Mộng Đổi Đời

Chương 21



Ăn cơm tối xong là Uông Trường Xích nằm thẳng đơ trên giường như một thân gỗ mục, ngáy đều. Tiểu Văn bôi một ít dầu gió vào hai khóe mắt chồng, dầu chui vào mắt khiến Uông Trường Xích cảm thấy xót, ngồi bật dậy. Tiểu Văn nói:

-Em phải đi tìm Trương Huệ, nếu không tìm ra người để nói vài câu, e là em sẽ điên mất.

Uông Trường Xích rửa qua mặt, tìm một tờ báo cũ rồi bắt đầu vẽ đường, vừa vẽ vừa nói:

-Ra khỏi cổng rẽ bên trái khoảng năm mươi mét có một bến xe buýt tên là Vọng Sơn. Ở đây em lên xe số 22, nhớ kĩ số 22 tức là viết hai lần con số 2 liền lại với nhau. – Tiểu Văn gật đầu như đã nhớ, Uông Trường Xích nói tiếp. – Em ngồi xe số 22 đi qua năm bến là đến ngã tư đường Kỳ Dương. – Tiểu Văn không đọc được chữ “kỳ” nên đọc đi đọc lại đến mấy lần rồi hỏi tiếp theo như thế nào. Uông Trường Xích vẽ trên tờ báo một con đường rồi nói – Sau đó em đi thẳng về phía đối diện, tìm thấy tấm bảng ghi tên đường Kỳ Dương. Ở chỗ này em lên xe số 7, nhớ chưa? – Tiểu Văn gật đầu. – Em ngồi xe số 7 đi được ba bến thì gặp ngã tư đường Triều Dương và đường Dân Chủ, em xuống xe ở đó, đi theo đường Dân Chủ khoảng ba trăm mét thì nhìn thấy bên phải có một tòa nhà rất cao, trước nhà có tấm bảng ghi khách sạn Hồng Đậu. Em đi thẳng vào khách sạn, vào thang máy lên lầu 3 thì sẽ thấy khu mát xa chân có tên là Phượng Hoàng.Em vào đó và nói tìm Trương Huệ, người ở đó sẽ đưa em vào.Nghe rõ và nhớ kĩ chưa?

Tiểu Văn chỉ vào tờ báo, hỏi:

– Anh vẽ những gì trên tờ báo thế?

Uông Trường Xích nhìn lại bức vẽ của mình mới nhận ra là những con đường được vẽ trên đó cứ quanh đi quẩn lại lẫn lộn với những dòng chữ trông chẳng khác nào một mê cung, một mớ tơ rối, bèn xé làm đôi, mở rương, lôi ngăn kéo sục sạo tìm một đỗi nhưng chẳng tìm thấy tờ giấy trắng nào. Tiểu Văn lục lọi chạn bếp, tìm thấy trên đỉnh chạn có một xấp biên lai mua hàng của người thuê nhà trước đây để lại, liền đưa cho Uông Trường Xích.Cậu lấy hai tờ, vẽ lại hai tuyến đường đi và về ở mặt sau, đưa cho Tiểu Văn. 

Sáng sớm hôm sau, sau khi ăn sáng, Tiểu Văn cầm hai tờ giấy dẫn đường đi tìm Trương Huệ. Vào khoảng gần trưa, khi đang đứng trên giàn giáo xây tường, Uông Trường Xích nghe thấy ai đó gọi tên mình. Từ tầng năm, cậu ló đầu qua bức tường để quan sát thì thấy người quản lý điện thoại là Vinh Vinh đang dùng chiếc loa cầm tay gọi tên mình. Uông Trường Xích hộc tốc chạy từ tầng năm xuống, Vinh Vinh nói:

– Hạ Tiểu Văn bị đưa đến phòng cấp cứu ở bệnh viện số 1, bệnh viện gọi điện đến, yêu cầu thân nhân tới gấp.

– Có phải bị xe đâm không? Con tôi vẫn còn đấy chứ?

– Tôi cũng không biết, người ta không nói. – Vinh Vinh đáp.

Uông Trường Xích sờ túi rồi chạy ra khỏi cổng.

Đến phòng cấp cứu, Uông Trường Xích thấy Tiểu Văn đang nằm nhắm mắt trên ghế.Cảm ơn trời đất, Tiểu Văn vẫn lành lặn. Cậu gọi tên vợ, Tiểu Văn hé mắt nhưng rồi khép lại ngay, thều thào:

– Em thấy choáng váng.

Uông Trường Xích sờ nắn khắp người Tiểu Văn, kỹ nhất ở phần bụng, hỏi:

– Em có bị thương không?

– Không, chỉ bị choáng. Cứ như xe buýt đang nghiêng, mặt đất đang rung, mặt mọi người đều mơ hồ, nhìn không rõ…

– Ai đưa em đến đây?

– Em không biết.

– Bác sĩ nói sao?

– Bảo em đi kiểm tra.

Đưa tay sờ túi quần lần nữa, Uông Trường Xích nói:

– Thế thì chúng ta đi kiểm tra vậy.

