“Cạch”
Cửa gỗ khẽ mở, thân ảnh cao gầy quen thuộc bê khay gỗ đựng một chiếc bát sứ trắng đi vào.
Cánh hoa đào rơi lất phất trước cửa, thi thoảng lại bay lạc vào khuê phòng của tiểu thư. Tiếng chim oanh hót ríu rít trong tiết trời trong trẻo.
Khói bốc nghi ngút, toả ra mùi thuốc Bắc đắng nhẹ.
“Tiểu thư, đến giờ uống thuốc rồi”. Uyển Nhi bưng bát sứ đặt lên bàn cạnh Nhiếp Tư Mặc.
Nàng không nói gì, chỉ nhìn vào chén thuốc.
Thứ nước nâu đục nghi ngút khói trong bát khẽ động, phản chiếu gương mặt sầu não của Nhiếp tiểu thư.
Uyển Nhi có chút bối rối, nàng lấy từ trong hộc tủ ra một chiếc hộp ngọc nhỏ. Trong đó đựng rất nhiều quả khô. Uyển Nhi lấy một miếng táo sấy đặt lên đĩa, nói:
“Quả khô giúp giảm vị…”
Chưa dứt câu, Nhiếp Tư Mặc đã bê chén thuốc lên, một hơi cạn sạch thuốc, sắc mặt không hề thay đổi. Nàng lấy khăn tay trắng lau miệng, liếc nhìn Uyển Nhi, giọng nghi hoặc hỏi:
“Thuốc lần này đắng hơn lần trước?”
Thị nữ cúi mặt xuống, đáy mắt dội lên vẻ lúng túng. Khẽ giọng đáp:
“Là…phu nhân bảo ta tăng liều lượng thuốc ạ…”
Ngón tay thon gầy trắng bệch của Nhiếp Tư Mặc cầm lấy miếng táo đỏ sấy khô, nàng cười lạnh: “Ba, bốn thứ bệnh nan y…mấy loại thuốc đã uống đi uống lại suốt mấy chục năm. Có thể giải quyết được gì đây?”
Uyển Nhi tròn mắt ngơ ngác. Đây là lần đầu nàng ta thấy giọng điệu và dáng vẻ bất lực tiểu chủ tử.
Người trong kinh thành có thể ngợi trưởng tử và nhị lang nhà Nhiếp thị tài giỏi hơn người bằng những từ ngữ có cánh, nhưng lại chẳng mấy ai để ý tới tam tiểu thư.
Nàng từ khi sinh ra đã mắc mấy thứ bệnh nan y khó chữa. Người đời chỉ biết thở dài ngao ngán mà cho rằng Tam tiểu thư Nhiếp thị là một kẻ yểu mệnh, là thứ phế vật thừa thãi của một đại gia tộc. Sẽ chẳng sống nổi qua mười bốn tuổi. Ấy vậy mà giờ đây chỉ còn chưa đầy năm tháng nữa sẽ là sinh thần thứ mười lăm của nàng. Cũng coi như là gặp may.
Nàng mắc bệnh nan y chứ cũng không bị điếc mù mà lại không thấy được những lời đàm tiếu khi dễ ấy. Nếu những lời đó buông ra với một tiểu thư thế gia nào khác thì đám người đó đã toi mạng rồi.
Nhưng ngay cả khi là người của Nhiếp thị nàng lại chẳng có một chút tiếng nói, một chút quyền uy nào. Đến ngay cả hạ nhân còn ngang ngược với nàng thì sao quản nổi miệng lưỡi thiên hạ?
Không phải vì nàng yếu đuối mà căn bản nàng biết mình sẽ chẳng sống được bao lâu. Cái chết đối với nàng như thể một tảng đá treo lơ lửng trên đầu. Một người khi biết trước kết cục của mình sẽ chẳng còn thiết tha chuyện hồng trần nữa.
Thân mang bệnh nặng trong người, đã mời biết bao đại phu đến chẩn trị nhưng đến cả tên bệnh còn không có thì nói gì đến chữa? Dùng bất kể mọi biện pháp cũng đều như không. Nàng cũng chẳng còn muốn giành giật sự sống nữa.
Chính bản tính ‘bất cần đời’ như vậy lại khiến người quan tâm nàng đau lòng nhiều hơn. Nàng chết, đó là sự giải thoát cho nàng. Nhưng đó lại là ngàn vạn nhát đao chém thẳng vào tim họ.
Uyển Nhi từng nhiều lần tự hỏi rằng nếu bản thân là tiểu chủ tử thì liệu có dễ dàng buông bỏ vậy không?
