Mộng Chiếu

Chương 70: Bạt Mạng



Hoàng hôn đỏ như máu, tàn ngày đổ khắp nội đồng.

Căn lều nhỏ bị thứ mùi tanh tưởi gớm ghiếc bao trùm, trên nền là ba thau nước lạnh nhiễm đỏ không còn thấy đáy. Trên thành thau vắt hai chiếc khăn cũng đỏ y hệt.

Tô Mạc Vãn ngồi trên nền đất, lưng trần đẫm mồ hôi tựa vào thành giường, nét mặt tái đi trông thấy mà có chăng là vì mất máu quá nhiều.

Y phục của hắn nằm la liệt khắp nơi, vết thương sâu đến mức máu thấm đẫm qua tận bốn lớp áo dày. Giờ đây trên người gã nam nhân chỉ còn vận đúng một chiếc thường, còn thân trên hoàn toàn để trần.

*Thường: Là một dạng quần/váy, ở đây dạng mà anh Vãn mặc gần giống Hakama của Nhật.

Cánh tay trái của Tô Mạc Vãn dường như đã chẳng thể cử động một cách bình thường, miệng vết thương rất sâu, lượng máu hắn mất cũng nhiều đến đáng kể. Xem ra lần này hơi quá tay rồi, có chăng chính hắn cũng đã xem thường uy lực của lưỡi đao. Vậy là giờ đây trên cơ thể này lại sắp có thêm một vết sẹo to trông thấy.

Công Tôn Dự đã lệnh cho tất cả lang y có mặt phải xử lý vết thương cho “Triệu đại công tử”. Thế nhưng họ Tô đã một mực từ chối, không cho bất kỳ một ai trong số họ được xem vết chém và lấy lý do rằng nó không quá nặng, còn nói dối với Công Tôn Dự rằng nguyên nhân y phục hắn nhiều máu như vậy là do máu của kẻ thù bắt lên.

Và cũng vì lẽ đó mà Tô Mạc Vãn đã phải một thân một mình xử lý, mất đâu đó một cạnh giờ để lau vết sạch vết thương cũng như cầm máu. Trên thực tế thì hắn đã hao tốn sáu thau nước.

Vết thương đã được băng lại một cách đàng hoàng và sạch sẽ trong bí mật, tất nhiên là nhờ những thủ hạ mà hắn mang theo. Dẫu là vậy thì cái đau của đao kiếm vẫn còn đó, vừa đau vừa xót đến cực độ.

Tô Mạc Vãn ngửa mặt, đưa tay ôm trán, hắn thở dài một cách chán nản, thái độ có chút khác lạ so với thường khi.

“Ở đây có rượu không?”

Nhiếp Tư Mặc ngồi quay lưng lại với kẻ bợm rượu ở một khoảng không quá xa, nàng ngồi ở đây từ lúc đám thủ hạ băng vết thương cho “lão ta” đến tận bây giờ. Còn về phần nàng, vết chém không sâu, mất máu không quá nhiều nên đã sớm được sơ cứu từ trước đó.

Và tất nhiên sau khi được sơ cứu, Nhiếp Tư Mạc chỉ ngồi co rúm một chỗ mà thôi, bởi có lo lắng cho sư phụ nhường nào đi nữa thì cũng chẳng giúp gì được cả. Từ nhỏ đã sống trong cảnh cơm bưng nước rót, nếu không phải ngồi yên một chỗ thì cũng là có người dìu đi từng bước một, có bao giờ biết đến những chuyện như trầy xước hay thương tích là gì đâu.

Từ nãy đến giờ Nhiếp Tư Mặc chẳng thèm ngoái đầu liếc Tô Mạc Vãn dù chỉ một cái, mắt nàng cứ dán chặt lên xấp giấy ghi kín chữ mà nàng nhận được từ mấy ngày trước.