Tiểu Văn lắc đầu. Uông Trường Xích đỡ vợ đứng dậy nhưng Tiểu Văn vội vàng xua tay:

– Đừng động đậy, để em ngồi thêm tí nữa, có thể sẽ tốt thôi.

– Có thể là do thiếu dinh dưỡng, để anh đi mua chút gì đó cho em ăn nhé.

Tiểu Văn gật đầu. Uông Trường Xích ra ngoài bệnh viện mua một bát miến gà vào, chầm chậm bón cho Tiểu Văn. Tiểu Văn thều thào:

– Anh cũng ăn một tí đi.

Uông Trường Xích cúi đầu húp nước xoèn xoẹt. Tiểu Văn nói:

– Anh chỉ húp gió thôi, đừng tưởng là em nhận không ra.

– Anh không bị choáng, ăn miến gà làm gì.

Sau một lát nghỉ ngơi, Tiểu Văn mở mắt.Uông Trường Xích đỡ Tiểu Văn đi được vài bước thì cô lại ngồi phịch xuống,vẫn còn thấy trời đất quay cuồng. Uông Trường Xích đặt Tiểu Văn vào ghế lăn, bảo nhắm mắt lại rồi đẩy đi. Tiểu Văn mở mắt hỏi:

– Đi đâu thế?

– Đi kiểm tra.

– Chúng ta chỉ còn đủ tiền cho bảy ngày ăn.

– Em đừng lo chuyện tiền nong.

Uông Trường Xích đẩy Tiểu Văn đến khoa phụ sản, khoa thần kinh, khoa X-quang. Bác sĩ nói con bình thường, mẹ cũng bình thường. Tiểu Văn hỏi:

– Bình thường sao lại bị ngất?

– Thời kỳ đầu mang thai, có những thai phụ thi thoảng bị choáng hoặc ngất, có điều một người vốn là nông dân như cô thì không thể như thế.

Uông Trường Xích vừa nghe đến đây đã phát hỏa, lớn tiếng:

– Phụ nữ nông thôn không có tư cách để ngất à? Tôi còn muốn để cho cô ấy yếu đến độ gió có thể thổi ngã, da mặt trắng bệch, cả ngày kêu rên đau lưng mỏi gối đấy.

Bác sĩ nghiêm nét mặt, nói:

– Cậu quá mẫn cảm thôi. Chẳng ua là tôi nói thực tế thôi.

– Phụ nữ nông thôn cũng là con người cả thôi, người thành thị có thể mắc bệnh gì thì họ cũng có thể mắc bệnh ấy.

Bác sĩ liên mồm nói: Đúng, đúng, đúng quá… rồi đột nhiên vung tay:

– Đi ra ngoài!

Uông Trường Xích đẩy Tiểu Văn ra khỏi phòng, phía sau vẳng đến một câu bình phẩm:

– Giọng nông thôn đúng là to thật, cứ gào thêm vài câu nữa thì e rằng nhiều sản phụ khác sẽ sẩy thai mất thôi.

Uông Trường Xích nói:

– Em nghe thấy rồi chứ?

– Đừng có chọc bọn họ, sau này chúng ta còn phải đến để kiểm tra.

Uông Trường Xích đẩy ghế đưa Tiểu Văn đến tiền sảnh của bệnh viện, tìm một chiếc ghế băng rồi đặt cô ấy nằm xuống.Lưng vừa chạm ghế, Tiểu Văn đã chìm vào giấc ngủ mê mệt.Uông Trường Xích sợ Tiểu Văn bị lạnh nên cởi áo khoác đắp lên người vợ. Do công việc hàng ngày rất nặng nhọc, mồ hôi ra nhiều nên mỗi lần ra khỏi nhà, Uông Trường Xích chỉ mặc bên trong một chiếc áo mỏng, lúc này áo khoác đã được cởi ra, cậu thấy lạnh đến tê cóng toàn thân. Để chống lại cái lạnh, cậu đi đi lại lại trong tiền sảnh, đi cho đến khi mồ hôi rịn ra mới dừng chân.Dừng chân lại lạnh, lạnh lại phải đi, lạnh đi ấm dừng, đi đi dừng dừng cho đến chiều tối, Tiểu Văn mới tỉnh dậy. Lúc này, tiền sảnh của bệnh viện đã vắng người qua lại, bên ngoài trời sập tối, Tiểu Văn cảm thấy của mình đã bình phục, đầu cũng không còn cảm giác váng vất nữa.

