Tôi vội xin lỗi, cố lê dậy rồi ngồi lên một cái bậc thang của tiệm nhỏ đang đóng cửa. Máu đỏ thấm qua đầu gối dưới chiếc quần bò của tôi, làm rách cả vải, trộn lẫn vào đất, xót không thể chịu được, đành ấn tạm tay để kìm máu. Tôi nhìn ngó dòng người qua lại, tủi thân muốn khóc, tự thấy mình vô dụng hết mức. – Ôi sao mà cậu chạy đến tận đây được thế? Không biết qua bao lâu, tôi giật mình ngước lên, vừa chạm vào ánh mắt của Minh Đức liền không kìm nổi mà bật khóc thành tiếng. Như một đứa trẻ cuối cùng cũng thấy mẹ. – Sao thế?
Tôi không đáp, Đức luống cuống không biết làm gì, cậu nhìn tôi dò xét một lượt. Nhìn thấy máu từ đầu gối xuyên qua kẽ tay tôi, Đức giật mình, nhăn mặt quay đi. Cậu lục tung cả túi đồ của cậu lên, không có thứ gì có thể cầm máu được liền lên tiếng: – Cậu ở đây đợi tớ một chút, nhớ là ở nguyên đây! Nhìn xuống đống đồ rải rác dưới đất, đập vào mắt tôi là đề thi sử của lúc nãy, được Đức phân tích từ đầu đến cuối, gạch chân từng từ quan trọng. Tôi không biết giữa cảm lác có lỗi với Thùy Linh và sự ăn năn với Đức thì cái nào lớn hơn, và tôi chợt nhận ra, dù kết quả của mọi chuyện có như thế nào thì cả ba người đều phải chịu những tổn thương giằng xé. Không lâu sau, Đức lại xuất hiện trong tầm mắt tôi đã nhòe đi vì nước, tay cậu cầm một cái kéo trông khá sắc. Đức cúi xuống lau nhanh nước mắt của tôi, vén gọn tóc ra đằng sau trong khi tôi vẫn thút thít như đứa trẻ con. – Đừng khóc nữa, tớ ở đây rồi mà. Nói rồi, Đức dùng đúng một động tác cắt toạc chiếc túi của cậu ra, tôi giật mình vội ngăn lại: – Ê đừng! – Cậu đau ở đâu à? Đức hơi ngước mắt lên, tay vẫn không ngừng lại. Tôi thấy Đức ngập ngừng cầm miếng vải trên tay, trán nhăn lại như đang kiềm chế một nỗi sợ nào đó. Tôi khó hiểu nhìn Đức, thấy cậu phải cúi xuống rất lâu, hơi thở dần dồn dập. Một thoáng, cậu nhắm chặt mắt rồi kéo tay rôi ra, quấn mảnh vải ấy vào chân tôi để máu thôi chảy.
– Đừng khóc nữa mà, tớ thấy có lỗi lắm. Tôi đã rất cố gắng để bình tĩnh nhưng vẫn nghe thấy giọng mình nấc lên từng hồi: – Đừng tốt với tớ như thế… cậu đừng tốt với tớ như thế, cậu chẳng có lỗi gì cả… nhưng đừng tốt với tớ như thế… Minh Đức hơi dừng lại, ánh mắt có phần lúng túng, trong lúc tôi còn đang rối ren thì đã nghe bên tai giọng cậu vang lên trầm ấm. Rất giống một câu thoại tôi đã từng đọc đi đọc lại cả trăm lần trong Chocolate & Matcha.
– Lỗi của tớ là để cậu khóc. Vì cậu khóc, nên lỗi là của tớ.
Tôi nghe thấy tiếng nhịp tim của mình đập từng hồi rộn rã.
