Nhà vua ban chỉ dụ:
– Bây giờ ta trở lại việc triều Tống. Như ban nãy bàn, thì phe của hậu là phe thân với Đại-Việt, và chủ hòa. Bây giờ khanh hãy trình bầy về cái kế hoạch Ngũ-lôi của Tống ra sao một lượt nữa để Ỷ-Lan với các tân quan nắm vững.
– Tâu phu nhân.
Thường-Kiệt hướng Ỷ-Lan nói bằng giọng ôn nhu: Ngũ là năm, lôi là sấm. Tống dùng năm đạo binh để chuẩn bị mở rộng Nam thùy. Trong sáu nước Nam thùy gồm Đại-Việt, Chiêm-thành, Chân-lạp, Lão-qua, Xiêm-la, Đại-lý thì Đại-Việt mạnh nhất. Chính Quốc-phụ đã đưa ra đường lối liên hiệp giữa sáu nước tộc Việt, mà Đại-Việt là minh chủ. Bằng như Tống mang quân đánh một trong sáu nước, thì cả sáu nước đồng khởi binh chống lại. Cho nên Tống đưa ra kế hoạch Ngũ-lôi để đánh Đại-Việt.
Nhà vua hỏi Ỷ-Lan:
– Ái-khanh thử đoán xem, tại sao Tống không đánh mấy nước kia, mà lại chỉ chĩa mũi dùi vào Đại-Việt?
– Tâu, đánh rắn phải đánh đầu trước. Nếu Tống đem quân đánh sáu nước một lúc thì hao tốn sinh mạng, mà lại khó thành công. Vì vậy trước hết họ dồn lực lượng đánh Đại-Việt. Sau khi thắng Đại-Việt, những nước nhỏ Chiêm, Chân, Lão như cỏ non gặp bão, phải cúi đầu tuân phục. Bấy giờ họ dùng quân các nước nhỏ, tù-hàng binh Đại-Việt tiến đánh Xiêm-la, Đại-lý. Thì Xiêm, Lý làm sao giữ nổi?
Triều đình đều gật đầu, công nhận lý Ỷ-Lan là xác thực.
Thường-Kiệt tâu tiếp:
– Năm nhát búa đánh Đại-Việt gồm: thứ nhất là chia rẽ. Chia rẽ cũng có năm loại. Chia rẽ giữa hai phe họ Dương, họ Mai trong triều. Hai là chia rẽ giữa văn quan với võ tướng. Ba là chia rẽ giữa hoàng thân với ngoại thích. Bốn là chia rẽ giữa các võ phái. Năm là chia rẽ nội cung với triều đình. Nhát thứ nhì là gây nội chiến. Trong bóng tối họ giúp Dương gia nắm trọng quyền, rồi cướp ngôi. Dĩ nhiên trong trường hợp này Ngũ-long công chúa, cùng quân các trấn ở ngoài sẽ đem quân về triều để diệt tặc thần. Thế là có nội chiến. Khi ta có nội chiến thì không thể làm minh chủ. Hoặc giả các nước trong liên minh, có nước ngả theo phe này, có nước ngả theo phe kia. Thế liên minh tộc Việt tự tan vỡ.
Triều đình cùng im lặng nghe Thường-Kiệt tường trình. Trước đây Ỷ-Lan cứ nghĩ rằng âm mưu của Tống chỉ giản dị trong việc Dương gia làm gian tế mà thôi. Nay nghe Thường-Kiệt tường trình, nàng mới thấy cả một âm mưu vừa sâu vừa độc. Cũng may Đại-Việt có Quốc-phụ, có những đại thần như Thân Thiệu-Thái, Lê Thuận-Tông, Hà Thiện-Lãm, Lý Thường-Kiệt, sáng suốt tìm ra, đã làm tất cả những việc phải làm, ứng phó kịp thời.
Tiếng Thường-Kiệt vẫn sang sảng:
– Nhát búa thứ ba là dùng người Hán sinh sống trên Đất Việt làm nội ứng. Từ lâu rồi, mỗi khi có một triều đại mới bên Trung-quốc chiếm được ngôi vua, là y như con cháu di thần triều đại cũ lại tràn sang ta xin kiều ngụ. Họ sống thành bang hội, tổ chức rất chặt chẽ, họ chỉ nói tiếng Hoa, mặc quần áo Hoa. Họ cần cù làm ăn, khéo léo hối lộ với quan lại, lâu ngày họ thành giầu có, thế lực. Ngay từ khi Tống Thái-tổ lên ngôi, Tống triều đã âm thầm sai sứ sang phong chức tước cho những thủ lĩnh bang hội này, truyền bảo họ làm tế tác, báo mọi tin tức Đại-Việt cho Khu-mật viện Nam-thùy. Tống triều hứa rằng, khi quân Thiên-triều kéo sang, ai làm nội ứng nổi dậy; lúc chiếm được Đại-Việt thì sẽ trao quyền cho bang hội của người ấy. Các thủ lĩnh người Hoa sẽ giữ các chức tước phương Nam. Biên thần Nam thùy Tống hợp bọn gian tế Hoa-kiều này với bọn gian tế Việt trong triều đình. Để khi bọn người Hoa có gì khó khăn với quan lại, thì được che chở. Ngược lại bọn Hoa kiều cung phụng tiền bạc, đôi khi cả gái cho bọn quan lại gian tế. Hiện trong nước, cứ mười người Việt, có một Hoa-kiều. Đó là nhát búa cực kỳ sắc bén và nặng nề.
Thường-Kiệt dừng lại, nhắp một chung trà, rồi tiếp:
– Nhát búa thứ tư là nhân Đại-Việt rối loạn vì nội chiến, họ theo dõi tình hình. Khi thấy phe nào yếu thế, họ cử sứ sang phong chức tước cho phe đó, để phe đó mạnh lên, khiến chiến cuộc kéo dài. Chiến cuộc kéo dài thì tinh lực quốc gia suy kiệt, lòng người ly tán. Võ lâm chém giết nhau, thù hận nhau. Bấy giờ họ mới đem đại quân qua, nhân danh trợ giúp phe yếu, vì phe này là thần-tử nhà Tống. Tống để phe gian tiến quân trước, quân Tống đi theo trấn nhậm những nơi chiếm được, và chỉ can thiệp khi phe gian bại. Thế là phe mạnh tan rã. Mà khi phe yếu chiếm được nước, thì kiệt quệ tinh lực, bấy giờ họ sẽ bóp như bóp một con kiến.
Thường-Kiệt đem trục lụa vẽ bản đồ sáu nước tộc Việt ra, chỉ vào phía Nam:
– Nhát thứ năm là dùng Chiêm-thành đánh phía sau ta, để ta phải chia quân ra cự địch. Từ thời Lĩnh-Nam, tộc Mã-lị-á (Mã-lai ngày nay), đi ngược lên phía Bắc, hòa lẫn với tộc Việt ở Chân-lạp, Chiêm-thành. Nhờ tính tình hung ác, không lễ nghĩa, hành xử man rợ mà chiếm được ưu thế tại hai nước này. Khi sắc dân Mã nắm được quyền bính, là họ tìm cách tiến lên Bắc định xâm lấn Đại-Việt. Đây là trở ngại lớn cho thế thống nhất tộc Việt của ta hơn nghìn năm nay.
Nhà vua quay lại Lễ-bộ thượng thư:
-– Khanh hãy nhắc lại tất cả những lôi thôi của Chiêm quốc trong mấy năm gần đây với Đại-Việt một lượt, để triều đình cùng nắm vững.
Lễ-bộ thượng-thư Mai Cảnh-Tiên đứng lên hành lễ:
– Thần thái-tử thiếu-phó, Lễ-bộ thượng thư, Khu-mật viện phó-sứ, Cần-chính điện thuyết thư, Kiến-xương hầu xin tâu.
Nhà vua vẫy tay:
– Thiếu-phó an tọa.