Hốc mắt Nhiếp Tư Mặc hơi đỏ lên, giọng nàng cũng lạc đi phân nửa nói với thị nữ:
“Uyển Nhi, đi theo hầu hạ một kẻ bệnh tật như ta hơn chục năm lâu như vậy, vất vả cho ngươi rồi…”
Uyển Nhi lập tức quỳ xuống, chắp tay nói: “Nhờ có chủ tử mà ta mới có một nơi để nương tựa như hôm nay. Vất vả này có là gì ạ”.
Nhiếp Tư Mặc dìu thị nữ đứng dậy, thở dài nói:
“Ngươi không phải hoảng sợ như vậy. Chỉ là…mấy tháng nữa là sinh thân mười lăm tuổi của ta. Cảm thấy thời gian trôi thật nhanh. Mới ngày nào ngươi đến phủ còn sợ đến mức chỉ dám khóc thầm, nay lại như tỷ tỷ ruột của ta, mỗi khi ta lơ là dưỡng bệnh là sẽ cằn nhằn… và
…mái tóc mẫu thân cũng đã điểm bạc rồi…”
Uyển Nhi rũ mắt xuống, nàng quá hiểu chủ tử của mình. Những lúc thế này cũng chỉ có thể im lặng.
“Nhị ca đã đi mấy tháng rồi, không có tin tức gì sao?” Nhiếp Tư Mặc hỏi nhỏ Uyển Nhi.
“Nhị công tử không gửi bất kể một lá thư nào ạ”.
Nhị ca Nhiếp Tĩnh của nàng cùng đội buôn đi đến Tây Vực đã bốn tháng trước rồi. Nơi sa mạc khắc nhiệt ấy lại đang xảy ra chiến sự, các bộ tộc tranh chấp lẫn nhau. Người Trung Nguyên như huynh ấy khó tránh khỏi bị gây khó dễ.
Lòng nàng chỉ có thể thầm cầu nguyện cho nhị ca bình an trở về, không mong gì hơn.
“Khụ khụ!…Khụ khụ…!”
“Tiểu thư!”. Uyển Nhi hốt hoảng chạy tới phía nàng.
“Ta…khụ khụ!…khụ khụ!…”. Việc nói chuyện lúc này với nàng cũng quá đỗi khó khăn, tay Nhiếp Tư Mặc run rẩy chỉ về phía mặt bàn.
Uyển Nhi nhanh nhẹn vơ lấy chiếc khăn trắng trên bàn đưa cho nàng.
Cơn ho kéo dài một lúc thì dừng. Nàng chầm chậm hạ tay xuống, trên chiếc khăn trắng tinh khôi đã loang lổ máu tươi.
Uyển Nhi như chết lặng, mồ hôi lạnh trên trán vã ra. Đây là lần thứ hai tiểu chủ tử ho ra nhiều máu như vậy. Lần thứ nhất là cách đây năm năm. Khi ấy bệnh trở nặng vô cùng, không ai nghĩ nàng có thể sống sót qua trận bạo bệnh đó. Và lần thứ hai chính là bây giờ.
Sắc mặt Nhiếp Tư Mặc trắng bệch mệt mỏi như không còn giọt máu nào. Nhịp thở cũng hỗn loạn vô cùng. Mắt nàng đờ đẫn như thể sắp ngất đi.
Uyển Nhi lấy một chiếc khăn khác lau vệt máu còn vương trên mặt tiểu chủ tử rồi dìu nàng ngồi lên giường, giọng lo lắng nói:
“Tiểu thư chờ ta một lát, ta đi gọi đại phu!”.
Dứt lời nàng ta chạy vụt khỏi phòng bỏ lại thân ảnh nhỏ bé gầy yếu của Nhiếp Tư Mặc.
…
Không lâu sau Uyển Nhi đã đưa theo đại phu đến. Là một người đàn ông đã có tuổi, lưng hơi gù, tóc và râu đã bạc phân nửa. Gương mặt lại đôn hậu gần gũi.
Uyển Nhi đẩy cửa xốc màn lên, khẽ giọng nói: “Chủ tử, Tần đại phu đến rồi ạ”.
Ông ta theo sau thị nữ tiến vào phòng, trên tay xách lỉnh kỉnh chiếc hộp gỗ lớn.
Nhiếp Tư Mặc ngồi dậy, nàng gượng cười nói: “Mời đại phu ngồi, lại làm phiền ngài rồi”.
Tần đại phu đáp lễ rồi ngồi xuống, cung kính chẩn mạch cho nàng.
Sắc mặt lão trầm xuống, hơi cau mày rồi chắp tay nói: “Tiểu thư, thứ lỗi cho lão phu ta nói thẳng…bệnh tình của người đã trở nặng hơn lần trước rất nhiều rồi ạ…”
Tần lão phu là đại phu thân cận của Nhiếp thị, từ lúc sinh ra đến giờ ông ta là người đến chẩn trị cho nàng nhiều nhất, cũng có thể coi là cho ân tình.
