Luận nói tuy rằng cũng hơi hơi có lý nhưng tôi vẫn cứ cảm thấy nó sai sai. Tôi lại kéo tay áo Luận nhỏ giọng thắc mắc tiếp: “Nhưng là bạn thân thì có liên quan cái khỉ gì tới việc ghét với không ghét, với cả sao tự dưng mặt mày đỏ bừng lên thế?”
Tôi chỉ hỏi có vậy thôi mà Luận như con mèo nhỏ bị giẫm phải đuôi, cậu ấy đẩy tôi ngồi xa cậu ấy ra một chút, giọng nói có vẻ giận hờn: “Hỏi lằm hỏi lắm, trật tự ngồi học đi tao nhờ, không tao lại bảo cô cho mày ra ngoài ngắm trời mây cây cỏ bây giờ.”
Tôi nhìn Luận muốn hỏi thêm nhưng mắt thấy bà cô đang lia mắt qua chỗ này thì tôi liền im lặng. Ngoan ngoãn học hành tới hết buổi. À thật ra thì không phải tôi tự nguyện ngoan ngoãn đâu mà là do Luận tự dưng dở chứng nói ngủ là ngủ, cứ thế nằm gục xuống bàn từ lúc tôi hỏi tới tận cuối buổi khiến thằng bạn thân cùng bàn như tôi không thể không làm hộ vệ thay cậu ấy. Đến cả giờ ra chơi tôi lay lay cậu ấy dậy lôi đống game ra bàn luận mà cậu ấy còn chả thèm dậy kiểu như đang trốn tránh tôi vậy đó.
Càng nghĩ càng bực, tôi không thèm để ý Luận cho tới khi ra về, nghe tiếng chuông một cái Luận bật đầu ngồi dậy nhìn tôi cười hì hì: “Được về rồi.”
Tôi vốn định bơ Luận rồi đó, vì tội ngủ nghê mà ngó lơ tôi cả buổi, nhưng vô tình liếc thấy cái vết hằn đỏ ửng trên mặt của cậu ấy do tì mặt gối đầu lên tay quá lâu khiến tôi không bơ nổi. Tôi cười ha ha chọc Luận: “Ôi nhìn xem kìa, trông mày có khác gì mấy người diễn kịch vẽ mặt xanh xanh đỏ đỏ không cơ chứ.”
– Công nhận ngủ ngon thật sự á mày, chỉ có điều đau cổ đau tay bỏ mợ ra mày ạ. . Xin ủng hộ chúng tôi tại == trumtru yen.vN ==
Luận lắc lắc cổ nghe răng rắc, phớt lờ câu trêu chọc của tôi. Tay Luận nhét bừa sách vở vào balo chép miệng cảm thán. Tôi nhìn Luận chậc lưỡi, tôi nằm gục đầu xuống bàn có ba mươi phút thôi mà phải đổi cả chục tư thế để ngủ, đằng này Luận nó ngủ một mạch từ đầu buổi tới cuối buổi dậy mới than đau cổ thì tôi cũng chịu.
Bỏ hết sách vở vào balo xong tôi khoác lên một bên vai, tay bên còn lại khoác lên cổ Luận kéo đi. Chỉ có từ lớp học ra ngoài xe có mấy chục mét thôi mà chúng tôi mồm miệng cứ tía lia tía lia. Thật ra chỉ có mình Luận nói thôi, còn tôi lâu lâu chen vào vài câu cho có.
Gần tới nhà xe thì Luận chợt dừng lại, nhìn ra phía cổng trường chằm chằm. Tôi định đưa mắt ra nhìn theo thì Luận đẩy tôi một cái rồi cười phớ lớ: “Mày về trước đi Sơn, tao ra đây có việc tí.”