– Đa tạ bệ hạ. Về thời vua Hùng, vua An-Dương, Chiêm-thành là đất của Văn-lang, Âu-lạc. Nhưng sau một thời gian dài tộc Việt bị tộc Hoa cai trị, Chiêm bị cắt ra thành một nước nhỏ. Kể từ thời Lĩnh-Nam, một sắc dân mọi rợ tộc Mã, rất hung dữ ở biển Nam, tiến dần lên lập nghiệp ở Chân-lạp, Chiêm-thành, rồi chiếm được ngôi vua. Khi Hán đem quân sang đánh Lĩnh-Nam, vua Quang-Vũ sai sứ sang cắt đất Nhật-nam, phong chức tước cho vua Chiêm, xui quân Chiêm đánh phía sau ta, bị anh hùng Lại Thế-Cường, Trương Thủy-Hải, Trương Đằng-Giang đánh bại (1). Từ sau khi vua Trưng tuẫn quốc, tộc Mã càng ngày càng mạnh ở phương Nam, họ không chịu nhận gốc con cháu vua Hùng, riết rồi thành một nước khác biệt với ta, họ không còn nói tiếng Việt nữa. Thời vua Đinh, họ mượn tay Ngô Nhật-Khánh, để có chính nghĩa đem quân vào đánh ta.
Ghi chú,
(1) Xin xem Cẩm-khê di hận của Yên-tử cư-sĩ do Nam-á Paris xuất bản.
Tể-tướng Lý Đạo-Thành ngắt lời:
– Xin Thiếu-bảo đi vào chi tiết hơn cái vụ này một chút.
– Tuân lệnh Tể-tướng. Nguyên Ngô Nhật-Khánh là một sứ quân, giòng dõi vua Ngô-Quyền. Sau khi Nhật-Khánh đầu hàng vua Đinh. Vua lấy mẹ Nhật-Khánh làm vợ, đem em y gả cho thái tử Đinh-Liễn, lại gả con gái mình cho y. Nhưng Nhật-Khánh vẫn muốn phục hồi ngôi vua. Y chạy sang Chiêm cầu viện. Chiêm nắm lấy cơ hội đó, niên hiệu Thái-bình thứ mười (Kỷ-Mão, 979) cho hơn nghìn chiến thuyền theo Nhật-Khánh về đánh Đại-Việt. Nhưng thuyền đến cửa biển Đại-ác thì bị bão đánh chìm hết. Thời vua Lê Đại-Hành, ngài sai hai sứ là Từ Mục, Ngô Tử-Canh sang thông hiếu. Chiêm nghe lời Tống, giam sứ lại. Vua Lê nổi giận, niên hiệu Thiên-phúc thứ ba (Nhâm-Ngọ, 982) ngài đem quân sang phá kinh đô, hủy tông miếu của Chiêm để thị uy. Từ ngày đó Chiêm chịu thần phục, tuế cống. Niên hiệu Thiên-phúc thứ năm (Giáp-Ngọ, 994) lại xẩy ra vụ lôi thôi ở Nam biên. Tướng trấn thủ của ta viết thư thống trách. Vua Chiêm sai sứ sang tạ tội. Vua không nhận. Chiêm phải sai hoàng đệ Chế-Lai sang cống, vua Lê mới tha tội cho. Nhưng đến niên hiệu Ứng-thiên thứ tư (Đinh-Dậu, 997) phe người Mã chiếm quyền, lại cho quân quấy nhiễu Nam thùy ta.
… Kịp đến bản triều, niên hiệu Thuận-thiên thứ nhì (1011) người Chiêm sang cống sư tử. Đức Thái-tổ ủy lạo, phong chức tước cho vua Chiêm, lại ban ấn ngọc. Đến niên hiệu Thuận-thiên thứ mười một (Canh-Thân, 1020) phe Mã lại lên cầm quyền, họ mang quân chiếm mười xã của ta. Đức Thái-tổ sai đức Thái-tôn cùng quan thái-úy Đào Thạc-Phụ đem quân sang đánh, chiếm lại đất Bố-chánh. Trong triều phe gốc Việt lại lên nắm quyền. Niên hiệu Càn-phù Hữu-đạo nguyên niên (Kỷ-Mão, 1039) phe Mã đảo chính cướp ngôi vua, con cháu di thần gốc Việt chạy sang ta cầu cứu. Song bấy giờ phía Bắc ta đang dụng binh, nên tạm nhượng họ ở Nam-phương. Từ đấy Chiêm bỏ ta sang Tống thần phục. Tống gửi người sang giúp Chiêm luyện quân. Chiêm chuẩn bị đánh phía sau Đại-Việt, để Tống đánh phiá trước. Quốc-phụ tổ chức đại hội tộc Việt ở Bắc-cương, Trưởng đại công chúa Bảo-Hòa bàn nên hòa hoãn với Tống, rồi thình lình đem quân đánh Chiêm. Sau khi Chiêm bại, ta mới giúp Nùng Trí-Cao đánh Tống. Vì vậy niên hiệu Thiên-cảm Thánh-vũ nguyên niên (Giáp-Thân, 1044) đức Thái-tông cùng Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản mang đại quân sang đánh Chiêm. Quân ta đại thắng, chém vua Chiêm là Sạ-Đẩu, bắt 30 voi, năm nghìn người, trong đám tù nhân có cả hoàng hậu Mỵ-Ê, nhiều cung nga, giết ba vạn quân giặc. Từ đấy phe gốc Việt cầm quyền, Chiêm tu cống hàng năm. Niên hiệu Chương-thánh Gia-khánh thứ ba (Tân-Sửu, 1061), Chế Củ (2) được sư phụ là Đinh Kiếm-Thương, cùng với dư đảng bang Nhật-hồ trợ giúp, giết vua, cướp ngôi. Kiếm-Thương được phong là Thái-sư Quốc-phụ, Cửu-chân vương. Ngay sau khi Chế Củ lên ngôi vua, y cử sứ sang xin thần phục Tống. Tống phong cho y làm Chiêm-vương. Tống triều mật chỉ cho an-vũ-sứ Quảng-Tây mua sắm ngựa chiến gửi sang giúp y. Tống còn gửi nhiều võ quan sang cố vấn cho y thao luyện thủy quân, đóng chiến thuyền, để chuẩn bị đánh ta.
Ghi chú,
(2) Đại-Việt sử ký toàn thư gọi là Chế Củ, Việt-sử lược gọi là Đệ-Củ. Tống-sử quyển 489 gọi là Dang-pu-sơ-li Lu-đa-ban-ma-đệ-ba. Trong Le Royaume du Champa của Henri Maspéro gọi là Yan Pu Cri Rudravarmandra đệ tam.
Tể-tướng Lý Đạo-Thành tâu:
– Tình hình Chiêm như vậy thì thực đáng lo. Nhưng Chiêm có cử động gì cũng do Tống cả. Tình hình Tống đang tranh quyền nhau chưa ngã ngũ. Cuộc tương tranh này dường như tể-tướng Hàn Kỳ hơi thắng thế, hơi thì chỉ là tạm thời. Xin Hoàng-thượng sai sứ sang cống phương vật, nhân đó ta dò biết thêm tin tức, để liệu bề hành động. Nếu quả triều Tống đang chia phe đảng cắn cấu nhau như vậy, ta cất quân phá Chiêm. Chiêm bị phá, ta đỡ đi lưỡi búa nguy hiểm.
Nhà vua hỏi Thường-Kiệt:
– Thái-bảo nghĩ sao?
– Tâu bệ hạ, tể-tướng luận đúng. Hiện ta có hệ thống Tế-tác rất tinh-vi ở bên Tống. Hệ thống này do chính Khu-mật-viện Đại-Việt cùng Khu-mật-viện Bắc-biên chỉ huy. Mỗi biến chuyển của Tống triều ta đều biết hết. Trong triều, đám văn quan hiện chia làm hai phe. Phe đương cầm quyền do Hàn Kỳ cầm đầu. Phe mới đang ngấp nghé thay thế do Văn Ngạn-Bác cầm đầu. Phe Hàn Kỳ thì a dua theo Triệu Thự, chủ mở rộng Nam-biên. Phe này gồm có bọn Dư Tĩnh, Tiêu Chú, Tiêu Cố, Lý Sư-Trung. Phe Văn Ngạn-Bác thì được Hoàng-hậu tin dùng. Chúng được phái Hoa-sơn là nơi phát tích ra triều Tống ủng hộ. Bây giờ xin bệ hạ sai một vị nào trí tuệ thực minh mẫn giả đi sứ cống phương vật, quan sát tại chỗ, rồi đưa ra quyết định ta ủng hộ phe nào, giúp phe nào. Thần thấy ở đây quan tham-tri bộ Lễ Trần Trọng-San có thể sung vào làm chánh sứ. Quan tham-tri bộ Lại Quách Sĩ-An có thể sung làm phó sứ. Còn cống phẩm, thì như đã bàn trước, lần này cống cho Tống mười con voi thuần. Mười con trâu đực thực lớn.
