Sau tháng giêng là trọng xuân (tháng thứ hai của mùa xuân), qua kinh trập (ngày 5 hoặc 6 tháng 3), thời tiết trong núi rốt cục ấm dần, hàn băng tuyết đọng tứ phương cũng lần lượt tan thành nước chảy róc rách. Cuộc sống ba người trong núi náo nhiệt hơn nhiều so với lúc hai người, dẫu sao cũng đã thành thói quen. Chuyện tốt thì có, từ sau khi tách rời hang sói, trải qua ngày tháng tôi cùng với sư phụ tỉ mỉ quản thúc, trước mắt thấy dã tính của đứa bé kia từ từ nhạt đi, dạo này đã không còn động một tí sẽ cắn người gặm đồ, cũng rất ít lớn tiếng làm thành dáng vẻ con sói, thậm chí biết nguệch ngoạc chén gỗ ăn cơm. Mắt thấy đuôi lông mày sư phụ thoáng nét vui mừng, lòng tôi tự nhiên cũng cao hứng vì người mà. Mà thái độ của nàng đối với chúng tôi, cũng có một chút biến hóa.
Trước hết nói về nàng đối với sư phụ, từ đơn thuần sợ hãi, ngược lại dần chuyển thành một loại giống như thái độ cung kính, thậm chí thỉnh thoảng sẽ làm động tác vui mừng làm nũng. Đối với việc này, sư phụ khá vui vẻ, cho rằng đây là dấu hiệu thú tính dần mất đi và nhân tính nảy mầm. Mặc dù tôi không có ý kiến khác, lại lén lút cảm thấy, đó chưa chắc là do bên trong nàng không còn lưu lại dã tính, cần biết bầy sói đều có đầu lang lãnh đạo, lúc này nàng hành động như vậy, sợ là theo bản năng trong lòng nhận thức sư phụ làm thủ lĩnh.
Nghĩ như vậy, cũng là có thể giải thích thái độ của nàng đối với tôi. Suy cho cùng, đối lập với bên sư phụ tiến bộ khả quan, nàng đối với tôi từ đầu đến cuối vẫn là hai chữ – không phục. Vốn tưởng do trận vật lộn trong lần sơ ngộ ở hang sói làm nàng canh cánh trong lòng, chôn vùi địch ý. Tôi đã từng thử tìm mọi cách thân cận với nàng, khoảng một thời gian dài qua đi, phát hiện mặc dù nàng không hề dùng vẻ mặt hung ác nhìn chằm chằm hay là bất cứ lúc nào cũng vào trạng thái công kích đối với tôi, nhưng vẫn là bộ dáng quật cường kiêu căng, quả thật đối lập một trời một vực so với sư phụ. Tôi nghi hoặc vấn đề này không thôi, nghĩ tới nghĩ lui, cảm thấy chỉ có quy tắc của bầy sói mới có thể giải thích thông suốt – nàng theo bản năng cảm nhận sư phụ mạnh mẽ, chịu phục người, vì thế nhận thức làm thủ lĩnh, nhưng lại tuyệt nhiên không chấp nhận người khác ở vị trí trên nàng, mà người khác này, đương nhiên là tôi. Như vậy nàng mới đối nghịch với tôi khắp nơi, gây ra rất nhiều khó khăn. Nghĩ thông suốt nguyên do chỉ khiến người ta cảm thấy không biết nên khóc hay nên cười. Tôi chỉ cảm giác con đường phía trước gian nan, cũng không biết nên đối xử với nàng thế nào mới ổn.
Đương nhiên, nói đi cũng phải nói lại, thật ra cũng không phải là nàng sẽ đối địch với tôi mọi chuyện hay làm ra dáng vẻ ngạo mạn bướng bỉnh, đặc biệt là lúc tôi nấu ăn. Trong động, bình thường việc ăn uống đều do tôi đảm nhiệm. Mới đầu cho đứa nhỏ này ăn đồ chín, nàng không động vào mảy may, nhưng lại nhỏ dãi ba thước đối với thịt tươi máu chảy đầm đìa, thỉnh thoảng sẽ chấp nhận ăn rễ cây hoa quả. Sư phụ nào chịu như vậy, nói với tôi ngoại trừ đồ chín, cái gì cũng không cho nàng, dù cho chết đói! Sau đó nàng đúng là bị bỏ đói mấy trận, hữu khí vô lực buồn bã vô cùng đáng thương, thân tâm tôi cũng không đành lòng. Cẩn thận quan sát hành vi cử chỉ của nàng, phát hiện nàng không phải không ăn, chỉ là sợ nóng, nhiệt độ bình thường cũng không chịu được. Cố tình khi đó trời đông giá rét, tôi làm đều là đồ ăn nóng hổi, nàng dĩ nhiên ăn không vô. Bởi vì việc này, trong lòng tôi cũng hơi áy náy. Sau này thường đặc biệt cắt chút thịt, thêm chút gia vị, dùng lửa nhỏ tinh tế nướng chín, lại thái mỏng để bớt nóng cho nàng ăn. Quả nhiên nàng thích, coi đây là cơ hội, dần dần cũng nguyện ý tiếp nhận đồ ăn khác.
