Nam Quốc Sơn Hà

Chương 30: Di chúc giữ nước



Ngày Đinh-Tỵ, mùa hạ, tháng sáu, niên hiệu Thần-vũ nguyên niên (Dương-lịch 13-7-1069), khắp đế đô Thăng-long như muốn rung chuyển lên, vì dân chúng các nơi kéo về để dự cuộc đón tiếp hoàng-đế cùng hùng sư chinh phạt Chiêm-thành hồi loan.

Cuộc đón tiếp chia làm hai buổi. Buổi thứ nhất, hôm nay, đón đoàn bộ binh, kị binh đi bằng đường bộ từ Chiêm về nước qua Nghệ-an, Thanh-hóa, Trường-yên, Thiên-trường rồi vào cửa Nam thành Thăng-long. Đoàn này do Trung-thành vương, vương phi Nguyễn-thị Trinh-Dung dẫn đầu. Kế tiếp đến tướng Dư-Phi, Bùi-hoàng-Quan với Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt. Phía sau là các hiệu Thiên-tử binh, đội binh sói, hổ, báo, tượng, hầu.

Đoàn thứ nhì về bằng đường thủy, sẽ tới bến Tiềm-long vào ngày Tân-Dậu (Dương-lịch 17-7-1069) đức vua cùng nguyên soái Thường-Kiệt, quân sư Tôn Đản đi trong đoàn này.

Trong khi hùng sư Nam chinh, tin tức được gửi về rất đầy đủ. Tin tức đó, Ỷ-Lan thần phi sai loan báo cho các thầy đồ. Các thầy đồ trên toàn quốc, tối tối ngồi kể chuyện cho dân chúng nghe. Nên diễn tiến các trận đánh, cùng hành trạng của chư tướng, dân chúng đều biết hết.

Cuộc đón tiếp hùng sư chiến thắng trở về được làng xã báo cho dân chúng rõ trước hơn mười ngày. Dân chúng từ các làng, các xã tải gạo, hoa quả, gà vịt, tôm cá, lợn… về Thăng-long để khao quân. Hóa cho nên bữa tiệc mừng chiến thắng thực lớn chưa từng thấy.

Dân chúng đứng hai bên đường đốt hương đón Trung-Thành vương với vương phi. Họ đã được biết hiện Tín-Nghĩa vương với vương phi Lê Ngọc-Nam phải ở lại trấn thủ vùng đất mới chiếm của Chiêm từ Nam-giới đến Hải-vân, bao gồm Bố-chính, Ma-linh, nên không thấy vương với vương phi trong đoàn hùng sư, họ không ngạc nhiên.

Dân chúng thì thầm, chỉ chỏ vào Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt mà bàn tán: mới hôm nào đây, bọn này còn là mười hai đứa trẻ ăn xin ở Thăng-long. May được Quốc-phụ, Quốc-mẫu nuôi dạy, mà trở thành đại tướng, trong khi tuổi còn trẻ. Cạnh Long-biên ngũ hùng là mười người anh kết nghĩa vốn thuộc Tống, mang tên Tuyết-sơn thập anh. Họ lại bàn tán về bốn thiếu nữ Kim-Loan, Kim-Liên, Ngọc-Liên, Ngọc-Hương, mà họ đã nghe tin từ mặt trận gửi về. Các bà, các cô chen nhau để xem dung nhan bốn cô, ai cũng tấm tắc khen là xinh đẹp.

Ỷ-Lan thần phi, tể-tướng Lý Đạo-Thành dẫn quần thần ra cửa Nam đón đoàn hùng-sư, rồi cùng vào thành. Đội nhạc hơn ba trăm người của Hoàng-cung được dàn hai bên đường, tấu bản « Động-đình ca ». Đội hùng sư đi qua khu nào, thì khu đó đốt pháo, dân chúng reo mừng.

Tối hôm đó bầu trời Thăng-long rực lên ánh sáng bởi pháo thăng thiên. Tướng-sĩ, binh-lính được thả cho dạo chơi đế đô. Khắp ba mươi sáu phố phường, mười ba trại, chỗ nào cũng có đoàn hát diễn tuồng, đoàn ảo thuật làm trò. Các cao lâu tửu quán đều mở rộng cửa. Nếu thực khách là binh tướng tùng chinh trở về thì được bớt một nửa tiền. Nhưng đa số nhà hàng đều đãi không.

Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt dẫn bốn cô bạn gái vào Hoàng-thành bái kiến Quốc-phụ, Quốc-mẫu rồi sang cung Ỷ-Lan bái kiến Thần-phi. Hôm nay Thần-phi dùng lễ bình dân tiếp mười hai tướng. Phi mặc chiếc quần nái, chiếc áo cánh lụa hoa cà, thân ra cửa cung đón mười hai cậu em.

An ngôi chủ khách, Phi hỏi:

– Chị ra cửa cung đón các em như vậy, các em đã thấy vinh dự chưa?

– Chưa!

Phạm Dật đáp: Như vậy cũng chưa đủ.

Phi kinh ngạc:

– Thế phải làm sao các em mới vui lòng?

– Nước mình có một cái vạ, và một cái ách.

Đinh Hoàng-Nghi đáp (Từ khi biết mình là con tể-tướng Đinh Nho-Quan triều Đại-Nam, Hoàng-Nghi lấy trở lại họ Đinh): cái vạ là Chiêm-thành phương Nam luôn quấy nhiễu. Cái ách là phương Bắc luôn đe dọa. Nay ta mới đập vỡ được cái vạ, thì đã tự mãn sao được? Đã vinh dự sao được nhỉ? Chúng em chỉ vui lòng, khi khuông phò chị với đức vua gỡ được cái ách phương Bắc, thì bấy giờ chị có bắt bọn em quỳ gối, bò ra như trâu, như lợn; bọn em cũng vinh dự. Chứ bây giờ mới lập được chút ít công lao, mà đã tự mãn thì chúng em chẳng đáng làm em chị.

Ỷ-Lan nở nụ cười tươi:

– Các em thực xứng đáng là con cháu thánh Gióng. Nào bây giờ các em cùng ăn cơm với chị. Chị tuy ở nhà, nhưng cũng nhận được diễn tiến các trận đánh. Song đấy là đại cương, bây giờ chị muốn biết chi tiết. Nào các em vừa ăn vừa kể chuyện cho chị nghe nào.

Đám trẻ thay nhau thuật từ đầu đến cuối cuộc chiến. Phải tới hết canh ba mới xong. Ỷ-Lan bảo Hoàng-Nghi:

– Hôm qua, chị mới nhận được biểu của Tín-Nghĩa vương gửi về xin ân xá cho thân phụ Nang Chang Lan. Chị đợi hoàng thượng hồi loan, rồi sẽ xin phê chuẩn ân xá. Nếu như vì lẽ ông ta ác quá, thì chỉ mình ông ta bị xử tử thôi. Còn toàn gia sẽ được tha ra. Bấy giờ em với nàng sẽ đoàn tụ, chị đứng ra làm lễ cưới cho em.

Nghe nói đến Chang Lan, Hoàng-Nghi cảm thấy chán nản cùng cực. Nó thuật lại những điều mắt thấy tai nghe về nàng cho Ỷ-Lan nghe. Ỷ-Lan ngớ người ra:

– Sao lại có sự lạ thế nhỉ? Mới tháng trước, khi thượng biểu về triều, Tín-Nghĩa vương còn nhắc rằng Chang-Lan luôn khóc xin chết thay cho cha, thì làm sao cô ấy có thể đi cùng Trần Đông-Thiên? Còn biểu xin ân xá mới đây, Tín-Nghiã vương cũng nhắc rằng: thân phụ Chang-Lan xin dâng con gái cho Nghi đệ, để chuộc phần nào tội lỗi. Như vậy thì Lan đang ở trong ngục, chứ có đâu theo Đông-Thiên vào Đồ-bàn?

Lập tức cả mười hai trẻ, bốn cô Việt-kiều cùng khẳng định chính mắt thấy Chang-Lan hầu hạ Đông-Thiên, cùng vênh váo tác oai, tác quái với giáo chúng.

Ỷ-Lan cau mày suy nghĩ:

– Chị biết tin ai đây? Tin Tín-Nghĩa vương hay các em? Được, ngay ngày mai chị sai chim ưng đem chỉ dụ vào cho Tín-Nghĩa vương, để vương giải cả nhà Chang-Lan ra Thăng-long, thì sự sẽ rõ như ban ngày. Hay có hai Chang-Lan khác nhau?

Bốn hôm sau.

Suốt một giải sông Hồng, từ bến Tiềm-long trở về Nam, dài hơn mười dậm, hai bên sông, những con thuyền buôn, thuyền chuyên chở, thuyền tư gia xếp hàng đậu thành hai bức tường nối liền nhau. Trên thuyền, cờ ngũ-hành bay phất phới. Các chủ thuyền vốn là con buôn, nhân dịp này họ bán chỗ ngồi để «xem vua ta». Dân chúng phải khó nhọc lắm mới mua được một chỗ ngồi trên thuyền. Còn lại thì phải đứng trên bờ.

Ngay từ sáng sớm, già trẻ, lớn bé cơm nắm, bánh dày, bánh chưng lằn lưng mang theo cho bữa ăn trưa. Họ đón chu-sư của hoàng-đế khải hoàn trở về. Cứ mỗi quãng sông, lại bầy hương án, chức sắc trong làng khăn áo chỉnh tề đốt hương đứng chờ.

Trên bờ, từ bến Tiềm-long vào thành, hai bên đường, chỗ nào cũng hương án, người người đứng hai bên đường để được thấy nhà vua.

Khoảng giờ Thìn, một đội nữ binh giáp bạc sáng ngời, do công chúa Thiên-Ninh dẫn đầu duyệt một lần an ninh từ Hoàng-thành tới bến Tiềm-long. Đến giờ Tỵ, ba tiếng pháo nổ vang, cổng điện Càn-nguyên mở lớn, một chiếc xe tứ mã chở Ỷ-Lan thần phi, thái-tử Càn-Đức, hoàng tử Chí-Nhân từ từ rời Hoàng-thành. Khi xe tới cửa thành, thì lại có hai đội giáp sĩ theo hai bên xe hộ tống. Dân chúng thấy Ỷ-Lan thần phi thì đồng cúi đầu vái lạy. Xe đến bến Tiềm-long, công chúa Thiên-Ninh hướng dẫn Thần-phi, hai hoàng tử xuống con thuyền Chu-tước.

Đến giờ Ngọ, từ hạ lưu sông Hồng, một đàn chim ưng xếp hàng mười bay ngược trở về bến Tiềm-long.

Thái-tử Càn-Đức tuy mới bốn tuổi, nhưng đã tỏ ra chững chạc. Tay thái tử chỉ lên trời, hỏi Ỷ-Lan:

– Mẹ ơi! Chim ưng dẫn đường kìa! Chắc phụ hoàng sắp tới rồi phải không?

– Đúng vậy.

Ỷ-Lan đáp: Con ban chỉ cho cử âm nhạc đi.

Càn-Đức bước ra đầu thuyền cất tiếng:

– Đốt pháo lệnh.

Viên thái-giám đứng ở đầu thuyền Chu-tước đánh lửa châm vào chiếc pháo thăng thiên rồi tung lên trời. Pháo nổ đùng một tiếng, ánh lửa tỏa ra hình một con rồng vàng. Lập tức các đội nhã nhạc cùng cử bản « Long-hồi ».

Thuyền Chu-tước nhổ sào rời bến xuôi về Nam. Hai bên Chu-tước, có mười chiến thuyền, do nữ thủy thủ áo hồng chèo. Trên thuyền là các đội âm nhạc.

Từ phía hạ lưu, một chiến thuyền khổng lồ dẫn dầu, bên hông có chữ Động-đình. Dân chúng biết đó là soái thuyền hạm đội Động-đình. Trên soái thuyền treo lá cờ có hình con rồng lượn và con chim âu đang bay, đó là kỳ kiệu của thủy-quân Đại-Việt. Đứng trên đài chỉ huy là đô-đốc Trần-Lâm. Hai bên soái thuyền là hai chiến thuyền xung kích loại trung. Đứng trên đài chỉ huy của hai chiến thuyền là hổ-uy thượng-tướng quân Lý Thường-Hiến, định-viễn tướng quân Nguyễn-Căn.

Phía sau soái thuyền khoảng nửa dặm là thuyền Kim-phượng, nơi an tọa của hoàng đế cùng nguyên soái Thường-Kiệt, quân sư Tôn-Đản Cẩm-Thi, đô-đốc phò-mã Hoàng-Kiện, công-chúa Động-Thiên.

Tiếp theo là các chiến thuyền lớn nhỏ thuộc ba hạm đội Động-đình, Bạch-đằng, Thần-phù, nối nhau thành một giây dài.

Trên tất các soái thuyền, chiến thuyền, binh tướng gươm đao sáng ngời, ngồi ngay ngắn, đưa tay vẫy dân chúng ở những thuyền đậu ven sông, trên bờ sông.

Thuyền Chu-tước xuôi giòng, khi gặp thuyền Kim-Phượng, thì quay ngược đầu về Thăng-long, rồi kè sát vào nhau. Ỷ-Lan thần phi bồng thái-tử Càn-Đức, công chúa Thiên-Ninh bồng hoàng-tử Chí-Nhân, cùng nhảy sang thuyền Kim-phượng.

