Ngang Qua Thế Giới Của Em

Chương 31: Hoài Niệm - Tuổi Trẻ Là Những Hành Trình Một Chiều



Đêm sâu thẳm, và em an giấc trong cầu mắt thẫm đen của tôi.

Hễ tôi mở mắt, em sẽ bình minh, sẽ ra đường, lên phố, sẽ hòa vào dòng người qua lại, trở thành quá khứ của người khác, mỗi bước dài một tháng, không bao giờ ngừng nghỉ.

Tôi nguyện làm kẻ mù lòa, để chúng ta không bao giờ phải bình minh.

Tôi chẳng muốn đi đâu, em không cần thức giấc.

Mỗi câu chuyện tự lựa chọn cách kể của riêng mình.

Cũng như chuyện tình yêu vậy. Ý nghĩa của lặn lội kiếm tìm, là tìm ra phương thức và đối tượng phù hợp nhất. Tuy rằng phần lớn là sai lầm. Và sai lầm. Tiếp tục sai lầm.

Nhưng ta cần tiếp tục.

Phớt lờ mọi thứ, không hẳn vì hết tự ti. Bàng quan mọi sự, không hẳn vì hết đau buồn. Than vắn thở dài, không hẳn vì hết thèm vui. Toan tính chi li, không hẳn vì cạn lòng tốt.

Vì vậy, hãy chọn thứ mình thích, chỉ cần mình thích là được.

1. Cô gái của Lạc Đà.

Cậu ta lên đường với niềm thương nhớ. Chuyến đi của một người mang theo hơi ấm của hai người, dù đến đâu, cũng là đang chờ đợi cô ấy. Vì vậy, có lẽ, cậu ta không muốn bị làm phiền.

Nấu ăn cũng giống việc viết văn. Viết văn cần cảm giác từ ngữ, nấu ăn cần cảm giác tay. Chỉ cần tay hơi run, cả đống muối sẽ rơi vào nồi, mặn đến loài chó cũng không nuốt nổi. Có người nhờ đến đồng hồ báo thức, nhưng cũng không kiểm soát được ngọn lửa, có người chỉ dựa vào cảm giác, món ăn lại rất vừa. Kỹ năng của con người do trời phú, khổ luyện chỉ giúp chúng ta trở thành người máy, nấu ra mấy thứ không khác gì cửa hàng McDonald’s.

Có một cô gái là bá chủ của giới đầu bếp “hắc ám”. Vì cô ấy nấu nghìn món thì nghìn món đều cháy đen. Và điều kinh ngạc là, bên ngoài thì cháy đen, nhưng bên trong vẫn sống nguyên, đôi khi còn lẫn cả mấy viên đá nhỏ.

Con chó nhỏ nhà tôi vẫy đuôi tung tăng, vui mừng hớn hở vì sắp được ăn món xương sườn cô ấy nấu.

“Khậc” một cái, mặt nó méo xẹo. Con chó lông vàng của tôi mặt tái xanh. Nó thận trọng nhè miếng xương ra, tấm tức trốn vào góc khuất, thút thít đến tận nửa đêm.

Tôi từng được chứng kiến món ăn “tuyệt đỉnh kungfu” của cô ấy, đó là món: cá sạo hấp. Sau nửa tiếng, món cá hấp biến thành cá kho.

Cô ấy làm việc cho một doanh nghiệp nước ngoài nên rất bận rộn. Nhưng dù bận rộn, mỗi tháng cô ấy đều tổ chức một bữa tiệc thân mật tại gia, mời bạn bè đến dự. Hôm đó, cô ấy đích thân vào bếp, căn bếp nhà cô ấy trở thành hiện trường của một vụ nổ. Chúng tôi gọi cô ấy là bà Marie Curie (1).

(1) Marie Sklodowska-Curie (1867 – 1934), nhà Vật lý và Hóa học người Ba Lan – Pháp, nổi tiếng về việc nghiên cứu tiên phong về tính phóng xạ. Bà là người đầu tiên vinh dự nhận được hai giải Nobel trong hai lĩnh vực khác nhau: Vật lý và Hóa học.

