Nguyên Tiêu Phong ngày đêm nóng lòng điều tra xem “Thủ lĩnh đại ca” là ai.
Ông tự hỏi:
– Bây giờ liệu A Châu có lừa được Mã phu nhân hở môi ra không? Cái đó chưa thể biết được nhưng phu nhân không chịu nói danh tính người đó, thì ít nhất cũng lộ ra chút vết tích để biết đường nào mà dò la, không đến nỗi mù mịt chẳng có chút đầu dây mối nhợ như trước nữa. Huống chi A Châu lấy địa vị một bậc trưởng lão chẳng quản xa xôi ngàn dặm đến làm ơn báo tin cho, rồi lúc sắp ra đi lại cho biết một việc cơ mật quan trọng. Ðối với một tay đầu não bản bang, lẽ nào Mã phu nhân lại bưng kín miệng binh được.
Tiêu Phong đứng dưới cửa sổ, không nhìn rõ vào nhà khách.
Hồi lâu mới nghe Mã phu nhân thở dài ngập ngừng hỏi:
– Trưởng lão… trưởng lão còn có chuyện chi nữa?
Tiêu Phong lấy rất làm kỳ, tự hỏi:
– Mã phu nhân hỏi các câu này là có ý nghĩ gì?
Bỗng thấy A Châu:
– Tôi minh xác là tin đó chính tôi nghe thấy, gã Kiều Phong có y gia hại phu nhân. Vì thế tôi chẳng quản đường xa đến báo cho phu nhân biết.
Mã phu nhân vẫn tỏ ra lạnh nhạt nói:
– Tiểu phụ xin đa tạ tấm lòng tốt của trưởng lão.
A Châu nói khẽ hơn:
– Mã phu nhân! Từ khi Mã hiền đệ chẳng may qua đời, mấy vị trưởng lão bản bang đều ghi nhớ công đức người quá cố, muốn mời phu nhân dời khỏi thâm sơn ra nhậm chức trưởng lão trong bản bang.
Nàng nói một cách rất trịnh trọng.
Tiêu Phong nghe đoạn phải cười thầm nhưng không khỏi khen thầm mưu chước rất mau.
Bất luận là phu nhân có nghe hay không, nhưng ít ra cũng cảm thấy nỗi hân hoan trong dạ.
Mã phu nhân đáp:
– Tiểu phụ có tài đức gì mà dám đảm nhận vị trưởng lão trong bang, tiểu phụ làm đệ tử Cái Bang còn chưa xong thì chức quyền trưởng lão đối với tiểu phụ quá cao xa có thể nói là cách bậc muôn trùng.
A Châu nói:
– Tôi cùng Tống trưởng lão, Ngô trưởng lão đã cực lực nói rất mong việc này sẽ thành sự thực. Ngoài ra tôi còn được một tin rất trọng đại, có liên quan đến vụ mưu hại Mã huynh đệ.
Mã phu nhân hỏi ngay:
– Có đúng thế chăng?
Giọng nói vẫn lạt lẽo.
A Châu tiếp:
– Hôm đó ở thành Vệ Huy tế điện Từ trưởng lão tôi được tin Triệu Tiền Tôn, y có đề cập tới một việc và biểu là biết rõ tên của hung thủ đã sát hại Mã huynh đệ.
Ðột nhiên vang lên mấy tiếng choang choảng, một tiếng chát vỡ tan.
Mã phu nhân rú lên một tiếng kinh ngạc, hỏi tiếp:
– Trưởng lão!… Trưởng lão nói rỡn sao?
Thanh âm ra chiều căm phẫn lẫn vẻ hãi hùng.
A Châu nghiêm nghị nói:
– Ðây là một việc trọng đại, lẽ nào tôi dám nói rỡn với phu nhân. Chính miệng Triệu Tiền Tôn đã biểu tôi biết rõ tên chánh phạm sát hại Mã Ðại Nguyên.
Mã phu nhân rung rung hỏi:
– Sao gã lại biết? Trưởng lão nói hồ đồ hay là nhìn thấy quỷ nhập tràng.
Tiêu Phong đứng ngoài nghe tựa hồ hai người đang dằng co rồi thấy roạc một cái như tiếng áo bị xé rách toạt, Tiêu Phong giật mình chỉ sợ A Châu rách áo bại lộ chân tướng, liền nhô đầu nhòm qua khe cửa sổ, thì thấy Mã phu nhân một tay che trước ngực vì bị rách áo.
Triệu Phong cả kinh tự hỏi:
– Cô này thật ra là liều lĩnh. Ai lại dám trâng tráo xé xiêm y một người quả phụ bao giờ?
Bỗng nghe tiếng A Châu đáp:
– Mã phu nhân! Ðúng vậy đó, phu nhân chẳng nên nóng nảy, thủng thẳng để tôi nói cho mà nghe. Gã Triệu Tiền Tôn biểu rằng ngày trung thu năm ngoái…
Chưa dứt câu, Mã phu nhân rú lên một tiếng:
– Chao ôi! Rồi ngất đi.
