Thời gian của chúng tôi cứ thế lặng lẽ trôi.
Trước ngày tổng kết năm học, Công ty Than phường Vàng Danh tổ chức một chuyến đi chơi dành cho những học sinh đạt giải cao trong cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh vừa rồi. Địa điểm thăm quan của chúng tôi lần lượt là Nghệ An, Hà Nội rồi về lại Uông Bí, chỉ có ba ngày hai đêm nhưng kế hoạch du lịch lại dài cả tá. Tôi sắp xếp vài ba bộ quần áo, thuốc trị ngứa và hàng đống thuốc chống say để giảm thiểu mệt mỏi với chuyển đi chơi hơi phân nửa là ngồi trên xe ấy. Sáu giờ sáng, lũ học sinh chúng tôi tập trung ở điểm đón, màu trắng đồng phục trải dài khắp con đường cũ.
Đứa nào đứa nấy háo hức trò chuyện, một cơ số trong đội chưa được đặt chân đến miền Trung bao giờ, nhiều đứa còn mang quyển từ điển địa phương đi. Tôi uể oải ngáp ngắn ngáp dài, lúc bốn chiếc xe lần lượt đi đến, bên tai tôi bỗng nhiên vang lên tiếng xì xào bàn tán.
Còn đầu tôi thì chỉ hiện lên một suy nghĩ duy nhất: “Sắp trĩ rồi!”, Một chuyến đi ước chừng mất hơn tám tiếng không tính thời gian nghỉ chân… không có giường nằm! Tôi nghe thấy tim mình như vỡ ra, rơi lanh lảnh xuống đất lạnh.
– Đầu tư hẳn một chuyến du lịch xa vậy mà không có xe giường nằm hả trời… – Một đứa oán thán.
– Được voi đòi tiên! Đi chơi xa như vậy là tốt lắm rồi đó, có mất đồng nào đâu mà than lắm.
Tiếng xôn xao cũng vì thế mà thôi ồn ã, có lẽ chúng nó đã nhận ra điểm mấu chốt là chuyến đi này không hề mất tiền nên không thể đòi hỏi quá đáng. Khác với chuyến đi Yên Tử lần trước, chiếc xe mà tôi ngồi khá thoáng chỗ, gần như có thể ngồi một người hai ghế, tôi vất phịch ba lô lên ghế bên cạnh, hối hận quá thể vì đã không mang vali, tôi cứ sợ chơi có ba ngày mà mang vali thì lố lăng quá, kết quả là có mỗi tôi dùng ba lô.
Chưa ngồi được nửa phút mí mắt tôi đã dính hết lại, vậy là tôi lăn ra ngủ không biết trời đất, lúc mở mắt ra đã đến trạm Hải Dương. Mọi người ùa xuống xe như ong vỡ tổ, tôi lờ đờ men theo màu áo đồng phục vào trong. Nhìn thấy những gian hàng đầy ắp bánh đậu xanh và đặc sản lạ mắt, tôi chợt ý thức được nơi mình đang đứng và bỗng nhiên thấy phấn chấn hơn hẳn. Tôi mua vài gói bánh đậu xanh cho bác Minh, bác kể quê ngoại bác ngày xưa ở đây, chắc chắn bác sẽ cảm động lắm.
Cả nhà ăn chật ních người, các tô phở gà, phở bò được mang ra, Trang giục tôi:
– Mày không ăn đi là đói đấy, ăn xong mình đi thẳng vào Nghệ An luôn mà.
Tôi lắc đầu rồi húp tạm vài miếng nước, miệng tôi đắng ngắt, khô cứng như bị một hòn đá chặn lại. Tôi nhìn quanh tìm kiếm rồi bỏ cuộc, đứng dậy vào nhà vệ sinh. Lúc trở ra, tôi bị thu hút bởi một người đàn ông đang chống gậy trước cửa với chiếc nón rách rưới.
– Bác ơi, bác đã ăn trưa chưa ạ?
