Chuyến đi này vốn không có gì đặc biệt ngoại trừ việc thằng nhóc Mạc Đĩnh Chi (à, không còn là thằng nhóc nữa mà đã là một cậu thiếu niên mười sáu tuổi) vì nhớ thương người thầy năm xưa của mình mà chủ động xin quan gia cùng đi theo đoàn sứ.
Mạc Đĩnh Chi vì đi theo Trần Nhật Duật có công, Trần Khâm cũng không tiếc ban cho cậu ta ân điểm, tay xách nách mang rất nhiều thứ mà ngày xưa thầy năm yêu thích nhưng lúc sang “hàng” giặc không kịp mang theo.
Nhưng vấn đề ở đây là Mạc Đĩnh Chi làm sao mà ngờ được trưởng đoàn sứ thần khi ấy lại là cái kẻ từng chỉ vào mặt cậu ta mà mắng là cái phường trộm cắp dơ bẩn hèn mọn Đỗ Thiên Hư, đến lúc này đây tôi phải thầm ngửa mặt than ý trời sao mà lúc nào cũng éo le như thế nhỉ.
Về vấn đề của Đỗ Thiên Hư lại rất thần kỳ. Ngày đó tuy anh ta yêu giàu khinh nghèo lại còn giở đòn ghen như phường chợ búa, nhưng sau khi ăn hai mươi roi của Trần Khâm xong thì giống như thay đổi thành con người khác vậy.
Về phạm trù này thì tôi đoán rằng có lẽ là do anh ta may mắn có được người anh cả là bậc đại trí Đỗ Khắc Chung, ngày đó ai biết được ngoài hai mươi roi ra thì anh ta có còn phải chịu thêm nỗi đau đớn xác thịt nào hay không chứ, tôi lại không tin chỉ hai mươi roi mà lại khiến cho người ta theo chính bỏ tà.
Nếu là tôi, ít gì cũng phải nửa năm chép sách thánh hiền, chép kinh Phật đạo đức kinh gì đó, không chép xong thì không cho ăn cơm, cùng lúc trang bị cho một bà vợ dữ tợn ngày đêm đốc thúc việc đèn sách. Trong vòng hai năm không dạy ra được người hiền thì tôi nguyện không dùng cái tên Trần Thị Tĩnh này nữa.
Nói thì nói thế thôi chứ đương nhiên tôi không thể đoán được chuyện lông gà vỏ tỏi nhà người khác, nhất là với kẻ mang lòng dạ khó đoán như Đỗ Khắc Chung. À hiện giờ cũng không nên gọi anh ta là Đỗ Khắc Chung nữa, vì anh ta nhờ có công trong cuộc chiến mà cũng được ban họ Trần.
Trong trận chiến năm Thiệu Bảo thứ bảy, Trần Khắc Chung từng nhiều lần đi sứ sang Nguyên, những lần đó anh ta luôn đưa Đỗ Thiên Hư đi cùng.
Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, có lẽ Đỗ Thiên Hư dù tuổi trẻ có phần hư hỏng nhưng không phủ nhận được tài năng tiềm tàng gì đó của anh ta. Có câu: “một gánh sách hay không bằng một người thầy giỏi”, “một trăm người thầy giỏi không bằng một người cha tốt”, lại có câu “anh cả như cha”.
Từ tính chất bắc cầu, Đỗ Thiên Hư thay đổi trở thành người tốt cũng là chuyện hết sức hiển nhiên.
Bởi thế Mạc Đĩnh Chi lo lắng giống như lo bò trắng răng. Người ta vốn còn nói lời xin lỗi đàng hoàng với cậu ta một lượt, suốt chặng đường đi đều dùng lễ đối đãi, ăn mặc ngủ nghỉ hết thảy đều chu toàn.
Mạc Đĩnh Chi ngược lại mếu máo kinh hãi, đây không phải là thứ cậu ta có thể lường trước được. Đừng nói là chán nản vì bị cái người mà mình từng ghét bỏ vượt mặt, chỉ riêng mấy thứ lễ nghi rườm rà này cũng đủ làm cho Mạc Đĩnh Chi tổn thọ mất thôi.
Đó dù sao cũng không phải là vấn đề chính, đi vào trọng tâm thì chuyến đi này thật khiến người ta phải thở dài.
