Năm Đó Giáp Sắt Động Đế Vương

Chương 138: ★ Lãng Lý Bạch Điều ★



Ngày ấy đế vương Đại Sở ôm tướng quân nhà hắn nói ra một nửa tâm sự, Vị Ương Cung lại quay về bầu không khí ấm áp nhẹ nhàng, làm đám người hầu do Nguyên Bảo dẫn đầu cũng thở phào nhẹ nhõm.

Nhưng dù sao Địch Kỳ Dã không dễ bị lừa, đã bị ăn tỉ mẩn đến ngón tay cũng lười động đậy, đầu óc lại tỉnh rất nhanh: “Ngươi vòng một vòng xa như thế, chỉ vì mỗi chuyện này?”

Một nửa còn lại, Cố Liệt đã tự mình suy nghĩ xong xuôi không muốn nói cho hắn, thế nên im bặt không nhận, giả vờ mờ mịt: “Vậy còn có gì nữa?”

Địch Kỳ Dã cười hừ hừ hai tiếng, ý là, ngươi tốt nhất đừng để ta bắt được nhược điểm.

Chơi chiến thuật trước mặt hắn, ngang với chơi đại đao trước mặt Quan Công, cho dù hắn rời chiến trường, khả năng mưu tính nhân tâm kém xa sự cáo già xảo quyệt của Cố Liệt, nhưng hắn cũng không ăn chay.

Cố Liệt gom người vào lòng, ngoài miệng bắt đầu vờ vịt tủi thân: “Cáo già xảo quyệt? Tướng quân đây là chê ta già rồi ư.”

Rốt cuộc già hay không già, Định Quốc Hầu eo mỏi lưng đau biết rõ nhất.

Cái người long tinh hổ mãnh như vậy cảm thán tuổi mình già, cũng chẳng trách Địch Kỳ Dã không muốn nghe, người thật sự già rồi nào có kiểu ham muốn bền vững này.

Nhớ tới lại làm Địch Kỳ Dã tức giận.

Vì thế Địch Kỳ Dã không báo với Cố Liệt, lại đi Chúc phủ một chuyến, thăm Chúc Bắc Hà.

Hắn mơ hồ cảm thấy, mình có thể tìm thấy đáp án ở chỗ Chúc Bắc Hà.

Định Quốc Hầu đại giá quang lâm, cẩm y cận vệ hộ tống mở đường, vào cửa rồi, Địch Kỳ Dã cho toàn bộ cận vệ lui ra ngoài. Hắn tới để thăm bệnh, chứ không phải tới đập bãi, dù hắn lười đối nhân xử thế, cũng không tới mức tới cửa quấy rầy người nhà bệnh nhân.

Vốn Chúc Bắc Hà vẫn luôn coi Địch tiểu ca nhưng hậu bối con cháu, Chúc phu nhân cũng từng nghe Chúc Bắc Hà dở khóc dở cười kể lại sự tích thiếu niên tướng quân để lại tờ giấy năm đó, hai lần Định Quốc Hầu đến cũng không tỏ ra phô trương, chỉ thăm bệnh giống như người trong nhà. Nên Chúc phu nhân cũng thuận nước đẩy thuyền, giống như đối đãi với thân thích, trực tiếp đưa Định Quốc Hầu tới thiên thính, tâm sự với Chúc Bắc Hà trên giường bệnh.

Có lẽ một câu nói “Chủ công sẽ không hiểu lầm ta” năm đó để lại ấn tượng quá sâu sắc cho Chúc Bắc Hà, đối với Địch Kỳ Dã, trong lòng Chúc Bắc Hà vừa cảm thấy đáng tiếc vừa lo lắng. Thường nói hoa đẹp rồi cũng tàn, thời trẻ qua mau, Địch tiểu ca dù giỏi cũng vẫn là một nam nhân, nếu có thể lâu lâu dài dài với Bệ hạ, vậy quá tốt, nhưng nếu không thể, cuối cùng người bị lên án chung quy sẽ không phải là Bệ hạ.

