Nam Bảo Mẫu Đến Từ Thành Phố

Chương 2



☆.

Về đến nhà, Trí Viễn định tâm sự với con trai một chút, muốn giảng giải cho nó biết đánh người khác là sai, nhưng vừa vào cửa Hâm Hâm đã lượn ngay vào phòng rồi khóa trái cửa nhốt mình ở trong, mặc kệ hắn có dỗ dành dọa nạt ra sao cũng không cách nào bảo nó đi ra, chớ nói chi tới mặt đối mặt để mà tâm sự.

Cả một bàn đồ ăn mẹ hai làm không ai dám động đũa, cuối cùng vẫn là Điền Trí Viễn dẫn đầu ngồi vào bàn, mẹ hai hắn mới dắt Nữu Nữu và cô bảo mẫu nhỏ dè dè dặt dặt ngồi theo.

Bữa cơm tối này, ăn vào miệng hết sức nhạt nhẽo.

Sau khi ăn xong, Điền Trí Viễn lấy từ trong ví da ra 200 tệ đưa cho cô bảo mẫu nhỏ – “Tiểu Lý, cô không cần tới nhà tôi vào ngày mai nữa.”

Cô bảo mẫu nhỏ ngân ngấn nước mắt đóng gói hành lý suốt đêm, chuẩn bị rời khỏi vào sáng sớm hôm sau.

Đêm đã khuya, nhưng Điền Trí Viễn vẫn còn nằm trên ghế dựa ở phòng khách sân thượng, Nữu Nữu kéo chiếc ghế đẩu ngồi bên cạnh, chống má nghiêng đầu nhìn hắn.

Trí Viễn quay đầu thấy con gái, mỉm cười – “Nhìn cái gì đấy?”

“Ba ơi, rốt cuộc thì con hoang có nghĩa là gì?”

Trí Viễn cười không nổi nữa, trẻ con chỉ bây lớn, nào biết con hoang là gì, rồi lại nghe người khác mắng nhiếc tụi nó như thế, nhất định là trong lòng nghĩ mãi vẫn không tỏ. Nhớ tới cậu nhóc Trương Bảo Nhi mới bảy tuổi, chắc chắn cũng không biết nghĩa của từ miệt thị này, hơn phân nửa là nhại theo lời của mẹ nó. Hồi đó hắn từng nhốn nháo kết hôn, từng làm tiệc rượu trăm ngày cho con, chẳng qua chỉ là ly hôn mà thôi, đến cuối cùng, thực tế lại khiến con mình bị người khác thầm mắng đồ con hoang.

Nếu hắn không coi thím Trương là đồ đàn bà vô văn hóa, lại thấy anh Trương là một người biết lý biết lẽ, đơn giản cho qua chuyện như thế thật đúng là không phải tác phong của Điền Trí Viễn hắn.

Trí Viễn xoa đầu con gái, trong một thoáng không biết nên giải thích thế nào, đành phải nói: “Đó là từ không tốt, là lời xấu, con cũng thấy rồi đó, khi anh Bảo Nhi mắng con và anh xong, ba của Bảo Nhi đã nổi giận tới cỡ nào. Nên sau này nhất định đừng có nói, nghe chưa? Bằng không thì ba ba cũng sẽ giận đó.”

Nữu Nữu cái hiểu cái không, mắt to tròn đảo hai vòng, thần bí cười nói: “Thiệt ra thì anh hai cũng không hiểu ý của câu đó đâu ba. Tại con nói với ảnh, con hoang có nghĩa như là hạt gieo trong đất hoang, hơn nữa còn bị giội phân trong nhà vệ sinh, rất là dơ. Anh hai nói, anh Bảo Nhi dám mắng tụi con tắm phân, nên ảnh mới đánh anh Bảo Nhi.”

“Xì….” Điền Trí Viễn phì cười vì lời nói trẻ thơ của con gái.

