Nào Hay Xuân Mênh Mông

Chương 5: Mười năm bãi bể hoá nương dâu



Tin mà cha tôi vượt đường sá xa xôi mang về đó chính là Hiếu hoàng có chiếu nạp quận chúa Trần Thị Tĩnh làm phu nhân, ban chữ Tuyên, nửa tháng sau cho kiệu đến rước vào Phượng thành.

Tôi ngơ ngác nhìn cha, cái tên tôi mới được ban đúng là Trần Thị Tĩnh nhưng danh hiệu quận chúa này từ đâu chụp xuống đầu tôi khiến tôi dường như không thở nổi. Mẹ tôi vỗ bàn đứng dậy, to tiếng quát lên:

– Hoang đường, đúng là hoang đường, đã mười năm rồi, Quyên Thanh còn không đủ bồi thường cho nó hay sao. Bây giờ phải cướp đi đứa con gái mà ta vừa tìm về được.

Tôi lại ngơ ngác nhìn mẹ, thấy bà đã khóc nấc lên. Chuyện họ nói tôi hoàn toàn không hiểu được, nhưng có lẽ là một câu chuyện xưa, và đứa em gái ruột tên Tĩnh mà Quốc Tảng đã từng nhắc qua là một mắt xích trong đó, vừa hay tôi lại là kẻ thay thế hoàn hảo cho chị ta.

Cha lẳng lặng nhìn tôi, tôi nhìn thấy ánh mắt ông đầy vẻ khổ não, ông vẫn cười với tôi hiền hậu, nhẹ giọng bảo tôi:

– Nếu như con không muốn, cha sẽ lên tiếng với quan gia. Cha là thần, nhưng ít gì vẫn là chú của nó…

Lúc cha nói câu đó, tôi thấy vẻ bất đắc dĩ trong mắt ông, tôi hiểu thân làm thần tử, nghịch ý vua là mang tội gì, cho dù cha là thân phận nào đi chăng nữa, thì cũng không thể vì thế mà có thể cãi lệnh vua. Ông nói như vậy có lẽ chỉ khiến tôi tạm thời yên lòng, có lẽ cha cũng không có cách.

Tôi cười nói với cha:

– Cha để con suy nghĩ dăm hôm, con hơi bất ngờ quá.

Tôi an ủi mẹ một hồi bà mới nín khóc, đúng là kẻ trong cuộc như tôi còn chưa lo thì bậc cha mẹ đã lo sốt vó rồi.

Bởi vì chuyện này mà chị Anh Nguyên khóc đến mức đổ bệnh, chẳng ai khuyên giải gì được chị ta. Tôi cười chị, cũng chẳng phải là chị vào cung, nếu chị không nỡ vậy thì chị thay tôi vào cung nhé, cùng phận con nuôi với nhau thì chị là người thích hợp nhất còn gì. Chị Anh Nguyên lúc này mới nín khóc bảo tôi:

– Cái này thì không được, chị đâu phải người quan gia muốn lấy!

Tôi chống cằm, thở dài nhìn chị:

– Quan gia không muốn hay chị không muốn? Chứ không phải trong lòng chị đã có anh Ngũ Lão rồi à?

Chị Anh Nguyên cũng nhìn tôi, cũng bắt chước tôi thở dài:

– Vậy trong lòng em có anh ba không?

Tôi cũng không biết phải trả lời chị làm sao, nói có thì hơi quá, mà nói không thì cũng không hẳn. Nhưng nếu như đợi một tháng anh ta về, nói không chừng tôi sẽ đồng ý lấy anh ta. Cho dù bây giờ tôi đối với anh ta không mặn không nhạt, nhưng sau này vẫn còn dài lắm, chưa nói trước được gì.

– Lần này anh ba đi vừa đúng lúc, chị e mọi chuyện cũng không đơn giản. – Thấy tôi mở to mắt nhìn, chị liền giải thích – Chuyện này xảy ra sau khi chị vào vương phủ không lâu, lúc đấy vương phủ bị quân Thát tập kích, cô hai nhà này cũng bị lạc mất luôn, năm đó cô hai tám tuổi, trùng tên với em.

– Chuyện này thì em biết rồi. – Tôi nói.

Chị Anh Nguyên đưa ngón trỏ lắc lắc trước mặt tôi, làm ra vẻ thâm sâu:

– Có chuyện này chị cá là em không biết, chỉ có ba chị em chị là biết thôi nhé, không có người thứ tư đâu.

– Có chuyện gì thì chị nói rõ ràng xem nào – Tôi giục.

Tôi thì rất ghét cái ngữ nói chuyện lấp lửng của chị nhưng cũng không thể cạy miệng chị ta ra. Tôi cũng rất muốn biết bí mật trong lời chị là cái gì, có liên quan tới tôi hay không.

Chị Anh Nguyên ngồi ăn hết một bát bánh đúc mới trịnh trọng nói:

– Ngày xưa chị với chị Trinh và em Tĩnh chơi rất thân vì cũng trạc tuổi, em Tĩnh được cưng chiều lắm vì tính tình hoạt bát hiếu động, còn chị Trinh thì rất hiền. Bọn chị từ lúc nhỏ xíu như vậy đã bắt đầu tập võ rồi, mà em Tĩnh là người nổi trội nhất. Vì lẽ đó cho nên cha rất hay cho em Tĩnh vào cung chơi, nghe đâu còn thân thiết với thái tử tức là quan gia bây giờ đó, mỗi lần về phủ còn luyên thuyên không ngừng. – Chị trầm mặc một chút rồi nói tiếp – Về sau vương phủ bị tập kích, em ấy vì cứu chị Trinh mà bị bắt khỏi nơi này, lần đó quân Thát bị chết quá nửa, chỉ còn đống hơi tàn, cha sai người tìm kiếm khắp nơi mà vẫn không thấy, nên cho dù không ai thừa nhận, nhưng trong lòng ít nhiều cũng hiểu em Tĩnh đã ra đi.

Vận mệnh đúng là tàn nhẫn, một người để lạc mất con gái nên không ngừng tìm kiếm trong đau khổ, một người dù có con gái bên cạnh nhưng lại đối xử tệ bạc khiến nó chết dần chết mòn.

