Người không hại ta, ta cũng không hại người.
Nếu người hại ta, ta sẽ tức giận mà khóc.
Tầm này năm ngoái, một cậu bạn của tôi đã bị tống vào bệnh viện tâm thần. Ai nấy đều trông vào đó để rút kinh nghiệm. Đàn ông thì xin mời vào đọc, phụ nữ thì xin tránh đi cho.
Người bạn này của tôi đã không ít lần bị mấy cô bạn thân của vợ làm cho tức đến run người và cậu ta đinh ninh rằng bọn họ là lũ ngốc. Bọn họ thì cho rằng cậu ta là gã đần, họ quyết định mở hội nghị phê bình. Cậu ta mừng lắm, cũng muốn nhân cơ hội này, nói cho ra ngô ra khoai với họ. Thế là đôi bên chọn ngày, để cùng ngồi vào bàn, quyết một phen lý luận.
Cô bạn A:
– Ngày mai là lễ Tình nhân, anh chuẩn bị quà tặng gì chưa?
Bạn tôi tự tin lôi cuốn sổ tay ra, chỉ cho họ thấy lịch trình những hoạt động sẽ diễn ra vào ngày mai của hai người, kín đặc từ chín giờ sáng tới tối khuya.
Cô bạn B hờ hững đọc bản kịch bản, lạnh lùng phán:
– Toàn mấy trò cũ rích.
Cô bạn C chậm rãi nói:
– Anh đã bao giờ nghe câu chuyện ngụ ngôn này chưa? Rõ ràng tôi thích ăn táo, nhưng anh lại mua chuối cho tôi, mà tôi còn phải khóc ròng vừa nói lời cảm ơn. Đó chẳng qua là logic của cánh đàn ông các anh, nhưng tôi đã phạm lỗi gì nào? Tôi chỉ muốn một quả táo mà thôi mà!
Bạn tôi nổi giận:
– Làm sao tôi biết cô muốn gì!
Đám phụ nữ cười lớn, nói:
– Chuyện đơn giản như thế anh cũng không biết, vậy mà dám vác mặt đến nói yêu tôi?
Bạn tôi biết mình đuối lý, nói:
– Lẽ nào phụ nữ các cô không có gì sai hay sao?
Đám phụ nữ nhất tề nhấp một ngụm cafe, bảo:
– Anh thử nói nghe xem.
Bạn tôi xốc dật tinh thần, nói:
– Tôi đang họp thì vợ gọi điện liên tục. Tôi bảo tôi đang họp, cô ấy vẫn không buông tha, tiếp tục gọi đến. Sao cô ấy không hiểu cho tôi?
Đám phụ nữ nổi giận đùng đùng:
– Anh có ý kiến với “đoạt mệnh liên hoàn call” của chúng tôi? Anh nghĩ chúng tôi thích thế à? Đó đều là vì yêu anh mà thôi! Nếu không vì yêu anh, nhớ anh, ai rỗi hơi mà đi gọi điện liên tục cho anh?
Bạn tôi gân cổ quát:
– Tôi cần được yên tĩnh! Yên tĩnh chính là quả táo tôi muốn, còn điện thoại là quả chuối đó. Ném cả đống chuối cho tôi mà tôi vẫn phải vừa khóc ròng vừa cảm ơn các cô chắc? Tôi chỉ cần một quả táo thôi mà!
Cô bạn A đập bàn:
– Định làm phản à? Anh rành món logic như thế sao không đi mà làm luật sư đi!
Cô bạn B đập bàn:
– Đồ máu lạnh, đồ cãi chày cãi cối!
Cô bạn C đập bàn:
– Tình yêu vốn không thể trao đổi, không thể so sánh, anh nói thế tức là xem tình yêu như một món hàng để trao đổi!
Bạn tôi sững sờ:
– Chính các cô nói về quả táo và quả chuối trước…
Đám phụ nữ lật bàn:
– Táo với chuối cái đầu anh ấy! Anh thích ăn chúng tôi mua cả xe cho mà ăn. Anh làm ơn đối xử với vợ tốt một chút được không hả?
Bạn tôi gân xanh nổi lên đầy mặt.
Nhân viên phục vụ đi tới, kê lại chiếc bàn.
Đám phụ nữ cười lạnh lùng:
– Tức gì mà tức, có gì ấm ức phun hết ra xem nào, để chúng tôi xem xem anh kém cỏi đến mức nào!
– Tức gì mà tức, có gì ấm ức phun hết ra xem nào, để chúng tôi xem xem anh kém cỏi đến mức nào!
Bạn tôi quyết định bất chấp tất cả, nói:
– Có lần tôi thay bóng đèn, thay không được, bị cô ấy chửi hơn một tuần liền. Có đến mức phải như thế không? Lùi xe vào chuồng, lùi bảy, tám lần mới được, thế là suốt buổi tối cô ấy không thèm để ý đến tôi, có mức phải như thế không?…
Cô bạn A cười lớn:
– Đàn ông mà không biết thay bóng đèn, không biết lùi xe vào chuồng thì lấy về làm gì?
