Sau bữa cơm, Minh Châu cho gọi bốn cô gái đến nói chuyện. Minh Châu nhìn bốn cô nương sạch sẽ, mỗi người một vẻ, trông cảnh đẹp ý vui, thầm có cảm giác hài lòng. Nàng chỉ cô gái mũm mĩm lúc sáng đã bẻ đôi tấm gỗ bằng tay không, bảo cô gái nói trước.
Cô gái hơi run, thấp thỏm nói.
– Thưa tiểu thư, em tên Nhị Muội, năm nay mười lăm tuổi. Em xuất thân con nhà đồ tể giết lợn ở huyện An Hòa. Do nhà có tới tám em trai, em gái ra đời, gia đình không đủ sức nuôi, nên bán em đi làm nha hoàn cho người ta.
– Ta thấy em có vẻ khỏe mạnh. Em nói ta biết, em giỏi nhất là làm việc gì?
– Dạ bẩm tiểu thư, trời sinh em sức lực lớn, việc nặng gì em làm cũng được. Nhưng mà, em ăn cũng nhiều, nên không ai mua em. Em biết thổi lửa nấu cơm, tay nghề không tệ ạ.
Minh Châu mừng thầm trong lòng. Nàng không sợ tốn cơm, chỉ sợ người không có sức. Quá hời! Cô bé trước mặt có một đôi mắt cười, gương mặt tươi tắn, trông đáng yêu như một quả táo chín. Minh Châu ngẫm nghĩ một chút, nói với cô bé.
– Sau này việc ăn uống của ta trông cậy vào em nhé. Ta không dị ứng với thứ gì hết, khẩu vị hơi nhạt một chút, thích ăn cay. Còn nữa, sau này, tên của em sẽ là Hạ Quả.
Hạ Quả lật đật quỳ xuống:
– Đa tạ tiểu thư ban tên. Sau này em sẽ cố gắng hết sức hầu hạ tiểu thư!
Minh Châu ra hiệu cho Hạ Quả đứng lên. Bảo những người còn lại nói ngắn gọn như những gì Hạ Quả đã nói.
Cô bé có vẻ khó gần, lúc sáng chặt ván gỗ làm đôi, bước lên một bước.
– Thưa tiểu thư, em tên Vãn Đông, năm nay mười ba tuổi. Em sinh vào cuối đông nên mẹ em đặt tên này. Lúc trước nhà em có mở một võ quán nhỏ. Một năm trước, cha em đột ngột qua đời, võ quán nội bộ tranh chấp, cả nhà ly tán. Em theo mẹ đến Tần Hoài được 3 tháng thì mẹ em mất. Em bị bắt về chỗ bọn buôn người. Em biết chữ, biết một chút võ công, tai thính, mắt tinh, nhưng tay chân vụng về, cũng không giỏi ăn nói nên không được người ưa thích.
“Cô gái này quả nhiên biết võ công. Trong mật thất cũng có vài cuốn bí kíp võ công gì đó, đưa cho em ấy rèn luyện, chắc là sẽ ổn”. Minh Châu có tính toán trong lòng, nói với Vãn Đông.
– Sau này gọi em là Mộc Đông nhé. Theo ta thì, Vãn Đông nghe có vẻ buồn bã quá. Đông tàn là lúc mầm cây mới mọc lên, như vậy thì cuộc sống mới có nhiều hy vọng. Em hãy cố gắng tập luyện nhiều hơn, sau này chuyên tâm bảo vệ ta là được.
– Đa tạ tiểu thư! Em nguyện suốt đời đi theo tiểu thư. Cho dù lên núi đao, xuống biển lửa cũng không từ chối.
Mí mắt Minh Châu giật giật. Ha ha! Đúng là con nhà võ. Có chút phong cách giang hồ nghĩa hiệp.
Kế tiếp, cô gái có đôi mắt hạnh đã chọn đúng thảo dược mỉm cười, nhẹ nhàng thưa chuyện.
– Bẩm tiểu thư, em nguyên tên là Thảo Nhi, năm nay mười sáu tuổi. Cha em là một đại phu. Năm trước có đợt dịch bệnh ở thành Nghi Đông, cha mẹ mắc bệnh qua đời, huynh trưởng bị bắt sung quân, còn lại mình em lưu lạc. Em theo phụ thân khám bệnh từ nhỏ, bốc thuốc cứu người, giỏi ăn nói và biết y thuật ạ.