Giọng nói của người kia làm lũng đoạn suy nghĩ của nàng, Nhiếp Tư Mặc đặt tay lên cằm, mặt vẫn thản nhiên: “Đệ tử nghĩ sư phụ nên kiếm gì đó bỏ bụng rồi đắp chăn đi ngủ. Nếu người không đi lại hay cử động được thì ta sẽ ra ngoài tìm đồ ăn giúp người.”

Hắn cười khẩy: “Này, ngươi có đần quá không đấy? Ta đang hỏi ngươi về rượu, là rượu!”

“Ta thấy sư phụ không ổn đâu, người hãy nghỉ ngơi đi. Nên thế”, biểu cảm và giọng điệu của thiếu niên vẫn không đổi.

Ánh nến nhảy múa hắt lên vách lều, giờ là giữa xuân mà cái lạnh thì vẫn còn đeo bám chẳng thôi. Người kia vuốt ngược đám tóc mai ra sau, lạnh nhạt mở miệng: ”Còn ngươi, định ngồi đó đến bao giờ? Làm như thể ta là người duy nhất bị thương vậy.”

Tiếng thở dài khe khẽ, cùng một chút sầu muộn. Nhiếp Tư Mặc nhẹ nhàng đặt mớ giấy tờ xuống, nàng đưa tay che miệng như dự đoán trước sẽ có một trận ho dữ dội sắp ập đến.

”Sư phụ nghĩ nhiều rồi. Chút thương tích này của đệ tử có đáng là gì. Ta nhớ người từng nói rằng: Một khi dấn thân vào chốn giang hồ thì đã định sẵn tính mạng này sẽ treo trên cán đao”, nàng dừng lại, lời muốn nói như bị thứ gì cản trở, vừa muốn giãi bày mà vừa đắn đo lưỡng lự. Và có lẽ, Nhiếp Tư Mặc đã thực sự hổ thẹn đến độ chẳng dám ngẩng đầu lên khi chính tai nàng nghe được những lời mình thốt ra:

”Ta… là nam nhân, nào phải nữ tử khuê phòng… chút thương tích này… chỉ là chuyện nhỏ”. Lừa mình dối người – cái chuyện vốn đã rất đỗi bình thường với Nhiếp Tư Mặc, nàng đổi trắng thay đen vô kể lần, đạp lên chút tự tôn cuối cùng quá nhiều, cũng nhẫn tâm xé nát cái lương thiện còn sót lại trong tâm. Thậm chí là cả việc đặt tính mạng của người khác lên bờ vực sinh tử, nàng cũng đã làm. Chút lời bịp bợm qua loa này… có là gì.

Sự việc quân của Tiểu Khả hãn bất ngờ tấn công vào kho lương của phe Công Tôn Dự đâu phải tự nhiên mà có. Tất cả đều nằm trong tính toán của Nhiếp Tư Mặc. Từ trước nàng đã hiểu rõ Công Tôn Dự không hề nới lỏng trước bất kỳ ai, lão sẽ không vô duyên vô cớ đồng ý với lời đề nghị của nàng, ít nhất cũng cần phải có điều kiện đi kèm. Và đương nhiên trong hoàn cảnh khó khăn của Thiên Cực lâu lúc này thì việc thực hiện bất kể yều cầu nào cũng đều là chuyện rất khó khăn, chưa kể nếu yêu cầu của lão có liên quan đến mạng người thì lại chẳng khác nào rước hoạ vào thân.

Kể cả khi lão có đồng ý giúp đỡ đi chăng nữa thì nhất định sẽ luôn đề cao cảnh giác với từng nhất cử nhất động từ phía nàng. Và đương nhiên điều ấy sẽ cực kỳ bất lợi với một thế lực bị nhăm nhe từ nhiều phía như Thiên Cực lâu. Chính vì lẽ đó, chiếm được càng nhiều lòng tin của vị tướng già kia chính là cách hữu hiệu nhất.