Bởi vậy, Chúc Bắc Hà còn cố tình kể lại phong thái hành quân đánh giặc của Địch tiểu ca cho nữ nhi mấy lần, Chúc Nhạn Hồ băng tuyết thông minh*, tất nhiên nghe ra ý muốn che chở Định Quốc Hầu của cha, mặc dù không hiểu vì sao, nhưng vẫn giữ ở trong lòng. (*thông minh đặc biệt, hiếm có)

Nên Địch Kỳ Dã tới, Chúc Bắc Hà cũng rất cao hứng, lôi kéo hắn nói liên miên đủ chuyện, một mạch từ năm đó để lại tờ giấy làm người ta tức điên cho tới lúc đánh vào Yến Đô. Năm tháng trên lưng ngựa chiến ngày xưa dường như còn ở trước mắt, chớp mắt nữ nhi đã sắp gả chồng, thật là anh đã đào đỏ chuối đã xanh (1), lưu quang* khiến người ta phải kinh ngạc. (*thời gian như nước chảy)

Địch Kỳ Dã bỗng nhiên nghĩ đến: “Cố Liệt, hắn, lúc khởi binh ở Kinh Tín, là người như thế nào?”

Trên đời này có thể gọi thẳng tên Bệ hạ tự nhiên như vậy, cũng chỉ duy nhất một người, Chúc Bắc Hà cũng không để bụng, chậm rãi nhớ lại, bỗng nhiên bật cười, kể lại một chuyện cũ cho Địch Kỳ Dã.

*

Khi ấy Cố Liệt còn chưa phải Bệ hạ, thậm chí cũng chưa phải là Chủ công, mọi người đều còn gọi Cố Liệt là “Thiếu chủ”.

Gia thần Sở Cố theo Cố Liệt khởi binh ở giao giới Kinh Tín, phải đối mặt đầu tiên, chính là thuỷ sư của Yến quân ở Kinh Châu, dù Yến quân vô dụng, nhưng nhân số gấp gần hai mươi lần Sở quân, coi như mười đánh một cũng có thể diệt Sở quân.

Vậy nên, ở Kinh Châu, Sở quân dựa vào đầm nước mênh mông, dùng chiến thuật đánh du kích, dần dần nuốt trọn thuỷ sư Yến quân như tằm ăn rỗi.

Mà nói đơn giản làm mới khó, đặc biệt là sau khi Sở quân đã chiếm được một phần đất đai nhất định, vừa phải bảo vệ lãnh thổ, vừa phải xuất động chủ lực đi đánh giặc, trong ấy có bao nhiêu gian nguy bao nhiêu máu và nước mắt, không phải một hai câu có thể kể hết.

Trong đó có một lần như thế này, Cố Liệt dẫn theo một đội tinh binh nhỏ ra ngoài nhiễu địch, bị Yến quân bao vây mấy ngày trong đầm cỏ lau, không những phải đối mặt với nguy cơ bị lục soát chém đầu bất cứ lúc nào, mà số lượng quân nhu không nhiều lắm mang theo đã thấy đáy.

Cận vệ am hiểu thuần thục kỹ năng bơi lặn mang theo thư cầu cứu bơi ra ngoài, việc có khả năng làm chỉ là duy trì cảnh giác và kiên nhẫn chờ đợi.

Nhân số Sở quân khi đó không nhiều, thường xuyên có chuyện tất cả tướng lãnh đều ra ngoài đánh giặc, một chốc một lát cũng không biết ai không trở về, người nhận được cầu cứu chính là Chúc Bắc Hà. Lúc ấy cận vệ nhanh chóng kể lại sự việc, Chúc Bắc Hà nghe xong liền toát mồ hôi lạnh.

Đây chính là huyết mạch duy nhất của Sở Cố, nếu thiếu chủ không còn, thì bọn họ còn đánh cái quái gì nữa?

Chúc Bắc Hà vội vàng mở thư ra đọc, thầm khen một tiếng hay.

Cố Liệt không phải muốn hắn mang theo lương thảo đi cứu người, mà Cố Liệt muốn hắn mang theo lương thảo và tinh binh, nội ứng ngoại hợp với hắn, tiêu diệt Yến binh đang bao vây hắn!

Nếu có đứa con trai như thế này, Chúc Bắc Hà có thể nửa đêm cười tỉnh.

Nhưng dù thưởng thức dũng khí của thiếu chủ thế nào, thì thiếu chủ cũng còn đang bị quân địch bao vây đó, nên Chúc Bắc Hà xách theo trái tim, lập tức tìm Nhan Pháp Cổ, hai người dẫn theo lương thảo tinh binh, cẩn thận thực hiện theo kế hoạch thiếu chủ lập ra, chia quân làm hai đường gấp gáp chạy tới đầm cỏ lau.