Tôi gục đầu xuống bàn nghe chị Tĩnh kể:

– Ngày xưa tiên hoàng đưa ra di nguyện muốn hai nhà cùng nhau cai trị việc nước, đến đời chúng ta đã là đời thứ hai. Em Tĩnh đi rồi, chị Trinh bắt buộc phải gả qua đó. Cho dù chị không nằm trong cuộc cũng đủ hiểu mối hôn nhân này gượng ép cỡ nào, trong lòng chị Trinh có bao nhiêu khổ, còn quan gia…cũng từng kháng cự rất lung…

– Cả hai không có tình thì làm sao lấy nhau được chứ? Hơn nữa ngài ấy là vua một nước, chẳng lẽ không làm gì được sao? – Tôi ngây thơ nói.

Chị Anh Nguyên cười buồn:

– Trên vai họ cũng gánh trọng trách lớn lao, vừa việc nhà, vừa việc nước, không có sự lựa chọn. Bây giờ chắc nghe tin em về nên muốn đòi lại thứ thuộc về mình đấy mà.

– Nhưng em đâu phải chị Tĩnh – Tôi phản bác.

– Có lẽ là muốn bấu víu chút hi vọng thôi. Em biết không, họ Trần chính là những kẻ si tình nhất thiên hạ.

Trời sang đông, lá đã bắt đầu rụng, ngoài đường người đi lại cũng thưa dần. Giữa cái nắng trưa nhàn nhạt chưa đủ để sưởi ấm, nước hồ trong veo như mặt gương. Tôi ngồi như vậy suốt buổi sáng, chiếc áo choàng trắng cũng trở nên khô cứng và lạnh lẽo.

Tôi đột nhiên cảm thấy lòng sầu miên man, đáy lòng cũng dâng lên một nỗi buồn vô hạn. Nếu một ngày Quốc Tảng trở lại, vẫn là vương phủ, vẫn những cảnh vật này, vẫn là đêm hội hoa đăng trăng sáng vằng vặc, con đường dập dìu tài tử giai nhân, chỉ thiếu mỗi một người quan trọng nhất trong lòng anh ta thì sao nhỉ? Anh ta có trách tôi không chờ hay không? Với bản tính của anh ta thì chắc sẽ trách tôi nhiều lắm.

Anh ta ra đi lần này cũng trùng hợp thật, nếu như có anh ta ở nhà nói không chừng sẽ náo loạn tới kinh thành chứ chẳng chơi, anh ta có sợ ai bao giờ. Tôi ngồi gục mặt vào gối, ấy vậy mà tôi lại nhớ tới anh ta trong những lúc thế này, nhớ tới từng động tác từng cử chỉ, từng cái nhíu mày của anh ta, hoá ra anh ta cũng hằn sâu trong tâm trí tôi thế này, vậy mà trước giờ tôi không hề hay biết.

Nhưng vào cung cũng sẽ giúp tôi tìm được người chị ruột đã từng hại chết mình. Tôi muốn tìm về gốc gác thì chỉ có một con đường là tìm gặp chị ta, nếu như chị ta thật sự ở trong cung, thì chứng minh giấc mơ của tôi hoàn toàn là sự thật. Nhưng mà liệu có đáng hay không, tôi tự hỏi lòng, liệu có đáng hay không?

Nhưng không đáng thì sao, tôi có thể làm gì đây chứ? An nguy của vương phủ và tôi giờ đã hoà làm một.

Đã một tuần trôi qua kể từ dạo đó, trời càng ngày càng lạnh lẽo hơn. Mấy đóa hoa đào trong sân viện cũng từ từ nở rộ trong cái lạnh cắt da cắt thịt. Mấy ngày này tôi đều ở bên cạnh mẹ, chị Anh Nguyên, chị An Hoa và chị Quỳnh Trân cũng không tranh với tôi, tôi biết mấy chị cũng rất buồn, nhưng có thể làm gì được đây.

Mẹ tôi rưng rưng nước mắt nắm chặt tay tôi:

– Mẹ mãi mãi coi con là con gái mẹ.

Tôi cười nhìn mẹ, khẽ gật đầu. Câu nói này mấy hôm nay bà nói với tôi rất nhiều lần, có lẽ sợ tôi suy nghĩ rằng mình chỉ là kẻ thay thế hay đại loại vậy, đừng nói là không có, cho dù là đúng như thế tôi cũng rất biết ơn bà.

Mấy chị tôi ngồi bên cạnh cũng khóc thút thít, tôi tức cười, trêu:

– Em đi lấy chồng chứ đâu phải đi tìm chết đâu mà mấy chị khóc.

Chị Quỳnh Trân gạt nước mắt nói:

– Nếu như em không muốn, chị và anh cả em lập tức lên kinh xin quan gia thu hồi lệnh, ngày xưa nó nghe lời chị nhất, chị nói chắc sẽ lay chuyển được nó thôi.

Tôi sợ Quốc Tảng biết chuyện nên lắc đầu, với lại ý vua là ý trời, anh ta tâm niệm suốt mười năm là đủ hiểu si tình cỡ nào, cha tôi còn không nói được thì chị Quỳnh Trân làm sao ăn thua. Mặc dù anh ta cơ bản cũng chỉ xem tôi như kẻ thay thế, nhưng mà tôi đi cũng có mục đích không phải sao?

Ngày hôm sau tôi lấy hết can đảm tìm gặp cha. Lúc ấy người đang mài mực, ánh mắt lại mông lung nhìn vào phương trời nào. Cha tôi chiến công lừng lẫy, lúc nào công vụ bên người cũng bộn bề, hiếm thấy được lúc người lơ đãng như vậy. Cha lúc này đã sắp ngũ tuần, vẫn mày kiếm mắt sắc, nếu như không có loại anh khí thâm trầm, hơi thở của kẻ từng trãi, thì rất dễ nhìn lầm người vẫn còn trẻ lắm.

Thấy tôi bước vào thư phòng, người sửa lại ánh mắt, lấy lại vẻ điềm nhiên hỏi:

– Con suy nghĩ kỹ rồi sao?

Tôi cũng chẳng biết phải mở lời thế nào, bèn quỳ xuống thật thấp, trán chạm phải nền gạch lạnh buốt. Tôi suy nghĩ đắn đo một hồi, quyết tâm nói:

– Con đồng ý vì ân cha, nghĩa mẹ ra đi. Nguyện một lòng hầu vua để đáp đền nợ nước.

Tôi cũng không biết mình nói vậy có ổn thoả hay không, nhưng thân là kẻ ít học nên thôi chỉ nói được tới chừng đó.

Cha tôi cũng không ngạc nhiên khi nghe tin, ông chỉ thoáng nét buồn thương, chẳng biết thương cho tôi hay thương cho đứa con gái thất lạc của mình.

