Sang năm lớp mười một, Trúc chuyển sang phòng nhỏ chỉ có tám người, phòng bé tí nhưng nhiều ánh sáng hơn, thế nào lại cùng phòng với con bé Giang lớp Tin mà lại cả tám đứa cùng khóa. Phòng toàn đứa nói nhiều ngoại trừ Trúc. Một mình phải nghe tất cả chúng nó nói nên nhiều khi bị loạn, râu ông nọ cắm cằm bà kia, thành ra nhiều lúc như bị điếc luôn vì không muốn lọt tai nữa. Dù sao đầu óc đơn giản như Trúc cũng không xử lý thông tin kịp mà ghi nhớ chuyện của từng đứa được, không nhớ kịp nên nhiều khi hỏi một câu ngớ ngẩn chúng nó lại cười cho ý chứ. Thế là kệ, không tham gia vào câu chuyện của chúng nó làm gì, đỡ nhức đầu. Lúc nào rỗi việc thì ngồi ê a với chúng nó, được cái bọn này cũng vui tính, có con bé Cẩm chuyên Sử – Địa, người nó bé tí như học sinh cấp hai nhưng nói thì như MC, nó có thể nói liên tục mà không biết mệt. Nó hóng được rất nhiều chuyện mà tả lại thì sinh động luôn, rất cuốn hút, vào mồm nó là thành chuyện hài hết, cứ bò ra mà cười thôi. Phòng có nó nên tình hình ký túc xá với diễn biến trên trường là được cập nhật liên tục. Từ chuyện chú Thủy mua thêm một con chó, con này đanh đá hơn cả con cũ hay chuyện cái Diệu có thêm một fan hâm mộ đến cả chuyện cô Hiệu trưởng có con gái mới về trường dạy, cái gì nó cũng biết. Con bé giỏi thật. Giá mà nó tiên tri được như bà Vanga nữa thì hết nước chấm.
Trúc với cái Giang thay nhau thắp đèn ký túc, cứ Trúc đi ngủ thì cái Giang dạy học. Chắc là do phòng lúc nào cũng sáng nên kẻ xấu để mắt. Một đêm, nó dạy học bài, chắc ba bốn giờ sáng gì đấy, nó dạy đi vệ sinh xong để cửa mở cho mát, mát quá nên nàng ta ngủ gật lúc nào không biết. Mặc dù đèn học vẫn sáng nhưng thằng trộm mặt dày vẫn cả gan vào nhấc chiếc xe đạp của Trúc. Xe đút bên trong, khóa đàng hoàng thì mất, hai cái xe khác không khóa, dựng gần cửa thì không mất. Huhu.. Truyện Ngôn Tình
Sáng ra cái Cẩm phát hiện ra đầu tiên vì nó dạy sớm thấy cửa mở, cái Giang thì ngủ ngon lành, đèn bàn vẫn bật. Nó réo ầm lên gọi cả phòng dạy kiểm tra xem mất gì không. Ôi thôi, Trúc như ngây như dại, con bé Giang cũng câm nín như tự kỷ luôn, chắc nó cũng sốc luôn nên không ý kiến gì cả. Nhìn mặt nó nên Trúc cũng không muốn nói gì nữa. Bọn phòng động viên ra báo công an phường, Trúc nghe cũng có hy vọng nên tự tin ra trình báo. Chú công an hỏi:
– Xe của cháu màu gì, hãng xe nào sản xuất, số khung là bao nhiêu, có nghi ngờ ai lấy không, lúc mất chính xác là mấy giờ, cửa có khóa không, cổng có khóa không, có ai nhìn thấy không?
Nghe chú hỏi xong mà hoa mắt chóng mặt, tưởng xe máy mới có số hóa ra xe đạp cũng có số. Đúng là được mở mang kiến thức về xe đạp, lần sau mua xe phải ghi lại số khung mới được.
– Không đủ căn cứ thế khó tìm lắm, thôi cứ về đi, tìm thấy thì chú báo.
Trúc tiu nghỉu đi về. Cũng từ đó cái xe đạp đi mất, chỉ có thằng Thắng là ở lại. Nhưng mà Trúc cần cái xe đạp hơn cơ. Khóc hết nước mắt.
Cũng may bố Trúc không mắng gì, chỉ dặn:
– Con bảo các bạn phải chú ý cửa giả, đêm hôm, lại toàn con gái, thế là còn may đấy.
Trúc không hiểu may cái gì nhỉ, mà lời người lớn nói chuẩn thật. Vài tuần sau lại xảy ra drama mới, suýt nữa thì thành án hình sự, vụ xe đạp nhanh chóng đi vào dĩ vãng.