Nhà vua chuẩn tấu, ngài nói với Thiệu-Cực:
– Biểu huynh biềt nhiều về Tống, xin biểu huynh cho hai vị sứ giả những lời chỉ dẫn.
Thân-thiệu-Cực nói với hai sứ giả:
– Trong khi đi sứ, xin nhị vị nhớ quốc sách của Khai-Quốc vương với Tống đã ấn định vào niên hiệu Thuận-thiên thứ mười bẩy (1027) tại đại hội Bắc-cương như sau: đối với triều đình, ta hậu lễ, lời lẽ thực nhũn nhặn, bao nhiêu việc rắc rối ở biên giới ta đổ cho bọn quan lại Nam-thùy. Còn đối với bọn này, ta thực cứng rắn. Bất cứ đụng chạm nào, ta cũng phản ứng cực kỳ khốc liệt. Tỷ như hồi Chương-thánh Gia-khánh thứ nhì (1060), Bắc-biên đã tiến quân qua, làm Tống hao binh tổn tướng. Tống triều sai Dư Tĩnh nghị hòa, vua bà Bình-Dương đòi Tống chịu ba điều mới rút về. Dư Tĩnh phải đem nhiều vàng bạc cho sứ ta là Phí Gia-Hữu, để xin chuộc tướng Dương Lữ-Tài. Gia-Hữu tấu về triều. Triều đình mật chỉ cho ông: ta ra quân chỉ có ý dằn mặt Tống triều và trừng trị bọn biên thần gây chiến, đằng nào cũng phải thả Lữ-Tài. Vậy cứ nhận vàng, mang về cho công khố.
Ông đưa mắt nhìn về phía Binh-bộ thượng thư:
– Một tỷ dụ thứ nhì là phò-mã Lê Thuận-Tông cũng đi họp với biên thần Tống. Phò mã đã làm cho chúng tức ứa gan, mà đành cắn răng nín nhịn.
Quách Sĩ-An hỏi:
– Hồi đó chúng tôi chưa xuất chính, nên không rõ việc này, xin quốc-công thuật chi tiết cho.
– Việc đó cực mật.
Thiệu-Cực trả lời: Hồi đó đức Thái-tông với tôi nghị kế mới biết mà thôi. Hôm nay việc đã xa rồi tôi xin nói hết: nguyên trước đây, trong 207 khê động, thì tộc Nùng chiếm mất 36. Trong tất cả các tộc thiểu số của Đại-Việt thì tộc Nùng là một tộc thiếu văn hóa nhất, lại can đảm, hung dữ. Trong thời Đinh, Lê hết 33 khê động Nùng theo Tống, ta quen gọi là Nùng-Hoa. Họ nói tiếng Hán, học văn tự Hán, nhiễm phong tục Hán; họ quên gốc Việt, mà coi mình là người Hoa. Còn ba động theo Việt, họ nói tiếng Việt, giữ gốc Việt của mình, ta quen gọi là Nùng-Việt. Tống luôn cử mật sứ sang xui Nùng-Việt phản Đại-Việt. Triều đình ta biết việc đó, hết sức giúp Nùng Dân-Phú kiến thiết ba khê động Nùng thành châu Trường-sinh. Sau vua bà Bình-Dương giúp Nùng Tồn-Phúc tiến lên Bắc lôi kéo 33 khê động Nùng theo Việt, thế là cả 36 động đều thuộc Trường-sinh. Trường-sinh trở thành nước lớn trong bốn nước Bắc-cương là Lạng-châu, Phong-châu, Thượng-oai. Trường-sinh tuy theo Đại-Việt, nhưng dân Nùng đa số nghĩ mình là người Hoa, chân trong, chân ngoài. Đôi lúc họ muốn theo về Tống. Đức Thái-tông thấy, cứ tình trạng này, tộc Nùng sẽ theo Tống không biết lúc nào. Bấy giờ Tống sẽ xui họ gây chiến với ta, thì cái họa sẽ không biết thế nào mà kể. Đức Thái-tông bàn với tôi tìm cách đối phó. Tôi đưa ra ý kiến: ”Lượng tiểu phi quân tử. Vô độc bất trượng phu”. Ta giúp Nùng Trí-Cao khởi binh tiến đánh Lưỡng-Quảng, rồi đưa y lên làm vua. Với một sắc dã man, mà cai trị dân Tống ở Lưỡng-Quảng là dân có văn hóa cao, thì một trong hai vấn đề xẩy ra. Một là y dùng người Hán, bắt dân theo phong tục Hán, thì sẽ bị chính tộc Nùng của y phản y. Bấy giờ những khê động Nùng lại trở về với Đại-Việt, y phải dùng người Hán dẹp loạn. Tộc Nùng sẽ tan nát. Sau cuộc chiến tinh lực mất hết. Còn y thành công, tổ chức Trường-sinh biến ra một nước đệm giữa ta với Tống, thì Tống với y luôn có chiến tranh. Như vậy y thay ta chống Tống, mà luôn phải dựa vào ta để tự tồn. Vì phía Bắc Trường-sinh giáp với Kinh-hồ, thuộc lãnh thổ của Kinh-Nam vương, phía Nam giáp ta. Phía Tây giáp Đại-lý… y không thể trở mặt được.
Thiệu-Cực ngừng lại, rồi thở dài:
– Quả nhiên y đi theo đường thứ nhất. Tống thấy tộc Nùng bị Trí-Cao đàn áp, phân nửa bị chết, phân nửa theo về ta, rút cuộc quanh Trí-Cao toàn người Hoa. Tống cho Địch Thanh kéo quân xuống đánh, Trí-Cao bị bại. Chính vì lẽ đó, khi Địch Thanh đánh y, Quốc-phụ vân du Xiêm-quốc vắng nhà, còn đức Thái-tông không chịu tiếp cứu y. Cho đến nay sĩ dân Việt, không ai hiểu tại sao ta dựng lên Đại-Nam, rồi lại bỏ rơi Đại-Nam.
Thiệu-Cực tiết lộ một điều tối cơ mật, khiến triều đình đều ngơ ngác, họ như người mù được sáng mắt ra. Họ nghĩ thầm:
– Vua Thái-tông với Thân Thiệu-Cực trí lự thâm sâu đến như thế là cùng. Hai người đã hành sự trái với Khai-Quốc vương. Bởi Vương lập Đại-Nam chỉ với mục đích thống nhất tộc Việt. Hèn chi sau khi Đại-Nam bị diệt, Khai-Quốc vương chán nản, không thiết đến sự đời nữa.
Thiệu-Cực tiếp:
– Sau khi Trí-Cao bại, triều đình Đại-Nam bị Địch Thanh bắt giải về Biện-kinh. Tiên-nương Bảo-Hòa xót tình đệ tử, người sai một đội võ sĩ Tản-Viên giúp Trí-Cao đón đường cướp tù binh, giải cứu được Phạm Đình-Huy, Phạm Văn-Nhân, Đặng Vũ-Nùng, Đinh Nho-Quan đưa y sang gửi ở Đại-lý, sau không có tin tức gì nữa. Triều đình cưu mang con y là Nùng Tông-Đán, cùng dư đảng cho coi động Lôi-hỏa nhỏ bé trong bẩy động Nùng. Nhưng đám dư đảng đó đa số là người Hoa, chúng định thần phục Tống. Niên hiệu Long-thụy Thái-bình thứ tư (1057), tôi mật nghị với Quốc-phụ, rồi đem vàng bạc cho chân tay y, để xúi y đánh Tống. Quả nhiên y tiến quân sang đánh Ung-châu. Quan trấn thủ Ung-châu là Tiêu Chú giao chiến với y nhiều trận. Tinh lực hai bên đều kiệt quệ. Viên quan coi Quế-châu (Quế-châu là châu lớn, Ung-châu chỉ là một châu nhỏ của Quế-châu) là Tiêu Cố muốn nghị hòa. Cố sai viên chuyển vận sứ là Vương Hãn thuyết phục con Tông-Đán là Nhật-Tân nên theo Tống, tội trạng được tha, mà còn được phong chức tước. Tông-Đán thấy cái mộng làm thủ lĩnh bẩy khê động Nùng, bị Đại-Việt ngăn trở, chi bằng theo Tống, để sau có thể dựa Tống mà hoàn thành tâm nguyện. Thế là Tông-Đán hàng Tống, y được phong chức Trung-vũ tướng quân, Nhật-Tân được phong Tam-ban tá-chức, vẫn cho coi động Lôi-hỏa.