Trung tuần tháng mười hai, trời càng rét đậm, tôi cuộn người trong chăn, bắt đầu chuẩn bị hành trang lên đường. Hiện tại cô nhóc khó ở Đan Thanh đã trở thành nô nhi hồi môn của tôi, cũng sắp sửa theo tôi lên kinh để tiện bề hầu hạ. Đan Thanh không cha không mẹ, được cha tôi cứu về trên đường hồi kinh thị sát dân tình ở Bình Lệ Nguyên mười năm trước, cũng xem như là nô nhi lâu năm trong phủ, cha lần này xem ra cũng rất coi trọng mặt mũi của tôi.

Sáng dậy tôi vừa lơ đãng thổi bát cháo nóng hổi, vừa nghe Đan Thanh kiểm kê của hồi môn. Số của hồi môn này tôi vốn không định lấy, nhưng nghĩ lại vào cung hẳn là có lúc dùng tới nên cũng không câu nệ nữa. Là do mẹ cùng chị Quỳnh Trân đích thân lựa chọn, nói chung tất cả đều hoàn hảo không có sai sót gì.

Ngày tiếp theo, sính lễ cũng được đưa tới, đủ cả những thứ hiếm lạ trên đời, năm mâm vàng sống, ba rương châu báu, gấm vóc, ngà voi, ngay cả ngọc Hoà Điền hay Dạ Minh Châu đều có. Tôi nghe chị Anh Nguyên lặng lẽ hít thở, lầm bầm bảo đây có thua kém gì nhiều so với sính lễ ngày xưa quan gia dùng để cưới chị Trinh đâu.

Tôi sờ vào dòng chữ được khắc chìm trên tấm canh thiếp đỏ rực, ghi sinh thần bát tự của mình và anh ta, trong lòng có hàng ngàn cảm xúc đang thi nhau tranh đấu mãnh liệt. Đến bây giờ tôi vẫn còn bàng hoàng không tin được mình sắp lấy chồng, mà ông chồng này lại là vua của một nước. Trên canh thiếp là dòng chữ trau chuốt được viết theo kiểu Lệ thư, đề tên bên đàn trai là Trần Khâm, sinh ngày bảy tháng mười hai năm Thiệu Long thứ nhất, tên tôi là Trần Thị Tĩnh, sinh ngày hai mươi ba tháng năm năm Thiệu Long thứ tư.

Tôi vô thức nhìn ra sân. Đến đây cũng đã gần tròn một năm rồi, từng con người, từng cảnh vật trong phủ đều hết mức thân thuộc. Lần này nói đi là đi, không khỏi cảm thấy mất mát. Quốc Tảng vẫn chưa biết tôi sắp rời xa anh ta vĩnh viễn, tôi vô duyên vô cớ rời khỏi anh ta như thế, chắc chắn anh ta sẽ hận tôi. Nghĩ thế tôi liền bất giác thở dài.

Đan Thanh đang gấp quần áo, ngẩng mặt lên phàn nàn:

– Cả ngày nếu không ngơ ngẩn thì thở dài, chị khiến em cũng buồn muốn chết rồi đây!

– Chị đi mà không một lời từ biệt thế này, mấy người bọn họ có giận không đây? – Tôi nặng nề than.

Đan Thanh suy nghĩ một chút giống như nhận ra mấy người bọn họ trong lời tôi là đám đàn ông trong phủ, có lẽ cũng không muốn lại hầu hạ một người suốt ngày cứ mang bộ mặt sầu não như tôi, liền nhẹ giọng an ủi:

– Làm sao lại giận? Các cậu dù sao cũng ra ngoài duyệt binh từ lâu, tuy nói cưới hỏi là chuyện trọng đại nhưng chị biết đó, cậu ba sẽ để yên cho chị đi sao?

Đan Thanh nói xong thì thở dài, cũng ra chiều cảm thông lắm.

Tôi trong lòng tuy phiền não, nhưng nghe Đan Thanh nói xong cũng thấy tức cười. Tôi nhìn nét mặt tinh nghịch của Đan Thanh, thầm nghĩ hoá ra chuyện anh ta thích mình cả vương phủ ai cũng biết. Tôi chỉ nghĩ bụng chứ không nói ra, thành thử trên mặt lúc trắng lúc xanh, Đan Thanh có lẽ tưởng rằng mình nói gì động chạm vào nỗi đau của tôi rồi, nên tôi mới càng thêm bi ai như vậy, liền luôn miệng xin lỗi.

Tôi vội chữa:

– Em nói không sai, thật là một cô bé thông minh hiểu chuyện!

Lúc này Đan Thanh mới thôi xin lỗi tôi, tiếp tục công việc gấp quần áo.

Chỉ có điều, mấy người Quốc Tảng ra ngoài cũng thật đúng lúc, căn cứ vào mấy lời trước đây Quốc Hiện tả về vị quan gia kia, thì khả năng cao là do anh ta giở trò, tính tình Quốc Tảng ra sao thì anh ta cũng biết, nếu như chuyện anh ta thích tôi vương phủ ai cũng biết thì vị quan gia kia lại càng dễ đoán được nguồn cơn. Dù sao thì hiện tại tôi cũng đã nhận mệnh rồi, nên không còn suy nghĩ lung ta lung tung nữa.

Trời ráng chiều màu đỏ ối, tôi bước qua cầu độc mộc, chợt nhiên nhớ lại khoảng thời gian mình mới vào vương phủ. Ngày đó chưa ai biết ai, anh Quốc Nghiễn si tình, Quốc Tảng lạnh lùng xa cách, Quốc Uất hào sảng phong lưu, Quốc Hiện luôn bày ra vẻ mặt khó gần, chị Anh Nguyên thì hoạt bát lanh lợi, chị Quỳnh Trân dịu dàng, chị An Hoa luôn đối với mọi người quan tâm chăm sóc, Thì Kiến luôn trêu chọc tôi còn Ngũ Lão thì oai phong ngời ngời, thoắt cái, tất cả bọn họ với tôi đều trở thành anh chị ruột thịt. Sau này vào cung, nói không chừng đây chính là khoảng thời gian tươi đẹp nhất mà tôi thỉnh thoảng sẽ nhớ về.

