U-bon vương Lê-Văn trình ra tất cả những chứng cớ về việc tể-tướng Dương-đạo-Gia làm gian tế cho Tống như: thư của Tần-vương Triệu-Thự gửi cho y, thư của y gửi sang cho Thự, bản cung từ mà Đoàn-quang-Minh nộp cho Ỷ-Lan. Mặt Dương-đạo-Gia tái xanh như tầu lá.
Vương tâu với nhà vua:
– Thần còn một số thư từ tối mật, không thể công bố với bách quan. Xin dâng để bệ hạ ngự lãm.
Nói rồi vương tháo cái túi đeo ở trên lưng xuống, lấy cái tráp khá lớn dâng lên cho nhà vua. Nhà vua đỡ tráp, thấy rất trầm trọng, thì biết bên trong có nhiều vật lạ. Ngài mở tráp ra, ánh sáng vàng, ngọc trong tráp chiếu sáng ngời. Trên cùng có tờ giấy ghi rõ số vàng, ngọc, của Tống do ai đem sang, đã trao cho ai, trao tại đâu, ngày nào. Dưới đáy tráp còn một số thư từ do thái-hậu, hoàng-hậu gửi cho Dương-đạo-Gia. Nhà vua mở từng tờ thư ra coi, long nhan đỏ lên vì giận. Ngài nghĩ thầm:
– Hỡi ơi! Thiên-Cảm thái hậu được phụ hoàng ta cực kỳ sủng ái. Chính vì vậy mà phụ thân bà là Dương-đức-Thành mới được lên tới chức tể-tướng. Rồi Dương gia lạm quyền, khiến Dương-đức-Thao, Dương-đức-Uy bị Ưng-sơn giết chết. Hồi đó phụ hoàng ta đã ân xá cho họ Dương. Ta tưởng như vậy, từ nay chúng không dám làm bậy nữa. Không ngờ bây giờ, chính thái-hậu, hoàng-hậu với Dương-đạo-Gia còn mưu dâng nước này cho Tống. Dù nhân từ đến đâu ta cũng không tha cho chúng được nữa. Đạo lý tộc Việt không cho ta giết thái-hậu, hoàng-hậu. Nhưng giữa đạo lý tộc Việt với việc bảo vệ giang sơn do biết bao anh hùng đổ máu mới tồn tại, thì ta phải chọn giang sơn. Thôi thì ta cứ xử vụ này bằng lối nhân từ, trù trừ, để Ưng-sơn song hiệp giết chúng đi cho rảnh.
Nghĩ vậy, nhà vua quay lại hỏi Khai-Quốc vương:
– Tâu Quốc-phụ, xin Quốc-phụ ban từ dụ cho thần nhi về việc này.
Khai-Quốc vương đưa mắt nhìn quần thần một lượt:
– Khu-mật-viện Đại-Việt do cô gia thành lập đã hơn ba chục năm. Trong ba chục năm qua, bất cứ gian thần tặc tử nào làm gì. Bọn Tống, bọn Chiêm, bọn trộm cướp nhất cử nhất động, Khu-mật-viện đều biết hết. Gần đây cô gia bận tu hành, ít chú ý đến chính sự, nhưng không phải vì vậy mà cô gia để mũ ni che tai. Tiền nguyên, hậu quả vụ này cô gia theo dõi rất kỹ, mỗi sự việc, mỗi hành động của Tống, của gian thần cô gia đều thông báo cho Bảo-Hòa, cho Bình-Dương, cho Tự-Mai, cho Lê-Văn biết. Nhưng cô gia chỉ giới hạn bởi năm người thôi. Xin bách quan đừng sợ hãi bọn gian. Để cô gia mời các nhân chứng vào đây cho quý vị thấy.
Vương bảo Thường-Kiệt:
– Con ra mời Yên-vương vương phi cùng sư bá Phụ-Quốc, Bảo-Dân, Trung-Đạo vào đây.
Thường-Kiệt ra ngoài một lát thì bốn người vào. Nhà vua thấy Lê-thiếu-Mai, vội xuống ngai vàng cung tay:
– Cháu xin có lời vấn an Lê tiên nương, kính mong tiên nương tha cho cái tội không ra ngoài thành tiếp đón.
Lê-thiếu-Mai vội cung tay:
– Thực nhọc sức bệ hạ. Tôi về đây với tư cách là con dân Đại-Việt, mà bệ hạ miễn cho lễ nghi đã là may mắn rồi. Đa tạ bệ hạ đã hạ thể. Tôi được tiên-nương Bảo-Hòa gọi về khẩn để khuyên can Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa thượng nhẹ tay với một số gian thần tặc tử.
Nhà vua thân kéo ghế cho Thiếu-Mai ngồi bên công chúa Bảo-Hòa.
Nhắc lại để độc giả nhớ: Yên-vương Triệu-nguyên-Nghiễm là thái sư, là Quốc-phụ của Trung-quốc, trong khi chức tước của vua Lý Thái-tổ, Thái-tông chỉ là Nam-bình vương, thấp hơn vương đến mấy bậc, mà Lê-thiếu-Mai là vương phi của Yên-vương, địa vị cao quý biết mấy. Gần đây, Thiếu-Mai cùng với Dương-Bình, Hoàng-Giang cư sĩ, Lê-Văn, đi hành y-đạo cứu người, nức tiếng thiên hạ, được tặng danh hiệu Đại-Việt tứ tiên, cho nên bà đi đến đâu cũng được trọng vọng. Trước đây, đa số những người bị Mộc-Tồn hòa thượng kết án tử hình, chỉ cần bà lên tiếng, là phạm nhân được ân xá ngay.
Nhà vua cũng truyền lấy ghế mời Phục-Quốc, Bảo-Dân, Trung-Đạo ngồi.
Phụ-Quốc cung tay:
– Tâu bệ hạ, ba anh em tên nhà quê ở đất Thiên-trường được Khai-Quốc vương gọi về đây để bàn kế cứu mấy vạn người gia thuộc của bọn gian thần tặc tử sắp bị sư đệ Tự-Mai giết chết. Nhưng vì anh em thần bận rộn, về trễ một ngày, hóa cho nên Trung-nghĩa đại tướng quân Trịnh-quang-Thạch cùng vợ con, gia thuộc, súc vật đều bị giết chết hôm qua.
Nhà vua kinh hoảng:
– Cả nhà Trịnh-quang-Thạch bị giết hết rồi sao?
– Vâng. Thạch với bẩy bà vợ; tám con trai, mười chín con dâu; bốn con gái, bốn con rể; ba mươi mốt cháu nội, cháu ngoại, mấy trăm súc vật đều bị giết sạch. Tài vật trong nhà gồm tiền, vàng, bạc cho đến thực vật như lúa, gạo, cá khô, với thịt thú vật bị giết… đều đem chia cho cùng dân trong tổng Dương-quang.
Lễ-bộ tham tri Mai-Thứ hỏi:
– Thưa đại hiệp, trường Trung-nghĩa lúc nào cũng có hơn ba trăm môn sinh luyên võ, lại nữa trong làng Thổ-lội có hơn trăm hoàng nam cầm binh khí, thì làm sao…làm sao Ưng-sơn song hiệp có thể hành sự dễ dàng như vậy? Không lẽ Song-hiệp mang đại binh theo?
Trung-Đạo mỉm cười:
– Thượng-thư quá trung thực, nên không hiểu được sư đệ Tự-Mai. Khi còn là Tần-vương, ở giữa kinh thành nhà Tống, mà y còn ra tay giết cả nhà của tể-tướng đến mấy nghìn người, huống hồ cái gọi là trường Trung-nghĩa? Y hiện có mặt ở Trường-sa chứ đâu có về Đại-Việt? Kẻ ra tay có lẽ là thủ hạ của y mà thôi.
Ông nói thực chậm: Khi Ưng-sơn đã ra tay, thì y nghiên cứu cực kỳ chu đáo. Sáng sớm hôm qua, dân làng Thổ-lội, Phú-thụy, Minh-khai, Kiêu-kị nghe tiếng mõ rao rằng: Ưng-sơn song hiệp sẽ xử tội Trịnh-quang-Thạch. Lập tức họ ùn ùn kéo nhau đến trường Trung-nghĩa. Khi họ tới nơi, thì thấy lý dịch như lý-trưởng, phó-lý, trương-tuần, thủ-bạ đều ngồi sau cái bàn dài. Phía trước bàn, bên phải là toàn thể gia thuộc Trịnh-quang-Thạch bị trói. Phía bên trái là môn sinh trường Trung-nghĩa. Phía trước bỏ trống, dân chúng thấy vậy tụ tập ở đây.
Trung-Đạo ngừng lại hớp một hớp trà rồi tiếp: Chắc các vị hỏi tại sao lại có sự kiện lạ như vậy phải không? Thưa, nhóm người của Ưng-sơn chỉ có bẩy mạng. Tinh mơ hôm qua, sau khi ăn sáng xong, toàn thể môn sinh, gia thuộc của Quang-Thạch cảm thấy chân tay vô lực, thì ra họ trúng độc. Bấy giờ bẩy người xuất hiện. Tất cả môn sinh, gia thuộc đều bị điểm huyệt. Người cầm đầu chỉ đánh ba chiêu, khiến Quang-Thạch, Quang-Minh bị lạc bại. Họ điểm huyệt, rồi kề đao vào cổ, bắt chúng viết thư gọi lý dịch đến, gọi mõ tới. Khi lý dịch, mõ đến, thì đều bị điểm huyệt, rồi cho ngồi vào bàn. Một người trong bọn Ưng-sơn vung đao chặt đầu tên tay sai ác đức nhất của Quang-Thạch là Vũ-Đức, khiến mõ kinh hồn táng đởm. Sau đó họ bắt mõ phải đi rao như lời họ truyền. Nếu quý vị là mõ, liệu quý vị có can đảm chống lại họ không?
Trung-Đạo đưa mắt nhìn những chân tay của phe họ Dương một lượt, khiến ai nấy đều lạnh gáy.
Ông tiếp: người cầm đầu nhóm Ưng-sơn đem bản cáo trạng Trịnh-quang-Thạch ra đọc cho dân chúng nghe.
Phụ-Quốc trình nhà vua một trục giấy:
– Tâu bệ hạ, đây là bản án mà Ưng-sơn đọc trước mặt dân tổng Dương-quang, cùng treo khắp vùng Kinh-Bắc.
Nhà vua gọi Bùi-Hựu:
– Văn-minh điện đại học sĩ. Xin học sĩ đọc cho cả triều đình nghe.
Bùi-Hựu cầm trục giấy mở ra đọc:
« Kiểm-hiệu thái-sư,
Lĩnh-Nam tiết độ sứ,
Tả kim ngô đại tướng quân.
Khu-mật-viện sứ.
Quan sát sứ,
Giang-Nam đô hộ,
Thượng-trụ quốc, lĩnh Thị-trung. Kinh-Nam vương, nhà Đại-Tống, là thôn phu đất Thiên-trường Đại-Việt cùng trưởng-đại công chúa Huệ-Nhu.