Một lúc, Đức đang quỳ một chân băng bó cho tôi bỗng nhiên ngã nhào, khuỷu tay theo phản xạ chà xát xuống đất để đỡ lấy sức nặng của cơ thể. – Sao thế? Không thể định hình được chuyện gì đang xảy ra, tôi bất chấp cơn đau tiến đến lay người Minh Đức đang dùng tay ôm đầu, run bần bật dưới đất lạnh: – Đức! Đức ơi? Nghe thấy tiếng tôi, cậu dùng tay khuơ đi khuơ lại trong không khí, vừa chạm vào tay tôi thì bám chặt lấy. Nhận ra cậu đang dùng tay tôi làm điểm tựa để đứng dậy, tôi nhịn đau cố gắng đứng vững nhất có thể. – Cậu sao thế? Tôi không giấu được ánh mắt lo lắng, Đức chống tay vào tường một hồi mới quay ra nhìn tôi, hơi cúi người xuống: – Cậu không đi được đâu, lên đây tớ cõng. Tôi không đồng tình: – Cậu đang thế này cõng làm sao được tớ, sao tự nhiên lại ngã thế? – Tớ xin cậu đấy! Hiếm khi thấy Đức lớn giọng với tôi, cũng không nên kì kèo lúc này, tôi đành nghe theo cậu. Ngồi trên lưng Đức mà tôi không sao yên tâm được. Cậu đi rất chậm, nếu không nói là hơi xiên vẹo, tưởng như chỉ cần chạm nhẹ cũng khiến cậu ngã sõng soài, tôi không nhịn được mà lên tiếng: – Hay cho tớ xuống đi, tớ tự đi được mà. – Yên nào. Đức bám chặt chân tôi, không cho tôi cơ hội giãy xuống. Y hệt những gì tôi lo sợ, vừa được vài phút Đức đã suýt khụy xuống, tôi vội nhảy khỏi lưng cậu, phát hoảng khi thấy trán Đức nhễ nhại mồ hôi, vai áo ướt đẫm một mảng, lẫn vào cả nước mắt. Tôi không thể xác định được nên làm gì lúc này, đầu óc rối tung rối mù, tôi chỉ có thể bám chặt lấy bàn tay đang run rẩy của Minh Đức, liên tục hỏi cậu những câu vô nghĩa. Mắt cậu nhắm nghiền, lộ rõ vết nhăn như đang phải chịu một nỗi đau đớn đến cực độ. – Cậu sao thế? Đừng dọa tớ mà, Đức ơi! – Đợi tớ nghỉ một chút. Tôi mím môi nhìn Đức nghiến chặt răng, mãi mới có sức đứng dậy, tôi vội đỡ lấy cậu: – Để tớ dìu cậu nhé? Đức không từ chối, bám vào tôi đi từng bước khó nhọc. Mãi khi mọi người kể lại mới biết, tôi đã chạy xuống tận khu chợ đang sửa lại, tập trung nhiều tệ nạn nên không ai nghĩ tôi có thể mò xuống tận đó, chỉ có Đức đánh liều xuống tận nơi lụp xụp ấy để tìm tôi. Tôi vẫn luôn khâm phục trí nhớ của Đức nhất trong vô số những điều tôi ngưỡng mộ về cậu. Tôi đã lo Đức không nhớ đường ra, nhưng sau từng bước nặng nề chúng tôi cũng ra đến cổng chính. Mọi người thấy chúng tôi liền lộ vẻ mừng rỡ, cái Trang chạy đến trách tôi: – Mày xuống tận đâu đấy? Chân cẳng làm sao thế này? Tôi toan trả lời thì nhiều tiếng nói khác đã chen vào: – Minh Đức làm sao thế? Tôi hoảng hốt quay ra, thấy tay Đức thấm toàn máu đỏ, hình như vì mảnh khăn mà Đức buộc không chặt nên trên cả đường đi cậu đã phải dùng tay cầm máu giúp tôi. – Là máu của Lam đấy ạ, mọi người có bông băng không?
Đức giải thích qua loa, sắc mặt ngày càng kém. Tôi đảo mắt, vừa vặn đúng lúc cô Trang chạy đến, vừa hỏi xong tình hình liền đỡ lấy Đức đang bám chặt tay vào đầu gối: – Ai có kẹo ngọt hay socola không?