Nói xong thì chạy bay chạy biến ra ngoài cổng trường. Tôi nhìn theo chốc lát rồi quay vào trong lán lấy xe. Tính tôi không thích sân si chuyện riêng tư của người khác. Họ đồng ý kể với tôi thì tôi nghe, nếu không thì tôi cũng chẳng muốn xen vào kể cả đó có là Luận hay ai đi chăng nữa. Chỉ trừ một người, đó chính là bà mẹ già cuồng đam của tôi. Bởi bất cứ lúc nào bà cũng có thể mang lại cả đống phiền phức rắc rối trong âm thầm mà tới khi nó nghiêm trọng rồi thì tôi mới được biết. Tỉ như lúc này đây. Bạn sẽ không tưởng tượng nổi cái cảnh mà khi trở về nhà, thấy được cái phòng khách như có lũ quét qua rối tung bừa bộn hết cả lên. Thêm nữa có một vài chỗ còn có cả vệt máu nữa.
Thấy cảnh đó tôi hoảng hồn quăng luôn cái balo đi lớn tiếng gọi mẹ, mà mãi không có ai trả lời khiến tôi sốt ruột chết đi được. Tôi vội vã vọt thẳng lên phòng mẹ tôi.
Phòng mẹ tôi cũng chẳng khác gì phòng khách cả, cũng bừa bộn hệt như vậy, cũng có cả máu thậm chí là còn nhiều máu hơn là đằng khác. Trên giường bà có nguyên một cục bông to đùng đang run rẩy, tôi cũng biết trên đó là mẹ tôi. Sợ hãi cùng tức giận đan xen làm tôi bùng nổ, tôi tức mình hét lớn: “TRẦN ÁNH TUYẾT, MẸ CHUI RA KHỎI CÁI CHĂN ĐÓ CHO CON, NGAY VÀ LUÔN. ĐỪNG ĐỂ CON PHẢI ĐỘNG TAY.”
Thế nhưng cái cục bông trên giường ngoài việc càng run rẩy dữ tợn hơn thì chẳng có vẻ gì là chui ra khỏi chăn cả. Tôi bực bội hùng hổ tiến lại gần giường mẹ tôi hơn, sau đó dùng tay kéo mạnh cái chăn ra khỏi người bà. Chỉ là chưa kịp nhìn rõ gì thì mẹ tôi đã nhào thẳng vào người tôi khiến tôi đứng không vững mà ngã luôn ra sàn nhà. Mẹ tôi nức nở nằm trên người tôi khóc lóc: “San ơi San, mẹ sợ ơi là sợ luôn á huhu, nếu em mà không về là mẹ chết luôn rồi đó”
Chờ khi thoát khỏi cơn choáng váng do bất ngờ bị ngã xuống, tôi nhìn xuống bà mẹ đang gục đầu vào ngực tôi mà khóc thì thật sự không biết nói sao cho phải. Giờ phút này ai dám nói mẹ tôi ba mươi tám tuổi tôi sẽ đập cho người đó một trận luôn. Mẹ tôi hiện tại đúng thật là ba tám tuổi đó, chỉ có điều ba tám phải thêm dấu phẩy ở giữa. Là 3,8 tuổi chứ không phải 38 tuổi đâu nhé.
Tôi nhìn mẹ thêm một lát rồi ngọt nhạt dỗ dành.
– Rồi, có con đang ở đây thì mẹ sợ cái gì? Mẹ mau ngồi dậy đi, đè con bẹp rúm rồi này.”
– Không, không, mẹ sợ lắm luôn á, mẹ ứ dám ngồi dậy đâu huhuhu
– Trần Ánh Tuyết!
– Dạ?
Thấy mẹ tôi không có dấu hiệu muốn ngồi dậy mà càng dụi đầu vào ngực tôi khóc to hơn, tôi không nhịn được mà kêu tên bà. Ai ngờ đâu bà ngước khuôn mặt “xấu xí” tèm nhem nước mắt lên nhìn tôi rồi dạ một tiếng. Tiếng dạ ngoan ngoãn lại nghèn nghẹn do bà mới khóc xong làm tôi thấy thật sự rất…ừm, rất ba chấm.
– Mẹ ngồi dậy đi, xong rồi có gì thì nói em nghe được không?