“Ba cười gì thế?”

Trí Viễn vòng tay ôm con gái, đặt bé ngồi trong lòng mình, khoác hai tay lên bờ vai nhỏ xíu, cười tủm tỉm ngắm gương mặt nhỏ nhắn ấy của bé, dịu dàng nói: “Tại ba vui nên ba mới cười. Nhưng mà Nữu Nữu này, mai mốt đừng có nói từ con hoang trước mặt bạn bè nghe chưa, cái đó là xấu, chỉ có trẻ hư mới nói thôi, còn Nữu Nữu là bé ngoan mà, đúng không nè?” Thấy con gái gắng sức gật đầu, Trí Viễn mỉm cười – “Vậy nên Nữu Nữu không thể nói, biết không?”

Con nít không có khả năng phân biệt đúng sai, người làm phụ huynh chỉ có thể làm gương tốt dẫn dắt con em, nhưng về mặt này Trí Viễn lại không hề làm tròn bổn phận. Nên mới thành ra bây giờ – thỉnh thoảng mới chuyện trò với con cái một lúc, thật sự không rõ mình dạy như thế có đúng hay không.

Mẹ hai dọn dẹp phòng bếp xong, đi ra trông thấy hai cha con vẫn còn đang thì thầm trên ban công, bèn trách cứ: “Trí Viễn, con là người lớn không ngủ được thì thôi, còn kéo theo con nít làm chi? Gần mười giờ rồi đó, con bé nên đi ngủ rồi!”

“Đi ngủ nào.” Nghe mẹ nói xong, Trí Viễn vỗ vỗ mông Nữu Nữu, xua bé đi ngủ.

Nữu Nữu cũng biết nghe lời, tập tễnh đi về phòng mình.

“Trí Viễn này, con bé kia làm giỏi lắm cũng mới có một ngày, sao con lại đưa nó tới 200? 100 cũng đã quá nhiều rồi!”

Nữu Nữu đi rồi, mẹ hai mới ngồi xuống cạnh Trí Viễn. Bà là người phụ nữ đã nếm trải khổ đau, là người đi ra từ trong nghèo khó*, rất quý trọng đồng tiền mà mình bỏ ra, nên bà không vừa ý việc Trí Viễn cho cô bảo mẫu nhỏ kia quá nhiều tiền, công cán một ngày của cô đó không hề đáng giá tới 200.

*nguyên văn: đả thâm sơn câu lý xuất lai – đi ra từ trong rừng trong rãnh

Trí Viễn đang sầu não vì chuyện của mấy đứa con, nghe lời của bà xong, phất tay, khoan dung nói: “Được rồi mà mẹ, đàn bà con gái ra ngoài làm việc cũng đâu có dễ dàng gì.”

Lại là cái thói ra tay hào phóng ấy của Trí Viễn, mẹ hai thở dài, tiếp lời: “Con đã nói vậy thì cũng được thôi. Nhưng sau này thì làm sao đây? Hiện giờ tụi nhỏ vừa mới được nghỉ hè, hai tháng này không cần đi nhà trẻ, trong nhà lại chẳng có ai quản lý, tụi nó cỡ nào mà không quậy ngất trời? Ôi! Mấy năm nay tìm biết bao nhiêu là người rồi, sao lại chẳng một ai có thể ở lại coi chừng tụi nó chứ?”

Mẹ hai của Trí Viễn năm nay 51 tuổi, nơi khóe mắt bờ môi đã xuất hiện từng tầng nếp nhăn, thế nhưng vẫn còn có thể thấy bóng dáng thời trẻ, là một người phụ nữ xinh đẹp. Bà bước vào nhà họ Điền lúc Điền Trí Viễn mới hai tuổi, trước kia bà đã từng kết hôn một lần, hơn nữa còn sinh hai đứa con một trai một gái, bởi vì chịu không nổi người chồng nát rượu đánh đập, bà ly hôn, rồi sống cùng cả gia đình cha Trí Viễn.

