Mùa Hoa Thứ Hai Mươi Tư

Chương 23-2: Ngoại truyện 1: Châu liên bích hợp (4)



Đêm đó, mưa liên miên chẳng dứt, ta đã chẳng còn nhận ra đâu là nước mưa, đâu là nước mắt của mình, cũng không biết đâu là tiếng mưa gõ trên mái ngói, đâu là tiếng trái tim mình nát vụn.

A ca không ngừng thì thầm bên tai ta, lúc thì nói lời nhu tình mật ý, khi lại kể chuyện ngày xưa.

Trong cơn chết lặng người mặc a ca dày vò thể xác, ta mơ màng nhớ tới những ký ức tưởng chừng đã xa xăm năm đó.

Những tháng ngày hạnh phúc nhất đời ta, có lẽ là quãng thời gian mười bảy năm trước khi xuất giá. Lúc đó, ta có phụ mẫu yêu thương, có a ca cưng chiều, quả thực chẳng khác gì một tiểu công chúa.

Trong nhà ta, ta là người kém cỏi nhất. Thường nghe mọi người tán dương Thẩm gia ta một nhà phụ tử lưỡng Thám hoa, ai cũng tài hoa phong nhã, chỉ có ta lại rất tầm thường, đã không xinh đẹp như a nương, cũng chẳng thừa hưởng được trí tuệ của bà. A nương ta thuở trẻ mỹ lệ kiều diễm, học rộng hiểu nhiều, thuộc làu cổ kim kinh sử, ai gặp đều khen có phong phạm đại gia khuê tú. Thế nhưng người ngoài gặp ta, kẻ lễ độ lắm thì cũng chỉ miễn cưỡng khen một tiếng “tiểu gia bích ngọc”, rõ ràng cách nhau rất xa.

Ta thường cảm thấy mình giống như đứa trẻ được nhặt về bên vệ đường, mỗi lần a cha nghe vậy đều đen mặt lại, nghiêm giọng bảo ta không được nói linh tinh. Nhưng mà ta thực sự chẳng kế thừa được điểm tốt nào từ phụ mẫu.

A ca lại khác hẳn. A ca giống hệt a cha, thậm chí còn giống người hơn đại a ca. Bốn tuổi a ca đọc thuộc Thiên Tự kinh, năm tuổi lại học tới Kinh thi, sáu tuổi đọc hết ba trăm bài Đường thi, bảy tuổi biết bình Tống từ, tám tuổi đọc xong Tứ thư Ngũ kinh. Lão phu tử luôn xuýt xoa khen ngợi, cho rằng tương lai a ca có lẽ sẽ còn rạng rỡ hơn đại a ca. Năm mười lăm tuổi, a ca đỗ Giải Nguyên Tô Châu, ai cũng kỳ vọng huynh ấy sẽ trở thành Trạng Nguyên. Nào ngờ, sau đó, a ca lại không lên kinh thi tiếp, nhất quyết chẳng đi đường thi cử công danh, lại theo nghiệp kinh thương.

Thuở ấy, ta thường lấy làm khó hiểu, hỏi:

“Tại sao a ca lại không noi theo đại a ca tham gia khoa cử? A ca giỏi như vậy, nhất định sẽ là tân khoa Trạng Nguyên!”

Bấy giờ, a ca đang ngồi tính sổ sách, không ngại ta phiền phức, còn mỉm cười kéo ta vào lòng, cười đáp:

“Người đời ai cũng nói sĩ nông công thương, thương nhân thấp kém nhất, khinh thường thương nhân mình đầy hơi tiền. Thế nhưng có mấy ai thực sự xem tiền tài như cỏ rác chứ? Bây giờ triều đình rối ren, các vị hoàng thân quốc thích không ngừng tranh đoạt, vào triều làm quan ắt phải lún sâu trong vũng nước đục này, chẳng bằng làm một đại phú thương ở Tô thành non xanh nước biếc này, xa kinh sư, xa đế vương, chiến tranh không lan tới, nội loạn chẳng lo chi, ai có tiền trong tay là kẻ lớn nhất, tri huyện tri phủ gặp ta cũng phải nể nang mấy phần. A Bích cảm thấy như vậy không tốt sao?”

Ta chẳng hiểu ra sao, ngẩn ra một lúc, mới nhoẻn miệng cười, nói:

“Rắc rối quá, A Bích không hiểu lắm, nhưng mà muội tin a ca làm gì cũng đúng. Dù gì a ca cũng thông minh hơn A Bích mà.”

A ca nhéo nhéo má ta, tủm tỉm cười bảo:

“A Bích không cần hiểu những chuyện này làm gì. Có a ca đây, vi huynh sẽ che chở muội bình yên cả đời.”

Ta xị mặt xuống, ủ rũ hỏi:

“A ca có cảm thấy A Bích ngu ngốc lắm không? Trong nhà mình ai cũng thông minh, chỉ có A Bích là kẻ ngốc.”

