Nắng Ban Mai ( Thần Chi Quang)

Chương 4: Chân tướng



Ngày đó thành phố trở lạnh, Trịnh Vĩ có hai ca giải phẫu, mở cuộc họp thường kỳ. Tuy nhiên, vì ca mổ tương đối khó khăn nên có mấy phương án giải phẫu còn chưa quyết định.

Ngày đó, Trịnh Vĩ mặc áo lông màu vàng nhạt, là chiếc áo khoác anh thích nhất.

Chủ nhiệm Trịnh vẫn như thế, không khác gì nhiều so với trước kia. Công tác vẫn nghiêm cẩn xuất sắc, thái độ với đồng nghiệp vẫn khách khí ôn hòa như cũ, vào những lúc quan trọng vẫn tỏ rõ uy nghiêm cần thiết.

Muốn nói thay đổi, chính là thời gian tan tầm của anh kéo dài hơn. Có đôi khi bác sĩ ca tối đã tới trực mà anh vẫn còn ngồi ngây người trong phòng làm việc. Công việc cố định nhiều năm như vậy rồi, nên Trịnh Vĩ cũng không biết khi tan tầm rồi anh sẽ đi đâu.

Đã chuyển về nhà hơn một tháng, cũng không phải là không quen, nhưng trong nhà cứ có cảm giác lạnh lùng, lạnh lùng đến mức không quen với thứ gì cả.

Không có Bắc Bắc quấn quýt đòi anh kể chuyện cổ tích, đòi anh cùng chơi mô hình Transformers, cũng không có một lớn một nhỏ càn quét hết cả bàn đồ ăn do anh làm như chưa từng được ăn, khi đi ngủ cũng không có ai ở bên cạnh anh kể chuyện hôm nay xảy ra những gì, mai sẽ có chuyện gì, nói chán liền ngủ, không còn ai cùng anh phân tích một vài ca bệnh khó, cũng không có ai thỏa mãn chuyện chăn gối cùng anh.

Thứ bảy, Trịnh Vĩ lại tới đại viện của quân khu theo thường lệ, ở cùng với cha mẹ. Đây là thói quen mà anh vẫn duy trì.

Trước kia mỗi lần tới thăm cha mẹ Trịnh Vĩ đều dẫn Bắc Bắc theo. Cậu nhóc rất ngoan, lại được lòng mọi người, lúc trước khi nhóc đang thay răng, mỗi lần cười lại để lộ một cái răng cửa, đôi mắt mở to chớp chớp, nhìn rất buồn cười. Mà tiếng ông nội cậu nhóc gọi cũng rất ngọt, ngoan ngoãn lễ phép, không hề quấy phá. Chỉ cần một món đồ chơi hay mô hình Transformers là có thể chơi với nhóc cả buổi được. Mẹ anh rất thích Bắc Bắc, mỗi lần đến thứ sáu đều gọi điện thoại dặn anh đưa nhóc tới chơi. Nghĩ tới việc mai nhóc sẽ tới, liền cười cả buổi, tất cả đồ ăn ngon, đồ chơi đẹp đều chuẩn bị đầy đủ.

Trịnh Quốc Đống không phải không thừa nhận, ngoài vợ mình, chính bản thân ông cũng rất có cảm tình với đứa nhỏ ngoan ngoãn đáng yêu kia. Nhưng mà cách biểu đạt của đàn ông thì không giống phụ nữ, trong lòng có thích cũng rất khó biểu lộ ra ngoài.

Trịnh Quốc Đống nhìn con trai vẫn thường tới ăn tối, rồi ngồi nói vài chuyện linh tinh với vợ mình. Thời tiết chuyển lạnh, bệnh viêm khớp của bà tái phát, Trịnh Vĩ nhờ bạn bè mang rất nhiều thuốc với thức phẩm chức năng từ Mỹ về, nghe nói là có lợi cho người bị viêm khớp, dặn dò bà phải uống đúng theo chỉ dẫn, còn vài lưu ý linh tinh nữa.

Đã vài tuần không thấy Bắc Bắc tới. Đây có thể hiểu là con trai mình và người đàn ông với đứa nhỏ kia đã lâu không gặp nhau.

Tất cả đều phát triển theo hướng như dự kiên của bản thân, nhưng trong lòng lão tham mưu trưởng lại không có cảm giác cao hứng.

Có thể vợ ông không nhận ra, vì trước mặt mẹ mình, Trịnh Vĩ vẫn luôn biểu hiện là một đứa con ngoan, không chút sơ hở. Nhưng Trịnh Quốc Đống biết rằng, gần đây cuộc sống của con mình không hề thuận lợi.

Buổi chiều khi chơi cờ với ông, Trịnh Vĩ hoàn toàn không chú tâm. Cả 5 ván cờ đều thua trong vòng có mười lăm phút. Trịnh Vĩ đã cùng ông chơi cờ vây hơn mười năm, bình thường có tồi nhất cũng cầm cự được ba mươi phút.

Buổi tối khi giúp vợ ông chuẩn bị đồ ăn, đứa con trai đã cầm dao giải phẫu bao nhiêu năm như thế lại có thể cắt vào tay.