Cô ấy chẳng thấy thế làm buồn, vẫn ngước lên nhìn bạn. Bạn không thể cưỡng lại đôi mắt long lanh ấy, đành miễn cưỡng đưa đũa gắp một miếng trông có vẻ ổn. Trứng vịt kho mà ngọt như mật. Bánh sủi cảo vừa dày vừa tròn như mặt trăng đêm rằm. Khó khăn lắm mới gạn đủ dũng khí để thử món mộc nhĩ xào, hóa ra là món thịt lợn thái chỉ chưng mắm bị khê.

Anh bạn tôi, biệt danh là Lạc Đà rất mê cô ấy. Lần nào có tiệc cũng đòi tham gia bằng được.

Cậu ta có thể ăn hết tất cả các món cô ấy nấu.

Các loại đồ ăn kỳ dị vào miệng cậu ta lúc thì nghe giòn sần sật, lúc lại thấy nhổ phì phì, bởi vì món ăn của cô ấy quá ư trừu tượng, thịt thường lẫn với xương. Thế là cậu ta ra sức nhai, nhai mãi, nhai chán thì nuốt chửng.

Các loại đồ ăn kỳ dị vào miệng cậu ta lúc thì nghe giòn sần sật, lúc lại thấy nhổ phì phì, bởi vì món ăn của cô ấy quá ư trừu tượng, thịt thường lẫn với xương. Thế là cậu ta ra sức nhai, nhai mãi, nhai chán thì nuốt chửng.

Về sau, họ lấy nhau.

Tôi hỏi Lạc Đà:

– Cậu ăn như thế không sợ mất mạng à?

Lạc Đà đáp:

– Một tháng cô ấy mới nấu một bữa, cứ coi như hôm ấy mình đến kỳ đau bụng kinh.

Năm ngoái bệnh viện trả kết quả, cô ấy bị ung thư gan giai đoạn cuối, chỉ sống được đến sau Tết.

Thành phố chốc lại rộ lên những tràng pháo rộn rã, đêm khuya dường như cũng hân hoan, nô nức. Tôi thấy lo, qua nhà Lạc Đà chúc Tết. Trong nhà chỉ có một mình cậu ta đang ngồi trước bàn vi tính, đọc tài liệu gì đó. Tôi ghé sát lại thì ra là sách hướng dẫn nấu ăn.

Tôi hỏi:

– Cậu định xuất bản sách nấu ăn à?

Lạc Đà bảo tôi ngồi chơi để cậu ta đi rang cơm trứng.

Tôi ngồi bên cạnh, chuyện phiếm với cậu ta.

Cậu ta đổ cơm vào chảo dầu, rắc nửa túi muối, đảo đều một lúc thì xúc một muôi nhai nhồm nhoàm.

Cậu ta lè lưỡi bảo:

– Mặn chết khiếp nhưng vẫn thiếu vị đắng.

Tôi im bặt. Tôi đã hiểu vì sao cậu ta viết sách hướng dẫn nấu ăn. Vì cậu ta muốn giữ cô ấy lại. Người không còn nhưng vẫn còn hương vị của cô ấy ở lại.

Lạc Đà ăn thêm một miếng nữa, đưa tay lên lau mắt. Cậu ta khóc. Lau mãi mà nước mắt không ngừng rớt xuống.

Cậu ta bảo:

– Tôi thật may mắn khi cưới được cô vợ có tài nấu ăn độc nhất vô nhị. Cô ấy ra đi, để lại bao hương vị cho tôi ôn tập. Vẫn thiếu vị đắng. Theo cậu, vị đắng là do rang cháy cơm hay do cách thức chế biến đặc biệt nào đó tạo nên? Cậu xem ti vi đi, tôi sẽ viết tiếp.

Tôi bảo:

– Hay chúng ta uống ly trà?