Mọi người không hiểu tình hình nhưng vẫn vội lục túi, may là vẫn có bạn mang theo, Đức nhận lấy rồi tống hết vào miệng, mồ hôi chảy thành dòng. Cả đám còn đang thắc mắc lý do thì một chị trong đội tuyển sinh đã lên tiếng: – Đặng Đức bị hội chứng sợ máu à? Cô Trang gật đầu, giục mọi người đứng xa một chút cho bạn thở. Tôi gần như không tin vào tai mình, tôi đã nghe đến hội chứng khi những người nhìn thấy máu sẽ sợ đến mức tụt huyết áp hay thậm chí là ngất, nhưng tôi không ngờ là Minh Đức cũng bị.
Tôi không thể tưởng tượng Đức đã phải cố gắng thế nào để vượt qua nỗi sợ đó. Rõ ràng cậu ấy không cần làm thế. Không ai bắt cậu phải chạy quanh khu chợ xa lạ này tìm tôi, không ai bắt cậu phải lo lắng cho tôi, phải cầm máu giúp tôi, phải cõng tôi về.
Chẳng có ai bắt cậu phải tốt với tôi như thế.
Tôi không nhớ mình đã lên xe bằng cách nào. Cậu ấy ngồi ở hàng ghế cuối, hơi thở vẫn nặng nhọc không khá hơn là bao, chân tôi cũng được băng lại từ bao giờ. Tôi biết tôi xấu tính, tôi biết tôi ích kỷ, nhưng tôi vẫn không sao ngăn mình đừng quay xuống nhìn cậu nhiều đến thế. Tôi bao biện rằng tôi phải có trách nhiệm cho chuyện ấy, sự dùng dằng đó của tôi khiến chính tôi cũng căm ghét bản thân mình.
Vậy mà dù tôi đã làm bao nhiêu điều vô lý, đã đẩy cậu ấy ra xa hết lần này đến lần khác, Minh Đức vẫn chưa một lần than trách, cậu ấy vẫ ở đó, kiên nhẫn chờ đợi đến mức khiến tôi thắc mắc lòng vị tha của con người có thể cao đến mức nào.
Sau sự vụ hôm ấy, tôi xấu hổ chẳng dám nhìn mặt Linh. Với Đức, tôi càng trốn tránh. Tôi sợ sẽ nhìn thấy ánh mắt buồn bã của Linh, sợ rằng sẽ phải chạy trốn cảm giác tội lỗi khoét sâu cơ thể tôi, lại càng sợ bắt gặp ánh mắt thất vọng của Minh Đức, và tôi bỗng nhận ra rằng dù kết quả có như nào thì tất cả chúng tôi đều phải chịu những tổn thương ngang bằng nhau, chẳng một ai kém cạnh.
Nghe nói Đức cùng câu lạc bộ đang phải tất bật chuẩn bị cho cuộc thi của câu lạc bộ sắp tới, có lẽ cậu ấy sẽ mệt lắm. Còn tôi, tôi đăng ký tham gia tiết mục văn nghệ đồng diễn trong vô thức, đến khi kịp nhận ra thì đã muộn, khi tôi đang định đổi vị trí cho ai đó, mọi chuyện lại có sự xoay chuyển.
Như một giấc mộng tuyệt đẹp.
Hôm ấy, vì nơi lối cũ đang thi công mà tôi phải vòng vèo trên con đường mình không quen, khi lách mình trong con ngõ nhỏ hướng đến đường chính, tôi bỗng nhiên bị thu hút bởi tiếng tranh luận lớn. Vì chỉ là con hẻm nhỏ nên không đầy vài giây sau, cảnh tượng không nên nhìn cứ thế hiện ra trước mắt.
– Cụp cái pha mày xuống, cút ra chỗ khác!
Tôi theo phản xạ lùi ra sau vài bước, phía trước là một đám học sinh của trường Giáo dục thường xuyên, đứng giữa vòng tròn quây kín ấy là một người mặc áo đồng phục trường tôi, đôi mắt vô dụng bị cận thị nhưng quên mang kính cố nheo lại để nhìn rõ. Tôi nghiêng đầu, sao mà giống Hương Lam thế nhỉ?
– Con ranh kia, mày có nghe thấy gì không?