Mẹ hai là người phụ nữ hiền lành trung thực, tâm địa tốt, đối xử với Trí Viễn cũng không tệ lắm, tuy không thể nói rằng bà xem hắn như con đẻ, nhưng quan tâm lẫn châm sóc vẫn đủ đầy. Trong hai mươi mấy năm ấy, giữa Trí Viễn và bà thật ra cũng chẳng khác gì mẹ con ruột thịt.

“Đều do con không tốt, làm ba mà không thể quản giáo con mình.”

Trí Viễn tắm xong rồi nhưng lại cởi sạch thân trên, chỉ chừa lại mỗi cái quần cụt, hắn thích cái cảm giác không gò bó như thế. Trời sao mùa hè bao giờ cũng rất đẹp, Trí Viễn lặng yên nhìn lên không trung, tay trái đặt sau đầu, gập đùi phải, tay phải đặt trên đầu gối, trong vẻ thích ý lại mang theo chán chường.

Mẹ hai thở dài – “Hồi đầu mẹ đã khuyên con đừng vì ba mình mà kết hôn giả rồi còn đẻ mướn này nọ, con không nghe, hiện tại thì sao, hai đứa nhỏ kéo phiền phức tới rồi đấy thôi? Giờ con muốn tìm đối tượng cũng là việc khó, con cái lại chẳng nghe lời, con đó, chuyện cần quan tâm sau này không chỉ có như vậy thôi đâu.”

“Mẹ à, chuyện lúc trước con không hối hận chút nào cả, mẹ cũng biết con không có cảm giác với con gái mà, cho dù không có hai đứa nhỏ này, con cũng sẽ không kết hôn.”

“Mẹ biết chứ, nhưng chẳng lẽ con định để đời mình cứ thế trôi qua ư? Tư tưởng ở vùng nông thôn này sao có thể so với cái cởi mở ở thành phố, trai gái nhà ai lén ra ngoài hò hẹn cũng bị coi là chuyện đồi phong bại tục, huống chi con thế này…. Ôi, nếu như con mà do mẹ sinh ra, khi đó mẹ nào có thể để con làm ra chuyện như vầy.”

Nói đến kết hôn giả và đẻ mướn, suy nghĩ của Điền Trí Viễn không khỏi lại bay xa.

Năm đó Điền Trí Viễn mới 21 tuổi, học đại học trên tỉnh, trong thời gian tốt nghiệp quan trọng lại nghe tin cha mình bệnh tình nguy kịch. Hắn trở về nhà ngay trong đêm ấy, lúc trông thấy cha đang hấp hối, chẳng thể dằn nỗi cái đau như dao cắt trong lòng.

Khi đó Nguyên Thủy trấn chưa di dời, vẫn còn là những con phố đường xá lầy lội tả tơi, nhà dân, cửa hàng, thậm chí là cơ quan nhà nước trên đường cũng đều rách nát y như thế. Người bên ngoài thỉnh thoảng đi ngang qua còn bông đùa gọi nơi này là “Vẫn chưa giải phóng”, có thể hiểu điều kiện y tế và vệ sinh ở đây kém tới cỡ nào. Điền Trí Viễn quyết định thật nhanh, đưa cha hắn đến bệnh viện trên huyện, đích thân ở lại săn sóc. Đã thế lại tỏ ý không đến trường, muốn ở đây chăm lo cho cha.

Cha Trí Viễn thời còn trẻ có mở một cửa hàng bách hóa, nhiều năm qua buôn bán cũng không tệ, hai vợ chồng già lại sống tiết kiệm, trong nhà cũng chỉ có mỗi một mụn con là Trí Viễn, bởi vậy vẫn còn dư ra một số không nhỏ gởi ở ngân hàng, hơn nữa khi đó thôn cũng phối hợp điều trị, việc chữa bệnh cho cha hắn trái lại không quá vất vả.