A Châu hốt hoảng gọi:
– Mã phu nhân lai tỉnh! Mã phu nhân lai tỉnh!
Vừa gọi vừa vuốt nhân trung trên mũi Mã phu nhân.
Phu nhân dần dần tỉnh lại nói:
– Sao trưởng lão lại làm cho tôi bở vía?
A Châu nói:
– Tôi có khủng bố phu nhân đâu! Chính Triệu Tiền Tôn nói thế thật, tiếc rằng gã chết rồi, không thì tôi gọi gã tới đây để đối chứng. Gã biểu ngày trung thu năm ngoái, ngoài Kiều Phong, Ðàm Công, Ðàm Bà, còn có tên hung phạm hạ thủ giết Mã huynh đệ cùng đến hội họp tại nhà thủ lĩnh đại ca.
Mã phu nhân thở phào một tiếng hỏi:
– Có thật gã nói thế không?
A Châu đáp:
– Ðúng thế! Nghe y nói ban đầu tôi cũng tin, liền đến hỏi Ðàm Công thì lão hăm he trợn mắt nhìn tôi chớ không chịu nói. Nhưng Ðàm Bà biểu là Triệu Tiền Tôn nói đúng. Tôi tưởng không nên trách Ðàm Công bực mình vì lão căm hận Ðàm Bà việc gì cũng đem nói với Triệu Tiền Tôn.
Mã phu nhân la lên:
– Trời ơi! Thế là nghĩa gì?
A Châu nói:
– Việc này điều tra phỏng có gì? Ngày trung thu năm ngoái, Ðàm Công, Ðàm Bà, Kiều Phong cùng ngồi trong nhà “Thủ lĩnh đại ca” . Ngoài ba người này chỉ còn một số ít nào nữa thôi thì việc đòi hỏi khá dễ dàng. Có điều đáng tiếc là Ðàm Công, Ðàm Bà chết mất cả rồi, còn Kiều Phong đã thành kẻ thù với mình, chắc y không chịu nói rồi. Thôi, phải đi hỏi “Thủ lĩnh đại ca” mới được.
Mã phu nhân nói:
– Phải đó, trưởng lão đến đây hỏi là ra hết.
A Châu nói:
– Song có điều thật đáng tức cười: “Thủ lĩnh đại ca” là ai? Nhà ở đâu, mà chúng tôi cũng không biết.
Mã phu nhân ngắt lời:
– Cha cha! Té ra trưởng lão dương Ðông kích Tây chỉ vì mục đích duy nhất là hỏi cho ra danh tính “Thủ lĩnh đại ca” .
A Châu nghiêm nghị nói:
– Nếu thế không tiện thì phu nhân bất tất phải bảo tôi, tự mình đi hỏi lấy để điều tra ra tên chánh phạm là xong.
Tiêu Phong hiểu A Châu nói câu này là dùng cách lui để mà tiến, giả vờ không quan tâm đến việc muốn biết rõ danh tính “Thủ lĩnh đại ca” cho Mã phu nhân khỏi nghi kỵ mà kỳ thực trong lòng nàng rất nóng nẩy chỉ mong Mã phu nhân nói ra.
Bỗng thấy Mã phu nhân lạnh lùng nói :
– Danh tính “Thủ lĩnh đại ca” cần phải giấu là giấu người khác kia, sợ lộ ra đến tai Kiều Phong thì thế nào hắn cũng tìm đến để báo mối đại cừu đã gia hại cha mẹ hắn. Còn đối với đích thân Bạch trưởng lão, khi nào tôi dám dấu? …
Nói tới đây, Mã phu nhân ngập ngừng, tiếp:
– “Thủ lĩnh đại ca” chính là…
Tiêu Phong đứng ngoài nghe được đến hai tiếng “chính là…” rồi đột nhiên không nghe thấy gì nữa vì Mã phu nhân nói rất khẽ. Ông hết sức chú ý lắng tai, cơ hồ nghe cả thấy tim mình đập mà thủy chung vẫn chưa nghe rõ danh tính “Thủ lĩnh đại ca” là gì.
Chờ một lúc lâu, mới thấy tiếng phu nhân thở dài tiếp:
– Vị “thủ lĩnh đại ca” này địa vị cực kỳ cao quý, lại thanh thế rất lớn. Một tiếng truyền ra hàng mấy vạn quần chúng đều nghe răm rắp.
Ngưng một lúc, Mã phu nhân lại nói tiếp bằng một thanh âm cực kỳ thận trọng:
– Y… y là người rất thủy chung đối với bạn bè, Bạch trưởng lão có đến hỏi y chánh phạm là ai, thì bất cứ bằng một cách nào, y cũng chẳng chịu nói đâu.