Ông đưa mắt nhìn nhà vua:
– Đến khi hoàng-thượng lên ngôi. Niên hiệu Chương-thánh Gia-khánh thứ tư (1062), bấy giờ Trị-bình (Anh-tông) còn là thái-tử Triệu Thự, đang Nam du, thiết kế đánh Đại-Việt. Vương Hãn coi Đàm-châu nắm được ý đó. Y thấy Tông-Đán cứ có ý thuyết phục các khê động Nùng-Tống theo y. Hãn tâu về triều. Tống triều nghị sự « dụ hổ khỏi rừng » bằng cách phong cho y coi châu Thuận-an gồm Lôi-hỏa, Kế-thành, Tiên-dư lớn gấp ba đất Lôi-hỏa của y, mà dân ở đó thuộc tộc Nùng-Tống. Còn con y thì được bổ coi về thuế ở Ung-châu. Với dân Nùng-Tống y không thể phản Tống được nữa.
Ông ngừng lại uống nước rối tiếp:
– Việc Tông-Đán theo Tống, khiến ta mất một vùng đất lớn, nên hồi đầu năm nay (1064), tôi xin vua bà Bình-Dương sai Hổ-uy tướng quân Lưu Kỷ trấn ở châu Quảng-Nguyên, giả chuẩn bị binh mã đánh Tông-Đán, khiến y sợ, mà bỏ đi khỏi Thuận-an. Như vậy y mất căn bản, dân Thuận-an bơ vơ, sẽ theo về ta. Quả nhiên khi Lưu Kỷ mới ra quân, y cầu cứu với Tống, Tống lờ đi. Y bỏ chạy lên Quế-châu. Quan trấn thủ Quế-châu là Lục Sằn tâu về triều. Tống triều phong cho y chức Hữu-thiên ngưu-vệ tướng-quân.
Ghi chú,
Giai đoạn này, Tống-sử quyển 495, Liệt-truyện 254 trang 14.205– 14.220 chép như sau: niên hiệu Trị-bình nguyên niên (1064) đời Tống Anh-tông, Tông-Đán có hiềm khích với Lý Nhật-Tông (Thánh-tông) và Lưu Kỷ, bị chúng đe dọa. Viên coi Quế-châu là Lục Sằn biết vậy, sai người đến dụ. Tông-Đán bèn bỏ châu mình vào nội địa, được ban chức Hữu-thiên ngưu-vệ tướng quân.
Thiệu-Cực tiếp:
– Bấy giờ Bắc-biên tấu về triều Đại-Việt. Triều đình Đại-Việt nghị rằng việc Lục Sằn dụ Tông-Đán theo Tống, nộp đất cho Tống quyết không phải là chủ ý của Lục, mà của bọn hiếu chiến trong triều, muốn gây ra việc đã rồi, để Việt-Tống có chiến tranh. Bởi Tông-Đán được phong chức hữu-thiên ngưu vệ tướng quân là một tướng võ phải có ông trạng lớn lao mới được huân dự đó. Vì thế hoàng-thượng sai phò-mã Lê Thuận-Tông đi Quế-châu gặp Sằn. Phò mã cương quyết bắt Sằn phải trả cha con Tông-Đán, và đất cho ta bằng không vua bà Bắc-biên với phò mã Thân Thiệu-Thái lại tiến quân sang như năm trước. Khi việc này xẩy ra Sằn không bị Tống triều cách chức, thì cũng bị quân Việt giết chết. Lục Sằn tức ứa gan, nhưng phải nín nhịn.
Nhà vua nhắc:
– Xin biểu huynh thuật chi tiết thái độ của Lê phò mã cho những ai chưa biết, để nghe cho vui. Hồi ấy trẫm nắm được chủ trương của Anh-tông sau chuyến Nam du hồn phách còn chưa tỉnh, cái án tử hình của Kinh-Nam vương treo trên cổ. Hơn nữa trong thời gian ông ta ở Đại-Việt, đã được hàng triệu muỗi độc ưu ái tặng cho chứng sốt rét ngã nước… tinh thần ông ta rất yếu, mình cần gây áp lực thực mạnh.
Ghi chú,
Xét hành trạng của vua Thánh-tông. Ngài là ông vua nổi tiếng nhân từ nhất Đại-Việt. Ngài từng ban luật: cho đến khi ra trước tòa, mọi người đều được coi là vô tội. Điều mà các luật gia Tây-phương gần đây mới đưa ra. Nam Việt-Nam (1954-1975) đã áp dụng. Nhưng tại miền Bắc Việt-Nam (1945-1975), và toàn lãnh thổ Việt-Nam đến nay vẫn chưa áp dụng.
Nhưng đối ngoại với Chiêm, với Tống, ngài cực kỳ cương quyết, thẳng tay để bảo vệ lãnh thổ. Thực là ông vua đại anh hùng!
– Tuân chỉ bệ hạ.
Thiệu-Cực tiếp: Từ trước đến nay chỉ có sứ Tống sang ta là hống hách. Còn sứ ta sang Tống bao giờ cũng phải tới biên giới Ung-châu. Viên An-vũ sứ tâu về triều Tống, sứ phải đợi có chỉ dụ trong kinh ra nới được lên đường. Vì đường xa, ngựa trạm đem biểu đến kinh, rồi trở lại thường mất hai tháng. Rồi An-vũ sứ Quảng-Tây cử một viên tiếp dẫn sứ, cùng quân sĩ hộ tống đi theo. Nhưng phò-mã Lê Thuận-Tông đi sứ lại khác. Phò mã dẫn theo đoàn tùy tùng một trăm thớt voi, năm mươi con cọp, năm mươi con báo, một trăm chim ưng, với năm trăm quân kị. Tới biên giới người bảo viên quan trấn thủ Ung-châu rằng: người cần gặp đại thần Tống đầy đủ thẩm quyền giải quyết vấn đề biên cương. Ung-châu thuộc Quảng-Nam lộ (bao gồm Quảng-Tây Nam lộ, Quảng-Đông Nam lộ, thường gọi tắt là Quảng-Đông, Quảng-Tây). Mà Quảng-Nam lộ thuộc thẩm quyền của viên trấn thủ Quế-châu là Lục Sằn. Viên quan coi Ung-châu muốn bắt bẻ phò mã như thế là không đúng lễ. Phò-mã mắng rằng người là ”Thái-tử thiếu-phó, Phong-châu tiết độ sứ, Long-nhượng đại tướng quân, Thành-nghĩa quốc công”, một biên cương đại thần Việt, muốn thương lượng với biên cương đại thần Tống. Giữa hai biên cương đại thần gặp nhau thì không có vấn đề trên, dưới, thủ tục rắc rối. Viên trấn thủ ý chừng rét thái độ của phò mã. Một mặt y khoản đãi phái đoàn, một mặt y gửi thư cho Lục-Sằn. Khổ cho y, thành Ung nhỏ, mà phải cung ứng lúa, cỏ cho trăm thớt voi, năm trăm ngựa, thịt cho năm chục cọp, năm chực báo với trăm chim ưng thực là khốn khổ. Khi được tin báo, Sằn phái người đến biên giới tiếp phái đoàn đi Quế-châu. Đường đi mất hai mươi hai ngày, quan quân Tống cung phụng sứ đoàn đến phờ người ra.
Đến đây nhà vua thích chí bật cười, ngài nói bằng ngôn từ bình dân:
– Trẫm nhắc cho chư khanh biết một chuyện vui: số là ông anh rể của trẫm vốn chân thật, hiền hậu, sợ rằng đi sứ khó có thể ứng đối kịp với Lục Sằn là tiến-sĩ, nổi danh biện thuyết, nên người cho bà chị Kim-Thành của trẫm giả làm thông dịch theo. Bất kể ông anh nói gì, bà chị cứ biện thuyết theo ý mình, Sằn tưởng đâu ông nói, bà dịch. Có ngờ đâu bà Kim-Thành nói không à!
Khắp triều đình ai cũng biết công chúa Kim-Thành uyên thâm Nho học, bà đọc thiên kinh vạn quển, lý luận đanh thép. Đúng ra công chúa được sung vào sứ đoàn. Nhưng vì Tống trọng nam khinh nữ, nên công chúa giả làm thông dịch viên. Chứ thực sự là công chúa lý luận với Lục Sằn.