Trên đường, Chúc Bắc Hà còn vì nửa đêm hành quân quá nóng vội mà rơi xuống sông, thiếu chút nữa không vớt lên được, sau này bị Nhan Pháp Cổ biết, còn giễu cợt hắn suýt nữa thành “bia Hà”.

Nhan Pháp Cổ bao vây bên ngoài, Chúc Bắc Hà chạy tới tiếp ứng Cố Liệt, hắn mệt chết mệt sống lao tới điểm ngầm trong vòng vây, nhìn một cái, vốn tưởng rằng mọi người bị vây đến buồn rười buồn rượi, nào ngờ Cố Liệt đang dẫn người đi bắt cá.

Thiếu niên lang tuổi chừng hai mươi, giống như một con cá trắng lớn bơi ra từ đáy nước, nửa người trên trần trụi, vân da xinh đẹp, đuôi ngựa và quần dài ướt đẫm đều dính sát trên người, phác hoạ ra hình dáng vai lưng và đôi chân dài mạnh mẽ.

Hắn vốn đã có màu da trắng của người Sở, lúc này toàn thân phủ lên ánh nước, trông như thể đang phát sáng.

Cố Liệt còn đang ôm một con cá trắm cỏ to trong lòng, hắn quăng mạnh cá trắm lên mặt đất bùn, hỏi: “Bao nhiêu con rồi?”

Binh lính nhóm lửa còn chê: “Thiếu chủ, cá trắm cỏ to không ăn được đâu, bắt thêm hai con cá trích thịt mịn mịn về đi.”

Cố Liệt đang vắt đuôi tóc, nghe vậy cười mắng: “Bắt cá trích* về giúp ngươi lợi sữa à!” 

*cá trích: phụ nữ sau sinh hay nấu canh cá trích để thêm sữa

Mọi người chỉ vào binh lính nhóm lửa trông hơi phúc hậu, cười ha ha.

Đùa thì đùa như vậy, Cố Liệt đang chuẩn bị nhảy xuống nước lần nữa, lúc này Chúc Bắc Hà mới hồi thần, vội vàng gọi lại: “Dừng lại dừng lại, thiếu chủ, đừng nhảy mà.”

Mọi người trông thấy là Chúc Bắc Hà, nhỏ giọng rộ lên tiếng hoan hô, “đưa lương tới rồi!” “Cuối cùng không phải ăn cá nữa rồi!”

Cố Liệt ngồi xổm bên bờ xoa chân, cười oán giận: “Ngươi gọi sớm cái, ta trẹo cả chân rồi.”

Chúc Bắc Hà trêu hắn: “Ta còn tưởng ngài Lãng Lý Bạch Điều (2) chứ, hoá ra không phải à?”

Cố Liệt dùng sức xoa giãn gân bị rút, lông mày không nhăn tới một cái, dậm dậm chân thật mạnh, rung bay chút khó chịu còn sót lại, cười chào hỏi Chúc Bắc Hà: “Một đường vất vả, không bị ta doạ sợ chứ?”

“Thiếu chủ nói quá lời, bổn phận thuộc hạ nên làm,” Chúc Bắc Hà nhịn một lát, vẫn nói ra, “Ngài làm bọn ta giật thót tim.”

Chúc Bắc Hà sợ hắn nhiễm phong hàn, vội vàng phủ thêm xiêm y cho hắn, tự mình rót một ly trà nóng đưa qua.

Cố Liệt cười ngại ngùng, cười xong lại là dáng vẻ thiếu niên hùng chủ ấy, vỗ vỗ bả vai Chúc Bắc Hà, “Ăn một bữa ngon, ăn xong, chúng ta dùng một trận tiêu diệt hết bọn chúng.”

Binh lính nhóm lửa ở bên cạnh chua xót nói: “Gian hết*? Thế vừa hay để hết cá trích trong đầm cho bọn chúng lợi sữa đi.”

*Gốc: tiêm = tiêu diệt, gian = gian dâm, đều phát âm là jiān

Tuy Cố Liệt bằng lòng cười đùa với bọn họ, nhưng hắn không chịu được kiểu đùa giỡn quá chớn, nghe vậy phì ra một ngụm trà, buồn cười đạp một chân qua: “Ngươi còn chưa đủ hả.”