Tiêu Phong vẫn nín chờ, âm thầm toan tính: Dù sao mặc lòng, chuyến đi này cũng không phải vô ích. Bất luận Mã phu nhân có nói toạc họ tên gã kia hay không, nhưng căn cứ vào mấy câu “gã có địa vị cao quý, có thanh thế, một lệnh truyền ra mấy vạn quần chúng đều nghe răm rắp” thì rồi mình cũng tìm được vì tính ra trong võ lâm, những nhân vật như vậy phỏng được là bao?
Tiêu Phong đang nhẩm tính xem gã “Thủ lĩnh đại ca” là ai, bỗng thấy A Châu lên tiếng:
– Một lịnh ban ra, mấy vạn quần chúng nghe răm rắp thì khắc là vị Bang Chúa Cái Bang trước đây… À phải rồi còn phái Thiếu Lâm, một phái có đông đệ tử từ khắp nơi. Chưởng Môn phái này, phương trượng đại sư chùa Thiếu Lâm, nói ra một câu có đến hàng mấy vạn người phải nghe theo…
Mã phu nhân ngắt lời:
– Trưởng lão hãy khoan rồi hãy đoán. Tôi xin nói một ý nữa là vị đó ở phương Tây Nam.
A Châu trầm ngâm một lát rồi lập lại:
– Phương Tây Nam? Phương Tây Nam có nhân vật nào oai quyền như thế đâu? Tôi nghĩ không ra ai đúng tư cách như phu nhân vừa nói.
Mã phu nhân giơ ngón tay lên điểm thủng một lỗ vào miếng dán trên cửa sổ, thế nào lại thủng trúng chỗ trên đầu Tiêu Phong.
Tiêu Phong sợ quá, vội thụt đầu xuáng, lại nghe tiếng Mã phu nhân nói:
– Tôi không hiểu võ công, còn Bạch trưởng lão chắc là phải biết khắp thiên hạ ai là người giỏi nhất về này?
A Châu reo lên:
– À! Phu nhân muốn hỏi môn điểm huyệt bằng ngón tay phải không? Hiện thời môn “Kim cương chỉ” của phái Thiếu Lâm và “hồn chỉ” của Trịnh Gia ở Thượng Châu, tỉnh Hà Bắc đều ghê gớm.
Tiêu Phong la thầm trong bụng:
– Trật rồi, hiện nay môn điểm huyệt giỏi nhất thiên hạ là “Nhất dương chỉ” của họ Ðoàn nước Ðại Lý. Hơn nữa phải nói rõ là nhân vật đó ở về phía Tây Nam kia mà!
Quả nhiên thấy Mã phu nhân nói:
– Bạch trưởng lão biết nhiều hiểu rộng mà sao không đoán được người này? Hay là tại đường xa nhọc mệt đầu óc rối mù đi, không nghĩ ra quân cả họ Ðoàn nước Ðại Lý lừng lẫy về môn “Nhất dương chỉ”?
Câu này Mã phu nhân có ý diễu cợt A Châu.
A Châu chữa ngay:
– Phép “Nhất dương chỉ” của Ðoàn gia dĩ nhiên tôi chẳng lạ gì nhưng họ Ðoàn nầy đã xưng hoàng đế nước Ðại Lý, ít lâu nay có đi lại gì với các phái võ ở Trung Nguyên nữa đâu? Cái thuyết nói “Thủ lĩnh đại ca” có liên quan đến cánh họ Ðoàn nước Ðại Lý là tin đồn sai đó.
Mã phu nhân nói:
– Ðoàn gia tuy là Hoàng tộc nước Ðại Ly, song họ Ðoàn đâu phải chỉ có một người. Cái người không làm Quốc Vương nước Ðại Lý vẫn có thể đến Trung Nguyên được chứ. “Thủ lĩnh đại ca” là em ruột Hoàng đế Ðại Lý tên gọi Ðoàn Chính Thuần, thụ phong tước Trần Nam Vương, lãnh chức Bảo quốc Ðại tướng quân.
A Châu cùng Tiêu Phong đều quen biết Ðoàn Dự, nhưng chỉ cho là chàng thuộc quân lính nước Ðại Lý, tỷ như họ Triệu nhà Ðại Tống, họ Lý nước Tây Hạ, họ Gia luật nước Liêu.
Trong nước nào chả có hàng vạn hàng ức người trong hoàng tộc. Ðoàn Dự lại chưa từng đề cập đến mình là Vương tử nước Ðại Lý, nên Tiêu Phong và A Châu biết đâu chàng là người nối dõi Hoàng gia.
Anh em Ðoàn Chính Minh, Ðoàn Chính Thuần tiếng tăm rất vang dội trong võ lâm. Tiêu Phong vừa nghe đến ba chữ Ðoàn Chính Thuần bất giác toàn thân run bắn lên. Thế là cuộc dò la danh tính “Thủ lĩnh đại ca” mấy tháng trời nay đã tìm ra được rồi.