Trời hửng sáng, cô Vân cứ thấy phòng nào mở cửa là gọi cả phòng xuống. Giọng cô chậm rãi:
– Có một chuyện nghiêm trọng vừa xảy ra nhưng rất may là không để lại hậu quả.
Cô Vân ngừng một lát, mặt căng thẳng, không khí như kiểu sắp kể chuyện ma, giọng cô thì thào, Trúc căng hết cả tai ra nghe.
– Đêm qua, tầm một hai giờ sáng, cả phòng ngủ hết, chỉ có em bé lớp mười kia học khuya, xong mở cửa đi vệ sinh (khu vệ sinh nằm bên ngoài phòng, riêng biệt và rất tối). Chắc lúc ý một thằng trộm đã lẻn vào phòng, chui xuống gầm giường, giường em lại giường tầng một. Lúc em vào phòng, cài cửa tắt điện xong, vừa nằm xuống thì nó ngoi lên, dí dao vào cổ và ép em đi ra ngoài. Lúc ý tầm năm giờ sáng, bác bảo vệ đã mở cổng và đi về nhà nghỉ.
Cần nói thêm là trời vào đông nên vẫn còn khá tối. Và công viên gần ký túc, cách có bảy, tám trăm mét.
Cô Vân thở dài rồi kể tiếp:
– Thế rồi nó đưa ra công viên. May sao em thấy có người đi tập thể dục buổi sớm nên chống trả rồi hét lên. Người ta nghe thấy chạy đến và thằng kia đã bỏ chạy. Người ta đã đưa em về tận ký túc rồi.
Rồi cô Vân lại dặn dò:
– Em ấy đã an toàn, chỉ xây xước nhẹ, không có tổn hại gì khác nhưng bây giờ vẫn rất hoảng loạn. Cô sẽ báo cáo Nhà trường nhưng trước mắt, các thầy cô nhất trí sẽ không báo án. Các thầy cô yêu cầu các em giữ kín chuyện này và không bàn luận hay trao đổi thêm bất cứ điều gì ngay sau cuộc nói chuyện này để tránh gây thêm tổn hại tâm lý cho em ý, cũng không ai được phép tò mò đi hỏi tên của em ý nữa. Như thế là các em đã giúp em ấy rồi. Rõ cả chưa?
Cả lũ ngơ ngác, sợ hãi im thin thít, khó tiêu hóa được câu chuyện như phim của cô Vân. Thấy cả lũ im re, Cô Vân giọng thì thào nhưng đanh thép:
– Rõ chưa hả?
Chúng nó cũng thì thào như sợ người ngoài nghe thấy:
– Vâng ạ..
Trúc thở phào, nghĩ bụng, tập thể dục buổi sáng thật tuyệt vời, vừa đảm bảo sức khỏe lại vừa làm được việc thiện, cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp. Nhất định sau này già, bọn Trúc cũng sẽ ra công viên tập thể dục.
Sau đấy chúng nó nháo nhác trong im lặng, đóng cửa thì thào. Chúng nó giữ lời hứa với cô Vân nhưng đổi chủ đề thành việc làm sao mà thằng trộm lại trèo vào được nhỉ, cổng cao mà khóa đàng hoàng (sau vụ mất xe đạp thì khóa mới được mua liên tục khi hỏng) lại căng dây thép gai phía trên. Tường cũng cao lắm, Trúc nhảy lên cũng không với tới, tại sao có thể?
Rồi bọn nó đi điều tra, ngó nghiêng khắp nơi, cả bên trong và bên ngoài tường. Rồi sự thật được hé lộ. Phía bên kia bờ tường cạnh khu nhà vệ sinh, trước đây là cái ao nhưng bây giờ đã được đổ đất san phẳng để đầu tư dự án khu dân cư. Nền đất mới chỉ cách bờ tường chưa đến một mét rưỡi, đứa nào cao là vẫn thò đầu trên bờ tường, nhìn được vào ký túc. Khủng hoảng thực sự. Chúng nó đi báo cáo với cô Vân ngay lập tức. Nhà trường sau đó đã cho xây tường cao thêm và cắm mảnh chai chi chít. Bác bảo vệ cũng được yêu cầu bảy giờ sáng mới được về nhà.
Vậy là tạm ổn, ký túc trở lại yên bình nhưng không còn vui như trước nữa. Con bé Giang cũng không dám mở cửa cho thoáng nữa. Dần dần bọn ký túc cũng thay đổi phong cách, bớt dạy sớm mà thức khuya tí an toàn hơn.
Chỉ có Trúc là vẫn ngóng tin chú công an: “Hic hic.. chú ơi, cháu phải mượn xe đạp đi học nè, chú có nghe thấy cháu nói gì không? Xe đạp ơi, tao mang thương nhớ gửi vào trong gió”.