Binh lính nhóm lửa bị thiếu chủ đá một chân không nặng không nhẹ, không ngừng cười hê hê.

Mọi người ăn no nê, trận đánh sau đó, có lẽ là vì đói bụng mất mấy ngày, đánh đặc biệt hung hãn, tiêu diệt toàn bộ Yến binh tới bao vây trong đầm cỏ lau.

Cố Liệt không những thu một con thuyền, còn cho người lột binh phục của Yến quân, hợp lại quân đội do Nhan Pháp Cổ, Chúc Bắc Hà và mình dẫn dắt, trực tiếp quay đầu đi tấn công một trong ba thuỷ trại của thuỷ sư Yến quân, đại hoạch toàn thắng.

Nhìn dáng vẻ tinh thần phấn chấn của Chúc Bắc Hà khi kể về thiếu chủ, Địch Kỳ Dã hiểu vì sao bọn họ có thể trung thành và tận tâm với Cố Liệt mấy chục năm vẫn như một.

Bọn họ chứng kiến quá trình Cố Liệt trưởng thành, từ thiếu chủ trở thành đế vương Đại Sở, không cần phải nói tới sự trung dũng theo sau. Mà Cố Liệt đối đãi với họ, cũng thực sự dụng tâm.

Phải biết, thực ra khi đó, nội tâm Cố Liệt cũng đã khó sinh ra hỉ nộ, nhưng không thể nói toàn bộ những cái cười đùa giận mắng ấy đều là giả vờ. Cố Liệt một lòng muốn cùng sống cùng kề vai chiến đấu với huynh đệ bọn họ, nên hắn mới dụng tâm hoà mình với họ.

Nhưng đó rốt cuộc không phải hành động xuất phát từ bản tâm.

Khi đó Cố Liệt làm thế nào để ép bản thân mình dụng tâm trước mặt thuộc hạ, đồng thời còn phải dẫn dắt Sở quân tranh bá thiên hạ giữa ánh đao bóng kiếm, có thể nói ở bên trong hay bên ngoài đều không được thả lỏng một giây.

Từ lúc bắt đầu, Cố Liệt đã bước trên một con đường đế vương cô độc.

Nếu không trọng sinh, cuộc đời Cố Liệt, sẽ vẫn tiếp tục cô độc như thế.

Địch Kỳ Dã nghĩ tới đó, bỗng chốc thấy sợ hãi.

“Ngươi không được bỏ lại ta giữa đường đâu nhé.”

Đến lúc này, Địch Kỳ Dã mới lý giải sâu hơn câu nói này của Cố Liệt.

*

Cố Liệt không biết tướng quân nhà hắn có hiểu biết mới, hắn còn đang gặp mặt người khác ở Chính Sự Đường.

Người đến là gia chủ Nghiêm gia, Nghiêm Lục Oánh.

Hiện tại, là gia chủ Nghiêm gia tiền nhiệm.

Ngày ấy Nghiêm Lục Oánh được Địch Kỳ Dã nhắc nhở, trong lòng sầu lo thật lâu, sau đó khi xảy ra vụ việc Tả Thành Lam, người của Nghiêm gia lại rất tin tưởng Tả gia sẽ không đổ, cũng coi thường sự việc, nhận định Tả Thành Lam có thể an toàn thoát tội.

Phần lớn quyền lực trong tay Nghiêm Lục Oánh đã chia cho cháu chắt, ngoài mặt người Nghiêm gia cung kính nàng, nhưng chỉ là cung kính mà thôi, đối với lời khuyên của nàng, đa số đều coi như không nghe thấy.

Đặc biệt là cháu gái mình chiều chuộng như châu như bảo, sau khi Tả Thành Lam đền tội, còn tới cầu xin nàng, nói: “Nghiêm gia chúng ta phú khả địch quốc, mà nay phụ thân của Tả tỷ tỷ bị Định Quốc Hầu hãm hại, sao Nghiêm gia chúng ta không thể minh oan giúp tỷ ấy?”

Từ một khắc đó, đáy lòng Nghiêm Lục Oánh biết, gia tộc này, hoàn toàn không còn thuốc cứu.

Đề tài nóng trong kinh thành gần đây, ngoài đại hôn của Thái tử, chính là tin tức gia chủ Nghiêm gia phản gia ly tộc.

Hôm nay Nghiêm Lục Oánh tới gặp Bệ hạ, là tới chào từ biệt.