Nhà vua vẫy tay cho Ỷ-Lan:

– Miễn lễ.

Công-chúa Thiên-Ninh hô lớn:

– Bái kiến phụ hoàng, thần-vũ bình phiên.

Ỷ-Lan đặt Càn-Đức, Thiên-Ninh đặt Chí-Nhân xuống sàn thuyền. Ba chị em cùng phủ phục hành đại lễ. Hai hoàng tử, một lên bốn, một lên ba, nhưng cũng đã được học đầy đủ lễ nghi. Nhà vua thản nhiên để cho ba con hành đại lễ.

Lễ tất.

Nhà vua để hai hoàng tử ngồi lên hai đùi. Ngài hôn hai con, rồi hỏi thần-phi:

– Có sự gì khẩn cấp không?

– Tâu bệ-hạ mọi sự tốt đẹp.

Nhà vua hỏi công chúa Thiên-Ninh:

– Ninh nhi tóm lược tình hình cho ta nghe. Trước hết là tình hình Tống.

– Tâu phụ-hoàng. Đúng kế hoạch của Vương An-Thạch, Hy-Ninh đế truyền cho Kinh-Nam vương đem quân đánh chiếm Hy-hà của Tây-hạ. Như vậy, theo Thạch khi Hy-hà mất thì Thổ-phồn bị đe dọa, mà Tây-hà không cứu ứng kịp ắt Thổ phải bỏ Tây-hạ theo Tống.

Nhà vua, Tôn-Đản, Thường-Kiệt đều khen:

– Kế sách An-Thạch thực hay.

– Vì Kinh-Nam vương chuyển quân thần tốc, bí mật, khiến Tây-hạ, Thổ-phồn không kịp trở tay, chỉ một trận Tống chiếm được vùng phì nhiêu này. Thổ-phồn rúng động. Tống gửi sứ sang ép Thổ-phồn phụ thuộc Tống. Khi sứ đoàn tới bên giới, thì bị quân Thổ-phồn ngộ nhận là đoàn do thám, chúng giết sạch. Kinh-Nam vương nổi giận đánh tràn sang, chỉ trong hơn tháng chiếm gần hết lãnh thổ Thổ-phồn.

Tôn-Đản nhìn Cẩm-Thi rồi lắc đầu:

– Không ngờ chú sáu dữ quá.

– Tây-hạ đem quân nghiêng nước cứu Thổ-phồn. Kinh-Nam vương dâng biểu xin cho rút quân. Nhưng Vương An-Thạch thấy kế của mình thành công thì tâu với Hy-Ninh đế quyết giữ Hy-hà. Kinh-Nam vương cứ lần nữa kéo dài, không cho quân Tống đại chiến với Tây-hạ, vì vương thấy quân số mình không đủ để đánh nhau với hai nước. Vì vậy Tống triều phải điều hết binh mã từ Trường-sa tiếp viện cho vương.

– Đúng như trước đây Thiệu-Cực đã ước tính. Dù phú quý tột đỉnh, dù uy quyền nghiêng thiên hạ, mà Kinh-Nam vương vẫn không quên nguồn gốc.

Nhà vua khen Tự-Mai rồi hỏi: Vậy tại sao Tống không cứu viện Chiêm?

– Tâu, giữa lúc Tống dồn hết năng lực đánh ở phía Tây, thì sứ Chiêm đến Biện-kinh cáo việc ta tiến quân. Vương An-Thạch cứ dằng dai không cho triều kiến. Khi sứ Chiêm được vào bệ kiến, thì ta đã tiến đánh Thi-nại. Vì vậy Tống chỉ có thể gửi đội võ-sĩ sang giúp Chiêm gọi là có cho khỏi thất hứa.

Đến đây thì thuyền đã về đến bến Tiềm-long.

Nhà vua, Thần-phi, hai hoàng tử, công chúa Thiên-Ninh cùng lên xe về hoàng thành. Hai bên đường, bách quan dân chúng thắp hương chào đón. Phía sau xe vua là xe chở Chiêm vương Chế-Củ, hoàng hậu, phi-tần Chiêm. Nối tiếp là những đoàn tù binh, đa số là quan lại võ tướng, họ đều mặc quần áo trắng. Không ai bị trói cả.

Riêng Long-thành ẩn sĩ Tôn Đản và công chúa Ngô Cẩm-Thi thì lên kiệu, do hơn nghìn đệ tử của ông bà đón thẳng về trại hoa ở bờ hồ Tây.

Khi nhà vua tới cung Long-thụy, mắt ngài sáng rực khi thấy đội võ-sĩ Long-biên, đội thủy ngư Giao-long cùng Tây-hồ thất kiệt, Long-biên ngũ hùng dàn ra đón.

Nhà vua xuống xe, rồi nói với đám trẻ:

– Các khanh đều là em của Thần-phi, thì cũng như em trẫm. Cuộc viễn chinh vừa rồi, tiếng là thắng do toàn quân, nhưng hầu hết là nhờ quyết tâm của Phi với các em. Các em không phải là binh tướng, nên Phi không để các em đón trẫm mgoài thành, mà đón trẫm ở đây, thì trẫm đã hiểu ý phi rồi. Nhưng… nhưng sao các em lại mặc y phục đại tang thế kia?

Hoàng-Nghi cúi mặt xuống nói trong hơi thở hổn hển:

– Quốc-phụ băng hà đêm qua. Quốc-mẫu chờ bệ hạ với hai vương về nhìn mặt rồi mới thiêu.

Nhà vua kinh hoảng đến lặng người đi. Ngài vội nói với Thường-Kiệt:

– Nguyên soái tìm một cung sạch sẽ để Chiêm-vương, vương phi cùng gia quyến ở. Cắt võ sĩ canh gác bảo vệ cẩn mật, cung cấp lương thực, như một thân vương Đại-Việt. Còn tù binh, thì đem lên cho ở Hà-Bắc, nuôi như nuôi quân mình. Đợi tang lễ Quốc-phụ xong rồi trẫm sẽ thiết triều quyết định số phận Chiêm-vương.

Ghi chú,

Đoạn này Việt-sử-lược chép: Ngày Tân-Dậu (17-7-1069) vua về đến Thăng-long, dừng thuyền ở bến Đông-triều. Chư quan hữu-tư sắp đặt binh giáp nghiêm-trang, nghi vệ rực rỡ. Vua lên bờ, ngự trên báu xa có dát vàng ngọc. Các quan đều cỡi ngựa. Lính dắt vua Chiêm-thành theo sau. Vua Chiêm mình mặc áo vải trắng, đầu đội mũ làm bằng cây gai, tay trói sau lưng có giây vải buộc. Năm lính hiệu Vũ-đô dắt di. Các đảng thuộc cũng bị dắt theo sau.

Trong khi đó vào tháng tám năm 1980, tại đại hội y-khoa Hàng-châu Trung-quốc, tôi có dịp làm quen với bác-sĩ Lý Chiếu-Minh ở Hùng-xuyên (Hunchon) và nữ bác-sĩ Lý Diệp-Oanh ở Thuận-xuyên (Sunchon) thuộc Bắc-Hàn. Nhân nghe tôi họ Trần, bác-sĩ Diệp-Oanh đùa: « Vì tổ tiên anh xua đuổi, nên tổ tiên tôi mới thành thuyền nhân, và Đại-hàn mới có họ Lý ». Nhân dịp đó, hai đồng nghiệp rủ tôi sau đại hội, du lịch Bắc-hàn. Khi tôi tới Hùng-xuyên, cũng như Thuận-xuyên, tông tộc họ Lý có đem gia phả ra, để nhờ tôi giải thích một vài sự kiện lịch-sử Việt-Nam. Trong cả hai gia phả thuộc hai chi khác nhau họ Lý đều chép về cuộc chinh tiễu Chiêm-thành rất chi tiết, lại khác hẳn với VSL. Tôi cho rằng gia-phả đúng hơn, vì vua Lý Thánh-tông là đại nhân quân trong sử VN, hẳn không nỡ trói, làm nhục vua Chiêm. Cho nên cuộc đón rước vua Thánh-tông thuật trên đây, tôi theo gia phả của họ Lý, chứ không theo Việt-sử-lược.

Trong hai bộ Quách-thị nam chinh, Triệu-thị chinh tiễu Giao-chỉ ký cũng ghi: « Vua Giao-chỉ là Nhật-tông thắng Chiêm-thành, bắt chúa Chiêm, cùng các đại thần đem về Thăng-long, cho ở trong trang trại bên sông Hồng. Mỗi khi thiết triều cho chúa Chiêm ngồi ghế, khi tâu không phải xưng tên. Sau lại tha cho về. Từ đấy chúa Chiêm quy phục ».

Đoạn này, với gia phả họ Lý, đã chứng tỏ vua Thánh-tông rất nhân từ, không giống như VSL chép.

Ngay khi nghe tin Quốc-phụ băng hà, nhà vua cùng quần thần vội tới phủ Khai-quốc. Quốc-mẫu Thanh-Mai, hai hoàng tử Hoằng-Chân tức Trung-thành vương, Chiêu-văn tức Tín-nghĩa vương cùng các vương phi cung nghinh thánh giá thiên-tử, để nghe đọc di chúc.

Di chúc để trong một ống bằng bạc. Quốc-mẫu cung kính trao ống bạc gắn kín cho nhà vua. Chính tay nhà vua cầm dao tiện nắp mở ra. Trong ống có một trục lụa khá lớn với ba cái ống nhỏ khác bằng bạc hàn kín, trên mỗi ống đều có khắc tên người. Một ống khắc chữ « Quốc-mẫu » một ống khắc chữ « Ỷ-Lan thần phi », một ống khắc chữ « Thường-Kiệt nhi ». Nhà vua trao trục lục viết di chúc cho công chúa Thiên-Ninh đọc để mọi người cùng nghe.

Công chúa tiếp trục, rồi đọc lớn:

« Vạn vật có sinh, thì có diệt. Con người chỉ là một hạt cát trong vạn vật, nên cũng phải chịu cái định luật ấy. Có xuất thế thì có ly thế; kinh Phật giáo định rõ sinh, lão, bệnh, tử.

Nghĩ lại, cuộc đời nhưng như bóng ngựa câu qua cửa sổ, mới hôm nào còn là đứa trẻ tóc đỏ, khóc oe oe, thế mà nay đã đi vào tuổi cổ lai hy (70), chưa biết bao giờ sẽ giã từ thế gian, mà ước vọng cho đất nước chưa làm được lấy một nửa, nên ta viết di chúc để lại cho đệ tử, cho con cháu, hầu tiếp nối đoạn đường ta đang đi dở dang.

Chư đệ tử, các con, các cháu.

Các người thực là không may mắn khi sinh làm con dân Đại-Việt. Khi giáo huấn các người, ta hằng nhắc nhở rằng: đất nước ta hẹp, dân ta thưa, khí hậu ta khi nắng thì gắt, khi lạnh thì ẩm thấp. Năm nào cũng có thiên tai, không bão thì lụt, không lụt thì hạn hán, không hạn hán thì bị côn trùng phá hại mùa màng. Việc canh tác, mục súc thì trăm cây chỉ mươi cây là tưới tốt được, trăm muông thú thì dăm ba muông thú béo tốt. Thành ra muốn no đủ, thì chỉ có cách đem sức ra chăm chỉ, bát cơm đổi bát mồ hôi mà thôi.

Đấy là cái bất hạnh thứ nhất khi sinh ra làm người Việt phải chịu.

Chúng ta lại luôn bị cái ách phương Bắc dòm ngó, rình rập sơ hở để đánh chiếm, xâm lấn. Họ lấn từng bụi cây, từng vũng nước. Họ ép từng nhà, từng người. Họ lại luôn mua chuộc, đe dọa nhân sĩ, võ lâm; hứa hẹn quan lại bằng những mảnh giấy phong chức tước hão huyền để làm gian tế cho họ. Ta mà không biết bảo nhau người người một lòng, nhà nhà một dạ; cha con, vợ chồng, anh em nhất tâm, nhất trí chung lưng, góp sức giữ đất tổ, thì cái họa diệt vong khó mà tránh được.

Đó là cái bất hạnh thứ nhì khi sinh ra làm người Việt phải chịu.

Lãnh thổ tộc Việt ta từ sông Trường-giang, nằm dọc bờ biển tới vịnh Xiêm-la. Phía Tây giáp Ba-thục. Nhưng nay thì phần phía Bắc thành Quảng-Đông, Quảng-Tây, Đàm-châu, Quý-châu mất rồi. Phía Tây ta còn một mảnh Đại-lý, Xiêm-la, Lão-qua. Phía Nam ta còn Đại-Việt, Chiêm-thành, Chân-lạp. Nhưng Chiêm, Chân lại bị tộc Mã-lị-á vốn hung dữ, không văn hóa tiến dần lên phía Bắc chiếm lĩnh đất đai, sống lẫn lộn; nay thì sắc dân Mã-lị-á đông hơn sắc dân Việt. Nên khi chúng chiếm được quyền, thì y như lại đem quân tiến lên quấy rối. Đó là cái vạ phương Nam mà ta phải gánh.

