Thành Vĩnh Yên trong mấy ngày nghị hoà như chìm trong ảm đạm, các hoạt động vui chơi giải trí hay buôn bán vẫn diễn ra như thường nhật, chỉ là không được sôi động như dạo trước.
Những kẻ lắm mồm nhiều chuyện cũng không dám hé nửa lời bàn tán hay nói năng xằng bậy. Dân chúng cũng chỉ biết nhìn nhau mà tự hiểu.
Tin thứ nữ của Bình Tây Hầu thắt cổ tự vẫn vì không muốn gả đi thảo nguyên đã loan khắp kinh thành.
Cái chết của nàng không đơn giản là kết thúc.
Nữ nhân bị gả đi hoà thân trước hôn kỳ nếu xảy ra điều gì ngoài ý muốn như dung bạo bị hủy hoại hay bất hạnh qua đời thì buộc phải thay người khác.
Tang sự của vị quý nữ đấy diễn ra còn chưa được hai ngày thì Hoàng đế cùng quan thần đã họp bàn tìm một người thay thế.
Nữ nhân thay cho vị trí còn trống đi hoà thân này chắc chắn phải đúng ý man di. Tuyệt sắc gia nhân chỉ là một phần, cái quan trọng là nữ nhân ấy chắc chắn phải mang dòng máu hoàng tộc hoặc con nhà xuất thân hiển hách hay chí ít cũng phải có liên hệ mật thiết với triều đình. Ngoài ra cũng phải biết phép tắc, cư xử lễ độ, tuổi đời còn trẻ và đặc biệt là chưa có hôn ước.
Các công hầu quý tộc có con em là nữ nhân tuổi nhỏ đều đang sốt ruột lo lắng, người thì gấp gáp tổ chức hôn sự cho con em, người thì đưa nữ nhân xuất phủ đến một nơi thật xa để tránh lọt tầm ngắm của Hoàng đế, thậm chí còn có kẻ chấp nhận rạch mặt, hủy đi dung nhan vốn có để không phải đi hoà thân. Không một ai muốn gả kim chi ngọc diệp của gia tộc cho man di cả.
Phủ Thái phó Nhiếp gia cũng không ngoại lệ. Từ khi biết tin, Lâm phu nhân và Nhiếp Tĩnh đứng ngồi không yên. Nhiếp thị ngoài Nhiếp Tư Mặc ra thì cũng không thiếu quý nữ yêu kiều xinh đẹp mà tuổi đời còn trẻ. Nhưng tất nhiên chẳng ai muốn gả, ai cũng sẽ có cái cớ của riêng mình để trốn tránh cả thôi.
Nhiếp Tư Mặc lại không quá lo lắng, nàng biết mình chẳng phải dạng sắc nước hương trời, càng không cầm kỳ thi hoạ. Là một kẻ không có sắc cũng chẳng có tài. Chưa kể còn bệnh tật ốm đau nữa. Ngoài cái danh phận có mà như không này thì nàng chẳng có gì. Tuy xuất thân hiển hách nhưng nàng lại khá kín tiếng, có những người thậm chí còn không biết đến sự tồn tại của nàng. Lần đi hoà thân này không có “phần” cho nàng đâu.
Đã hơn năm ngày nàng không nhìn thấy mặt phụ thân rồi, cũng dễ hiểu thôi. Chuyện triều chính đang căng thẳng, vắt óc ra giải quyết cả ngày cũng không hết, đâu có rảnh rỗi như nàng.
Theo tin báo của Uyển Nhi thì nữ nhân này phải đạt những tiêu chí cực kỳ cao, có lẽ Đột Quyết đã phát giác ra điều gì.
Nội thị triều định được cử đi đến các phủ có quý nữ mười tám tuổi trở xuống để vẽ chân dung. Không ít người đã bỏ một số tiền lớn đút lót hoạ sĩ để mong bức chân dung vẽ mình sẽ thật xấu xí.
Nhiếp Tư Mặc cũng chẳng muốn bỏ tiền ra làm mấy chuyện vô ích như vậy. Lớn hết cả rồi, kẻ ngốc đến mấy đi nữa cũng thừa biết được chiêu trò của các nàng và người thân các nàng. Vẽ chân dung chỉ là một phần nhỏ thôi, nếu bây giờ ai cũng xấu đến ma chê quỷ hờn thì cũng có thiếu người từng nhìn thấy dung mạo thật đâu.
Nói là vẽ chân dung để chọn lựa nhưng Nhiếp Tư Mặc đoán Thánh thượng đã có suy tính riêng trong lòng từ trước cả rồi.
