Trong rừng hạnh bùn lầy nhơ nhớp, trên ngọn cỏ hãy còn nước mưa đọng.
Ðoàn Dự cùng Ngọc Yến vào rừng rồi buông tầm mắt nhìn ra xa thì chẳng thấy bóng nào cả, chỉ còn trơ khu đất mông mênh. Ngọc Yến nói:
– Bọn họ quả nhiên đi hết rồi, chúng ta về thành Vô Tích để thăm dò tin tức.
Ðoàn Dự nói:
– Phải đó!
Chàng nghĩ đến lúc lại được cùng Ngọc Yến sánh vai ra đi thêm một đoạn đường nữa, trong lòng mừng rỡ vô cùng, miệng cười tí toét. Ngọc Yến lấy làm lạ, hỏi:
– Phải chăng tôi có điều gì thất thố?
Ðoàn Dự vội đáp:
– Ðâu có! Chúng ta lại xuống thành Vô Tích là phải.
Ngọc Yến hỏi:
– Thế sao công tử còn cười hoài?
Ðoàn Dự không dám nhìn thẳng vào mặt nàng, quay đi phía khác tủm tỉm cười, đáp:
– Tôi phải cái nết điên rồ như vậy, đâu có phải cô nương nói sai mà cười. Xin cô đừng dể ý.
Ngọc Yến thấy tính chàng buồn cười như vậy, cũng “hích” lên một tiếng rồi cười ngặt nghẹo.
Ðoàn Dự thấy vậy, không nhịn được, phá lên cười ha hả. Hai người lỏng buông tay khấu, cho ngựa chạy đều đặn, nhắm hướng Vô Tích mà đi.
Ði được mấy dặm, nhác trông lên cành cây thấy có xác người treo lủng lẳng, nhìn ra là một tên võ sỹ Tây Hạ.
Hai người đều ngạc nhiên không biết ai đã hạ thủ.
Ði thêm mấy trượng nữa lại thấy bên sườn núi hai xác võ sỹ Tây Hạ nữa, vết thương máu còn chưa khô, đúng là mới chết.
Ðoàn Dự hỏi:
– Phe Tây Hạ đúng là đã gặp phải tay kình địch. Vương cô nương! Cô thử đoán xem là ai?
Vương Ngọc Yến đáp:
– Phải là một người võ công tuyệt cao, chỉ giơ tay lên một cái là giết được địch thủ chứ không cần phải ra sức… Hừ! Thật là một tay ghê gớm, nhưng không biết là ai.
Bỗng thấy tận đằng xa, trên con đường lớn hai người cưỡi ngựa song song đi tới, một người áo đỏ và một người áo xanh. Tưởng ai, té ra là hai cô A Châu, A Bích.
Ngọc Yến cả mừng, gọi to lên:
– A Châu! A Bích! Hai người đã thoát nạn rồi ư?
Bốn người gặp nhau vui mừng khôn xiết. A Châu nói:
– Vương cô nương, Ðoàn công tử! Tại sao cô nương cùng công tử lại về được? Tôi cùng A Bích định tìm đây!
Ngọc Yến hỏi:
– Sao các ngươi lại thoát nạn? Ðã ngửi thuốc nặng mùi chưa?
A Châu cười, đáp:
– Trời ơi! Khó ngửi muốn chết được. Cô nương chắc cũng đã ngửi rồi? Có phải cô nương cũng được Kiều Bang chúa giải cứu?
Ngọc Yến hỏi:
– Ngươi nói Kiều Bang chúa cái gì? Các ngươi đã được Kiều Bang chúa giải cứu cho hay sao?
A Châu đáp:
– Vâng! Tôi cùng A Bích bị trúng độc mê man không biết gì và không nhúc nhích được, rồi bị bọn Tây Hạ trói lại cùng với quần chúng Cái Bang, quẳng lên lưng ngựa. Ði được một lúc gặp trời mưa to. Ðoàn người tản đi các ngả tìm chỗ trú ẩn.