Tôi lại nhỏ giọng dụ dỗ. Lúc này mẹ tôi rất nghe lời, ngoan ngoãn đứng dậy chìa cái chân băng bó sơ sài ra “khoe” tôi. Cái chân quấn băng tùm lum chằng chịt đang rươm rướm máu, tôi đỏ mắt gắt lên:
– Trần Ánh Tuyết, nói con nghe coi cái “chiến tích” trên chân mẹ từ đâu mà có? Đừng có bao biện lý do này nọ…
– Cái này tại con chó nó cắn mẹ á.
Tôi chưa nói xong câu đe dọa thì mẹ tôi đã chen ngang lời tôi bằng một câu nói hết sức là thản nhiên khiến tôi như bị ấn nút tạm dừng. Tôi đơ ra chốc lát máy móc hỏi lại:
– Mẹ mới nói cái gì cơ? Nói lại lần nữa con nghe coi.
– Tại con chó ở đầu ngõ cắn mẹ đó, hông phải mẹ hậu đậu đâu.
Nghe được đáp án rõ ràng chính xác, tôi bất lực đưa tay đỡ trán không biết nói cái gì tiếp nữa bởi mẹ tôi rất sợ chó. Sợ chó ở một đẳng cấp rất chi là dị hợm. Người ta gặp chó dữ thì cứ im lặng mà đi qua đi, chó mà dữ quá muốn cắn thì gỡ giày gỡ dép ra mà dọa chó thôi. Hoặc là nếu sợ chó quá thì thấy chó có thể đi đường vòng đúng không. Ấy thế mà mẹ tôi á, nếu mà đi cùng tôi thì chả sao đâu, nhưng cứ đi một mình cái là lại giở chứng. Gặp chó dù hiền hay dữ bà cũng nhìn nó chằm chặp rồi lết lết từng bước nhỏ đi qua nó, thậm chí là còn quát chó: “Con chó nu si kia, mày nhìn cái gì, nhìn nữa tao móc mắt mày ra á, tao không có sợ mày đâu nhá đồ chó nusi”. Và hậu quả của những lần như thế là bị cho nó rượt tóe khói. Bị biết bao nhiêu là lần rồi mà còn không chừa, vẫn cứ cái thói nói chuyện với chó kì được mới thôi.
– Chẳng phải mẹ ngàn năm không lết ra khỏi nhà à, làm sao lại để chó ngoài tận đầu ngõ nó cắn được?
Tôi nghi vấn hỏi lên một câu, dường như câu hỏi nó chạm phải dây thần kinh nào đó của mẹ tôi khiến bà khóc loạn lên.
– Không phải đâu, hình như đêm qua có trộm đột nhập vào nhà ý San ý. Đống ảnh đam mỹ yêu quý của mẹ bị nó trộm sạch sẽ mất rồi á, trời ơi là trời cả cái ảnh nền mẹ mới thay cứng đen đét luôn mà nó cũng xóa được. Rõ ràng hôm qua mẹ ôm cái điện thoại trong tay ngủ luôn cơ mà, sao nó…
– Kẻ trộm đó tên Trần Đình Sơn!
Tôi bất lực thốt ra câu nói chặn đứng những lời dông dài của mẹ tôi lại. Mẹ tôi nói chừng ấy thôi thì tôi đã đủ hiểu lí do khiến bà mò ra ngoài. Chắc hẳn bà ra quán sử chữa điện thoại để yêu cầu khôi phục lại đống ảnh hôm qua tôi xóa đây mà. Tôi đã thừa nhận bản thân là cái kẻ mà mẹ tôi miêu tả rồi, ấy thế mà mẹ tôi vẫn hồn nhiên nói: “A, con biết tên trộm láo toét khốn nạn đó à, mau mau, cho mẹ ảnh nó để mẹ kiếm nó rồi dần cho nó một trận nào.”
– Tên trộm láo toét mà mẹ nói, đang ngồi ngay ngắn trước mặt mẹ. Và nó tên Trần Đình Sơn!