Năm đó lần đầu tiên bọn tôi gặp nhau Trần Ích Tắc là Chiêu Quốc Vương ở trên cao, có ai ở trong kinh mà không biết đến ông hoàng năm thông minh hiếu học, thông hiểu lịch sử, lục nghệ văn chương nhất đời, là Hoàng tử được đức tiên đế yêu mến nhất.
Dù nghề vặt như đá cầu, đánh cờ, không nghề gì không thông thạo, lại mở học đường ở bên hữu phủ đệ tập hợp văn sĩ bốn phương. Mà Đỗ Thiên Hư, anh ta chỉ là một công tử nhà quan ăn chơi trác táng.
Lúc đó anh ta quỳ rạp dưới chân Trần Ích Tắc, nghe Trần Ích Tắc răn dạy, chịu Trần Ích Tắc khinh miệt.
Đến nay đi sứ sang, Trần Ích Tắc ngồi ở tỉnh đường, Đỗ Thiên Hư chào một lượt các quan nhà Nguyên lại không chào Trần Ích Tắc lấy một cái. Trần Ích Tắc biết thế sự đã đổi, chỉ bình thản hỏi:
“Là Đỗ Thiên Hư đấy ư? Có phải em trai của Chi hậu cục thủ Đỗ Khắc Chung năm đó từng gặp qua hay không?”
Đỗ Thiên Hư lại nhếch môi, không mặn không nhạt đáp:
“Việc đời đổi thay, anh cả đã thăng đến chức Đại hành khiển, còn tôi nay là sứ giả. Cũng như quan Bình chương xưa kia là con vua nay lại là người đầu hàng giặc. Tiếc thay anh tôi nay được ban họ Trần, còn Bình chương thì đã bị gạch tên ra khỏi tông thất.”
Trần Ích Tắc chỉ mím môi cười cười, nhưng tôi biết trong lòng anh ta cũng chua chát lắm thay. Trần Ích Tắc không phải là không thể về, chỉ là ngày nào nhà Nguyên còn ý đồ với Đại Việt thì ngày đó anh ta vẫn phải ở lại.
Đỗ Thiên Hư có thể không biết nội tình nhưng Mạc Đĩnh Chi sao mà không biết được, thế nhưng chẳng lẽ lại đứng ở giữa sảnh đường mà hét lên rằng thầy năm chỉ là làm gian tế chứ không phải thật sự hàng giặc? Cuối cùng chỉ biết đứng nắm chặt hai tay mà âm thầm gào thét trong lòng.
Lúc trở về gian phòng dành cho sứ giả, Mạc Đĩnh Chi cuối cùng cũng không nén được tức giận bất ngờ đấm một cú vào mặt Đỗ Thiên Hư khiến anh ta chảy cả máu mồm. Đỗ Thiên Hư không thể tin ôm mặt nhìn chằm chặp, lại chỉ nghe được tiếng quát mắng của Mạc Đĩnh Chi:
“Anh thì hay rồi, bây giờ được làm quan to, cả nhà vinh hiển nên mới cố ý nhục mạ người hòng đòi lại cái nợ ngày trước người bắt anh phải dập đầu trước một cô gái. Nhưng anh nên nhớ tốt xấu gì người cũng do đức tiên đế sinh ra, không đến lượt kẻ ngoại tộc như anh đi mạt sát.”
Ý nói anh cả anh không phải họ Trần hàng thật giá thật, hàng giả lại đi khinh khi hàng thật à?
Rốt cuộc Mạc Đĩnh Chi cũng không thể nói ra chân tướng chỉ biết uất ức quệt nước mắt phất tay áo bỏ đi, để lại Đỗ Thiên Hư chẳng hiểu mô tê gì. Đỗ Thiên Hư hiện tại không còn là Đỗ Thiên Hư khi xưa nữa, nghe lời trách mắng cũng chỉ thở dài tự chất vấn rằng mình nói sai sao, người đó không phải kẻ hàng giặc chứ là gì?
Tuy là không thể tìm được chỗ sai trong câu nói của mình nhưng cũng không thể chấp với thằng nhóc mới lớn. Chỉ là, aizz, ngày mai phải mang một bên mặt trái sưng vù này đi lên điện, kể ra cũng không hay.
Tối đó Mạc Đĩnh Chi xin gặp riêng thầy năm, nhưng đáng tiếc chỉ nhận được một lời từ chối và cánh cửa đóng chặt lạnh lùng. Cũng may tôi tớ ngày xưa đi theo thầy năm sang vẫn được giữ lại trong phủ, từ bên ngoài nhìn vào vẫn bộ dáng thanh nhã của phủ Quốc ngày xưa, ai biết được đã vật đổi sao dời.
