Hoài An trằn trọc, thức trắng đêm trong căn phòng ngập tràn ánh đèn tuýp. Thật đau đớn khi nhớ lại sự việc xảy ra đêm qua. Kẻ trói cô, kẻ để lại chiếc áo sơ mi màu xanh coban đang nhởn nhơ, ung dung khoác lên mình lớp da người tử tế. Thật kinh tởm! Đáng buồn hơn, những người có mặt đêm hôm đó, cả nam và nữ, ai cũng né tránh ánh mắt cầu cứu của cô. Mặc dù họ đều biết thủ phạm nhưng chả ai muốn động chạm đến hắn. Dễ hiểu thôi, thời buổi lo cơm áo gạo tiền, không ai muốn kiếm chuyện để bị điều chuyển công tác sang các điểm trường xa xôi, băng sông vượt suối. Không ai dại cả, thương cô thì ai thương họ. Thà im lặng, mọi chuyện sẽ tự chìm nghỉm theo thời gian hoặc sẽ có dăm ba lời đồn ác ý về cái đêm nghiệt ngã đó và người trong cuộc là Hoài An khi không thể tìm được hung thủ hoặc không có chứng cứ bị xâm hại buộc phải chấp nhận im lặng.
Cầu cứu lúc này là vô ích. Lòng Hoài An chợt lạnh hẳn. “Tình người nằm ở đâu?” Đành hiểu cho họ. Nếu đặt vào hoàn cảnh cô là người có mặt, cô cũng không dám một mình đứng lên chống chọi với một thế lực mạnh. Có dạo, Hoài An nghe chị Thúy kể về tích của một thầy giáo, anh ta chướng tai gai mắt tên Tánh, làm đơn kiện cáo về Sở, tuy nhiên cấp trên giải quyết đơn kiện dựa vào bằng chứng không dựa vào lời đồn. Sau này anh không những bị làm khó dễ mà còn bị cả trường quay lưng. Từ một người thầy nhẽ ra được tôn kính vì dám đứng lên vạch trần cái xấu lại trở thành người bị xa lánh, bị người đời mỉa mai.
Những lúc đơn độc thế này, Hoài An nhớ gia đình vô cùng. Cô nhớ những thùng xốp mẹ dùng trồng hẹ, rau muống, cải răm, xà lách,… xanh mướt trước nhà. Mỗi khi ngán cơm hoặc vào mùa cá Nục, cô lại qua nhà mẹ làm bữa cá hấp cuốn rau muống sống. Ngon mùi vị biển cả! Cô lại nhớ giàn Sử Quân Tử mùa nào cũng cho ra những chùm hoa đỏ, trắng, phản phất mùi thơm mát. Và nhớ cả cây xoài bên hông nhà, chứa bao kỉ niệm ngày hè, cây sai quả, trĩu cành sang ban công, chỉ cần vươn tay là có thể hái được. Mọi thứ tuy đơn giản, bình thường như bao nhà ở thành phố, nhưng làm sao chịu nỗi nỗi nhớ nhà khi con người ta cô đơn. Hoài An bật khóc thành tiếng.
Cô ở cách mẹ ba tiếng đi xe buýt nhưng hiện tại cô không thể về gặp mẹ. Chỉ dám ước có mẹ bên cạnh để úp mặt vào lòng bà khóc òa lên thật to. Như thuở nhỏ cô chơi đuổi bắt, bị ngã tróc hai bên đầu gối, cô cũng chạy về ôm mẹ khóc nấc. Mùi xà phòng trên người mẹ thật thơm tho và làm dịu đi mọi cơn đau ngay tức thì.
Có tiếng gõ cửa làm Hoài An tỉnh mộng, cô nhòm người ra khỏi rèm. Là Adam.
– Em đã thấy ổn hơn chưa?
Ổn ư? Làm sao ổn được cơ chứ. Sự việc chỉ mới vừa xảy ra. Nó ám ảnh đến nỗi mỗi khi nhắm mắt, khuôn mặt hắn lại hiện ra tràn vào trong cả giấc mơ, như một bóng ma đen thùi lùi lẫn quẩn, đuổi bắt, cười cợt. Nhớ lại Hoài An vẫn thấy rùng mình.
– Em không biết nữa. Nhưng có lẽ em cần nhiều thời gian để quên.
– Em đừng lo lắng, đừng sợ hãi. Đã có anh ở đây với em, anh sẽ luôn ở cạnh em, bảo vệ em.