Cáo tri với trăm họ, võ-lâm tộc Hoa, tộc Việt rõ.
Tên Trịnh Quang-Thạch nguyên là dư đảng của bọn Hồng-thiết-giáo. Thời Thuận-thiên, sau khi chư vương nổi loạn, Hồng-thiết-giáo bị tuyệt diệt, y ẩn thân vào làm gia tướng họ Dương. Khi con gái họ Dương được vua Thái-tông bên Đại-Việt sủng ái, tấn phong làm Thiên-cảm hoàng hậu. Y tự nguyện tĩnh thân làm thái giám. Sau đó nhờ có công trong những lần theo quân đi dẹp giặc, y được thăng hàm Trung-nghĩa đại tướng quân, tước Siêu-loại hầu.
Tưởng với chút tài mọn, được làm tướng, được phong hầu, đã khiến y thoả mãn. Hay đâu, y lại cùng với chủ là Dương Đạo-Gia, mưu thí chúa cướp ngôi, mãi quốc cầu vinh. Y lập ra trường Trung-nghĩa, thu đệ tử, dạy văn lẫn võ, rồi Dương Đạo-Gia dùng thế lực bổ làm văn quan, võ tướng, gây thanh thế, sau đó sẽ đi đến cướp ngôi vua Đại-Việt. Đó là tội phản nghịch. Theo bộ Hình-thư của Đại-Việt, thì phải xử lăng trì, và giết cả nhà.
Gần đây, Đạo-Gia với y cho người sang Trung-nguyên hiệp đảng với bọn tham quan Tống triều, hầu sau khi Đạo-Gia cướp ngôi vua, sẽ được Tống triều phong vương. Y đã nhận trước sau một nghìn lựơng vàng cùng ngọc ngà châu báu của Tần-vương Triệu-Thự, đem về mua chuộc võ lâm, tham quan Đại-Việt, đợi khi Tống đánh sang, sẽ nổi lên làm nội ứng. Y lại chiêu mộ võ sĩ, rồi sai sang Chiêm-thành, giúp Chiêm huấn luyện sĩ tốt, để một mai khi Tống cử sự đánh sang, thì Chiêm đánh phía sau Đại-Việt. Đây là tội mãi quốc. Theo bộ Hình-thư Đại-Việt thì bản thân phải tội lăng trì và giết cả nhà.
Tên Thạch cùng Tần-vương Triệu-Thự hiệp đảng với họ Dương gây ra vụ án chùa Từ-quang, với hai mục đích. Một là để hãm hại các võ tướng vốn xuất thân từ nhà họ Mai của Linh-Cảm hoàng thái hậu. Hai là gây chia rẽ giữa triều đình võ lâm Đại-Việt với phái Đông-a và cô-gia nằm trong mưu đồ thí chúa, mãi quốc. Theo bộ Hình-thư của Đại-Việt, phải tội lăng trì và giết cả nhà.
Tội của họ Dương, tội của Quang-Thạch phạm trường là Đại-Việt, đáng lẽ triều đình cùng võ lâm Đại-Việt phải xử chúng. Chương-thánh Gia-khánh hoàng đế đã được mỹ nhân Ỷ-Lan tâu trình đầy đủ trên đường từ Pháp-vân tự về Thăng-long. Vua bà Bắc-biên chưởng môn phái Mê-linh, tiên nương Thân Bảo-Hòa chưởng môn phái Tản-viên, phò mã Thân Thiệu-Thái chưởng môn phái Tây-vu, đại sư Huệ-Sinh phái Tiêu-sơn, sư huynh Trần Phụ-Quốc chưởng môn phái Đông-a… tất cả đều biết tội trạng của họ Dương, của Trịnh Quang-Thạch từ lâu. Thế mà, ba tháng trôi qua, vẫn chưa xử tội chúng.
Than ôi! Họa nước, ách dân như dầu sôi, như lửa cháy mà triều đình với võ lâm còn chần chờ, nên cô gia với công chúa phải thế thiên hành đạo, để bảo vệ Đại-Việt, để giữ tình thương giữa tộc Hoa, tộc Việt, cùng là con cháu vua Thần-Nông. Trước hết xử lăng trì tên Trịnh Quang-Thạch và giết cả nhà y. Sau đây một tháng, nếu triều đình, võ lâm Đại-Việt chưa xử tội họ Dương. Triều đình, võ lâm Trung-nguyên chưa xử Tần-vương, cô gia sẽ thế thiên xử chúng.
Nay cáo tri.
Niên hiệu Chương-thánh Gia-khánh năm thứ 5 của Đại-Việt.
Niên hiệu Gia-hựu năm thứ 8 của Đại-Tống».
Trung-Đạo tiếp:
– Sau khi đọc bản cáo trạng, người của Ưng-sơn đem hết thú vật, tài sản của Thạch chia cho dân nghèo trong làng. Họ gọi tên từng người, lĩnh từng món một. Thì ra họ đã nghiên cứu tài sản của y, nghiên cứu rõ người nào trong làng đáng được hưởng món nào. Phân chia tài sản xong, họ đem tên Quang-Thạch ra xử lăng trì. Cứ mỗi tiếng trống, tiếng chiêng lại dùng dao sắc cắt một miếng thịt. Quang-Thạch kêu thét lên như lợn bị chọc tiết. Sau khi xẻo miếng thứ năm, y đau quá định cắn lưỡi chết, thì một người trong nhóm Ưng-sơn cậy miệng y ra nhét dẻ vào. Cứ thế, họ xẻo đến miếng thứ một trăm mười bẩy thì y chết. Bấy giờ họ mới xử tử toàn gia y. Sau đó họ tha cho đám đệ tử trường Trung-nghĩa, rồi lên ngựa đi mất.
Nhà vua giật mình quay lại hỏi Lý Thường-Kiệt:
– Thường-Kiệt, Trịnh-quang-Thạch còn một người con là Quang-Liệt, hiện làm vũ-vệ hiệu-úy trong cung. Người phải cố gắng bảo vệ y đừng để Ưng-sơn nhập cung giết chết.
Thường-Kiệt đã ăn cùng mâm, ngủ cùng dường, chơi đùa với nhà vua suốt thời thơ ấu ở Tản-lĩnh, gì mà ông không biết ý ngài: ngài muốn ông dọa thêm mấy câu cho bọn gian thần kinh hãi Ưng-sơn hơn mà thôi. Nghĩ vậy ông tâu:
– Tâu bệ hạ, đối với Kinh-Nam vương, thần chỉ là đứa sư điệt nhỏ bằng hạt cát bên trái núi. Bản lĩnh của người lại cao thâm khôn lường. Đệ tử của người toàn những đại cao thủ Hoa-Việt, hành sự xuất thần nhập hóa đến quỷ không hay, thần không biết, thì làm sao nô tài đủ sức bảo vệ Quang-Liệt? Hơn nữa Quang-Liệt được đem vào cung do chỉ dụ của thái-hậu, chỉ thái-hậu mới được quyền sai phái y. Cho nên vụ bảo vệ y, muôn ngàn lần thần không thể nào đương nổi.
Quang-Liệt run run bước ra quỳ gối rập đầu:
– Thần hiện chầu hầu bệ hạ, thì coi như tính mệnh được bảo đảm. Nhưng còn… vợ con. Xin bệ hạ cứu vợ con, gia thuộc của thần. Vì sáng nay trên đường vào triều, thần thấy mảnh giấy này dán trên yên ngựa, xin kính đệ lên bệ hạ ngự lãm.
Y trình ra một tờ giấy, trên in hình chim ưng bay qua núi, dưới có mấy chữ « Gian thần, mưu thí chúa, mãi quốc, phải giết cả nhà trước giờ Ngọ ».
Bách quan cùng hướng ra sân nhìn bóng mặt trời. Vua bà Bình-Dương nói:
– Tôi biết tính của Kinh-Nam vương lắm, khi vương đẽ hẹn giờ hành hình, hoặc trừng phạt người nào, mà người đó trốn đâu cho quá giờ đó thì vương sẽ tha cho luôn. Chỉ còn một khắc nữa (14 phút ngày nay) thì coi như Trịnh vũ-vệ sẽ được ân xá.
Trần-phụ-Quốc hỏi Quang-Liệt:
– Phụ thân của hiệu úy trước làm gia tướng cho Dương phủ, rồi mới tĩnh thân làm thái giám, thì ông có vợ, có con là chuyện thường. Còn vũ-vệ tĩnh thân hồi bẩm sinh, được thái-hậu tiến cung, thì sao có vợ, có con được?
Công chúa Bảo-Hòa vẫy tay ra hiệu với Phụ-Quốc:
– Sư huynh ơi, cái gã Quang-Liệt này là một người bình thường. Nhưng y nhờ thế lực Thiên-cảm thái hậu, Thượng-Dương hoàng hậu được đưa vào cung tiềm ẩn để chuẩn bị phản nghịch, chứ y có là thái giám đâu?
U-bon vương phất tay vào dưới bụng Quang-Liệt một cái rồi gật đầu:
– Y không phải thái giám.
Lý Thường-Kiệt bước ra rập đầu:
– Tâu bệ hạ, ngày đầu tiên Quang-Liệt được đem vào cung, thần đã biết hạ bộ của y vẫn đầy đủ. Thần có tâu với hoàng-hậu, nhưng hoàng-hậu tuyên phán rằng y… đã tĩnh thân từ lâu, rồi không cho thần tái khám. Bây giờ sự việc đã như thế này, xin bệ hạ cho thần bắt y thẩm cung xem y đã làm những điều gì vô pháp vô thiên trong cung.
Công-chúa Bảo-Hòa bảo Thường-Kiệt:
– Con bình thân đi thôi. Y chết rồi, thì con làm sao mà điều tra được nữa?
Mọi người giật mình nhìn ra, thì quả Trịnh-quang-Liệt tuy còn quỳ gối rập đầu, nhưng mắt y trợn trừng. U-bon vương lạng mình tới cầm mạch y. Vương lắc đầu:
– Y chết rồi. Y chết về chưởng lực « Bức mạch » của phái Đông-a. Y bị trúng chưởng vào cuối giờ Mão. Người phát chưởng đã tính toán sao cho y chết đúng giờ Ngọ.
Nói rồi vương xé vạt áo Quang-Liệt ra, trên vai y in vết một bàn tay tím bầm, mắt, mũi, tai, miệng và hạ bộ y ứa máu. Quần thần nhìn thấy mà kinh hãi. Nhà vua hỏi Thường-Kiệt:
– Thường-Kiệt, phải chăng tâm pháp Bức-mạch này trước đây Quốc-trượng Tự-An đã dạy người? Phải chăng người đã dùng võ công này đánh nhau với Tống?
– Tâu hoàng thượng đúng thế. Từ hồi đó đến giờ sư thúc Tự-Mai đã biến đổi đi rất nhiều, mỗi khi đánh trúng một người, thì có thể tính giờ khiến cho kẻ địch chết hoặc bị thương. Phương pháp này sư thúc chưa truyền cho thần.