Khi chắc chắn bạn cùng lớp của mình đang bị bắt nạt, đầu óc tôi láo liên tìm cách để ứng phó hợp lý, sau thì từ từ tiến đến, trưng ra bộ mặt tự nhiên hết sức có thể:
– Sao các anh lại động vào con bé này?
Người xăm trổ nhất đám đó nhìn tôi khó hiểu:
– Con này lên mạng động chạm đến anh em tao, mày cút nhanh ra chỗ khác không tao cho chịu đòn thay đấy!
Ra là võ mồm, tôi âm thầm đánh giá mức độ nguy hiểm, nhẩm tính bước chân ra đến đường chính rồi lại cười cười:
– Anh thông cảm, hôm nay bọn em cũng đang cần con bé này ạ!
Một người lên tiếng:
– Mày làm cái gì?
Tôi dõng dạc:
– Con bé này ăn trộm tiền quỹ của lớp em. Hôm nay bọn em mới gọi nó lên để giải quyết ấy mà!
Tên đô con lúc nãy mất kiên nhẫn tiến lên vài bước, tôi hoảng hốt lùi lại, cố gắng xua tay:
– Bọn em phải lên phòng hội đồng để làm việc với ban giám hiệu, bây giờ các anh chị đánh nó, nó làm sao thì thành ra các anh chị bị phát hiện à?
Hương Lam nhìn tôi đầy nghi hoặc, những người đó bắt đầu lung lay, tôi nhắm chuẩn lúc nội bộ bắt đầu có tranh cãi mà ra đòn chốt hạ:
– Thôi để lúc khác xử nó cũng được mà ạ! Với lại em vừa thấy ngoài đường chính đang bắt đầu có cảnh sát giao thông thì phải. – Tôi ngó sang đống xe phân khối lớn không được lắp gương gần đó.
Đúng là ai cũng phải sợ “siêu nhân áo vàng” nhé, đám kia nhìn nhau thảo luận rồi quắc mắt chửi Hương Lam vài câu, kéo nhau lên những chiếc xe đó và phóng đi.
– Bọn điên! – Tôi lẩm bẩm. – Tí mày đi đường khác đi, chúng nó không biết được đâu.
Quay sang, Hương Lam chỉ im lặng nhìn tôi chăm chú.
Một buổi sáng, đột nhiên cô Mai thông báo với lớp tôi Hương Lam đã cùng gia đình chuyển về tỉnh Ninh Bình, không một lời tạm biệt, không một buổi liên hoan. Cả lớp tôi ngây ra không kịp phản ứng, đứa nào đứa nấy đều ngạc nhiên há hốc miệng trước thông tin bất ngờ đó, những người thân với Hương Lam càng ngạc nhiên hơn vì hình như cậu ta không báo tin này cho ai cả. Cô Mai nói bạn xin lỗi rất nhiều vì chuyển đi đột ngột, không khí vì tiếng trống vào giờ mà cũng được đè nén xuống.
Cuối giờ, cô Mai đột nhiên đưa cho tôi một tờ phong bì, nói là Lam gửi.
Tôi bất ngờ nhìn vào tờ phong bì dày cộp trên tay như muốn khoét hai lỗ trên đó, lòng ngổn ngang trăm mối. Cuối giờ, tôi móc từ từ để không làm rách tờ giấy, nét chữ nắn nót đập vào mắt, tôi châm chậm đọc từng dòng.
“Nguyệt Lam,
Chắc mày sẽ bất ngờ lắm vì đột nhiên lại đọc được những dòng thư tay của đứa mình ghét. Chịu thôi, việc chuyển nhà của tao đột ngột quá, mà tao lại không có can đảm nói trực tiếp với mày.
Tao không biết bắt đầu từ đâu nữa. Ngay từ khi tiếp cận làm quen với mày tao đã muốn tìm ra điểm yếu của mày để dìm mày xuống rồi. Chắc Lam biết, tao thích Minh Đức rất, rất lâu rồi. Tao vì Đức mà thi Hoàng Văn Thụ, tao bị từ chối năm lần bảy lượt. Chuyện ấy chẳng sao cả, cho đến khi tao phát hiện ra Đức cũng đã có người mà mình thích. Tất cả các bài confession về mày đều là tao tự viết, tao thừa nhận mình đã làm rất nhiều trò xấu, tao không phủ nhận mình ích kỷ, thực dụng, cũng không dám mong mày tha thứ.
