốn Luận ở lại nên im lặng chẳng nói thêm điều gì.
Tôi tách ra khỏi mẹ, lại gần nói với Luận dăm ba câu mời cậu ấy vào nhà.
Tôi với Luận xách balo đi trước, mẹ tôi lẽo đẽo khóa cổng theo sau. Chợt Luận ghé đầu vào hỏi tôi:
– Hình như mẹ mày có vẻ không thích tao ấy!
– Không có chuyện đó đâu.
– Làm sao lại không có, nãy tao chào mà dì ấy có ừ hử gì đâu, lại còn lườm tao nữa.
Tôi nhìn Luận cười ha ha hai tiếng, vừa đẩy cửa vừa kéo balo của Luận vào nhà.
– Mày yên tâm, rồi mày cũng sẽ được “yêu thích” một cách mày chẳng bao giờ ngờ tới đâu.