Bỗng nghe A Châu hỏi:
– Vị Vương gia này quyền cao tước trọng là thế sao còn đi tham gia vào những cuộc thù oán chém giết nhau trong đám giang hồ?
Mã phu nhân đáp:
– Nếu là cuộc thù hằn chém giết nhau tầm thường thì dĩ nhiên vị “Thủ lĩnh đại ca” đó chẳng thèm dây vào, nhưng đối với cuộc tranh đấu có liên quan đến sự tồn vong của giống nòi, đến vận mạng hưng suy của đất nước Ðại Lý, thì trưởng lão tính họ có nhắm mắt bỏ qua được không?
A Châu nói:
– Nếu cuộc đấu tranh nào quan hệ trọng đại thì tất nhiên phải nhúng tay vào.
Mã phu nhân nói:
– Tôi có được nghe Từ trưởng lão cho hay rằng nhà Ðại Tống ta là tấm bình phong để che mặt bác cho nước Ðại Lý. Giả tỷ Khất Ðan diệt xong Ðại Tống, tất họ thôn tính đến Ðại Lý. Thế thì Ðại Tống và Ðại Lý chẳng khác gì môi với răng, môi hở là răng lạnh. Cố nhiên Ðại Lý không muốn cho Ðại Tống phải diệt vong vào tay nước khác.
A Châu nói:
– Phải rồi, nói thế thì tôi xin chịu là đúng.
Mã phu nhân tiếp:
– Từ trưởng lão còn cho hay rằng: Năm ấy Ðoàn Vương gia qua chơi là bậc thượng khách Cái Bang, đang ngồi uống rượu cùng Uông Bang Chúa bàn luận kiếm pháp thì thốt nhiên có tin mật của bọn võ sĩ Khất Ðan rất đông sắp kéo sang chùa Thiếu Lâm để đoạt thi sách. “Thủ lĩnh đại ca” không lý gì lại từ chối được liền thống trị quân hào ra Nhạn môn quan chặn đường địch. Thực ra nghĩa cử đó cũng là vì Ðại Lý. Tôi nghe nói Ðoàn Vương gia chẳng những võ công cao cường mà còn là một bậc đại nhân đại nghĩa nữa. Ông đứng bên Ðại Lý chỉ đứng dưới có một người mà trên muôn người, tính nết hào phóng vung tiền như rác. Bạn bè chỉ hé miệng một câu là lập tức ông ta tặng hàng ngàn vạn lạng bạc ngay. Trưởng lão thử tưởng tượng coi, các tay võ hiệp Trung Nguyên không đặt ông ta lên địa vị thủ lĩnh thì còn ai nữa?
A Châu nói:
– Thế ra “Thủ lĩnh đại ca” chính là Trấn Nam Vương nước Ðại Lý. Sở dĩ người nào cũng chết thôi chớ không chịu tiết lộ danh tính y là vị cảm tình muốn bảo vệ y.
Mã phu nhân nói:
– Bạch trưởng lão! Xin trưởng lão nhớ luôn cho rằng đó là một việc cực kỳ cơ mật. Trưởng lão chớ nên tiết lộ với bất cứ ai. Ðoàn vương gia kết giao thâm trọng với bổn bang, vụ này tiết lộ ra ngoài sẽ xảy đến những tai họa phi thường!
A Châu nói:
– Tôi không tiết lộ đâu. Tuy nhiên họ Ðoàn nước Ðại Lý oai danh lừng lẫy một phương trời, thế lực ghê gớm, thì dù thằng cha Kiều Phong có nuôi chí phục thù hàng mười năm, đã dễ gì mà đối địch nổi với Ðoàn Chính Thuần?
Mã phu nhân nói:
– Ðúng rồi! Bạch trưởng lão tuyên thệ đi đặng cho tôi yên lòng.
A Châu nói:
– Ðược lắm! Bạch Thế Kính mà đem chuyện Ðoàn Chính Thuần tức là “Thủ lĩnh đại ca” tiết lộ với ai thì sẽ bị thảm họa phân thây muôn đoạn, thân danh tan nát, người đời thóa mạ.
A Châu tuyên thệ bằng những lời lẽ cực kỳ nghiêm trọng xong thực ra nàng rất giảo quyệt, mồm miệng liến thoắng, đem bao nhiêu lời thề độc trút lên đầu Bạch Thế Kính. Phân thây muôn đoạn đã có Bạch Thế Kính chịu, thân danh tan nát, người đời thóa mạ cũng Bạch Thế Kính hứng lấy, không can gì đến A Châu.
Mã phu nhân nghe A Châu thề độc, xem chừng rất vừa lòng nói:
– Thế là được rồi!
A Châu nói:
– Tôi sẽ đến gặp Trần Nam Vương nước Ðại Lý, dương Ðông kích Tây để hỏi y xem ngày trung thu năm ngoái có những khách nào cùng đến dự tiệc để điều tra cho ra hung phạm đã hạ sát Mã huynh đệ.