Đến đó một tên thái giám khác chạy bổ vào sân rồng quỳ gối, rồi rập đầu binh binh. Miệng y bị nhét một cái đùi thịt chó sống, chân đâm sâu trong họng, còn đùi thì chìa ra trước mặt. Cái đùi chó còn cả lông, máu chảy ra cằm, cổ, trông thực khủng khiếp.
Nhà vua đưa mắt cho Thường-Kiệt, ngụ ý hỏi y là ai? Thường-Kiệt tâu:
– Tâu hoàng-thượng đây là viên thái-giám ở cung Từ-ninh, tên là Nguyễn-quý-Toàn hầu cận hoàng-hậu từ mấy năm nay.
U-bon vương Lê-Văn bước ra điểm vào mấy yếu huyệt của Nguyễn-quý-Toàn, rồi lôi cái đùi chó trong miệng y ra. Tuy đùi chó đã được rút khỏi họng, nhưng chân chó cắm vào hầu làm y bị thương. Máu rỉ ra hai mép.
Dương-đạo-Gia xanh mặt hỏi:
– Cái gì vậy?
Viên thái giám run rẩy nói:
– Một.. con.. quỷ.. mặt.. xanh, một nhà sư, một…
Long-thành ẩn-sĩ Tôn-Đản đứng lên cung tay:
– Tâu bệ-hạ, thưa các vị thân-vương, công-chúa, phò-mã, đại thần. Vị công-công này bị thương ở họng e nói không được nhiều. Nhưng cứ nhìn sự việc, thì biết vụ này do Mộc-Tồn hòa thượng ra tay.
Nghe đến tên Mộc-Tồn hòa thượng, cả triều đình đều trấn động. Riêng mặt công chúa Bảo-Hòa trở thành ngơ ngơ, ngác ngác khác thường.
Tôn-Đản hỏi Nguyễn-quý-Toàn:
– Có phải người nhét đùi chó vào miệng công-công là một nhà sư hơi mập, mặt xanh như người chết rồi không?
– Dạ. Tiểu nhân ở cung Từ-ninh ra, thì thình lình một bóng người trên cây đáp xuống bên cạnh. Người đó bóp cổ tiểu nhân. Tiểu nhân đau quá phải há miệng ra, thì y cầm cái đùi chó tọng vào miệng tiểu nhân, rồi nói « Ta sẽ giết mi trong ba ngày. Trừ phi mi xin được công chúa Bảo-Hòa ân xá cho ». Người đó còn khoác vào cổ tiểu nhân một cái khăn.
Y cởi cái khăn trên cổ đưa ra. Thường-Kiệt cầm lấy cái khăn, mở xem: trên khăn có bản văn, ông dâng cho nhà vua:
– Tâu bệ hạ, Mộc-Tồn hòa thượng kết tội Nguyễn-quý-Toàn.
Nhà vua bảo Bùi-Hựu:
– Khanh đọc cho cả triều đình cùng nghe.
Bùi-Hựu đọc:
« Tru diệt gian thần, tặc tử; thế thiên hành đạo, trừ ác cứu dân là nhiệm vụ của người học võ. Tru diệt ma vương quỷ dữ là tạo được hạnh Bồ-tát. Ưng-sơn song hiệp đã ra tay xử tử tên Trịnh-quang-Thạch, lại trao cho Đại-Tống, Đại-Việt xử Triệu-Thự, với Dương-gia. Nhưng Thạch chỉ là tên đầu sai. Kẻ chủ mưu là Triệu-Thự với Dương-gia. Xét cho cùng, Thự là trừ quân của Tống, y vì quốc thể mà mưu đánh Đại-Việt ta là lẽ thường. Bần tăng đã xin Ưng-sơn tha cho y. CònDương-gia, trải ba đời thọ hoàng-ân, mà còn nảy lòng lang dạ thú, cần phải tru diệt.
Ưng-sơn giết cả nhà Quang-Thạch, nhưng còn sót lại một đứa con rơi của y tên Trịnh-quang-Thơ. Tên Thơ học văn bất thành, luyện võ bất đắc. Nhưng lúc triều đình tuyển thái giám; tên Nguyễn-quý-Toàn khi tĩnh thân bị chết. Dương-gia với Quang-Thạch đưa tên Thơ đội tên gã Toàn để nhập cung. Việc ám muội này không ai biết cả.
Ta rõ mưu gian, kể từ nay, cứ ba ngày giết một tên trong bọn gian Dương. Trước hết giết tên Trịnh Quang-Thơ. Án sẽ thi hành trong ba ngày. Sáu ngày sau sẽ giết tới tên Dương Đức-Huy.
Tuy nhiên, Hình-thư có bát nghị, ta cũng nới tay cho kẻ phạm tội: tên nào được tiên-nương Bảo-Hòa hay Yên-vương vương phi tha cho, thì ta chấp thuận ».
Dưới bản văn có hình vẽ một nhà sư đang gặm cái đùi thịt chó.
Dương Đạo-Gia lắc đầu:
– Truy đến cùng, giết cho tuyệt. Thực là bất nhân ác đức, vô thiên vô pháp.
Công chúa Kim-Thành nghe Dương-đạo-Gia nói, mắt phượng quắc lên sáng long lanh. Công chúa quên cả lễ nghi triều chính, tay công chúa rút thanh Thượng-phương bảo kiếm, mà vua Thái-tông ban cho hồi còn tại thế, trên có khắc chữ « Ngự tứ thượng phương bảo kiếm. Thượng trảm hôn quân. Hạ trảm gian thần » (Bảo kiếm nhà vua ban tặng, trên được giết vua tối ám; dưới được giết gian thần), chĩa vào mặt Tể-tướng:
– Thế nào là bất nhân? Thế nào là ác đức? Bầy tôi ăn cơm vua, thụ lộc nước, toàn gia vinh hiển, hai đời làm tể thần, mà mưu đại nghịch như vậy là nhân ư? Chính bản thân mình mãi quốc cầu vinh, rồi lại vu oan giá họa cho người, như thế là có đức ư? Còn Kinh-Nam vương xử tội cha con họ Trịnh, hoàn toàn theo bộ Hình-thư của bản triều mà là vô pháp vô thiên ư? Mộc-Tồn hòa thượng đã tìm ra cả một âm mưu làm ô uế hậu cung của bọn gian thần, mà bảo là vô thiên vô pháp ư? Tể tướng liệu lời mà nói, bằng không thì toàn Dương phủ mấy nghìn người e còn chết thảm hơn bọn họ Trịnh nữa.
Nhắc để độc giả chưa đọc Anh-linh thần võ tộc Việt biết: vua Thái-tông có nhiều công chúa. Nhưng chỉ ba công chúa có tài nghiêng trời, lệch đất mà thôi. Cả ba đều cầm đại quân trấn ngự biên cương, từng dự nhiều trận vào sinh ra tử với Tống để bảo vệ lãnh thổ. Huân công của ba công chúa cho đến nay sử sách còn ghi. Công chúa thứ nhất là Bình-Dương gả cho phò mã Thân-thiệu-Thái, bà thâm nhiễm Phật-pháp lòng dạ nhân từ, được đời tôn là Quan-Âm, bất cứ ai phạm tội gì, chỉ cần sám hối là công chúa từ bi hỷ xả tha ngay. Công chúa thứ nhì là Kim-Thành cực uyên thâm Nho-học, muốn dùng hình pháp trị dân, nên những kẻ bất trung, bất hiếu bị công chúa khám phá ra, thì không có cách gì giữ nổi cái đầu trên cổ. Công chúa thứ ba là Trường-Ninh, uyên thâm Nho, nhưng thiên về nhân trị, muốn giáo hóa tội phạm hơn là trừng trị. Muốn biết hành trạng của các công chúa Bình-Dương, Kim-Thành, Trường-Ninh, xin đọc Anh-hùng Tiêu-sơn, Thuận-thiên di sử, Anh hùng Bắc-cương, Anh-linh thần võ tộc Việt, cùng tác giả, do Xuân-thu Hoa-kỳ ấn hành.
Nhà vua thấy bà chị nổi cơn A-tu-la lên, ngài sợ bà giết Dương tể tướng ngay tại triều thì gây thù oán với thái-hậu, hoàng-hậu. Vì vậy ngài vội can bằng ngôn ngữ bình dân:
– Thưa chị. Xin chị nể em mà hạ bớt cơn thịnh nộ.
Hồi thơ ấu, vì mẹ mất sớm, công chúa Kim-Thành thường bế bồng, chăm nuôi nhà vua, nên trên danh thì là chị em, mà tình thì là mẹ con. Công chúa tuy nổi lôi đình, nhưng khi nghe nhà vua can gián, lòng bà lại nhũn ra. Bà cung tay:
– Xin hoàng thượng tha cho… chị về tội lộng quyền.
Đến đó một bộ khoái của phủ thừa Thăng-long bước tới sân điện, ghé miệng vào tai phủ thừa nói nhỏ một lúc. Khai-Quốc vương hỏi phủ thừa Thăng-long:
– Có việc gì vậy?
Bộ khoái cúi đầu chắp tay:
– Tâu Quốc-Phụ, toàn gia của vũ-vệ hiệu-úy Trịnh Quang-Liệt bị giết lúc cuối giờ Tỵ sang giờ Ngọ, kể cả gia súc. Thủ phạm đã dùng đao chặt đầu 23 người. Lạ một điều, hung thủ tha không giết hai người nữ tỳ, mà còn cho mỗi người một nén vàng, rồi bảo cứ về quê làm ăn. Nhưng hai người nữ tỳ đó không dám bỏ đi. Họ tới phủ thừa cấp báo. Còn thịt lục súc, gia bảo thì hung thủ đem chia cho bọn ăn mày trong kinh thành.
Triều thần mặt nhìn mặt kinh sợ.
Khai-Quốc vương ban chỉ dụ:
– Đem hai người nữ tỳ đó vào đây cho cô gia thẩm cung.
Phủ thừa Thăng-long vội vã lùi ra ngoài.
Dương Đạo-Gia cùng anh, em, phe đảng có đến hơn mười người hiện diện, chính mắt nhìn thấy cảnh Trịnh-quang-Liệt thảm tử, bây giờ nghe gia thuộc y bị giết, đều chết lặng đến độ nói không lên lời.
Công chúa Bảo-Hòa tâu với nhà vua:
– Ban nãy Dương tể-tướng cứ chối tội. Vậy em hãy coi như tể– tướng vô tội. Triều đình khỏi cần xử làm gì, để cho Ưng-sơn song hiệp xử. Xưa nay Ưng-sơn không bao giờ xử oan một người nào cả. Hoặc triều đình cứ điều tra cho rõ ngay gian rồi hãy xử. Điều tra càng lâu càng tốt. Như vậy cứ ba ngày Dương gia lại có người bị Mộc-Tồn hòa thượng giết, cuối cùng triều đình khỏi phải xử cho lao tâm đại thần.