Tôi hỏi, chạy lại quán cơm gần đó khi thấy bác lắc đầu. Mua thêm một chai nước, tôi để thêm năm mươi nghìn dưới đáy hộp. Bác cảm ơn tôi rối rít, tôi chưa kịp phản ứng đã thấy mình bị kéo giật lại, chiếc túi rơi xuống đất, cơm bắn lên tung tóe.
Sau đó là một loạt tiếng đồng thanh không biết của những ai:
– Ăn cướp giữa ban ngày hả? Đứng lại!
Mọi chuyện xảy ra quá nhanh, hai người đàn ông chạy đi như bị ma đuổi, tôi khó hiểu nhìn theo, quay sang đã thấy Đức đứng ngay đằng sau, cậu là người kéo tôi lại à? Mọi người đột nhiên chạy đến hỏi thăm, tôi ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì, đến khi thấy trên tay Đức là túi xách của mình với phần quai bị đứt.
– Hai đứa có làm sao không? Giờ lừa đảo nhiều lắm, ở nơi xa lạ thì phải cẩn thận chứ.
Trang nhìn ngó tôi một lượt, chắc chắn tôi không sao mới buông một câu mỉa mai:
– May là Đặng Đức phát hiện ra chứ không là Lam chưa đi chơi đã mất túi xách nhé.
– Công nhận tinh vi thật đấy, làm việc có tổ chức, lại còn chuẩn bị dao để cắt quai đeo chứ không thèm giật nữa.
Mọi người rôm rả bàn tán, tôi chẳng nghe lọt một chữ nào, ánh mắt chúng tôi gặp nhau. Tôi không rời đi, Đức cũng không né tránh tôi.
– Có sao không?
Tôi không phủ nhận, tôi thấy rất thích thú mỗi khi cậu cúi sát nhìn tôi như thế này.
– Tớ không sao, cảm ơn cậu nhé.
Cậu cong mắt cười, đặt chiếc túi vào tay tôi rồi lên xe. Tôi lúi húi dọn dẹp đống cơm rơi xuống đất rồi thở dài rửa tay. Vừa mới mở đầu đã như thế này, không khéo là điềm báo cho chuyện gì đó, một chuyện không lành.
Tôi vẫn ngủ suốt cả quãng đường đi, khi giật mình tỉnh dậy lúc xe chưa đến nơi mà vẫn không thể vào giấc, tôi đánh liều uống hết liều thuốc chống say tàu xe còn lại. Chúng tôi đặt chân xuống thành phố Vinh của tỉnh Nghệ An vào hơn một giờ chiều. Địa điểm khi thăm quan tỉnh anh hùng này thì chắc chắn là Quê Bác rồi. Tôi nhìn qua cửa sổ, cổng chào từ từ xuất hiện trong tầm mắt.
– Các bạn nhanh chóng xuống xe rồi đi theo đoàn mình vào trong nhé.
Tôi vươn vai, đang theo dòng người bước xuống bỗng nhiên vấp vào một chiếc quai túi nào đó, suýt thì ngã nhào về phía trước. May mắn làm sao, tôi vừa kịp bám lấy chiếc ghế gần đó. Nhưng cũng xui xẻo làm sao, vì tôi phản xạ nhanh mà Đức cũng vội vã rụt lại bàn tay đang vươn ra.
Cuối tháng bốn nhưng thời tiết lại rất mát mẻ, không nắng gắt như cả đoàn vẫn lo lắng. Tôi theo đoàn tiến vào trong, tăm tia sẵn mấy quầy bán quần áo và đồ lưu niệm. Lắng nghe lịch sử nơi Bác lớn lên và một vài chuyện dân gian, đứa nào cũng bất ngờ vì cô hướng dẫn là người miền Trung nhưng cách nói chuyện không hề khó nghe như chúng tôi vẫn tưởng.
– Thật ra giọng ai cũng như vậy thôi, vì nghề nghiệp mà phải thích ứng với sửa đổi. Đâu có ai tự nhiên hợp với người khác được.