Mã phu nhân rầu rầu nét mặt nói:
– Bạch trưởng lão tình nghĩa thật thắm thiết, vong phu ở dưới Diêm đài hay biết ắt hẳn cảm kích muôn năm!
A Châu nói:
– Mong phu nhân bảo trọng thân thể, tại hạ xin cáo biệt.
Ðoạn đứng lên đi ra.
Mã phu nhân đáp lễ nói:
– Tiện nữ chút thân góa bụa, đêm hôm không tiện đưa chân xin Bạch trưởng lão miễn thứ cho.
A Châu nói:
– Phu nhân bất tất phải khách khí!
Nàng ra đi đến cửa đã thấy Tiêu Phong đứng chờ đặng hai đưa mắt nhìn nhau rồi đi ngay, chớ không nói gì.
Mảnh trăng lưỡi liềm chênh chếch chiếu ánh sáng vào tòa thành Tín Dương.
Tiêu Phong và A Châu sóng vai mà đi.
Thảng một mạch chừng hơn mười dặm, Tiêu Phong mới thở phào nhẹ nhỏm:
– A Châu nàng ơi! Tôi rất cảm ơn nàng.
A Châu gượng cười không nói gì.
Tuy mặt nàng đã hóa trang cho giống Bạch Thế Kính song Tiêu Phong nhìn khóe mắt nàng nhận ra nỗi lo lắng, bồn chồn, nghi kỵ liền hỏi:
– Hôm nay việc lớn đã thành tựu. Sao nàng không vui vẻ?
A Châu đáp:
– Tôi nghĩ đến họ Ðoàn nước Ðại Lý, người nhiều thế lực. Ðại ca thân cô thế cô, qua đó báo thù thực là nguy hiểm vô cùng.
Tiêu Phong nói:
– À! Thế ra nàng lo cho tôi. Thôi, nàng cứ yên tâm, tôi không hành động lỗ mãng đâu mà ngại. Mình ở trong bóng tôi, họ ở ngoài ánh sáng là mình chiếm được tiện nghi hơn họ. Năm ba năm không trả thù xong thì bảy tám hay mười năm, tất cũng có ngày tôi chém Ðoàn Chính Thuần ra làm vài chục khúc ném cho chó ăn.
Nói tới đây, ông cả giận bất giác nghiến hai hàm răng ken két, bộc lộ tấm lòng căm phẫn đến cực điểm.
A Châu nói:
– Ðại ca phải cẩn thận lắm mới được.
Tiêu Phong nói:
– Cái đó đã hẳn. Tôi mất mạng còn là một việc nhỏ, mối thù của gia nương chưa báo được mới là việc lớn. Tôi có chết cũng không nhắm mắt.
Ông từ từ đưa tay ra nắm lấy tay A Châu hỏi:
– Tôi mà chết vào tay Ðoàn Chính Thuần thì ai sẽ đưa nàng ra khỏi Nhạn môn quan hưởng thú săn chồn đuổi thỏ?
A Châu nói:
– Trời ơi! Sao tôi cứ băn khoăn trong dạ, cảm thấy trong vụ này có điều gì không ổn. Vị Mã phu nhân kia… Con người băng thanh ngọc chuốt là thế mà sao hễ tôi trông thấy bà ta là trong lòng tôi chán ghét vô cùng!
Tiêu Phong mỉm cười nói:
– Người đàn bà đó thật tinh thông mẫn cán, nàng sợ phu nhân khám phá ra sự giả trang, nên không khỏi hồi hộp đó chứ gì?
Hai người trở về quán trọ Thành Tín Dương, Tiêu Phong lập tức gọi lấy một bình rượu ra uống.
Tín Dương là một châu thành lớn thuộc tỉnh Hà Nam. Trong thành có nhiều tai mắt.
Tiêu Phong lẳng lặng uống rượu tuy ngoài miệng không nói đến những việc vừa qua, song trong bụng vẫn tính cách báo thù.
Nghĩ đến họ Ðoàn nước Ðại Lý, ông liên tưởng ngay tới anh em mới kết nghĩa kim lan là Ðoàn Dự thì bất giác rùng mình ngồi ngây người ra không uống rượu nữa, sắc mặt biến đổi khác thường.
A Châu ngờ ông phát giác điều gì, nàng đưa mắt ngó quanh những chẳng thấy chi khác lạ, liền hỏi nhỏ:
– Ðại ca thấy chuyện gì vậy.
Tiêu Phong giựt mình đáp:
– Không… không có gì cả.
Rồi bưng bát rượu lên uống một hơi cạn sạch.
Rượu mới ngấm vào đến cổ cuống họng đột nhiên nghẹt thở, ho lên mấy tiếng, phun rượu ra ướt áo.
Tiêu Phong tửu lượng như biển, nội công thâm hậu, một bát rượu đối với ông thấm thía gì.
