“Cho tớ á?”
Mắt Hoài An mở to, miệng hơi hé mở bày ra biểu cảm không thể tin được. Không rõ mấy tấm thẻ này giá trị thế nào, nhưng nhìn thấy Khôi Vĩ nâng niu như thế cậu cũng đoán được rằng chúng rất mắc.
Chí Uy mỉm cười xác nhận: “Ừ cho cậu.”
Thời bấy giờ thẻ pokemon hiếm cực kỳ nổi tiếng trong đám trẻ con, đứa nào mà sở hữu được một tấm thẻ hiếm thì quý hơn cả vàng, đủ để cho đám con nít tôn sùng làm vua. Cậu cũng không ngoại lệ, cực kỳ thích những tấm thẻ đấy, thẻ hiếm mới, cứng và cực kỳ có giá trị. Khôi Vĩ cũng chỉ có vài tấm thẻ để khè bạn bè xóm trên, năm ngoái vào lúc sinh nhật cậu, nó khó khăn chia cho cậu một tấm xem như gắn kết tình bạn keo sơn bao năm với nó.
Cậu nhớ lại tấm thẻ hiếm được tặng, rồi liếc mấy tấm hôm bữa mới ăn được của Khôi Vĩ, lưỡng lự mất một hồi mới hé mắt nhìn lên bạn mình.
Hoài An: “Không lấy đâu.”
Chí Uy: “Sao vậy?”
Hoài An suy nghĩ một lát: “Thì… Mẹ tớ dặn không thể tự nhiên lấy đồ có giá trị quá được.”
Chí Uy gảy nhẹ lên tấm thẻ: “Nhưng cậu lấy thẻ của Vĩ mà.”
“Sao giống nhau được chứ.”
Môi Chí Uy mím lại, mặt hơi tối trông nhóc có vẻ không vui. Còn cậu thì chỉ chăm chú xếp lại chồng thẻ trên bàn: “Mấy tấm thẻ này phải xếp gọn lại, tớ thắng được của Vĩ mấy lá thôi, ngắm hôm nay rồi mai mang sang trả cho nó.”
Chứ không ngày nào nó cũng nhìn tớ bằng ánh mắt u uất như vừa bị mất sổ gạo. Hoài An nhớ lại kinh nghiệm đau thương của mình, âm thầm nuốt lại nửa câu sau.
Đôi mày đang chau dần giãn ra, Chí Uy đi lại gần giúp cậu cất thẻ gọn vào chỗ cũ.
Tối nay trời không quá lạnh, hai đứa nhỏ đứng trong nhà nói chuyện một lát cũng thấy chán bèn dắt nhau ra ngoài chơi gảy hình, bắn bi. Mãi đến khi người nhà ra ngoài gọi mới chịu đứng lên đi về ngủ.
Vào những ngày cận tết, không khí bên ngoài trở nên rộn ràng hơn. Hàng xóm qua lại cởi mở, thân thiện mà hỏi thăm tình hình công việc, nhà cửa của nhau. Chỉ khi vào những dịp nghỉ ngơi thế này, Ngọc Mai cũng như xóm làng mới có dịp ngồi xuống nói chuyện. Giống như bây giờ vậy, tranh thủ buổi chiều rảnh rỗi, mẹ cậu đứng ngoài cổng tám với một bác gái có dáng người mập mạp mặc một cây đồ màu đỏ từ trên xuống dưới, cả móng tay cũng sơn đỏ nốt, theo như lời bác bảo thì tết phải mặc đồ đỏ để lấy hên. Bác cất cái giọng nói sang sảng như sợ người khác không nghe thấy mà bàn chuyện mọi người xung quanh.
Bác gái: “Ôi dồi ôi, cô có biết cái nhà mới chuyển đến hồi hè không? Cái nhà đấy có đứa con trai như ông cụ non, bữa chị gặp nó thấy nó nói chuyện y người lớn.”
Ngọc Mai: “Hôm trước nó mới sang chơi với cái An nhà em này, ngoan ngoãn và lễ phép lắm, bố mẹ nó uốn nắn con từ nhỏ giỏi thật đấy.” Nói đến đây bà dừng một lát rồi hỏi nhỏ: “Mà chị gặp qua bố mẹ thằng bé chưa?”
Bác gái xua tay: “Chị chưa gặp, nhưng mà có nghe kể bố mẹ nó để nó ở lại đây với bà bảo mẫu, rồi lên thành phố S làm. Đúng là không có trách nhiệm.”
Ngọc Mai: “Thật thế á?”
