Nhiếp Hoằng thở dài mệt mỏi, một vài nếp nhăn trên gương mặt lộ rõ ra càng khiến ông trở nên khắc khổ.
Ông quay người đi, giọng rắn rỏi:
“Được lắm! Như vậy mới chính là khí phách của người họ Nhiếp. Chết vẫn làm ma anh hùng!”.
Sắc mặt nàng không chút cảm xúc, lẳng lặng quỳ ở đó. Lâm Thanh Yên ôm lấy nàng mà rơi lệ lưu luyến không nỡ. Bà chỉnh y phục trên người nàng, đôi tay khẽ lưới trên bả vai gầy yếu.
“Mặc Nhi à Mặc Nhi, là ta có lỗi với con! Ta xin lỗi, ta nên cho con một cuộc sống tốt hơn, cho con một thân thể khỏe mạnh hơn, không phải chịu thiệt thòi thế này. Là lỗi của ta, là lỗi của ta!”.
Nàng cười nhạt.
Chuyện đã rồi sao mà thay đổi được?
Nhiếp Tư Mặc từ đầu đến cuối không rơi một giọt lệ. Nàng chẳng còn khóc nổi nữa.
Nguyện ước được ngắm nhìn thành Vĩnh Yên lần cuối chắc không thể nữa rồi.
Cứ ngỡ bản thân chẳng phải quốc sắc thiên hương, cũng chẳng có bất kỳ tài năng nổi trội nào thì có thể sống một cuộc đời thật yên ổn. Chẳng ngờ rằng lại bị đẩy đến bước đường này.
Mọi thứ diễn ra chỉ như một giấc mộng.
Lý Giai Kỳ đứng ngoài cửa điện các đã chứng kiến tất cả, nước mắt nàng cứ bất giác rơi xuống. Nhiếp Tư Mặc và nàng tuy rất hiếm khi qua lại nhưng giữa hai người như có một sợi dây liên kết. Rõ ràng giữa cả hai chẳng có ân tình gì, chẳng có gì đáng để tiếng thương. Nhưng nàng vẫn rất đau lòng.
Vừa muốn tiến vào nhưng lại không đủ dũng khí đối mặt.
…
Chẳng mấy chốc hôn kỳ cũng đến.
Lần này đi hoà thân có những bảy vị, ba người dành cho Đại khả hãn và bốn người dành cho Tiểu khả hãn. Thế nhưng Đại khả hãn cũng đã ngoài sáu mươi, chính thất cũng đã có nên ba nữ tử ấy chỉ là thê thiếp. Về phần Tiểu khả hãn thì cũng đã hơn hai mươi và chưa lập thất, chính thất được định lần này của hắn là Thiên Hạnh công chúa Đường Quỳnh Dao.
Yến hội tổ chức trong điện Thiên Ứng náo nhiệt hơn bao giờ hết.
Hôm nay là một ngày trời quang hiếm có trong những ngày đông rét buốt, rả rích vài bông tuyết đáp xuống mà thôi. Đình các hoa lệ đứng sừng sững dưới ánh mai hồng.
Gió lạnh lướt qua khiến lòng người có chút tê tái.
Đứng ngoài đại điện vọng vào thấy được vô số bóng người thấp thoáng đang cười cười nói nói, nâng chén say xưa. Xung quanh đều là ngọc ngà châu báu, lụa là bóng bẩy.
Trên đài, Hồ cơ mặc y phục phiêu dật rực rỡ nhảy múa theo từng nhịp khúc. Người đàn người hát, người ôm tỳ bà, hồ cầm ngồi xếp bằng trên chiếu mà gảy từng điệu vui tươi.
Khung cảnh tưng bừng sôi động chẳng thua kém gì dịp Tết.
Trái ngược với sự náo nhiệt ở điện Thiên Ứng thì ở nội các lại mang vẻ trầm lắng.
Nhiếp Tư Mặc ngồi trước gương, gương mặt lạnh tanh.
Xung quanh nàng chất vô số đồ, nào ngọc nào ngà, thứ gì cũng đắt đỏ xa xỉ. Những thứ này chính là “của hồi môn” của nàng. Việc chuẩn bị sắm sửa cho nàng do Lý Giai Kỳ và một số cung nữ phụ trách.
Nàng hôm nay thật đẹp. Rất khác so với mọi ngày. Mới đây thôi là còn là một nữ tử ngây ngô thuần khiết quanh quẩn trước hiên nhà mà chớp mắt cái nàng đã trưởng thành như vậy, gả đi làm cơ thiếp cho người ta.
Lý Giai Kỳ đích thân trang điểm cho nàng, tay nghề của đại tẩu thật tốt, biến hóa nàng trở nên xinh đẹp đến mức nàng còn không nhận ra chính mình.
“Tam nương…muội thật đẹp”. Lý Giai Kỳ trầm buồn gượng cười.
“…”.