– Thôi, tôi sợ để lâu, sẽ quên hết cách nấu của cô ấy. Tôi phải tranh thủ ghi chép lại.

Nước mắt tôi suýt trào ra.

Tôi khuyên cậu ta không nên ở lì trong nhà, sẽ chỉ thấy buồn thêm mà thôi. Cậu ta gật đầu, chuẩn bị cho chuyến du lịch Thổ Nhĩ Kỳ. Cậu ta đi rất lâu. Tôi cũng muốn gọi điện thăm hỏi, nhưng mở danh bạ ra rồi lại tắt đi.

Cậu ta lên đường với những niềm thương nhớ. Chuyến đi của một người mang theo hơi ấm của hai người, dù đến đâu, cũng là đang chờ đợi cô ấy. Vì vậy, có lẽ, cậu ta không muốn bị làm phiền.

Chiều qua, tôi và Mercy đánh một giấc ngon lành trong quán, mở mắt ra đã hoàng hôn.

Lạc Đà đẩy cánh cửa gỗ, bước vào. Tôi lấy làm kinh ngạc:

– Sao cậu tìm được chỗ này?

Cậu ta nói:

– Ai chẳng biết cậu ở đây.

Tôi pha cho cậu ta một tách cafe, đắc chí nói:

Tôi không biết tạo hình, vì vậy thương hiệu cafe của tôi được gọi là cafe “vô hình”.

Lạc Đà uống liền hai tách. Tôi bảo:

– Uống thêm là không ngủ được đâu.

Cậu ta bảo:

– Không ngủ được thì ngày mai ngủ bù.

Chúng tôi trò chuyện rất lâu.

Lạc Đà đi Thổ Nhĩ Kỳ vì vợ cậu ta rất thích Istanbul. Ước mơ lớn nhất của cô ấy là học được cách nấu các món ăn ở đó. Nên cậu ấy muốn tới đó nếm thử, để có thể kể lại cho cô ấy nghe trong giấc mơ.

Lạc Đà bảo:

– Có mỗi cậu là không gọi điện cho tôi. Ai cũng khuyên tôi đừng nghĩ ngợi nhiều, càng nghĩ ngợi sẽ càng đắm chìm, sẽ khổ tâm lắm. Nhưng, đắm chìm thì đã sao? Tôi thích như thế này, tôi sống rất ổn, rất vui. Tôi chỉ thay đổi cách sống của mình thôi mà. Sách hướng dẫn nấu ăn của tôi sắp xong rồi. Giờ tôi mới biết, cô ấy thạo rất nhiều món.

Lạc Đà uống rất nhiều, khi đã ngà ngà say, cậu ta nhìn ngọn đèn bàn và nói:

– Có lần tôi đọc được một đoạn văn của cậu, tôi cảm thấy đây chính là cuộc đời hiện tại của tôi, tôi rất mãn nguyện. Thế giới này mới tuyệt làm sao, từng câu từng chữ cô ấy viết trong lơ đãng, lưu lại cho tôi nhẩm đọc qua từng tháng từng năm.

Cậu ta đi đến chỗ giá sách, lục tìm một hồi mới tìm được cuốn sách của tôi, rồi xé lấy trang phụ bìa, viết một hàng chữ xiêu xiêu, vẹo vẹo, dán lên cửa quán. Cậu ta đi rồi, tôi mở trang cá nhân của mình,và tìm ra đoạn văn đó:

Thế giới này mới tuyệt làm sao. Trời nắng, hoa nở đầu cành, trời mưa, mặt hồ gợn sóng. Ánh nắng nhuộm vàng thành phố, gió nhẹ len qua ngón tay. Đêm khuya, đài phát thanh vang khúc tình ca, đường vắng, núi đồi in bóng tịch lặng. Tất cả đều là từng câu, từng chữ em viết trong lơ đãng, lưu lại cho anh nhẩm đọc qua tháng qua năm. Thế giới này là di sản của em, và anh là di vật duy nhất em gửi lại.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.