Cô bạn B cười nhạt:
– Sao anh cứ để bụng mấy chuyện vặt vãnh ấy? Anh có phải đàn ông không?
Bạn tôi gân xanh nổi đầy mặt, thở gấp:
– Đúng, chỉ là chuyện cỏn con, vụn vặt, thế mà cô ấy càu nhàu, cằn nhằn tôi hơn một tuần liền…
Cô bạn C cất giọng thâm trầm:
– Đàn ông ấy mà, nói ít, làm nhiều.
Bạn tôi ngẩn người, lát sau nói tiếp:
– Mấy hôm trước cô ấy gặp việc không vui, tôi nhanh nhảu đi mua hết thứ nọ thứ kia cho cô ấy, còn không ngần ngại bưng cơm rót nước phục vụ cô ấy, thế mà cô ấy có vui vẻ với tôi đâu…
Đám phụ nữ nhìn nhau rồi cười:
– Phụ nữ chúng tôi rất đơn giản, thực ra anh không cần phải làm gì cả, chỉ cần nói đúng một câu: Anh yêu em.
Bạn tôi giận run người:
– Vừa nãy các cô bảo tôi, đàn ông nên nói ít làm nhiều kia mà.
Đám phụ nữ hận cái tên đầu đất này quá, quát lên:
– Lúc nào cần làm thì làm, cần nói vẫn phải nói!
Bạn tôi uất ức phát khóc:
– Vậy khi nào cần làm, khi nào cần nói?
Đám phụ nữ lật bàn lần nữa:
– Đơn giản thế mà cũng không biết, vậy mà còn dám vác mặt đến nói yêu tôi?!
Phục vụ nhà hàng đi tới xếp lại bàn.
Cô bạn A:
– Đôi lúc làm một việc gì đó là cách để nói “anh yêu em”.
Cô bạn B:
– Đôi lúc không cần làm gì cả, chỉ cần nói “anh yêu em”.
Cô bạn C:
– Các anh không làm được như thế tức là các anh đã sai.
Bạn tôi ôm đầu kêu khóc:
– Nhưng đúng và sai phải có tiêu chuẩn để phân định chứ?!
Cô bạn A:
– Khi phụ nữ cáu gắt, đừng cố tỏ ra hiểu biết, phân tích phải trái đúng sai với cô ấy, chỉ cần an ủi cô ấy.
Cô bạn B:
– Phụ nữ nặng về cảm xúc, cảm tính, vì thế đừng có lôi logic ra mà trấn áp chúng tôi.
Cô bạn C tổng kết:
– Tóm lại, phụ nữ không để tâm đến sự đúng sai, mà là thái độ của anh.
Bạn tôi mơ hồ hỏi:
– Thái độ của tôi có vấn đề gì đâu?
Cô bạn A:
– Thái độ của anh không đúng.
Cô bạn B:
– Thái độ của anh là sai trái.
Cô bạn C:
– Đã nói rồi mà, chúng tôi không quan tâm đến đúng sai, mà quan tâm đến thái độ của anh!
Bạn tôi lật bàn:
– Vậy thì thế nào là thái độ đúng, thế nào là thái độ sai?!
Đám phụ nữ lật bàn:
– Đơn giản thế thôi mà cũng không biết, vậy mà còn dám vác mặt đến nói yêu tôi?!
Phục vụ nhà hàng đi tới xếp lại bàn.
Bạn tôi cúi đầu:
– Tôi sai rồi.
Đám phụ nữ quay sang hỏi:
– Sai ở đâu?
Bạn tôi cúi đầu:
– Logic sai rồi.
Đám phụ nữ nổi giận:
– Đồ khốn!
Bạn tôi sợ vãi tè:
– Thái độ không đúng, thái độ không đúng!
Đám phụ nữ nhẹ giọng:
– Thái độ sai ở đâu?
Một luồng khí lạnh trào lên từ đáy lòng, bạn tôi bắt đầu không kiểm soát được bản thân, cậu ta run rẩy nói:
– Sai ở…sai ở…không nên ăn táo, à không…không đúng… sai ở nói nói làm làm, à không…sai ở tính logic của thái độ, à không…sai ở…sai ở…
Bạn tôi lật bàn, nước mắt tuôn ra như mưa, hoa chân múa tay gào khóc thảm thiết:
– Mẹ kiếp, điều đơn giản như vậy mà không biết, sao dám nói anh yêu em…
Phục vụ nhà hàng đưa bạn tôi vào bệnh viện tâm thần.
Phục vụ nhà hàng đi tới, xếp lại bàn.
Cô A lắc đầu:
– Vấn đề rất đơn giản, chỉ cần nhận lỗi, đó chính là thái độ đúng đắn.
Cô B than thở:
– Dù mình đúng vẫn phải nhận lỗi. Vấn đề không nằm ở chỗ anh nên biết mình sai ở đâu, mà là anh nên biết phải nhận lỗi thế nào.
Cô bạn C mỉm cười:
– Thái độ khi nhận lỗi, đó chính là logic chuẩn xác nhất.
Đám phụ nữ nâng cốc:
– Ai bảo phụ nữ không hiểu gì về logic!