Mẹ Hoài An đang ngồi xổm giặt quần áo, giọt mồ hôi lấm tấm rơi trên khuôn mặt hao gầy của bà. Đường nét trên mặt bà rất hài hòa, mày mảnh cong hình lá liễu, đôi mắt to tròn và môi nhỏ nhắn phớt hồng. Nếu nhìn kỹ thì không khó để đoán ra khi còn trẻ bà là một cô gái xinh đẹp. Thế mà năm tháng không tha cho một ai, sự khắc khổ đã khiến làn da của bà sạm đi, từ cô gái xinh xắn trở thành người phụ nữ lam lũ, khổ nhọc.
Không gian nhà vệ sinh vừa nhỏ vừa bí bức, ánh đèn nơi phòng bếp ảm đạm chỉ chiếu đến một góc của căn phòng, phần còn lại bị bóng tối bao trùm.
Trái ngược với tiếng chà đồ ở gian dưới, phòng khách ở trên thì rất yên ắng, lâu lâu chỉ có tiếng lật vở của người anh đang ngồi học dưới bóng đèn bàn nhỏ.
Hoài An đứng ngoài cửa, nửa bước cũng không dám vào. Cậu không biết phải nói thế nào với mẹ và anh, nên chần chừ từ nãy đến giờ.
Anh hai cậu đang viết bài tập bỗng ngẩng đầu nhìn ra cửa, thấy em mình đứng loay hoay ở đó thì lên tiếng hỏi: “Sao em không vào nhà?”
Ánh mắt cậu hơi lo sợ, không dám nhìn vào anh, cố gắng tỏ vẻ bản thân rất bình tĩnh mà nói: “Dạ, em vào ngay đây.”
Đôi dép nhỏ được cậu bé xếp dọn trong kệ giày, hít một hơi thật sâu, cậu đi lại gần nắm áo anh mình: “Anh ơi…”
Anh hai quay sang nhìn cậu: “Sao vậy em?”
“Trên trường có mở lớp học năng khiếu, em muốn tham gia ạ.”
Tiếng chà quần áo vẫn còn văng vẳng ở cuối nhà xen lẫn là tiếng nước bì bõm vang lên. Người anh im lặng, ánh đèn phản chiếu hình dáng hai anh em lên bức tường, nom nhỏ bé và yếu ớt đến thế.
“Vậy để anh nói chuyện với mẹ nhé, em đi thay đồ đi.”
“…”
Không biết cuộc nói chuyện rì rầm bắt đầu từ khi nào và kết thúc ra sao, chỉ biết rằng hôm sau, anh cậu đã dẫn cậu đến lớp năng khiếu của trường để đăng ký.
Trường C tạo điều kiện cho tất cả học sinh trong trường, vì thế giá tiền cho khóa học năng khiếu không quá mắc so với bên ngoài. Điều này vượt ngoài dự tính của hai anh em, lúc này khuôn mặt căng thẳng của anh cậu mới bắt đầu bình tĩnh trở lại.
Sau khi đăng ký lớp thành công, hai anh em lại chở nhau lên trấn trên mua đồ dùng cho lớp mỹ thuật. Chiếc xe đạp cọc cạch của mẹ vì chở thêm cậu bé mà kêu to hơn, nó đã cũ kĩ quá rồi, mẹ cậu từng đem đi sửa nhiều lần, tiền sửa có khi còn nhiều hơn tiền mua.
Anh cậu cầm đống họa cụ bọc lại thật kỹ, rồi nhét vào giỏ xe đạp được gắn ở phía trước, lúc quay đầu, thấy cậu bé đang mải nhìn chiếc xe kem gần đó, bèn hỏi nhỏ: “Đầu kia có kem, em có muốn ăn kem không?”
Cậu bé lo lắng nhìn bọc họa cụ, rồi nhìn anh mình: “Có, nhưng em sợ mình không đủ tiền.”
Số tiền mua họa cụ rất nhiều, có vài tờ tiền cậu chưa nhìn thấy bao giờ, nhưng cậu cũng lờ mờ đoán rằng nó có giá trị rất lớn, nếu biết học vẽ tốn tiền như vậy, cậu sẽ không học nữa.
Anh hai bình tĩnh chống xe, dặn dò cậu phải đứng ở đây trông xe, còn mình thì chạy lại phía xe kem.
Lúc trở lại, anh cậu cầm theo cây kem mát lạnh đưa cho cậu, dặn dò: “Ăn nhanh lên, không chảy hết đấy.”