Dương Đạo-Gia biết rằng nhà vua là đấng nhân từ có một không hai, nên ngài tha tội cho y dễ dàng. Vua bà Bình-Dương là Phật bà Quan-Âm, đại từ, đại bi, cứu khổ cứu nạn cho đời, chắc không nỡ giết y. Chỉ có công chúa Bảo-Hòa, tính khí cương quyết lại ghét gian tà. Nếu van xin, may ra thoát nạn. Y đến trước công chúa quỳ gối rập đầu binh, binh, binh mấy cái:
– Trăm lạy tiên-nương, ngàn lạy tiên-nương, xin tiên-nương mở lượng hải hà nới rộng cho đệ tử được phần nào hay phần ấy.
Thế rồi các văn quan xúm vào nghị luận theo Khổng, theo Mạnh, dùng nhân nghĩa trị dân như Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang. Ông vua nào không giết người, thì làm lên nghiệp đế như lời Mạnh-Tử. Họ xin nhà vua tha cho Dương tể tướng.
Chương-thánh Gia-khánh hoàng đế là ông vua đầu tiên triều Lý dùng Nho nhiều nhất. Cho nên nghe các quan tâu, ngài nghĩ lại: Dương Đạo-Gia có tài cai trị bậc nhất Đại-Việt, nhưng chỉ vì họ Dương được sủng ái quá, rồi làm liều. Bây giờ ân xá cho y, thì từ nay về sau họ Dương phải răm rắp chịu yên phận. Nhà vua nói với công chúa Bảo-Hòa:
– Thưa chị, việc này có liên hệ tới Thiên-Cảm hoàng thái hậu, và Thượng-Dương hoàng hậu, em không thể xử được. Vả em xử, e có khi Ưng-sơn song hiệp với Mộc-Tồn hòa thượng không chịu, thì máu đổ quá nhiều. Từ hồi đức Thái-tổ còn tại thế, người đã để cho chị xử tử Hồng-Phúc. Vậy, vụ này em xin chị xử cho.
Công chúa hỏi triều đình:
– Hoàng thượng giao cho tôi xử vụ này, vậy bách quan có ai phản đối không?
Tất cả mọi người đều trả lời « không ».
Công chúa mỉm cười nói với Thường-Kiệt:
– Con đi mời Ỷ-Lan thần phi ra đây cho sư mẫu.
Thường-Kiệt vâng lệnh đi ngay, lát sau ông cùng với Ỷ-Lan trở lại. Ỷ-Lan nhập cung đã mấy tháng dư, nhưng nàng vẫn trang phục như một cô gái quê, quần lụa đen, áo cánh lụa mầu tím hoa cà, khăn quàng cổ, dây lưng mầu xanh lá mạ. Nàng nghĩ:
– Nhà vua có biết bao nhiêu cung tần mỹ nữ, nhưng người không yêu thương ai bằng ta, chỉ vì họ trang phục theo lối cung nga, đã làm người chán. Còn ta, người yêu thương ta, chỉ vì người yêu cái dáng quê mùa, cái y phục thuần túy con gái quê của ta, thì ta phải giữ lấy.
Bây giờ Thường-Kiệt vâng lệnh Tiên-nương Bảo-Hòa triệu nàng ra đối diện với triều đình, nàng nhất định giữ nguyên y phục thôn dã đó.
Nàng bước vào sân điện Càn-Nguyên, trăm quan đều mở to mắt nhìn vẻ đẹp não nùng, đẹp huyền ảo, đẹp như người trong mơ: đôi mắt lá liễu, nhưng đen to. Môi hồng mọng. Mái tóc dài óng ánh, lưng tròn, chân tay dài. Ai cũng nghĩ thầm: Hằng-Nga giáng thế có khác.
Nàng bước đến trước thềm hành đại lễ với Khai-Quốc vương:
– Tiểu nữ kính cẩn vấn an Quốc-Phụ, kính chúc Quốc-Phụ trường thọ như núi Trường-sơn.
Khai-Quốc vương phất tay, một kình lực nhu hòa đỡ nàng đứng dậy. Ỷ-Lan đến trước nhà vua hành lễ xong. Đúng ra nàng là Thần-phi thì công chúa Bình-Dương, Bảo-Hòa phải hành lễ với nàng. Nhưng nàng lại là đệ tử của vua Bà, nhà vua là đệ tử của công chúa Bảo-Hòa, nên hai bên chỉ vái nhau thôi.
Nàng cung tay trước công chúa Bảo-Hòa:
– Thưa chị, em xin kính cẩn nghe lời chị dạy dỗ.
Công chúa Thiên-Ninh đem ghế cho Ỷ-Lan. Nàng cúi đầu kéo ghế lui ra phía sau công chúa Bảo-Hòa, khép nép ngồi xuống. Công chúa tóm lược sự kiện đã xẩy ra, rồi nói với Ỷ-Lan:
– Ta mời em đến đây không phải là mời Thần-phi, mà là mời một phụ nữ đại biểu cho tinh thần của người dân thôn dã. Bây giờ em hãy tự coi mình là một ngự-sử đại phu, hay một hình-quan. Em đề nghị xử vụ này như thế nào?
Ỷ-Lan chắp tay:
– Em xin tuân huấn dụ của chị.
Nàng khoan thái đứng lên, rồi hướng vào trăm quan:
– Từ khi lập quốc đến giờ, hình pháp của tộc Việt ta bao giờ cũng đứng riêng một cõi, không ảnh hưởng hình pháp Trung-nguyên. Nhưng gần đây, Nho-giáo đã ảnh hưởng nhiều đến hình pháp bản triều. Vậy hãy xin luận sơ về hình pháp Trung-nguyên.
Quần thần đã nghe Ngô Cẩm-Thi ca tụng Ỷ-Lan đọc thiên kinh vạn quyển. Tuy nhiên họ không mấy tin, nên họ lắng tai nghe. Ỷ-Lan tiếp:
– Hình pháp Trung-nguyên trước thời Xuân-Thu, Chiến-quốc thì chia làm hai loại. Loại chủ trương nhân trị và loại chủ trương pháp trị. Loại chủ trương nhân trị chịu ảnh hưởng của Khổng-Mạnh, mà tinh yếu còn ghi trong sách Đại-học, Luận-ngữ và Mạnh-tử. Loại chủ trương pháp trị, chịu ảnh hưởng của Quản-tử, Tuân-tử, Hàn-phi-tử, Thương-Ưởng, Thân-bất-Hại, Lý-Tư. Từ thời Tần-Hán về sau thì hoàn toàn dùng pháp trị. Bởi nhân trị không thể giữ được nước. Về sau người ta gọi nhân trị là vương đạo, và gọi pháp trị là bá đạo. Chư vị khuyên hoàng-thượng đem cái đạo Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang ra trị dân ư? Tôi cho rằng trị dân như vậy là đem tính mệnh dâng cho gian thần, đem đất nước bốn nghìn năm của vua Hùng, vua An-Dương, vua Trưng mà dâng cho Tống, cho Chiêm.
Đám quan văn sùng Nho cùng nhau lắc đầu tỏ ý không phục. Đưa mắt nhìn mấy văn quan, nàng thấy dường như họ coi thường lời nàng. Nàng nghĩ thầm:
– Ta phải chinh phục họ. Họ cho là ta dốt, ta phải tỏ ra ta cũng hiểu biết như họ.
Nàng hít một hơi, lấy giọng, rồi nói:
– Xin hãy nói về Nhân-trị trước. Nhân-trị của Nho-gia chủ trương phải giáo hóa dân chúng, đặt vấn đề giáo hóa trên hết. Tôi xin cử tỷ dụ. Khổng-tử tới nước Vệ, thấy dân đông đúc, ngài khen: « Dân đông thực ». Đệ tử là Nhiễm-Hữu hỏi: « Đông rồi nên thêm gì nữa? ». Đáp: « Làm cho dân giầu ».Hỏi: « Đã giầu rồi lại thêm gì nữa? ». Đáp: « Phải dạy dân ».(1) Câu này không có nghĩa là đợi cho dân giầu rồi mới giáo hóa, mà có nghĩa công việc giáo hóa quan trọng bậc nhì sau kinh tế, nông nghiệp. Ngài lại nói: « Nếu không dạy dân, để dân phạm tội rồi đem giết thì điều ác đó gọi là ngược. Nếu không săn sóc nhắc nhở mà đòi dân phải thành người thì điều ác đó gọi là bạo ». (2)
Ghi chú,
(1) Nguyên văn:
Tử thích Vệ. Nhiệm-Hữu bộc. Tử-viết: »Thứ hỹ tai! ». Nhiễm-Hữu viết: »Ký thứ hĩ. Hựu hà gia yên? ». Viết: »Phú chi ». Viết: »Ký phú hĩ, hựu hà gia yên ». Viết: »Giáo chi ». (Luận-ngữ,
(2) Nguyên văn:
Bất giáo nhi sát, vị chi ngược, bất giới thị thành, vị chi bạo.
Quan kiểm-hiệu thái-phó Lý-đạo-Thành cung tay hỏi:
– Theo như Thần-phi thì Khổng-tử dạy dân như thế nào?
Ỷ-Lan đã nghe nhà vua nói: Đạo-Thành nguyên họ Trần, vì có công nên được ban quốc tính. Ông là thầy dạy nho của nhà vua, khi nhà vua còn là thái-tử, vì vậy khi xưng hô, nhà vua vẫn gọi ông là thầy. Nàng cung tay:
– Quan Thái-phó hỏi vậy thực phải. Theo như tôi nghĩ, Khổng-tử cho rằng dạy người có hai cách. Một là lấy bản thân làm gương. Hai là giảng đạo cho dân. Đức thánh coi trọng cách làm gương hơn là giảng đạo. Cho nên ngài nói: « Người trên mà thích điều lễ thì dân không ai dám bất kính. Người trên mà thích điều nghĩa thì dân không ai dám không phục. Người trên mà thích điều tín thì dân không ai dám không thực tình ». (3) Trong Đại-học, chương đầu đã nêu ra đầy đủ ý về tu thân.
Ghi chú,
(3) Nguyên văn:
Thượng hiếu lễ tắc dân mạc cảm bất kính. Thượng hiếu nghiã tắc dân mạc cảm bất phục. Thượng hiếu tín tắc dân mạc cảm bất dụng tình.