Bác gái: “Chứ còn gì, từ lúc nó chuyển đến đây chị có gặp bố mẹ nó bao giờ đâu, toàn thấy bà bảo mẫu sáng tối ra ngoài đi chợ nấu cơm, hỏi cái gì cũng lắc đầu. Mà chị nghe bác Hiền bảo bố nó là làm chức gì trong nhà nước ấy, có quyền lắm, nhà cũng giàu có sao lại không đem thằng bé theo nhỉ.”
Ngọc Mai lắc đầu: “Mấy nhà đó khó hiểu lắm.”
Bác gái vẫn không muốn dừng tám chuyện, lại bẻ lái sang chuyện khác: “À đấy cô Mai có biết hôm bữa nhà bác Hiền lục đục không? Khổ thật đấy.”
Ngọc Mai: “Sao đấy chị? Em đi làm cả ngày có biết gì đâu.”
Bác gái: ” Khổ lắm cô ơi, nghe đâu ông Hoàng bên ngoài nuôi bồ nhí. Ối dồi ôi đúng là đàn ông, nhà bên đó đi suốt có ở nhà đâu. Tôi nói cô không phải chê hay gì nhưng cô cũng cẩn thận đấy, đàn ông làm xa mười thằng thì hết tám thằng nuôi bồ nhí bên ngoài rồi.”
Rồi bác gái hỏi tiếp: “Mà khi nào chú nhà cô về đấy?”
Ngọc Mai ngập ngừng một lúc mới trả lời: “Cả tháng này em chưa nhận được thư từ của chồng nữa. Chắc công việc bên đó bận lắm.”
Bác gái chống nạnh cất lên cái giọng chanh chua: “Đấy, cô xem lại đi chứ nghi ngờ lắm. Chồng cô đi xuất khẩu lao động, xa mặt cách lòng ai biết thế nào. Tôi nói chớ đọc báo thấy nhiều người qua đó lấy vợ nước đó luôn có về đâu. Tôi nói cũng không phải trù ẻo gì, cô cũng nên chuẩn bị tinh thần sẵn đi.”
Giọng bác gái vang khắp con xóm nhỏ, nhiều người tập thể dục đi ngang qua cũng bị giọng của bác thu hút mà quay đầu dòm ngó, chốc chốc lại xầm xì to nhỏ.
Khuôn mặt Ngọc Mai tái xanh, bà mím mỗi mãi một lúc lâu mới gắng gượng nặn ra một câu vợ chồng đồng lòng.
Bác gái lại có vẻ không hài lòng với cách nói bày, há miệng đang định phản bác thì một giọng nói xen vào khiến hai người phải quay ra sau.
“Con chào cô Mai, chào bác Sáu.”
Ngọc Mai như trút được gánh nặng: “Ủa Vĩ hả con? Sang tìm An hả?.”
Khôi Vĩ dạ một tiếng, chào hỏi xong bèn đi thẳng vào trong nhà, sau lưng mang một chiếc balo nhỏ màu nâu không biết đựng gì mà phồng to lên làm lưng nó cong xuống trông có vẻ rất vất vả.
Bác gái màu đỏ nhìn Khôi Vĩ chậm rãi đi vào cũng chuyển chủ đề: “Thằng An nhà cô chơi thân với hai đứa đó nhỉ. Cô dặn nó nhường nhịn bạn để kết thân đi, mai mốt có khi được nhờ đấy.”
Mẹ cậu từ chối cho ý kiến.
Hoài An đang ngồi trên ghế xem TV, bộ phim hoạt hình này chỉ chiếu vào khung thời gian cố định, vì thế cứ đến giờ là cậu bé dừng lại mọi hoạt động đang làm, ngồi xổm trên chiếc ghế nhỏ giữa nhà chăm chú xem phim.
Cậu xem mê mẩn đến độ có người đứng phía sau cũng không biết, phải đến khi Khôi Vĩ vỗ vào lưng mới giật mình quay sang.
Hoài An: “Mày đi đâu sang đây?”
“Ngồi đây, ngồi đây!” Cậu vỗ vào cái ghế con con còn bên trái.
“Có tập mới rồi à?” Khôi Vĩ nhìn thấy bộ phim trên màn hình TV nhỏ, cái mông tròn theo quán tình ngồi xuống ghế thì bị cái cặp nặng đằng sau kéo xuống một chút suýt nữa đè luôn nó mới sực nhớ ra lý do mình sang đây, bèn sốc lại tinh thần mà đứng dậy.
*Các Thiên Sứ ủng hộ truyện của tác giả bằng cách truy cập vào website Enovel nhé:>
Khôi Vĩ quay sang làm vẻ mặt nghiêm trọng quát mắng: “Xem cái gì mà xem, có chuyện cực kỳ quan trọng cần mày giúp.”