A ca khẽ hôn lên trán ta, dịu dàng an ủi:

“A Bích không ngốc, chỉ là quá đơn thuần mà thôi. A ca chỉ mong có thể che chở cho muội được đơn thuần cả đời, không cần hiểu những chuyện nhân tình thế thái đa sự đa đoan này, há chẳng phải cũng là phúc phận hay sao?”

Ta đang vui vẻ, bỗng chợt đẩy nhẹ a ca ra, nói:

“A Bích đã trưởng thành rồi, a ca đừng làm vậy nữa. A nương nói, tuy rằng chúng ta là huynh muội ruột thịt, nhưng mà cũng không được thân mật quá mức…”

Đáy mắt a ca hơi tối đi, nhưng cũng chẳng ép buộc ta, chỉ khe khẽ thở dài. Ta nghĩ, khi ấy có lẽ a ca hụt hẫng lắm, nhưng vẫn không nỡ trách ta nửa lời.

A ca trong ký ức ta quả thật quá đỗi đẹp đẽ, cho nên bây giờ nhớ lại mới đau lòng đến thế, còn đau lòng hơn cả lúc ta hay tin trượng phu đã bị hành hình.

Còn nhớ, lúc nhỏ ta rất thích xem hí kịch dân gian. Trong nhà, a cha và a nương chỉ thích nghe Côn khúc cao nhã, khinh thường hí kịch dân gian dung tục. Nhưng mà thứ nhạc cao nhã kia ta lại nghe không hiểu, mỗi lần nghe đều phải giở sách tra điển cố, quả là phiền phức! Vì vậy, ta không thích xem Côn khúc trong Lê viên của Thẩm phủ, thường lẻn ra ngoài xem gánh hát diễn hí kịch truyền kỳ. Nào là Bạch nương tử vĩnh trấn Lôi Phong tháp, nào là Lương Chúc mười tám lần tiễn đưa,… ta xem đến say mê. Phụ mẫu không cấm cản ta, nhưng không bao giờ đi xem cùng ta, chỉ có a ca lần nào cũng theo cùng, chưa từng than thở chán ngán.

Sau này, ta vừa tròn mười ba tuổi, a ca đột nhiên không cho ta ra ngoài xem kịch nữa, lại cho xây một Thính Vận hiên ở mái Tây Thẩm phủ, thuê một gánh hát đến ở đó, ngày ngày diễn cho ta xem. Ta nhìn khắp gánh hát, trên dưới trong ngoài đều là nữ, tiểu sinh, lão sinh đều do nữ đóng giả thành nam.

A ca bảo:

“Gánh hát này đến từ vùng Thiệu Hưng, nơi đây có loại kịch du dương dễ nghe, diễn toàn những chuyện tài tử giai nhân, cả vai sinh lẫn đán đều do nữ tử diễn, lại càng thêm phần nhu nhã uyển chuyển, a ca thấy rất thích hợp với muội.”

Lúc đó ta cũng tin là thật, dù gì gánh hát này hát rất hợp tai ta, cũng chẳng suy xét nhiều làm gì.

A ca vốn là người văn tài uyên bác, lại vì ta chắp bút viết những vở kịch dân gian, để gánh hát kia diễn cho ta xem. Kịch do a ca viết đều vô cùng hợp ý ta, chẳng những nhã nhặn nên thơ, lại rõ ràng dễ hiểu, chẳng cần phải đau đầu suy nghĩ.

Có lần, mấy người bạn đồng môn của a ca đến phủ chơi, ghé lại xem kịch, vừa biết những vở này đều do a ca viết, ai nấy đều nhìn a ca, đầy vẻ kinh ngạc. Có người hỏi:

“Thẩm huynh vốn là người văn nhã, sao có thể viết loại kịch dung tục thế này chứ?”

Họ mắng thứ mà ta thích xem là dung tục, ta giận lắm. A ca chỉ từ tốn đáp:

“Tiểu muội thích xem kịch, tại hạ bèn viết cho muội muội mấy vở hợp ý. Sở thích của tại hạ vốn dĩ đã dung tục, tài thô học thiển, quả thật không sánh bằng các vị tài hoa uyên bác.”

A ca đỗ Giải Nguyên, áp trên bọn họ một đầu, nói như vậy rõ ràng có ý mỉa mai, các vị công tử kia nghe xong đều xanh mặt lại, từ đó không còn tới phủ bái phỏng nữa.

A ca không hề để tâm lời bọn họ nói, vẫn đều đặn viết kịch mới cho ta xem.

Có ngày nọ, ta bỗng nổi hứng muốn tự mình diễn, kéo theo a ca, cùng hát vở Lương Chúc.

Ta vung cao trường thủy tụ (1), hát:

“Nếu như Anh Đài là nữ hồng trang, Lương huynh có nguyện xứng uyên ương chăng?”