Nàng ngừng lại nhìn đám văn quan, rồi tiếp:
Đại-học qui định tu thân thành hệ thống có ba cương lĩnh và tám bậc. Ba cương lĩnh gồm có: Một là làm sáng cái đức sẵn có. Hai là thương yêu dân. Ba là ngừng lại ở mức chí thiện. Tôi xin đọc nguyên văn: Đại-học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện. Tám bậc gồm: Một là cách vật. Hai là trí tri. Ba là thành ý. Bốn là chính tâm. Năm là tu thân. Sáu là tề gia. Bẩy là trị quốc. Tám là bình thiên hạ. (4). Nhưng thưa quan thái-phó, cái đạo nhân trị đó, ngay đương thời Khổng-tử đã bị công kích, và suốt đời ngài bôn tẩu, không nước nào dùng đạo của người. Để phân biệt Nhân-trị, Pháp-trị tôi xin tóm lược như sau: Nhân-trị trọng nhân và nghiã. Pháp trị trọng tín và thuật. Nhân trị trọng chính giáo. Pháp-trị trọng hình pháp. Trong thời Xuân-Thu đã có năm ông vua dùng pháp trị mà thành nghiệp bá, làm cho nước giầu binh mạnh, thống lĩnh được chư hầu, sử gọi là Ngũ-bá; tức Tề Hoàn-Công, Tấn Văn-Công, Tần Mục-Công, Tống Tương-Công, Sở Trang-Công. Cuối đời Xuân-Thu còn thêm Ngô-vương Phù-Sai, Việt-vương Câu-Tiễn. Những vị vua đó, đâu có dùng nhân, nghĩa, nhờ tu thân, tề gia mà trị được thiên hạ? Chẳng qua là biết dùng những vị có tài về kinh bang, tế thế, như Quản-Trọng, Bá-lý-Hề, Phạm-Lãi, Văn-Chủng…làm cho dân giầu nước mạnh, binh lực hùng tráng. Chính Khổng-tử cùng đã hết lời ca tụng Quản-Trọng rằng nếu không có Quản, thì người Hoa vẫn không hơn bọn mọi rợ phương Bắc.
Ghi chú,
(4) Nguyên văn:
(5) Đoạn này trong Đại-học như sau:
Vật có gốc ngọn, việc có đầu cuối, biết được cái trước cái sau thì gần được đạo. Người xưa muốn làm sáng cái đức sáng ra ngoài thiên hạ, thì trước phải trị nước. Muốn trị được nước, thì trước phải tề gia. Muốn tề được gia thì trước phải tu thân mình. Muốn tu thân mình thì trước phải thành ý mình. Muốn thành cái ý mình thì phải trí chi. Trí tri ở chỗ cách vật. (Trí tri là biết cho đến nơi chốn; cách vật là cân nhắc mọi sự, biết rõ cái nào trước, cái nào sau, coi cái nào là gốc, cái nào là ngọn đã). Vật xét kỹ rồi, sau cái tri mới được đến nơi đến chốn. Trí tri rồi sau mới ý thành. Ý thành rồi sau mới chính tâm. Tâm chính rồi sau mới tu thân. Tu thân rồi sau mới tề gia. Tề gia rồi mới trị quốc. Trị quốc rồi mới bình thiên hạ. Từ thiên tử cho đến thứ dân, đều lấy tu thân làm gốc.
Cái triết lý trong Đại-học như vậy, mà các Nho-gia xưa thường bị nhồi vào đầu lúc 8-9 tuổi. Hồi thuật giả tám tuổi, đã được học thuộc làu bộ Đại-học, Luận-ngữ, Trung-dung, Mạnh-tử. Cho đến nay, bốn mươi năm qua, mà vẫn còn nhớ. Nguyên văn như sau:
Vật hữu bản mạt, sự hữu chung thủy, tri sở tiên hậu, tắc cận đạo hĩ. Cổ chi dục minh minh đức ư thiên hạ giả, tiên trị kỳ quốc. Dục trị kỳ quốc giả, tiên tề kỳ gia. Dục tề kỳ gia giả, tiên tu kỳ thân. Dục tu kỳ thân giả, tiên chính kỳ tâm. Dục chính kỳ thân giả, tiên thành kỳ ý. Dục thành kỳ ý giả, tiên trí kỳ tri. Trí tri tại cách vật. Vật cách nhi hậu trí tri. Trí tri nhi hậu ý thành. Ý thành nhi hậu tâm chính. Tâm chính nhi hậu thân tu. Thân tu nhi hậu gia tề. Gia tề nhi hậu quốc trị. Quốc trị nhi hậu thiên hạ bình. Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản.
Đám văn quan cùng đưa mắt nhìn nhau, trong lòng họ bắt đầu khâm phục Ỷ-Lan. Nàng tiếp:
– Quản-Trọng đã dùng lý thuyết gì để giúp Tề-Hoàn công? Thứ nhất ông nêu thuyết tôn quân. Vua là người có quyền cho dân sống, bắt dân chết, đặt ra luật pháp. Vì vậy nếu không tôn quân thì nước loạn. Thứ nhì là yêu dân. Ông nói: « Tranh thiên hạ giả, tất tiên tranh nhân » (Muốn tranh thiên hạ thì trước hết phải tranh nhân tâm). Theo ông, có được lòng dân rồi mới khiến cho dân theo lệnh trên mà dẫm lên gươm đao, chịu mũi tên, viên đá, nhảy vào nước lửa (Đạo bạch nhẫn, thủ thỉ thạch, nhập thủy hỏa dĩ thính thượng lệnh). Chính sách của Quản-Trọng có thể thu tóm lại là luật, lệnh, hình, chính. Luật để minh định rõ cho vua, quan, dân đều có phận, mà không tương tranh. Lệnh để dân biết việc mà phải làm, cái gì nên làm, cái gì không nên làm. Hình để trừng trị kẻ phạm tội khi xử tội phải trừng phạt cho xứng với cái danh thì kẻ có tội không thể oán, kẻ thiện không lo sợ. Chính là sửa cho dân biết theo đường phải, giống như lối giáo huấn của Khổng-tử.
Nàng đưa mắt nhìn đám gian đảng của họ Dương, thấy dường như chúng không còn chống đối nữa, nàng tiếp:
– Đấy là đại cương chính sách của Quản-Trọng. Song ở đây, Tiên-nương chỉ muốn tôi nói về hình. Vậy xin thuật về hình theo Quản. Luật là để cho dân biết điều nào nên làm, điều nào không nên làm. Luật làm ra phải tùy theo thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Về thiên thời, phải tùy theo thời tiết mà ra lệnh cho dân. Như đang mùa gặt, mùa cấy mà ra lệnh cho dân làm xâu, đắp đường thì hỏng. Về địa lợi, thì như dân miền núi, ra lệnh cho họ cấy ngô, cấy sắn, dân miền đồng lầy thì ra lệnh cho họ trồng lúa, nuôi cá, nuôi tôm cua. Không thể bắt dân miền núi nuôi tôm cua, bắt dân đồng lầy mà cấy ngô, cấy sắn. Còn nhân hòa, thì phải theo tâm lý, tính tình của họ mà ra lệnh. Vấn đề này thì thời vua Trưng, đời đức Thái-tổ, Thái-tông nhà ta hơn hẳn các vua Trung-nguyên. Hãy xin cử tỷ dụ.
Nàng đưa mắt nhìn Khai-Quốc vương:
– Như Quốc-Phụ, thực tài trí gồm cả công chúa Nguyệt-Đức Phùng-vĩnh-Hoa, Bình-Ngô đại tướng quân Thánh-Thiên, tể-tướng Phương-Dung. Giữa lúc di chúc của đức Thái-tổ truyền ngôi cho người. Người lại được võ lâm, triều thần tôn phục. Nhưng người nhận thấy bấy giờ đất nước không cần đến tài điều quân dẹp loạn mà cần đến tài cai trị, nên người nhường ngôi cho đức Thái-tông, chỉ vì đức Thái-tông có cái tài cai trị của Quản-Trọng. Nói chung, thời vua Trưng, thời đức Thái-tổ, Thái-tông, tổ chức binh bị thực hùng mạnh, nhưng không phiền nhiễu đến việc làm ăn của dân chúng. Ngài ban chỉ cho học dường, các võ phái, kể cả các trường huấn luyện binh bị, đều đóng cửa trong gặt, mùa cấy lúa. để làm ruộng. Vì vậy mà dân giầu có hơn hẳn Trung-nguyên.
Công-chúa Kim-Thành đứng lên, bưng chung trà đưa cho Ỷ-Lan:
– Thần-phi uống chung trà lấy giọng.
Cử chỉ này của công chúa, phe đảng của họ Dương gì mà không nhận ra rằng công chúa khuyến khích Ỷ-Lan. Ỷ-Lan cầm chung trà:
– Em xin cảm ơn chị.
Rồi nàng uống một hơi hết. Cổ bớt khô, Ỷ-Lan tiếp:
– Trở lại với Quản-Trọng, theo ông, muốn luật pháp được thi hành thì phải dạy dân biết pháp luật rồi mới áp dụng, nếu không dạy dân trước mà phạt họ thì là bạo ngược. Về tuân thủ luật, thì người trên phải làm gương trước. Ông nói: « Người trên mà không thi hành pháp luật thì dân không theo ».
Nàng hỏi Hình-bộ thượng thư Nguyễn-quý-Thuyết:
– Quan Hình-bộ, có đúng Quản-Trọng nói vậy không?
Nguyễn-quý-Thuyết cúi đầu:
– Thần-phi dạy không sai.
– Sau cùng là phải công bằng, không thể riêng tư, khoan dung với người mình yêu và nghiêm khắc với người mình ghét. Như vua mà có lòng riêng tư thì bề tôi nhân đó cũng có lòng riêng tư, vua phải giữ pháp trước. Quản-Trọng nói: « Bất vị quân dục biến kì lệnh, lệnh tôn ư quân ». Những pháp gia sau này như Thương-Ửơng, Hàn-Phi, Lý-Tư đã đi quá đà pháp trị đến độ tàn bạo, tuy nước có mạnh, nhưng thất nhân tâm, kết quả đưa đến cái chết thảm thiết cho mình. Hàn-Phi thì chết vì tài mình ở trong ngục. Thương-Ưởng thì chết vì quá hà khắc, riêng Lý-Tư thì chết vì chuyên quyền. Chính vì vậy mà bộ Hình-thư bản triều mới có Bát-nghị, để uyển chuyển. Nhưng những gì theo vương đạo thì không thể dùng hết, mà chỉ giữ những gì còn hợp thời mà thôi.
Nàng nhìn đám họ Dương:
– Nếu như ngày nay, triều đình xử những người mưu thí chúa, mãi quốc, mà chờ cho họ được cảm hóa, thì không khác gì bưng tính mệnh tộc Việt dâng cho Tống! Dương tể tướng đã xử kiện nhiều lần, đã thuộc làu bộ Hình-thư, biết rõ ràng rằng mình làm những tội ấy, khi bại lộ sẽ bị phạt như thế nào rồi kia mà. Thế nhưng tể-tướng vẫn làm. Có làm thì có chịu. Vậy xin dùng bộ Hình-thư để xử, nhưng châm chước đôi chút.