Thiệu-Cực tiếp:
– Khi tới Quế-châu, Sằn cho mở cửa nhỏ của thành tiếp phò mã. Phò mã xua đàn chó sói vào trong, rồi mình đứng ngoài. Sằn hỏi sao phò mã không vào. Phò mã đáp: cửa ngách để cho thú đi, chứ không phải cho sứ đoàn đi. Nay ta đi sứ nước lang sói, thì cho lang sói vào. Chứ ta đường đường là tới quốc công, còn mi thì chỉ mới có tước tử, mà sao y vô lễ như vậy? Sằn phải mở cửa chính, dàn thiết kị đón phò mã như đón một vị quốc công. Phò-mã nghênh ngang vào dinh của y, rồi đặt vấn đề: phải trả cha con Nùng Tông-Đán, và trả đất mà Đán nộp cho Tống. Sằn nói gượng rằng: đất ấy của Tông-Đán, thì Đán có quyền nộp cho Tống chứ? Còn Đán muốn theo Tống là do Tống có ân đức trải khắp Nam-man. Nam-man theo gió mà quy phục là việc đúng đạo lý. Phò mã nổi lôi đình nạt: Lục An-vũ-sứ ngụy biện, không có đạo lý nào cả. Đất khắp Trung-nguyên là đất của Tống triều. Tống triều trao cho một viên quan nào trấn nhậm, thì đất đó vẫn là của Tống. Ta hãy tỉ dụ như chủ trao lừa, trao ngựa cho đầy tớ chăn nuôi. Nếu như có viên quan Tống đem đất Tống cho người ngoài, thì có khác gì kẻ chăn lừa, ngựa, đem lừa ngựa của chủ trao cho người khác? Theo luật Tống thì kẻ chăn lừa ngựa đó thuộc phường trộm cắp; người nhận lừa ngựa là tòng phạm chứa của gian cũng bị buộc vào tội trộm cắp. Nay cha con Tông-Đán là châu trưởng Đại-Việt, được trao cho coi ba châu, mà y bỏ Đại-Việt mang đất nộp cho Tống, thì chúng là phường đạo tặc. Còn Tống nhận thì Tống cũng là đạo tặc. Này An-vũ sứ, ta biết vụ này do Tống triều chủ trương. Tiên sinh là Thiên-lôi, chỉ đâu đánh đó mà thôi. Nhưng mà, cuộc nghị hòa hôm nay không thành, dĩ nhiên vua bà Bình-Dương lại tiến quân sang. Tống triều vốn trọng Nho, khuyến khích trung, nghĩa, mà nay chỉ vì chứa kẻ gian, nhận đất gian mà xẩy ra chiến tranh, ắt sĩ thiên hạ chê cười. Bấy giờ triều đình sẽ đổ tội lên đầu An-vũ sứ đấy. Họ sẽ dùng An-vũ sứ làm con dê tế thần, cách chức đuổi về dân dã với cái án gây hấn ở Nam-biên. Ưng-sơn song hiệp chỉ việc căn cứ vào đó, mà giết cả nhà An-vũ sứ đến con chó, con mèo cũng không tha. Thôi, tôi nói ít, An-vũ sứ hiểu nhiều.
Lục Sằn tấu về triều. Tể-tướng Hàn Kỳ bàn rằng: « Nếu không trả đất thì Giao-châu nó gây chiến. Dĩ nhiên chiến thì ta không sợ. Nhưng xứ Giao-châu, rừng núi hiểm trở, khí hậu thấp độc. Nếu có chiếm lấy, cũng không giữ được. Chi bằng nên vỗ về, trả đất cho nó ». Thế là đất Lôi-hỏa, Kế-thành, Tiên-dư lại trở về ta, mà dân Nùng-Tống thành dân Nùng-Viêt.
Ghi chú,
Vụ này Tống-sử quyển 332, liệt truyện 91 trang 10.680– 10.682 chép như sau: từ khi giặc Nùng yên, người Giao-chỉ càng kiêu căng, các biên thần Nam phương thường nín nhịn cho qua. Sằn tới Ung họp động trưởng bốn mươi lăm động thuộc Tả, Hữu giang, chiêu mộ được năm vạn thổ binh, đặt các tướng lại, cấp cho ấn. Thanh thế Tống lại nổi dậy trong vùng khê động. Sứ Giao là Lê Thuận-Tông tới kiêu ngạo như cũ. Sằn nhún nhường mời tới giảng dụ phải kính lẽ phải…
… Sằn tấu về triều, vua Anh-tông mới lên ngôi, hỏi ý kiến các đình thần. Tể-tướng Hàn Kỳ bàn rằng: « Xứ Giao-châu rừng núi hiểm trở, khí hậu thấp-độc. Nếu có lấy cũng không giữ được. Chỉ nên vỗ về chúng mà thôi”. Do vậy vua Tống Anh-tông trả hai châu Lôi-hỏa, Ôn-nhuận về cho Đại-Việt.
Thiệu-Cực nhìn hai sứ thần:
– Hai vị đi sứ, sẽ gặp bọn biên thần Tống, hãy nhớ việc hai vị sứ Phí Gia-Hữu, và phò mã Lê Thuận-Tông. Cứ ngang tàng, cương quyết với chúng, mà ngọt ngào với triều đình. Bởi triều đình đang chia rẽ, vua mới lên ngôi, ta dùng hậu lễ, lời nhũn nhặn, họ sẽ tin rằng ta hiếu hòa, mọi rắc rối là do biên thần Tống hiếu sự.
Nhà vua vẫy tay ra hiệu bãi triều.
Ban nhạc tấu khúc Long-hồi. Nhà vua với Ỷ-Lan hồi cung.
Về tới cung Ỷ-Lan, nhà vua nắm lấy tay nàng:
– Bây giờ anh là Dương Tông, em là Ỷ-Lan. Này em, chỉ nội ngày mai, chiếu chỉ ban ra, anh tưởng tượng hàng vạn, hàng ức tá điền sẽ nhảy nhót lên vui mừng. Ôi! Chúng mình sung sướng biết là bao! Tuy nhiên các quan, phú gia họ sẽ buồn chút ít. Nhưng họ giầu quá thì của cải cũng chỉ để mà nhìn thôi. Họ ăn đâu có hết. Họ mặc đâu có thiếu? Rồi họ sẽ nghĩ lại.
Nhà vua chợt nhớ ra điều gì, ngài nói:
– Ỷ-Lan này, em nhập cung hơn năm, mà chưa về thăm nhà. Vì vậy anh truyền chỉ chuẩn bị xa giá đưa em vinh-quy, thăm lại quê hương. Anh đã ban chỉ bộ Lễ làm sắc phong cho tổ-phụ, song thân của em, cùng ban Tam-ân cho làng Thổ-lội. Làng Thổ-lội, anh đổi ra làm Siêu-loại. Vậy em có ước vọng gì không?
– Ước vọng của em có ba điều. Một là giúp cho tá điền, hai là chuộc con gái nhà nghèo để gả cho người không tiền cưới vợ. Ba là minh oan cho sư phụ. Ba điều đó anh đã chu toàn rồi, thì em chỉ ước mong, dâng cho anh một hoàng nam nữa mà thôi. Em xin anh một điều nhỏ nữa.
– Em cứ nói.
– Hồi thơ ấu em có bốn người bạn học, kết với nhau thành Hồng-hà ngũ long. Khi em về Thăng-long đã đem họ theo. Em lại có mười hai đứa em nuôi mà anh đã ban cho chúng cái tên là Tây-hồ thất kiệt với Long-biên ngũ hùng. Xin anh cho họ về cùng với em.
– À, anh nhớ ra bốn cô đó rồi, họ là Trinh-Dung, Ngọc-Huệ, Ngọc-Nam, Thanh-Thảo. Em đã đem bốn người đó gửi cho Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản, để được dạy dỗ rồi phải không? Anh nghe Tôn phu nhân nói rằng chí khí bốn người đó thực khác thường. Nhưng khi họ học Tôn ẩn-sĩ, thì lại theo cái đạo của người mất.
– Đạo của Tôn là đạo gì vậy?
Nhà vua phì cười:
– Cái đạo của Tôn là thoát vòng danh lợi, tiêu dao tự tại. Khi nước hữu sự, thì cầm gươm đứng lên. Bây giờ em muốn xin anh điều gì?
– Anh cho bốn người cùng về quê với em, để mát mặt một thể.
– Anh đang suy nghĩ, không biết cử những vị quan nào theo phò giá cho em về Siêu-loại. Bây giờ em muốn cho bốn người bạn vinh quy, thì anh không cần sai các quan nữa, mà có đến bốn người xin được tháp tùng.
– Ai vậy?