Lúc lướt ngang qua trước cửa phòng chị An Hoa, nhìn thấy chị ấy đang may một chiếc bọc cổ tay màu bạch ngọc, không cần hỏi cũng biết là may cho ai. Tôi đứng cách đó năm bước, chị An Hoa vẫn không nhận ra, vẫn đang cúi đầu chăm chú từng đường kim mũi chỉ. Tôi không biết quan gia kia mặt mũi ra sao, có khiến tôi nhất kiến chung tình như chị An Hoa đối với Quốc Tảng hay không nữa.

Trong cung nhiều cung phi, liệu có ngày ra sa trường giết giặc, người ấy có nhờ tôi may giúp một đôi bọc cổ tay?

Đang nghĩ luyên thuyên, đã nghe chị An Hoa gọi, tôi cười nịnh ngồi xuống, tiện thể châm đèn khi mặt trời đã dần khuất dạng.

– Chị xin lỗi – Chị An Hoa nói – Trước đây chị cũng từng nghĩ em là kẻ phá hoại chị và anh ba. Nhưng chị đã lầm, dù không có em thì kết quả vẫn như vậy.

– Ngày mai..ngày mai tất cả sẽ ổn. Chỉ mong chị đừng hối hận con đường mà mình chọn.

Tôi định nói, ngày mai sẽ không còn kẻ cản đường là em nữa, hi vọng chị sẽ đạt thành tâm nguyện.

Chị An Hoa nhìn tôi một chốc, khẽ mỉm cười, đưa mắt nhìn xa xa:

– Sẽ không, dõi theo anh ấy là con đường đúng đắn nhất mà chị đã đi.

Tôi lại cảm thán về tương lai mình. Xem ra tình yêu, dù không được đáp lại cũng là một loại hạnh phúc.

Sáng tinh mơ hôm sau, khi mặt trời còn chưa ló dạng, vương phủ còn đang chong đèn, thì Đan Thanh đã lôi tôi dậy chải tóc, thay quần áo lên đường.

Của hồi môn cùng hành trang đã sắp xếp đâu ra đó ngoài cổng lớn, hiện tại còn sớm nên cũng chẳng có mấy người đi lại trên đường, người có mặt cũng chỉ biết lén lút đưa mắt nhìn hâm mộ trước khí thế của đám rước dâu.

Đội rước dâu có gần năm trăm người, yên lặng chỉnh tề đứng ghìm dây cương ngựa. Đội quân không kèn không trống, có điều tất cả đều mặc trang phục của cấm vệ quân, khí thế tất nhiên không nhỏ. Tôi biết rằng không chỉ bao nhiêu đó, nói không chừng phía sau còn có cả một đội bảo hộ cho đoàn rước dâu. Tai mắt của hoàng thượng ở mọi nơi, nhiều khi chỉ là một gánh hàng rong cũng có lai lịch không tầm thường.

Tôi không vận cát phục của cô dâu, chỉ là một bộ quần áo màu tía với đối khâm màu trắng, đầu cài kim quan mà nhà trai đã chuẩn bị. Trông có vẻ long trọng mà không diêm dúa, chỉ là so với bình thường có bảy phần khác biệt. Tôi tự soi mình trong gương, tự mãn cảm thấy bản thân quả nhiên có khí thế của nhà trâm anh thế phiệt.

Đi nhanh ra cổng, đã thấy cha mẹ cùng mấy chị đã đứng đợi từ lúc nào, tôi vội vàng bước đến hành lễ, giống như mình thật sự là nữ nhi bước ra từ nội viện nhà họ vậy.

Cha mỉm cười gật đầu, thần sắc đã khá hơn, như đã lấy lại được bảy phần tinh lực. Ông ôn tồn bảo tôi:

– Vào cung chỉ cầu bình an. Con là nhân tài bước ra từ vương phủ, sợ gì không có ngày được vinh hiển. Đừng ham món lợi nhỏ mà hại đến việc lớn, ta tin ngày sau cho dù có là vũng nước bùn hôi tanh thì con vẫn toả hương thơm ngát. Hãy nhớ, an nguy của bản thân mới là điều quan trọng.

Tôi cúi người hành lễ tạ ơn, mẹ liền đỡ lấy tay tôi, đeo cho tôi chiếc vòng cẩm thạch trắng chữ Phúc, cười nói:

– Từ nay về sau con không còn là con nuôi của ta nữa mà chính là con gái ruột, nhớ rằng cho dù có ra sao cũng có vương phủ hậu thuẫn phía sau. – Đợi tôi gật đầu, bà lại tiếp – Chị Trinh con là hoàng hậu chủ quản các cung, có việc đừng ngại nói với nó. Có chiếc vòng này, tự động nó sẽ hiểu ra thôi.

Chị Anh Nguyên cũng tủm tỉm cười với tôi, khác hẳn với vẻ ủ dột thường ngày.

Tôi quỳ xuống làm lễ bái, nghĩ tới một kẻ lưu lạc như mình may mắn được cưu mang, lại được đối xử bằng chân ái, tôi liền nhận ra mình cũng khát khao tình cảm đến nhường nào. Hôm nay tôi có cha mẹ, có anh chị, có bạn bè, cho dù trước mắt là núi đao biển lửa, tôi cũng không sợ.

– Con gái bái biệt cha, mẹ. Con gái bất hiếu chưa kịp ở dưới gối chăm sóc cho cha mẹ, nay phụng mệnh vào cung chỉ mong cha mẹ thân thể khoẻ mạnh, ngày ngày vui vẻ, chớ đừng nhớ mong con. Con gái ở chốn xa sẽ luôn cầu phúc cho cha mẹ.

Nghe tôi nói, bả vai chị Anh Nguyên run run như cố nhịn cười, tôi lườm chị, thầm nhủ đợi khi chị lấy Phạm Ngũ Lão có thế không cho biết.

Bái xong, tôi chậm rãi được Đan Thanh dắt ra cổng, ngoái lại thấy cha mẹ và các chị vẫn đứng đó, tôi nhẹ gật đầu ý bảo hãy mau vào trong. Chỉ thấy mẹ tôi ôm mặt khóc nức nở, cha khoác tay ôm lấy vai mẹ, cũng mỉm cười gật đầu nhìn tôi. Tôi cũng thấy sống mũi mình cay cay, một ngày là cha mẹ, suốt đời là cha mẹ.

Lúc bước lên xe ngựa, ánh ban mai đã he hé phía chân trời. Đan Thanh mở cửa xe ngựa dọn đường, vừa dõi mắt vào trong đã thốt lên kinh ngạc:

– Chị ơi nhìn xem này, thật là ý tứ.