======

Từ nhỏ tới lớn, với nhiều sự việc diễn ra xung quanh, Trịnh Vĩ đều tỏ ý không sao cả, từ ăn mặc chơi đùa có cái gì thì dùng cái đó. Là người trưởng thành trong gia đình quân nhân, mặc dù là con một, nhưng nó cũng không hề yếu ớt hay bốc đồng. Nhưng càng lớn, một khi Trịnh Vĩ đã quyết định làm chuyện gì, không ai có thể ngăn cản anh được.

Năm đó Trịnh Vĩ vẫn còn là sinh viên trường y, mà Trịnh Quốc Đống cũng chưa về hưu, ông đã sớm sắp xếp công việc cho con trai mình khi tốt nghiệp, ngay cả đối tượng xem mặt cũng đã xem xét vài người, chỉ chờ con trai mình tốt nghiệp thì vào bệnh viện tốt nhất mà ông đã chuẩn bị, làm việc rồi lập gia đình.

Khi đó Trịnh Vĩ cũng đã một lần nói qua với ông về kế hoạch đi du học tiếp của anh, nhưng bị ông cực lực phản đối, đùng một phát khi đang chuẩn bị tốt nghiệp, con trai ông liền đáp máy bay qua Mỹ.

Trịnh Quốc Đống tức giận, còn gọi điện thoại bảo Trịnh Vĩ đừng có về. Mà Trịnh Vĩ cũng đi hơn một năm không về thật. Lão tham mưu trưởng không gặp được con lại thấy hối hận, cuối cùng vợ ông không chịu được, trong lúc hai bố con vẫn còn căng thẳng, liền nhẹ nhàng khuyên bảo đôi bên. Vì thế từ lần đó, mỗi khi có kỳ nghỉ Trịnh Vĩ lại về thăm hai người, mà thái độ của Trịnh Quốc Đống cũng không quyết liệt như thế nữa.

Nguyên nhân Trịnh Quốc Đống phản đối Trịnh Vĩ ra nước ngoài rất đơn giản. Là người cả đời vì Đảng. Là cán bộ kỳ cựu của đất nước, ông cảm thấy rằng cái gì của chủ nghĩa xã hội cũng tốt, mà chủ nghĩa tư bản thì toàn thứ xấu xa, hơn nữa còn thấy con cái của mấy vị đồng chí khác cũng đi nước ngoài về, mang theo toàn thói hư tật xấu, học hành không ra đâu vào đâu, thế nên cũng lo lắng. Mà Trịnh Vĩ vốn lớn lên trong gia đình quân nhân, từ nhỏ đã chính trực, Trịnh Quốc Đống lo lắng con trai đi nước ngoài vài năm sẽ bị tiêm nhiễm các thói quen của tư bản, khiến công lao dạy dỗ bao nhiêu năm qua của ông thành công cốc.

Cũng may, Trịnh Vĩ về nước vài lần, cũng không có thay đổi gì nhiều. Vẫn ít nói như trước, làm việc lại chịu khó, cũng không có mấy câu khó nghe, nhưng hành động thì khiến người khác giận sôi máu. Vì thế, Trịnh Quốc Đống dần dần cũng tiếp thu chuyện con trai ra nước ngoài tu nghiệp, đặc biệt chờ con trai về mà thay đổi phương hướng nghiên cứu, coi trọng sự nghiệp trong nước, có mấy bệnh viện tư nhân đề nghị trả lương cao nó cũng không chịu về, vẫn nghe lời ông về viện Quân Y Phụ Chúc. Từ đó về sau, khúc mắc của Trịnh Quốc Đống cũng hoàn toàn được gỡ bỏ.

Cũng là từ khi đó, Trịnh lão tham mưu trưởng thấy rằng con ông đã trưởng thành, mọi hành động đều có lý do của nó, biết thế nào là đúng, thế nào là sai, kiên định lại có khả năng, từ nhỏ đến lớn, chưa hề thay đổi.

Trịnh Quốc Đống cũng vẫn kiêu ngạo vì con trai mình.

Cho tới mấy năm trước, Trịnh Vĩ nói là căn hộ bệnh viện phân cho không phù hợp, chạy ra ngoài thuê trọ cùng đồng nghiệp. Lý do Trịnh Vĩ chỉ nói có một lần: Giúp chăm sóc Bắc Bắc.

Bắc Bắc là đứa nhỏ bị bỏ rơi ở bệnh viện bảy năm trước, đến nay vẫn chưa rõ cha mẹ bé là ai. Năm năm trước, đồng nghiệp của Trịnh Vĩ nhận nuôi đứa nhỏ này. Thủ tục nhận nuôi dùng dằng nửa năm mà không được, cuối cùng Trịnh Vĩ khó có lần mở miệng nhờ ông giúp đỡ, Trịnh Quốc Đống mới nhờ vài người quen sắp xếp ổn thỏa.