Nhân lúc ở lại huyện săn sóc cha mình, Trí Viễn đã rút bớt thời gian để đến tiệm net, lên mạng tìm hiểu việc nuôi trồng thủy sản. Trong khoảng thời gian cha nằm viện ấy, hắn tích cóp được không ít kiến thức. Sau này khi đợt trị liệu chấm dứt, lúc trở về trấn hắn còn mua về một mớ sách liên quan, chuẩn bị nghiên cứu tại gia.

Cha Trí Viễn bệnh đến hồ đồ, không hề biết chuyện con trai mình bỏ học về nhà chuẩn bị nuôi trồng gì đấy, lúc hỏi tới, Trí Viễn gạt ông rằng mình xin phép trường tạm nghỉ học, đợi chữa hết bệnh cho cha rồi, hắn sẽ trở lại.

Cha hắn là một dân quê, không biết cái tạm nghỉ học kia là ra làm sao, chỉ biết con trai mình vẫn có thể trở về học tiếp mới an tâm.

Lần Trí Viễn về nhà khi ấy, cha hắn trái lại có sức sống hơn hẳn, có lẽ, ông cũng biết bệnh mình có trị cũng không hết.

Ung thư nào có thể chữa hết?

Cha hắn nhìn Trí Viễn mà than thở cả ngày, hỏi thì ông bảo, ông sống không còn bao lâu nữa, lại không thể nhìn con trai mình lấy vợ sinh con, nhất định chết không nhắm mắt.

Trí Viễn là người con có hiếu, nghe xong lời này lòng hết sức khó chịu.

Người Trung Quốc có câu: bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại (Tội bất hiếu có ba, không con nối dõi là lớn nhất), cha hắn lại là dân quê đi ra từ trong xã hội phong kiến, tự nhiên là cực kì cố chấp với việc này.

Bản thân Trí Viễn được giáo dục bậc cao, cũng không hoàn toàn tin tưởng vào những châm ngôn ấy, nhưng vì cha hắn, nên hắn vẫn quyết định muốn hoàn thành tâm nguyện cuối cùng này của cha mình. Vì vậy hắn lại đi đến huyện một chuyến, đợi trong tiệm net hai, ba ngày, ngoài ăn cơm uống nước và đi nhà nhỏ, hắn không hề bước ra ngoài, sau cùng, thông qua QQ của một người quen trên tỉnh lị, hắn liên hệ được với một cô gái bằng lòng đẻ mướn.

Trí Viễn không muốn cha hắn chết không nhắm mắt, nhưng mà hắn….

Không thích nữ giới!

Cho nên, chỉ có thể tìm người đẻ mướn.

Cô gái kia là một dân quê xuất thân ở Quý Châu, do không chịu nổi bần cùng nên mới làm công việc này. Dáng người cô trông cũng được, 23 hay 24 tuổi gì đó, lần đầu đẻ mướn, lý lịch trong sạch.

Khi hai người gặp nhau, Trí Viễn đã chỉn chu cô gái nọ một lượt để trông ra dáng sinh viên một chút, sau đó mang cô trở về ra mắt cha, nói dối ông rằng là bạn gái quen trong trường, tỏ ý sẵn lòng kết hôn ngay.

Con trai muốn lấy vợ, người cha đang cận kề cái chết như ông đây mừng rỡ và được an ủi biết bao, tức khắc tìm bà mối chọn ngày giờ. Dân quê tin vào thuyết pháp xung hỉ, quả nhiên, cha Trí Viễn vừa nghe tin hắn muốn cưới xong, sức sống lại nâng cao chút ít.

Sau kết hôn giả một tháng, Trí Viễn đưa cô gái nọ đến bệnh viện lớn ở tỉnh làm thụ tinh nhân tạo, để cô gái nọ thành công mang thai hai đứa con của hắn.