Tao đã từng nghĩ Đức thích tao nhưng cố tình gần gũi với mày để chọc tức tao, cho đến khi tao thấy ánh mắt nó chỉ hướng về một mình mày, cho đến khi nó hẹn nói chuyện riêng với tao cũng chỉ vì mày, tao không kìm nén nổi nữa. Nhân tiện, tao đã tát Đức, đã hắt nước vào mặt Đức trong lúc mất bình tĩnh, mày có thể xin lỗi Đức giúp tao không?
Nhưng rồi khi đã làm đủ trò xấu tính hèn mọn, tao nhận ra tình cảm của mày dành cho Đức là cái gì đó khác tao rất nhiều, mày hơn tao ở cái mày cũng được Đức thích, nhưng mày có thể vì tình bạn mày đẩy nó ra xa. Tao bắt gặp ánh mắt lo lắng mà chúng mày lén lút dành cho nhau, bỗng nhiên tao thấy tao đã nhỏ nhen đến nhường nào.
Thật ra tao vẫn rất ghét mày, cho đến khi thấy mày vẫn bảo vệ tao trước đám người đó, dù mày và tao có quan hệ chẳng vui vẻ gì. Tao không biết nữa, nhưng chưa có ai từng tốt như thế với tao cả.
Tao không thể bắt một người phải thích tao, cũng không muốn mình bận lòng đến vậy. Một lần nữa, xin lỗi mày nhé.
P/S: Hôm Đức tỏ tình mày ở trên Radio Thùy Linh đến muộn, tao xin lỗi vì đã nói với Linh rằng người tỏ tình mày là Minh Nam nhé.
Đoàn Hương Lam.”
___
Câu thoại gốc: “Chỉ cần em khóc, lỗi đều là của anh.” Trích từ Chocolate & Matcha, tác phẩm mạng đạt hơn 7 triệu lượt đọc – Tác giả Janie. (Đã có sự cho chép của tác giả)
Tôi quen Nguyễn Hoàng Huy từ khi còn học tiểu học, bố nó là một tay xã hội đen có tiếng, chuyên thu tiền bảo kê trong các khu ăn chơi sầm uất nhất tại Hạ Long. Đó là những điều duy nhất mà tôi biết về thằng này, trước khi chúng tôi lên cấp ba.
Từ khi chuyển vào 10A2, tôi đã dần cảm nhận được Huy rất hay tìm cách để khiêu khích tôi, tất nhiên là tôi chẳng việc gì phải động vào nó, tôi đâu có ngu.
Trong lúc tập bóng, Nguyễn Hoàng Huy luôn dùng mọi thủ đoạn để chọc tức tôi, còn giơ tay làm động tác chào của Hitler rồi bật cười ha hả. Tôi đã nhịn.
Hiệp hai bắt đầu được mười phút, tôi vừa đón bóng từ Minh Nam thì bắt đầu cảnh giác khi thằng này đang tìm cách tiếp cận tôi, và y như rằng, khi tôi đang tìm cơ hội truyền bóng cho Phạm Việt vì Việt có vị trí tốt hơn thì Huy dùng sức huých mạnh vào vai tôi. Không kịp phản ứng, tôi mất thăng bằng ngã xuống, đầu gối chà mạnh xuống đất, bên tai liền vang lên tiếng tuýt còi.
“Tai nạn, tai nạn!”
Huy nhởn nhơ giải thích, trọng tài phải chặn thằng Việt đang định xông vào, tôi nhịn đau để cô y tế duỗi thử chân, phản xạ đầu tiên là ngước lên khán đài, nhưng chỗ của Lam đã không còn ai ngồi nữa.
Cô Mai kiên quyết ngăn cản tôi tiếp tục đá, đầu gối bắt đầu đỏ tấy, tôi tựa vào tường thở dốc, lòng thắc mắc trăm mối tại sao Nguyệt Lam lại về.
