Ngồi Khóc Trên Cây

Chương 50



Từ chợ Kế Xuyên về làng Đo Đo chỉ mười cây số, tôi đã qua lại trên con đường này nhiều lần nhưng chưa bao giờ tôi thấy nó xa đến thế mặc dù tôi đi gần như chạy.

Hôm tôi về con đường đất mấp mô lầy lội vì làng Đo Đo đang vào mùa mưa. Trời vẫn nắng sáng lúc tôi đi nhưng trận mưa hôm trước khiến mặt đất có những vũng nước đọng rải rác và ở các gò đất hai bên đường lũ nấm mối đang hớn hở thi nhau giương những chiếc ô tròn màu trắng xám.

Tiếng chim khúc khích trong các bụi cây ven đường như thể đang chọc ghẹo những bước chân hối hả chốc chốc lại suýt té vì vấp vào những mô đất của tôi.

Con đường sắt nằm im lìm khi không có đoàn tàu chạy qua, nhưng dĩ nhiên tôi không có tâm trí nào nán lại chờ tiếng còi tàu như thói quen.

Cho dù tôi biết đến tối tôi mới có thể gặp được con Rùa khi nó từ thị trấn trở về nhưng tôi vẫn vội vã rảo bước. Con chim xanh hạnh phúc tưởng đã bay đi mất bất ngờ quay về đậu trên vai tôi khiến tôi không muốn trì hoãn một phút giây nào dọc đường.

Với chiếc ba lô nhún nhảy trên lưng, tôi vội vã đi lướt qua những đàn bò đang thong thả gặm cỏ, những hàng rào dâm bụt đỏ chói, những chiếc chong chóng quay vù vù trên tay đám con nít đứng trước các hiên nhà ngó ra. Tôi đi lướt qua nắng, qua gió, qua mùa chong chóng của bọn trẻ làng, qua bà mẹ mùa đông người chị cánh đồng, qua hờn tủi buồn đau để cảm nhận một cách rõ rệt tôi đang bỏ lại sau lưng những ngày ảm đạm.

Đón tôi về là yêu thương, là hạnh phúc giấu giữa những bụi duối dại, dưới bóng dây leo, là những chiếc lá bướm bạc hứng đầy ánh sáng, là hoa huỳnh anh ươm vàng thềm giếng, là hoa dong riềng nhuộm đỏ bờ sông Kiếp Bạc.

Khi bước vào nhà, ôm lấy thím Lê, lần đầu tiên trong đời tôi bật khóc trên vai thím. Khóc vì sung sướng, khóc vì rốt cuộc tôi đã trở về, và khóc vì vừa hờn giận vừa biết ơn số phận đã thử thách và hành hạ tôi quá mức nhưng đến phút chót đã kịp nghĩ lại để hào phóng bù đắp cho tôi tất cả.

– Con về dịp này hay quá. – Thím Lê nói, cũng sụt sịt giống như tôi – Tuần tới là đám giỗ chú con.

Tôi quên mất ngày đám giỗ chú Thảo nhưng tôi nhớ chú mất vào một mùa mưa lê thê trời lạnh đến mức bọn chồi non rủ nhau trốn biệt trong các nách lá.

Thằng Thục đi học trong Tam Kỳ chưa về, trưa đó tôi ăn qua loa một chén cơm rồi leo lên phản nằm một mình. Tôi không ngủ trên xe một phút nào vậy mà tôi vẫn không tài nào chợp mắt được. Tôi trằn trọc một lát rồi ngồi dậy đi loanh quanh trong sân. Khi tôi ngước mặt lên tàng me trước ngõ, hình ảnh con Rùa ngồi khóc trên cây đêm nào chợt hiện ra trong tâm trí khiến tôi tự dưng nhớ nó da diết.

Thế là tôi đi ra cổng.

– Con đi đâu đó con?

Tôi ngoảnh lại, thấy thím Lê đang đứng vịn tay trên cửa ngó ra.

– Dạ con lên thăm cô Út Huệ. – Tôi ngần ngừ một chút rồi nói thêm – Tối con ngủ trên nhà cô Út luôn nha thím.

Nghe tôi trả lời, thím chỉ “Ờ” một tiếng rồi không nói gì thêm. Đi một quãng xa, tôi ngoảnh lại thấy thím vẫn đứng chỗ ngách cửa nhìn theo.

Khi đi qua cây cầu treo bắc ngang sông Kiếp Bạc, tôi nhận ra đây không phải là cây cầu cũ. Những miếng ván lát dưới chân, những dây vịn đã được thay mới hoàn toàn. Ờ, thay cây cầu là đúng rồi. Nhưng sao người ta không đúc cầu bê tông nhỉ? Tôi vừa đi vừa nghĩ, không dám nhìn xuống dưới vì sông Kiếp Bạc mùa này nước đầy ắp và phi như ngựa tế tạo cảm giác cây cầu đang trôi nhanh đến chóng mặt.