Nàng dựa vào thông tin thu thập được từ đội quân quạ đen của Ôn Kỳ Thiên mà biết được vị trí kho lương của phe Công Tôn lão nhân nằm ở phía Tây doanh trại. Chính vào đêm qua, Tô Mạc Vãn theo đúng kế hoạch sẵn có đã âm thầm truyền tin cho thủ hạ, ra lệnh cho đám người ấy rao truyền tin về vị trí kho lương đến tai Tiểu Khả hãn.

Tên Tiểu Khả hãn này xưa nay đã không vừa mắt những kẻ Trung Nguyên sống trên đất Hồ, chưa kể mùa đông vừa qua đi, quân lương hao hụt không ít. Giờ đây tin tức về kho lương của kẻ thù lại bị truyền ra ngoài, gã ta đương nhiên rất phấn khích. Thế này có khác gì mỡ dâng tận miệng đâu, vậy là sáng hôm sau lập tức cử quân đi vơ vét số lương thực vốn không phải của mình ấy.

Chỉ cần chờ đến khi Tiểu Khả hãn hạ lệnh xuất quân, tin kho lương bị ngoại tặc quấy phá truyền đến tai Công Tôn Dự thì Nhiếp Tư Mặc và Tô Mạc Vãn sẽ “toàn tâm dốc sức” chạy đến ứng cứu, xử lý gọn gàng toàn bộ đám giặc ấy.

Điều này nhất định sẽ khiến Công Tôn Dự cảm kích vô cùng, cộng thêm với việc mối quan hệ trước đó giữa Triệu thị và lão ta đã rất tốt, lại nhiều ân nhiều nghĩa. Dựa vào tất cả những điều trên Công Tôn Dự chắc chắn sẽ đồng ý giúp đỡ “huynh đệ Triệu thị”. Nói cách khác, Nhiếp Tư Mặc muốn gieo vào bên trong lão tướng Công Tôn một cảm giác mang ơn nặng nề để buộc lão không thể từ chối bất kể yêu cầu nào.

Và kể sách của nàng đã thành công, hoàn toàn chiếm được lòng tin của Công Tôn Dự. Giờ đây còn thêm cả vết thương của Tô Mạc Vãn, lão ta nhất định sẽ toàn tâm toàn ý đứng về phe nàng.

Thế nhưng kế này của Nhiếp Tư Mặc vô tình lại khiến không ít quân sĩ dưới trướng Công Tôn Dự bị đả thương, có những người còn suýt bị những cao thủ kia đoạt mạng. Nhưng may sao điều ấy đã không xảy ra.

Nguyên do mà Nhiếp Tư Mặc có thể tự tin với kế sách có phần liều lĩnh này như vậy, có lẽ cũng bởi người bên cạnh nàng chính là “Thiên hạ đệ nhất đao”. Nếu có việc ngoài ý muốn xảy ra thì chỉ cần nhờ vả lão sư phụ này là được.

Nhưng có lẽ nàng đã quên, hắn cũng là con người, hắn không hề toàn năng như nàng nghĩ.

“Này nhóc con”, giọng nói khe khẽ của Tô Mạc Vãn bất chợt vọng đến vô tình cắt ngang suy nghĩ của nàng. Nhưng Nhiếp Tư Mặc cũng chẳng thèm bận tâm, có chăng hắn sẽ chỉ nói mấy lời vô nghĩa mà thôi. Theo đà suy nghĩ đó, nàng vẫn tiếp tục với mớ giấy tờ kia.

Gió từ đâu thổi đến, nàng co người lại, nơi đuôi mắt như có cái bóng vụt qua. Tất cả đều thoáng qua như ảo giác, Nhiếp Tư Mặc chỉ cho rằng mắt mình có vấn đề – do nàng nhìn vào giấy tờ quá lâu sao?

Một hơi thở rất khẽ, cùng một tông giọng khàn như ngày một đến gần nàng hơn. Chợt, Nhiếp Tư Mặc rùng mình, nàng cảm giác như có ai đang ở rất gần, rất sát phía sau.