Tôi nghe thấy một ý nghĩa khác trong câu nói đó.
Thăm quan chán chê, chúng tôi lại theo đoàn du lịch sang quê Ngoại. Điểm bất tiện trong du lịch ngắn ngày như này là mỗi địa điểm chẳng ở lâu được mấy tí, xe lên gần hết rồi nhưng Trang vẫn cố kiết kéo tôi lại ở mấy quầy bán hàng.
– Mày nhìn bộ này cái Bông nhà tao mặc vừa không?
– Tao nghĩ là hơi chật, lên size L đi. – Tôi nhận xét.
Con bé mở điện thoại gọi cho mẹ. Tôi theo phản xạ đứng dịch ra xa, nhìn Trang và mẹ tíu tít nói chuyện cười đùa, bàn nhau về những bộ quần áo nên mua cho bố. Tôi biết ghen tị với những gì người khác có là đang hạ thấp chính mình, nhưng tôi không sao ngăn mình nhìn Trang với ánh mắt khao khát.
Có bố mẹ đúng là thích thật đấy.
Trang trở ra với hai túi quần áo, nó vui vẻ khoe với cả xe vừa trả giá được chiếc áo từ hai trăm nghìn còn một trăm rưỡi, Hà Vi giơ ra một chiếc áo y chang, cười ranh mãnh:
– Tao mặc cả từ 180 xuống 90 này.
– …
Mấy đứa gần đó phá lên cười, Trang tím mặt định nhảy xuống xe “đòi công bằng” thì bị cô hướng dẫn mắng cho một trận, liền quay ra khẩu chiến với Vi vì mấy chuyện đâu đâu. Xe dừng trước một khách sạn lớn nằm giữa thành phố Vinh vào hơn năm giờ, đứa nào cũng rã rời vì ngồi xe lâu, lần lượt xếp hàng để nhận thẻ phòng khách sạn.
– Bảy giờ tối nay các bạn có một buổi liên hoan tại tầng G nhé, tranh thủ nghỉ ngơi rồi tắm rửa là kịp, đi vào trong kia để các cô hướng dẫn nào.
Thùy Linh ngáp ngắn ngáp dài chìa chiếc thẻ phòng:
– Tao cầm hay mày cầm?
– Mày cầm đi. – Tôi đáp. – Để tao cầm chắc đêm nay hai đứa ngủ ngoài hành lang.
Ánh đèn lấp lánh từ những chiếc đèn chùm kéo tôi ra khỏi chút tâm trạng không đáng có, tôi bắt đầu phấn chấn quan sát xung quanh, theo một nhóm người lên thang máy, Vi đi đến đâu cũng thích thú chạy nhảy loạn xạ.
– Này là cửa khóa tự động đúng không mày, xịn thật!
– Vi ạ. – Trang thì thầm. – Mày đừng có thấy cái gì cũng gào mồm lên như thế, giả vờ làm người giàu đi, nhục hết cả mặt.
Tôi phì cười nhìn vẻ mặt sượng trân của Vi, thang máy dừng ở tầng năm, tôi lơ đễnh theo Thùy Linh vào phòng, đến lượt tôi ngơ ngác như lần đầu được trải nghiệm cuộc sống của giới thượng lưu.
– Đúng khách sạn bốn sao nhỉ, sang hết cả mắt.
Tôi chưa được trải nghiệm chuyến du lịch thế này bao giờ, chỉ biết đực mặt nhìn Linh thuần thục bỏ quần áo vào tủ, mở tủ lạnh lấy nước uống rồi lại vào phòng tắm. Nó trở ra với chiếc khăn choàng, mở nhạc Âu Mỹ rồi bắt đầu trang điểm dưỡng da.
– Linh ơi. – Tôi chớp chớp mắt. – Mày làm thế là đang sỉ nhục tao đấy.
Linh bật cười trong lúc đang bôi thứ gì đó màu xanh kỳ dị lên mặt, tôi mang bừa một bộ quần áo vào phòng tắm, kiểm tra gương có máy quay lén không mới thoải mái nhìn xung quanh, vừa mở được cửa phòng ra thì thấy nhóm Kiều Trang từ đâu xông tới.