Tôi chỉ tưởng rằng trong xe tinh xảo quá nên mới làm cho Đan Thanh ngạc nhiên, không ngờ chính mình bước vào cũng không tránh khỏi có chút vui vẻ.

Xe ngựa rộng lớn, ghế dài bằng vải bông mềm mại, bàn gỗ được trải khăn đỏ thẫm thêu uyên ương. Dưới bàn là lò sưởi khiến cho trong xe cực kỳ ấm áp dù bên ngoài đang rét căm căm. Trên bàn bày một bộ ấm trà, một nồi canh hầm toả khói nghi ngút, canh ngân nhĩ hạt sen, tôm vòng phỉ thuý, thịt nướng đôi, thịt xào chua ngọt, bánh đậu xanh, ba món mặn, hai món canh, một món ngọt đều đủ cả. Trên ghế còn sắp mấy quyển sách, chính là mấy quyển ca dao và thơ của nữ thi nhân nước Tống là Lý Thanh Chiếu mà tôi thường hay đọc.

Dù có một chút hoảng hốt, tôi vẫn phải cảm thán một câu, nếu không có tâm tư tinh tế hẳn là không đến mức chuẩn bị chu đáo như thế này.

Tôi nhún vai cười với Đan Thanh một cái, vén rèm bước vào trong, chỉ cảm thấy xung quanh ấm áp, ngát hương hoa đào chớm đông, như đang nằm trọn trong vòng tay của ai đó.

Đan Thanh vào sau, cũng tinh nghịch cười bảo:

– Chị nhà có phúc ghê!

Tôi nháy mắt với cô ả, đáp:

– Cũng thường thôi!

Chờ cả hai bọn tôi ngồi yên vị, xe ngựa cũng từ từ lăn bánh. Tôi vén rèm, nhìn thấy ánh nắng đã bắt đầu len lỏi qua từng tán cây, ngọn cỏ, ẩn hiện trên gương mặt đẫm nước mắt của mẹ vẫn còn tần ngần đứng trong sân. Hưng Đạo vương phủ, xin bái biệt từ đây, An Hoa, Anh Nguyên, Quỳnh Trân, chúc các chị hạnh phúc.

Quốc Tảng, xin lỗi đã không từ mà biệt!

Tôi cất gọn tâm tư, từ sau rèm châu chống cằm nhìn ra bên ngoài, chỉ thấy xa xa luống những ngàn dâu, thành Vạn Kiếp đông đúc hoa lệ dần lùi về sau đoàn người ngựa. Áp mặt vào khung cửa, gió lạnh tạt vào từng cơn, từng tia nắng yếu ớt của mùa đông cũng không làm nhiệt độ bên ngoài ấm áp hơn được.

Thành Vạn Kiếp cách thành Thăng Long không xa, nếu không mỗi lần có việc ra vào cung hẳn là cha sẽ rất vất vả. Cha bảo có lẽ là ngoài trăm dặm, nhưng tốc độ của xe ngựa không nhanh lại còn phải băng đèo, qua sông qua núi, nhắm chừng phải tốn cả ngày đường.

Trước mắt tôi chỉ có hai màu xanh ngút tầm mắt, màu xanh bạt ngàn của những nương dâu và trời xanh trong soi mình xuống dòng Lục Đầu Giang đã như ẩn như hiện ngay trước mặt. Đến Lục Đầu Giang, cả đoàn người ngựa đều dừng lại để xuống thuyền. Con thuyền gỗ to lớn đã neo ở bờ sông từ lúc nào, trông hiên ngang, khí phách như con cá kình giữa biển. Lục Đầu Giang là nơi hội tụ của sáu dòng sông: Nhật Đức, Minh Đức, Nguyệt Đức, Thiên Đức. Bốn dòng “Đức” này hợp nguồn về đây, qua sông chính Thái Bình và sông nhánh Kinh Thầy đồ ra biển.

Tôi đứng trước mũi thuyền, xung quanh là trời cao nước xanh, núi non hùng vĩ, giang sơn như hoạ thu vào tầm mắt, khiến trong lòng dạt dào nỗi tự hào của một thần dân đối với tổ quốc. Nỗi tự hào tràn trề trong huyết quản, xộc thẳng lên đỉnh đầu khiến người tôi như có dòng điện nóng bừng, khiến da mặt tôi tê dại. Khoảnh khắc này, tôi tự nhủ cho dù một ngày có thịt nát xương tan, giữa sự hăm he của giặc lân bang hòng đòi xâm lấn, tôi cũng quyết chiến đấu đến giọt máu cuối cùng.

Chợt nghe tiếng binh lính kêu la có truy binh đuổi giết, tôi giật bắn quay người về phía bờ thuyền vừa rời khỏi, tay chân như muốn rụng rời. Thoáng chốc, bên tai tôi lúc này lại ong ong vang lên tiếng binh sĩ hô hào, rằng “cậu ba phủ Hưng Đạo dẫn binh tới cứu viện rồi, may mắn quá.

Tôi dõi tầm mắt ra xa, quả nhiên thấy Quốc Tảng đang ở giữa truy binh điên cuồng chém giết, bọn chúng bịt kín mặt mày, giống y như đám người trước đây từng ám sát anh chàng lạ mặt ở Vạn Kiếp đêm hoa đăng. Tay tôi bỗng dưng run rẩy, một suy nghĩ đáng sợ lướt qua đầu óc tôi.

Đúng vậy, chính là mai phục, mai phục nhắm vào đoàn rước dâu đến đón tôi. Bọn chúng không dưới ngàn người, ẩn nấp phía bờ sông, giáo gươm đã tuốt, cung nỏ đã tra, chỉ đợi tất cả lên thuyền, giữa lòng sông sẽ nhuộm màu máu đỏ. Còn Quốc Tảng anh ta sao lại ở đây, không ngoài khả năng anh ta đã nghe tin rồi, định dẫn quân đến ngăn tôi rời khỏi đây, rời khỏi anh, rời khỏi một lời hẹn ước.

Nhưng trớ trêu thay, một là ngăn tôi đi, cả hai đều sẽ gặp nguy hiểm. Hai là để tôi đi, anh ta sẽ âm thầm bảo hộ. Ông trời thật biết cách sắp xếp, chẳng để lại một kẻ hở. Gió thổi mây bay, giờ đây đã hai đường hai ngả.

