Bởi vì chuyện đổi sách nên Từ Vãn Tinh nghẹn một bụng tức. Cố tình càng xui xẻo hơn là sau khi tan học cô vừa chạy tới quán trà thì đã thấy Từ Nghĩa Sinh thổi râu trừng mắt hung hăng hỏi: “Con tới làm gì?”
“Giúp ba trông sạp đó.” Cô không hiểu gì hết.
“Hôm qua ba nói cái gì? Con đều bỏ ngoài tai hết rồi hả?”
“Không không không ——”
Đúng vậy, cô đúng là coi như gió thoảng bên tai rồi.
Từ Vãn Tinh bắt đầu khổ sở nghĩ lại: ngày hôm qua lão Từ nói cái gì một đống lung tung rối loạn cô nhớ không nổi. Nhưng không sao, Từ Nghĩa Sinh cũng biết cô không nghĩ ra. Ông hung dữ trực tiếp nói luôn: “Ba đã nói rồi, từ hôm nay trở đi con không cần tới hỗ trợ quán nữa, mỗi ngày tan học thì ở nhà làm bài tập cho nghiêm túc, không được chậm trễ thời gian!”
Í, đây không phải lời lúc giận dữ à?
Từ Vãn Tinh không thể tin tưởng mà nhìn ông hỏi: “Ba nói thật hả?”
Từ Nghĩa Sinh không nói chuyện mà dang tay chỉ về phía hẻm Thanh Hoa, vẻ mặt kiên quyết.
“Được rồi, được rồi, con đồng ý với ba sẽ không đến quán trà đánh bài giúp dì Trương nữa, chỉ ở quán phụ ba ——”
“Không được.”
“Vậy…… lúc quán không quá đông con nhất định sẽ bớt thời gian đọc sách ——”
“Cũng không được.”
Từ Nghĩa Sinh quả thực đã hạ quyết tâm, mặc kệ việc buôn bán bận thế nào, dù thiếu người thì sẽ bán ít tiền hơn nhưng ông tuyệt đối không thể để con gái mỗi đêm tới sạp bận việc với mình. Không nói tới chuyện con bé có thể bị kéo vào quán trà lấp chỗ trống dánh bài, chỉ nguyên việc con bé đã lãng phí quá nhiều thời gian ở ngoài này đã là không được.
Đứa nhỏ nhà khác từ nhỏ đã tham gia đủ loại lớp học thêm, chỉ có Từ Vãn Tinh là từ lúc tập tễnh học đi đã theo ông đi bán hàng, gặp đủ thứ người.
Hiện giờ cô đã lớp 11, ông không thể để con gái vừa sinh ra đã ở vạch đích thì ít nhất cũng không thể cản trở con bé tiến lên được.
Cha con họ Từ người nào cũng bướng bỉnh, nhưng ở chuyện này thì lão Từ vẫn tuyệt đối có bản lĩnh. Rốt cuộc ông cũng nhiều kinh nghiệm sống hơn Từ Vãn Tinh.
Và đương nhiên Từ Vãn Tinh chỉ có thể chiến bại và trở về nhà.
Từ gia ở đầu hẹp nhất của hẻm Thanh Hoa, là một ngôi nhà trệt hai tầng nho nhỏ. Bên ngoài là tường bằng gạch đỏ cổ xưa, cũng không ốp gạch men. Vì hàng năm dãi nắng dầm mưa nên xi măng có loang lổ rêu xanh, ngoài ra còn có dây đằng màu xanh lặng yên bò lên. Qua tháng ngày tích lũy chỗ này đã có một mảng dây thường xuân xanh um, từng nhánh thường xuân đan thành cái võng, trong lúc lơ đãng để lộ vẻ đẹp tráng lệ của sinh mệnh.
Nghe nói từ đời ông của Từ Nghĩa Sinh nhà bọn họ đã ở đây, căn nhà này cũng có thể nói là đã rất già.
Đáng tiếc Từ gia neo đơn, tới lứa Từ Nghĩa Sinh thì cha mẹ ông đều đã qua đời, chỉ để lại một đứa con trai độc thân như ông. Cũng may ông trời đưa một Từ Vãn Tinh tới cho ông ấy một cái nhà.
Từ Vãn Tinh kéo cửa sổ xưa cũ ra, cả người buồn bã ỉu xìu ngồi trên mặt đất ở lầu hai.
