Kể từ khi nằm mơ thấy Yến gia tổ phụ; trải qua thêm 4 năm tiếp tục cật lực học hành, làm việc và tích góp, Yến Minh Châu đón tàu từ Hách La về Nam Quốc.
~~~~~ Đây là đường phân cách 2 tháng lênh đênh trên biển ~~~~~
Tàu cập bến, Minh Châu thuê một chiếc xe ngựa xuôi theo phương Nam để tìm về Yến gia. Thời tiết lúc này ở huyện Hoài Lâm – Nam Quốc đang vào mùa mưa. Mưa bụi trắng cả một vùng.
Minh Châu chán muốn chết trên xe ngựa, bị xóc nảy đến chẳng ra hình hài.
Buổi tối, Minh Châu đang nằm nghỉ ở quán trọ, bỗng nhiên nghe bên ngoài ồn ào. Minh Châu ngồi dậy, tò mò che ô bước ra nghe ngóng tình hình.
Thì ra do mưa lớn, nước lên cao, đê sông có nguy cơ bị vỡ. Người canh đê đang báo động để người dân cảnh giác di tản.
Minh Châu bước lên chỗ gò cao nhìn ra, thấy toàn cảnh đê sông Hoài Lâm.
Xong rồi…. Minh Châu nghe tiếng con quạ đen bay ngang đầu mình.
Thì ra, đê điều ở thời đại này còn đơn sơ như vậy. Con đê chỉ là một cái tường đất siêu to khổng lồ, theo đúng nghĩa đen, không hơn không kém.
Lúc trước, phụ thân của Minh Châu xử lý công vụ ở nhà, Minh Châu có từng nghe qua. Người dân huyện Hoài Lâm năm nào vào mùa mưa, cũng rơi vào cảnh sống ngày ăn không ngon, đêm ngủ không yên. Tuy triều đình năm nào cũng tu sửa đê, nhưng sức người sao thắng nổi ý trời. Có năm lũ lớn quá, vỡ đê, cả huyện như chìm trong biển nước; có năm còn chết người.
Người dân ở đây cũng biết việc này. Nhưng tổ tiên bao đời đã sống quen ở đây, họ không muốn dọn đi nơi khác sinh sống, thành ra, sống chung với lũ.
Minh Châu ngẫm nghĩ. Đời trước lúc làm ở công ty xây dựng, cô từng xem qua bản vẽ xây dựng công trình đê. Đáng tiếc lại không nhớ chi tiết.
Nhưng mà cũng không thể để như thế này được. Đê điều ở thời này, đúng là sẽ không chống nổi nếu như có bão lớn, lũ lụt đến.
Một hồi, nàng chợt thấy một đoàn người kéo ra phía bờ đê. Đi đầu là một người đàn ông trung niên che dù, phía sau có một toán gia đinh khoác áo rơm, che mũ, đốt đuốc, dáng đi vội vã. Minh Châu đoán, chắc là tri huyện của huyện Hoài Lâm.
Buổi sáng hôm sau, lúc ăn sáng Minh Châu cho gọi tiểu nhị lên hỏi chuyện.
Tiểu nhị là một tiểu ca nhỏ người, dáng đi nhanh nhẹn, nói chuyện lưu loát.
– Khách quan! Tiểu thư cần hỏi gì ạ?
Minh Châu nhét khẽ hai nén bạc vụn nhỏ vào tay tiểu nhị rồi mới từ từ hỏi.
– Tiểu nhị, tối hôm qua nghe ồn ào, ta có ra bờ đê nghe ngóng. Ta thấy có một vị đại thúc đi cùng quan binh áo vàng dầm mưa bên bờ đê, cho hỏi có phải tri huyện đại nhân vùng này không?
Tiểu nhị lén nhét tiền vào túi, rồi vui vẻ trả lời nàng.
– Cô nương! Cô nương quả là tinh mắt! Đó chính là Thẩm đại nhân – tri huyện của huyện Hoài Lâm chúng tôi!
Minh Châu làm bộ tò mò.
– Thẩm đại nhân là người như thế nào?
Tiểu nhị lại càng toe toét cười.
– Trời! Vậy chắc chắn cô nương là người ở xa lắm! trong 3 huyện quanh đây ai cũng biết Thẩm đại nhân của chúng tôi là quan phụ mẫu tốt nhất vùng. Đại nhân thương dân như con, lại vô cùng công chính liêm minh. Chúng tôi vô cùng kính trọng ngài ấy.
Hỏi han một vài câu nữa, Minh Châu mới cho tiểu nhị lui xuống.
Minh Châu lấy cây gậy trúc, chống cửa sổ nhìn ra. Bên ngoài, trời vẫn còn đang lất phất mưa. Nàng lại ngồi xuống bàn, nhìn xuống đất, thấy có xác mấy con kiến cánh.
“Kiến cánh vỡ tổ bay ra, bão táp mưa sa gần tới”.
Thôi rồi, vừa về tới đã bắt đầu vòng 1 game sinh tồn.
Một lát sau, Minh Châu thay một bộ thường phục chỉnh chu, mang tay nải (1) đến yết kiến phủ Thẩm đại nhân.
Sai nha đứng canh cửa cất giọng hỏi.
– Cô nương! Cô nương tìm ai?
Minh Châu gật đầu chào hỏi, quen tay nhẹ nhàng nhét một khối bạc vụn vào tay áo sai nha.
– Sai nha đại ca! Ta họ Yến, gia tộc ba đời đều làm nghề đắp đê, xây nhà. Hôm nay đi ngang qua huyện, thấy người dân đang lo lắng về việc đắp đê, bản thân muốn góp chút sức. Làm phiền sai nha đại ca thông báo một tiếng để ta gặp Thẩm đại nhân.