”Hm… Ngươi phản ứng chậm quá đấy”. Nhiếp Tư Mặc bị doạ cho tái mặt, tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Tô Mạc Vãn thân mang trọng thương, ấy vậy lại có thể di chuyển với tốc độ xuất thần, nhanh đến mức không phát giác được bất kỳ động tĩnh nào, quả thực trình độ của hắn có chăng đã vượt xa nàng cả trăm dặm cũng nên. Dẫu vậy Nhiếp Tư Mặc thực sự ghét việc trêu đùa này, còn đang định mở miệng chửi tên sư phụ lưu manh đê tiện kia một tràng dài thì chợt nhận ra một mùi quen thuộc.

Là mùi của thảo dược, hay đúng hơn là mùi của thuốc.

Nhiếp Tư Mặc liền quay lại.

Phía sau này là Tô Mạc Vãn với y phục tươm tất gọn gàng, khác hẳn với dáng vẻ phóng đãng vừa rồi. Trên tay cầm một bát nước nâu đục, cái thứ vừa nhìn qua là biết đắng đến độ khó mà nuốt trôi. Họ Tô nói cũng không hoàn toàn sai, phản ứng lẫn cảm nhận của Nhiếp Tư Mặc thực sự chậm, hắn đã nấu bát thuốc này ở đây từ trước đó, mùi thuốc có lẽ cũng đã bay khắp phòng, vậy mà giờ đây nàng mới nhận ra.

Vẫn là cái gương mặt ngán ngẩm ấy, Tô Mạc Vãn đặt bát thuốc trước mặt tiểu đồ đệ rồi thờ ơ nói: ”Uống hết rồi ngủ mau”, ngừng lại một lúc, hắn hơi liếc mắt nhìn nàng rồi lại nhìn đi chỗ khác, giữ nguyên giọng: ”Có lẽ ta đã thực sự không được tỉnh táo lắm, khi thu nhận một con ma bệnh làm đệ tử.”

Nhiếp Tư Mặc suýt thì sặc thuốc, nàng mím chặt môi ngăn không cho bản thân cười một cách lố lăng, dù biết rõ đó chỉ là một lời bông đùa. Đợi đến khi thứ thuốc đắng kia trườn xuống cổ họng thì mới đưa tay che miệng, nhướn mày hỏi kẻ trước mặt với ánh mắt cùng nụ cười đầy ranh mãnh:

”Ta đoán lúc đó người cũng thừa biết sự kém cỏi của ta, cớ sao vẫn muốn thu nhận ta làm đồ đệ?”

Tô Mạc Vãn đứng dậy lê bước về giường, nói một cách nhạt nhòa: ”Vừa mắt thì chọn thôi. Ai mà chẳng thích cái đẹp. Khụ… cứ cho là vậy đi.”

Nhiếp Tư Mặc nghệch ra, rồi lại bĩu môi đầy chán ghét.

Chẳng biết “kẻ nào” không lâu về trước từng làm xằng làm bậy nhéo má tiểu cô nương nhà người ta, thậm chí còn không một chút nể nang mà thản nhiên chê bai nàng “mặt mũi chẳng ra làm sao”. Giờ lão sư phụ này còn không biết xấu hổ đến mức dám mở mồm thốt ra hai chữ “vừa mắt”?

Nàng thầm nghĩ, đầu của Tô Mạc Vãn chắc chắn có vấn đề, một kẻ có thần trí bình thường tuyệt đối sẽ không thể nói ra những lời mâu thuẫn đến vậy!

Còn nếu không phải vấn đề về đầu óc thì nhất định là do “tuổi già” khiến mắt hắn bị mờ! Nhiếp Tư Mặc càng nghĩ càng thấy nực cười, chẳng biết Tô Mạc Vãn nhìn kiểu gì lại có thể nói nàng “đẹp” mới ghê chứ.