Đó là cái bất hạnh thứ ba khi sinh ra làm người Việt phải chịu.

Thế nhưng những kẻ phù Việt, ngu dốt, cứ dạy con cháu rằng nước ta giầu, dân ta mạnh, để rồi ngủ yên trên cái hư ảo đó. Nếu cứ cái đà này kéo dài, không khéo nước sẽ lâm nguy bất cứ lúc nào mà không biết.

Khi ta viết những dòng này, thì trong triều, trên có minh quân nhân từ, các quan thì văn mô vũ lược. Kho lẫm, quốc dụng dư thừa, dân chúng no ấm. Ngoài biên trấn thì binh giáp hùng tráng, dân chúng, tướng sĩ một lòng. Cuộc Nam chinh sắp kết thúc. Ai cũng bảo rằng đất nước ta đang hùng mạnh, cho nên ta lấy làm lo lắng vô cùng. Tại sao vậy? Khi Nam chinh trên từ Thiên-tử xuống đến trăm quan, người người một lòng, võ-lâm, nhân-sĩ cùng một hướng. Nhưng Nam chinh xong, mà gối đầu ngủ yên, thì thực là nguy, bởi cái vạ phương Bắc vẫn như thanh gươm kề cổ.

Từ xưa đến giờ, bọn quan lại trong các triều đình Bắc, lúc nào cũng lo bầy mưu thiết kế kiếm chuyện với chúng ta, hầu có cớ mang quân Nam xâm để lập công. Nhổ có phải nhổ cả rễ, chứ cứ đợi cỏ cao, rồi cắt ngọn thì không biết đến bao giờ sạch cỏ. Đối phó với phương Bắc cũng thế, ta phải đánh ngay vào tâm não bọn quan lại, cùng đánh vào lòng nhà vua của họ. Muốn thế ta phải đạt năm điều.

1. Một là trên từ Thiên-tử cho đến thân-vương, nội-cung, hoàng-tộc phải nhất tâm nhất chí, người người thương yêu nhau; ngôi vua do trời đem lại cũng có, mà do dân quy phục cũng có. Nhưng giữ được hay không thì lại do ta. Khi ta không biết thương yêu lấy máu mủ của ta, thì trời nào trao cho ta? Dân nào quy phục ta? Tống Thái-tổ được ngôi vua, nhờ họ Sài không biết tin dùng nhau, trao quyền cho người; khi người nhà không tin nhau, thì mất ngôi là lẽ đương nhiên. Xét trong sử Hoa-Việt, những vụ thay đổi triều đạigần đây hầu hết do cái nạn nội cung cùng ngoại thích mà ra. Ngay bản triều, từ khi đức Thái-tổ được thiên-hạ, trải qua ba đời, mà bị đến bốn lần giang sơn lung lay vì ngoại thích. Ta biết, sau này bản triều mất về giòng họ khác cũng vì cái nạn ngoại thích, hậu cung. Nhưng việc hãy còn xa quá. Trước mắt, ta thấy một cái vạ khó tránh, nhân trước khi xa cõi thế, ta để lại ba mật kế, một trao cho Vương-phi, một trao cho Ỷ-Lan thần phi và một trao cho dưỡng tử Thường-Kiệt. Sau này khi thấy cuộc nội chiến tương tàn khó tránh, thì ba người phải đem ba mật kế hợp với nhau để giải cái nguy.

Ghi chú,

Khai-Quốc vương đã thấy trước cuộc nổi loạn của họ Dương sau này, nên để lại chỉ-dụ để giải quyết. Người cũng nhìn rõ các bà hoàng-hậu của vua Thần-tông, Anh-tông, Huệ-tông dùng ngoại thích lũng đoạn quyền thế, rồi đưa đến mất ngôi về họ Trần.

2. Hai là sao cho dân được ấm no, sống trong an ninh; học phong được phồn thịnh; binh bị không phiền nhiễu; luật pháp được công minh; quan lại thanh liêm. Có như vậy thì trong nhà cha-con, anh em, họ hànghòa thuận; hương đảng sống chết có nhau; cả nước một lòng. Lỡ ra khi nước có sự, chỉ hô một tiếng, là người người cùng đứng lên cầm vũ khí theo lệnh trều đình, lăn mình vào gươm đao giữ nước.

3. Hai là trong triều, ngoài trấn, phải tuyển chọn những người tài đức, có lòng thương dân, có đức trung chính, nhất tâm nhất trí với xã tắc. Khi thấy bọn tham quan, bọn lòng lang dạ sói mãi quốc cầu vinh, thì giếtngay, không tha. Từ xưa đến giờ, người phương Bắc chỉ mang quân sang đánh ta, khi họ chiêu dụ được bọn bọn lòng lang dạ thú, mưu bán tổ tiên, bố mẹ, anh em để cầu chút công danh hão. Cái gương Lê Đạo-Sinh thời Lĩnh-Nam, Kiề Ccông-Tiện thời Ngô còn đó. Gần đây, dù Tống vẫn còn kinh hoàng vì trận Chi-lăng, Bạch-đằng, thế nhưng họ cũng vẫn cứ tìm cách chiêu dụ bọn mặt dơi tai chuột, mưu đồ Nam tiến. Cũng may, những âm mưu đó triều đình, võ lâm đều khám phá ra, diệt được cả.

4. Mặt Bắc chọi với Tống, tuyệt đối áp dụng quốc sách, mà ta với vua bà Bắc-biên đã đại hội anh hùng, vạch ra từ thời Thuận-Thiên: đối với triều đình ta phải tỏ cho họ biết rằng nếu họ để ta yên, thì họ có miền Nam-thùy yên tĩnh, trong nước thịnh trị. Nếu họ muốn Nam-xâm thì họ sẽ có một kẻ thù ghê gớm, cả Hoa-Nam không yên đã đành, mà đến bản thân vua, quan, gia thuộc cho đến con chó, con mèo cũng khó mà sống được. Còn ta, tại Tống triều, ta hậu lễ cống, lời nhũn nhặn. Đối với biên thần chủ hòa hoãn ta giúp đỡ họ trong việc nội trị, còn như họ chủ trương gây hấn, ta thẳng tay phản ứng cực khốc liệt, nếu cần ta cho người về quê họ giết cả bố-mẹ, anh-em, họ-hàng, tôi-tớ, đào mồ cuốc mả lên.

5. Năm là, đối với các nước trong tộc Việt, ta hết sức mềm mỏng, tương trợ trong thế môi hở răng lạnh. Ta sẵn sàng cứu viện không những khi gặp nạn Bắc xâm, mà cả những lúc nội loạn, hoặc tai trời ách nước. Riêng đối với Chiêm, thì ta đã dạy đỗ Thường-Kiệt cặn kẽ tâu Hoàng-thượng trước khi lên đường Nam chinh rằng: đất Chiêm đã bị tộc Mã-lị-á từ Nam phương tiếnlên kiều ngụ, nay thành ra đông đảo ở phía Nam, mà phía Bắc thì người Việt ta. Vậy thì ta đành nhường cho tộc Mã từ Hải-vân về Nam, ta chiếm giữ từ Hải-vân về Bắc, sát nhập vào hoàng triều cương thổ. Tại phương Nam, nếu đám tộc Mã để ta yên thì thôi, bằng họ vẫn quấy phá, thì ta phải chiếm hết những vùng tộc Việt ở, rồi sát nhập vào bản đồ Đại-Việt.

Than ôi! Việc biết thì như vậy, di chúc không nói hết lời, sự đời biến hóa, hư ảo trăm chiều, khó mà định trước được. Ta chỉ nhắc có một lời của cổ nhân: vua ra dạ nhân từ, thần ra dạ trung chính, dân ra dạ ngoan,thì muôn ngàn năm sau, đất nước vẫn còn đó. Còn như vua hoang dâm, coi dân như thú vất, như chó mèo; quan thì lo vơ vét cho đầy túi tham, thì bấy giờ dân không nổi lên tru diệt, thì cũng mất nước vì phương Bắc.

Khi ta qua đời rồi, thì phải tuân theo bằng này điều, chớ có sai trái, mà mất cái đức của ta:

Một là vua bà Bắc-biên, phò-mã Thân Cảnh-Long; Ngũ-long công chúa Kim-Thành, Trường-Ninh, Ôn-Thuận, Côi-sơn, Vạn-Hoa và các phò-mã trấn Bắc-cương Thuận-Tông, Thiện-Lãm, Thiệu-Cực, Tôn-Trọng, Tôn-Mạnh cùng chư động chủ, châu trưởng, các biên cương trọng thần, chỉ được về nhìn mặt ta lần cuối, rồi phải lên đường trấn nhậm ngay.

Hai là Hoằng-Chân Trinh-Dung; Chiêu-Văn Ngọc-Nam cùng chư tướng Nam-thùy chỉ được chịu tang ba ngày, rồi trở về trấn nhậm Bố-chính, Địa-lý, Ma-linh, chớ có chậm trễ mà hư việc nước.

Ba là chỉ để tang 49 ngày. Sau 49 ngày, thì tang phục đốt hết. Bao nhiều tài sản của ta, ta đã bàn với vương phi rồi: ruộng vườn chia cho kẻ cùng khó, không chút đất cắm dùi; của nổi thì đem phân phát cho kẻ nghèo. Vương phi chỉ giữ lại mấy mẫu đất để trồng dâu nuôi tằm làm kế sinh nhai, rồi đi bốn phương hành y-đạo cứu người. Tuyệt đồi không nhận phúng điếu. Nhận, tức là ta lại mắc nợ với người vậy».

Thần-vũ hoàng đế cầm ba cái ống nhỏ trao cho Quốc-mẫu Thanh-Mai, Ỷ-Lan thần phi và Lý Thường-Kiệt. Ba người cung cung, kính kính tiếp nhận.

Sứ đoàn các nước rầm rộ đến điếu tang: Hy-Ninh hoàng đế cử Yên-vương phi Thiếu-Mai thay Tống triều; hoàng đế Đại-lý cử thái-tử cùng tam công; hoàng đế Xiêm quốc cử Thái-sư, U-bon đại vương Lê Văn cùng công chúa Nong-Nụt. Quốc vương Chân-lạp, Lão-qua cũng cử đại thần sang. Hầu hết các chưởng môn nhân võ phái Tống, Tây-hạ, Cao-ly, Tây-liêu, tám vùng tộc Việt cùng đến. Riêng Kinh-Nam vương đang cầm đại quân Tống đánh Tây-hạ, Thổ-phồn, đường xa diệu vợi; khi sứ thần Đại-Việt tới báo tang, thì đã quá bốn mươi chín ngày, nhục thể đã thiêu nên vương không về chịu tang được. Vương ôm mặt khóc thảm thiết rồi cùng chư đệ tử phát tang, hướng về Nam làm lễ tế vọng.

Sau khi quan khách điếu xong, thì nhục thể được đem đến chùa Tiêu-sơn thiêu. Tro cho vào một bình nhỏ, gắn nắp kín, rồi do chính tay hai hoàng tử Hoằng-Chân, Chiêu-Văn đem lên núi Tản chôn vào một nơi bí mật.

Từ hôm bình Chiêm hồi loan, cho đến nay là năm tuần (ghi chú: tuần theo lịch Đại-Việt là 10 ngày) đây là lần đầu tiên Thần-vũ hoàng thế thiết đại triều. Bởi theo cổ lệ, trong thời gian tang lễ Quốc-phụ, hoàng đế ẩm thực giản tiện, ngài ban chỉ cho các quan, nội cung giảm ăn, dân chúng mặc quần áo sô gai, bãi bỏ mọi nghi thức âm nhạc, yến tiệc, ca hát, để tỏ lòng nhớ tiếc. Theo di chúc của Quốc-phụ, thì sau 49 ngày phải đốt tang phục, coi như tang lễ chấm dứt, mọi sinh hoạt phải trở lại bình thường.

Tuy rằng trong 49 ngày nhà vua không thiết triều, nhưng ngài với Ỷ-Lan thần phi vẫn làm việc hàng ngày tại cung Ỷ-Lan. Các cơ cấu như Khu-mật viện, tòa Trung-thư lệnh, Thượng-thư lệnh, Lục-bộ vẫn hoạt động như thường.

Sau khi lễ nghi, âm nhạc tất, tể-tướng Lý Đạo-Thành cung tay:

Ghi chú:

Như hồi trước đã thuật, Tể-tướng Lý-đạo-Thành là thầy vua, lại tuổi già sức yếu, nên khi thiết triều tâu việc không phải xưng tên, chức tước, lúc bàn sự được ngồi, khi vào triều được chống gậy.

– Tâu bệ hạ, kể từ khi bình Chiêm hồi loan, đây là lần đầu tiên bệ hạ thiết đại triều. Tất cả thân vương, đại-thần đều tề tựu đầy đủ. Tuy Quốc-phụ để di chiếu bỏ mọi lễ nghi dành cho người sau 49 ngày, nhưng ghế dành cho Quốc-phụ, vẫn để nguyên, hầu tỏ lòng hiếu kính. Trong buổi thiết triều này công-chúa Bình-Dương, phò-mã Thân Thiệu-Thái, với công chúa Bảo-Hòa vắng mặt. Vì sau tang lễ Quốc-phụ, U-bon đại-vương Lê Văn mời các người du hành Xiêm-quốc.