Mạc Đĩnh Chi quỳ trước cửa phòng thầy mình suốt một canh giờ, cuối cùng nghe được mấy lời lạnh nhạt từ trong phòng truyền ra:
“Về đi, từ nay đừng nhắc với ai tôi là thầy anh nữa, cùng đừng..,đừng nên đến tìm tôi.”
Mấy chữ cuối nói ra giống như không nỡ, không thể dứt khoác.
Mạc Đĩnh Chi khóc nấc từng tiếng nghẹn ngào, hai chân giống như chôn xuống đất không nhúc nhích được. Mãi một lúc lâu khi được gia nô đỡ lên mới miễn cưỡng đứng dậy, lại bỗng nhìn thấy người gia nô này trước đây luôn theo hầu thầy năm không ít lần đối tốt với mình, có miếng ngon miếng tốt đều lén lút đưa cho thì lại khóc thêm một trận nữa.
Cuối cùng Đĩnh Chi quỳ xuống dập đầu ba cái, đọc lên mấy câu như nằm lòng:
“Trọng nghĩa, nên ta rời Đại Việt,
Trời xanh mới biết tấm lòng son.
Chẳng phải Văn Công rời Tấn quốc,
Mà như Vi Tử muốn Ân còn.
Chí nối nghiệp xưa luôn tạc dạ,
Tiếng thơm truyền mãi sử không mòn.
Một mai thống nhất giang sơn ấy,
Dòng dõi cha ông vững Việt non”
Bên trong lại vang lên tiếng quát:
“Đi đi!”
Lúc này Mạc Đĩnh Chi mới thút thít trao đồ lại cho người hầu. Nào là cái nghiên mực ngày xưa thầy năm yêu thích, quả bóng da mà ngài thường đá trong sân buổi chiều tà, cái trâm ngọc mà ngài hay dùng để vấn tóc, chiếc quạt nan mà ngài hay quạt những đêm hè.
Rất nhiều, rất nhiều thứ Mạc Đĩnh Chi đã gói kỹ lại, chỉ giữ lại một quyển thi tập nho nhỏ chỉ có vài ba bài ngài ngẫu hứng viết ra, ý thơ trau chuốt, chữ viết đẹp như chữ người trời.
Mãi đến khi Mạc Đĩnh Chi kể những việc này lại với tôi vẫn không nén được mà ôm mặt khóc nghẹn. Trần Ích Tắc dứt tình chỉ e là vì tốt cho đứa học trò mà mình hết mực yêu quý thôi.
Trong chuyến này Mạc Đĩnh Chi cũng kể lại với tôi một việc rằng Thoát Hoan đã bị trục xuất khỏi Đại Đô đến Dương Châu trấn thủ, mãi mãi không được về chầu.
Tôi lại thấy chuyện này đối với Thoát Hoan lại là một chuyện tốt, vùng đất Giang Nam trong thi ca luôn luôn hữu tình, nếu không làm sao có người thi sĩ đã viết ra câu “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”?
Anh ta về đó nói không chừng còn thư thái hơn cả ở Đại Đô.
Mạc Đĩnh Chi lại nói:
“Chị..thật ra công chúa út mất rồi nhưng vẫn để lại hai đứa con một trai một gái. Nghe nói.. nghe nói chúng đều cùng Thoát Hoan đi Dương Châu rồi.”
Tôi choáng váng:
“Chúng..có sống tốt không?”
“Cụ thể thì em không rõ, nhưng em nghe ngóng được Thoát Hoan rất thương chúng. Đi Dương Châu lần này vốn dĩ là Nguyên chủ định để chúng trong kinh làm con tin, nhưng Thoát Hoan giao ra tất cả binh quyền chỉ mong được đưa theo hai đứa trẻ. Hiện tại anh ta gần như mất tất cả thực quyền, chỉ là một hoàng tử trên danh nghĩa thôi.”
Tôi thở dài, làm sao tôi lại không rõ ràng Thoát Hoan có trong tay những thứ này phải đổi chác bằng những thứ gì chứ? Tôi lại không thể hiểu nỗi, rốt cục An Tư trong lòng anh ta chiếm vị trí bao nhiêu?