Tiết Đoan ngọ năm nay tôi và Trần Khâm giữ lời hứa với thằng bé Thuyênđưa nó ra ngoài hoàng thành. Tôi giao Quốc Chẩn cho chị Trinh, chính mình thì cùng cha con Trần Khâm ngồi xe ngựa qua cửa Đại Hưng ra khỏi Cấm thành.
Ba người chúng tôi ngồi trên tầng cao của một tòa lầu, tầm nhìn bao quát khắp bốn phương tám hướng. Nhìn về phía đối diện chính là Đông Bộ Đầu, Trần Khâm nói rằng bến Đông Bộ Đầu vừa là bến cảng của quân đội vừa là nơi diễn tập thủy chiến, lại là nơi diễn ra các cuộc đua thuyền vào mùa thu hằng năm. Vì lẽ đó nên bến này được xây dựng thành cụm kiến trúc rất tráng lệ, thậm chí còn cho xây dựng thêm cả sứ quán dành riêng cho sứ giả phương Bắc. Tôi và nhóc Thuyên lần đầu được thấy, xuýt xoa mãi không thôi.
Hôm nay ba người bọn tôi cải trang vi hành, đến thằng nhóc Thuyên bình thường ăn mặc sặc sỡ cũng chỉ mặc độc một bộ quần áo màu thiên thanh. Nó ngồi ăn hết hai cái bánh gio, miệng khen lấy khen để, lại làm thêm nửa bát cơm rượu mới chịu ngừng. Tôi nghĩ món cơm rượu này đối với trẻ con cũng không dễ ăn, riêng thằng nhóc này đối với mấy món rượu đặc biệt yêu thích, tương lai ắt hẳn là một nhân tài.
Cơm no rượu say chính là lúc thích hợp nhất để hóng chuyện, bàn bên cạnh rất ồn ào, tôi lắng tai thì nghe rằng:
“Nam Tống diệt vong đến nay đã hơn hai năm, bọn Thát Đát lên làm chủ. Ngẫm lại thế sự thật khó lường, phương Bắc lớn mạnh mấy nghìn năm nhiều lần mưu đồ thôn tính nước ta không được, ấy thế mà hôm nay lại mất trong tay bọn giặc Thát kia. Vó ngựa người Nguyên thật làm người ta khiếp đảm.”
Trần Khâm đang rót trà, một giọt sánh ra ngoài.
Người khác lại nói:
“Đừng vội xót thương thay kẻ khác, anh nhìn Nam Tống người đông thế mạnh còn bị diệt, xung quanh đây có nơi nào không bị giày xéo cho nát tan bờ cõi đâu? Đại Việt nhỏ bé lại nằm chắn trước Chiêm Thành, tôi thấy lần này nếu không bị biến thành bước đà để đánh sang Chiêm thì cũng bị quân Mông cổ từ chiêm thôn tính tới.”
“Không sai, hai mươi ba năm trước bọn chúng đánh nước ta tuy chưa đầy nửa tháng đã bị đánh trở về, nhưng chỉ trong bao nhiêu thời gian đó cũng đủ biết được bọn chúng hung hăng cỡ nào, huống hồ lúc đó chúng vẫn chưa bành trướng đến mức ấy. Hơn hai mươi năm đất trời xoay chuyển, thu tóm thế lực mười phương, đến khi binh lực cực thịnh mà bọn chúng quay trở lại thì chỉ e rằng mọi thứ sẽ không dễ dàng như trước nữa đâu. Tình thế này có thể dùng một câu để hình dung, chính là lấy trứng chọi đá.”
Lấy trứng chọi đá? Tôi nhếch môi, trong lòng âm thầm khinh bỉ. Chẳng hiểu bọn người này là người ở nơi nào, đến đây để làm nhụt chí người Đông A ta hay sao?
Tôi chưa kịp lên tiếng bất bình đã nghe thằng nhóc Thuyên nói:
“Giặc tới nhà thì đánh, nước lên thì đắp đê, có gì phải sợ?”
Xung quanh lập tức đồng tình:
“Đúng vậy, mấy gã đàn ông cao to vạm vỡ vậy mà thua cả một đứa trẻ nít, kẻ thù chưa đến đã cúp đuôi chạy trước không xứng đáng là dân nước Việt ta.”
Người khác lại nói:
“Thắng được một lần sẽ có lần hai lần ba, bọn chúng binh nhiều của thịnh, chúng ta cũng lắm nhân tài. Một mình già đây giết được năm mười tên giặc cũng còn dư sức. Chỉ cần quân dân đồng lòng, dân Đại Việt ta còn sợ mấy tên ngoại bang chỉ biết cưỡi ngựa hay sao?”