Song, thích thì thích, là một tiểu lang kiêu ngạo, nàng dường như có tự phụ của chính mình, chưa bao giờ ăn vạ giống như con mèo bị đồ ăn mê hoặc, đặc biệt khi đối tượng là tôi – lúc nướng thịt, nàng luôn luôn bất động thanh sắc xa xa trông chừng, mặc cho mùi thơm lan tỏa khắp nơi cũng không thèm nhìn tới, ngẫu nhiên sẽ liếc mắt hai lần, cũng là điệu bộ thờ ơ. Có khi tôi nghĩ trêu nàng, nướng nửa ngày trời cũng nhất định không cho, chọc nàng thèm tới nóng tính, chẳng những không yếu thế lấy lòng, trái lại sẽ bày ra bộ mặt hung thần ác sát uy hiếp. Có lẽ tôi nên vui mừng, may thay nàng không cắn một phát.
Tuy bất hoà với tôi, nhưng đứa nhỏ này xác thực dần y theo sự kỳ vọng của sư phụ, từ từ trở về cái gọi là “người”. Ngày ấy khi nàng nghiêng ngã thử dùng hai chân đứng lên, sư phụ cũng tháo dây trói trên người nàng xuống. Thoạt nhìn, sư phụ dường như rất nghiêm khắc đối với đứa nhỏ này, nhưng tôi thừa biết người dành biết bao nhiêu tâm huyết với nàng. Từ sau khi đứa nhỏ này đến, thời gian sư phụ bế quan nghiên cứu võ học giảm đi rõ rệt, đặc biệt là giai đoạn bắt đầu, bởi vì đứa nhỏ này chỉ sợ người, suy cho cùng cũng là người trông coi đứa nhỏ. Về sau tình hình tốt hơn một chút, người vào thạch thất luyện công, một hai ngày nhất định đi ra một lần, không hề giống như lúc ở cùng tôi, hơn mười ngày nửa tháng mới bế quan.
Sư phụ gọi tôi là Tiêm nhi, gọi nàng Luyện nhi. Tôi biết một ngày sư phụ chưa đặt tên cho nàng, nghĩa là một ngày nàng vẫn không tính là đệ tử chân chính của người. Nhưng mỗi khi nhìn sư phụ ở chung với nàng, gọi nàng Luyện nhi, trong lòng luôn cảm giác có chút kỳ lạ. Đối với loại tâm tình kỳ quái này, bản thân cũng cảm thấy khó hiểu. Tự đánh giá mình không phải người hay đố kị, huống hồ đây là tình nghĩa thầy trò. Không thể phủ nhận, mới đây thôi, sư phụ là người duy nhất tôi nảy sinh cảm tình ở thế giới này, tôi biết ơn người, cảm kích người đã dẫn tôi thoát ly cảnh tù đày, cho tôi một bầu trời mới sáng sủa rộng rãi, do đó cũng muốn báo đáp người, nỗ lực đạt thành các loại kỳ vọng người đối với tôi. Thế nhưng hôm nay, đã có người thích hợp gánh vác phần kỳ vọng này rồi.
Tôi mặc dù cũng thất vọng, nhưng sâu trong nội tâm, không hẳn không có chút cảm giác như trút được gánh nặng. Nếu như vậy, loại tâm tình kỳ quái khó diễn tả thành lời kia, lại vì sao mà có, từ đâu đến? Trong một quãng thời gian rất dài, tôi đều nghĩ không ra. Mãi đến tận ngày hôm ấy.
Ngày ấy, lập hạ (ngày 5, 6, 7 tháng 5). Lúc này trong núi vẫn là gió nhẹ ấm áp dễ chịu khí hậu hợp lòng người, thời điểm giao mùa cũng gần như trước mắt. Trẻ con vài tuổi cơ thể sẽ nhanh lớn, năm ngoái áo mỏng năm nay đem ra so, đã mặc không vừa. Mà đứa bé kia từ lúc đến đây vẫn mặc quần áo cũ của tôi, kích thước cũng không vừa người lắm. Hiện tại dã tính dần giảm đi, tôi và sư phụ thương lượng một chút, quyết định dẫn nàng xuống chợ dưới núi mua vài bộ đồ mới. Gọi là chợ, cùng lắm là chợ sơn thôn bình thường, nông dân làng xã xung quanh gom đồ vụn vặt mua bán một lần. Sư phụ và tôi đều sớm nhìn quen rồi, chỉ là đối với đứa bé kia mà nói, hết thảy đều xa lạ.