Sở dĩ phải thụ tinh nhân tạo, là vì ba đời nhà họ Điền đều là con một, bắt đầu từ thời ông nội hắn đã là độc đinh*. Thời điểm tám năm trước bên kế hoạch hoá gia đình quản rất gắt, sau khi mẹ hai sinh cho chồng trước của bà một nam một nữ xong, đã bị liên hiệp hội phụ nữ địa phương ép buộc đặt vòng, bởi vì vậy mà khi bà gả cho cha Trí Viễn, đã không thể sinh con được nữa.

*: con trai một

Trí Viễn nghĩ rất đơn giản, dù gì cũng làm rồi, vậy thì dứt khoát lấy hai đứa luôn đi. Hai đứa trẻ cùng lớn lên, sau này cũng có thể săn sóc lẫn nhau, không như hắn, một khi cha mẹ đã không còn, thì trên đời này chỉ còn lại một mình hắn, khi cô đơn, đến một người anh chị em để tâm sự cũng không có.

Lúc con ra đời, lại chính là ngày cha Trí Viễn mất.

Trong một thoáng ấy, Điền Trí Viễn như đã nếm trải hết mọi thăng trầm trong một đời người.

Sau tiệc trăm ngày của con, hắn cho cô gái nọ một khoản tiền cuối cùng, để cô ra đi, kí hợp đồng thề sau này không xuất hiện trước mặt hắn lần nữa, lại càng không xuất hiện trước mắt hai đứa con.

Nói về tình, Trí Viễn làm như vậy với cô gái nọ là hết sức tàn nhẫn, dù sao thì con cũng là do cô sinh ra, không cho mẹ con cô gặp mặt nhau, với cô mà nói nhất định rất đau đớn. Nhưng Trí Viễn lại là người rất tỉnh táo, nếu như khi đó hắn không xử lý dứt điểm chuyện này, mai sau không chừng hắn sẽ gặp phải rất nhiều phiền phức không đáng có.

Cô gái nọ cũng coi như biết giữ chữ tín, dù đáy lòng có luyến tiếc hai đứa con thế nào, cuối cùng cũng rời khỏi Nguyên Thủy Trấn mà không hề quay đầu lại.

Tư tưởng dân quê thường bảo thủ, vì không để cô gái nọ mang trên lưng cái danh vứt chồng bỏ con, Trí Viễn đã nói với bên ngoài rằng mình có tình khác, không còn cảm giác gì với người trong nhà kia nữa, nên mới ly hôn, gánh mọi trách nhiệm lên trên người mình.

Nhưng trên thực tế, người Nguyên Thủy Trấn ai cũng chưa từng thấy Trí Viễn có qua lại với những cô gái khác.

Thế nhưng tất cả chuyện này, người ngoài, kể cả người cha đã mất của hắn chẳng có ai biết rõ, trên trời dưới đất, cũng chỉ có hắn và mẹ hai hắn rõ ràng.

Khi đó Điền Trí Viễn bị nhà trường gạch tên, nhưng lại bảo với mẹ hắn là mình chỉ tạm nghỉ học, muốn ở nhà một lòng săn sóc cho cha. Đừng nhìn mẹ hai hắn là phụ nữ quê mùa, thật ra bà không hề dễ gạt một chút nào. Mặc dù Trí Viễn không phải con đẻ của bà, nhưng bà đã nuôi hắn từ hồi mới 2 tuổi, tính ra cũng chẳng khác ruột thịt là bao, về tính nết của hắn, bà có lẽ tương đối hiểu rõ.

Khi bé Trí Viễn rất hiểu chuyện, làm việc cẩn thận, có chủ kiến, bụng dạ lại khoan dung, hắn không hi vọng bản thân mình giống như cha hắn – ở mãi trong cái xó hẻo lánh này cả đời, nên cho dù hắn học trung học trong một ngôi trường kém chất lượng ở huyện, hắn vẫn rất cố gắng thi đậu vào một trường Đại học trên tỉnh.