Tôi đã hi vọng là do Lam mệt, nhưng kết quả còn tệ hơn tôi tưởng rất nhiều.
Nguyệt Lam vốn vô cùng đúng giờ và cẩn trọng, vậy mà hôm nay cậu đến muộn so với giờ tập đã gần nửa tiếng, tôi sốt ruột gọi vào máy Lam nhưng tiếng chuông kêu được hơn năm giây đã tắt ngấm. Nỗi lo lắng trong tôi ngày càng dấy lên cao hơn khi nhà Lam đóng cửa kín mít, có thể là Lam về quê. Nhưng tại sao tôi không liên lạc được cho Lam, tại sao tiếng chuông lại tắt ngay lập tức?
Tôi bất chấp chạy xung quanh tìm Lam với cái chân đau nhức, gọi cho một vài người nhưng chẳng ai biết. Còi cảnh sát từ đâu vang lên những tiếng chói tai, tôi theo người dân chạy đến chân cầu có vẻ là nơi được báo án. Ở đó vẫn còn vài giọt máu khô, trong góc cầu là một chiếc điện thoại vỡ nát.
Tôi nghi hoặc tiến đến, cái ốp quen mắt này, có cả vệt bút xóa hình trái tim do tôi nghịch ngợm vẽ vào, không thể nào nhầm lẫn được.
Không còn nơi nào để tìm, tôi đánh liều quay lại nhà Lam, khoảnh khắc nhìn thấy bóng dáng nhỏ nhắn đang ngồi trên trên nhà, tôi nặng nề thở phào một hơi, nhanh chóng chạy vào.
“Nguyệt Lam?”
Ánh đèn đường mờ mờ không đủ để tôi nhìn rõ vẻ mặt Lam, tôi nghi hoặc cúi xuống, phát hiện ra bên má trái của cậu đỏ ửng, vẫn hằn rõ vệt trông giống ngón tay. Tim tôi thắt lại khi nhìn thấy những giọt nước mắt trên mặt Lam. Ánh mắt Lam nhìn tôi nhưng không thể hiện bất kỳ cảm xúc nào, hệt như một bức tượng.
“Sao thế này?”
Tôi hỏi, nhìn thấy cả gương mặt của mình trong ánh mắt tối đen của Lam, ánh mắt ấy đột nhiên lấp lánh. Lam nhắm nghiền mắt, hai hàng nước theo đó chảy dài. Trong phút chốc, tôi không biết nên phản ứng thế nào, tôi muốn dỗ dành nhưng ánh mắt không một chút sắc khí của Lam làm tôi sợ, thật sự sợ hãi.
Tôi chần chừ muốn chạm vào bàn tay đang buông thõng xuống của Lam, nhưng trong tích tắc, Lam giật tay lại, gương mặt vừa thẫn thờ lộ vẻ đau đớn.
Trời lúc này quá tối, tôi khó hiểu nhìn vào bàn tay có cảm giác hơi ướt của mình, đưa đến nơi có ánh sáng. Khi quan sát rõ bàn tay mình, tôi hoảng hốt nhìn Lam, tại sao lại nhiều máu đến vậy?
Khống chế đôi bàn tay đang run rẩy bật Flash trên điện thoại, khoảnh khắc Lam nheo mắt lại vì nguồn sáng đột ngột, tôi ngạc nhiên đến há hốc miệng.
Hai má cậu đều có vết đỏ, trên trán có một vệt tím đen, phần bụng áo sơ mi trắng in rõ nốt giày. Nhưng lại hoàn toàn không là gì so với mu bàn tay Lam, nó hằn sâu một vết bỏng hình tròn, xung quanh còn dính đầy bùn đất, vết bỏng ấy rất giống như bị di qua di lại, nó lở loét, đất trộn vào máu khô.
Tôi vội quay mặt đi, cổ họng bắt đầu tràn ngập cảm giác chua dội lên từ dạ dày, cái chứng sợ máu chết tiệt này.
“Ai làm gì cậu?”