Long tâm vui vẻ, Thần-vũ hoàng đế phán:

– Quốc-phụ muốn sau khi người về Tây-phương cực lạc rồi, thì mọi sự phải giản tiện, để không bị phí tài vật của dân. Còn thái-sư muốn dùng lễ của Nho-gia tỏ lòng hiếu kính với Quốc-phụ là điều nên làm.

Nhà vua hướng Ỷ-Lan, Tôn-Đản Cẩm-Thi:

– Cuộc bình Chiêm đã hoàn tất. Suốt hơn tháng qua trẫm cùng bàn luận, khi thì với Thần-phi, khi thì với Tể-tướng khi thì với Sư-thúc về vấn đề lao tưởng cho những vị đã có huân công với xã-tắc. Trong cuộc bình Chiêm này, công đức cao vòi vọi là Sư-thúc, Sư-thẩm, Ỷ-Lan. Nhưng ba vị là xã-tắc, xã tắc là ba vị, nên trẫm chỉ biết tỏ lòng kính yêu, mà không thể phong thưởng, vì không có chức tước nào xứng đáng cả. Tuy nhiên trẫm đã ban chỉ truy phong cho lão sư Ngô-Quảng-Thiên làm « Kiểm hiệu thái sư, đới thị-trung, tước Trung-nghĩa đại vương ». Lại truy phong cho Quốc-công Tôn Trung-Luận làm « Tư-không Trấn-Nam quận vương ». Còn phụ thân của Ỷ-Lan thần phi được phong « Dương-quang hầu » phu nhân được phong « Nhất phẩm đoan nghi phu nhân ».

Dụ của nhà vua làm cho ba người cảm động, cùng tạ ơn.

Nhà vua tiếp:

– Bây giờ tới chư tướng. Trẫm để Lễ-bộ thượng-thư Mai Cảnh-Tiên đọc sắc phong theo thứ tự.

Mai-cảnh-Tiên bước khỏi chỗ ngồi, cầm trục giấy ra đọc:

« Thừa thiên hưng vận, Thần-vũ hoàng đế chiếu công lao bình Chiêm, Lý Thường-Kiệt xếp đứng hàng đầu, nay phong chức tước để lao tưởng ».

Lý-thường-Kiệt bước ra quỳ gối chờ đợi.

Mai-cảnh-Tiên đọc:

«… Này Thường-Kiệt, hồi đức Thái-tổ còn tại thế, hôm thiết yến tại Long-hoa đường, người với ta từng nắm tay nhau thân thiết như đôi bạn. Khi đức Thái-tổ băng hà, ngài từng dặn dò rằng ta phải hết sức tin người, yêu thương người; ngài cũng dặn dò người phải hết sức phò tá ta. Rồi sau đó, người với ta sống với nhau ở Tản-lĩnh, luyện võ với nhau, nô đùa với nhau, tình như ruột thịt. Khi rời Tản-lĩnh về Thăng-long, ta biết ngoài lòng trung của một bầy tôi với chúa, người còn tận tụy sớm hôm bên ta, như người bạn chí thiết. Đôi khi người còn lo cả miếng ăn, y-phục cho ta, đó là do tình bạn thời thơ ấu của chúng ta mà người biểu lộ ra. Khắp triều thần, cho tới hương đảng ai cũng biết điều đó.

Nay người làm nguyên soái Nam chinh, bình được Chiêm, công lao thực không thể kể siết, ta phong người làm:

Phụ-quốc thái phó, dao thụ Nam-bình tiết-độ-sứ, Phụ-quốc thượng tướng quân, Thượng-trụ quốc, Khai-quốc công, Thiên-tử nghĩa nam ».

Thường-Kiệt cảm động rơm rớm nước mắt tạ ơn. Bởi trong lịch sử cổ kim, chưa bao giờ một vị hoàng đế trong sắc phong cho công thần, lại nhận một đại thần là nghĩa nam, tức con nuôi. Từ mấy chục năm nay, khắp Đại-Việt đều truyền tụng huyền thoại về việc nhà vua với Thường-Kiệt đánh cuộc, rồi Thường-Kiệt thua phải kêu nhà vua bằng nghĩa phụ. Nhưng trên thực tế nhà vua vẫn chỉ coi Thường-Kiệt là người bạn, chưa bao giờ chính thức công nhận. Nay không những nhà vua nhận, mà lại nhận trong một sắc chỉ phong thưởng. Dù Thường-Kiệt được nhà vua tín cẩn tuyệt đối, nhưng ông vốn điềm đạm, nhũn nhặn nên không ai ghen tỵ với ông.

Quốc-mẫu Trần Thanh-Mai tuyên chỉ:

– Này Kiệt nhi, người là nghĩa nam của hoàng thượng, có nghĩa là ngoài bổn phận một đại thần, người còn có bổn phận của một hoàng-tử. Khắp trong Hoàng-thành, nội-cung, chỗ nào có sự, người cũng phải gánh vác. Bất cứ lúc nào, dù ngày, dù đêm, người cũng có bổn phận ra vào Hoàng-thành, cấm cung phục thị hoàng thượng. Người hiểu không?

– Tuân chỉ Quốc-mẫu.

Chỉ dụ của Quốc-mẫu cho Thường-Kiệt, đối với các đại thần, có nghĩa ông phải gánh thêm nhiều trọng trách. Nhưng những lời đó chỉ duy Thường-Kiệt hiểu rằng: ông toàn quyền ra vào cung cấm, Hoàng-thành, có quyến can thiệp vào mọi việc trong hoàng-tộc.

Tiếp theo, tất cả tướng sĩ Nam chinh đều được thăng lên người thì một đẳng, người thì hai đẳng. Có người được thăng lên tới bốn năm đẳng. Đối với các đô-thống chỉ-huy mười hiệu Thiên-tử binh, đều phong lên hàng tướng quân, tước tới bá. Còn các tướng quân thì phong lên tước hầu. Riêng tất cả các tướng sĩ tử trận đều được thăng lên một lúc bốn đẳng, truyền cấp ruộng đất tuất dưỡng cho vợ con hưởng tới ba đời. Vì vậy các đô-thống Lưu Trọng-Kiệt, Trần Lam-Thanh đều được thăng lên tới Hổ-uy thượng tướng quân, tước Trung-dũng dình hầu.

Tế-tướng Lý Đạo-Thành tâu:

– Trước đây quan Đại-tư-mã Quách Kim-Nhật tuổi cao, xin hồi hưu. Bệ hạ đã chuẩn tấu, song tuyên chỉ đợi sau cuộc Nam chinh, mới cho về. Hôm nay Quách đại-tư-mã khó ở nên vắng mặt. Xét việc bình Chiêm đã hoàn thành, xin bệ hạ định liệu.

Nhà vua tuyên chỉ:

– Một đời Quách đại-tư mã vào sinh ra tử có thừa, sau lên đến tột đỉnh trong võ nghiệp. Nay tuổi đã bẩy mươi lăm, trẫm thuận cho hồi hưu để lao tưởng. Vậy Lễ-bộ hãy soạn chiếu chỉ phong cho hàm « Thái-sư Việt-quốc công ». Bổ Lý Thường-Kiệt thay Quách quốc công lĩnh chức Đại-tư-mã. Lại cử phò-mã đại đô-đốc Hoàng-Kiện thay Thường-Kiệt lĩnh chức Thái-úy, kiêm Binh-bộ thượng thư. Còn Binh-bộ tham-tri Lý Kế-Nguyên thăng lên làm Đại-đô đốc thống lĩnh thủy quân.

Lý Thường-Kiệt tâu:

– Kể ra trong cuộc Nam-chinh này còn có rất nhiều anh hùng võ lâm trợ giúp, nhưng đứng ngoài vòng danh lợi. Một là Côi-sơn tam-anh Trần Phụ-Quốc, Trần Bảo-Dân, Trần Brung-Đạo. Hai là các bồ-tát Mộc-tồn, Viên-Chiếu và bốn vị đại-sư Viên-Căn, Viên-Mộc, Viên-Chi, Viên-Diệp. Ba là Nhân-Huệ hoàng đế Nùng Trí-Cao cùng Khâm-minh đoan-duệ hoàng-hậu Tạ Thuần-Khanh với Quảng-Đông ngũ cái. Bốn là Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt. Đối với các vị thành phần một, hai, ba thì không ai muốn lĩnh chức tước ân huệ đã đành. Song còn mười hai thiếu niên với các dũng sĩ Long-biên, Giao-long công thực không nhỏ. Vậy xin bệ hạ định lẽ nào?

Nhà vua hướng Ỷ-Lan thần-phi:

– Mười hai thiếu niên đều là đệ tử của Quốc-phụ, Quốc-mẫu, lại là nghĩa đệ của Phi. Vậy Phi có thuận cho họ xuất chính ra lĩnh trọng trách với đất nước không?

Ỷ-Lan tâu:

– Hôm Quốc-phụ sắp vãng du Cực-lạc, thiếp có đến phủ của người để thỉnh ý kiến về vụ này. Người đã ban chỉ rằng: không những nên cho chúng xuất chính, mà có thể trao cho trọng trách.

Cả triều thần cùng bật lên tiếng mừng rỡ, bởi trong con mắt họ thì mười hai thiếu niên này đều là hình bóng của Phù-Đổng thiên vương, hay gần đây hơn là Thuận-thiên thập hùng. Nhà vua tuyên chỉ với Đại-tư-mã Thường-Kiệt:

– Khanh là Đại-tư-mã, khanh nghĩ sao?

– Trong cuộc Nam chinh vừa rồi, hùng tâm dũng khí, lòng can đảm vào sinh ra tử của mười hai thiếu niên thực không tướng nào sánh bằng. Nếu đúng công trạng thì phải phong lên hàng tướng quân. Nhưng tất cả mười hai người, chưa ai quá mười chín. Trong khi luật định ra từ thời đức Thái-tổ là dù công lao đến đâu, cũng không thể thăng tướng trước hai mươi hai tuổi. Vậy thần xin đề nghị: tất cả các đô-thống chỉ huy mười hai hiệu Thiên-tử binh đều thăng lên hàng tướng, nay bổ vào thay thế các tướng già hồi hưu ở các trấn, cùng các trại. Còn mười hai thiếu niên nên phong chức đô-thống, mỗi người coi một hiệu Thiên-tử binh, còn tước thì đều phong tới bá.

Nhà vua chuẩn tấu. Mười hai thiếu niên được triệu hồi vào triều kiến, nghe tuyên chỉ phong thưởng. Riêng các thiếu nữ Kim-Loan, Kim-Liên, Ngọc-Liên, Ngọc-Hương đều được phong hàm nhất phẩm phu nhân. Còn các võ-sĩ Long-biên, Giao-long đều được ban cho hiệu « Dũng-sĩ », hưởng bổng lộc của một lữ-trưởng.

Nhà vua hỏi Long-biên ngũ-hùng, Tây-hồ thất-kiệt:

– Các khanh còn niên thiếu, mà đã được phong tới tước bá, như vậy các khanh đã vui lòng chưa?

– Tâu, chưa.

Cả mười hai người cùng bật lên tiếng trả lời trung thực. Nhà vua chưng hửng hỏi:

– Phải như thế nào các khanh mới vui lòng?

Trần Ninh tâu:

– Làm quan là gì? Là vinh hiển, để có bổng lộc cao. Kể về vinh hiển, thì còn cái vinh hiển nào bằng cái vinh hiển được theo hoàng-thượng tòng chinh, chiến thắng hồi triều? Còn bổng lộc ư? Bọn thần từng đi ăn xin, bữa no bữa đói, cũng vẫn sống được, thì nay có ăn cao lương mỹ vị cũng đến no mà thôi! Cho nên hoàng-thượng phong cho chức Đô-thống, tước tới Bá, anh em thần thấy vẫn vậy, chưa lấy làm thỏa chí.

Ỷ-Lan biết các em mình có nhiều tư tưởng khác thường, phi muốn chúng nói ra trước triều đình để họ không khinh thường chúng là bọn trẻ con ăn mày. Nàng hỏi:

– Chí của các em như thế nào?

– Tâu, chúng em có ba điều ước vọng: một là giải được vạ phía Nam của Chiêm-thành; hai là gỡ được ách phía Bắc của Trung-nguyên; ba là sao cho trăm họ đều no đủ, sung sướng như thời vua Hùng, vua Trưng. Nay Đại-Việt ta mới giải được cái vạ Nam-phương, như vậy chúng em mong chờ thực hiện được hai điều ước vọng còn lại mới thỏa chí.

Triều thần cùng bật lên những tiếng khen ngợi.

Ỷ-Lan chỉ Đinh Hoàng-Nghi:

– Tam đệ. Trong những ngày chị thay hoàng-thượng chấp chính, chị nhận được biểu của Tín-Nghĩa vương tâu rằng hồi đánh Bố-chính, em có gặp một cô gái Chiêm con của thân-vương Chiêm Câu-thi Lị-ha-thân Bài-ma-la (Sri Harivarman) tên là Bài-ma-la Nang-chang-Lan (Nanchanlan Harivarman), rồi em say mê nàng đến điên đảo thần hồn. Đúng tội ra thì Bài-ma-la bị giết cả nhà, vì y là một hung thần ác-sát đối với người Việt. Em đã khẩn khoản nhờ Tín-Nghĩa vương thượng biểu xin ân-xá cho gia đình nàng. Có đúng thế không?