Tôi vốn nghĩ nàng chắc chắn sẽ tò mò hết nhìn đông tới nhìn tây, nóng lòng muốn thử mọi việc mới đúng. Nào biết, vào trong tình cảnh người đông chen chúc nhau, khuôn mặt nhỏ nhắn này lạnh đi, trên mặt viết đề phòng cảnh giác, ai đến quá gần đều sẽ nhăn mũi lộ ra vẻ mặt uy hiếp, may mắn là ở trong lòng sư phụ, coi như không làm thêm hành động nào. Nhìn nàng phản ứng như thế, chúng tôi cũng không tình nguyện trì hoãn trên đường nhiều, chọn mua đồ vật cần thiết xong, trực tiếp tiến vào cửa hiệu may. Tuy nói là cửa hiệu may mặc, nhưng ở nông thôn tiểu điếm như vầy, thợ may hay vải vóc đều là trộn lẫn xấu tốt. Xưa nay tôi yêu cầu không cao, cũng coi như may mắn, rất dễ tìm được xiêm y vừa vặn cơ thể, có lẽ nhỏ tuổi một chút sẽ rất khó mặc vừa. Sư phụ đơn giản mua chút vải lụa, sau khi trở về định tự mình đo đạc cắt may cho bản thân một bộ. Ở nơi nông thôn tiểu điếm, tơ lụa này xem như thật sự là hàng tốt giá cao, lão chưởng quầy vui vẻ ra mặt, tự mình đến đo đạc cắt vải, ngoài miệng không ngừng khen tặng. Lại không hiểu sao ông ấy cho rằng chúng tôi là mẹ con, đầu tiên liên tục khen có một đôi con gái như vậy là phúc lớn, rồi lại khen ngợi sư phụ thật sự là mẹ hiền, vân vân và mây mây. Tôi ở một bên nghe đến cả người không thoải mái, xem ra sư phụ cũng thật không thích, lại không tiện phát tác, chỉ đành chờ ông ta cắt xong. Ngược lại đứa bé kia, rời xa chốn đông người, giờ khắc này thả lỏng rất nhiều, gần đây lại học ngôn ngữ loài người, nghe lão chưởng quầy nói chuyện cũng mở to mắt “a a” theo. Ban đầu tôi và sư phụ đã quen cảnh này, không kinh ngạc gì.
Mãi đến khi bên trong một tràng từ ngữ không rõ ràng, nàng bật ra một tiếng giòn tan “Mẹ… mẹ..”
Tôi thấy sư phụ cả người hơi chấn động, mặt lộ vẻ khó có thể tin được, nhìn hài tử trong lòng thật lâu, nhất thời, khóe mắt mơ hồ hiện ra nước mắt.
Theo sư phụ lâu như vậy, đây là lần đầu tiên thấy người thất thố. Tôi lặng lẽ cúi đầu, trong lòng bùi ngùi vô vàn. Cũng may tuy thất thố, sư phụ điều chỉnh cũng nhanh chóng, chỉ nhẹ nhàng hắng giọng, vẻ mặt khôi phục lại như thường. Lão chưởng quầy không nhìn thấy gì, chỉ nghe được âm thanh “bi bô” tập nói, nhất thời vui mừng không ngớt, càng bắt chuyện với sư phụ hỏi thăm tên đứa nhỏ. Nghe lão chưởng quầy hỏi như vậy, chẳng hiểu vì sao, trong lòng dâng lên một loại linh cảm nào đó. Tôi ngẩng đầu nhìn sư phụ, đầu tiên người trầm mặc không nói, sau đó chậm rãi đưa mắt nhìn tấm lụa mỏng trong tay chưởng quầy, bình tĩnh nhìn một chút, môi hé mở:
– Nghê Thường.
Tôi nghe thấy người trả lời.
– Đứa nhỏ này tên Luyện Nghê Thường.
Một câu nói truyền vào trong đầu, thoáng chốc cả người đóng băng. Trong hoảng hốt, chỉ biết mình tựa hồ lặp lại một lần chữ kia “Luyện… Nghê Thường…”. Như sét đánh ngang tai.