Mấy tên võ sỹ Tây Hạ đem tôi cùng A Bích ẩn vào cái quán đằng kia, chờ tạnh mưa mới đi ra. Giữa lúc ấy, phía sau có một người cưỡi ngựa đuổi tới, chính là Kiều Bang chúa. Người thấy chúng tôi bị bọn Tay Hạ trói, rất đỗi ngạc nhiên, chưa cất tiếng hỏi thì A Bích đã gọi to: “Kiều Bang chúa! Cứu tôi với!” Mấy tên võ sỹ Tây Hạ vừa nghe đến ba chữ “Kiều Bang chúa” đều chân tay luống cuống, hấp tấp rút khí giới ra đối địch. Kết quả là tên thì bị treo lên cành cây, tên thì chết ngã vật bên sườn núi, có tên lại lăn cả xuống suối nữa!
Ngọc Yến hỏi:
– Việc vừa mới xảy ra phải không?
A Châu đáp:
– Vâng. Tôi nói với Kiều Bang chúa: “Chị em chúng tôi bị trúng độc, xin Bang chúa tìm trong mình những tên man mọi Tây Hạ lấy thuốc giải độc cho!”
Kiều Bang chúa đưa tay ra lần vào xác một tên võ sỹ, lấy một chiếc bình sứ nhỏ, mùi rất khó ngửi. Tôi không nói chắc cô nương cũng biết rồi.
Ngọc Yến hỏi lại:
– Kiều Bang chúa ư?
A Châu đáp:
– Ðúng rồi! Bang chúa nghe tin bọn Cái bang trúng độc bị bắt hết thì nóng nảy vô cùng. Người bảo vội đi cứu bọn họ rồi hốt hoảng đi ngay. Bang chúa còn quay lại hỏi: “Ðoàn công tử có việc gì không?”, xem ra Bang chúa quan tâm đến công tử lắm.
Ðoàn Dự than rằng:
– Ðại ca ta thật là người nghĩa khí vô cùng!
A Châu nói:
– Bọn Cái bang thật là ngu! Không biết phải trái là gì, tự nhiên đuổi một vị Bang chúa như vậy đi, thế là mình làm mình chịu, đáng kiếp lắm! Tôi tưởng Kiều Bang chúa còn đi cứu bọn vô nhân bội nghĩa đó làm gì, để chúng phải khổ sở cho bõ với tội chúng đuổi mình đi.
Ðoàn Dự nói:
– Ðại ca ta là người quân tử có độ lượng bao dung, thà để kẻ khác phụ mình chứ đại ca ta quyết không phụ ai.
A Bích hỏi:
– Cô nương! Chúng ta đi đâu bây giờ?
Ngọc Yến nói:
– Ta cùng Ðoàn công tử bàn nhau đi cứu hai người. Bây giờ cả bốn người đều bình yên, thế là hay lắm rồi. Việc Cái bang không có liên quan gì đến, chúng mình lên Thiếu Lâm Tự kiếm Mộ Dung công tử.
A Châu, A Bích vốn rất quan tâm đến Mộ Dung công tử, nghe Ngọc Yến nói vậy đều vỗ tay khen phải.
Ðoàn Dự xót ruột như muối bóp, nhưng thản nhiên nói:
– Tôi vốn ngưỡng mộ Mộ Dung công tử lắm, ước ao được gặp mặt. Hiện giờ không bận việc gì, muốn theo các cô lên Thiếu Lâm Tự một chuyến.
Bốn người bắt ngựa trông về phía bắc mà đi. Ngọc Yến cùng A Châu, A Bích cười cười nói nói. Nàng đem chuyện gặp nguy hiểm tại trong trại gạo, Ðoàn Dự đã nghinh địch thế nào, tay cao thủ Tay Hạ là Lý Diên Tông tha mạng cùng tặng thuốc giải độc ra sao, thuật hết một lượt cho A Châu, A Bích nghe.
A Châu, A Bích đều lấy làm kinh dị.
Ba cô gái nói chuyện với nhau, nhiều chỗ thú vị cười lên hích hích, thỉnh thoảng cô quay đầu lại nhìn Ðoàn Dự, lấy tay che miệng không dám cười rộ.