Lại một tràng tiếng cười, mấy tên bị bẽ mặt bỗng nhiên nổi cáu, xăm xăm đến định thượng cẳng chân hạ cẳng tay với thằng nhóc Thuyên. Nó hoảng hốt lùi ra phía sau tôi, tôi bật cười trêu:
“Lúc nãy thì mạnh miệng lắm, sao bây giờ trở thành con rùa rụt cổ rồi?”
Thằng bé vịn tay áo tôi, thò đầu ra bảo:
“Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt, chỉ cần giữ lại rừng thì sợ gì không có củi đốt. Hai mươi năm sau lớn lên lại là một bậc anh hùng!”
Tôi nghe cái lý luận có vẻ vô lý nhưng lại rất thuyết phục của thằng nhóc thì bật cười thành tiếng. Bọn người kia lập tức càng tỏ thái độ hung hăng, luôn miệng hỏi tôi cười cái gì.
Lúc này Trần Khâm nhịn không nổi nữa đứng bật dậy, chỉ trong một chốc bọn người đó đã nằm rên hự hự dưới sàn. Anh ta phất tay áo, bế nhóc Thuyên lên rồi nắm tay tôi rời khỏi đó, chỉ để lại một câu cộc lốc:
“Đám hèn nhát, không xứng là dân Đại Việt!”
Tôi gật gù, anh nói đúng lắm. Bây giờ thì tôi biết thằng nhóc Thuyên giống ai rồi, đúng là cha nào con nấy.
Trần Khâm nắm tay tôi đi nhanh về phía trước. Ngoài kia những hàng đèn lồng kéo dài từ đầu phố đến cuối phố không thấy điểm dừng, người người tràn ra từ khắp các cửa lớn ngõ nhỏ cùng tiến về cửa Triều Đông, nơi con sông Tô Lịch rộng lớn chảy dọc bờ thành.
Ánh mắt Trần Khâm hiện lên nét mê say, không chú ý đã bị đổ xô vào dòng người tấp nập. Lần này có vẻ như vị quan gia trẻ đã đánh giá thấp sức mạnh của quần chúng nhân dân, chỉ biết nhìn bản thân vô thanh vô thức bị cuốn đi xa tít. Tôi nhìn nhóc Thuyên la oai oái trên vai anh ta, bất giác bật cười.
Cũng vào một ngày như thế này năm ấy tôi lần đầu gặp gỡ Trần Khâm, chạm mặt nhau giữa đám đông nhìn thấy cảnh anh ta bị đuổi giết, tuy không thể nói là kề vai sát cánh chiến đấu bên nhau nhưng miễn cưỡng coi như cùng vượt qua hung hiểm. Mới đây mà hai kẻ chúng tôi đã trải qua bao nhiêu chuyện, còn cùng nhau sinh con đẻ cái, gánh vác trọng trách trên vai.
Tôi tấp vào một hàng bánh đúc ngồi xuống gọi ra liên tục ba bát. Thứ này đúng là không ăn thì thôi, đã ăn phải ăn liên tục mới đã thèm, ăn xong lại ngồi hồi tưởng quá khứ. Ngày tết Đoan ngọ năm đó Quốc Tảng tỏ tình với tôi, sau đấy tôi lại bị Trần Khánh Dư bắt đi rồi lại được Quốc Tảng cứu về. Thời gian như bóng câu qua cửa, mới đó đã hai năm, tôi thì đã có con còn anh ta vẫn giữ mối tình si như trước.
Ở phương diện này tôi cảm thấy đúng là phụ nữ dễ thay lòng hơn đàn ông, cả chị Quỳnh Trân cũng bị mềm lòng trước tình cảm của anh Quốc Nghiễn, còn Trần Khánh Dư cố chấp thì hiện tại chẳng biết lưu lạc ở nơi xó xỉnh nào rồi.
Trời càng lúc càng về khuya, vầng trăng như chiếc lưỡi liềm treo trên đỉnh đầu, gió hiu hắt thổi dãy đèn lồng đung đưa. Người qua đường đã rất ít, tôi đi dạo một vòng quanh các hẻm lớn ngõ nhỏ cảm giác như lạc giữa mê cung. Tiếng cười nói thưa thớt dội vào lòng tôi, bỗng nhiên làm tôi lo sợ và lạc lõng.