…
Mấy ngày nay việc luyện cưỡi ngựa khiến cho cơ thể nàng đau nhức không thôi, nhị ca cũng nói rằng do ngày thường nàng ít luyện tập cho nên khi vận mạnh một chút là các cơ sẽ nhức mỏi, dần dần sẽ quen thôi. Nói như vậy nàng cũng yên tâm phần nào.
Nhiếp Tư Mặc chắp hai tay sau lưng lượn lờ qua lại quanh ba kệ sách lớn, từ ngày Nhiếp Tĩnh về thì chế độ ăn của nàng có chút thay đổi. Hắn bắt nàng phải ăn uống đúng bữa và đủ chất, thịt cũng được thêm vào khẩu phần nên gần đây nhìn nàng cũng có da có thịt hơn trước.
Lão sư phụ cách đây một tháng có gửi cho Nhiếp Tư Mặc một quyển sách, đợt ấy nàng không có thời gian đọc nên đành cất tạm lên kệ rồi lãng quên luôn. Giờ chợt nhớ ra, muốn đi lại mà lượn là cả buổi vẫn không thấy.
“Nó có thể ở đâu đây nhỉ?”. Nàng cau mày, ngón tay đặt lên cằm mà khẽ thở dài.
Vừa hay Uyển Nhi đẩy của bước vào, trên tay thị nữ bưng một chiếc khay gỗ để vô số phục sức và mỹ phẩm. Nhiếp Tư Mặc không quan tâm cho lắm, nàng hỏi:
“Uyển Nhi, ngươi có thấy cuốn sách mà tháng trước sư phụ gửi cho ta đâu không?”.
Thị nữ đặt mấy thứ đồ lỉnh kỉnh xuống, đưa tay thấm mồ hôi trên trán mà đáp: “Tiểu thư có nhiều sách vậy ta biết người muốn tìm quyển nào đây?”.
“Phải rồi…nó tên gì nhỉ?”. Nhiếp Tư Mặc lẩm bẩm trong miệng, giờ nàng mới nhận ra đến cả tên cuốn sách nàng còn không nhớ nữa. Đãng trí!
“Bỏ đi, để hôm khác tìm. Chắc nó chỉ ở trong phòng này thôi. Mà này Uyển Nhi, mấy cái đó là gì thế?”.
“Tiểu thư…ta tưởng người biết rồi chứ! Đây là lễ một phần nhỏ trong đống lễ vậy cầu thân của Vương thị gửi tới Nhiếp phủ. Vương thị muốn…bàn chuyện hôn ước giữa Vương công tử với…người”.
Giọng Uyển Nhi mỗi lúc một thấp dần, như đang ái ngại tiểu chủ tử.
Mặt nàng đơ cứng.
Hôn ước gì? Vương thị? Lễ vật? Muốn tổ chức hôn sự sao? Tại sao lại đúng vào thời điểm nhạy cảm như vậy, liệu là trùng hợp hay có ý gì khác? Hơn nữa nếu muốn bàn việc hôn ước thì cũng phải thông qua Nhiếp lão gia, phụ thân nàng lại đang bận tối mắt tối mũi, thời gian đâu mà lo việc này.
Không lẽ…?
Nàng siết chặt tay Uyển Nhi, mặt lạnh như băng mà lớn giọng:
“Chuyện này mẫu thân ta biết chưa!?”.
Uyển Nhi run rẩy, trong miệng lắp bắp mấy từ vụn vặt khó nghe. Cổ tay nàng ta bị Nhiếp Tư Mặc siết đến độ hằn lên vệt đỏ đậm.
“Người c-của Vương thị đến…phu nhân hoàn t-toàn không b…biết ạ”.
Nàng không nói nhiều, trực tiếp khoác lấy áo choàng, dứt khoát bước ra khỏi cửa.
Nhiếp Tư Mặc đạp lên yên ngựa, hai tay nắm chặt lấy dây cương, khẽ đá vào bụng ngựa hai cái. Nàng lớn giọng:
“Tất cả các người ở yên đấy, tuyệt đối không được đi theo ta!”.
Cảnh Vũ lúc này mới chạy ra với vẻ mặt sốt sắn, y nắm chặt cổ tay nàng, chấp nhận phạm thượng mà nói:
“Tiểu thư, người muốn đến chỗ phu nhân, ta đi cùng người! Hoặc chí ít, để ta chuẩn bị xe ngựa”.
Nàng không chút nương tình mà gạt phăng tay y ra, đôi mày khẽ nhíu, đáy mắt lạnh lẽo như băng liếc nhìn hắn.
“Ngươi không nghe thấy ta nói gì sao? Đừng đi theo ta”.