Sáng sớm hôm sau ở đại trướng lại tiếp tục diễn ra một cuộc họp bàn giữa Công Tôn Dự và ”hai huynh đệ nhà họ Triệu”, cuộc trò chuyện diễn ra rất lâu, có lẽ cũng phải kéo dài đâu đó được nửa canh giờ rồi. Cuộc đối thoại chủ yếu xoay quanh việc trao đổi thông tin về hàng hóa cũng như các bên làm ăn, những điều cần biết khi giao dịch với người Tây phương và cả những gì nên tránh. À, đương nhiên lão tướng già trước đó đã hỏi thăm thể trạng và tình hình của ”Triệu đại công tử”, lão cũng lấy làm mừng trước việc ”Triệu Minh Kính” vẫn có thể sinh hoạt và cử động một cách bình thường.

Ban đầu Công Tôn Dự có chút lo lắng bởi đoàn người của hai huynh đệ này vốn đang khó khăn túng quẫn, chẳng có nơi an cư hay chăn nuôi sản xuất cố định, lấy đâu ra hàng hóa mà trao đổi? Đây có lẽ chính là điều khiến lão trăn trở ngày hôm trước trong cuộc nói chuyện.Thế nhưng lão đã thực sự phải cả kinh khi tận mắt chứng kiến Nhiếp Tư Mặc lấy ra một chiếc đốc kiếm*, một chiếc vòng cẩm thạch, hai bộ khuyên tinh xảo và một quặng vàng nguyên chất bé bằng nắm tay từ trong túi. Tất cả đều được bọc trong một tấm vải thô.

*Đốc kiếm (trong tiếng Nhật còn gọi là Tsuba) là bộ phận ngăn cách giữa lưỡi kiếm và cán kiếm, nếu không có nó thì người dùng rất dễ bị thương khi ra đòn.

”Triệu Thanh Ty” kính cẩn đặt quặng vàng cùng chiếc vòng cẩm thạch vào tay lão tướng, miệng cười không ngớt: ”Trong những năm lang bạt đây đó, có lẽ cũng nhờ thần minh trên cao chiếu độ, huynh đệ ta đã tìm được một sản lượng vàng nhỏ ở phía Nam cương vực và đã khai thác toàn bộ. Trùng hợp thay, trong đoàn người của chúng tiểu nhân có kha khá những kẻ từng là thợ mỹ nghệ, thợ đúc, thậm chí là cả thợ rèn. Tay nghề của họ được thể hiện trên chính những tác phẩm này đây, mời Công Tôn lão nhân từ từ thưởng thức.”

Chỉ cần thoáng qua cũng có thể phán đoán được chất lượng chiếc vòng cẩm thạch nọ. Bản thân lão cũng từng là vương công quý tộc, trạc ngọc thượng phẩm cũng từng thấy qua không ít, kiểu dáng và màu sắc này hoàn toàn có thể sánh ngang với đẳng cấp quý tộc.

Còn với đốc kiếm kia, khi vừa nhìn thấy, lão không khỏi giật mình. Kiểu cách của nó khác hoàn toàn với binh khí mà lão từng thấy ở Trung Nguyên, hay thậm chí ở thảo nguyên. Từng là Chỉ huy sứ, nửa đời thân chinh, bạt kiếm giương cung bao nhiêu năm ròng, không ít thì nhiều lão cũng phải am hiểu về lối đánh cũng như vũ khí của các nước.

Ngắm nghía một lúc, cái đốc kiếm tinh xảo đến độ hoàn mỹ, chạm trổ họa tiết sương mù và sóng biển đều sống động đến từng ly mang phong vị đặc trưng chẳng thể nào lẫn lộn. Công Tôn Dự dám chắc tuyệt tác này là của một thanh kiếm đến từ Đông Doanh!!

Nghĩ đến đây, lão vừa hoài nghi, vừa thán phục.

”Thanh Ty, Minh Kính, và cả huynh đệ của các cậu nữa. Tất cả đều là những người tài giỏi. Tay nghề tuyệt đỉnh như vậy lại chẳng có đất dụng, thực sự đáng tiếc.”