Đám lá khô đổ ào ạt, có tiếng bước chân điềm tĩnh chậm rãi đạp lên xào xạc lên lá khô, tôi nghe được thanh âm quen thuộc như có ai mỗi sáng bước đi như vậy bên cạnh tôi, ém góc chăn cho tôi, âm thầm dặn cung nữ đừng làm tôi tỉnh giấc. Tôi quay đầu lại, trước mắt là một chàng trai vận viên lĩnh màu ngọc đầu đội mũ phù dung, mày kiếm mắt sắc, anh khí ngút trời. Anh ta bế một đứa trẻ, đứa trẻ vẫy tay với tôi, miệng không ngừng gọi tôi.
Khoảnh khắc anh ta nhìn tôi, cả không gian như ngưng đọng lại.
“Thấy được dung mạo của chàng
Tựa như gió mát trăng thanh
Dường như đã gặp qua ở phàm thế
Đợi chờ lưu luyến, thời gian như ngừng lại”
Mấy cánh hoa bằng lăng trong không trung khẽ bay tán loạn, vô thức rơi trên vai áo của Trần Khâm, lưu luyến chẳng muốn rời. Anh ta bắt lại một cánh hoa nắm trong lòng bàn tay, nghiêng đầu nhìn tôi.
Trần Khâm mỉm cười với tôi, vẻ mặt đắc ý nói:
“Xem ra tôi vẫn còn sức hấp dẫn lắm.”
Tôi nghe một đợt ớn lạnh chạy dài xuống sống lưng, thằng nhóc trên vai cũng nhăn mày nhăn mặt giống như nghe phải chuyện gì kinh khủng lắm. Có điều nó chỉ dám ra vẻ với tôi không lộ ra chút tiếng động nào.
Gió đêm thổi xào xạc trên tán cây hai bên bờ sông Tô Lịch làm bập bềnh mấy đóa hoa đăng đã leo lét ánh lửa, dạt chúng sang hai bên bờ, trông như hai dải lụa phát quang trên nền lụa đen tuyền một màu tối. Người nghệ nhân đàn ở đầu thuyền say mê theo làn điệu, cô đào hát cất tiếng ca, ca rằng:
“Phủ Phụng Thiên sáu mươi mốt phường: Tàng Kiếm chuyên nghề làm kiệu, Yên Thái chuyên làm giấy, Thụy Chương và Nghi Tàm chuyên nghề dệt vải và dệt lụa, Hà Tân là nơi nung vôi, Hàng Đào chuyên việc nhuộm điều, Tả Nhất làm quạt, Tây Hồ có cá to, Thịnh Quang chuyên nghề làm long nhãn, Đồng Nhân bán áo diệp y. Đồ cống có gấm, đồ thêu, hương xạ, cùng ba loài kim.”
Khúc nhạc du dương trầm bổng vang khắp cả mặt sông, len lỏi vào tiếng nước vỗ ì ọp nơi mạn thuyền trong đêm thanh tĩnh. Trong khoang thuyền tràn ngập bóng tối chỉ có chút ánh đèn hiu hắt bên ngoài theo kẽ hở của tấm mành trúc lách mình chui vào, phản chiếu mờ mờ bóng của vị quan gia trẻ tuổi ngồi trầm tư cạnh khung cửa, tay anh ta nâng chén trà giữa không trung nhưng vẫn chưa động đến, khói trà nhè nhẹ bốc lên cao.
Trong bóng tối thế này chỉ thấy được nửa phần gương mặt của anh ta, chiếc mũi thẳng tắp như tạc, ngón tay cầm chén trà thon dài khéo léo. Anh ta ngồi như thể một pho tượng đẹp đẽ giữa nhân gian.
Bên ngoài đã đàn đến khúc nhạc thứ năm, khúc nhạc nhẹ nhàng chậm rãi làm tôi không kìm được ngáp dài một cái. Thằng bé Thuyên đã ngủ từ lâu, còn tôi nằm gối đầu lên đùi Trần Khâm ngắm anh ta ngồi trầm tư nghe hát suốt buổi.
Trần Khâm đưa mắt nhìn ra lòng sông, thủ thỉ với tôi:
“Con sông này có thể vét để làm trục đường chính của kinh đô.”
Tôi gật gù, từ xưa đến nay những việc liên quan đến quốc sự tôi thường không đưa ra ý kiến. Trần Khâm nói xong câu đấy lại thở dài một tiếng:
“Ban nãy hẳn em cũng đã nghe rõ rồi, người Thát hung hãn quen thói, sức lực cũng mạnh mẽ vô cùng. Chúng lại mang giấc mơ thâu tóm thiên hạ, nơi nào vó ngựa Nguyên Mông lướt qua cỏ không mọc nổi, dân chúng lầm than. Biết bao thế lực đã quy hàng, hoặc là tự hàng, hoặc là bị ép phải hàng, Đại Việt ta tuy từng một lần đánh đuổi được chúng nhưng hằng năm vẫn phải – xưng thần triều cống.”