Nói rồi, ngựa đen tung vó chạy như bay
giữa ánh chiều tà ảm đạm.
Đến trước cửa phủ, Nhiếp Tư Mặc nhảy khỏi yên ngựa mà lặng lẽ bước nhanh vào. Hạ nhân thấy nàng âm trầm lạnh lẽo khác hẳn ngày thường nên cũng chẳng dám nhiều lời mà quỳ xuống.
Lạc Sa mở của phòng đi ra thì bắt gặp nàng đột ngột đến đây. Toan chào hỏi vài câu thì Tam tiểu thư đã lên tiếng trước.
“Mẫu thân ta đâu?”.
“Quý chủ đang ở bên trong. Tiểu thư…!”
Còn chưa hết câu mà Nhiếp Tư Mặc đã lẳng lặng lướt qua không chút vướng bận. Lạc Sa thực sự nghi hoặc, rốt cuộc Tam tiểu thư có chuyện gì?
Nàng đẩy bật cửa ra, tiếng động lớn khiến hạ nhân bên ngoài còn phải giật mình chứ nói gì đến người bên trong.
Lâm phu nhân quay mặt lại phía phát ra âm thanh. Mẫu nàng vẫn là dáng vẻ đó, một đoá mẫu đơn tuyệt sắc mà lại mang chút sầu bi mệt mỏi.
“Trời lạnh vậy, Mặc Nhi không ở trong phòng đến đây làm gì?”. Bà cười như không cười, cũng không nhìn thẳng vào Nhiếp Tư Mặc, bản thân nàng cũng chẳng biết mẫu thân đang trông về hướng nào.
“Mẫu thân…thư cầu thân, hôn ước, tất cả những thứ ấy đều là người sắp xếp sao?”.
Nàng trầm giọng, hàng mi đen nhánh rủ xuống trầm buồn.
“Không”.
Lâm phu nhân điềm nhiên đáp.
“…”
Bà cười cười: “Con không tin ta à?”.
Nàng cũng như bao nữ tử khác, đều không muốn gả cho man di. Nhưng lấy hôn sự ra làm cái cớ để trốn tránh thì nàng không muốn. Người ta vẫn nói chuyện kết hôn là chuyện đời người, đâu thể lấy nói ra để làm lá chắn cho bản thân được. Đến người mà mình đính ước còn chưa từng nhìn thấy mặt bao giờ, chẳng biết y là ai, càng không muốn trói buộc bản thân chỉ vì lúc nhất thời thế này.
Việc ấy có hơn gì gả cho man di chứ?
“Mặc Nhi, ta biết con còn nhỏ, không muốn bị trói buộc. Nhưng…có một thế gia muốn thiết lập hôn ước với Nhiếp thị vào lúc này chẳng phải là một điều tốt sao”.
“Con thậm chí còn chưa từng nhìn mặt y”
Lâm phu nhân cười lạnh: “Vương công tử là người tốt…”
Nàng ngắt lời bà: “Người tốt? Con chẳng biết y tốt như nào, cũng chẳng cần biết y là ai. Không phải người từng nói con hay bên cạnh người mà con yêu và người ấy cũng thật lòng trân trọng con sao?”.
Bà sững người, nhắm mắt lại mà cười trừ, nắm chặt cây trâm cài đầu ngựa gạc hươu ấy, nước mắt cứ nhỏ dần nhỏ dần lên mu bàn tay trắng ngần.
“Ta thực sự xin lỗi…”
“Mẫu thân, từ chối hôn ước đi, có được không?”. Giọng nàng tha thiết cầu khẩn.
“…”
Nàng quay lưng lại với phu nhân, đôi mắt đen sâu thâm trầm chẳng biết hướng về đâu. Tay nàng siết thành quyền, gương mặt không hiện nổi tia cảm xúc, giọng lạnh tanh mà kiên định:
“Con sẽ không sống một cuộc đời như người, sống mà không thấy phía trước, sống mà bị người ta khi dễ”.
Lạc Sa quỳ bên cạnh Lâm Thanh Yên lập tức bật dậy mà lên tiếng: “Tiểu thư! Người biết mình đang nói gì không!”.
Còn chưa hết lời đã bị bà ra hiệu im lặng.
Lâm phu nhân không nhìn nàng, bà cúi đầu. Ánh tà dương mệt mỏi lập loè xuyên qua ô cửa chiếc lên dung nhan như hoa như ngọc.
Từ đầu đến cuối mẫu thân vẫn không ngoảnh lại nhìn nàng dù chỉ một chút.
Bà cười giễu.
“Đúng…đừng sống như ta, sống như một trò cười, sống nhờ sự thương hại của người khác”.