Nhiếp Tư Mặc cười đắc ý, nàng nói: ”Người Tây phương vốn ưa thích đồ mỹ nghệ và tơ lụa của Trung Nguyên. Ta có thể dùng chúng để đổi lấy ngựa quý và lương thực. Lợi nhuận thu về, ta lấy sáu phần, ngài lấy bốn phần – đây sẽ là ”tiền” công cho bên trung gian.”

Tô Mạc Vãn ngồi một bên uống trà nghe đến đây thì suýt sặc, còn Công Tôn Dự cười rất sảng khoái, lão vỗ vai nàng nom rất khoái chí: ”Haha, Thanh Ty, cậu tính cũng nhanh thật đấy, cứ như một gã thương nhân đang đối sách vậy. Hahah…”

Nàng cũng theo đó mà được một phen cười đến chảy nước mắt, còn chẳng ý thức được những lời mà chính miệng mình vừa thốt ra. Ngày trước khi còn ở Vĩnh Yên, cứ mỗi độ Nhiếp Tĩnh trở về sau chuyến đi dài thì hắn sẽ lại ngồi huyên thuyên với nàng của ngày trời về chuyện làm ăn, vui buồn trong suốt hành trình, Nhiếp Tư Mặc cũng rất hưởng ứng, dẫu có những thứ nàng nghe không hiểu nhưng lại cảm thấy rất thú vị, thế là bắt nhị ca phải kể hết cho bằng được.

Trong đó có cả kinh nghiệm buôn bán của hắn. Nhiếp Tư Mặc thầm cảm ơn bản thân và nhị ca của trước kia, nếu không có những ngày tám chuyện miệt mài cùng nhau thì có lẽ nàng đã chẳng tường tận chuyện làm ăn được như vậy. Ít nhất là khi chưa hề có bất kỳ kế hoạch phòng bị nào như hôm nay.

”Ta đã nói rồi, ta sẽ hậu thuẫn các cậu đến cùng. Lợi nhuận thế nào ta cũng không bận tâm. Thanh Ty, cậu có thể lui xuống để chuẩn bị danh sách hàng hóa. Còn Minh Kính, ta muốn hỏi thăm thương tích cậu ta một chút.”

“Triệu đại công tử, nán lại với ta một lúc, được không?”

Tô Mạc Vãn nghe vậy thì bất giác quay mặt sang nhìn lão, ánh mắt đầy phòng bị. Trái ngược với hắn, Nhiếp Tư Mặc khá thoải mái, nàng hành lễ cáo từ rồi rời đi ngay, để lại căn lều lớn chỉ còn trơ trọi hai bóng người.

Hai người một già và một trẻ ngồi đối mặt nhau, Công Tôn Dự chậm rãi uống một hớp rượu, Tô Mạc Vãn ngồi lặng thinh, trông hắn cũng chẳng khác với thường khi là bao, vẫn ung dung bình thản tựa một đám mây.

”Vì sao cậu biết về bệnh tim của ta, Triệu Minh Kính?”, lão đường đột hỏi một câu nằm ngoài với dự tính của Tô Mạc Vãn. Công Tôn Dự nhìn thẳng vào mắt hắn, tuy đôi mắt xám ngoẹt ấy vẫn điềm đạm như cũ, song cái cách lão nhìn thực sự khiến người ta có cảm giác thật khó tả.

Và cái cách Tô Mạc Vãn trả lời lại càng nằm ngoài dự đoán của lão hơn bao giờ hết: ”Nghĩa phụ của ta mất vì bệnh tim. Ta cũng từng chăm sóc ông ấy, mọi biểu hiện của người ta đều nhớ rõ. Nó như khắc sâu trong đầu ta. Công Tôn lão nhân, lần đầu nhìn thấy ngài ta đã thấy những biểu hiện ấy, nên ta cũng chỉ phỏng đoán sơ bộ mà thôi. Nếu điều này khiến ngài khó chịu, ta thực lòng xin lỗi.”

Tô Mạc Vãn trả lời trong khi hắn rủ mắt xuống, từng câu từng chữ đều rõ ràng mạch lạc, nhưng cũng có chút gì đó u uất được ẩn giấu sau đó một cách khéo léo. Lời hắn nói, dường như là lời từ tận đáy lòng.