– Tâu, đúng…đúng như vậy, nhưng…nhưng…

– Việc ân xá cho gia đình nàng, chị không có quyền. Hôm Hoàng-thượng hồi loan chị đã đệ biểu của Tín-Nghĩa vương lên. Hoàng-thượng phê chuẩn ân xá, nhưng nếu gia đình nàng ở Bố-chánh, e người Việt sẽ giết hại để trả thù; nên chị truyền đưa tất cả về vùng Hoa-lư, cấp ruộng đất cho cầy cấy. Chị đã cử phu nhân của Trấn-viễn thượng-tướng quân, Gia-viễn hầu Bùi Hoàng-Quan là Trần Ngọc-Huệ vào Trường-yên cầu hôn cho em. Hiện thân phụ Chang-Lan với Chang-Lan đang chờ bệ kiến. Em có thể ra gặp nàng.

Ghi-chú,

Bùi Hoàng-Quan là con trai của Lại-bộ thượng-thư Bùi Hựu tước phong Thái-tử thái-phó, Đồng-bình chương sự, Văm-minh điện đại học-sĩ, Bình-sơn hầu. Trước khi Nam chinh chức của Hoàng-Quan là Tả-thiên ngưu vệ thượng tướng quân, chưa được phong tước. Vì làm phó tướng cho Tín-Nghĩa vương, sau chiến thắng được thăng lên hai đẳng. Lại nhờ phu nhân là Trần Ngọc-Huệ phụ tá Ỷ-Lan thần phi về bộ Lễ, có công điều động vận chuyển lương thảo, vì vậy chồng được thăng lên một đẳng nữa là ba, tức Trấn-viễn thượng tướng quân, tước hầu. Chức tước mới của ông như sau: Thái-tử thiếu-bảo, Binh-bộ tham-tri, Trấn-viễn thượng tướng quân, Gia-viễn hầu, Khu-mật viện sứ.

Nghe Ỷ-Lan hết sức lo cho mình, mà lòng Hoàng-Nghi lạnh như băng, hình ảnh Chang-Lan với gã Đông-Thiên ăn ở với nhau, đi bên nhau như bóng với hình, làm chàng buồn nôn. Nhưng giữa triều đình, chàng không thể đem chuyện riêng tư ra nói. Chàng cùng mười một người bạn tạ ơn nhà vua rồi lui ra ngoài.

Đến đó một viên quan của Khu-mật viện từ ngoài vào điện trình lên Ỷ-Lan thần-phi một văn kiện hỏa tốc. Đám Long-biên ngũ hùng nhận ra y là Trần Thanh-Nhiên, đô thống đạo Thiên-tử binh. Từ sau khi bình Chiêm về, trong cuộc luận công, trị tội. Y bị khép vào tội « không tiếp cứu đồng bạn » trong trận Nhật-lệ và Đồ-bàn, phải xử trảm. Nhưng may gặp chỉ ân-xá, nên chỉ bị cách chức, đổi sang làm việc ở Khu-mật viện.

Thần-phi lắc đầu:

– Hồi Hoàng-thượng Nam chinh, thì vấn đề này ta giải quyết. Nay người đã hồi loan, thì cứ tâu thẳng lên người.

Nguyên vào niên hiệu Thuận-Thiên thứ mười bẩy (1026), Khai-Quốc vương mới nhận chức Phụ-quốc thái-úy tâu nhà vua ban luật rằng: những gì liên hệ tới an-ninh, quốc phòng, thì Khu-mật viện một mặt trình lên Đại-tư-mã, Thái-úy; một mặt tâu trình thẳng lên hHoàng-đế mà không cần qua Tể-tướng, hay hai toà Trung-thư lệnh, Thượng-thư lệnh. Hôm nay có việc khẩn, Khu-mật viện trình lên, nhưng quan Đại-tư-mã Quách Kim-Nhật lâm bệnh. Quan Thái-úy Lý Thường-Kiệt đã duyệt qua. Trần Thanh-Nhiên theo thói quen trình cho Thần-phi, mà quên mất nhà vua đã hồi loan.

Nhà vua cầm biểu lên đọc qua một lượt, rồi hỏi:

– Mười hai người này hiện ra sao?

Thanh-Nhiên tâu:

– Thần đã chuẩn bị sẵn, chỉ cần bệ-hạ duyệt là bắt toàn gia mười hai người đem ra bờ sông Hồng xử tử tận số.

Nhà vua quay sang hỏi Ỷ-Lan:

– Trẫm với Thái-úy Thường-Kiệt viễn chinh, quan Đại-tư-mã khó ở; vậy chỉ có khanh nắm vững vấn đề, khanh hãy đem ra bàn với triều đình để giải quyết.

Ỷ-Lan tâu:

– Trong khoảng mười năm gần đây, có khoảng hơn trăm người. Họ gồm đủ mọi lứa tuổi. Già nhất trên sáu chục. Trẻ nhất trên hai chục. Nam có, nữ có, giầu có, nghèo có. Họ ở rải rác bên Chiêm, bên Tống và khắp nơi trên Đất Việt. Nhưng họ có nhiều điều giống nhau: họ rất quan tâm đến tộc Việt, tình dân, thế nước. Họ đều là người có học vấn cao, kiến thức rộng, nhưng sống ngoài vòng cương tỏa của công danh. Khi tình dân, thế nước có những gì, quan lại, triều đình có gì sai trái, họ họp nhau luận bàn, rồi viết ra tờ « cáo » gửi đi khắp nơi cho nhau cùng hiểu. Khi thì họ hài hước, khi thì họ phúng thích, khi thì họ châm biếm thói hư tật xấu của dân chúng, của quan lại, và của cả triều đình. Cho nên suốt một giải từ Chiêm-thành cho tới Thăng-long, Biện-kinh dân chúng đều kính trọng họ. Tại Thăng-long họ có mười hai người, dân chúng gọi là Long-thành thanh luận thập nhị dị-nhân. Nhưng họ lại tự xưng là Thanh-luận thập nhị ngu.

Nhà vua đưa mắt nhìn Tôn Đản Cẩm-Thi, Thường-Kiệt, Hoàng Kiện, Long-biên ngũ-hùng, Tây-hồ thất kiệt rồi phán:

– Khi họ xưng là ngu, thì có nghĩa họ là những người gàn bướng, khinh thế ngạo vật. Những người ngông nghênh như vậy thực không thiếu. Thời Tam-quốc có Nễ-Hành, có Trần-Lâm; thời Tấn có Trương Tịch, Kê Khang. Gần đây có Quảng-Đông ngũ cái, vậy mà nhà người nào cũng giầu có súc tích… Mười hai người đó là những ai vậy?

Ỷ-Lan cầm tờ chỉ đọc lên:

– Đây! Họ chả có ai cầm đầu hết. Người lớn tuổi nhất tên Trần Thanh-Hợp, người nhỏ tuổi nhất tên Nguyễn Phan-Uy.

– Họ đã làm gì mà Khu-mật viện kết án tử hình cả nhà họ?

Trần Thanh-Nhiên tâu:

– Họ dán một tờ bố cáo khắp nơi nói rằng: Hồng-thiết giáo tuy làm nhiều tội ác, nhưng không phải giáo đồ nào cũng làm ác. Tại sao triều đình lại ban chỉ cho quân sĩ, võ lâm tru diệt? Phải mở một con đường hòa giải để họ vẫn có thể làm con dân Đại-Việt. Còn Chiêm, tuy có nhiều người gốc Mã-lị-á, tại sao phải đánh giết họ? Họ sống trên đất Chiêm, mà Chiêm thuộc tộc Việt thì cứ coi họ như sắc dân Tày, Nùng, Thái có được không? Giết họ vì họ bạo tàn thì mình cũng là người bạo tàn.

Nhà vua cầm bút phê: « Đây là những Nho sinh ngông cuồng, gàn dở, không thông đạo lý, nhưng chưa phải là phạm tội ».

Rồi ban chỉ:

– Khu-mật viện cứ theo dõi, để cho họ nói. Họ chỉ nói cho sướng miệng, chứ đâu có làm gì hại đến đất nước? Không nên bắt họ.

Nhà vua hỏi Tể-tướng Lý-đạo-Thành:

– Thưa thầy bây giờ tới vụ gì?

– Tâu, cách nay mười ngày, Chiêm-vương Chế-Củ thượng biểu xin dâng ba châu Bố-chính, Địa-lý, Ma-linh để chuộc tội, và xin về nước. Hoàng-thượng châu phê cho đình nghị. Vậy bây giờ tới vấn đề này.

Nhà vua tuyên chỉ:

– Từ xưa đến giờ, mỗi khi có sự với Chiêm, ta thường mang quân sang đánh phá kinh đô, hủy tông miếu của chúng để trừng phạt rồi rút về, không bao giờ lấn của họ một tấc đất. Hồi trên đường bình Chiêm, trẫm có đặt vấn đề ra với Thường-Kiệt là sao có thể chấm dứt cái vạ Nam thùy với Chiêm. Thường-Kiệt đã tâu trình cho trẫm. Vậy nay Thường-Kiệt nhắc lại kế đó cho các quan triều nghị.

Thường-Kiệt bước ra tường trình những gì ông đã mật tấu vói nhà vua trên chiến thuyến, trong khi Nam chinh (hồi thứ 21), rồi ông kết luận:

– Chính vì lẽ đó, thay vì đánh rồi rút, tôi đã tâu xin cử Trung-Thành vương trấn từ Hải-vân tới Ma-linh; Tín-Nghĩa vương trấn từ Ma-linh tới Nam giới. Tất cả ba châu đó, ta đã tổ chức cai trị giống bên Đại-Việt như phân chia quận, huyện, tổng, làng, xã. Sở dĩ ta còn để trọng binh ở đó, vì ta không có chính nghĩa, sợ dân Chiêm nổi dậy đòi đất. Nay thì chính Chế-Củ xin dâng ba châu, ta có chính nghĩa, thực dễ dàng cho ta.

Lại-bộ thượng thư Bùi Hựu bàn:

– Như vậy sự việc coi như đã rồi, không cần đình nghị nữa. Vấn đề đình nghị là có nên tha Chiêm vương về nước hay không?

Lý Kế-Nguyên tâu:

– Thần, Tham-tri chính-sự, Đồng-trung thư môn hạ bình chương sự, lĩnh Đại đô-đốc, Khu-mật viện sứ, Ngọc-lâm hầu kính thỉnh hoàng-thượng cho Khu-mật viện tâu rõ tình hình Chiêm từ khi Chế-Củ bị bắt đã, như vậy cuộc nghị sự mới có cơ sở vững chắc.

– Được! Nào Đô-đốc Hoàng Kiện, người hãy trình bầy tình hình Chiêm hiện nay ra sao cho triều đình rõ.

Phò-mã Hoàng-Kiện tâu:

– Thần, Phụ-quốc Thái-úy, Đồng-trung thư môn hạ bình chương sự, lĩnh Binh-bộ thượng thư, Kinh-Bắc tiết độ sứ, Uy-viễn đại học sĩ, quản Khu-mật viện, Sơn-Nam quốc công xin kính tâu.

– Phò-mã bình thân.

– Sau khi quân Đại-Việt rút về, thì Trần Đông-Thiên và Vũ Chương-Hào đều muốn làm vua. Đông-Thiên được Thâm Phúc-Dũng, Phan Vũ-Tỉnh ủng hộ; Chương-Hào được Lục Đình ủng hộ. Lục Đình chiếm được Đồ-bàn. Đông-Thiên quyết đánh chiếm lại. Giữa lúc hai bên chém giết nhau bất phân thắng bại thì Nhân-Huệ hoàng đế Nùng-trí-Cao với Quảng-Đông ngũ cái ngả theo phe Đông-Thiên cùng đem quân vây Đồ-bàn. Vũ Chương-Hào yếu thế cố thủ trong thành. Còn các địa phương, nơi thì theo phe Đông-Thiên, nơi thì theo phe Chương-Hào.

Ỷ-Lan thần phi hỏi:

– Này phò mã, tôi rất quan tâm đến Lê Phúc-Huynh với mười kỳ chủ của Hồng-thiết giáo, hiện tung tích họ ra sao?

– Tâu thần phi, từ sau trận Nhật-lệ, Phúc-Huynh tuyệt tích, không biết sống chết ra sao. Còn mười kỳ chủ thì được Mộc-tồn Vọng-thê bồ-tát thu làm đệ tử. Người đã chữa tuyệt nọc Chu-sa huyền âm, lại nhờ tiên-nương Thiếu-Mai trị lưỡi cho họ. Nay họ đã nói năng được bình thường, và theo Mộc-tồn hòa thượng đi hành hiệp.

Tể-tướng Lý Đạo-Thành hỏi:

– Hôm trước, tuân chỉ của hoàng-thượng, Khu-mật viện đã cho thuyền bí mật về Trung-nguyên đón vợ con đám võ-sĩ Tống gửi sang giúp Chế-Củ, nay đã hàng ta. Vậy việc này đi đến đâu rồi?