“Gì cơ?” Hoài An ngơ ngác nhìn hàng mày cau lại của bạn mình. Trong đầu cậu tuôn ra hàng suy nghĩ: không lẽ nó biết rồi, xách túi qua đây để thông báo là sẽ đi bụi giờ nó sang xin tá túc?
Hoài An lại liếc độ to của cái túi: hay đến xin ăn nhỉ? Rồi cậu lại lo lắng không biết nhà có đủ đồ ăn cho bạn mình ké không.
Khôi Vĩ không biết suy nghĩ linh tinh rối loạn trong đầu cậu bé trước mặt, nó khụt khịt mũi lấy từng cái mô hình trong cặp xếp thành hàng bày ra trước mặt cậu: “Tao gửi mày mấy mấy con siu nhân và rô bốt, mẹ tao bảo tao có đồ gì quý thì mang theo kẻo ai sang làm bể nhưng mấy con này to quá tao không nhét vô vali được nên mày giữ hộ tao đi, ra tết tao qua lấy về.”
Cậu nghe thấy thì khó hiểu mà dời tầm mắt từ đống mô hình lên bản mặt của nó: “Nhà mày đi hết mà, ai qua được mà làm bể?”
Không hiểu vì sao nó cáu lên: “Mẹ tao bảo vậy thì tao nghe vậy thôi.”
Hoài An vì bị quát mà ngơ ngác. Hai đứa nhỏ không biết đã ở bên nhau từ khi nào, cậu chỉ biết khi có ý thức thì Khôi Vĩ đã là bạn cậu, từ trước đến giờ dù có dành đồ chơi với nhau thì nó cũng chưa nói nặng lời với cậu bao giờ.
Khôi Vĩ đang bị cảm, mũi khụt khịt từ lúc vào nhà đến giờ, nó lục hết túi rồi đứng lên: “Tao về đây, lát nữa tao phải bay rồi.”
Hoài An hoàn hồn lại: “Ủa đi sớm thế á?”
Khôi Vĩ: “Ừ, mẹ tao muốn về sớm với ông bà ngoại.”
Hôm nay nó trầm lặng một cách lạ thường, không nói một lời nào mà cầm cặp đi thẳng ra ngoài. Hoài An cảm thấy bạn mình có cái gì đó không ổn nhưng bản thân lại không biết giúp thế nào, cuối cùng đành lúi húi gom đống mô hình đang bày la liệt dưới đất xếp gọn lên bàn học.
Ngọc Mai ôm rổ rau đứng từ xa nhìn bóng lưng con trai: “Mấy cái này mắc lắm, con giữ hộ bạn thì giữ cho cẩn thận nhé, hỏng hóc nhà mình không đủ tiền đền đâu.”
Hoài An “Dạ” một tiếng rồi hỏi thêm: “Nhưng chưa nghỉ tết mà Vĩ đi sớm thế mẹ.”
Mẹ cậu hơi thừ người một lát, ậm ừ cho qua rồi đi thẳng vào bếp.
Hoài An cảm thấy mọi người hôm nay thật lạ, cậu giữ câu hỏi lại trong lòng, quay người tiếp tục xem TV.
Bộ phim này rất nổi trong đám trẻ con, cứ mười đứa trẻ thì đến mười một đứa biết đến nó. Đây cũng là bộ phim mà cậu và Khôi Vĩ cực kỳ thích, đặc biệt là Khôi Vĩ, nó không bao giờ bỏ sót một tập nào của bộ phim, chiếu xong trên TV nó còn đòi ba nó mua thêm đĩa về xem. Vậy mà hôm nay nó lại bỏ lỡ, đến và đi như một cơn gió, Hoài An tự hỏi không biết khi về nhà nó có lén mẹ mở lên xem một đoạn hay không.
Bộ phim chiếu được một nửa thì có tiếng bước chân đi vào. Cậu nghe thấy nhưng cứ nghĩ là Khôi Vĩ nên không nhìn: “Tao để mô hình trên bàn đó, mày luyến tiếc gì thì làm lẹ đi.”
“Vĩ để mô hình ở chỗ cậu à?”
Lúc này Hoài An mới ngớ người ra quay đầu lại thấy Chí Uy. Cậu nhóc hỏi xong cũng không đợi câu trả lời, im lặng đi lại gần ngồi cạnh cậu.
TV của nhà Hoài An là TV đời cũ, màn hình hay bị nhiễu, lâu lâu còn hiện lên vài sọc ngang dọc khiến người ngồi xem đau cả mắt. Vậy mà Chí Uy chẳng than vãn câu nào, mắt híp mắt thành một đường thẳng, lâu lâu còn nhướn mày khi màn hình chập chờn tối lại.