A Châu thấy ông ọc rượu ra không thì ngấm ngầm lo lắng, nhưng không dám hỏi nhiều.
Nàng có biết đâu rằng lúc Tiêu Phong nốc rượu vào, đột nhiên nghĩ tới một việc: Ngày ông cùng Ðoàn Dự uống rượu cùng Vô Tích, đối phương đã dùng khí công thượng thừa trong phép “Lục Mạch Thần Kiếm” cho rượu do đầu ngón tay tiết ra ngoài. Thần công như vậy thì ông bằng thế nào được. Ấy là Ðoàn Dự không biết võ công mà nội công đã hơn đời, kẻ đối đầu với ông là Ðoàn Chính Thuần, một nhân vật rường cột nước Ðại Lý so với Ðoàn Dự còn lợi hại gấp mười. Ông nghĩ đến mối đại cừu giết cha mẹ không biết đến bao giờ trả xong?
Tiêu Phong biết đâu rằng Ðoàn Dự có cơ duyên được học “Chu Cáp Thần Công”, một vật hãn hữu trên thế gian. Kể về cước thì Ðoàn Dự còn thâm hậu hơn phụ thân chàng nhiều, mà “Lục Mạch Thần Kiếm” hiện nay trên đời trừ Ðoàn Dự ra, không còn người thứ hai nào sử dụng được đầy đủ.
A Châu không hiểu nỗi lòng khuất khúc của Tiêu Phong, chỉ nhìn ông lo nghĩ về việc báo thù mà buồn rầu, liền nói:
– Ðại ca ơi! Báo thù là việc lớn, không một chiều một sớm là xong. Chúng ta bàn định mưu kế rồi sau sẽ hành động. Dù địch đông ta ít không đủ sức đánh, Chẳng lẽ lại không biết dùng mưu trí đánh thắng hay sao?
Tiêu Phong nghe nàng nói bỗng đổi sầu làm vui, ông biết A Châu là con người cơ biến giao hoạt, thực đáng là một tay giúp đỡ mình đắc lực.
Ông liền rót đầy rượu vào bát, uống một hơi cạn sạch rồi nói:
– Mối thù giết cha chẳng đội trời chung đã không đến xỉa đến lề lối đạo nghĩa giang hồ, thì dù thủ đoạn độc ác đến đâu mà chẳng thi hành. Ðúng rồi, không đủ sức đánh, mình phải dùng mưu.
A Châu lại nói:
– Ngoài cái thù giết cha mẹ ruột, đại ca còn mối huyết cừu đối với sư phụ là Huyền Khổ đại sư.
Tiêu Phong vỗ bàn một cái rồi lớn tiếng nói:
– Phải rồi, oán thù chồng chất, nào phải chỉ có một mối.
A Châu nói:
– Ngày trước đại ca từng học nghề một vị cao tăng chùa Thiếu Lâm chắc lúc đó đại ca còn nhỏ tuổi, chưa học đến chỗ tuyệt đỉnh của phái Thiếu Lâm, không thì cái môn “Nhất dương chỉ” của họ Ðoàn nước Ðại Lý vị tất đã hơn được môn “Dịch cân kinh” của Ðạt ma lão tổ phái Thiếu Lâm. Tôi từng nghe Mộ Dung lão gia bàn đến võ công khắp thiên hạ, đề cập tới họ Ðoàn nước Ðại Lý ngoài môn “Nhất dương chỉ” còn một môn nữa lợi hại hơn nhiều mệnh danh là “Lục Mạch Thần Kiếm” chi chi đó.
Tiêu Phong nhíu lông mày nói:
– Phải rồi! Mộ Dung tiên sinh là bậc kỳ nhân trong võ lâm, lời đại gia quả nhiên tỏ ra có kiến thức hơn đời, tôi đang lo phiền đây không vì môn “Nhất dương chỉ” mà chính là môn “Lục Mạch Thần Kiếm”.
A Châu nói:
– Hôm ấy Mộ Dung lão gia cùng Mộ Dung công tử đang bàn luận về võ công khắp thiên hạ, tôi đứng ngay bên rót nước nghe được mấy câu chuyện. Mộ Dung lão gia biểu: Bảy mươi hai món tuyệt kỷ phái Thiếu Lâm chưa lấy gì làm kỳ diệu. Chẳng những lão gia biết sử dụng đủ mà còn biết đủ thế phá, vậy đã lấy làm tuyệt.
Tiêu Phong than rằng:
– Thật là một vị tiền bối hãn hữu, tiếc rằng tôi chưa được biết người.
A Châu lại kể tiếp:
– Lúc đó công tử Mộ Dung nói: “Gia gia dậy chí phải, vậy mà cô mẫu cùng Biểu Muội vẫn tự khoe mình là biết võ công nhiều nhứt thiên hạ nhưng biết không tinh phỏng có ích gì? Mộ Dung lão gia lại nói: Nói đâu là “tinh” phỏng có phải chuyện dễ. Ngay như môn tuyệt học phái Thiếu Lâm là “Dịch Chân Kinh”, chỉ luyện cho tinh một pho này thì những thế võ tầm thường đến đâu cũng biến thành kỳ diệu.