Nhưng đó cũng là sự may mắn của anh ta. Nếu như anh ta đuổi được tôi, chỉ e hậu họa khó lường.

Tôi nhìn giáp anh ta vấy máu, gương mặt đẹp trai ngời ngời cũng lấm lem, như một con rối không có hồn mặc sức đâm chém thì trong lòng đột nhiên đau như cắt. Thâm tâm tôi không ngừng hỏi, rốt cuộc tại sao hai chúng tôi phải đến bước đường này, là tôi sai sao, tại sao vốn dĩ tôi nghĩ mình chẳng có gì sâu nặng với anh ta, khi thấy anh ta trong hoàn cảnh ấy thì tim lại đau đến mức này. Chả lẽ tôi yêu anh ta mà không biết thật sao?

Hết rồi, hết thật rồi! Trong đầu tôi chỉ nghe “ong”, “ong” từng hồi, tôi chợt cảm thấy tri giác của mình như biến mất, tôi vốn dĩ có thể cùng anh một đời ân ái, cùng phiêu bạt chân trời góc biển. Tôi là một người lưu lạc chứ nào phải Trần Thị Tĩnh đâu, tại sao tôi phải vào cung trả nợ ân tình cho chị ta chứ. Tôi cũng không cần trả thù, tôi là kẻ mất trí, được vương phủ cưu mang, được Quốc Tảng cứu mạng biết bao lần, tôi cần làm gì thứ gốc gác đen tối tàn nhẫn đó, tại sao tôi không nghĩ tới sẽ báo đáp ân nghĩa của anh ta?

Tôi thất thần trượt dài rồi ngồi sụp xuống mạn thuyền, nhìn gốc cổ thụ già nua bên bờ, gió lạnh se sắt thổi qua, cuốn đi cả chiếc lá cuối cùng. Quốc Tảng cùng với ánh mắt vừa đau đớn vừa phẫn nộ nhìn tôi, dần dần cũng mất hút khi thuyền tôi đã trôi giữa dòng. Tiếng binh sĩ cũng dần im bặt, chỉ còn tiếng gió rít não nề, thê lương.

Hi vọng cuối cùng cũng tàn như giấc mộng Nam Kha. Giật mình sực tỉnh, mỹ nhân cùng lầu vàng đều không thấy. “Nhân sinh như mộng ảo”, đời người như một giấc chiêm bao…Nắng chiều tà chiếu rọi lên mặt sông loá mắt, sóng nước bập bềnh xô vào bờ, gió rì rào như kể một câu chuyện xưa.

{{{

Tôi vừa leo lên xe là ngủ một giấc dài, đến thành Thăng Long thì mặt trời đã khuất bóng. Tà dương khoan khoái đậu trên từng mái nhà san sát của toà thành giàu có bậc nhất của vương triều. Ngước nhìn trời một màu hồng nhạt, len lỏi trên những tán cây cổ thụ là khói bếp nghi ngút bay lên, nhà ai đang nấu cơm chiều.

Giấc ngủ chập chờn trên xe, tôi chỉ thấy hình ảnh của Quốc Tảng, lúc anh ta dắt ngựa lải nhải bên tai tôi dưới ánh nắng chiều, tôi leo lên ngựa chạy trốn anh ta, anh ta chỉ đứng cười lắc đầu nhìn tôi, ánh mắt khổ tâm khó giấu. Dường như việc tôi luôn chạy trốn anh ta đã sớm trở thành bản năng rồi, kể cả mơ tôi cũng mơ như thế, anh ta vẫn nhìn tôi nhu tình, ánh mắt giống như qua trăm năm vẫn vậy, vẫn luôn dõi theo tôi dù tôi ở tận kinh thành xa xôi.

Vượt chỉ trăm dặm đường đã cảm giác như trải mấy thu, vừa vào trong thành, tôi lại lập tức thấy kinh hỉ. Kinh kỳ không hổ là kinh kỳ, càng vào sâu càng náo nhiệt, dù là thời điểm ngày tàn, vẫn thấy đèn đuốc sáng trưng, người người tấp nập. Thành Thăng Long có sáu mươi mốt phường, đoàn rước dâu đi một ngày đường vừa hay dừng chân tại phường Yên Thái. Trong lòng tôi tuy vẫn day dứt Quốc Tảng, nhưng ngủ một giấc dậy, phiền muộn cũng vơi bớt phần nào, đi thì cũng đi rồi, suy nghĩ quá khứ chỉ khiến mình thêm đau khổ vô ích.

Chúng tôi dừng chân tại một toà lâu mà quan gia đã sớm chuẩn bị từ trước. Toà Trữ Yên lâu này có năm tầng tất thảy. Có lẽ vì vị đại gia bao phòng danh tiếng quá lớn nên kẻ hầu người hạ ở đây đối với tôi hết mực cung kính. Tên phục vụ đưa tôi lên phòng cứ vừa đi vừa nói luyên thuyên một hồi về cảnh đẹp, đặc sản ở đây, giờ này trên phố có gì thú vị làm cho hai mắt tôi như phát sáng, miệng cứ ậm ờ nhưng tâm hồn đã để dưới phố xá nhộn nhịp kia, cơn buồn ngủ cũng biến đâu mất từ đời nào.

Căn phòng tôi ở có hành lang quay mặt về hướng nam, từ trên nhìn xuống chỉ thấy mái ngói san sát, đèn đuốc sáng rực uốn lượn như một con hoả long ngậm châu, mà viên châu to lớn nằm tít ở nơi cung đình rực rỡ, toả ánh hào quang khắp bờ cõi Đại Việt ta.

Hôm nay trùng hợp là ngày rằm tháng Chạp, một trong ba ngày rằm lớn nhất trong năm, nên không khí hết sức vui tươi, phấn khởi. Dù tôi chỉ đứng đón gió trên lầu cao nhưng vẫn ngửi thấy thoảng trong gió mùi thơm của thức ăn lẫn tiếng huyên náo dưới lòng đường, tiếng xe ngựa lộc cộc giòn giã.

Những người đi theo hộ tống tôi đều sinh hoạt nghỉ ngơi ở tầng dưới, bên ngoài phòng ngoài hai hộ vệ trông cửa thì cũng chẳng còn ai. Toà lâu này vốn thuộc sự bảo hộ của quan gia, người ra kẻ vào hết sức nghiêm ngặt, hẳn là không xảy ra vấn đề gì. Huống hồ cấm vệ quân cũng không phải là cái vỏ rỗng.