Phò-mã Hoàng-Kiện quay sang nói với Trung-Thành vương:

– Vụ này Khu-mật viện trao cho Trung-Thành vương thực hiện. Xin vương tâu lên hoàng thượng.

– Tâu hoàng thượng.

Trung-Thành vương bước ra cung tay:

– Sau khi sư huynh Thường-Kiệt, Quảng-Đông ngũ cái dùng trí khuất phục đám võ-sĩ Tống, thì Động-đình thất kiệt kết huynh đệ với Long-biên ngũ hùng; Tuyết-sơn thập anh kết huynh đệ với Tây-hồ thất kiệt. Họ vốn không có vợ con, nên xin ở lại Đại-Việt, vì nếu họ về Tống, e khó thoát nổi họa sát thân. Hiện họ ở chung với đám thiếu niên Long-biên, Tây-hồ. Họ đã lấy vợ Việt.

Vương ngừng lại một lát cho các quan theo kịp, rồi tiếp:

– Theo kế hoạch, thần cho đưa đám võ sĩ về ở phía Nam Nghi-tàm; còn Yên-Đạt, Tu-Kỷ thì chở về gần đến đảo Hải-Nam, rồi giả đánh đắm thuyền, cho hai người ôm ván bơi vào bờ, nói dối quan địa phương rằng thuyền chở các võ sĩ bị bão chìm hết, chỉ hai người sống sót. Mọi sự diễn ra tốt đẹp. Nhưng khi hai người được đưa về Biện-kinh thì họ trở mặt; thay vì nói dối, hai người đã khai thực. Tống triều ân xá cho họ. Sợ rằng Tống triều sẽ truyền chỉ cho quan địa phương canh giữ gia đình các võ sĩ, thần nhanh tay hơn, nhờ đệ tử của Kinh-Nam vương giúp đỡ, hỏa tốc đem hết gia đình các võ sĩ sang đây. Tất cả đã đưa về Thăng-long đoàn tụ gia đình. Mọi sự ổn định được ba ngày rồi.

Nhà vua hài lòng:

– Ngự đệ thực không hổ là con của Quốc-phụ, Quốc-mẫu.

Nhà vua quay lại hỏi quần thần:

– Trước tình hình Chiêm, tình hình các võ-sĩ Tống theo ta như vậy. Chư khanh nghĩ sao?

Tín-Nghĩa vương tâu:

– Tất cả đám người Việt theo phe Chương-Hào, Đông-Thiên đều sinh sống ở Chiêm lâu ngày, họ lấy vợ Chiêm, nói tiếng Chiêm, mang tên Chiêm. Người Chiêm không coi họ là người ngoại quốc nữa. Khi thần lên đường về đây triều hội, thì được tin Ưng-sơn song hiệp giết Lục Đình cùng toàn gia về tội sai bộ hạ mạo xưng tên người; thành ra phe Chương-Hào rất yếu, có khi giờ này Đồ-bàn đã bị Đông-Thiên chiếm rồi. Theo ngu ý của thần, thì Hoàng-thượng nên ban chỉ ân xá Chiêm vương, tha cho y với đám tướng sĩ bị bắt về nước. Chế-Củ sẽ xuất lĩnh người Chiêm đánh Đông-Thiên. Dù Đông-Thiên thắng hay Chế-Củ thắng, thì tinh lực Chiêm cũng kiệt quệ. Sau đây ít ra hai mươi năm mới phục hồi. Bấy giờ thì đám dân ta di vào cư trú ở ba châu Ma-linh, Địa-lý, Bố-chính đã an cư lạc nghiệp. Chiêm khó lòng mà đòi lại được.

Nhà vua tuyên chỉ:

– Trẫm y đề nghị các khanh. Cho Chiêm vương với hàng tướng vào triều kiến.

Trung-Thành vương tâu:

– Chiêm vương với hàng tướng không biết tiếng Việt. Xin hoàng-thượng cho phép phu nhân các đô thống Phạm-Đật, Vũ-Quang, Lý-Đoan, Trần-Ninh vào làm thông dịch.

– Được.

Nhà vua tuyên chỉ: cho cả các đô-thống cùng vào.

Ghi chú,

Đại-Việt sử ký toàn thư, phần Lý kỷ, Thánh-tông kỷ chép rằng châu Địa-lý thuộc Quảng-Nam e rằng sai. Niên hiệu Thái-Ninh thứ thư, đời vua Lý Nhân-Tông đổi châu Địa-lý thành Lâm-bình, châu Ma-linh thành Minh-linh. Địa-lý nay là huyện Lệ-ninh tỉnh Quảng-bình. Ma-linh nay là huyện Bến-hải tỉnh Quảng-trị. Bố-chính nay là huyện Quảng-trạch, Bố-trạch, Tuyên-hóa tỉnh Quảng-bình.

Theo Tống sử quyển 489 thì: Sau khi Chế-Củ cùng các tướng sĩ được vua Thánh-Tông ân xá, lại truyền trả năm vạn tù binh, chiến thuyền vũ khí, cấp lương thực cho hồi quốc. Chế-Củ xuất lĩnh dân chúng nổi dậy đuổi được bọn Đông-Thiên về Pandurango, lên làm vua. Cuộc nội chiến kéo dài cho đến niên hiệu Thái-Ninh thứ tư (Giáp-Dần 1074) đời vua Nhân-Tông. Bên Trung-nguyên là niên hiệu Hy-Ninh thứ bẩy đời vua Thần-tông thì phe Đông-Thiên thắng. Chế-Củ cùng với quần thần, cung quyến hơn hai nghìnngười dùng thuyền chạy sang Đại-Việt xin tỵ nạn. Vua thuận cho.

Đó là chuyện sau.

Lát sau Chiêm vương Chế-Củ cùng hoàng thân, đại thần, tướng sĩ hơn trăm người được đưa vào triều kiến. Lễ tất. Nhà vua truyền mang ghế cho Chiêm vương ngồi ngang với các thân vương Đại-Việt. Chế-Củ tâu:

– Thần trẻ người non dạ, đang tuổi khí huyết sung thịnh, trót nghe lời bọn Lục Đình, với bọn ma đầu Hồng-thiết mà luyện quân định gây chiến với Đại-Việt. Nay nước mất, nhà tan, mà thần bị chính bọn chúng phản. Bệ hạ là đấng nhân từ không nỡ sát hại, lại cấp cho nơi ăn chốn ở đầy đủ. Vậy thần xin dâng ba châu Ma-linh, Địa-lý, Bố-chính để thế mạng. Xin bệ hạ cho thần hồi cố quốc. Từ nay xin hàng năm tiến cống.

Kim-Loan dịch.

Nhà vua an ủi:

– Vương biết hối lỗi như vậy là may. Nay trẫm cho ân xá về nước. Các đại thần cũng được về theo. Trẫm tuyên chỉ trả năm vạn tù binh, cùng chiến thuyền, vũ khí. Đại-tư-mã Lý Thường-Kiệt sẽ chu cấp lương bổng để khanh đem tướng sĩ về nước. Vậy khanh có muốn tâu thêm điều gì không?

Kim-Liên lại dịch.

– Tâu bệ hạ.

Chế-Củ cúi đầu: Thần có một hoàng thúc, tổng trấn Bố-chính, bị bắt cùng gia quyến, xin bệ hạ ân xá cho người cùng về.

Nhà vua hỏi Tín-Nghĩa vương:

– Vị hoàng thúc đó là ai? Hiện ngự đệ giam ở đâu?

– Tâu, đó là Câu-thi Lị-ha-thân Bàn-ma-la (Sri Harivarman).

Tín-Nghĩa vương tâu: Hiện hoàng thân cũng đang chờ ở ngoài điện để được vào bệ kiến.

Vương quay lại nói với lễ quan:

– Mời hoàng thân Bài-ma-la.

Bài-ma-la cùng con gái là Nang Chan-Lan được đưa vào điện Càn-nguyên. Hai người phủ phục tung hô vạn tuế bằng tiếng Việt.

Từ lúc Long-biên ngũ hùng với Kim-Loan, Lim-Liên, Ngọc-Liên, Ngọc-Hương được triệu hồi vào làm thông dịch, thì Hoàng-Nghi dửng dưng trước mọi sự. Bây giờ thấy Nang-Chang-Lan theo thân phụ vào triều kiến, tim chàng đập rộn ràng, trong khi hình ảnh nàng tối tối ngủ với gã Đông-Thiên, cái mặt vênh vênh váo váo làm miệng chàng cảm thấy đăng đắng khó tả.

Nhà vua tuyên chỉ:

– Thái-phó Thường-Kiệt thay trẫm khoản đãi vương gia cùng chư tướng, rồi gấp gấp đưa về nước. Bãi triều.

Nhạc tấu bản Long-hồi.

Nhà vua lui vào cung. Ỷ-Lan vẫy Long-biên ngũ hùng, bốn thiếu nữ và Nang Chang-Lan:

– Các em theo chị vào cung để chị em đàm đạo.

Chang-Lan bỡ ngỡ nhìn phụ thân như hỏi ý kiến. Bài-ma-la gật đầu:

– Con cứ đi theo Thần-phi để được dạy dỗ.

Chang-Lan e thẹn theo sau Hoàng-Nghi. Hoàng-Nghi đưa con mắt lạnh lùng nhìn nàng từ đầu đến chân, không nói một tiếng, trong khi chàng nghĩ thầm:

– Con quái này sao còn mặt dầy để đi theo mình nữa đây? Được! Phàm muốn làm anh hùng, thì phải quang minh, chính đại, ta hãy nói cho thị biết ta kinh tởm thị, nhờm gớm thị, để thị theo cha về Chiêm. Không biết sau này, cuộc chiến giữa Đông-Thiên với Chế-Củ diễn ra, thì thị theo cha hay theo y?

Ỷ-Lan đã sai bầy tiệc sẵn. Nàng nói với bọn trẻ:

– Chị cho bầy tiệc để mừng các em tân thăng. Sau tiệc này, chị sẽ xin với Phò-mã thái-úy cho các em về quê, gọi là vinh quy cố lý.

Liếc nhìn thấy mặt bọn Tây-hồ thất kiệt xịu xuống không vui. Nàng kinh ngạc:

– Các em có điều gì bất như ý sự mà cái mặt như bánh bao chiều thế kia?

Sự thực Tây-hồ thất kiệt đều là trẻ mồ côi, đầu đường xó chợ, đến cha mẹ cũng không biết là ai, thì làm gì có quê mà về. Nên nghe Ỷ-Lan nói đến vinh quy cố-lý, mặt năm người đều hiện ra sắc buồn.

Chỉ liếc qua mặt bẩy người bạn, Long-biên ngũ hùng hiểu ngay. Ngũ hùng muốn làm một cái gì đánh tan bầu không khí ảm đạm ấy. Nhân nghe Ỷ-Lan ví mặt Tây-hồ thất kiệt với cái bánh bao chiều, Phạm-Dật bật cười:

– Bánh bao chiều còn khá, em thấy mặt bẩy con quái Hồ-tây giống hệt cái bánh đúc vữa.

Cả bọn cười ồ, thế là hết buồn.

Quách-Y chỉ mặt Hoàng-Nghi:

– Thế thì cái bản mặt kia giống cái gì? Dường như giống cái nồi đất vỡ thì phải?

Nghe Quách-Y dùa, Ỷ-Lan mới chợt để ý đến thái độ của cậu em thông minh. Nàng tiến đến nắm tay Chang-Lan với Hoàng-Nghi, để hai người ngồi bên nhau, rồi ôn tồn nói với Hoàng-Nghi:

– Chị nghe vương phi Tín-Nghĩa nói rằng: Sau trận Bố-chánh, em gặp Lan, rồi yêu Lan đến điên đảo thần hồn. Em vận động với Long-biên ngũ hùng hết sức lập công, để chuộc tội cho gia đình Lan. Nay thì công thành, danh toại, gia đình Lan được ân xá. Tại sao em lại lạnh nhạt với Lan?

Hoàng-Nghi nói gằn từng tiếng:

– Trước kia em say mê nàng bao nhiêu, thì từ sau trận Nhật-lệ, chính mắt em với các bạn đây đã thấy Lan làm những chuyện kinh tởm, hỏi sao nay em gặp thị, em có thể…có thể…

Nói đến đấy, chàng nổi giận phừng phừng, bỏ chỗ, tiến lại cuối bàn, ngồi cạnh Vũ-Quang. Trong khi đó Chang-Lan bưng mặt khóc nức nở:

– Nghi ơi! Tại sao Nghi lại nặng lời với em như vậy? Kể từ ngày chúng mình xa nhau, dù ở trong tù, mà hằng đêm em vẫn cầu xin đức Bồ-tát che chở cho Nghi. Em khấn rằng: Nếu nghiệp Nghi phải chết, thì em xin chết thay cho Nghi. Gần đây được tin Nghi vô sự, gia đình em được ân xá, đem về đây, em… em xiết bao cảm động. Em âm thầm đa tạ Long-biên ngũ hùng đã vì em mà xin đức Hoàng-đế tha cho gia đình em. Thế mà… thế mà…

Nàng khóc nức nở: Gặp lại nhau, Nghi không nhìn mặt em đã đành, Nghi còn nhục mạ em! Hỡi ơi! Nếu em có làm điều gì cho Nghi không vui, thì Nghi cứ giết em đi. Em không ân hận đâu! Nghi ơi! Nước em mất, nhà em tan, em buồn đứt ruột ra được, nhiều lần em muốn chết, nhưng em không thể chết, vì muốn dành tất cả tấm lòng yêu thương cho Nghi.