Dãy bìm bìm vẫn tím ngát bên kia sông khiến tôi cảm thấy lòng dịu đi giữa cái nắng chói chang. Lúc đi ngang bụi cúc tần, tôi cúi xuống bứt một nắm lá me chua đất nhét vào túi áo. Tối nay tôi sẽ tặng con Rùa những chiếc lá hình trái tim này. Tôi sẽ nhai một chiếc và xúi nó nhai một chiếc để nhớ lại ngày đầu tiên hai đứa tôi quen nhau.

Cô Út Huệ có lẽ đang ở ngoài đồng khi tôi đến. Bé Loan trọ học ngoài thị trấn nên nhà vắng hoe. Trên các bức vách chong chóng cắm chi chít: chong chóng tre, chong chóng lá dừa, chong chóng dán giấy kính màu, chong chóng làm từ bao thuốc lá… Nhiều chiếc đang quay tít trong gió đông.

Tôi ra nhà sau nhấc ấm chè đang bắc trên bếp rót một ly uống cho đỡ khát rồi bước sang nhà con Rùa.

Mặc dù biết nó không có nhà vào giờ này, tôi vẫn thấy hồi hộp lạ lùng. Khi những éo le của cuộc đời đã được rũ bỏ, thế giới dường như được sinh ra lần nữa, kể cả chuyện tình của hai đứa tôi. Có lẽ đó là lý do tôi đang bắt gặp mình đi trên những bước chân xao xuyến của lần hẹn hò đầu tiên.

Bà nội con Rùa đang ngồi bên thềm giếng với rổ rau xanh như hình ảnh tôi nhìn thấy hôm nào. Vẫn những cành huỳnh anh đó đang nghịch ngợm quẹt những bông hoa vàng lên lưng bà và lên chiếc nón lá bà đang đội để che nắng.

Bà không ngước lên nhưng không hiểu sao bà vẫn nhận ra tôi.

– Đông mới về hả con?

Tôi nghe tiếng bà hỏi, dịu dàng và thân mật như hỏi một đứa cháu trong nhà. Và tôi khẽ gật đầu, cảm động:

– Dạ.

Tôi lại bối rối gí gí những mũi chân xuống sàn giếng, không biết phải nói thêm gì nữa. Lần trước tôi đã thú nhận với bà chuyện tình cảm của tôi và con Rùa. Nhưng lần đó sở dĩ tôi liều lĩnh như vậy vì tôi đang ở thế cùng đường: tôi đang ấm ức khi đột ngột trở thành anh họ của con Rùa theo cái cách mà tôi không cam chịu. Bây giờ khi tất cả đã suôn sẻ, tôi lại trở lại là một đứa con trai nhút nhát và cảm thấy thật bé nhỏ trước bà.

Bà nội con Rùa bỗng ngừng tay và nhìn tôi bằng ánh mắt khiến tôi cảm thấy lo lắng:

– Có chuyện gì thế bà?

Có cảm giác thời gian ngưng lại một lúc lâu sau câu hỏi của tôi. Và khi thời gian bắt đầu tôi trở lại, tôi nghe tiếng bà thở hắt ra:

– Con về trễ quá!

Trong một giây, ruột gan tôi quặn lại. Tôi về trễ ư? Mới có năm tháng trôi qua, chẳng lẽ con Rùa đã đi lấy chồng rồi sao? Nó hẹn tôi mùa thả diều sang năm về chơi với nó mà. Tự dưng tôi nhớ đến thái độ lạ lùng của thím Lê lúc nãy. Xưa nay chưa bao giờ thím Lê hỏi tôi đi đâu khi tôi ra khỏi nhà. Thím đã làm tôi ngạc nhiên, ngay cả cái cách thím đứng bên cửa nhìn theo tôi lúc tôi đi lên xóm trên cũng làm reo một cái chuông báo động trong đầu tôi nhưng lúc đó tôi vẫn chưa hình dung ra điều gì đang chờ đợi tôi.

Tôi nhìn bà, giọng run run:

– Em Rùa đi lấy chồng rồi hở bà?

– Nó chết rồi, con à.

Câu trả lời của bà nội con Rùa như vẳng lại từ một chốn nào đó mông lung lắm và người tôi đột nhiên lạnh đi. Kèm theo câu nói là những giọt nước mắt ứa ra từ đuôi mắt nhăn nheo và lăn một cách khó nhọc trên gương mặt được chạm trổ bởi chi chít đau thương, đã nhàu đi, như lăn trên một vách đá khô và xám.

Gương mặt héo hắt đó bỗng lùi ra xa tít trước mắt tôi. Cả rổ rau xanh, cả bụi huỳnh anh, cả cái giếng đá cũ kĩ cũng trở nên xa xăm như khuất sau một màn sương dày dù trời đang nắng gắt.

Tôi vịn vào thềm giếng để đừng khuỵu chân xuống nhưng đôi tay tôi bỗng trở nên yếu ớt, cuối cùng tôi đành ngồi bệt xuống nền giếng trơn ướt, trong một giây thấy thế giới thi nhau rạn vỡ: phiến đá, bầu trời, trái tim tôi…


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.