Tôi chống cằm nhìn trăng, bất giác lại liếc xuống đường phố nhộn nhịp, bụng đánh trống đùng đoàng. Lần này vào cung nói không chừng lại nhốt mình trong cung cấm cả đời, bỏ qua cảnh đẹp ý vui như thế tính ra cũng thật tiếc. Có điều đám người kia bảo vệ tôi như gà mẹ bọc con, khả năng ra ngoài mà không xảy ra kinh động rất khó, lại nói ra ngoài mà có một đám người lẽo đẽo theo sau cũng không thoải mái gì.

Nghĩ thế, liền không nén được thở dài.

Đan Thanh chuẩn bị xong nước tắm cho tôi, thỏ thẻ nói:

– Không hổ là kinh thành, em từ nhỏ đến lớn chưa từng thấy khung cảnh nào đẹp đẽ náo nhiệt nhường này!

Tôi gật đầu phụ hoạ:

– Chị cũng vậy!

– Có nhiều người một khi đã bước vào cung, cả đời cũng không bước ra ngoài được, nhưng chị đừng lo, em tin chắc chị sẽ được thánh ân của bệ hạ, đến lúc đó, chỉ cần làm nũng một tiếng thì chị muốn gì bệ hạ đều sẽ chiều ý mà thôi.

– Ý, em đừng nói trước chứ – Tôi làm ra vẻ trách cứ Đan Thanh.

Tôi không tin tưởng mấy với lời trấn an của Đan Thanh, với cá tính của tôi thì không hẳn có thể diễn được một màn vợ chồng tương kính như tân, một màn chị em tình thâm hầu hạ chung một chồng, huống hồ tôi cũng chẳng phải Trần Thị Tĩnh chân chính.

Tắm rửa xong xuôi, thấy cơm nước vẫn chưa tới, tôi liền chọn bộ quần áo đơn giản gọn nhẹ mặc vào, khoác áo dạ hành, rồi bảo Đan Thanh cũng mặc y như vậy. Sau đấy trước cái nhìn khiếp đảm của Đan Thanh, tôi đánh ngất hai tên lính canh, rồi lựa lối đi vắng vẻ xuống lầu.

Toà trà lâu có năm tầng, nhưng binh sĩ chỉ được ở tầng một và tầng hai, để đảm bảo yên tĩnh cho vị chủ nhân là tôi đây. Vì thế nhẹ nhàng bước xuống tới tầng ba, tôi dắt Đan Thanh ra hành lang, một tay bịt miệng cô ả, một tay ôm eo phi thân nhảy xuống vườn hoa phía hậu viện. Tiếng động tương đối lớn, làm gãy cả một chậu dạ lý hương đang nở rộ, cái lưng của tôi cũng cùng chung số phận. May thay tiếng ngựa xe ngoài ngõ át lấy tiếng động trong hậu đình, cũng may tôi ngậm miệng vừa kịp lúc.

Tôi đỡ Đan Thanh đang xoa mông đứng dậy, nhìn thấy lá khô đầy đầu tóc của cô nhóc thì bụm miệng cười. Đan Thanh ngược lại còn chưa hoàn hồn, thấy tôi cười thì quay sang giận dỗi.

– Chị cười đi, ngày mai đến tai quan gia thì có còn cười nổi không cho biết.

Tôi thản nhiên nói:

– Quan gia cũng không phải thần tiên gì cho cam.

Đan Thanh đang định phản bác thì bị tôi kéo đi ra đường, mọi phiền não trong đầu đều bị dòng người nhộn nhịp đẩy đi xa, trước mắt chỉ còn vàng rực ánh đèn lồng cùng mùi thơm ngào ngạt của thức ăn khiến bọn tôi đều có phần choáng váng. Xung quanh đều là tiếng cười nói, tiếng tấu nhạc, tiếng rao đặc biệt nơi phấn hương.

Từ nhỏ đến lớn, cả hai chúng tôi đều là lần đầu tiên chứng kiến quang cảnh phồn hoa nhường này, không khỏi nảy sinh cảm giác tiếc nuối. Tiếc vì không được gặp sớm hơn, cũng tiếc vì có thế đây là lần gặp duy nhất trong đời.

Tôi nhìn khung cảnh rực rỡ trước mắt, trong người bất giác tràn ngập cảm giác tôn sùng vị vua ngồi trên ngai cao kia. Trong lúc gật gù, tôi vô thức nói:

– Không biết quan gia của chúng ta phải lưng hùm vai gấu cỡ nào mới gánh được trọng trách lớn lao của một quốc gia một cách hoàn hảo như vậy.

Đan Thanh hốt hoảng bịt miệng tôi, nhìn một vòng thấy không ai chú ý mới nhỏ giọng nói:

– Chị của em ơi, quan gia là ai sao lại để chúng ta bình phẩm bừa bãi.

– Còn không phải chồng tương lai của chị hay sao.

Tôi nhỏ tiếng trêu ghẹo khiến mặt mày Đan Thanh có chút ứng đỏ.

– Có ai nói chồng của mình lưng hùm vai gấu bao giờ. – Đan Thanh lẩm bẩm.

Tôi véo mạnh gò má cô tôi kéo kéo:

– Thì là chị chứ còn ai nữa, ha ha.

Nói chung thì tôi cũng được nghe qua vị vua trẻ Hiếu hoàng này, kể từ khi đăng cơ đã thực thi rất nhiều chính sách cải cách trên mọi phương diện, và gặt hái được rất nhiều thành công. Nghe nói là trong vòng một tháng tới, Hiếu Hoàng sẽ ra lệnh hợp nhất hệ thống đo lường để thúc đẩy mua bán trên cả nước. Một bước đi mà khiến cho tôi dù mù mờ cũng đoán ra được nó sẽ là sự chuyển biến mạnh mẽ của đất nước.

Hai người chúng tôi đầu tiên thì đến tửu điếm nổi danh gọi một bàn đồ ăn, một vò rượu làng Vân, hại Đan Thanh chỉ một ngụm đã hoa mắt, hoàn toàn quên mất mình là ai luôn. Sau đấy lại lượn khắp phố chơi đủ trò, nào là đố đèn, nào là cắt giấy hoa, nặn tò he, đi xem đá dế, xem múa rối nước, lúc thì tạt vào một quán trà nghe kể chuyện, lúc thì ghé vào sạp xem quạt xem hoa. Đan Thanh mắt nhắm mắt mở bị xoay như chong chóng, khẩn khoản van nài tôi làm ơn hãy đi về, ngày mai vào cung mà bộ dạng ngủ gà ngủ gật thì hỏng bét.