– Cách đây mấy ngày, Quốc-phụ, Quốc-mẫu nhờ Côi-sơn công chúa Trần Thanh-Nguyên đứng ra làm mai họ nhà trai để hỏi Trinh-Dung với Ngọc-Nam cho hai hoàng tử Hoằng-Chân và Chiêu-Văn. Long-thành ẩn-sĩ đồng ý ngay, nhưng người lại muốn em làm mai nhà gái.
Ỷ-Lan đã nghe nói nhiều về hai hoàng tử Hoằng-Chân và Chiêu-Văn là con trai của Khai-Quốc vương với vương phi Thanh-Mai. Nào là đệ nhất mỹ nam tử của Thăng-long, nào là khí phách hơn đời, nào là văn-chương quán thế, nào là võ-công cực cao. Cả hai đã được phong tước quốc công. Năm trước đây, lại có công dẹp giặc Mường ở Cẩm-thủy, tiến phong quận-vương. Hai vương tuy tuổi đã hai mươi mà chưa mở phủ đệ, tuyển vương phi. Cả hai dùng hết bổng lộc chu cấp cho người nghèo, thu nhận đệ tử. Chiêu-Văn nuôi dạy Tây-hồ thất kiệt, huấn luyện được đội Giao-long dũng sĩ năm trăm người, có thể lặn dưới nước hàng giờ. Còn Hoằng-Chân thì nuôi năm trẻ ở chùa Từ-quang, tức Long-biên ngũ hùng luyện được năm trăm dũng sĩ có thể leo trèo như vượn, bắn tên trăm phát trăm trúng. Ông lại gửi Long-biên ngũ hùng lên Bắc-biên học phép chỉ huy hổ, báo, sói, đười ươi như thời Lĩnh-Nam. Bây giờ nghe Khai-Quốc vương định hỏi Trinh-Dung, Ngọc-Nam cho hai hoàng tử ấy, thì là điều Ỷ-Lan cầu mà không được.
Nàng nói:
– Em đồng ý ngay. Hay anh sẽ đứng ra làm mai nhà gái.
Nhà vua bật cười. Ỷ-Lan hỏi:
– Có gì ngộ nghĩnh không mà anh cười?
Nhà vua vuốt tóc Ỷ-Lan:
– Em chưa hiểu luật của triều đình. Anh không thể làm mai cho bất cứ ai.
– Sao vậy?
– Theo luật bản triều, thì tất cả con dân trong nước, đều thuộc quyền của anh cả. Nếu anh muốn gả một cô gái cho bất cứ chàng trai nào, cô gái đó đương nhiên là quận-chúa, công-chúa, thì cha mẹ, làng xóm của cô ấy sẽ hãnh diện lắm. Anh không cần phải làm mai.
Ỷ-Lan vui vẻ, nắm tay nhà vua:
– Anh bảo bộ Lễ làm sắc chỉ gả chồng ngay cho chúng là vừa. Như vậy, em vinh quy, sẽ có hai hoàng-tử theo hộ giá thì hay biết mấy.
– Anh sẽ ban chỉ như em muốn. Còn Ngọc-Huệ thì anh truyền gả cho con trai của Văn-minh điện đại-học sĩ Bùi Hựu là Bùi Hoàng-Quan. Thanh-Thảo, anh truyền gả cho con trai Hình-bộ thượng-thư Nguyễn Quý-Thuyết là Nguyễn Căn. Cả hai người này đều có đức hạnh tốt, lại văn võ kiêm toàn.
Mười ngày sau, bộ Lễ tâu trình đã chuẩn bị lễ vật cho sứ đoàn lên đường sang Tống tu-cống. Giữa lúc đó, Khu-mật viện Bắc-biên tâu rằng có sứ Tống sang cáo việc Gia-hựu hoàng đế nhà Tống đã băng hà, miếu hiệu là Nhân-tông. Thái-tử Triệu Thự lên ngôi vua, lấy hiệu là Trị-bình, tôn hoàng hậu là Từ-thánh Quang-hiến hoàng thái-hậu. Thái-hậu buông rèm thính chính đúng như triều đình Đại-Việt đã dự đoán mấy hôm trước.
Triều đình Đại-Việt lại họp Tinh-triều, dặn dò sứ đoàn những chi tiết phải làm. Bởi sứ đoàn có năm nhiệm vụ. Một là tu-cống, hai là điếu tang Nhân-tông, ba là mừng Trị-bình hoàng đế đăng cực, bốn là đưa ra đường lối hành động, năm là phối hợp Tế-tác Đại-Việt ở Tống.
Sứ đoàn gồm chánh sứ Trần Trọng-San, phó sứ Quách Sĩ-An, mười thị-vệ, bốn mươi tượng phu để chăn mười con voi; hai mươi mục-ngưu, để chăn mười con trâu. Còn những nhân viên khác như ký lục, đầu bếp, thông dịch, phu khuân vác… tổng cộng sứ đoàn trên hai trăm người. Đấy là bề ngoài, còn thực ra, trong đám sai dịch ấy, có mười đại cao thủ của phái Đông-a, Tiêu-sơn, Tản-viên, Mê-linh do Khu-mật viện gửi theo, để thi hạnh mật lệnh. Chỉ những người này mới biết nhau mà thôi. Chánh, phó sứ cũng không được biết rõ sự thực. Tể-tướng Lý Đạo-Thành thân kiểm điểm lễ vật gồm voi, trâu, ngựa, hương liệu, ngà voi, đều đúng số lượng.
Đúng lúc lên đường, viên mục-ngưu cho biết trong mười con trâu, có một con đang bị tháo dạ. Sợ rằng dọc đường có thể bị gầy đi, xin đổi con khác. Việc mua một con trâu đực không phải là điều khó. Nhưng chỉ còn hơn giờ nữa là giờ Hoàng-đạo, sứ đoàn lên đường, mà phải kiếm một con trâu mộng thì thực là thiên nan, vạn nan. Giữa lúc bối rối đó, Thượng-Dương hoàng hậu tuyên chỉ:
– Hiện trong Hoàng-thành có con trâu mộng của Ỷ-Lan phu nhân, xin tể-tướng xét xem con trâu này có béo tốt không? Nếu nó đầy đủ điều kiện, thì không lẽ vì quốc sự, phu nhân lại tiếc hay sao?
Mọi người đều biết rằng con trâu này trước đây Ỷ-Lan đã cứu nó khỏi bị giết tại chùa Từ-quang. Từ ngày phu nhân tiến cung, lý trưởng đem nó về Thăng-long cho nàng, để lấy lòng. Ỷ-Lan cực kỳ thương yêu con vật. Hàng ngày, sáng sáng nàng cho nông dân mượn để cầy bừa. Chiều nàng thân cho nó ăn, rồi truyện trò với nó rất thân thiết. Việc này tới tai hoàng-hậu. Bà cực kỳ ghét nó. Bây giờ bà mượn cớ quốc sự tống nó khỏi Hoàng-thành.
Thế là con trâu được dắt ra. Ỷ-Lan vỗ tay lên đầu nó:
– Trâu ơi! Bây giờ vì quốc sự, ta để trâu lên đường sang Tống. Sang đó, trâu nhớ chăm chỉ kéo cầy, đừng làm hổ danh mình là trâu Đại-Việt nhé.
Con trâu rống lên những tiếng thảm thiết, nước mắt lã chã.
Nhà vua cùng triều đình thân tiễn sứ đoàn tới cửa Bắc, rồi trở về. Ỷ-Lan lấy lý là học trò của phó sứ Quách Sĩ-An, nàng xin được tiễn ông mười dặm. Long-biên ngũ hùng nghe tin con trâu Thổ-lội bị đem cống Tầu, chúng cũng rủ nhau đi tiễn trâu. Thằng Dật dắt trâu, còn bốn thằng Nghi, Đoan, Ninh, Quang đi bốn bên. Triều đình bấy giờ hầu hết là nho gia. Họ thấy Ỷ-Lan hiếu với thầy, đám trẻ lưu luyến con trâu như vậy, đều tâm phục.
Đoàn rời Thăng-long đi về phía Bắc. Qua mười dặm (5km) thì tới khu rừng lau sậy. Hai bên đường lau mọc mênh mông, mỗi lần gió thổi, các cây lau cọ vào nhau, tạo thành một âm điệu thê lương.
Khi sứ đoàn rời Thăng-long mười dặm, vẫn chưa hết khu rừng lau, Long-biên ngũ hùng nhìn phong cảnh, nói với nhau:
– Mình đi quãng nữa thì về quê Siêu-loại.