Bản chất nàng là một người ngoan cường, nếu không cũng không có khả năng khiêng lên gánh nặng của Nghiêm gia trong những ngày quốc gia diệt vong gian nan, mưa gió bấp bênh.

“Dân nữ thẹn với khen ngợi của Bệ hạ,” Nghiêm Lục Oánh vén lên tóc mai, cười buồn bã, “Ngày ấy dân nữ khoác lác trước mặt Bệ hạ, nói phải hành thương vạn dặm thay Bệ hạ, phải khai thông mậu dịch khắp bốn phương cho Đại Sở (3).  Trăm triệu không ngờ tới, hôm nay rơi vào kết cục vô gia vô tộc, nước chảy bèo trôi.”

Cố Liệt lại nói: “Lục Oánh quá khiêm tốn. Những điều ngươi làm cho Nghiêm gia, Quả nhân đều xem trong mắt. Chuyện buôn bán, nào chỉ có lãi không có lỗ, vẫn luôn là khi lên khi xuống. Nếu có tâm, Đông Sơn tái khởi, ở trong tầm tay. Tự mình quản lý làm chủ, cũng tốt hơn làm áo cưới thay cho con cháu người khác.”

Tiếng lòng Nghiêm Lục Oánh khẽ động, nhưng lại do dự: “Hiện giờ dân nữ người đơn thế mỏng, mặc dù còn chút nhân thủ có thể dùng, nhưng tuổi này rồi, thực sự khó lại vào nam ra bắc.”

“Nếu muốn sống cuộc sống an ổn, Quả nhân cũng không ép,” Cố Liệt hiền hoà nói, “Nếu vẫn mong muốn kinh thương, Tần Châu là nơi tốt, sau này nhất định sẽ trở thành cửa ngõ giao thương buôn bán.”

Nghiêm Lục Oánh tức khắc quyết định: “Tạ Bệ hạ chỉ dẫn, dân nữ đã biết.”

Cố Liệt lại hỏi tiếp: “Ngươi rời kinh thành như vậy, thật sự không còn gì vương vấn?”

Nghiêm Lục Oánh sửng sốt, rồi cười: “Lời này của Bệ hạ, dân nữ nghe không hiểu. Vương vấn hay không, không rõ không ràng không danh không phận, không có gì đáng nói.”

Cố Liệt cũng không thể tỏ tình hộ người khác, thế nên cũng cười: “Ngươi nói đúng. Có một số người, không dám mở miệng, thì để hắn hối hận đi thôi.”

Nghiêm Lục Oánh cười hiên ngang, đứng dậy cáo từ.

Lúc ra cửa cung, Nghiêm Lục Oánh ngồi kiệu đi trước, phía sau có một Nhan Pháp Cổ mặt mày ủ ê theo sau, theo tới tận cửa nhà Nghiêm Lục Oánh, rồi không nói không rằng mà rời đi.

Nghiêm Lục Oánh vừa vào cửa, đã gọi người hầu: “Còn dùng dằng cái gì chuẩn bị hành lý đi!”

Đám người hầu kinh ngạc, bình thường bà cô nhà mình cáu điên mắng chửi người khác cũng dùng gương mặt cười, sao hôm nay diện thánh xong lại tức giận thế này?

————————————————————-

Chú thích:

(1) Anh đã đào đỏ chuối đã xanh: trích từ bài “Nhất tiễn mai – Chu quá Ngô giang”, miêu tả sự mất mát, hoài niệm về thời gian đã trôi qua

(2) Lãng Lý Bạch Điều: nghĩa là lụa trắng trên sông, là ngoại hiệu của Trương Thuận trong Thuỷ Hử, do ông là người bơi lặn rất giỏi

(3) Khai thông mậu dịch khắp bốn phương: gốc là “trùng doanh hư nhi quyền thiên địa chi lợi”, là điều hoà giữa dư thừa và thiếu thốn để nắm giữ tiện lợi trong thiên địa. Vế sau là “thông hữu vô nhi nhất tứ hoàn chi tài”, là trao đổi vật mình dưa thừa, lấy được vật mình thiếu hụt để tập hợp tài vật bốn phương. Cả câu nghĩa là những người làm ăn buôn bán phải biết cách điều tiết giữa cung và cầu, giữa cái thiếu và cái thừa, sau đó phải biết trao đổi thông thương để đạt được tiền tài lợi ích


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.