Nhiếp Tư Mặc rủ mi không đáp.
Môi son đỏ thắm, da phấn mềm mịn, mày liễu yêu kiều. Trên mi tâm điểm một nốt hoa điền đỏ rực.
Tóc vấn cao cài bộ trâm vàng, mặc đản y* lộng lẫy kinh hồng.
*Trang phục của các nữ quý tộc.
Đẹp đẽ xa hoa là vậy nhưng lại thật lạnh lẽo.
Trong phòng rộng thanh thang, Nhiếp Tư Mặc sống lưng thẳng tắp dung mạo được trang điểm trở nên mỹ miều ngồi trước gương. Gương mặt nàng đơ cứng như tượng.
Lý Giai Kỳ cùng các cung nữ đã đi ra ngoài được một lúc để căn dặn nô bộc đồng thời rà soát tọa kỵ.
Không gian trong các thật vắng lặng.
Nàng chậm rãi vươn tay ra trước gương, nhìn dáng vẻ của chính mình phản chiếu trong đó một cách đăm chiêu.
Môi đỏ khẽ mấp máy, trên mặt vẫn không hiện một tia cảm xúc:
“Ngươi…là ai?”.
.
.
.
Không một tiếng hồi đáp.
Nàng cười nhạt.
Nàng cũng chẳng cần ai trả lời.
.
.
.
“Cộc cộc”.
Nàng ngoái đầu lại, là tiếng ai gõ cửa. Rốt cuộc là ai mà lại gõ cửa? Rõ ràng nô tỳ có thể tự do ra vào mà.
Nhiếp Tư Mặc ngẫm nghĩ một lúc thì đi đến mở. Bộ y phục cùng đám trâm cài đồ sộ này khiến từng bước di chuyển nặng nề vô cùng.
Cửa vừa hé, nàng có chút bất ngờ.
Là Lạc Sa cô nương đến.
Nàng ta vội hành lễ: “Tham kiến tiểu thư”.
“Lạc Sa cô nương sao lại đến đây?”.
Nhiếp Tư Mặc dấy lên nghi hoặc trong lòng.
Người kia đáp: “Đã làm phiền tiểu thư rồi. Tiểu nô đến để đưa chút đồ”.
Nàng khẽ nhíu mày, rốt cuộc là thứ gì mà phải phiền nàng ta đích thân đem tới, không phải gửi qua đám hạ nhân thì sẽ tiện hơn sao?
Không đợi nàng lên tiếng, Lạc Sa đã lấy ra một chiếc hộp gỗ không quá lớn được bọc trong tấm vải màu cam nhạt rồi đặt nó vào tay nàng.
Nhiếp Tư Mặc hoài nghi: “Đây là…?”.
“Trong hộp này đựng thuốc, một ít mứt quả khô và một ít điểm tâm do chính phu nhân thức cả đêm qua để làm”.
Mũi nàng chợt cay cay, vành mắt hơi đỏ. Đôi tay nhỏ bé run run mở nắp hộp ra. Bên trong đó ngoài ba gói thuốc lớn ra còn có một lọ mứt quả khô và điểm tâm. Còn là bánh Củ Mài mà nàng thích.
Nàng đưa tay áo gạt qua khoé mắt rồi gặng hỏi: “Mẫu thân ta sao không đích thân đến mà lại nhờ cô?”.
“Ta cũng khuyên quý chủ hãy đích thân gặp tiểu thư. Nhưng người không muốn nhất mực nhốt mình trong phòng, chỉ dặn ta đưa đồ tới”.
“Vậy còn nhị ca ta thì sao?”.
“Nhị công cũng tử nhốt mình trong phòng đã hơn mấy ngày, người không chịu gặp ai”
Nàng cố gượng cười: “Như thế cũng tốt, gặp rồi lại không nỡ chia xa”.
Lạc Sa bỗng khựng lại, nàng ta luồn tay vào ống ống tay áo thụng lấy ra một cây trâm đầu ngựa gạc hươu.
Như có tia sáng vụt qua mắt, Nhiếp Tư Mặc đổ dồn sự chú ý vào nó. Cây trâm vàng này nhìn rất quen, giống với cây trâm mà đêm hôm ấy nàng tìm thấy trong hộp đồ cũng của mẫu thân.
Lạc Sa cô nương vừa nhìn cây trâm vừa nói: “Quý chủ căn dặn ta nhất định phải đưa nó đến tay người. Quý chủ còn nói rằng trên thảo nguyên xa xôi hiểm trở, chiếc trâm này coi như là bùa bảo hộ cho người”.
Nói xong thì đặt nó vào tay Nhiếp Tư Mặc. Tay nàng hờ hững nắm lấy nó, hàng mi rủ xuống mà cười khổ.
“Đã làm phiền Lạc Sa cô nương rồi. Ta có một thỉnh cầu nho nhỏ, chuyến này ta đi lành ít dữ nhiều, cô ở lại hãy chăm sóc cho mẹ ta thật tốt”.