Vị tướng già trầm ngâm một lát, rồi lão rót rượu vào chén của người trước mặt, mỉm cười, đôi mắt dịu hiền đến lạ.

”Cậu là đứa trẻ chân thành và lương thiện, cậu hẳn đã phải gồng gánh rất nhiều, ta cảm nhận được điều đó. Nhưng cuộc đời này, như dòng sông vậy đấy, có khúc này thì cũng có khúc kia. Đừng quá cứng nhắc, cũng đừng quá khắt khe. Hãy sống với điều mà cậu thực sự muốn, những gì đã qua chỉ cần đặt trong tim là đủ.”

Nắng xuân xuyên quay hàng mi thưa, chiếu vào đôi đồng tử đen tuyền sâu thẳm vời vợi, cũng thắp sáng hết thảy những gì tăm tối nhất của tận cùng tâm hồn. Hắn nhìn lão, đôi mắt mở lớn, miệng hơi hé nhưng chẳng nói được lời nào. Trước mắt hắn, ký ức tràn về như thác lũ, đem hết những gì đã phủ bụi xưa cũ ra gột rửa lại một lần.

Bên tai hắn cứ văng vẳng lời của vị tướng già, trầm ấm như tiếng tiêu ngân, và cả… tiếng xuân mưa rả rích hư hư ảo ảo của năm nào. Có cái gì mà lại thân thuộc đến vậy, tựa hồ được thấy lại gương mặt người xưa.

Công Tôn Dự thoáng giật mình, cảm thấy có chút không ổn trước những lời mình nói, ngay lập tức cười xoà giải vây: ”Ấy chết, ta lại nói mấy lời khó hiểu rồi. Minh Kính công tử, cậu đừng bận tâm nhé”, nói rồi lão nhìn hắn, thấy ”Triệu Minh Kính” vẫn đang ‘hồn phi phách lạc thì ngay lập tức sốt sắng: ”Triệu đại công tử, cậu ổn chứ!?”

Đôi mắt đen sâu của hắn vẫn mở to, môi mấp máy như muốn nói điều gì đó, vừa như muốn giãi bày tất cả, vừa như dè chừng chính bản thân mình. Rất nhanh sau đó, sự rạng ngời vụt tắt đã lâu nay lại một lần nữa nở rộ trên khuôn mặt của kẻ nọ.

Dáng vẻ này, thật sự hiếm thấy ở Tô Mạc Vãn.

“Cảm ơn ngài, Công Tôn đại nhân.”

Lão cũng bất ngờ, rồi lại mỉm cười.

Thương tiến tửu,

Bôi mạc đình!

Dữ quân ca nhất khúc,

Thỉnh quân vị ngã khuynh nhĩ thính:

“Chung cổ soạn ngọc hà túc quý,

Đãn nguyện trường tuý bất nguyện tỉnh!”(*)

(*) Thương tiến tửu _ Lý Bạch.

Hai hôm sau khi mọi chuyện tạm thời đã thu xếp ổn thoả, đám người của Nhiếp Tư Mặc và Tô Mạc Vãn cũng cáo biệt Công Tôn Dự, hẹn sớm ngày gặp lại rồi lập tức trở về Thiên Cực lâu. Đêm trước khi rời đi, vị tướng già đã nói một điều gì đó với Nhiếp Tư Mặc, một điều mà nàng đã quyết định giữ trong lòng chứ không thuật lại cho Tô Mạc Vãn, không muốn hắn viết về sự tồn tại cuộc trò chuyện đêm đó.

Dự kiến nội trong tháng tới nàng và hắn có thể gặp mặt những tay buôn người Tây phương, cũng có thể có cơ hội gặp lại Công Tôn Dự để thương thảo vài điều. Lại phải nói, chuyến đi lần này ngoài Tô Mạc Vãn, Nhiếp Tư Mặc, Ôn Kỳ Thiên và một số rất ít thủ hạ thân cận ra thì gần như trong lâu chẳng một ai biết về kế hoạch lần này.