Cái gọi là lầu hai kỳ thật chỉ là một cái lều xây lên trên nóc lầu một. Bên ngoài là chỗ phơi quần áo, bên trong có một bộ bàn ghế cũ, một cái thảm to rộng. Lúc thời tiết thích hợp Từ Vãn Tinh có thể ngồi đây làm bài tập, không cần ngồi trong phòng ngủ chật chội.
Lúc tiểu học Từ Vãn Tinh có đến nhà bạn học có điều kiện chơi một lần, sau khi về nhà cô bắt đầu năn nỉ cha làm một cái thư phòng cho mình.
“Nhà bạn con có cái thư phòng cực lớn, có sô pha, có đàn dương cầm, có giá sách to bằng một mặt tường này, còn có……” Lúc đó tiểu Vãn Tinh còn không hiểu chuyện, chỉ nhìn cha mình bằng ánh mắt trông mong, đợi bản thân cũng có một thiên đường như thế.
Từ Nghĩa Sinh khó xử một đêm, ngày hôm sau ông đánh lên tinh thần rồi bò lên nóc nhà bắt đầu gõ gõ đánh đánh mà mân mê.
Tối đó Từ Vãn Tinh tan học trở về đã thấy ngôi nhà trệt mọc thêm tầng 2. Tuy nơi ấy chỉ là một cái lều cực kỳ đơn sơ nhưng cũng có một rương đồ chơi cũ của cô, một cái bàn cũ và một cái ghế dựa.
Đối với đứa nhỏ ở tuổi ấy thì mọi việc cũng chẳng cần hoa lệ sang quý. Từ Vãn Tinh chẳng qua cũng chỉ muốn một không gian độc lập mà thôi. Mà cái thiên đường ấy Từ Nghĩa Sinh đã khẳng khái tặng cô.
Đêm hôm đó cô nhóc ngủ trên cái thảm to rộng không biết Từ Nghĩa Sinh tìm được ở chỗ nào. Cứ thế chỉ cần mở mắt là có thể thấy dải ngân hà sáng lạn bên ngoài cửa sổ.
Từ Vãn Tinh đúng là vui đến hỏng rồi.
Tuy mấy năm nay thành phố có tới nhiều lần nói đây là xây dựng bất hợp pháp và đòi hủy nhưng hai cha con nhà này đều vâng chịu một nguyên tắc vàng đó là kéo được tới lúc nào thì kéo vì thế cái chỗ này tạm thời vẫn được giữ lại.
Từ Vãn Tinh ngồi xuống trước cửa sổ sau đó ném cặp sách xuống đất rồi mới buồn bã ỉu xìu đẩy cửa sổ ra.
Cách một con ngõ nhỏ là một căn nhà có hai tầng, trông khí phái hơn nhà cô một chút. Tốt xấu gì thì lầu hai nhà họ cũng không phải cái lều mà là phòng xây bằng xi măng…… Nhưng tóm lại cũng không quá tốt.
Phía sau cửa sổ kia là một cô nhóc tái nhợt gầy yếu đang múa bút thành văn. Từ Vãn Tinh huýt sáo một cái sau đó gọi: “Tân Ý!”
Cô nhóc kia lập tức giật mình ngẩng đầu nhìn cô, cũng không dám lên tiếng mà chỉ sốt ruột chỉ chỉ cánh cửa phía sau.
Từ Vãn Tinh hiểu ý, cha của Tân Ý ở nhà. Thế là cô không nói nhiều mà ngựa quen đường cũ móc sách bài tập ra, lại lấy từ trong đống bút một cái bút đánh dấu màu đỏ chót. Cô xé một tờ giấy viết mấy chữ rồng bay phượng múa cực lớn rồi giơ cho người bên kia nhìn.
Tân Ý tập trung nhìn chỉ thấy trên đó viết mấy chữ to: Cho mình mượn bài tập để mình chép!
Tấn Ý lại cúi đầu viết mấy chữ sau đó giơ vở lên cho Từ Vãn Tinh xem. Chữ màu xanh ngay ngắn ghi: Môn nào?
Từ Vãn Tinh vùi đầu, hai giây sau lại giơ giấy lên: Tất cả các môn.
Tân Ý: “……”
Sau đó hai người bắt đầu tiến hành giai đoạn tiếp theo ——
Từ Vãn Tinh lấy một cây gậy trúc thật dài từ giàn phơi quần áo sau đó quét sạch đồ trong cặp rồi treo cái cặp rỗng lên gậy trúc và cẩn thận ngoắc ra ngoài cửa sổ quẩy sang chỗ Tân Ý.