Ỷ-Lan ngừng lại, nàng thấy nhà vua đang nhìn mình đắm đuối, thì mỉm cười tiếp:
– Bây giờ hãy trở về với hình pháp tộc Việt. Bộ luật đầu tiên do Quốc-tổ Lạc-Long quân soạn ra mang tên « Nam-thiên bách tộc đại luật ». Bộ này hoàn toàn đặt căn bản trên nhân trị. Đến thời Lĩnh-Nam, vua Trưng sai đại-tư đồ là công chúa Nguyệt-Đức Phùng-vĩnh-Hoa soạn ra bộ luật mới, sau gọi là bộ luật Lĩnh-Nam. Luật Lĩnh-Nam hoàn toàn đặt trên căn bản giáo hóa, nhân trị, nhưng phần pháp trị cũng chiếm phân nửa. Thời Dương-diên-Nghệ, thời Ngô vẫn còn dùng luật này. Đến thời Đinh, vua Đinh cho ban hành luật mới hoàn toàn đặt trên pháp trị, hình phạt rất khắc nghiệt. Triều Lê vẫn dùng luật triều Đinh. Đến khi đức Thái-tổ nhà ta hợp lòng người, ứng lòng trời, tiếp ngôi chính thống, ngài xóa bỏ bộ luật thời Đinh, tham chước bộ Văn-lang bách tộc đại luật, với bộ luật Lĩnh-Nam, rồi thu thập những tục lệ trong nước mà soạn ra bộ Hình-thư. Cho nên bộ Hình-thư vừa có cái đức cũ của vua Hùng, vua Trưng, vừa hợp với lòng dân.(6)
Ghi chú,
(6) Về nguồn gốc luật Việt, luật Trung-quốc, cùng các quan niệm làm luật của Hoa, Việt cổ xưa, xin xem Cẩm-khê di hận, của Yên-tử cư-sĩ do Nam-á Paris xuất bản. Bình-Nam đại tướng quân, Khai-sơn hầu Tôn-Trọng hỏi:
« Ứng lòng trời, hợp lòng người ». Nhưng vừa rồi Thần-phi lại đảo ngược lại thành: « Hợp lòng người, ứng lòng trời ». Không hiểu có gì khác lạ không?
Ỷ-Lan biết Tôn-Trọng là chồng công chúa Đào Phương-Hồng, ái nữ của công chúa An-Quốc với phò mã Đào-cam-Mộc, hầu là một trong Tân-quy thất hùng. Nàng vui vẻ đáp:
– Hầu hỏi vậy thực phải. Những người nói « ứng lòng trời, hợp lòng người » thì cho rằng đức Thái-tổ nhà ta được trời phú ngôi vua cho, rồi ngài lên ngôi, trăm họ đều vui mừng. Còn tôi, thì tôi lại cho rằng ngài lên ngôi vua là do trăm quan, mà trăm quan là đại biểu cho dân. Như vậy ngài lên ngôi là do ý dân. Ý dân là ý trời, thì tự nhiên ngài ứng với lòng trời.
Các văn quan đều tấm tắc khen ngợi, gật đầu liên tiếp. Công chúa Kim-Thành đưa ý kiến:
– Tôi nghĩ rằng bộ Hình-thư quá nhẹ nhàng, nên thời đức Thái-tổ mới có bọn Vũ-nhất-Trụ, mới có loạn chư vương; thời đức Thái-tông có bọn Nguyên-Hạnh, bọn Nguyễn-Khánh, bọn Đàm Toái-Trạng, Đinh-Lộc, Phùng-Luật. Bây giờ lại thêm cái vụ phản loạn này nữa. Ta có nên dùng lại luật thời vua Đinh không?
Ỷ-Lan đáp ngay:
– Thưa công chúa, ta không thể dùng luật vua Đinh! Tại sao? Bởi vua Đinh dẹp 12 sứ quân rồi lên ngôi. Bấy giờ đất nước loạn lạc lây ngày, lòng người ly tán, phong tục suy đồi, trộm cướp đầy dẫy, nên vua Đinh phải ban luật khắt khe, đó là cái lẽ yên dân vậy. Còn đức Thái-tổ nhà ta, tiếp ngôi từ vua Lê Ngọa-triều, hình pháp quá ác, lòng người oán hận. Cho nên đức Thái-tổ nhà ta mới truyền bỏ hết hình phạt hà khắc, thay vào đó bằng thứ luật vừa mang tính chất nhân trị thời vua Hùng vua Trưng, lại mang tính chất từ bi hỉ xả của đức Thế-tôn. Đến thời vua Thái-tôn, ngài vẫn dùng luật từ đời đức Thái-tổ, nhưng tạo cho dân giầu, nước mạnh, thành ra trong nước không tệ đoan, ngoài biên thì Tống, Chiêm phải sợ.
Nàng hướng vào nhà vua:
– Hoàng thượng tiếp thụ ngôi trời ở hoàn cảnh cực thịnh. Trong triều đầy những bầy tôi văn mô, vũ lược. Ngoài biên giáp sĩ hùng mạnh, nên hoàng-thượng càng muốn nới rộng luật pháp, mở nhiều trường học, bổ những quan lại có đạo đức để giáo hoá dân. Đó là điều nên tiếp tục.
Đến đó phủ thừa Thăng-long dẫn hai người nữ tỳ trong nhà Trịnh-quang-Liệt không bị Ưng-sơn giết chết, mà còn cho vàng vào. Ỷ-Lan nhận ngay ra là hai mẹ con Thúy-Hoàng, Thúy-Phượng cùng bị tù với nàng ở Kinh-Bắc. Hai người phủ phục trước sân rồng, đưa lời chúc Hoàng-đế trường thọ. Ỷ-Lan chạy ra đỡ hai người dậy, rồi hỏi:
– Cô Thúy-Hoàng, em Thúy-Phượng, có nhận ra Yến-Loan không? Tại sao hai người lại trở thành nữ tỳ của nhà Trịnh-quang-Liệt?
Thúy-Phượng nhận ra Ỷ-Lan, nó reo:
– Chị Yến-Loan, sao chị lại ở đây?
– Chị sẽ kể cho em nghe sau. Bây giờ em hãy trả lời câu hỏi của chị đi.
Ỷ-Lan tóm lược chuyện hai mẹ con Thúy-Phượng kể cho triều đình cùng nghe. Rồi nàng hỏi:
– Bây giờ em hãy kể chuyện của em sao lại lưu lạc về nhà bọn họ Trịnh?
Thúy-Phượng nói:
– Sau khi chị bị giải đi rồi, thì quan Đề-điểm hình ngục xử mẹ em phải trả cho chủ của em mười lạng bạc. Nhưng mẹ em không có tiền trả. Quan Kinh-lược sứ truyền đem cả hai mẹ con em phải về làm tỳ nữ cho họ Trịnh. Suốt hai năm qua, em làm nô bộc cho nhà họ Trịnh. Sáng nay, có một ông từ đâu vào nhà. Khiếp, cứ mỗi lần ông vung đao lên là một người bị giết. Sau khi giết hết hai mươi ba người, em tưởng ông sẽ giết đến mẹ con em. Không ngờ ông nói: « Tội nghiệp mẹ con nhà chị, vì nghèo mà phải đem tấm thân trong sạch hầu hạ kẻ dơ bẩn. Ta không giết mẹ con chị đâu. Đây, ta cho mẹ con chị ít tiền làm lộ phí về quê, cùng làm vốn buôn bán mà sống. Mẹ con chị cứ đi, ai mà rắc rối với mẹ con chị, thì chị đưa cái này ra, họ sẽ phải lui ngay ». Nói rồi ông đưa cho em mũi tên, với hai nén vàng. Sau đó ông nhảy ra vườn, đi mất. Mẹ con em sợ quá, vội đến phủ Thăng-long cáo tri.
Thúy-Phượng đưa mũi tên bằng vàng, trên có khắc hình chim ưng bay qua núi cho Ỷ-Lan. Ỷ-Lan sai cung nữ đưa mẹ con Thúy-Phượng lại góc điện, cho ngồi.
Công chúa Bảo-Hòa đưa mắt nhìn công chúa Bình-Dương, ngụ ý khen vua Bà đã thu được người học trò thực minh mẫn, nhân từ.
Ỷ-Lan lại nói với nhà vua và quần thần:
– Bây giờ vụ án này xẩy ra rồi. Ưng-sơn song hiệp vốn không muốn đụng chạm đến uy quyền của hoàng-thượng cũng như võ lâm Đại-Việt. Song hiệp chỉ ra tay khi triều đình không xử đúng bộ Hình-thư mà thôi. Vậy bây giờ tất cả chính phạm, tòng phạm phải đem ra xử cho công bằng. Nếu triều đình chậm trễ, Song-hiệp sẽ xử. Nhưng thần thiếp xin có ý kiến.
Nhà vua gật gù:
– Ý Thần-phi ra sao?
– Cứ như vụ giết cả nhà Trịnh Quang-Liệt thì thấy rằng Ưng-sơn song hiệp đã điều tra rất kỹ, lại có lòng thương xót kẻ khó, nên mới không giết hai mẹ con người tỳ nữ khốn cùng này. Hơn nữa còn cho vàng. Ta căn cứ vào đó để cứu phạm nhân rất dễ.
Ngừng một lát, nàng tiếp:
– Vụ án này có liên quan tới Thiên-Cảm thái hậu và Thượng-Dương hoàng hậu. Trong bộ Hình-thư bản triều có khoản Bát-nghị (7). Thái-hậu, hoàng-hậu được hưởng quyền này. Nhưng Hình-thư lại định rằng, nhưng kẻ nào phạm vào tội Thập-ác (8) thì không được hưởng Bát-nghị. Hoá cho nên thái-hậu, với hoàng-hậu vẫn phải đem ra xử như thường. Xét từ hồi lập quốc đến giờ, Đại-Việt ta chưa từng đem một vị mẫu nghi ra xử tội cả. Không lẽ bây giờ hoàng-thượng lại đem thái-hậu, hoàng-hậu ra xử? Huống hồ thái-hậu là người mà Tiên-đế sủng ái cùng cực, nên dù có phạm trọng tội đến đâu, cũng chỉ nên bỏ qua mà thôi. Còn hoàng-hậu, do Tiên-để tuyển cho hoàng-thượng. Lý thì là vua tôi, nhưng tình thì là vợ chồng. Đã là vợ chồng thì chín bỏ làm mười, thần cũng xin miễn nghị cho hoàng-hậu. Còn Dương Tể-tướng cùng một số văn quan, võ tướng trong phe đảng, thì phải đem xử, nhưng nên ban cho họ hưởng khoan hồng.
Ghi chú,
(7) Bát-nghị, là một khoản luật đặc biệt của Hoa-Việt. Thông thường, ai phạm tội thì xử theo luật. Nhưng những người ở trong Bát-nghị thì được ân giảm, hoặc tha tội, hay cải tội danh. Bát nghị gồm có:
– Một là nghị thân, tức trường hợp thân thuộc của nhà vua như thầy, hoặc thân nhân của hoàng hậu, phi tần.
– Hai là nghị cố, tức bạn hữu của vua.
– Ba là nghị hiền, tức người nổi tiếng đạo đức.
– Bốn là nghị năng, tức những người có tài.
– Năm là nghị công, tức những người có công lao với nhà vua, với đất nước.