Căn cứ vững chắc, nội công thâm hậu, thì bất luận chiêu thức tầm thường nào cũng phát huy được uy lực cực kỳ mãnh liệt. Về điều này Tiêu Phong đã hiểu rõ lắm. Ngay hôm ở Tự Hiền Trang, mình đã chiến đấu với quần hùng chỉ sử dụng một môn “Thái Tổ Trường Quyền” thiên hạ ai nấy đều biết, chẳng có chi lạ lùng, thế mà thách đấu được với bao nhiêu anh hùng hảo hán trong thiên hạ. Ðó là những tay cao thủ bậc nhất cũng đều khoanh tay phục sát đất.
Bây giờ Tiêu Phong nghe A Châu thuật lại lời Mộ Dung uống liền hai bát rượu rồi nói:
Thật hợp lòng ta! Tiếc rằng Mộ Dung tiên sinh đã qua đời, không thì Tiêu Phong thế nào cũng tìm đến bảo trang để bái kiến bậc kỳ nhân trong thiên hạ.
A Châu mỉm cười đáp:
– Ngày Mộ Dung lão gia còn tại thế, lão gia không chịu tiết lộ ra ngoài, song đối với đại ca thì lại khác.
Tiêu Phong ngẩng đầu lên mỉm cười, biết câu nàng nói “Ðối với đại ca thì khác” có ngụ ý sâu sắc. Nàng muốn nói… Ngài đối với tôi là đôi bạn ý hợp tâm đầu thì Mộ Dung tiên sinh sẽ biết được người.
A Châu thấy Tiêu Phong nhìn mình trừng trừng bất giác ngồi xuống hai má ửng đỏ, trong lòng mừng thầm.
Tiêu Phong uống cạn bát rượu nữa rồi hỏi:
– Mộ Dung lão gia đã nhiều tuổi chưa?
A Châu đáp:
– Mới ngoài năm chục, kể ra cũng chưa già mấy.
Tiêu Phong nói:
– Ồ! Nội công lão gia thâm hậu, tuổi ngoài năm mươi chính là thời kỳ võ công đang tiến triển rất mạnh. Không biết tại sao thốt nhiên lão gia lại qua đời?
A Châu lắc đầu đáp:
– Lão gia bị bệnh gì mà thác chúng tôi chẳng ai biết. Lão gia chết rất mau, ban sáng thốt nhiên bị bệnh, rồi đến chiều thấy công tử khóc rống lên, đưa tin lão gia đã mất rồi.
Tiêu Phong nói:
– Không biết lão gia bị bệnh gì? Ðáng tiếc, đáng tiếc? Giả thử Tiết Thần Y ở gần đưa lão gia đến chữa ngay thì thế nào ông cũng cứu thoát được mạng lão gia.
Tiêu Phong tuy chưa quen biết cha con Mộ Dung, nhưng nghe người ta nói đến ngôn, hành, tính tình của nhà này, tự nhiên ông sinh lòng hâm mộ. Bữa trước cũng vì nghĩ đến nhà Mộ Dung mà ông ra tay giải cứu A Châu.
Hôm ấy Mộ Dung lão gia cùng công tử đàm luận rất lâu về pho “Dịch cân kinh”. Lão gia nói: pho “Dịch Cân Kinh” của Ðạt Ma lão tổ tuy ta chưa được xem, song lấy võ học mà suy, thì phái Thiếu Lâm nổi tiếng ở pho “Dịch Cân Kinh” này. Còn về bảy mươi hai môn tuyệt kỹ kia, tuy mỗi môn có chỗ độc đáo riêng, song căn cứ vào đó để lĩnh tụ quần luân làm môn tuyệt đỉnh cho võ học cho thiên hạ thì chưa được. Lão gia còn cố ý răn dạy công tử không nên ỷ vào võ công tổ truyền nhà mình mà coi thường tử đệ phái Thiếu Lâm. Trong chùa Thiếu Lâm đã có pho kinh đó, biết đâu rằng có một nhà sư tự dinh ngộ thông hiểu được? .
Tiêu Phong nói:
– Lời Mộ Dung tiên sinh quả là kiến thức vô song.
A Châu nói:
– Sau khi lão gia qua đời, một hôm công tử ngẫu nhiên đọc đến lời di ngôn của lão gia. Công tử biểu: các môn võ học khắp nơi hạ lão gia đã coi qua, chỉ còn ân hận một điều là chưa được biết “Lục Mạch Thần Kiếm” của họ Ðoàn nước Ðại Lý cùng pho “Dịch Cân Kinh” phái Thiếu Lâm.