Ở bên kia Tân Ý cũng dọn dẹp bài tập hôm nay bỏ vào cái cặp kia sau đó làm động tác ok.
Từ Vãn Tinh tay chân nhanh nhẹn thu gậy trúc về, gỡ cặp sách cầm trong tay. Nhưng lúc mở cặp ra cô thấy một tờ giấy có chữ của Tân Ý ——
“Vãn Tinh, mình biết cậu rất thông minh, có thể dùng thời gian ngắn để nắm được những tri thức mình phải học mãi mới hiểu. Nhưng chỉ còn chưa đến 2 năm là thi đại học rồi, cậu nên tận tâm với việc học hơn, có những khó khăn không phải cứ thông minh là giải quyết được đâu, ví dụ như thời gian chẳng hạn.”
Từ Vãn Tinh ngây ra, biểu tình bỗng nhiên trở nên nghiêm túc. Đây là lời một người học ngữ văn thật tốt mới có thể nói được, nghe thật là có đạo lý! Chỉ tùy tiện viết một tờ giấy nhỏ đều như “danh ngôn của danh nhân”, lời hay không kém gì kịch.
Cô nhếch miệng cười với bạn mình ở đối diện rồi bắt đầu cúi đầu chép bài. Kỳ thật cũng không phải cô không hiểu chuyện, cô cũng biết phải nỗ lực, nhưng lười quen rồi, hơn nữa tâm tình của cô hôm nay thực tệ…… Từ Vãn Tinh nghĩ bắt đầu từ mai cô nhất định sẽ học tập thật tốt.
Trong đầu chỉ toàn quyết tâm học tập, Từ Vãn Tinh chép bài tập được một nửa lại vì không ngủ trưa nên mí mắt díu lại, cuối cùng loảng xoảng ngã trên bàn mà ngủ luôn.
Tân Ý và Từ Vãn Tinh là bạn ngồi cùng bàn, cũng là hàng xóm, từ nhỏ hai người cùng lớn lên và biết nhau.
Chỉ tiếc tuy là hàng xóm nhưng quan hệ của cả hai cũng không quá thân thiết.
Nguyên nhân thứ nhất: cha mẹ Tân Ý cực kỳ nghiêm khắc, từ nhỏ đã bắt cô nhóc học đủ thứ, học múa, học đàn tranh… Từ Vãn Tinh là đứa nhỏ lớn lên bên lề đường còn Tân Ý dạo đủ các loại Cung Thiếu Nhi rồi lại cần cù học tập vì thế hai người đương nhiên có ít cơ hội chơi với nhau.
Nguyên nhân thứ hai: Với bậc cha mẹ hà khắc như nhà Tân Ý thì dù cô nhóc có thời gian họ cũng sẽ không cho con mình chơi với một đứa nhỏ hoang dã như Từ Vãn Tinh. Đừng nói tới chuyện từ nhỏ cô đã đánh nhau, đánh bài, mà bất kỳ lúc nào nhìn thấy cô bọn họ cũng như thấy mộ con khỉ bùn, không hề có nửa điểm thục nữ. Con nhà họ không thể biến thành như vậy được.
Vì thế hai người chỉ thật sự thân thuộc hơn khi đã thành bạn ngồi cùng bàn cấp ba.
Từ Vãn Tinh mơ màng ngủ gật, mãi tới khi bị động tĩnh đối diện đánh thức.
Ngõ nhỏ cũ kỹ vốn không có cách âm, huống chi đây lại là đầu hẹp nhất của hẻm. Từ cửa sổ phòng Tân Ý tới cửa nhà Từ Vãn Tinh chỉ chừng 2 mét. Nhà ai đánh cái rắm thì nhà khác cũng nghe được.
Trong lúc ngủ mơ màng cô nghe thấy tiếng cha Tân Ý ở đối diện to tiếng: “Làm xong bài tập chưa? Bây giờ mới mấy giờ đã ngủ hả?”
Tân Ý yếu ớt trả lời: “Con làm xong hết rồi, vốn con chỉ định nghỉ ngơi một chút, không hiểu sao lại ngủ mất ——”
“Làm xong? Làm xong là có thể ngủ hả? Mày nhìn xem có con nhà ai học cấp ba mà 8 rưỡi tối đã ngủ không? À, mày mệt nên muốn nghỉ ngơi, nhưng đầu óc vốn đã không tốt, nếu còn lười biếng thì có thể thi được vào trường nào?”