Nghe Chang-Lan nói, Hoàng-Nghi càng nổi nóng hơn, chàng chỉ vào Long-biên tứ hùng và bốn người vợ:

– Ở đây có tới tám người nữa, cộng lại mười sáu con mắt, mười sáu cái tai cùng nghe, cùng thấy chứ đâu phải mình tôi. Hừ… hừ. Cái đĩ già mồm, cái trộm già miệng.

Ỷ-Lan vẫy tay cho đám trẻ im lặng, nàng chỉ vào Ngọc-Hương:

– Trong tất cả các em ở đây, em là người học Nho uyên thâm, em biết rõ đạo Trung-dung, vậy em hãy kể cho chị nghe những gì đã xẩy ra giữa Nghi đệ với Lan muội!

Ngọc-Hương khoan thai thuật từ lúc Hoàng-Nghi từ biệt Chang-Lan ra sao, rồi nàng xuất hiện với Đông-Thiên thế nào… cho tới lúc đánh Đồ-bàn, nàng ăn nằm với y, lại rất hách dịch, kiêu căng, hắt hủi Hoàng-Nghi, không bỏ một chi tiết nào.

Nghe Ngọc-Hương thuật Chang-Lan bưng mặt khóc nức nở:

– Em… em không hề biết cái lão Đông-Thiên ra sao? Từ ngày đó đến giờ em vẫn ở trong nhà giam Bố-chính. Sau nhờ vương phi Tín-Nghĩa mở lòng từ bi, cho em ra ngoài sống trong dinh của người. Em chưa hề đến Đồ-bàn, cũng chẳng biết Tu-mao ra sao! Nếu cả năm anh, bốn chị đây đều thấy em ăn nằm, hầu hạ lão Đông-Thiên thì em xin chịu nhận lỗi chứ biết nói sao bây giờ?

Nàng tiến tới trước Ỷ-Lan:

– Thần-phi! Tiểu nữ sinh làm con gái, thân như hạt mưa sa, rơi xuống luống hoa thì được hưởng hương thơm, rơi xuống đất bùn thì đành chịu hôi tanh. Nay trong bữa tiệc vui vẻ như thế này, mà đến chín người nhìn tiểu nữ bằng con mắt kinh tởm, thì sao còn vui được? Xin Thần phi cho tiểu nữ lui về hầu hạ phụ thân, chứ tiểu nữ còn ngồi đây thì bữa tiệc này không vui nữa.

Ỷ-Lan suy nghĩ một lát rồi gọi Thúy-Phượng:

– Ban nãy thân vương Bài-ma-la xin với chị cho gia đình lên đường về Chiêm ngay. Chị đã nói với thầy Lý Kế-Nguyên trao cho ông ba trăm thủy thủ Chiêm, với hai chiến thuyền cùng lương thực. Giờ này có lẽ họ chưa nhổ neo đâu. Vậy em lấy ngựa dẫn Chang-Lan ra bến Thủy-quân, để Chang-Lan về Chiêm.

Chang-Lan quỳ gối hành lễ với Ỷ-Lan:

– Đa tạ Thần phi.

Nàng quay lại nói với Long-biên ngũ hùng và bốn người vợ:

– Đa tạ các anh các chị đã lập công xin ân xá gia đình em. Còn em… còn em… chỉ là một đứa con gái dơ bẩn kinh tởm, em xin rời khỏi đây.

Nàng ngẩng đầu lên trời:

– Trời cao thấu cho con! Đất dầy biết cho lòng này mà thôi. Con đem tất cả dâng cho người, người không nhận thì thôi, lại hợp nhau xỉ nhục con. Non cao đứng đó, nước biếc vẫn trôi, một ngày kia, biết đâu trời xanh sẽ giải oan cho con!

Nói rồi nàng cùng Thúy-Phượng rời cung Ỷ-Lan ra đi.

Kim-Liên rùng mình:

– Con gái Chiêm thường chân thật, mà sao Chang-Lan lại sảo quyệt đến như thế này? Giá mà mắt em không nhìn thấy y thị, không từng nói chuyện với y thị, thì có lẽ em cũng tin những lời y thị nói.

Ỷ-Lan đã bị oan khuất, thấy trong khi nói, Chang-Lan tỏ ra thành thực chứ không phải đóng kịch; nàng bảo Long-biên ngũ hùng:

– Nghi đệ bình tĩnh lại. Việc này, chị thấy dường như có điều gì bí ẩn ở trong. Hiện chị Ngọc-Nam, vương phi Tín-Nghĩa cò ở đây, để chị mời chị ấy đến, thì biết ngay Lan muội nói dối, hay nói thực chứ khó gì?

Nàng quay ra tuyên chỉ với một thái-giám:

– Người sang phủ Tín-Nghĩa thỉnh vương phi vào đây gặp ta gấp.

Viên thái giám đi rồi, Ỷ-Lan truyền dọn tiệc cho các em ăn. Nàng nói với Tây-hồ thất kiệt:

– Còn các em, các em lớn rồi, chị sẽ tìm những tiểu thư con các đại thần để hỏi cho các em.

Trần-Di nói:

– Hồi xưa chị nhận làm « u » làm mẹ bọn em, thì nay chị bảo bọn em ưng ai, thì bọn em đâu dám chối từ?

Phi an ủi Hoàng-Nghi:

– Việc Chang-Lan, em nên quên đi! Chị sẽ hỏi cho em một tiểu thư văn võ song toàn, nhan sắc gấp mười Chang-Lan.

Triệu-Thu bật cười:

– Tại sao chị lại kén con các đại thần? Như vậy e có vấn đề môn không đăng, hộ không đối; bởi các em là những đứa ăn mày mồ côi! Theo em nghĩ, chị nên hỏi mấy cô gái quê cho chúng em thì hơn!

Có tiếng nói trong trẻo vọng vào:

– Cái chi là môn đăng hộ đối? Với tài năng các em, các em có thể làm phò mã Tống, Xiêm, Lào, Đại-lý cũng cứ được đi.

Công chúa Thiên-Ninh từ ngoài bước vào. Nàng hành lễ với Ỷ-Lan rồi nghiêm mặt nói với bọn trẻ:

– Triệu Thu nói vậy là thiếu suy nghĩ, chị phải đét đít mới được.

Nói là làm, Thiên-Ninh cầm cái roi ngựa quất đến véo một tiếng phớt qua mông Triệu-Thu: Phàm là anh hùng, đâu quản xuất thân? Phò-mã Chử đạo-tổ nghèo đến độ không có đến cái khố che thân, mà làm rạng danh triều Hùng! Tổ-sư phải Tản-viên là Sơn-Tinh, xuất thân làm tiều phu, mà nay khắp gầm trời Nam thờ cúng. Vạn-Tín hầu Lý-Thân chỉ là một ngư nhân, mà làm lên chuyện kinh thiên động địa. Thời Lĩnh-Nam, Thiên-ưng lục tướng, Lục-hầu tướng đều là trẻ mồ côi, mà thành anh hùng. Ngay đức Thái-tổ nhà ta, xuất thân là trẻ chăn trâu nữa là… Các em đây đều có lòng son với đất nước, lại là đệ tử Quốc-phụ, Quốc-mẫu; nói về tài đáng làm đại tướng; nói về công lao với Xã-tắc, thì công lao không nhỏ. Mới đây các em được phong tước tới Bá, chức tới Đô-thống, chỉ huy một hiệu Thiên-tử binh đâu có nhỏ!

Thiên-Ninh nói với Ỷ-Lan:

– Thưa cô, Ninh muốn làm bà mai cho bẩy cậu em này, với Nghi đệ. Cô có cho phép không?

– Dĩ nhiên cô cảm ơn Ninh muôn vàn.

– Ninh đã tìm được tám cô. Cả tám bẩy cô đều là đệ tử danh gia, không những đức hạnh khó kiếm, văn võ kiêm toàn, tề gia nội trợ giỏi mà còn đẹp như tiên nga nữa. Như vậy để họ cùng sát cánh bên nhau giúp nước như bốn chàng Long-biên. Tám nàng này cô đều biết cả rồi.

– Những nàng nào thế Thiên-Ninh?

– Thưa cô, đó là tám nàng Phương, đệ tử của anh Thường-Kiệt.

Ỷ-Lan reo lên:

– Thiên-Ninh hay quá. Hồi cô ở trong trang của thái-phó Thường-Kiệt, cô đã có dịp làm quen với tám nàng đó. Tám nàng Phương tuổi sàn sàn nhau. Dường như tên là Phương-Lý, Phương-Cúc, Phương-Liễu, Phương-Đơn, Phương-Tiên, Phương-Dược, Phương-Quế, Phương-Quỳnh thì phải. Các nàng Phương, mỗi người một vẻ, nhưng nàng Quỳnh đẹp nhất. Vậy chúng ta cho mấy cậu xem mặt các nàng, rồi tùy nghi cậu nào thích cô nào, ta cho kết đôi.

– Không ổn rồi!

Trần Ninh phát biểu:

– Như vậy e đánh nhau mất. Ví thử cô Phương-Quế, mà tên quái Quách-Y với tên quái Triệu-Thu cùng chọn thì sao? Ấy là không nói, lỡ ra bẩy con quái cùng chọn một cô.

Thiên-Ninh hỏi:

– Em có ý kiến gì không?

Trần Ninh tính đốt ngón tay:

– Em xin đề nghị năm phương pháp.

Trần Di chỉ mặt Trần Ninh:

– Thử nói nghe coi. Hễ chướng tai ta không gọi mi là Long-biên mà là thằn lằn đấy.

Trần Ninh méo mặt trêu thất kiệt:

– Một là Thần-phi dùng quyền, gả cho mỗi quái một cô. Quái nào may thì được cô hiền, quái nào không may thì bị cô dữ; quái nào số tốt thì được cô đẹp, quái nào xấu số thì gặp cô méo mồm, mắt lé, vai u thịt bắp, mồ hôi dầu, ngón tay bằng cái quả chuối.

Mọi người cười ồ lên.

Nó tiếp:

– Hai là cho đấu võ, thi văn, quái nào đứng đầu thì được chọn trước, quái nào hạng bét thì còn lại cô nào, phải xào cô đó.

Thiên-Ninh hỏi:

– Còn phương pháp thứ ba.

– Tâu điện hạ, phương pháp thứa ba là cho các cô đấu võ. Cô nào đứng đầu thì được chọn lấy một quái trước. Cô nào hạng bét thì được lĩnh của nợ ế hể!

Ỷ-Lan bật cười:

– Còn phương pháp thứ tư?

– Phương pháp thứ tư thì giản dị thôi. Ta cho các quái rút thăm, ai rút trúng cô nào thì được cô đó.

Nó nhìn Ỷ-Lan:

– Còn phương pháp thứ năm, ta lấy khăn quàng cổ của các cô đem cho các quái… ngửi.

Ỷ-Lan bật cười:

– Ngửi???

– Vâng! Sau khi ngửi, quái nào thấy hương trinh nữ ở khăn tiết ra mà nhiểu nước miếng thì chọn cái khăn ấy. Sau đó ta cho các cô xuất hiện. Ai được khăn của cô nào thì làm chồng cô đó.

Mọi người vỗ tay hoan hô. Thiên-Ninh vui vẻ:

– Có lẽ phương pháp ngửi khăn hay hơn.

Phạm Dật nói nhỏ vào tai Kim-Loan:

– Ngũ đệ đề nghị cho ngửi khăn, chứ nếu là anh, thì anh cho các quái ngửi quần của các nàng, mà phải là quần mặc ba tháng chưa giặt!

Kim-Loan cười nhăn mặt, vỗ vào vai chồng:

– Nhảm nào.

Tuy Phạm Dật Kim-Loan nói với nhau rất nhỏ, nhưng mọi người đều nghe rất rõ. Tất cả cùng ôm bụng cười rũ rượi.

Ỷ-Lan quyết định:

– Nghe đây! Bây giờ chị quyết định dùng phương pháp chọn khăn. Ta ngừng ăn tiệc đã, để mời quan Thái-phó Đại-tư-mã Lý Thường-Kiệt với tám nàng Phương tới đây dự tiệc một thể.

Ỷ-Lan cầm bút viết một chỉ dụ, sai chim ưng mang đi liền.

Thời xưa, một chỉ dụ của vua, hoàng-hậu, phi-tần ban ra, thì dù người nhận có bận rộn đến đâu cũng phải lên đường ngay. Gần giờ sau, thì có tiếng vó ngựa lộp bộp. Nội công Thiên-Ninh rất cao, nàng lắng nghe, rồi nói:

– Có một người cỡi ngựa, với hai xe song mã tới. Có thể anh Kiệt đến. Cô để Ninh ra đón.

Thiên-Ninh ra ngoài sân, thì quả Thường-Kiệt với tám đệ tử tới. Lễ tất. Thường-Kiệt hỏi:

– Công-chúa, không biết hôm nay là ngày gì mà lại tốt cho huynh đến thế. Thần-phi sai chim ưng tuyên chỉ gọi huynh với tám cô đệ tử vào ăn yến.