“Tổ phụ, nhà ta kinh thương đa dạng, con thêm một nghề chắc cũng không sao đâu! Mọi người tha thứ cho con nha!” – Minh Châu thầm khấn trong lòng.
Sai nha nhận tiền, bảo Minh Châu đứng chờ rồi vào trong bẩm báo. Một hồi ngắn sau, sai nha trở lại báo với nàng.
– Cô nương, đại nhân cho mời!
Minh Châu bước vào sân sau phủ tri huyện. Cái phủ này… bày biện sơ sài một cách đáng thương. Giữa viện có một cái đình nhỏ, trong đình có hai người đàn ông, một đứng một ngồi đang nhìn về phía cô.
Người ngồi là Thẩm đại nhân cô đã thấy hôm qua, còn một người, vừa nhìn mặt cô đã xém thốt lên gọi “Công Tôn tiên sinh!” (2).
Minh Châu đến trước mặt Thẩm đại nhân, khom người hành lễ:
– Thảo dân Yến Minh Châu, bái kiến Thẩm đại nhân!
Thẩm đại nhân phất tay.
– Yến cô nương, miễn lễ!
Đợi Minh Châu tạ ơn rồi đứng dậy, Thẩm đại nhân mới tiếp tục hỏi.
– Yến cô nương, ta nghe nói nhà cô nương ba đời làm nghề xây dựng, có truyền thống nghiên cứu về đê điều. Không giấu gì cô nương, mấy ngày nay ta và sư gia rất lo lắng về tình trạng đê sông Hoài Lâm. Cô nương có cao kiến gì, xin mời nói rõ.
“Mình đã đoán đúng. Thẩm đại nhân quả nhiên là một vị quan phụ mẫu đáng tin, thân dân”. Minh Châu nghĩ thoáng qua, rồi bắt đầu nói từ tốn.
– Bẩm đại nhân, thảo dân không dám giấu. Hôm qua sau khi đi ngang qua đê Hoài Lâm….
Minh Châu cố gắng nói chậm, sử dụng những từ ngữ đơn giản, dễ hiểu của thời đại này để chỉ ra những nguyên lý trong việc sửa đê.
Thứ nhất, hai bờ tường đê phải xây thoải ra xa để giảm sức đập của nước (áp lực) lên bờ tường khi nước đập vào.
Thứ nhì, đất xây bờ đê nên cho vào các bao vải lớn, rồi mới xếp chồng lên nhau, dựng thành một bờ đê lớn, để chống nước đánh vào cuốn mòn đất trên đê (chống sạt lở)
Thứ ba, chân đê cắm cọc gỗ lớn, cũng là để giảm sức đập của nước (áp lực) và chống mòn.
Thẩm đại nhân và sư gia cẩn thận lắng nghe. Càng nghe, hai mắt càng tỏa sáng.
Những điều cô gái này nói, còn có bản vẽ minh họa, rõ ràng là những kinh nghiệm của người làm trong nghề mới chỉ ra được. Tuy nhiên sau đó, sư gia lại thở dài.
– Việc xây lại đê này, phải xin kinh phí từ triều đình. Mà bây giờ đại nhân có dâng tấu, thì cũng phải hơn tháng nữa mới nhận được chiếu chỉ chấp thuận, Hộ Bộ mới xuất tiền. Đợi quan binh áp tiền về, chắc đã qua mùa lũ này.
Minh Châu lại mỉm cười thi lễ.
– Vấn đề này, xin đại nhân đừng lo lắng! Tiểu nữ xin phép, quyên góp tất cả chi phí cho việc xây dựng lại đê sông Hoài Lâm.
Thẩm đại nhân và sư gia đều hoảng hốt.
– Cô nương! Xin cô nương đừng đùa! Đây không phải là chuyện một vài lượng bạc là có thể xoay sở được!
Minh Châu lại mỉm cười.
– Bẩm đại nhân, không biết, đại nhân có từng nghe nói tới Yến gia ở Tần Hoài, phương Nam?
Thẩm đại nhân hơi nhăn trán một hồi, giật mình hỏi lớn.
– Yến gia? Chẳng lẽ là Yến gia mười năm trước?
Minh Châu cười lớn hơn.
– Đại nhân! Thảo dân chính là hậu bối cuối cùng còn sót lại của Yến gia – Yến Minh Châu.
Thẩm đại nhân và sư gia giật mình, rồi tiếp tục hoảng hốt, rồi cố gắng bình tĩnh lại, lên tiếng.
– Thì ra là Yến tiểu thư! Ta thật không tin được có ngày lại có cơ hội gặp mặt người Yến gia như thế này!
– Gia sự còn nhiều uẩn khúc, tiểu nữ chưa dám công khai hành tung. Lần này trở về có chuyện cần làm. Có điều đi ngang qua đây, thấy đại nhân và bá tánh Hoài Lâm đang gặp khó khăn, thân là con cháu Yến gia, tiểu nữ không thể khoanh tay đứng nhìn. Mong đại nhân hãy tiếp nhận tấm lòng của tiểu nữ.
Minh Châu cầm tay nải đưa cho sư gia. Sư gia mở ra, bên trong toàn là bạc trắng. Thẩm đại nhân và sư gia sợ hết hồn lần nữa. Nhưng nghĩ đến tình cảnh cấp bách hiện tại, lại thêm vào những lời thỉnh cầu của Minh Châu, Thẩm đại nhân cắn răng tiếp nhận, cúi người hành lễ với Minh Châu.
– Vậy, ta thay mặt toàn bộ bá tánh huyện Hoài Lâm, đa tạ Yến tiểu thư!