– Sáu là nghị quý, tức những đại thần, phi tần, thân vương, hoàng hậu, thái hậu.
– Bẩy là nghị cần, tức những người nổi tiếng xiêng năng.
– Tám là nghị bảo, tức những người giầu có, được đem tiền chuộc tội.
(8) Thập-ác là mười tội, mà bất cứ ai phạm vào cũng không được xử khoan hồng. Thập ác gồm:
– Mưu phản: lật đổ nền cai trị của vua.
– Mưu đại nghịch: phá đền đài, lăng tẩm của vua.
– Mưu bạn: làm gian tế cho nước địch.
– Ác nghịch: mưu đánh ông bà, cha mẹ, tôn thuộc.
– Bất đạo: vô cố giết ba người cùng nhà.
– Đại bất kính: lấy trộm đồ thờ phượng lăng tẩm vua, làm giả ấn vua.
– Bất hiếu: cáo giác tội lỗi hay chửi rủa ông bà cha mẹ, hoặc ông bà, bố mẹ chồng. Không phụng dưỡng bố mẹ. Tự ý bỏ nhà ra đi. Tự ý phân chia tài sản của bố mẹ. Cưới xin khi có tang cha mẹ. Vui chơi trong lúc có tang chế. Được tin ông bà, bố mẹ chết không phát tang, hoặc phát tang giả dối.
– Bất mục: mưu giết hay bán người thân thuộc (cho đến ngũ đại). Đánh, cáo giác chồng, hay tôn thuộc (cho đến tam đại).
– Bất nghĩa: giết quan sở tại, thầy dạy, không để tang chồng. Trong khi có tang chồng ăn chơi hoặc tái giá.
– Nội loạn: loạn luân (thông dâm với thân thuộc hoặc với thiếp của ông hay cha).
Đại-tư-mã Bắc-biên, Hữu-kim ngô thượng tướng quân, Lạng-châu quốc công Thân-thiệu-Cực hỏi:
– Nhưng thưa Thần-phi, nếu triều đình không xử, e Ưng-sơn song hiệp ra tay, thì không những Dương gia chết hết, mà tôi tớ, súc vật cũng chết theo. Lại còn Mộc-Tồn hòa thượng nữa. Ưng-sơn thì còn có thể can, xin chứ cái ông Mộc-Tồn này thì vô phương. Thần nghĩ, triều đình nên xử theo đúng bộ Hình-thư, nhưng khoan hồng mấy bậc, như vậy chỉ kẻ phạm tội mới bị sát thân mà thôi, may ra cứu được một số người oan uổng.
Ỷ-Lan mỉm cười:
– Trời ơi! Thưa sư thúc (vì phi là đệ tử của phò mã Thân-thiệu-Thái và vua bà Bình-Dương nên gọi Thiệu-Cực bằng sư thúc), đệ tử đọc trong Thái-tổ thực-lục, Thái-tông Nam-chinh, Nhân-Huệ hoàng đe kỷ sự, kể rằng sư thúc là một trong ba người tài trí bậc nhất Đại-Việt, chỉ thua có Quốc-Phụ mà thôi. Thế mà sư thúc không nghĩ ra phương thức cứu người trong vụ này ư? Theo Hình-thư, xử nhẹ thì tể-tướng cũng bị lăng trì. Xin sư thúc tìm cách cứu tể-tướng.
Thiệu-Cực lắc đầu:
– Thần quả không nghĩ ra.
Ỷ-Lan hướng vào quan Hình-bộ thượng thư Nguyễn-quý-Thuyết:
– Thế nào Cổ-am hầu. Hầu có tìm ra được phương thức cứu người không?
Nguyễn-quý-Thuyết lắc đầu:
– Thần cũng không tìm ra. Thần-phi là Hằng-Nga, chắc Thần-phi tìm ra rồi. Xin Thần-phi ban cho mấy lời.
Ỷ-Lan cầm bản án của Ưng-sơn kết tội Trịnh-quang-Thạch đọc lên một lượt, rồi nói:
– Trong bản án này, Kinh-Nam vương buộc tội phạm nhân theo bộ Hình-thư. Nếu như bây giờ hoàng-thượng với quý vị sửa đổi một số điều luật, rồi triều đình xử tội theo luật mới, ắt vương không thể trách triều đình nhu nhược nữa. Dĩ nhiên vương cũng không thể ra tay.
Triều đình đồng bật lên tiếng reo hò. Dương-đạo-Gia đến trước Ỷ-Lan rập đầu binh, binh, binh ba lần:
– Thần muôn vàn cảm tạ Thần-phi đã cứu toàn thể Dương gia. Ơn đức này xin ghi vào tâm khảm muôn kiếp.
Vua bà Bình-Dương mỉm cười nhìn học trò trong lòng bà cực kỳ cao hứng. Bà hỏi Khai-Quốc vương:
– Xin Quốc-Phụ ban từ dụ.
Khai-Quốc vương hướng vào nhà vua:
– Tâu bệ hạ, điều thứ 329 bộ Hình-thư nói:
« Bất cứ kẻ nào, dù chính phạm, hay tòng phạm, phạm vào tội thập ác cũng không được ân giảm, khoan hồng, và hưởng quyền bát nghị ».
Bây giờ đổi thành:
« Tuy nhiên, kẻ phạm tội có thể dùng tiền để xin ân giảm. Chỉ hoàng-đế mới có quyền cho phạm nhân dùng tiền xin ân giảm. Nhưng dù tiền chuộc nhiều đến đâu cũng không thể xin giảm quá ba bậc ». Như vậy, triều đình có thể cho Dương tể tướng dùng tiền để chuộc tội.
Nhà vua nói với Bùi-Hựu:
– Xin Văn-minh điện đại học sĩ khẩn cho làm chiếu chỉ để trẫm ban hành tu chính điều 329 bộ Hình-thư.
Khai-Quốc vương hỏi Trần Trung-Đạo:
– Sư huynh, cứ như tờ cáo trạng, thì Ưng-sơn yêu cầu Tống triều xử tội thái-tử Triệu-Thự. Không biết Tống triều đã xử chưa? Nếu xử thì xử như thế nào?
Trung-Đạo đứng lên hướng vào nhà vua:
– Tâu bệ hạ, Gia-Hựu hoàng đế đã lớn tuổi, sức khoẻ không được tốt, nên người ban chỉ gọi thái-tử khẩn về kinh để có thể thay người nhiếp chính. Thái-tử vừa lên đường về thì Dư-Tĩnh đột nhiên bị bệnh nặng phải ở lại Liễu-châu dưỡng bệnh. Đoàn tùy tùng đến núi Linh-lăng lại đến lượt Tiêu-Chú bị bệnh. Thành ra theo hộ giá thái-tử chỉ có vương phi Cao Thái-Vân, Lý-Hiến với đại-sư Pháp-Nhẫn mà thôi. Thái-tử bàn định bí mật đi qua Trường-sa không cho sư đệ Tự-Mai biết, rồi vượt Trường-giang về Biện-kinh. Khi đoàn tùy tùng tới Hành-Nam thì khám phá ra bao nhiêu vàng bạc không cánh mà bay. Vương phi Thái-Vân phải bán chiếc vòng đeo cổ để lấy tiền lộ phí. Nhưng đêm ấy, đoàn tùy tùng qua đêm tại một khách điếm thì sáng dậy hành lý bị mất sạch, kể cả thẻ bài, cùng chiếu chỉ của hoàng-đế truyền thái-tử kinh lý Nam-phương.
Triều đình nghe Trung-Đạo kể, họ đều đưa mắt nhìn nhau như cùng nói thầm:
– Thôi rồi, Ưng-sơn ra tay rồi.
– Tuy vậy đoàn tùy tùng vẫn tiếp tục lên đường, khi qua Hành-sơn thì đột nhiên ngựa của họ ngã lăn ra, sùi bọt mép chết hết. Tiền không, thẻ bài chứng nhận thân phận không, Thái-tử kinh hãi hỏi đại sư Pháp-Nhẫn xem phải làm sao? Đại sư đưa ý kiến rằng thành Trường-sa là nơi Kinh-Nam vương đóng đô không xa làm bao. Vương tuy khắt khe thực, nhưng dù sao vương phi cũng là cô của thái-tử, chỉ có cách đến đó để nhờ công chúa Huệ-Nhu giúp phương tiện về kinh. Từ Hành-sơn về Trường-sa mất khoảng ba ngày sức ngựa. Tiền không, y phục để thay đổi không, dọc đường đoàn tùy tùng phải vào mấy ngôi chùa xin ăn, tắm rửa. Cực chẳng đã, khi đoàn tùy tùng tới Tương-Nam, thái-tử đến xin gặp viên tri huyện ở đó để xin chu cấp trở về kinh. Không ngờ đoàn tùy tùng vừa xưng là thái-tử thì bị viên tri huyện truyền lính bắt trói giải về kinh để chém đầu. May nhờ võ công Pháp-Nhẫn cao siêu, nên phái đoàn không bị lính bắt. Đại sư Pháp-Nhẫn gặp viên tri huyện hỏi tại sao lại vô lễ như vậy? Thì viên tri huyện cho biết mới hai hôm trước, xa giá thái-tử cùng với Cao vương phi, Bắc-ban chỉ hậu Lý-Hiến, đại sư Pháp-Nhẫn qua đây. Viên tri huyện tiếp đón, cung phụng cực kỳ chu đáo. Công nho của huyện còn bẩy trăm lượng vàng chưa kịp đem về nộp cho An-phủ-sứ, thì thái-tử truyền rằng ngươi cần dùng vàng vào quốc sự tối khẩn, phải trao cho người. Thái-tử có biên nhận, đóng ấn tín đàng hoàng. Khi đi thái-tử còn truyền rằng: « Có bọn du thủ du thực, điên điên khùng khùng giả làm Thái-tử đi làm tiền các quan địa phương. Vậy hễ thấy chúng đến phải bắt trói giải về kinh ngay ».
Triều đình Đại-Việt nghe Trung-Đạo tường thuật đều bật cười, nhưng họ vô cùng ái ngại cho thái-tử Triệu-Thự. Vì họ biết rằng Ưng-sơn đã cho người trộm ấn tín, thẻ bài của bọn Triệu-Thự, rồi giả làm phái đoàn để lấy vàng, cùng lừa các quan, để các quan tưởng bọn Thự là bọn du thủ, du thực, mà giết chúng. Trung-Đạo tiếp:
– Lý-Hiến phải hết sức giải thích với viên tri huyện, nhưng y vẫn không tin. Cuối cùng nhờ một vị đội trưởng trong quân của huyện lệnh nguyên là đệ tử phái Thiếu-lâm nhận ra đại sư Pháp-Nhẫn là Thủ-tọa Đạt-ma đường. Triệu-Thự yêu cầu đưa y về Trường-sa, giáp mặt với công chúa Huệ-Nhu thì mới rõ trắng đen. Viên tri huyện đành cho quân áp tải cả đoàn đi. Khi qua Tương-đàm, lại xẩy ra biến cố nữa.