Quách Sĩ-An chắp tay hành lễ với Ỷ-Lan:
– Thôi, xin phu nhân hồi loan cho, vì trời nắng gắt.
Ỷ-Lan chắp tay xá Quách Sĩ-An rồi vỗ đầu trâu:
– Thôi trâu lên đường nghe. Vĩnh biệt từ đây!
Đám trẻ thẫn thờ vuốt sừng, vỗ lên lưng trâu nói những lời tiễn biệt. Nước mắt Ỷ-Lan chảy dài xuống hai gò má, thế là đám trẻ khóc theo. Con trâu quỳ gối, hướng về Thăng-long lạy Ỷ-Lan với đám trẻ năm lạy, rồi rơi nước mắt lên đường.
Ghi chú,
Chỗ đất này, sau Long-biên ngũ hùng lĩnh chức đại tướng quân, đã sai đắp một ngọn núi nhỏ, trông giống hình con trâu quỳ để kỷ niệm Ỷ-Lan với năm ông giã biệt con vật thân yêu; rồi dùng làm nơi luyện tập các đội binh voi, hổ, báo, sói, khỉ, ưng. Người sau không biết, nhân trông hình núi như con vật bốn chân, thì cho đó là hình con voi, nên gọi núi ấy là núi voi phục. Nay vẫn còn, nhưng núi mòn, chỉ còn lại đống đất như cái gò lớn.
Chỗ đất trâu qùy đó, cho đến đầu thế kỷ thứ hai mươi này, cũng vẫn là cánh đồng lau. Một người Pháp tên Marty xin chính phủ Đông-dương cho khai hoang. Ông bỏ tiền mượn người đến đốt rừng lau, cầy đất hoang, nhặt đá, biến thành đồn điền Marty chuyên trồng lúa. Sau 1945, đồn điền Marty bị bãi bỏ, đặt thành xã Quang-trung, thuộc huyện Gia-lâm, tỉnh Bắc-ninh. Năm 1965 đổi thành xã Trâu-quỳ. Xã Trâu-qùy chuyên trồng lúa.
Xã Trâu-qùy là một trong 31 xã thuộc huyện Gia-lâm, Hà-nội. Phía Bắc giáp xã Cổ-bi, phía Đông giáp xã Dương-xá, Đặng-xá, Phú-thị. Phía Nam giáp xã Đa-tốn, Kiêu-kị. Phía Tây giáp xã Cự-khôi, Đông-dư, Thạch-bàn. Hiện xã gồm các thôn An-đào, An-lạc, Bình-minh, Chính-trung, Cửu-việt, Kiên-thành và khu phố Trâu-qùy.
Vì nguyên do Trâu-quỳ là xã tân lập, thiếu những truyền thống, phong tục, miếu mạo so với các xã cổ xung quanh, có từ hai, ba nghìn năm trước. Nhưng cái tên Trâu-qùy lại có gốc lịch sử hơn nghìn năm. Ngày nay xã Trâu-qùy là nơi đặt những cơ quan đầu não của huyện Gia-lâm. Lui vào trong một chút, có những căn nhà ngói khang trang, do người Pháp kiến trúc từ đầu thế kỷ này, nhưng vẫn còn nguyên. Đó là trụ sở của đồn điền Marty xưa; nay dùng làm trường đại học Nông-nghiệp, mang tên ”đại học nông nghiệp Trâu-qùy”. Đại học lĩnh nhiệm vụ đào tạo mười bốn ngành chuyên gia canh nông. Đi mấy cây số nữa đến thôn Dương-đà, xã Dương-xá, là nơi tọa lạc đền thờ Linh-Nhân hoàng thái hậu. Ngoài giáo-sư, sinh viên của trường, đại học Trâu-quỳ ít ai biết nguồn gốc cái tên này. Hầu hết người ta viết sai chính tả thành « châu » quỳ, thực là vô nghĩa, và mất gốc.
Hôm ấy vào ngày rằm, vì phải lên vùng Kinh-Bắc duyệt thủy quân, nhà vua trao quyền cho Ỷ-Lan đọc những tấu chương, rồi châu-phê, đợi ngài về sẽ ký, sau đó chuyển cho tể-tướng Lý Đạo-Thành. Ỷ-Lan ở lại trong cung với mẹ con Thúy-Hoàng, Thúy-Phượng. Ngoài ra còn tên thái giám Nguyễn Bông hầu cận. Vì nhà vua cũng như Ỷ-Lan, đều có võ công cao, nên cung Ỷ-Lan không dùng thị-vệ canh gác như những cung khác.
Ỷ-Lan đang đọc đến tờ tấu chương của trấn Thanh-hóa, Nghệ-an nói về tình-hình Chiêm-quốc, thì nàng nghe như có tiếng chân người rón rén tiến lại phía cửa sổ. Hồi này, nội công âm nhu của nàng luyện đã tới mức thượng thừa, nên dù những tiếng động nho nhỏ, nàng cũng phân biệt được.
Nàng giả như không nghe thấy, cứ tiếp tục đọc, thì lại có tiếng người ta chọc giấy dán cửa sổ. Nàng nghĩ thầm:
– Nhất định là quân gian rồi đây. Y rình mò định làm gì?
Nàng cầm chung trà lên, vận kình lực, rồi nói:
– Người là ai, mà dám đến nơi này rình mò?
Nói dứt lời, nàng tung cái chung về phía cửa sổ, rồi lạng mình ra sân. Ngoài sân, một người trùm kín đầu, đang vung tay gạt cái chung. Cái chung trúng vào tường đến bốp một tiếng, vỡ tan tành. Ỷ-Lan xẹt đến bên người kia, lạnh lùng nói:
– Cao nhân là ai? Xin mời vào xơi nước.
Người kia cười khì, rồi theo Ỷ-Lan vào trong. Y không khách sáo, ngồi ngay xuống ghế. Ỷ-Lan rót nước vào chung, trao cho người ấy. Trong khi trao, nàng vận nội lực ra đầu ngón tay. Người kia tiếp cái chung, bị nội lực của Ỷ-Lan tấn công. Y cũng vận nội lực chống trả, hai kình lực gặp nhau khiến nước trong chung bắn vọt lên cao. Người kia phất tay một cái, nước bắn vào người mẹ con Thúy-Hoàng, Thúy-Phượng đứng sau. Hai người ái lên một tiếng rồi ngã ngồi xuống.
Ỷ-Lan thấy hơi nước có mùi tanh tanh rất quen thuộc, nàng độ chừng rằng hai người chỉ trúng độc mê man chứ không đến nỗi nguy hiểm đến tính mệnh. Nàng cười nhạt:
– Thì ra tôn giá cũng biết dùng Chu-sa độc tố đấy.
Người ấy lạnh lùng ngồi bất động.
Ỷ-Lan hỏi:
– Xin quý khách cho biết cao danh, quý tính?
Người kia mở khăn trùm đầu, thì chính là Đinh Kiếm-Thương, kẻ xưng tên Trần Tự-An đã dạy võ công cho nàng. Ỷ-Lan bật lên tiếng kêu:
– Sư phụ. Đã hơn năm nay không được tin tức lão nhân gia. Người vẫn mạnh chứ?
– Phu nhân có biết ta là ai không?
– Đệ tử biết lão nhân gia không phải là đại hiệp Trần Tự-An. Sư phụ ơi, tên người là Đinh Kiếm-Thương phải không? Theo đệ tử biết, thì những kẻ có bản lĩnh ngang với người, e Đại-Việt, Đại-Tống đếm trên bàn tay. Tại sao lão nhân gia lại phải đội tên đại hiệp Tự-An? Đệ tử thực không hiểu nổi.
– Bậy nào. Ta chính là Trần Tự-An, đứng hàng nhì trong Đại-Việt ngũ long, sau gã thầy chùa Minh-Không. Đúng ra ta đứng đầu ngũ-long đấy chứ. Nhưng vì gã Minh-Không là thầy chùa, là sư huynh của gã Lý Công-Uẩn nên ta phải đứng sau gã. Còn thực ra bản lĩnh của ta hơn y nhiều. Tại sao phu nhân lại bảo ta là Đinh Kiếm-Thương?
Mặt lão trở thành lầm lì:
– Đinh Kiếm-Thương hiện giờ vẫn còn sống. Y ẩn ở trong phủ đệ của tể-tướng Dương Đạo-Gia. Từ hôm Dương Đạo-Gia bị cách chức, không rõ y đi đâu mất.