Cứ theo lời lão gia thì hai môn võ công này đều được nêu ra xét kỹ lại thì dường pho “Dịch Cân Kinh” của phái Thiếu Lâm tương đối còn kỳ diệu hơn pho “Lục Mạch Thần Kiếm” của họ Ðoàn nước Ðại Lý. Nếu bây giờ đại ca nghiên cứu kỹ được pho “Dịch Cân Kinh” dấu ở trong viện Bồ Ðề của chùa Thiếu Lâm mà tôi đã lấy trộm cho Ðại ca đem ra luyện mấy năm mà thành tựu thì tôi tưởng bất bại “Lục Mạch Thần Kiếm” hay là “Thất Mạch Âm Ðao” gì gì nữa chẳng có chi đáng kể.
Nói tới đây, thần sắc nàng trông như cười mà không phải cười, Tiêu Phong nghe lời nàng nhẩy lên cười nói:
– Nàng quỉ quái thật! Nàng… nàng…
A Châu nói:
– Ðại ca! Tôi lấy cắp pho kinh này định đưa về cho công tử xem xong rồi đem ra phần hóa trước mộ lão gia để hoàn thành tâm niệm lúc người còn tại thế. Bây giờ thì dĩ nhiên tôi chuyển cho đại ca. Nói xong A Châu lấy trong bọc ra một gói bọc bằng giấy đưa vào tay Tiêu Phong.
Ðêm hôm vào chùa Thiếu Lâm chính mắt Tiêu Phong trông thấy nàng giả làm Trí Thanh hòa thượng, móc sau tấm gương đồng pho kinh sách. Nhưng ông có biết đâu rằng đó chính là pho”Dịch Cân Kinh”bí truyền của phái Thiếu Lâm.
A Châu bị quần hào bắt ở Tự Hiền Trang, các vị anh hùng biết nàng là đàn bà con gái, nên không lục soát trong mình nàng. Còn Huyền Tịch, Huyền Nạn, mấy vị cao tăng chùa Thiếu Lâm cũng không thể ngờ kinh sách trong bổn tự lại mất về tay cô gái này.
Tiêu Phong lắc đầu nói:
– Nàng mạo hiểm thập tử nhất sinh vào chùa Thiếu Lâm trộm kinh sách để đem về cho Mộ Dung công tử có lý đâu tôi lại giữ làm của mình?
A Châu nói:
– Ðại ca! Thế thì đại ca không phải là đại ca rồi!
Tiêu Phong lấy làm kỳ hỏi:
– Nàng nói thế nghĩa làm sao?
A Châu đáp:
– Pho kinh này tự ý tôi đến lấy chứ có phải vâng mệnh Mộ Dung công tử đâu, tôi muốn đem cho ai thì cho. Vả lại sau khi đại ca xem qua rồi, chúng ta sẽ đưa về cho công tử cũng chưa muộn. Mối thù giết cha chẳng đội trời chung chỉ cốt sao trả được là hay. Bất luận việc gì dù âm hiểm độc ác hay đê hèn đến đâu mà lợi dụng để thành công được cũng còn chẳng tử. Mới coi một pho kinh mà đại ca đã câu nệ thói đàn bà, như thế đâu có phải là đại ca?
Tiêu Phong bị A Châu thuyết một hồi, khâm phục quá bất giác quay mặt nhìn nàng vái dài nói:
– Hiền Muội trách tôi như vậy là phải. Ðã làm việc lớn mà còn câu nệ tiểu tiết sao được?
A Châu cười khoan khoái nói:
– Ðại ca vốn là đệ tử phái Thiếu Lâm, lại dùng võ công bổn phái để báo thù cho Huyền Khổ đại sư là một điều danh chính ngôn thuận, còn ai dám chê trách đại ca nữa?
Tiêu Phong vừa cảm kích vừa vui sướng, liền mở gói giấy dầu ra xem thì chỉ thấy một tập sách giấy vàng nhỏ xíu và mỏng teo, ngoài bì để mấy hàng chữ ngòng ngoèo kỳ lạ, bất giác la lên:
– Không ăn thua rồi!
Ông mở trang đầu, chữ dày chi chít, cũng lại là thứ văn tự kỳ lạ, nào đường chếch, vạch ngang, nào khuyên tròn, móc câu, chẳng hiểu được chữ nào cả.
A Châu cũng la lên một tiếng “Ô hay!” rồi nói:
– Té ra bản này bằng chữ Phạn, thế là hỏng bét! Tôi vào chùa Thiếu Lâm giả làm nhà sư Trí Thanh, lúc nói chuyện với người giả dò hỏi rõ ràng: pho “Dịch Cân Kinh” cất giấu ở một chỗ bí mật trong viện Bồ Ðề và đây là bản chính. Biết thế này thì thà rằng lấy câu dịch cho xong. Thảo nào tôi thấy mấy nhà sư bị mất trộm Võ công bí quyết, họ vẫn thờ ơ như không, thì ra bản chính cuốn thiên thúy này không ai có thể hiểu được.