“Ba, con chỉ cảm thấy hơi mệt, trước kia con chưa từng ngủ sớm như thế, sau này cũng không ——”
“Mọi việc có một thì có hai, mày còn dám cãi hả?”
……
Từ Vãn Tinh thấy khuôn mặt cha Tân Ý hung dữ thì lập tức đứng lên.
Hiển nhiên động tĩnh này của cô đã bị người phía đối diện nhìn thấy. Ông ta nhíu mày đóng rèm cái rụp một phát, nhưng tiếng mắng mỏ vẫn không hề giảm.
Sắc trời đã tối, một tia nắng cuối cùng cũng biến mất khỏi chân trời. Từ nóc nhà truyền đến tiếng vang rất nhỏ, giây tiếp theo có con mèo hoang mang tư thế ưu nhã đứng trên cửa sổ, sau đó nó ngựa quen đường cũ nhảy vào trong phòng.
Con mèo kia có màu lông loang lổ vàng trắng, là người quen đã lâu của cô, cũng là con mèo có quan hệ tốt nhất với cô trong đám mèo hoang quanh đây.
Từ Vãn Tinh thất thần đi xuống dưới mở tủ lạnh tìm được một túi bánh quy đã xé bao bì cùng một hộp cơm được bọc kín. Trên nắp hộp còn có tờ giấy ghi: Ăn hết cho ba, không được thừa một hạt cơm nào!
Cô bỏ hộp cơm vào lò vi sóng quay một chút, sau hai phút cô ôm hộp cơm và túi bánh quy chạy thình thịch lên lầu.
Con mèo A Hoa vẫn đứng ở cửa sổ chờ cô, lúc thấy cô đi ra con mèo meo meo một tiếng, gấp không chờ nổi mà nhảy đến bên chân cô sau đó tham lam nhìn bánh quy cô mang tới.
Trong bóng đêm, gió ngoài cửa sổ thổi vào mang theo hơi lạnh, một người một mèo ngồi xổm trước bàn ăn cơm.
Gió thổi tới mang theo tiếng cãi vã đứt quãng từ nhà bên cạnh, nói là cãi vã thì cũng không đúng, rốt cuộc thì Tân Ý là người nhát gan sợ phiền phức nên không bao giờ dám cãi bố mẹ. Cùng lắm thì đây chỉ là một cuộc mắng mỏ đơn phương từ một phía.
Mới đầu chỉ có cha Tân Ý quở trách cô ấy lười biếng ngủ, sau đến mẹ cũng gia nhập nói đầu óc cô ngốc, trước giờ đều không thể học 1 biết 10. Lên lớp 11 mới học tập bận rộn chút mà tới đàn tranh cô cũng không tập luyện, thi cấp 10 đến hai lần vẫn không qua, quả là mất mặt.
Giọng Tân Ý rất ít khi vang lên, cũng không phải cô bé không muốn giải thích cho bản thân nhưng mỗi lần mở miệng chưa tới hai câu lại bị đánh gãy.
Cha mẹ quá mức nghiêm khắc sẽ tạo thành con cái mềm yếu. không những thế thậm chí tới năng lực phản kháng cũng biến mất. Từ Vãn Tinh càng nghe càng tức, vừa nhớ đến khuôn mặt tái nhợt gầy yếu của Tân Ý là cô đã giận sôi máu. Cuối cùng cô nện hộp cơm lên bàn sau đó đứng dậy.
A Hoa khiếp sợ ngao một tiếng rồi trốn xuống dưới bàn mở to hai mắt quan sát cô.
Chủ nhân hộp cơm quên mất lời dặn dán trên nắp, cơm lúc này còn hơn nửa. Cô quay đầu thịch thịch thịch chạy xuống lầu, đi qua hẻm nhỏ sau đó mạnh mẽ gõ cửa.
Phanh phanh phanh, cửa nhà Tân Ý bị đập vang rung trời.
Bậc phụ huynh ở trên lầu vốn đang tức giận nghe thấy tiếng đập cửa không lễ phép này thì càng tức hơn. Ông bố cao giọng rống lên: “Ai thế? Đập hỏng cửa rồi có muốn đền không?”
Cửa vừa mở ra ông ta đã ngây người.