Gia cảnh Tần đại phu cũng không mấy tốt, ông ta goá vợ đã lâu, con gái lại gả đi xa. Một thân một mình ông ta phải tự trang trải cuộc sống. Ở bên cạnh chăm sóc và trị bệnh cho tam tiểu thư từ khi nàng còn bé tí nên từ lâu ông đã coi nàng như con gái mình. Thấy đứa con đau ốm bệnh tật, ai lại không đau lòng chứ?
Nghe tin dữ về tình trạng của mình, Nhiếp Tư Mặc cũng không quá đau buồn. Bởi lẽ nhưng lời ấy nàng đã nghe vô số lần rồi.
Tần đại phu lấy giấy bút ra viết một đơn thuốc rồi đặt bài gói bọc từ trong hộp gỗ lên bàn, vừa viết vừa ôn tồn nói:
“Tuy bệnh của người có trở nặng hơn trước nhưng cũng không nên bi quan. Có lẽ mấy nay trở trời nên tiểu thư bị nhiễm lạnh dẫn đến suy nhược. Lao phu đã bốc ít vị thuốc linh chi, sinh khương và ngô thù du. Nhưng bài thuốc này giúp khử hàn, giải độc giảm ho cũng như bồi bổ sức khỏe. Khi dùng có thể nấu chung với các bài thuốc mà lão phu đã kê lần trước. Tiểu thư…thuốc chỉ là một phần, chung quy đều là ở người phải biết giữ gìn thân thể, dùng bữa đúng giờ và chế độ cũng phải hợp lý. Cá chính ở đây vẫn là phải giữ cho tinh thần luôn được thư thái, không phải căng thẳng. Người không được quên”.
Nhiếp Tư Mặc cười nhẹ, khẽ gật đầu: “Ta hiểu rồi, đã làm phiền Tần đại phu phải lo lắng rồi. Đại phu chiếu cố ta nhiều như vậy Tư Mặc cũng có chút quà tạ lễ đã cho người chuẩn bị”.
Tần đại phu cúi đầu xua tay nói: “Tiểu thư không cần phải vậy đâu. Ân tình của Nhiếp thị quá lớn với ta, sao có thể vì chút chuyện nhỏ này mà nhận lễ vật từ tiểu thư? Vả lại…được thấy tiểu thư có thể vui vẻ không phải muộn phiền vì bệnh tật lão phu đã cảm thấy yên lòng rồi”.
“Được rồi, nếu Tần đại phu không nhận thì ta cũng không làm khó ngài. Chỉ là sau này ngài không cần phải kiêng dè như vậy. Từ lâu Nhiếp Tư Mặc ta đã coi ngài là người nhà rồi”. Nàng mỉm cười thật rạng rỡ, nụ cười ấy thật trong sáng ngây ngô, lại như ẩn chứa nhiều tâm sự.
Thấy vậy cơ mặt Tần đại phu cũng giãn ra phân nửa, lão chắp tay trước ngực ôn tồn nói:
“Cũng không còn sớm nữa. Lão phu không muốn làm phiền tiểu thư nữa, người nghỉ ngơi sớm. Lão phu cáo từ”.
Nhiếp Tư Mặc cười cười đưa tiễn Tần đại phu khỏi cửa phòng.
…
Trời cũng đã chập tối, đèn lồng cũng đã được thắp lên trong mọi ngõ ngách của kinh thành.
Trước cổng nhỏ ở trang viên của Tam tiểu thư có treo một chiếc đèn vẽ hình thiên tiên cùng mây lành, ánh sáng toả ra từ đèn đủ soi rọi một phần trang viên.
Chiếc đèn ấy là do đích thân nhị ca Nhiếp Tĩnh tặng nàng trong chuyến đi buôn ở phương bắc cách đây năm năm. Chất liệu giấy làm đèn trông thì mỏng mà lại rất cứng cáp dù gió to đi chăng nữa cũng không bị thủng. Hoạ tiết trên đó cũng được vẽ bởi hoạ sĩ nức tiếng ở xứ bắc.
Chiếc đèn tinh tế độc lạ mà có tiền chưa chắc đã mua được.
Thời gian nhị ca nàng ở nhà trong một năm rất ngắn, lâu nhất chỉ có bốn tháng. Làm nghề buôn tuy kiếm được nhiều tiền nhưng cũng phải đánh đổi rất nhiều, đó có thể là thời gian, công sức hay kể cả là tính mạng.
Cứ mỗi khi cuối thu Nhiếp Tư Mặc sẽ cho người treo chiếc đèn lồng trước cổng trang viên vì đó là khoảng thời gian mà Nhiếp Tĩnh sẽ trở về. Khi thấy ánh đèn sáng mà muội muội tháp lên giữa tiết trời se lạnh như vậy hắn như phần nào được sưởi ấm. Đó lại như một lời chào đó của của nàng với người nhị ca đi xa trở về.