Ngay từ đầu, Trịnh Quốc Đống và vợ chỉ cảm thấy Trịnh Vĩ quan tâm tới đứa nhỏ này, có đôi khi không ai chăm sóc còn ôm nó tới chỗ hai người gửi một buổi hay một ngày. Hai người họ cho là Trịnh Vĩ thích trẻ con, lại thấy con trai mình đã sắp ba mươi, thích trẻ con, muốn làm bố cũng là chuyện đương nhiên, cho nên vừa hỗ trợ chăm sóc Bắc Bắc, vừa bắt đầu tìm đối tượng cho con trai xem mắt.

Nhưng mà có vẻ con trai ông không hề quan tâm tới việc xem mắt. Trịnh Vĩ cũng không hề quanh co lòng vòng, nó nói thẳng là không đi xem mắt, rồi không đi, có nói gì cũng không hề đổi ý. Hai người thử vài lần đều như vậy, trong lòng cũng hơi lo lắng, cũng chỉ cho là con trai bận rộn nên chưa nghĩ tới chuyện này, thôi để vài năm nữa cũng chưa muộn. Vì thế hai người vẫn thi thoảng nói bóng gió nhắc nhở con trai không nên cuồng công việc quá, cũng nên nghĩ tới chuyện kết hôn đi. Có vẻ như lần nào Trịnh Vĩ cũng hiểu, nhưng không hề đáp lại gì.

Mãi đến khi họp mặt các cán bộ kỳ cựu, Trịnh Quốc Đống có cơ hội gặp Diệp Kiến Quốc – Viện trưởng, nói chuyện về con trai mình, ông mới ý thức được tình huống nghiêm trọng.

Ngày đó, viện trưởng Diệp nói chuyện qua loa để đối phó với ông. Trịnh Quốc Đống là người thế nào, vừa nghe đã hiểu là có chuyện gì đó không thích hợp, cho nên hôm sau, ông tới tận nhà viện trưởng Diệp.

Đây không phải là lần đầu tiên Trịnh Quốc Đống nghe thấy cái tên Khương Thần này.

Ông đã nghe nói về chàng trai này, chính là bố nuôi của Bắc Bắc. Trịnh Vĩ phải chăm sóc cho Bắc Bắc, nên ở lại nhà Khương Thần. Mà viện trưởng Diệp cũng ấp úng không nói rõ về quan hệ giữa hai người. Trịnh Quốc Đống đem các phản ứng của con trai mình khi nhắc tới việc xem mắt, lại tình cảm yêu thương chăm lo cho Bắc Bắc, cùng với tình hình khi Khương Thần đến nhà mình ăn cơm vài lần ghép lại.

Ông đưa ra kết luận.

Kết luận này, với người bảo thủ như ông là cả một vụ nổ lớn. Viện trưởng Diệp lo lắng nhìn sắc mặt tái xanh của ông, chỉ sợ bệnh cao huyết áp của ông bùng phát.

Nhưng dù sao Trịnh Quốc Đống cũng là người từng trải, hơn mười phút ngồi không nói gì, ông đem suy đoán của mình và vẻ mặt lo lắng của viện trưởng Diệp nuốt vào bụng.

Chuyện này Trịnh Quốc Đống không nói cho vợ. Từ mấy tuần sau đó, sắc mặt ông vô cùng khó coi, mỗi ngày đều như đang phải cố gắng chịu đựng điều gì đó. Vợ ông cũng phát hiện ra nhưng không dám hỏi nhiều, chỉ cảm thấy trong lòng ông có tâm sự. Tình huống này là lần đầu tiên từ khi ông về hưu tới giờ.

=========

Ngày đó ngón trỏ trái của Trịnh Vĩ dán một miếng urgo hoạt hình đáng yêu. Miếng urgo này là do một lần Bắc Bắc bị ngã sứt đầu gối, Khương Thần đặc biệt mua urgo hoạt hình cho trẻ con, tuy hơi nhỏ nhưng chất liệu tốt, mềm mại, không thấm nước lại đẹp. Lần trước có để vài cái ở chỗ cha mẹ anh, hôm nay vừa đúng lúc dùng tới.

Về nhà, tắm rửa xong xuôi, miếng urgo cũng không có dấu hiệu bị thấm nước tí nào.

Trịnh Vĩ nằm trên giường đã nửa giờ. Anh không ngủ được, vì thế anh nhớ tới Khương Thần và Bắc Bắc. Đây là công việc mỗi tối của anh.

Lời chia tay lạnh lùng của Khương Thần tối hôm đó, Trịnh Vĩ đã nghiền ngẫm lại hơn trăm nghìn lần. Không biết trong đó chứa bao nhiêu phần thật lòng, bao nhiêu phần giả dối, anh không biểu được. Nhưng anh tôn trọng ý kiến của Khương Thần.

Loại tình cảm này, nếu được thì cùng nhau, không được thì chia tay, Khương Thần đã nói thế, vậy mà còn chuyển cả công việc???

Anh còn có thể làm gì.

Anh với Khương Thần ăn ý nhiều năm như vậy, rất nhiều thứ chỉ cần nói một lần cũng đủ để hiểu được.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.