Khi ấy bỏ ra biết bao mồ hôi mới đổi lấy được cơ hội, giờ đây chỉ cách ngưỡng cửa nhận bằng tốt nghiệp một bước chân, Trí Viễn xưa nay suy xét sự tình nghiêm cẩn, có thể nào qua loa mà cho ra quyết định tạm nghỉ học?

Hơn nữa, mẹ hai cũng đã từng hỏi thăm, rất nhiều sinh viên sau khi đã học đến năm tư đại học, phần lớn thời gian đều tìm cơ quan hoặc công ty nào đó để thực tập, căn bản không cần phải mỗi ngày đều tới trường báo danh, thời gian hết sức dư dả. Cho dù Trí Viễn muốn trở về săn sóc cha hắn, thì với khoảng thời gian rộng rãi kiểu như vậy, hoàn toàn không cần phải tạm nghỉ học đến một năm.

Mẹ hai tới gặp Trí Viễn, lôi cha Trí Viễn ra để buộc hắn nói rõ ràng mọi chuyện.

Khi biết Trí Viễn vậy mà lại bị nhà trường gạch tên, nơn nữa lý do còn là vì thích một bạn học nam và bị người ta tố cáo, mẹ hai suýt nữa thì ngất lịm.

Dân quê chất phác bảo thủ đã khi nào nghe nói tới cái chuyện khác thường này, mẹ hai giận đến độ giương cao tay, một bạt tai suýt nữa thì hạ xuống mặt Trí Viễn, nhưng ý nghĩ “Nó không phải con ruột của mình” lại chợt hiện lên, bàn tay nọ lại rụt trở về.

Trong một khoảng thời gian khá dài, mẹ hai không nói chuyện với Trí Viễn, cũng không cho hắn săn sóc cha mình, tóm lại là, bà buồn rầu lo âu và tức giận một mình. Đứa bé mà mình coi như con ruột mà nuôi kia, lại là quái thai thích đàn ông. Cũng may tính tình bà dịu dàng tốt bụng, mới không chửi mắng, không châm ngòi trước mặt cha hắn, mà lặng lẽ giúp hắn giấu diếm chuyện này.

Sau đó cha Trí Viễn nói, ông không trông thấy con trai lấy vợ sinh con thì sẽ chết không nhắm mắt, nhờ vào việc này mà thúc đẩy hai mẹ con làm hòa, bàn bạc với nhau làm cách nào để ông cụ có thể an tâm trước khi chết.

Lúc bấy giờ mới có chuyện kết hôn giả và đẻ mướn.

Cô gái nọ đi rồi, hai đứa con do một tay mẹ hai nuôi nấng, khi ấy hắn cũng không nhiều nhặn gì, mới 23 tuổi mà thôi, bản thân không đủ chín chắn, làm sao mà biết cách chăm con chăm cái. Vì hai đứa con này mà mẹ hai coi như là hết lòng hết dạ, về sau hắn có tiền, bèn tìm bảo mẫu cho nhà, cùng giúp mẹ hai hắn chăm lo gia đình con cái.

Nhưng từ ngày hai đứa nhỏ lớn dần, cái tính nghịch ngợm ưa gây sự cũng dần dà hiển hiện ra, nhất là đứa con trai Hâm Hâm, lưu manh con điển hình. Còn con gái Nữu Nữu thì tuy có tốt hơn chút đỉnh, nhưng cũng chẳng phải cái loại đơn giản gì, là một con quỷ nhỏ trời sinh, ngoài mặt dịu ngoan mà thực chất bên trong xấu xa vô cùng. Nhất là ba năm gần đây, bảo mẫu hết đến rồi đi, hoàn toàn không có ai đeo đuổi vượt quá ba tháng.

Trí Viễn nghĩ đến đây mà đau cả đầu.

← Xem lại

Xem tiếp


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.