Ngoài cửa là con nhóc nhà đối diện đang trừng ánh mắt lạnh băng. Giọng con nhóc kia còn lạnh hơn cả mặt nó: “Chú à, phiền chú nhỏ giọng một chút. Đây là hẻm Thành Hoa, không phải khu biệt thự, chú còn tưởng nhà chú lắp thiết bị cách âm à mà đứng bên cửa sổ chửi đổng?”
Nhà họ Tân và nhà họ Từ tuy ở đối diện nhưng ngày thường gặp nhau cũng chẳng chào hỏi gì. Hai ông bố không thèm nói nhưng lúc đóng cửa lại ai cũng chướng mắt kẻ còn lại.
Họ Tân lập tức nhướng mày chỉ vào Từ Vãn Tinh mắng: “Còn nhỏ mà nói chuyện bố láo thế hả?”
Từ Vãn Tinh lại cắn chặt không buông: “Chú cũng một đống tuổi rồi lại mắng chửi con để cả phố nghe thấy, ảnh hưởng tới hàng xóm. Hai chúng ta đúng là tám lạng nửa cân chứ gì?”
Quả thực đúng là lửa cháy đổ thêm dầu!
“Ba mày đâu? Để ông ta tới dạy dỗ lại mày đi thôi. Chuyện nhà tao không mượn người ngoài nhúng tay, cũng chẳng liên quan gì tới nhà mày. Mày đừng có mà xía vào chuyện nhà người khác.”
Ông ta giơ tay định đóng cửa lại thì bị Từ Vãn Tinh ngáng chân chặn.
“Chú dạy con mình thì cháu quả thực không dám xen vào, nhưng cháu ở ngay đối diện nên nghe không nổi nữa.” Từ Vãn Tinh không thể nhịn được, “Thi cuối tuần trước bạn ấy đạt vị trí thứ hai ở lớp, nhưng chú có khen bạn ấy câu nào không? Mỗi ngày làm xong bài tập còn bị chú nhét cho một đống bài tập lung tung bắt làm, xong dì lại bắt bạn ấy luyện đàn tranh, thế thì thở kiểu gì? Có người bức con cái như mấy người hả? Rốt cuộc là sinh con hay sinh nô lệ? Mấy người chẳng để ý tới cảm xúc của con mình, tất cả chỉ muốn giữ mặt mũi, này mà cũng xứng làm cha mẹ sao?”
Ngõ nhỏ không cách âm, lại đều là hàng xóm nhiều năm nên chỉ chút động tĩnh đã khiến mọi người để ý. Không ít người đẩy cửa sổ ra xem, có người sợ đứa nhỏ cùng một người đàn ông lớn tuổi cãi nhau sẽ bị thiệt —— rốt cuộc họ Tân này từng có lịch sử uống say đánh con mình mà còn không biết.
Vì thế rất nhanh đã có một đám bác trai bác gái cầm quạt hương bồ, mặc tạp dề đi ra khuyên bảo.
Họ Tân kia đương nhiên là đen mặt mà chửi ầm lên.
Từ Vãn Tinh thì sao, cô cũng không phải dạng vừa, người ta mắng càng hăng say thì thế công của cô cũng không kém, nói câu nào cãi câu ấy.
Ví dụ như ông ta mắng cô không có gia giáo thì cô lại nghiêm túc gật đầu nói: “Nếu người có gia giáo đều như chú thì cháu không có gia giáo còn hơn.”
Ông ta mắng cô bắt chó đi cày và xen vào việc người khác thì cô lại nghiêm túc hỏi lại: “Cháu là chó vậy chú là chuột à?”
Ông ta nổi trận lôi đình: “Mày còn dám nói hươu nói vượn tao xé miệng mày đó!”
Từ Vãn Tinh líu lưỡi: “Thế thì không được đâu.” Sau đó cô quay đầu nói với mọi người vây xem, “Làm phiền các bác, các cô giúp cháu làm chứng, nếu đêm nay cháu thật sự bị gì thì để ba cháu tới tìm chú Tân đòi tiền thuốc men!”
Cuối cùng cô còn nhìn ông ta cười cười nói: “Chú yên tâm, nhà cháu gia giáo không tốt, nhất định sẽ khiến chú táng gia bại sản.”
Ông ta: “……”
Như thế này mà còn nhịn được thì còn có gì không nhịn được nữa!