Lòng Ỷ-Lan đầy nghi hoặc. Không biết nàng tin lão hay tin vua bà Bình-Dương? Nàng hỏi lại:
– Sư phụ, có một đêm đệ tử trở lại con đò tìm sư phụ, thì thấy sư-mẫu cùng hai đò phu chết cong queo, miệng bị nhét thịt chó. Sau đấy đệ tử bị bắt giam, thành ra không trở lại được. Có đúng sư mẫu bị Mộc-Tồn hòa thượng sát hại không?
– Đúng thế. Hôm ấy ta đi tìm phu-nhân ở nhà Lý Thường-Kiệt. Khi trở về, thì thấy vợ ta bị tên Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa thượng sát hại. Ta định giết y để trả thù cho hiền thê. Sau hơn trăm hiệp, y bị lạc bại bỏ chạy. Ta đuổi y cho tới Thanh-hóa thì mất tích. Khi ta trở về Thăng-long thì người ta chôn sư mẫu rồi. Từ hôm mất sư mẫu, ta như người hóa điên, ta đi tìm phu nhân. Mãi hôm nay mới thấy.
Ỷ-Lan hỏi khéo:
– Đệ tử nghe sư phụ chế ra Cổ-loa tâm pháp, rồi truyền cho sư huynh Lý Thường-Kiệt. Cớ sao sư phụ bắt đệ tử phải đánh cắp tâm pháp này cho sư phụ?
– Hừ! Phu-nhân đâu biết rằng ta già rồi nên quên mất tâm pháp đó. Nhưng không lẽ ta là thái sư phụ, mà lại đi hỏi y? Ừ, sau khi mi rời ta, không có thuốc giải, mà phu nhân sống được kể cũng lạ. Có phải thằng lỏi Thường-Kiệt đem thuốc giải cho phu nhân không?
– Quả đúng như sư phụ đoán. Sư huynh Thường-Kiệt đã cho đệ tử thuốc giải. Sau này U-bon vương Lê Văn với phò-mã Thân Thiệu-Thái còn dùng thần công trị tuyệt nọc Chu-sa huyền-âm cho đệ tử nữa.
– Vì vậy phu nhân mới trốn không gặp ta, khiến ta phải đi tìm phu nhân. Có đúng vậy không?
– Không phải thế. Nhưng sư phụ ơi, Chu-sa huyền-âm chưởng là chưởng tà môn. Bất cứ người trong chính phái, hay tà phái đều muốn tru diệt. Sư phụ nên bỏ đi, đừng luyện nữa.
– Tà môn! Thế nào là tà môn? Võ công là gì? Là dùng hết khả năng để chém giết nhau. Vì vậy có người dùng đao, có người dùng kiếm, có người dùng ám khí. Nay ta dùng thuốc để đánh địch thì cũng thế. Cái bọn hèn hạ đánh không lại thì kêu ầm lên là tà môn. Ta hỏi phu nhân câu này nhé: nếu phu nhân không dùng Huyền-âm nội lực, thì sao có thể bắt tên Đoàn Quang-Minh, con Minh-Can khai ra sự thực trong dinh Trung-nghĩa? Nếu không dùng võ công Chu-sa thì sao có thể thắng tên Trịnh Quang-Thạch?
Ỷ-Lan vẫn chưa chịu thua:
– Trước đây chính sư phụ chế ra phương pháp phản Chu-sa chưởng. Chính phương pháp này đã đánh bại các trưởng lão bang Nhật-Hồ. Rồi cũng chính sư huynh Thông-Mai kịch đấu với Nhật-Hồ lão nhân, đi đến chỗ cả hai cùng chết. Nhưng sư huynh Thông-Mai may mắn được lão sư Phan Nam cứu thoát. Thế mà nay sư phụ lại luyện độc chưởng đó của Nhật-Hồ.
Bỗng có tiếng thanh la, tiếng quát tháo, rồi có nhiều tiếng chân người chạy rầm rập, cùng tiếng thị-vệ:
– Gian tế! Gian tế!
Kiếm-Thương phóng mình qua cửa sổ mất tích.
Lập tức một đội nữ binh gươm đao sáng choang, do một thiếu nữ cầm đầu chạy đến. Ỷ-Lan nhận ra thiếu nữ đó là công chúa Thiên-Ninh. Công chúa cung tay hành lễ với nàng, rồi hỏi:
– Phu-nhân có sao không? Gian tế đâu rồi?
Ỷ-Lan nắm tay Thiên-Ninh:
– Cảm ơn Thiên-Ninh, cô không sao cả. Gian tế đấu chưởng với cô, bất phân thắng bại. Sau thấy động, y bỏ chạy. Chỉ có Thúy-Hoàng, với Thúy-Phượng bị trúng độc nhưng không sao.
Nàng dắt Thiên-Ninh vào cung Ỷ-Lan, trong khi đội nữ binh dàn ra mau chóng bao vây lấy xung quanh. Ỷ-Lan dùng phương pháp hút độc của Đinh Kiếm-Thương dạy, nàng xoa trên mặt hai người, mỗi người một cái, lập tức mẹ con Thúy-Hoàng, Thúy-Phượng tỉnh ngay.
Thiên-Ninh hỏi:
– Phu nhân! Gian tế là loại người nào vậy? Y định làm gì?
Ỷ-Lan lắc đầu:
– Cô thực không rõ ý đồ của y. Y là một lão già tuổi trên bẩy mươi. Võ công của y là võ công Đông-a, nhưng nội lực lại là nội lực Hồng-thiết.
Từ ngày nhập cung, Ỷ-Lan rất thân với ba bà phi, sinh mẫu của công chúa Thiên-Thành, Động-Thiên và Thiên-Ninh. So vai vế thì cái tước phu nhân của nàng thấp hơn tước phi của ba bà. Về tuổi tác, các bà đáng tuổi mẹ nàng, nên nàng không dám ỷ được sủng ái mà lên mặt. Trái lại, nàng rất lễ phép, nhũn nhặn với các bà. Nên các bà cực kỳ yêu quý nàng.
Riêng Thiên-Ninh, vì là đệ tử công chúa Bảo-Hòa, võ công nàng cao thâm vô cùng, nàng lại uyên thâm Nho học, rất giỏi về tổ chức canh nông, tiền tệ, thuế má. Nàng đã được triều đình trao cho nhiệm vụ kiểm soát việc thi hành cải cách canh nông, binh lương. Khi vừa gặp nhau lần đầu, Ỷ-Lan với nàng thân nhau ngay. Hai người thường bàn quốc sự với nhau. Tuy vai vế Ỷ-Lan ngang với mẹ Thiên-Ninh; Thiên-Ninh gọi nàng là phu nhân, xưng con, Ỷ-Lan xưng cô với nàng. Nhưng hai người như cặp bạn thân thiết vô cùng. Ỷ-Lan xin với nhà vua cho nàng thu nhận tiểu thư con các quan, luyện tập thành đội nữ binh, hầu bảo vệ cho Hoàng-thành. Nhà vua đồng ý ngay. Chỉ trong vòng nửa năm đội nữ binh đả có khả năng chiến đấu như một đạo binh. Ỷ-Lan lấy tên nữ tướng võ công cực cao thời vua Trưng tên Trần Năng tước phong công chúa Gia-Hưng đặt cho đạo binh này.
Ghi chú,
Sau này khi Quách Quỳ, Triệu Tiết đem đại binh sang đánh, công chúa Thiên-Ninh được chỉ định trấn thủ phòng tuyến bảo vệ vòng đai Thăng-long. Quân Tống phá vỡ chiến lũy Như-nguyệt, như nước vỡ bờ, tiến tới rừng tre cách Thăng-long có 25 cây-số. Công-chúa Thiên-Ninh dùng đạo binh Yên-lãng tử chiến, đánh bật quân Tống lui về Như-nguyệt.
Gia phả cũng như từ đường của con cháu họ Lý tại Bắc Cao có đôi câu đối:
Thập bát anh hùng giai Phù-đổng,
Tam thiên nữ kiệt tỷ Mê-linh.
Nghĩa là 18 anh hùng đều có thể ví với Phù-đổng Thiên-vương, ba nghìn nữ kiệt có thể sánh với các anh hùng thời vua Trưng.
Sau khi tuẫn quốc, Công-chúa rất thiêng. Hiện đền thờ Công-chúa tại Thị-cầu, lỵ sở của tỉnh Bắc-ninh, hằng năm vào đầu xuân, có hằng mấy trăm người tới vay tiền Bà Chúa-kho.