– Sao trông mặt con Trang ủ rũ vậy? – Linh vẫn đang tô trát gì đó lên tiếng hỏi.
Vi phá ra cười:
– Chẳng biết nó đi tắm kiểu gì mà khua tay làm vỡ mất hai chai dầu gội của khách sạn, phải đền người ta gần bốn trăm.
Dứt lời, tiếng cười của Linh còn kinh dị hơn cả Vi, Trang vẫn lăn lộn trên giường tôi, làm đệm gối nhăn nhúm hết cả.
– Tao đã lập kế hoạch phá đảo Lotte Nghệ An mà mất 1/3 vốn luôn rồi, tiếc chết mất chúng mày ơi!
Buôn dưa lê bán dưa chuột chưa được bao lâu đã đến bảy giờ, chúng tôi kéo nhau xuống nhà ăn. Nói chung là ngon, thật ra tôi không ăn được mấy vì bị nhóm Trang kéo đi chơi khắp nơi, người ta vẫn bảo đi du lịch theo đoàn như này thì quý nhất là được hoạt động tự do mà. Cả đám tra Google Map, lần mò hơn một cây vẫn chưa thấy cái Lotte nào, nhưng tuyệt vời là có hẳn hai chiếc nhà sách cạnh nhau. Đúng là ý trời, chúng tôi dung dăng dung dẻ vào trong, có một buổi tối thôi mà làm loạn cái nhà sách của người ta lên.
– Vi ơi mày đã quyết định được tương lai chưa?
– Gì mày?
Vi vừa quay ra đã thấy Trang đang đứng trong quầy dạy làm giàu, lý luận làm giàu, đột phá kinh tế, cách trở thành tỉ phú…
– Thế nên mới bảo ranh giới giữa ước mơ và ảo tưởng nó mỏng manh lắm. – Vi kết luận.
Lần mò chán chê, Vi phát hiện ra ra ở giữa tầng một và tầng hai có một kệ sách chương trình cũ, không ai dùng nữa nên nhà sách cho miễn phí. Vấn đề là:
– Này là đang kiểm tra liêm sỉ của mỗi người đấy.
Hà Vi tiếc nuối nhìn đống “mỡ” béo bở trước mặt. Kiều Trang thì lao vào như thấy của quý, nó buông một câu triết lý sống:
– Bọn mình là khách du lịch ở đây một đêm, chả ai biết mà ngại, chúng mày không lấy thì tao lấy.
Thế là cả đám xâu xé đống sách cũ, sau đó vui vẻ đi ra mà không mua gì. Vi lấm lét quay ra sau, ghé vào tai Trang thì thầm to nhỏ:
– Mày có cảm thấy là mấy anh chị nhân viên vừa lườm mình không?
Trang tưng tửng nhìn đống sách miễn phí trên tay:
– Mặt dày lên, cùng lắm là bị chửi thầm vài câu thôi mà.
Thú vị thật.
Nhà sách thứ hai nhanh chóng bị đám Trang tấn công. Tôi loanh quanh ở các kệ bày văn phòng phẩm và đồ dùng học tập, thấy cái nào cũng muốn mua nhưng lại sợ phí tiền, Vi bên cạnh không nhịn được mà liếc xéo tôi:
– Tao thấy mày sờ vào cái kẹp nơ đấy gần mười lần rồi đấy, thích thì mua đi má.
– Thôi. – Tôi lắc đầu. – Tao mang ít tiền trong người lắm, tí có việc cần dùng đến.
Một lúc, Vi kéo tôi lên tầng hai, cả tôi và nó đều ngỡ ngàng trước những gian sách bạt ngàn. Vi nuốt khan:
– Tao cảm thấy tiền trong tài khoản chuẩn bị không cánh mà bay.