A ca mặc vào trang phục Lương Sơn Bá, quả là một thư sinh như ngọc. A ca nhìn ta, mỉm cười cất giọng hát:

“Chỉ nguyện khanh tâm tự ngã tâm, định bất phụ tương tư ý.” (2)

Giọng của a ca thanh như suối chảy, ấm như noãn ngọc, nghe vô cùng thư thái dễ chịu. Ta ngẩn ra một lúc lâu, đến khi quay về phòng mới chợt tỉnh táo ra, níu tay áo a ca, hỏi:

“Không đúng, a ca hát sai lời rồi, trong kịch không có câu đó.”

A ca dường như bất lực lắm, cốc nhẹ vào trán ta, khẽ mắng:

“Nha đầu ngốc.”

Lúc đó, ta chỉ cảm thấy a ca thật vô lý, rõ ràng huynh ấy hát sai lời, lại còn mắng ta ngốc, rõ ràng là bắt nạt ta mà!

Năm nọ, a ca mười sáu tuổi, ta nghe thấy a cha bàn với a nương chuyện cưới thê tử cho a ca. Hai người xem xét rất nhiều tiểu thư danh môn gia giáo trong thành, cuối cùng chọn được vài người, bảo rằng sẽ đưa cho a ca xem thử.

Ta hỏi thị nữ:

“Nam nhân cưới thê tử rồi thì sẽ làm gì?”

Thị nữ hầu cận đỏ bừng mặt, lí nhí đáp:

“Tất nhiên là… cùng giường chung chăn, phu thê ân ái, cầm sắt hòa minh…”

Chẳng rõ vì sao, ta lại cảm thấy buồn bực. Người thân thiết với a ca nhất, được a ca cưng chiều nhất vốn là ta, bây giờ lại sắp có kẻ đến thay thế, lòng ta rất không vui.

Đêm ấy, ta lại lẻn vào phòng của a ca, nhào vào lòng a ca làm nũng, khóc nói:

“A ca đừng cưới thê tử, được không? A ca cưới thê tử rồi sẽ không thương A Bích nhất nữa. A cha thương a nương nhất, a nương thương a cha nhất, trong nhà chỉ có a ca thương A Bích nhất thôi… A ca đừng cưới thê tử, chúng ta cứ sống bên nhau cả đời như vậy không tốt sao?”

A ca dịu dàng lau nước mắt cho ta, rồi mỉm cười, nói:

“A Bích ngốc, a ca không thương muội thì thương ai chứ? A Bích không thích a ca cưới thê tử thì a ca không cưới, nhưng mà… Sớm muộn gì A Bích cũng sẽ xuất giá, làm sao có thể ở bên vi huynh cả đời đây?”

Nói đến đây, giọng a ca đượm buồn. Ta lập tức quệt nước mắt, nhoẻn miệng cười, nói:

“A Bích không xuất giá, a ca không cưới thê tử, hai chúng ta cứ ở bên nhau như thế cả đời, không được sao?”

A ca thoáng ngẩn ra một lúc, sau đó nhẹ ôm ta vào lòng, bảo:

“Được, tất nhiên là được.”

Khi ấy, ta chỉ là đứa trẻ ích kỷ, nào ngờ một lời nói của mình lại hóa thành lời nguyền, hại a ca nhớ mãi không quên cả đời.

Đến lúc ta trưởng thành, lời hứa năm xưa đã sớm quên mất, vui vẻ gả cho Hán vương. Ta nào biết, hóa ra a ca vẫn không thể thoát khỏi lời nguyền năm đó.

Ta đau lòng như vậy, vì bản thân mình chỉ một phần, còn chín phần là vì a ca.

A ca thành ra thế này, đều là lỗi của ta.

Ta chỉ mong, nếu trời cao có trừng phạt tội bất luân, xin hãy trừng phạt một mình ta. Mọi tội lỗi của a ca, ta cam nguyện gánh chịu.

Cho dù phải xuống hỏa ngục, vào vạc dầu, ta cũng cam lòng.

….

*Chú thích:

(1) Trường thủy tụ: ống tay áo dài đặc trưng của hí kịch truyền thống Trung Quốc, khi trình diễn có thể vận dụng kết hợp với động tác.

(2) Lấy ý từ bài “Bốc toán tử” của Lý Chi Nghi, tạm dịch: Chỉ mong lòng nàng như lòng ta, quyết không phụ ý tương tư.

*Tác giả: Việt kịch ra đời muộn hơn rất nhiều, nhưng dù gì bối cảnh truyện cũng là Tấn triều giả tưởng nên mình thích thì mình cho vào thôi. (. ❛ ᴗ ❛.)

A Bích giống như con vịt xấu xí trong bầy thiên nga í nhỉ. (︶︹︺)


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.