Bà bác ruột vừa nhắn: “Lúa chín rồi, về gặt không con?”, tôi chưa kịp thu xếp công việc thì cơn bão đã tràn đến. Suốt mấy ngày mưa rình rịch, nằm nghe mưa xối trên mái tôn, biết chắc bác ở quê cũng sốt ruột chẳng kém tôi. Trung tâm Hà Nội không đến nỗi ngập lụt như nhiều người lo, thương nhất những cây sưa bị “cắt khúc”, phải “chết đứng” khi thân cành vẫn treo lủng lẳng trên đám dây dợ. Nhưng Hà Nội cũng được bao bọc, xen kẽ bởi những cánh đồng, bão đã tan nhưng mưa vẫn nối tiếp, vì thế nhiều vùng trũng lúa vẫn ngập mênh mông trong biển nước.
Thế mới biết, dù máy móc khoa học có tiến bộ đến đâu, người nông dân vẫn phải phụ thuộc vào tính may rủi của thời tiết nhiều quá. Cuối tuần về quê, cả làng đang tất bật “cứu lúa”. “Không nhanh, cứ coi như là mất trắng tay”, chị dâu tôi, lội đến ngang ngực, vươn liềm cắt những đọn lúa sũng nước chuyển cho tôi, bảo thế. Mấy ông “máy tuốt” đã chờ sẵn, từng đon lúa bỏ vào, lát sau đã thấy thóc tuôn rào rào đằng trước, rơm vàng từng đống bay về phía sau. Bác tôi vục đôi bàn tay xù xì chai sạn vào từng tải thóc, đưa lên miệng cắn thử rồi gật gật. “May mà có các “ông” này, chứ mang về đắp đống, đập lúa như ngày xưa rồi mới phơi thì mục hết”. Trên những thửa ruộng cao, nước đã rút, những chiếc máy gặt chỉ vòng qua vòng lại vài đường là đã sạch trơn, thóc thu về, còn rơm rạ băm nát nhừ, lại rải xuống ruộng để làm phân bón cho mùa sau. Khắp cả cánh đồng, người cắt người tuốt, người chở lúa, người nói chuyện, dù có chút buồn vì thời tiết chẳng thuận lợi, nhưng cánh đồng mùa gặt vẫn vang lên những âm thanh rộn rã.
Bác tôi bảo: “Nhà mình có người còn đi gặt, chứ làng mình khối nhà đã thuê toàn bộ, nhàn lắm. Mua mạ, thuê cấy, thuê tát nước, thuê gặt, thuê tuốt lúa, thuê cả xe công nông, xe bò chở về tận nhà. Công gặt ngày thường chỉ 100 nghìn, ngày mưa bão này lên đến 150 nghìn, công chở cũng 50 nghìn, tính đi tính lại, có khi tiền thuốc chả bõ tiền thang. Thế nhưng chẳng ai bỏ ruộng đâu…”.
Nhìn màu vàng trải dài ra đến tận chân trời, nhìn những ô thóc óng ả chạy dọc theo con đường làng, nhìn những đứa trẻ chạy nhảy nô đùa trong đống rơm vàng, chợt tôi như thấy lại mình của mười mấy năm về trước. Khi ấy, mỗi mùa hè chúng tôi lại được về quê vài tháng để gần họ hàng và biết thế nào là lao động vất vả như mẹ tôi vẫn nói.
Ngày ấy, gặt lúa đồng nghĩa với nhọc nhằn, dù là cái nhọc nhằn được mong đợi, thậm chí mong đợi trong hồi hộp, sợ ông trời bỗng dưng nổi giận thì công sức trở thành trắng tay. Vì thế, khi lúa vừa chuyển sang vàng chanh, khi cả làng mới chỉ mang liềm đi “đánh trấu” để cho sắc, chuẩn bị quang gánh, sân phơi thì bác đã hối các anh chị ra ruộng. Tôi chưa phải làm ruộng bao giờ, nhưng cũng lăng xăng chạy theo, giúp được khối việc.
“Xanh nhà còn hơn già đồng”, bác bảo vậy, chúng tôi phụng phịu nghe lời. Nhưng sau rất nhiều lần, khi nhà bác tôi vừa đóng lúa cất kho, thổi nồi cơm mới dẻo thơm, ăn với cá kho thì bão nổi đùng đùng, cả làng hối hả chèo xuồng đi chở lúa, chúng tôi mới thấy bác có lí. Cả cuộc đời gắn với đồng ruộng, phấp phỏng trông trời trông đất trông mây, bác tôi đã tự trang bị cho mình cái tính cẩn thận, chỉ chắc mình có những gì khi đã nắm chặt trong tay. Bác vẫn bảo chúng tôi, trồng lúa nhọc nhằn hơn trồng chữ, phải cố mà học hành để thoát khỏi kiếp chân lấm tay bùn. Nhưng rồi, hễ chúng tôi đi khỏi cánh đồng làng lâu lâu bác lại sợ chúng tôi quên gốc gác quê mùa, sợ chúng tôi bay mất mùi rơm rạ đã thấm sâu vào da thịt bao lâu. Mùa đỗ thì bác gửi đỗ, mùa hành gửi hành, cả củ khoai lang, quả cà chua bác cũng nhắm nhe để phần cho chúng tôi. Và mỗi mùa gặt, bác gọi tôi về cũng là vì lẽ ấy.
Mùa gặt tuổi thơ tôi là những kí ức đầy mồ hôi, là những phút giải lao vồ cào cào châu chấu nướng ăn bằng rơm mới tại đồng mê mải, là những lúc nhảy cẫng lên khi bắt được tổ trứng chim cuổng, chim ngói, cả những khi đốt khói cay chảy nước mắt để hun những chú chuột đồng ăn thóc béo mẫm mầm, là những đêm trăng đập lúa thập thùm và chơi trốn tìm cười nắc nẻ trong đống rơm thơm mùi nắng mới. Bây giờ, với những đứa trẻ quê tôi, mùa gặt cùng lắm chỉ là một khung cảnh lạ hơn thường ngày, để nhúc nhắc cào thóc cho đỡ buồn chân tay, hay chạy nhảy tâng tâng trên những vạt rơm vàng. Trẻ con ở quê giờ cũng chẳng khác ở phố là bao, chỉ cắm đầu vào học và học, học quanh năm chưa đủ, học hết cả những tháng nghỉ hè. Nhiều đứa không thể phân biệt nổi ngan với vịt, chẳng hề biết con đỉa, con sâu, chân tay trắng trẻo, mặt mũi thông minh, so với chúng tôi ngày xưa thì sung sướng, nhàn nhã, đầy đủ hơn nhiều. “Rồi chúng cũng lần lượt bỏ ruộng mà đi thôi”, lại là bác tôi chép miệng. Mùa gặt về quê, vì thế lắm nỗi vui mà cũng chẳng ít sự buồn.