Tôi đi từ dãy này sang dãy nọ, nhìn mãi không chán. Lúc đi qua Trang, con bé lại bắt đầu tăm tia mấy quyển sách làm giàu, nó hỏi tôi:
– Mày biết ước mơ lớn nhất của tao là gì không?
– Học tiếng Trung á? – Tôi nhìn vào đống sách luyện HSK sau lưng con bé.
Trang giơ từ sau lưng ra cuốn “Làm Đĩ” của Vũ Trọng Phụng. Buồn cười thì buồn cười thật, nhưng tôi vẫn phải bổ sung:
– Nghe tên truyện vậy thôi chứ đọc là khóc ròng đó mày.
– Tao đùa thôi. – Trang cười.
Buổi thăm quan nhà sách đó sẽ chẳng có gì đáng nói nếu tôi không thấy thấp thoáng tiếng cười kinh dị của Gia Khánh, y như rằng, chỉ vài phút sau đám con trai đó đã kéo lên đến tầng hai, theo sau còn có cả Minh Đức.
Song song với vật cản là lướt qua các tiết học chán ngấy trên lớp, tôi bắt đầu có một nỗi lo lắng mới, hầu hết trong những lần tôi đến thăm, Lam đều chìm đắm trong tâm trạng ủ dột, một cảm xúc mà trước đây tôi rất ít khi thấy.
Sau vài ngày chăm chỉ giậm chân vào thảm bệnh viện, đã có một lần tôi được bác gái kể chuyện. Bác tên Minh, làm giúp việc cho nhà Lam từ khi mẹ Lam tròn mười hai.
“Bố mẹ cái Chíp đều làm thương nhân, lúc nào cũng theo người ta đến mấy nước châu Âu nhập hàng. Một năm về được vài lần, từ khi bố nó mất, có năm mẹ con bé còn chẳng thèm về. Nhiều lần con bé ốm sốt, còn ngăn không cho bác gọi cho mẹ nó.”
Tôi tựa người vào chiếc ghế bên cạnh, Lam lúc này vẫn đang trùm chăn kín mít.
“Lần cuối cùng mẹ cái Chíp về là hè năm nay, mẹ nó về vơ tiền. Bác nói mẹ nó mới biết con mình đang thi lên lớp mười. Nhiều lần con trốn trong phòng khóc, hỏi bác cháu đã làm sai điều gì. Tại sao mẹ lại không yêu cháu.”
Giọng bác Minh nghẹn lại, tôi thở một hơi dài, tựa vào chiếc ghế thẫn thờ hồi lâu.
Tôi có nghĩ Nguyệt Lam có một cuộc sống rất hạnh phúc, những lúc gặp chuyện, Lam chỉ cần khóc một trận là sẽ như thường. Nguyệt Lam mà tôi biết lúc nào cũng mang một giao diện tươi cười thì ra cũng có nhiều tổn thương như thế.
Đột nhiên nhớ đến thi thoảng bắt gặp mắt Lam bị sưng vào mỗi buổi sáng, Lam toàn giải thích qua loa là hôm qua thức đêm xem phim. Bàn tay tôi bất giác nắm chặt, móng tay đâm sâu vào da thịt. Không phải Lam giỏi che giấu, mà là tôi đã không quá để tâm.
Tôi ngập ngừng hỏi tại sao bác lại làm nghề này lâu đến vậy, gương mặt tiều tụy vì thời gian của bác nặn ra một nụ cười gượng gạo:
“Bác chẳng thiết tha gì nghề này, cái nhà ở quê rất cần bác, nhưng bác sợ nếu bác đi, Nguyệt Lam sẽ không chịu nổi. Nó chỉ có một mình bác, chỉ có bác thôi.”
Tôi bỗng trầm tư, những người có hoàn cảnh khó khăn rất nhiều, nhưng những người có hoàn cảnh khó khăn mà vẫn nghĩ cho người khác thì không phải ở đâu cũng có. Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao khi nhắc đến người giúp việc nhà mình, ánh mắt của Lam luôn rất ấm áp.
Có thể khẳng định, bác Minh đã hi sinh gần như cả cuộc đời của mình cho gia đình Lam.