Tiểu Văn vẫn chưa tìm được đường đến chỗ Trương Huệ. Mấy ngày sau, cô lại tiếp tục dò tìm, vẫn tìm không ra. Thử lại lần nữa, vẫn tuyệt vọng. Và lần nào cũng thế, cô bị xe buýt nhồi nhét làm cho ngất xỉu. Tìm đường không ra, tâm lý cô càng trở nên căng thẳng, càng căng thẳng thì cô càng có cảm giác đầu mình dường như trương phình lên.Có khi đang đi mua thức ăn, Tiểu Văn cũng xuýt ngất.Nhưng số lần ngất càng nhiều, cô dần dần có được kinh nghiệm, khi nhận thấy mình sắp ngất, liền vội vàng tìm một chỗ có thể ngồi xuống, chờ cơn choáng đi qua mới tiếp tục công việc.Mỗi buổi chiều tối, câu hỏi đầu tiên của Uông Trường Xích khi gặp mặt là có ngất hay không. Thường thì Tiểu Văn nói không, vì cô sợ Uông Trường Xích lo lắng. Có điều tình trạng này kéo dài đã ảnh hưởng đến giấc ngủ của Tiểu Văn. Mỗi đêm, khi đặt lưng xuống giường là Tiểu Văn đều có cảm giác chiếc giường đang chuyển động, trần nhà đang quay vòng, thân hình cô lúc thì như đang bay lên, lúc thì rơi thẳng xuống đất. Cả đêm Tiểu Văn không hề chợp mắt, tương tự như Uông Hòe, chú Hai và nhiều người trong thôn khi họ còn đang lo lắng là cảnh sát sẽ quay lại thôn. Không ngủ được, không những cơn ngất càng nhiều hơn mà đầu Tiểu Văn lại còn đau như búa bổ. Uông Trường Xích nhận ra Tiểu Văn đã gầy rộc và tỏ ra rất lo lắng nhưng Tiểu Văn vẫn cứ nói một câu không sao, tất cả phụ nữ mang thai đều có chung tình trạng ấy.

Đi tìm đến lần thứ mười mấy, cuối cùng Tiểu Văn cũng gặp được Trương Huệ vào một buổi chiều.Như một đứa trẻ bị ức hiếp, Tiểu Văn vừa khóc vừa trách Trương Huệ. Trương Huệ nói:

– Đáng tiếc, đáng tiếc… Cái đẹp của em chẳng kinh tế chút nào.

– Tại sao lại không kinh tế?

– Nếu em đến đây mát xa chân, mỗi tháng em có thể kiếm được bốn năm trăm đồng.

– Không thể thế được. – Tiểu Văn há hốc mồm nói. – Trường Xích làm thợ nề mà mỗi tháng cũng chỉ được năm trăm.

– Nếu có thể vất bỏ tư cách, mỗi đêm em còn có thể kiếm được vài ba trăm.

– Thế nào là vất bỏ tư cách?

– Chính là ngủ với…

Tiểu Văn há hốc mồm hớp lấy một ngụm không khí lạnh, khuôn mặt đỏ nhừ. Trương Huệ vuốt ve khuôn mặt Tiểu Văn, nói: 

– Người ở thành phố thích cái khuôn mặt còn mỏng này của em, thích sự xấu hổ và sợ hãi của em vì cho rằng em vẫn còn thuần khiết, càng thuần khiết càng có giá trị kiếm tiền.

Tiểu Văn sợ đến độ toàn thân run lên, làm như người vừa vuốt ve khuôn mặt của cô ấy là một người đàn ông không hề quen biết. Trương Huệ tiếp tục nói:

– Da mặt em thô lắm, sờ nhám cả tay, lâu lắm rồi không dung kem dưỡng da phải không?

– Mua rau còn phải chăm chú nhìn vào cân, lấy đâu ra tiền mua kem dưỡng da…

– Thế thì phải kiếm tiền thôi!

– Nhưng… em đang có thai. – Tiểu Văn ấp úng.

Trương Huệ bảo Tiểu Văn cởi áo, Tiểu Văn làm theo.

– Mới khoảng hơn một tháng, nhìn không biết đâu. Em không nói thì khách không thể phát hiện được.

– Nhưng sẽ hư thai mất…

– Hư thai có hề gì. Lại càng thuận tiện để kiếm tiền. Kiếm đủ rồi mang thai lại như xưa.

– Trường Xích sẽ giết chết em mất.

– Ai bảo em nói ra với cậu ấy.

– Nhưng em hay bị ngất.

– Người nghèo không có tư cách đồi hỏi điều kiện. Em có biết tiền em kiểm tra sức khỏe là ở đâu ra không?

Tiểu Văn lắc đầu.

– Uông Trường Xích trước khi đến bệnh viện đã rẽ qua chỗ chị mượn hai trăm đồng. Tiền không phải vạn năng, nhưng không có tiền thì không có khả năng nào diễn ra cả.

Tiểu Văn thở dài, nói:

– Chỉ mát xa chân, không là chuyện ấy có được không?

– Nếu chị là em, chị sẽ vất đứa nhỏ trong bụng ngay lập tức. Trước tiên là lợi dụng tuổi trẻ và sắc đẹp tranh thủ kiếm tiền để vượt qua thời gian chờ chết này.

Tiểu Văn nắm chặt chéo áo, ánh mắt sợ hãi nhìn xuống bụng mình làm như ai đó đã lôi con của cô từ trong bụng đó ra và vất đi đâu mất.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.