Ban đầu Minh Châu chỉ mong tìm được một nha đầu có thể phân biệt một số cây thuốc trong vườn đã là tốt rồi. Không ngờ lại có thu hoạch ngoài mong đợi. Minh Châu ngẫm ngẫm, trong mật thất cũng có mấy quyển sách y, có thể đưa cho cô bé này tự học.
– Sau này ta gọi em là Xuân Hạnh nhé!
Xuân Hạnh cười tít mắt, nhẹ nhàng đáp.
– Đa tạ tiểu thư ban tên!
Còn lại một cô gái cuối cùng. Cô bé này có gương mặt coi như là dễ nhìn, nhưng lại không có điểm gì nổi trội. Minh Châu chỉ để ý, lúc cầm tấm ván gỗ, lẫn lúc chọn cây thuốc, cô gái này đã nhìn, sờ, do dự rất lâu rồi mới thử sức. Đây hẳn là người kiệm lời, ổn trọng.
– Bẩm tiểu thư. Em tên Dã Nhi, năm nay mười ba tuổi. Em mồ côi từ nhỏ, không nơi chốn nương tựa. Em không biết chữ, nhưng mà, nấu cơm, giặt giũ, quét dọn chuyện gì em cũng làm được. Chỉ cần tiểu thư không chê em thì cho dù làm trâu làm ngựa em cũng sẽ cố gắng hầu hạ tiểu thư.
– Sau này, em sẽ tên là Tĩnh Thu. Xuân Hạnh, em dạy Tĩnh Thu học chữ nhé!
Xuân Hạnh, Hạ Quả, Tĩnh Thu, Mộc Đông! Nhớ rõ, tiểu thư các em họ Yến, tên Minh Châu. Sau này các em còn phải theo ta lưu lạc khắp nơi. Ta đây có thể cho em chỗ ăn chỗ ngủ, hy vọng các em sẽ hết lòng trung thành với ta. Chỉ cần các em không phụ ta, ta sẽ xem các em như tỷ muội mà hết lòng đối đãi.
Cả bốn người đồng loạt quỳ xuống.
– Nô tì đã hiểu!
– Các em đứng lên hết đi! Hôm nay các em cứ nghỉ ngơi, mai chúng ta sẽ bắt đầu công việc sớm.
Sáng ngày hôm sau, Minh Châu lựa chọn các khu vực có giấy tờ thuộc sở hữu của Yến gia, mang theo Xuân Hạnh và Mộc Đông bắt đầu thị sát.
Ngạc nhiên thay, đa số ruộng vườn vẫn đang được canh tác tốt, không có nơi nào bị bỏ hoang.
Tiết trời cuối hè còn khá oi bức. Minh Châu lượn một hồi nữa, bảo Xuân Hạnh tìm chỗ nghỉ chân.
Giờ này là giờ làm đồng, trong thôn chỉ có thôn phụ, người già và trẻ em. Xuân Hạnh chọn một nhà dân có vẻ sạch sẽ, lên tiếng nói vọng vào trong:
– Xin chào! Cho hỏi có ai ở nhà không?
Được một lúc, cửa nhà mở ra. Một bà cụ tóc bạc, mặc áo vải thô, nheo mắt nhìn Xuân Hạnh, chầm chậm lên tiếng.
– Cô nương tìm ai?
Xuân Hạnh vui vẻ đáp.
– Chào bà bà! Tiểu thư nhà ta đi thăm đồng ở quanh đây. Gặp trưa nắng, muốn ghé vào xin bà bà cho tiểu thư nhà ta ngồi nghỉ một lát.
Bà lão nhìn ba người Xuân Hạnh, thấy toàn là các cô nương ăn vận chỉnh tề, có vẻ là con nhà trung lưu. Bà từ từ bước ra mở cổng, mời mọi người vào sân.
– Mời các cô nương vào. Để tôi đi lấy cho các cô nương ấm nước.
Nói xong bà lão quay người vào trong nhà. Trước nhà có một cái sân rộng, bên trái có một căn bếp nhỏ. Giữa sân có một cái phản cũ, Minh Châu ngồi lên nghe tiếng ọp ẹp. Chung quanh sân trống hoác, nhưng sạch sẽ. Trên tường trước nhà treo mấy dây tỏi, ớt khô. Cạnh bếp có một cái sào nhỏ. Trên sào có treo mấy dây bắp khô, nhưng quả bắp nhỏ và ít hạt đến đáng thương.
Một lát sau, bà lão mang ra mấy cái chén và một ấm nước. Bà lão thân thiện mời 3 người Minh Châu uống nước. Minh Châu mời bà lão ngồi xuống hỏi chuyện.