Lúc phim kết thúc, cả hai đều giơ tay xoa lên đôi mắt đau nhói của mình.
Chí Uy dừng lại quay sang vẫn thấy cậu vẫn đang dụi mắt, nhóc bèn giơ tay ngăn: “Coi chừng đỏ mắt đấy, đừng có dụi nhiều.”
Hoài An ậm ừ, lau lau vài cái rồi cũng dừng lại.
Con mắt của cậu khó khăn mở ra, chớp chớp vài cái.
“Nhà ơi!”
Hoài An quay đầu, dùng con mắt kèm nhèm nước nhìn ra ngoài.
Xuyên qua thanh chắn của chiếc cổng lớn, cậu nhìn thấy một người đàn ông tuổi trung niên mặc sơ mi xanh, quần tây đen đã bị bạc màu đang đeo một chiếc túi to ngang hông.
Vì vừa dụi mắt nên tầm nhìn cậu rất mơ hồ, mãi một lúc lâu mới thấy rõ người bên ngoài. Khi nhận ra đó là ai mắt cậu sáng bừng lên, lập tức bỏ lại bạn mình trong nhà mà ba chân bốn cẳng chạy ra, vội đến nỗi cả dép cũng không kịp mang.
“Bác ơi, bác ơi, con ở đây ạ. Có thư hả bác? Của ai vậy bác? Của ba con hả?”
Người đàn ông đó có tính cách hiền lành, thấy con nít chạy lại hỏi liên tục cũng không thấy phiền, ông lục từ trong túi ra một bức thư màu trắng, ngoài bìa in hình ngọn núi cao điểm xuyết một vài cánh hoa đỏ trông rất đẹp. Lúc đưa cho cậu còn cẩn thận dặn dò: “Cầm đưa mẹ đọc cho nghe đấy, đừng có bóc mà rách thư mất.”
Hoài An nhận bức thư từ ông, ngửi thấy mùi thơm thoang thoảng bên trên.
Sau khi tạm biệt người đưa thư, Chí Uy cũng tò tò chạy ra đến nơi: “Đây là núi Phú Sĩ.”
Thấy Hoài An nhìn mình, nhóc nói tiếp: “Núi Phú Sĩ của Nhật Bản.”
Hoài An: “Nghe lạ quá, cậu đến đó chưa?”
Chí Uy: “Từng đến rồi.”
Hoài An nhìn bạn mình bằng ánh mắt ngưỡng mộ, từ lúc cậu có ý thức thì đã luôn ở tại con xóm nhỏ với chừng đó con người quen thuộc, chưa từng gặp qua những phong cảnh khác bao giờ.
“Vậy nó có đẹp không?”
Một số hình ảnh lướt qua đầu, Chí Uy cố gắng nhớ lại, ậm ừ trả lời: “Chắc chắn rồi.”
“A đã quá, tớ cũng muốn đến.” Hoài An nghe thế thì thích lắm, một vài ước mơ nho nhỏ len lỏi trong lòng cậu bé.
Chí Uy cũng nhận thấy được, bèn mỉm cười xoa đầu cậu: “Đợi An lớn rồi tớ đưa cậu đi.”
Hoài An ngượng ngùng phẩy cái tay trên đầu mình xuống, liếc người bên cạnh một cái rồi cầm thư chạy vào đưa cho mẹ.
Khi Ngọc Mai nhận được bức thư là lúc bà đang nấu ăn, nồi bắc trên bếp sôi lên sùng sục.
Bà cầm bức thư ngắm nghía một lát rồi mới mở ra đọc. Ngọc Mai mở rất chậm rãi và cẩn thận, như sợ một tí vết nứt chạm đến ngọn núi và những cánh hoa mỏng manh được in bên trên.
Trái ngược với bìa thư trắng tinh, thì tờ giấy bên trong lại hơi ngả màu, nét chữ xiêu vẹo được viết bằng bút mực tím như những lá thư tình của các cô cậu học sinh thời bấy giờ, giữa tờ giấy còn được đính ba bông Xuyến Chi nhỏ.
Hoài An thấy mẹ mình đọc thư một hồi, tay hơi run lên bèn vội vàng hỏi: “Ba viết gì vậy mẹ?”
Ánh mắt bà không rời khỏi lá thư một giây nào, môi cắn vào nhau, mãi một lúc lâu sau mới dùng chất giọng hơi khàn trả lời cậu: “Năm nay ba con không về ăn tết.”