Kết quả trong tay cơ man là thứ, nhưng khiến tôi tâm đắc nhất là mấy lọ tương Đình Đỗ này, thơm lừng ngon ngọt, ăn một miếng mà nhớ mãi không quên.

Tôi cũng hiểu cho tâm trạng của một nô nhi có trách nhiệm như Đan Thanh, bèn kéo em ấy ngồi xuống một sạp nhỏ bên đường gọi bốn bát bánh đúc để ăn khuya, mà riêng mình tôi đã ăn hết ba bát.

Vừa tính tiền xong thì đằng xa vang lên tiếng đánh nhau ầm ĩ, tôi hớt hải chạy đến thì thấy một đám người đang cướp đồ của một đứa trẻ. Đứa trẻ gần như bò trên đất, tay vẫn ôm khư khư một vật, bị đánh cũng không buông.

Đứa trẻ khoảng bảy tám tuổi, gầy nhom, mặc một bộ y phục vá lổm chổm, tóc rối tung xoã ngang vai. Nó ngước mặt lên khiến tôi ngạc nhiên hết sức. Gương mặt của thằng bé phải nói là quá mức khó coi, nếu không muốn nói là xấu xí. Ngũ quan thô kệch, tay chân đen nhẻm, duy chỉ có đôi mắt tuy không đẹp nhưng sáng như sao. Đôi mắt nó ầng ậng nước mắt, ánh lên nỗi thống hận, nỗi khổ tâm khó giấu.

Mà đám người đánh thằng bé ăn vận sạch sẽ phú quý, đứng gần đó là một người đàn ông khoảng ngoài hai mươi tuổi mặc áo gấm màu xanh, mày rậm mắt xếch, mũi cao môi mỏng, trông cũng một bộ dáng khôi ngô con nhà quyền quý, không hiểu sao lại dung túng cho hạ nhân đi bắt nạt một đứa trẻ con.

Tôi tức giận đến đỏ mặt, chưa nói gì đã nhào đến đá văng ba, bốn tên, hai tên còn lại thì một cước vào mặt ngã nhào, riêng tên công tử đẹp đẽ kia thì bị lọ tương phang vào ngay trán u một cục, nước tương chảy xuống áo hoa của hắn bốc mùi chua lòm, bộ dạng chật vật khiến người ta hả hê. Đan Thanh cũng bận rộn ôm lấy đứa nhỏ, chạy nép sau lưng tôi trừng mắt.

Công tử nộ khí xung thiên, liền ra lệnh toàn lực tấn công chốt hạ, không kể nam nữ gì ráo, hoàn toàn không cho người ta có cơ hội giải thích một lời. Tôi thầm kêu hỏng bét, loại người liều mạng này không sợ hắn tài giỏi mạnh mẽ ra sao, chỉ sợ sau lưng hắn có người chống lưng thì đúng là phiền phức. Tôi không sợ phiền phức, nhưng Tuyên phu nhân thì sợ. Vốn dĩ là trốn đi chơi, lại cùng với đám người này dây dưa không rõ, sau này ba mặt một lời thật là khó nói hết nguyên nhân.

Nhưng cũng không thể để hắn một tay che trời, hà hiếp phụ nữ trẻ em, trên đời này tôi ghét nhất chính là loại người hạ tiện như vậy.

Đám người ô hợp cùng với công tử quyền quý vốn không có khả năng so chiêu với tôi, chỉ mấy cú đạp đã khiến bọn chúng nằm la liệt trên mặt đất. Công tử áo hoa hình như đã tức giận thật rồi, hắn ta lồm cồm ngồi dậy, run run chỉ vào tôi, lớp tương dính trên áo quyện với bụi đất thành một thứ mùi ngai ngái. Cả người vừa bẩn vừa hôi mất hết dáng vẻ đẹp đẽ ban đầu.

– Đồ đàn bà xấu xí, cô là ai, sao dám chõ mũi vào chuyện của tôi?

Tôi nào chịu yếu thế, liền ngẩng mặt liếc anh ta, còn làm bộ dạng muốn đánh thêm:

– Tôi không phải chõ mũi vào chuyện của anh, mà chính xác hơn là chõ mũi giày, giẫm đạp lên mặt anh đấy!

– Cô…! Đồ đàn bà chua ngoa đanh đá!

Anh ta tức đến muốn ngất xỉu, nhưng chỉ biết sa sả mắng. Tôi cảm thấy khả năng mắng người của mình cũng đã đạt đến cảnh giới cát bay đá chạy.

Đan Thanh đưa cái đầu nhỏ nhắn ra, cũng học bộ dáng tôi, lớn tiếng hỏi:

– Đứa trẻ này rốt cuộc đã làm gì mà bọn người các anh lại đối xử với nó như vậy? Thật không bằng cầm thú!

Công tử không hề buông xuống bộ mặt vênh váo gợi đòn, vẫn gân cổ lên buông lời phỉ báng:

– Thứ dơ bẩn như nó đánh cũng chỉ làm bẩn tay ta, hai ả mù các ngươi mở to mắt nhìn xem thứ nó cầm trong tay kìa. Cái nghiên mực bằng ngọc thạch trắng nguyên khối kia quý giá đến nhường nào, một tên ăn mày nhỏ như nó có khả năng mua được sao? Ta đang làm việc trừ hại cho dân thôi!

Tôi nhìn xuống tay đứa trẻ quả nhiên thấy một chiếc nghiên bạch ngọc chạm trổ tinh xảo hình hoa mai, dưới ánh đèn lồng phát sáng lấp lánh, đúng là vật hiếm mà đứa trẻ ăn mặt rách rưới này không thể nào có được. Đứa trẻ xấu xí và nghiên mực đẹp đẽ để kia chung một chỗ, một trời một vực, một đen đúa xấu xí, một trắng trẻo tinh khôi, không có điểm nào ở chúng là có thể tương hoà, nhưng một khắc nhìn thấy đôi mắt sáng ngời như tinh tú trong dãy ngân hà bao la, tôi mới nhận ra, nếu không là đứa trẻ này, thì e rằng là ai cũng không phù hợp với thứ đồ tưởng chừng như chỉ thích hợp với người cao sang hiển quý.

Đứa trẻ này, tuy xấu xí như bùn lầy, nhưng ở nó toát ra khí chất thanh cao như hoa sen.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.