Thiên-Ninh dơ ngón tay chỏ lên trời:

– Bí mật! Còn nhiều chuyện vui nữa, chứ không giản dị như thế đâu.

Nàng dùng lời nói bình dân với tám cô Phương:

– Các cháu nhớ nhé. Kể từ lúc này, tuyệt đối không được gọi tên nhau ra. Khi hành lễ với Thần-phi thì cứ gọi là sư thúc, chứ không gọi là bệ hạ, hay điện hạ.

– Dạ.

– Các cháu đưa khăn quàng cổ cho cô.

Tám nàng Phương ngơ ngơ ngác ngác không hiểu công chúa muốn gì, nhưng cũng tháo khăn quàng trao cho Thiên-Ninh. Thiên-Ninh vẫy tay:

– Chúng ta vào dự yến.

Nàng hô lớn:

– Có Thái-phó Lý Thường-Kiệt và tám nữ đệ tử tham kiến Thần-phi.

Ỷ-Lan vẫy tay:

– Sư huynh không nên đa lễ.

Tám nàng Phương cùng quỳ gối rập đầu:

– Bọn đệ tử xin tham kiến sư thúc.

– Các cháu bình thân.

Cung nữ xếp chỗ cho các nàng Phương ngồi. Ỷ-Lan chỉ Tây-hồ thất kiệt với Hoàng-Nghi nói với Thường-Kiệt:

– Sư huynh ơi! Muội mời sư huynh với tám sư điệt chữ Phương vào đây, chẳng qua cũng vì chuyện trăm năm của đám này.

Nói rồi phi tóm tắt những gì đã xẩy ra từ trưa đến giờ. Dù đã tập võ, nhưng tám nàng Phương cũng là con gái, nghe đến chuyện hôn nhân là cúi đầu e lệ.

Công chúa Thiên-Ninh để tám cái khăn ra trước án thư rồi nói:

– Duyên-tình là do trời xếp đặt. Đây là tám cái khăn của tám nàng Phương. Bây giờ tám em hãy đứng dậy, mỗi em chọn lấy một cái khăn.

Từ lúc tám nàng Phương bước vào, bọn Tây-hồ thất kiệt với Hoàng-Nghi liếc nhìn, bất giác cùng giật mình, vì cả tám nàng, mỗi người một vẻ. Người thì ủy mị, người thì thanh tao, người thì sắc sảo. Bất giác cả tám người cùng nghĩ thầm: Thôi thì được làm chồng một trong tám cô này cũng tốt phúc rồi, chứ đâu giám lựa chọn! Bây giờ nghe Thiên-Ninh nói, chúng truyền tay nhau tám cái khăn, rồi đưa lên mũi ngửi. Thoáng một cái, mỗi người đã chọn một cái.

Công-chúa Thiên-Ninh cầm cái khăn trên tay Hoàng-Nghi hỏi:

– Khăn này của ai?

Phương-Quỳnh cúi đầu:

– Khải công chúa của thần.

Công chúa chỉ ghế cạnh Hoàng-Nghi cho Phương-Quỳnh:

– Cháu ngồi đây đi.

Sau đó công chúa tiếp tục gọi. Khăn trên tay Trần-Di là của Phương-Lý, trên tay Dương-Minh là của Phương-Cúc, trên tay Triệu-Thu là của Phương-Liễu, trên tay Mai-Cầm là của Phương-Đơn, trên tay Quách-Y là của Phương-Tiên, trên tay Ngô-Ức là của Phương-Dược, trên tay Tạ-Duy là của Phương-Quế. Sau khi tám cặp ngồi yên chỗ rồi, công chúa Thiên-Ninh hướng Thường-Kiệt:

– Âm-dương là đạo của trời. Hôm nay muội tuân chỉ Thần-phi hỏi tám đệ tử của huynh cho tám em nuôi của phi. Vậy ý huynh thế nào?

Thường-Kiệt mừng không bút nào tả xiết:

– Tám đệ tử của thần, được Phi hạ cố hỏi cho tám vị tướng tài đức vẹn toàn, thực phúc tích không biết từ bao đời để lại.

Ông hô tám đệ tử quỳ gối tạ ơn bà mai Thiên-Ninh, tạ ơn Thần-phi, rồi ngồi vào tiệc. Mười hai trẻ ngồi bên mười hai thiếu nữ ôn nhu văn nhã, xinh đẹp, chúng tự cảm ơn Thần-phi đã nuôi dạy chúng, nay lại hỏi cho chúng người vợ xinh đẹp, lại có tài. Mười hai cặp, mắt liếc, tình nồng rừng rực như hoa xuân nở.

Trong suốt bữa tiệc, Ỷ-Lan với Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt lại nói chuyện về cuộc Nam chinh vừa qua.

Tiệc vừa tàn thì vương phi Tín-Nghĩa là Ngọc-Nam tới. Nàng hành lễ với Ỷ-Lan, Thiên-Ninh. Ỷ-Lan nắm tay Ngọc-Nam, rồi nói với Thiên-Ninh:

– Công chúa! Ở đây chúng ta đều là người nhà, xin công chúa cho miễn mọi lễ nghi, để chúng tôi có thể nói chuyện thân mật.

– Cháu xin vâng lời cô.

Ỷ-Lan tóm lược chuyện Hoàng-Nghi, Chang-Lan cho Ngọc-Nam nghe, rồi nói:

– Tất cả năm cậu, bốn cô đây đều chính mặt thấy Chang-Lan làm những chuyện đồi phong bại tục, kinh tởm. Trong khi Chang-Lan lại nói rằng nàng chưa từng rời khỏi Bố-chính. Vậy vụ này ra sao, Ngọc-Nam nói cho mình nghe đi.

Vương-phi Ngọc-Nam vốn gần với Hoàng-Nghi từ nhỏ, thân với y nhất trong Long-biên ngũ hùng. Phi cốc lên đầu Nghi:

– Thực cổ nhân nói: thâm tư đa oán cũng phải. Em yêu Chang-Lan quá rồi mờ cả mắt ra đến không biết gì nữa. Có bao giờ em nghĩ cái con quỷ cái Chang-Lan theo gã Đông-Thiên với Chang-Lan ở tù là hai người khác nhau không?

– Em không tin, vì vẫn khuôn mặt kia, tiếng nói kia mà…

– Được, chị hỏi em mấy câu nhé?

– Em xin lắng nghe.

Ngọc-Nam lắc đầu:

– Em với Chang-Lan yêu nhau gần tháng, em từng cầm tay nàng, hôn tay nàng, thì em phải biết rằng bàn tay nàng trắng ngần, thon như búp măng. Chứng tỏ nàng chưa từng luyện võ. Lòng bàn tay nàng tươi hồng chứ không phải đỏ như máu, chứng tỏ nàng chưa luyện Hồng-thiết công. Có đúng thế không?

–???.

– Còn cái cô Chang-Lan theo gã Đông-Thiên võ công cao cường, biết xử dụng Chu-sa huyền-âm chưởng, ắt bàn tay phải đỏ lòm. Có đúng thế không?

–?!?!?!

– Suốt mấy tháng qua, Chang-Lan luôn ở cạnh chị, thì sao có thể đi cùng gã Đông-Thiên vào đánh Nhật-lệ, Hải-vân, Đồ-bàn!!!

Long-biên ngũ hùng nghe Ngọc-Nam hỏi Hoàng-Nghi mà toát mồ hôi lạnh, vì tự cảm thấy mình thiếu tinh tế. Như vậy rõ ràng có hai Chang-Lan khác nhau.

Ngọc-Nam tiếp:

– Trong những ngày ở Bố-Chính, chị đã thẩm vấn thân phụ Chang-Lan, thì ông khai rằng: Trước đây ông có ăn nằm với con hầu, đẻ ra đứa gái lớn hơn Chang-Lan một tuổi, tên Chang-Slang. Mấy năm trước, mẹ Slang chết, nó bỏ theo Hồng-thiết giáo. Ừ, chắc là con quỷ cái đó mạo danh Chang-Lan.

Hoàng-Nghi à lên một tiếng:

– Em ngu quá! Em ngu quá! Thì ra gã Đông-Thiên biết rõ chuyện em với Chang-Lan, rồi y cho Slang giả làm Chang-Lan, đưa bọn em vào bẫy.

Nói đến đây Hoàng-Nghi lại bên Thúy-Phượng hỏi:

– Thúy-Phượng, Chang-Lan đầu rồi?

– Em đưa Chang-Lan ra bến thủy quân, thì thuyền chở thân vương Bài-ma-la đã nhổ neo đi từ lâu rồi. Chang-Lan khóc nức nở, rồi từ biệt em, dùng ngựa hướng về phương Nam mà đi. Em hỏi Chang-Lan đi đâu, thì nàng nói rằng nàng về Chiêm bằng đường bộ.

Ỷ-Lan rùng mình:

– Trời ơi! Thân gái dặm trường, đường về Chiêm xa diệu vợi, làm sao Chang-Lan…

Nàng bảo Thúy-Phượng:

– Em đến điện Uy-viễn, nói với quan trực Khu-mật viện sai chim ưng đi khắp phủ huyện, các trạm dọc đường từ đây vào Chiêm, nếu thấy Chang-Lan thì giữ lại, rồi báo về cho chị ngay.

Long-Biên ngũ hùng đứng dậy:

– Chúng em xin chị cho phép dùng ngựa đuổi theo Chang-Lan ngay.

– Không được.

Công-chúa Thiên-Ninh nói: Bây giờ các em là Đô thống, cầm quân trong tay. Quân luật cấm không cho tướng rời quân, trừ khi phụ hoàng cho phép. Vậy chỉ bốn em Kim-Loan, Kim-Liên, Ngọc-Liên, Ngọc-Hương có thể lên đường đuổi theo mà thôi.

Trưa hôm ấy, Khu-mật viện báo cho biết, sau khi sai chim ưng truyền tin đi khắp các phủ, huyện, đồn trấn, đều không tìm thấy bóng dáng Chang-Lan. Bọn Kim-Loan, Kim-Liên, Ngọc-Liên, Ngọc-Hương chia nhau đi khắp các ngả tìm, kiếm, nhưng không ra tung tích.

Hai hôm sau, thì trấn Thiên-trường báo về cho biết, đã thấy con ngựa của Chang-Lan cột ở một gốc cây ven sông, còn người nàng thì không thấy. Hoàng-Nghi cùng Phương-Quỳnh vội lấy ngựa đi Thiên-trường, đến tận nơi hỏi han dân chúng nơi cột ngựa, thì không ai thấy bóng dáng nàng đâu. Quan trấn thủ Thiên-trường cho rằng nàng đã nhảy xuống sông trầm mình rồi. Hoàng-Nghi đặt một lễ thực lớn tế ở bến sông, rồi lên đường về Thăng-long.

Chàng tạ Ỷ-Lan:

– Thần phi ơi! Xét về nhan sắc thì Chang-Lan không hơn Phương-Quỳnh, xét về tài thì Chang-Lan càng không thể so sánh với Phương-Quỳnh. Nhưng… nhưng… cái tình là cái chi chi, em không thể giảng nổi. Phi ơi, không biết bao giờ em mới quên được Chang-Lan. Vậy em xin Thần-phi khoan cho em làm lễ thành hôn với Phương-Quỳnh, để em đi tìm cho ra tung tích Chang-Lan đã.

– Này Nghi đệ, chị đã từng qua cái tuổi của em, chị hiểu em lắm. Nhưng giả như Chang-Lan qua đời rồi thì sao? Không lẽ em tìm nàng cả đời? Trong khi đó, Phương-Quỳnh đang tuổi hoa nở. Mặt trời, mặt trăng thì muôn đời không đổi, nhưng hoa nở chỉ có thì.

– Phi với em bề ngoài thì là tình chị em, nhưng thực ra phi với em như mẹ với con. Ngoài tình mẹ con ra, còn cái nghĩa chúa tôi. Phi bảo em nhảy vào lửa, vào nước em cũng tuân chỉ phi mà làm. Nhưng nếu nay em tuân chỉ phi cưới Phương-Quỳnh, rồi em với Quỳnh không có chút tình nào thì em lại bất nhẫn với Quỳnh.

Lời Hoàng-Nghi làm Thần-phi nhớ lại chuyện nhà vua với Dương Hồng-Hạc. Tuy nhà vua tuân chỉ đức Thái-tông cưới Hồng-Hạc làm vợ, nhưng hai chục năm qua, chưa một lần nhà vua gần bà, vì vậy bà phẫn hận gây ra không biết bao nhiêu điều khó khăn cho nhà vua. Phi nắm tay Phương-Quỳnh:

– Phương-Quỳnh ơi! Sự đã như thế này, thì sư thúc sẽ tìm một đấng anh hùng khác đễ gả cho cháu. Cháu đừng buồn.

Phương-Quỳnh chắp tay vái phi:

– Trai năm bẩy vợ, gái chính chuyên một chồng. Phi đã tuyên gả em cho Nghi, dù chỉ là một lời, nhưng nghĩa đá vàng ba sinh không thể đổi. Dù Nghi tìm thấy Chang-Lan hay không, thì em chỉ biết có Nghi mà thôi.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.