Adam nhìn vào khuôn mặt tái mét của Hoài An, đôi mắt đang rươm rướm lệ. Anh đặt bàn tay lên bàn tay cô, một cảm giác kỳ lạ lan tỏa trong từng dây thần kinh chạy thẳng về tim và tự nhiên trong lòng anh cảm nhận rõ nỗi đau Hoài An đang chịu đựng. Anh thực sự đồng cảm và xót xa. Có lẽ nó xuất phát từ sự thương cảm luôn ẩn nấu trong mỗi con người, chỉ khi gặp tình huống đau thương, sự thương cảm mới trỗi dậy, thể hiện theo từng giai đoạn trưởng thành của đời người. Ví như lúc còn nhỏ, Adam nhặt được chú chim sẻ bị gãy cánh dưới gốc cây, không hiểu sao trong lòng Adam liên tưởng đến cảnh anh bị đứt tay và anh đã khóc tận mấy ngày. Hay năm anh hai mươi bảy tuổi, bà hàng xóm Jean – là người thường cho Adam rất nhiều kẹo ngọt vào ngày Hallowen, hay mỗi lần bà thử công thức làm bánh mới sẽ đem qua cho Adam nếm thử đầu tiên. Khi nghe tin bà chết cô độc bên lò sưởi, Adam không thể khóc được mà thấy buồn như mất một người thân trong gia đình. Và hiện tại, ngoài đau xót cho Hoài An, trong anh còn âm ĩ sự hằn học với tên Tánh. “Cái tên ấy, nếu anh gặp mặt trên đất Mĩ, không biết sẽ cho hắn ăn trọn bao nhiêu viên đạn vào đầu”. Adam thoáng nghĩ.
Giữa những đôi mắt như biết nói, nghi hoặc, phán xét về một người phụ nữ nằm phơi da thịt trên sàn gạch cũ, vẫn còn đâu đó sự thương cảm từ người đàn ông mang dòng máu khác dòng máu đỏ da vàng của cô. Ánh mắt của Adam, màu xanh biếc mê hoặc nhìn cô đầy ắp lo lắng pha lẫn yêu thương, bằng kinh nghiệm của một người phụ nữ từng trãi, Hoài An có linh cảm Adam có tình cảm với cô. Trong lòng Hoài An chợt thấy bồn chồn. Song cũng chính cái từng trãi đã tạo nên một bức tường dày ngăn cách cô với thế giới xung quanh khiến cô nhận thức được thân phận của mình. “Không được! Mình không thể để chuyện này xảy ra được” Hoài An chớp chớp mắt, vội rút tay khỏi bàn tay Adam.
– Em sao vậy? – Adam ngây ngốc nhìn Hoài An
Giữa anh và em không nên quá gần gũi, mọi người sẽ bàn tán, xôn xao. Em rất quý anh nên em không muốn anh bị vạ lây từ em.
– Anh không sợ họ, anh chỉ sợ em không hiểu lòng anh. – Adam nhìn Hoài anh, ánh mắt dò xét.
– Nhưng em không vượt qua được. Mỗi ngày phải giả vờ không nghe thấy, không nhìn thấy, em thật sự mệt mỏi.
– Em đừng bận tâm, đã có anh ở đây với em rồi. Họ sẽ không thể nào nói mãi về chúng ta được. Hoặc anh và em, cùng rời khỏi nơi này, bắt đầu lại từ đầu. Chỉ cần chúng ta đi cùng một con đường, thì mọi thứ xung quanh không thể nào làm khó chúng ta được.
Chỉ vài giây sau câu nói của Adam, căn phòng bỗng trở nên im ắng. Cả hai có thể nghe rõ tiếng nhịp tim đập của chính mình. Cơ thể Hoài An chợt thả lỏng. Như bao người đàn bà khác, trong trạng thái tuyệt vọng, trống chếnh, cô lập. Có một bàn tay đưa ra, vừa ấm áp, vừa bình yên, sẵn sàng ôm lấy cô vào lòng, không màn những lời đàm tếu, không màn đến thị phi. Bức tường thành trong cô dần sụp đỗ. Cô ngồi một mình lẻ loi bên đống gạch vỡ và bàn tay ấy nắm lấy tay cô, đưa cô thoát khỏi cầm tù của chính mình. Còn gì quý hơn một người đàn ông như thế nữa. Hoài An để yên tay mình trong tay anh và trong lòng cô dâng lên một thứ tình cảm mà cô chẳng thể khẳng định là tình yêu hay lòng biết ơn của một người lâm nạn dành cho ân nhân của mình