Nhớ đến chiếc điện thoại vỡ nát nằm trong góc và cả tiếng còi cảnh sát, nghĩ bằng đầu gối tôi cũng biết chắc chắn đã có chuyện gì đó xảy ra. Nguyệt Lam vốn lành tính đến mức chẳng bao giờ cãi nhau với người khác. Tại sao cậu lại có thể bị đánh thảm thương đến vậy?
Đảo mắt xung quanh nhà, tôi vội vã chạy lên phía dây treo quần áo và lấy chiếc khăn tay nhỏ. Nếu không phải những giọt nước mắt vẫn chảy dài trên má Lam, tôi cứ ngỡ trước mặt tôi chỉ là một bản thể, không có bất kỳ cảm xúc nào.
Tôi thử xoay nhẹ khớp tay của Lam, đến khi lông mày cậu dần giãn ra mà mới ấn chiếc khăn lên viết thương. Đầu dần có cảm giác chếch choáng vì nhìn vào tay Lam, tôi đứng dậy dùng điện thoại gọi bác Thanh đến.
“Cậu có dậy được không? “
Tôi kéo nhẹ bàn tay còn lại của Lam lên, không biết trên người Lam còn bao nhiêu vết thương nên thật sự không dám mạnh tay, đến khi Lam thuận theo đà đứng lên, chân có vẻ không xây xát gì tôi mới lên tiếng:
“Bây giờ mình đến bệnh viện kiểm tra thử nhé?”
Tôi bất giác nuốt nước bọt, Nguyệt Lam lúc này xa lạ quá đỗi, ánh mắt biết cười luôn chăm chú nhìn tôi như biến đi đâu mất. Tôi vòng tay ra sau lưng Lam vỗ nhè nhẹ:
“Bác lái xe nhà tớ sắp đến, mình kiểm tra xem cậu có sao không rồi cậu phải nói với tớ xem ai làm gì… A này này!”
Một sức nặng ở đâu bất chợt cập đến, tôi mất thăng bằng lùi ra sau vài bước, đầu gối hơi trũng xuống, trái tim đập loạn nhịp khi phát hiện ra đầu Lam đang tựa vào vai tôi.
Hoảng hốt đỡ lấy cơ thể đang dần ngã xuống của cậu, tôi cúi xuống quan sát khi tay vẫn đang luống cuống ôm lấy Lam, nhận ra Lam đã mệt đến mức ngủ gật vào người tôi.
Tôi không biết nên xử lý thế nào, cũng không dám gọi Lam dậy. Đến khi hai chân mỏi nhừ thì bác Thanh mới đến, tôi vội vã vòng tay xuống bế Lam, tay còn lại vừa giữ đầu cậu vừa che cho mắt Lam không bị ánh sáng từ đèn pha ô tô rọi vào.
Xe vừa đứng trước cổng bệnh viện, tôi vẫn ngập ngừng nên gọi Lam dậy hay bế cậu vào thì tiếng còi cấp cứu chói tai đã làm Lam bừng tỉnh, nhìn tôi với vẻ ngơ ngác.
“Cậu bị thương và giờ mình phải đến viện kiểm tra.”
Tôi có cảm giác Lam định từ chối, nhưng khi nhìn vào ánh mắt kiên quyết của tôi thì cũng miễn cưỡng gật đầu, ánh mắt có phần né tránh tôi.
“Mình mới lớp mười thôi.”
Lam nói, tôi khó hiểu, cậu lại thở dài:
“Làm thế nào để vào khám?”
Tôi suýt nữa thì bật cười, “Bác lái xe nhà tớ là người lớn mà.”
Tôi đã mong tình trạng của Lam không đến nỗi nào, nhưng khi nghe bác sĩ nói Lam có dấu hiệu bị chấn thương bụng loại nhẹ và gãy ngón tay út, tôi đã gần như chết lặng người.
“Sao lại thế này?”
Những thằng côn đồ ngoài đường luôn thích trêu ghẹo nhưng chưa bao giờ động vào con gái, phải bị đánh như thế nào mới có dấu hiệu chấn thương bụng cơ chứ?