Nhìn vào cây kem duy nhất, cậu hỏi: “Anh ơi, anh không có kem hả?”. Ngôn Tình Hay
“Người lớn không thích đồ ngọt.”Nói xong thì bắt đầu đạp, tiếng xe cọc cạch vang lên, bánh xe xoay vòng, chạy trên con đường về xóm nhỏ.
Về đến nhà, anh cậu dựng xe, nhìn em trai mình, nghiêm mặt dặn: “Đăng ký lớp cho em là để em phát triển bản thân, em không được vì ham mê nó mà bỏ bê việc học trên trường, nghe chưa?”
“Vâng!”
Ánh mắt cậu bé sáng lấp lánh tựa vì sao trên trời cao, mi mắt cong lên, cậu nhoẻn miệng cười, nụ cười trong sáng và pha chút hồn nhiên của tuổi thơ.
“…”
“Vậy là mày đã đăng ký vào lớp bồi dưỡng năng khiếu một mình hả?” Khôi Vĩ trợn mắt nhìn bạn mình.
“Sao mày không rủ tao đăng ký chung? Sao mày học một mình thế?”
Thằng bé có vẻ chưa hết bất ngờ, các câu hỏi liên tiếp cứ thế bị tung ra.
“Từ từ, mày muốn tao trả lời câu nào?”
Thanh Mai đứng bên cạnh tốt bụng trả lời câu hỏi đầu tiên của nó: “An học chung với mình mà.”
Thằng bé tội nghiệp cực kỳ sốc khi nghe tin này: “Mày bỏ tao? Mày là đồ có mới nới cũ!”
“…” Oan quá, cậu cũng vừa mới biết Thanh Mai đăng ký lớp hội hoạ mà.
Nhóc Chí Uy còn đâm nó thêm một dao: “Nghe nói, học thêm năng khiếu, đặc biệt là hội họa có thể phát triển tư duy sáng tạo.”
“Giờ…giờ đăng ký còn kịp không?”
Lúc này Hoài An nhìn nó, thương xót nói thêm: “Hôm qua là hạn cuối.”
Khôi Vĩ: “…” Đồ ăn mảnh.
Thanh Mai nhìn nó tội nghiệp quá, giở giọng an ủi: “Bên lớp võ chưa hết hạn đăng ký đâu, con trai mà, phải học võ để mạnh mẽ, sau này còn bảo vệ người khác!”
Nghe nói đến việc học võ, thằng bé nghĩ ngay đến việc đánh nhau như phim chưởng mà nó hay xem mỗi tối, nghe thì cũng hay đấy, nhưng mà…: “Tớ phải học một mình hả?”
Đã quen có nhóm bạn đi cùng, giờ phải tự lập nên cảm thấy không an toàn, Khôi – chim non – Vĩ mong muốn tìm kiếm đội nhóm để được bảo kê.
“Lớp võ còn hạn đăng ký, nghe nói là do thiếu học sinh, sáng nay tớ mới đăng ký rồi, nếu chiều cậu ghé văn phòng, có khi chúng ta sẽ được chung nhóm.” Chí Uy nhẹ nhàng nói, nhóc còn giơ tay chỉ về hướng văn phòng như sợ bạn mình không nhìn thấy.
“Thật?” Hai mắt thằng bé tỏa sáng, nhìn về hướng văn phòng đăng ký.
“Ừ, nhưng nhớ phải trong hôm nay nhé, ngày mai hết hạn rồi.” Chí Uy bình tĩnh nhìn nó, tay nhóc giơ lên nhìn thời gian, thấy sắp vô tiết nên chào bạn mình rồi đi vào lớp.
Ba đứa còn lại cũng giải tán.
Nhờ bước đệm vào giờ ra chơi mà sau khi tan học lũ trẻ được xem một màn khóc lóc inh ỏi của Khôi Vĩ.
“Mẹ đăng ký cho con đi! Con phải học võ!”
Bác gái cố gắng giải thích với nó: “Lỡ con gãy tay gãy chân thì sao? Học cái đó nguy hiểm lắm!”
Cậu đứng từ xa nhìn, chỉ thấy hai mẹ con cự nhau ngoài cổng trường một lúc. Cuối cùng, vì không chịu nổi, bác gái đành buông xuôi, để nó kéo vào văn phòng đăng ký lớp.
“Nếu tớ mà có đứa con như Vĩ, thì xác định hôm sau khỏi đến trường.” Thanh Mai từ đâu đi ra, nhận xét.
“Vì sao?”
“Đánh cho khỏi lết!” Cô bé gằn giọng nói.
“…”