Một trò khôi hài náo loạn gần 20 phút, cuối cùng nhờ hàng xóm láng giềng khuyên giải mới kết thúc. Tân Ý bị mẹ giữ trong nhà không cho ra, còn cha cô ấy thì cuối cùng cũng không còn mặt mũi nào mà đóng cửa vào nhà.
Nhóm bác trai bác gái cứ nhắc nhở Từ Vãn Tinh mãi “Có lòng nhiệt tình là chuyện tốt nhưng cũng chớ chọc lửa đốt thân”, “Họ Tân kia luôn như thế, cháu giúp tiểu Ý cũng không giúp được cả đời đâu”. Nói xong mọi người cũng tan.
Từ Vãn Tinh trợn trắng mắt lườm về phía cửa nhà Tân Ý rồi nghĩ đại khái bọn họ cũng không còn sức mà mắng Tân Ý nữa. Lúc này cô mới mỹ mãn xoay người về nhà, ai biết khóe mắt lại thấy có bóng dáng cách đó không xa.
Vốn người đi hẻm vắng, nhưng dưới ánh đèn mờ nhạt phía xa lại có bóng người đang đứng. Người nọ mặc một thân áo mũ trùm màu trắng, quần thể thao màu xám, bóng dáng cao dài quen mắt.
Kiều Dã đứng ở đó, hiển nhiên đã thu hết trò vui vừa rồi vào trong mắt.
A, thật là oan gia ngõ hẹp.
Từ Vãn Tinh còn nhớ thương đống sách bẩn kinh hoàng trong ngăn kéo nên vừa thấy kẻ thù đã giận sôi máu.
“Sao hả, xem náo nhiệt vui quá hả?” Cách một khoảng xa cô cũng không cho đối phương sắc mặt tốt gì.
Nhưng chèn ép trong dự đoán cũng không tới, Kiều Dã nhìn cô từ xa, sau đó dừng một chút mới bình tĩnh nói: “Tài ăn nói không tồi.”
Từ Vãn Tinh sửng sốt, hoài nghi tai mình có vấn đề: “Cậu nói cái gì?”
“Tôi nói đống ưu điểm ba cậu liệt kê ở nhà tôi ngày đó cũng không phải hù người. Ít nhất cậu cũng coi như có tâm hiệp nghĩa, thích giúp đỡ mọi người, chỉ có điều tâm tình đó như phù dung sớm nở tối tàn.”
Từ Vãn Tinh cả giận mắng: “Ba tôi chưa bao giờ hù người khác nhé?!”
“Thế cái gì mà tôn kính bề trên, tuân thủ kỷ luật, khắc khổ học tập?” Kiều Dã cười nhạo, “Nếu cãi tay đôi với chủ nhiệm lớp gọi là tôn kính bề trên, tụ tập đánh bạc là tuân thủ kỷ luật, mỗi ngày chép bài tập là khắc khổ học tập thì ba cậu nói cũng đúng ha.”
“………………”
Từ Vãn Tinh cáu lắm rồi: “Không cho cậu nói ba tôi nói bậy!”
“Cậu hiểu lầm rồi.” Kiều Dã nhàn nhã nói, “Ta chẳng hề nói ông ấy nói bậy.”
“Ha hả, phải không?” Lừa quỷ à!
Từ Vãn Tinh đang muốn phản bác thì giây tiếp theo ánh mắt Kiều Dã đã dừng trên mặt cô, thản nhiên đáp: “Là thật. Tôi rõ ràng đang nói cậu mới là kẻ nói bậy.”
“……”
Gần đó lại có bác trai bác gái thăm dò nhìn ra, Từ Vãn Tinh cũng sợ lão Từ trở về nghe nói mình cùng nhà đối diện cãi nhau, cãi xong còn chuyển sang mắng nhiếc với nhà mới chuyển tới. Vậy lúc ấy chính là mạt kiếp của cô, có lý cũng không biết nói thế nào.
Cô đơn giản hung hăng liếc xéo Kiều Dã một cái: “Tôi nói cho cậu biết hôm nay tôi không chấp nhặt với cậu. Chiến trường của chúng ta là ở lớp học, ngày mai hai ta không yên được đâu!”
Nói xong, Từ Vãn Tinh nghênh ngang bỏ đi. Trong bóng đêm thiếu nữ kiêu ngạo ương ngạnh giơ cao tay phải, ngón giữa dựng thẳng.