Mọi người cùng im lặng, chờ đợi Trung-Đạo kể. Trung-Đạo hướng Thường-Kiệt:
– Con cho sư bá gáo nước, sư bá mới kể tiếp được.
Ỷ-Lan bưng ngay ấm trà trước mặt, rót ra ba cái chung rồi bưng đến trước mặt ông:
– Kính mời đại hiệp xơi nước.
– Đa tạ Thần-phi.
Trung-Đạo uống nước rồi tiếp:
– Khi quân áp tải phái đoàn vào đến thị trấn Tương-Đàm, thì đã thấy thiết kỵ dàn ra như chờ đón. Thái-tử cho rằng tướng chỉ huy đạo quân ở đây biết rằng mình tới, nên tiếp đón. Viên tướng chỉ huy hỏi: « Có phải Tần-vương đó không? ». Thái-tử lên tiếng: « Ta đây. Tướng quân báo danh đi ». Lập tức đoàn thiết-kỵ bao vây đám tùy tùng của thái-tử lại. Biết có chống trả cũng vô ích, Triệu-Thự đành để cho chúng trói lại bỏ lên xe mang về trại. Lý-Hiến hỏi viên tướng: « Mi là ai mà vô lễ như thế này? Mi có biết rằng mi bắt giam trừ quân thì sẽ bị chu di tam tộc không? ». Viên tướng cười nhạt: « Bọn trộm cướp kia, bọn mi giả danh thái-tử lừa dối biết bao nhiêu quan lại một giải Hoa-Nam rồi, bây giờ bọn mi sa lưới, còn chối cãi ư? ». Viên đội trưởng của Tương-Nam giải thích rằng y được lệnh giải bọn này về Trường-sa cho công chúa nhận diện. Viên tướng lắc đầu: « Cách đây năm ngày, tôi tiếp được lệnh chỉ của thái-tử, có kiềm thự ấn tín cho biết người cùng với vương phi, đại-sư Pháp-Nhẫn, quan Bắc-ban chỉ hậu Lý-Hiến sẽ đi qua Tương-Đàm, hẹn phải ra đón. Chúng ta đón người, dâng tiệc, cùng dâng lễ vật. Sau đó người lên đường. Trước khi ruổi ngựa, người dặn ta: Có bọn gian tế giả dạng ta đánh lừa các quan địa phương để lấy tiền bạc. Vậy khi người thấy chúng đến thì bắt đem ra giữa chợ chém đầu ngay. Bây giờ các người sa lưới ta, còn chối cãi gì nữa? »
Phò-mã Thân-thiệu-Thái hỏi:
– Thưa sư thúc, không lẽ đại-sư Pháp-Nhẫn chịu để bị chém đầu sao?
– Dĩ nhiên là không. Đêm đó đại sư Pháp-Nhẫn cọ tay vào cánh cửa cho đứt dây trói, cứu cả bọn ra. Họ ăn cắp ngựa, rồi trốn đi. Nhưng khi họ đến Trường-sa, lúc qua chợ, tế tác thấy họ mặc quần áo lôi thôi, rách rưới mà lại cỡi ngựa của thiết kị. Họ mật báo cho quan tổng trấn Trường-sa. Lập tức quan tổng trấn Trường-sa truyền lệnh: cho thủy quân giả làm phu đò; dùng hai thuyền khác nhau. Một thuyền chở người, một thuyền chở ngựa. Khi chở chúng ra giữa hồ thì làm lật thuyền bắt sống. Cả bọn bị trấn nước đến phình bụng ra, trói thành một xâu giải đến dinh quan tổng trấn. Quan tổng trấn cho xét ngựa, biết là ngựa của Tương-Đàm, bèn kết tội cả bọn trộm ngựa của thiết kị, lên án chém ngang lưng ngay lập tức. Triệu-Thự kinh hoàng, y không xưng là thái-tử nữa, mà xưng là cháu công chúa Huệ-Nhu, yêu cầu cho được gặp công chúa. Quan tổng trấn không tin, y năn nỉ mãi, rồi viết một bức thư xin trao cho công chúa. Thư đi, mãi hôm sau công chúa mới sai võ sĩ đến đón y vào phủ Kinh-Nam vương.
Trung-Đạo hỏi Khai-Quốc vương:
– Vương gia là anh kết nghĩa của sư đệ Tự-Mai, xin vương gia thử đoán xem thái độ của y ra sao?
– Tôi biết Tự-Mai lắm. Khi kẻ nào bướng bỉnh không biết tội, thì y sẽ truy cho đến cùng. Còn khi kẻ nào biết ăn năn hối lỗi, van xin thì y tha ngay. Tôi chắc không những y không trách mắng Thự, mà còn an ủi, rồi cho thiết kị hộ tống về kinh.
Trung-Đạo chắp tay xá vương:
– Đúng như vương ước tính. Khi quân giải bọn Triệu-Thự tới phủ Kinh-Nam vương, sư đệ với công chúa chạy ra xem, thì đúng là thái-tử. Sư đệ thân cởi trói, rồi quát mắng đám thuộc hạ. Nhưng công chúa nhất định đòi đem thái-tử ra chặt đầu vì ba tội trạng. Một là gây chia rẽ tình Hoa-Việt. Hai là giả Kinh-Nam vương với công chúa, như vậy vô tình hại vương với công chúa. Ba là không có chiếu chỉ mà sang Đại-Việt. Sư đệ phải hết sức năn nỉ, công chúa mới chịu tha cho bọn Triệu-Thự về.
Ỷ-Lan nhìn Trung-Đạo tủm tỉm cười. Trung-Đạo hỏi:
– Thần phi! Có lẽ lời tường thuật của kẻ thôn phu này thiếu văn hoa làm thần phi cười chăng?
– Thưa đại hiệp, tôi đâu dám thế. Tôi cười vì Kinh-Nam vương thực khéo léo, đến công chúa là vợ mà cũng không biết chồng!
–???.
– Tôi nghĩ là tất cả những khốn khổ của Thự ở dọc đường là do Kinh-Nam vương sai bộ hạ gây ra, mục đích làm cho y nhục nhã. Vương đã làm như thế thì vương phải để y sống chứ? Giết y làm chi? Vả giữa hai việc để y sống và giết y thì việc nào có lợi? Giết y thì tiếng tăm Ưng-sơn khiến thiên hạ sợ hãi ư? Thì thiên hạ đã sợ rồi. Còn để y sống thì mai này y lên làm vua, mỗi khi nghĩ đến vương ắt y nổi da gà. Mỗi khi nói đến Nam xâm thì y bạt vía. Hơn nữa trong chuyến đi này y mất hết chí khí, mất hết uy tín, thì để y sống mới lợi. Còn giết y, thì triều đình sẽ lập người khác lên thay. Như vậy dễ gì người này sợ vương bằng y? Để y sống thì Đai-Việt ta ít ra cũng yên tĩnh trong suốt thời gian y trị vì.
Ghi chú,
Quả nhiên sau này Triệu-Thự lên ngôi vua, tức vua Tống Anh-Tông. Trọn thời gian Anh-Tông ở ngôi, bất cứ bọn quan lại nào bàn đến Nam xâm là nhà vua gạt đi. Đó là chuyện sau.
Ỷ-Lan đến trước nhà vua rập đầu binh binh. Nhà vua kinh hãi vội đỡ nàng dậy:
– Có việc gì khanh cứ nói, sao lại hành đại lễ như thế này?
– Tâu bệ hạ, ban nãy thần thiếp đã dẫn lời Quản-Trọng: « Làm vua không thể tư tâm, khoan dung, dễ dàng với người mình yêu; khắt khe với người mình ghét». Mấy hôm nay, thần thiếp nghe nội cung xì xầm, rồi đại thần bàn tán, bệ hạ quá sủng ái thần thiếp mà ban sắc chỉ phong thần thiếp làm thần-phi. Như thế e có chỗ bất thường trong hậu cung. Vậy thần thiếp thỉnh bệ hạ cứ cho thần làm tu-dung, tu-nghi, hay cung-nữ cũng được. Đợi sau này, thần thiếp có công trạng, hoặc tỏ ra được đức độ, bệ hạ sẽ phong cho thần thiếp lên chức phi cũng chưa muộn. Có thế mới chính được đạo tu, tề, trị, bình.
Nhà vua định từ chối đề nghị này, thì vua bà Bình-Dương gật đầu:
– Xin bệ hạ chuẩn tấu lời của Yến-Loan. Vì Yến-Loan là đệ tử của phái Mê-linh, đã là điều làm cho miệng thế dị nghị, ghen ghét rồi. Nay đùng một cái phong làm thần-phi thì e rằng bất lợi cho Yến-Loan hơn là lợi.
Nhà vua hỏi quan thái-phó Lý-đạo-Thành:
– Xin thầy cho biết tôn ý.
Đạo-Thành tâu:
– Bệ hạ nên phong cho Lê mỹ nhân làm phu-nhân là được rồi. Vì đẳng trật phu nhân không có trong nội cung bản triều. Bệ hạ có thể đặt phu cao hay thấp hơn thần phi cũng được.
Ỷ-Lan lại tâu:
– Hôm từ Thổ-lội về kinh, bệ hạ có hứa sẽ ban hành chiếu chỉ đại xá thiên hạ, để tạo ít phúc trạch cho thiếp. Nay xin bệ hạ thực hiện. Như vậy, tội của thái-hậu, hoàng-hậu trong vụ này được tiêu trừ.
– Được, trẫm giữ lời hứa.
– Bệ hạ còn hứa dùng tiền chuộc những người con gái bất hạnh phải bán thân cho nhà giầu, đem về gả cho người nghèo không tiền cưới vợ, và những người góa vợ. Nay nhân có vụ Dương tể tướng cùng một số quan phạm trọng tội. Thiếp cả gan xin bệ hạ đem hết số tiền chuộc tội của các quan, cùng vàng bạc tang vật trong vụ Tống mua chuộc võ lâm Đại-Việt mà sư thúc Lê-Văn đem nộp… để chuộc những người con gái bất hạnh…
Nhà vua gật đầu:
– Trẫm hứa. Bây giờ hai mẹ con bà Thúy-Hòang có thể ra về. Còn như họ muốn ở lại trong cung với phu nhân, trẫm cũng chuẩn tấu. Thôi, bãi triều.
Ban nhạc tấu bản Long-hồi:
Kỳ nghi bất thắc,
Túc ung hòa minh.
Tỷ tập hy vụ thuần hỗ,
Thọ khảo thả ninh.
Lệnh văn bất dĩ,
Duật tuấn hữu thanh.
Thiên tử vạn niên,
Phúc lộc lai thành. (9)
Chú giải,
(9) Dịch:
Cung đình chính lễ,
Đầy đủ, hòa minh.
Phúc tốt sáng rực,
Thọ bền, an ninh.
Thanh truyền vô tận,
Tốt bền dài lâu.
Thiên tử vạn năm,
Phúc lành đến mãi