Tôi cũng biết việc triều cống này giống như nghĩa vụ của nước nhỏ đối với nước lớn, phương Bắc trước nay dù là thời đại nào vẫn luôn muốn làm bá chủ, tự cho mình là trung tâm. Bọn chúng luôn ỷ mình người đông thế mạnh để chèn ép các nước lân bang khác, và việc triều cống cũng không phải là chưa từng có tiền lệ. Trần Khâm biết suy nghĩ của tôi, anh ta lại nghiến răng, từng chữ như rít ra từ trong phẫn nộ:
“Đại Việt tuy nhỏ nhưng cũng là nước có vua, cũng tồn tại mấy nghìn năm nay song song với phương Bắc, nhưng bọn man rợ đó lại bắt đích thân vua một nước phải sang cống. Ở đời con giun xéo lắm cũng quằn, huống chi tôi lại là bậc quân vương, tôi và Thượng hoàng luôn coi khinh sự cưỡng ép đó, chưa từng khuất phục lần nào. Kể cả đồ cống hết thảy đều vô bổ.”
Tôi bỗng bật cười:
“Nguyên triều chưa đoạt được tí lợi ích nào của chàng, vậy chàng khó chịu gì hử?”
Trần Khâm lại thở dài, than:
“Vậy nên trong lòng chúng bất mãn đã lâu, luôn bới lông tìm vết để dễ bề sinh sự.”
Ngày xưa lúc Thượng hoàng nhường ngôi cho Trần Khâm, vua của nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt đã cho Sài Thung dẫn sứ đoàn sang Đại Việt, trách móc việc lập vua mới mà không xin phép Nguyên triều. Thời gian Sài Thung ở Đại Việt, cậy thế nước mạnh đã có nhiều hành động ngang ngược vô phép. Nước ta lấy đại cuộc làm trọng, hết lần này đến lần khác nhượng bộ không truy cứu.
Thông qua Sài Thung, Hốt Tất Liệt tuyên chỉ rằng nước ta dối trá, trước vì Thượng hoàng già yếu không thể đi xa còn lượng tình được. Nay vua trẻ đang độ cường sĩ, vào chầu chịu mệnh chính là phải thời, nếu lòng không yên cố ý kháng mệnh thì cứ sửa thành đắp lũy, sắm sửa giáp binh sẵn sàng mà đợi. Thượng hoàng lần nữa viết thư cầu hòa nhưng lập trường thì vẫn không thay đổi, sứ thần nước ta theo Sài Thung về Nguyên lập tức bị bắt giam.
Hai quân giao chiến không giết sứ giả, tôi nghĩ con thuyền này dù muốn dù không cũng phải nhắm mắt bước lên, chỉ là đó đều sẽ quy về ý muốn của Nguyên triều. Tôi mường tượng nguyên nhân chuyện này một phần cũng là vì Thượng hoàng nói rằng bản thân già yếu, sau đấy lại còn để cho Sài Thung chứng kiến sự “già yếu” đó của ngài, phần còn lại là do Hốt Tất liệt nghe Sài Thung kể lại bộ dáng cường tráng đẹp đẽ đó của thượng hoàng nên sinh lòng đố kỵ bèn tùy tiện bắt giam sứ thần cho hả giận mà thôi.
Trần Khâm cảm giác vai tôi run run, lấy ngón trỏ gõ vào trán tôi một cái, lại kể:
“Hai tháng trước nhà Nguyên gọi tôi sang chầu nhưng tôi cáo bệnh không đi, lại cử chú Di Ái sang thế, không ngờ chú của ta sang đó còn được phong làm An Nam quốc vương. Trần Di Ái thấy Nguyên chủ phong cho cũng nhận, chắc trong bụng đồ là chuyến này nhờ sức Mông cổ, may việc xong thì được làm vua, nhược bằng không xong thì sẽ đổ cho là Nguyên chủ bắt ép. Tôi hiểu ông ta nghĩ gì và cũng đoán được rằng không lâu nữa thôi, Nguyên triều sẽ cho hộ Tống kẻ phản phúc kia về để lên mặt.”
Mành trúc khẽ rung lên một tiếng, nhạc khúc bỗng đứt quãng. Tôi bâng khuâng nhìn bóng nước dao động trên vách thuyền, thầm nghĩ binh biến sắp đến nhưng người già trẻ nhỏ có lẽ vẫn chưa hay biết gì.