Nguyệt Lam rất ít khi kể về gia đình cho tôi nhưng vào một buổi tối, khi Lam vừa tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài, cậu đã nói với tôi rất nhiều thứ.
“Tớ vừa mơ thấy bố mẹ, bố mẹ nắm tay dẫn tớ đến một khu vườn có rất nhiều đom đóm bay xung quanh. Lâu lắm rồi tớ không mơ thấy bố, tớ cứ nghĩ bố không cần tớ nữa.”
Tôi không nói gì, chỉ nhẹ nhàng xoa bóp cổ tay của Lam, để cho Lam khóc.
“Tớ rất thích tuyết, một năm mẹ tớ đều đi qua hàng chục nước có tuyết, nhưng tớ chưa bao giờ được nhìn thấy tuyết. Tớ chỉ mong thi thoảng mẹ về nhà nhìn tớ một lần, nhưng mẹ… thậm chí còn không nghe điện thoại của tớ.”
Mấy ngày hôm nay tôi đều thấy Lam như vậy, ánh mắt lúc nào cũng nhìn về một hướng vô định rồi, lại ngủ. Tôi đã làm mọi cách, bày đủ trò khiếm Lam cười, nhưng đều vô ích.
“Trăng đêm nay rất sáng…”
Tôi thì thầm, dùng khăn ướt lau sạch nước mắt trên mặt Lam.
“Trăng sẽ không vui khi thấy cậu khóc.”
Lam chỉ miết tấm chăn trắng tinh, trầm tư không đáp, và có thể là Lam chẳng nghe thấy.
Không có Lam, những tiết học trên lớp dài như cả thế kỷ. Tôi thường thẫn thờ nhìn vào bảng, nghe tiếng thằng Việt phát ra liên hồi:
“Mày không làm bài tập Toán à?”
“Ừ.”
“Cũng không làm bài tập Sinh luôn?”
“Ừ.”
“Chơi Truth or Dare không?”
“Ừ.”
“Thế Truth or Dare?”
“Lam.”
“…”
Tiếc là tôi không thể nhìn thấy bộ mặt khó coi của thằng Việt lúc đó vì đang bận suy tính làm thế nào để Lam vui vẻ trở lại.
Tôi đã từng thuê một bộ gấu bông to đùng hình Siêu Nhân Gao, đi trên đường bị cả tá trẻ em bám lấy, người đổ đầy mồ hôi. Bật nhạc nhảy trước giường Lam nhưng người cười chỉ có bác Minh.
Cũng từng mua mấy con rối trông khá giống những chiếc tất, nhại lại một tập phim Doraemon hay mang cả bộ loa mini đến rồi hát Let it go, tất cả đều vô dụng. Cho đến một ngày, khi đi qua tiệm tạp hóa, tôi bị thu hút bởi một dòng chữ bán máy chiếu cũ.
Đêm trước khi Lam xuất viện, tôi nài nỉ những phòng ở tầng một và lưng bệnh viện hãy tắt đèn lâu một chút, loay hoay đấu điện tiến hơn chín giờ, vừa thành công liền hí hửng lên tầng ba lôi Lam đang thẫn thờ ngắm trăng qua cửa sổ xuống dưới, còn khoa trương làm động tác cúi chào của hoàng tử:
“Nàng công chúa, cậu nhìn này.”
Tôi chăm chú quan sát vẻ mặt Lam, vẻ thẫn thờ của Lam liền biến thành ngơ ngẩn. Tôi đã chỉnh cho chiếc máy chiếu trên tường, kết nối hình ảnh với điện thoại, trên bức tường bệnh viện lúc này là những chú đom đóm đang bay lượn trong khu vườn, tất cả như kết thành một dải ngân hà sáng lấp lánh.
Lần đầu tiên tôi không cảm thấy lo lắng khi nước mắt Lam chảy ra, bởi vì tôi thấy Lam đang cười.
Một nụ cười tươi nhất mà tôi từng thấy.