Khi về đến Thiên Cực lâu, việc đầu tiên Nhiếp Tư Mặc làm chính là ngả lưng lên giường rồi dính bẹp trên đó luôn. Năm ngày sinh hoạt ở thảo nguyên chính là năm ngày nàng sống với điều kiện không mấy tốt, chẳng có chăn ấm cũng không có đệm êm, mọi thứ đều tạm bợ vô cùng. Thú thực phải đến tận bây giờ khi được trở về, Nhiếp Tư Mặc mới thật sự trân quý lâu, hay nói đúng hơn là trân quý sự “giàu có” của lâu.

Nhiếp Tư Mặc ngủ li bì suốt cả một ngày, nàng chẳng quan tâm trời đất, chẳng thèm ngó ngàng bất kỳ chuyện gì, bất kỳ một ai, lúc nào cũng trong trạng thái mơ màng không phân biệt được ngày đêm. Lúc khát thì bò dậy uống nước rồi lại chui vào chăn.

Già Lam sau khi thấy tên nhóc này biến mất mấy ngày liền rồi lại quay về với tình trạng xấu như vậy thì lo lắng không thôi, nhưng rồi cũng chẳng dám gọi nàng dậy, chỉ đành đặt bát đũa và thức ăn bên cạnh giường rồi rời đi.

Qua một ngày thức ăn vẫn không hề được động đũa, chúng nguội ngắt từ khi nào. Già Lam bấy giờ mới sợ tái mặt, nàng ta sợ Nhiếp Tư Mặc lại đổ bệnh nên mới chán ăn, nghĩ vậy thì lập tức cho gọi lang y tới. Thế nhưng vị lang y này lại khẳng định Nhiếp công tử hoàn toàn ổn, có chăng cũng chỉ là do lao lực quá độ nên mới kiệt sức mà thôi.

Nhưng Già Lam đâu dễ gì mà buông được nỗi lo trong lòng, nàng ta cũng từng nghĩ đến việc tìm gặp lâu chủ để thưa chuyện nhưng rồi lại thôi, bởi lẽ nàng ta hiểu rõ một điều, thân là lâu chủ, Tô Mạc Vãn chẳng hề rảnh rỗi chút nào. Công việc thì chất cao như núi, tình hình hiện tại của lâu lại đang chênh vênh. Chỉ sợ nói ra chuyện này sẽ chỉ khiến hắn càng thêm phiền não.

Và rồi đến đêm thứ hai, Nhiếp Tư Mặc nôn ra máu.

Nàng nằm sấp trên sàn nhà, tay chân lạnh ngắt, đôi mắt đờ đẫn mở hé và quanh miệng là máu, máu dính lên y phục, lên mặt và lên cả chăn gối. Già Lam vừa bước vào phòng, tận mắt chứng kiến thấy cảnh này thì như chết lặng, bát cháo trên tay rơi xuống đất vỡ tung toé, cháo nóng đổ ra khắp sàn.

“Tư Mặc!!”

Một tiếng hét thất thanh, những kẻ canh gác bên ngoài cũng vì đó mà mở cửa xông vào. Không ít thì nhiều, bất kể ai chứng kiến cảnh tượng này cũng dâng lên trong lòng một loại cảm giác sợ hãi. Không ai dám động vào vị tiểu quân sư nọ, bởi nhìn nàng giờ đây như một kẻ đang hấp hối, cái chết như đang cận kề rất gần, ranh giới sinh tử mong manh vô cùng.

Đông Kính xuyên qua đám thủ hạ canh gác, không một động tác thừa, y phủ lên người Nhiếp Tư Mặc một chiếc áo choàng rồi bế nàng lên chạy thẳng ra ngoài. Già Lam nén đi nỗi sợ mà chạy theo y, tâm trí đảo điên đến độ quên mất việc bản thân còn đang đi chân trần.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.