Lạc Sa quỳ xuống chắp tay: “Tiểu thư yên tâm, phu nhân ở lại nhất định sẽ sống thật tốt”.
Chỉ mong là như vậy.
Ánh mai hồng chiếu xuống cửa các, gió thổi làm tung bay những dải lụa trang trí trang trí bên trong, càng biến bóng lưng Nhiếp Tư Mặc trở nên cô độc.
Nhìn Lạc Sa nàng lại nhớ tới Uyển Nhi. Nàng ta nhất quyết muốn đi theo nhưng Nhiếp Tư Mặc không cho. Nàng ta khóc lóc đến tê tái tâm can thì nàng cũng không chút lay động.
Không phải vì nàng không cần Uyển Nhi, chỉ là nàng không muốn nàng ta phải chịu khổ cùng mình. Dù nàng biết Uyển Nhi không sợ chết, cũng không ngại khổ cực. Nhưng nghĩ lại, đi theo hầu hạ một kẻ bệnh tật đau yếu như nàng đã là một thiệt thòi lớn, nàng là một người chủ tử tồi tệ, nàng không muốn nợ Uyển Nhi quá nhiều.
Một lúc sau Lạc Sa cũng rời đi. Nhiếp Tư Mặc nắm chặt cây trâm cài của mẫu thân trong tay.
Điện các này được xây trên cao, có thể nhìn bao quát khắp thành Vĩnh Yên. Nàng chầm chậm đi tới, đưa tầm mắt ra xa rồi hít một hơi thật sâu, có lẽ đây là lần cuối nàng được cảm nhận bầu không khí này.
…
Giờ lành đã đến, nàng cùng các quý nữ khác đều có mặt đầy đủ để chuẩn bị rời khỏi mảnh đất này. Nhiếp Tư Mặc đưa mắt một vòng, nàng không nhìn thấy phụ thân và huynh trưởng.
Có lẽ họ không tới.
Dưới con mắt chăm chú của Hoàng đế cùng sự tò mò trông chờ của vô số văn võ bá quan cùng các sứ giả ngoại tộc, Nhiếp Tư Mặc được Cảnh Vũ dìu lên cỗ xe ngựa khảm nạm vàng sang trọng.
Đi xung quanh đoàn xe là kỵ binh triều đình mặc giáp vàng chói loá đi theo hộ tống.
Nàng ngồi lặng thinh trong xe không chút động đậy, âm thanh ồn ào huyên náo bên ngoài không chút đả động tới nàng. Trâm vàng trên đầu nàng đã bí mật rút xuống hai chiếc và thay vào đó là chiếc trâm bạc hoa sen mẫu thân tặng khi còn nhỏ.
Nàng chưa từng nhìn mặt những nữ nhân được gả đi cùng mình, cũng chẳng chút hứng thú.
Cảnh Vũ chính là người thân cận duy nhất cùng nàng đi đến thảo nguyên, Nhiếp Tư Mặc cũng chẳng muốn ngăn cản y, giữ y lại thì ít nhất nàng vẫn còn chỗ để nương tựa ở nơi đất khách quê người.
Xe ngựa bắt đầu lăn bánh, nàng ngồi yên vị mà nhắm mắt lại.
Dân chúng trong thành đổ ra đứng ở hai bên đường Chu Tước, nàng có thể nghe được tiếng khóc, tiếng la, tiếng hô vang, tiếng gọi vọng lại của họ.
“Bảo trọng!”.
“Các ngài nhất định phải bảo trọng!”.
“Lên đường bình an!”.
“Thiên hạ nợ các ngài, chúng ta nợ các ngài. Các ngài nhất định phải sống thật tốt! Chúng ta sẽ không quên ơn của các ngài ngày hôm nay!”.
Ai nấy đều lần lượt hô vang:
“Thịnh thế trăm năm, thiên hạ thái bình. Bảo trọng!”
Nhiếp Tư Mặc ngẩn người.
Nàng siết chặt tay lại, nước mắt tràn mi.
Đến cuối cùng chẳng thể vén tấm rèm kia lên để vẫy chào tạm biệt họ.
Lần này một đi không trở lại, thôi thì nàng chết để bách tính được sống trong yên vui không phải chịu cảnh chiến tranh loạn lạc.
Không có chia ly.
Không phải đổ máu.
Không phải nhà tan cửa nát.
Xe cứ đi mãi, chẳng biết đã đi bao xa.
Sau lưng nàng là Dương Minh quan cửa ải của kinh thành.
Phía sau nơi ấy có dân chúng một lòng thương tiếc mà khóc than cho những nữ tử gánh vác trọng trách giữ gìn hoà bình.
Phía sau nữa chính là cố hương của nàng, Vĩnh Yên.
Suy cho cùng cũng chỉ còn là ký ức.