Ðoàn Dự biết rằng ba cô bàn chuyện mình, chàng nghĩ thầm: “Tuy mình chỉ là một gã thư sinh cũng quyết bảo hộ cho Vương Ngọc Yến được chu toàn”. Chàng thấy các cô cười mình thì vừa hổ thẹn vừa tức bực. Chàng nghĩ: “Bây giờ mới có ba cô thân mật với nhau đã không đếm xỉa gì đến mình. Khi họ thấy Mộ Dung công tử rồi thì không
khéo mình hết đất dung thân!” Chàng càng nghĩ càng thấy mình trơ trẽn vô vị. Ði được vài dặm tới khu rừng trồng dâu, bỗng nghe ngoài ven rừng có tiếng hai gã thiếu niên gào khóc rất thê thảm. Bốn người phóng ngựa lại xem, thấy hai chú tiểu chừng mười bốn, mười lăm tuổi, áo thầy tu đầy vết máu còn lốm đốm. Một chú bị thương ở trên trán.
A Bích có tính thương người, dịu dàng hỏi:
– Này hai chú! Hai chú bị ai hà hiếp? Tại sao lại bị thương?
Chú tiểu không bị thương đáp:
– Chúng tôi ở chùa bị vô số quân Phiên Bang tàn ác giết mất sư phụ rồi đuổi chúng tôi ra đây.
Bốn người nghe nói đến “quân Phiên Bang tàn ác” thì đưa mắt nhìn nhau và tự hỏi: “Phải chăng là người Tây Hạ?”
A Châu lại nói chú tiểu:
– Chùa các chú ở đâu? Quân Phiên Bang tàn ác là ai?
Chú tiểu đáp:
– Sư phụ chúng tôi ở chùa Thiên Ninh đằng kia…
Vừa nói vừa trỏ về góc đông bắc. Chú lại nói tiếp:
– Quân Phiên Bang bắt được hơn một trăm tên “ăn mày” đưa vào chùa trú mưa,đòi rượu thịt rồi đòi giết gà mổ trâu bò. Sư phụ chúng tôi bảo cửa phật chay tịnh,
không thể sát sinh ở trong chùa được, thế là chúng đem sư phụ cùng mười mấy vị sư huynh, sư đệ chúng tôi ra giết hết.
A Châu hỏi:
– Bọn chúng còn ở đó không?
Chú tiểu trỏ tay về phía sau rừng dâu khói đang bốc lên cuồn cuộn, nói:
– Bọn chúng còn đang thui lợn, thui bò, thật là tội nghiệp! Ðức Bồ Tát có linh thiêng tất sẽ đem bọn Phiên Bang giam vào ngục rút lưỡi.
A Châu nói:
– Các chú nên trốn đi xa thôi. Nếu để người Phiên bắt được, chúng lại mổ các chú ăn thịt đó.
Hai chú tiểu cả kinh, lật đật lại chạy nữa. Ðoàn Dự có ý không bằng lòng, nói:
– Hai chú đã hết đường chạy trốn, A Châu tỷ nương sao còn làm cho họ khủng khiếp thêm?
A Châu cười, đáp:
– Không phải tôi khủng bố các chú. Tôi nói tình thực đấy.
A Bích nói:
– Bọn Cái bang đang bị cầm tù trong chùa Thiên Ninh, Kiều Bang chúa hiện giờ lại xuống thành Vô Tích. Thế là không gặp họ.
A Châu đột nhiên nghĩ ra một cách kỳ dị, nói:
– Vương cô nương! Tôi muốn cải trang làm Kiều Bang chúa, vào chùa Thiên Ninh, đem bình thuốc nặng mùi này đến cho bọn “ăn mày” (Cái bang) ngửi. Bọn Cái Bang thoát nạn nhất định họ sẽ cảm kích Kiều Bang chúa vô cùng!
Ngọc Yến mỉm cười:
– Kiều Bang chúa thân thể cao lớn, khôi ngô dị dạng, ngươi hoá trang giống thế nào được?
A Châu cười, nói:
– Càng khó khăn bao nhiêu, càng rõ thủ đoạn A Châu này bấy nhiêu.
Vương Ngọc Yến lại cười, nói tiếp:
– Ngươi có giả trang giống được Kiều Bang chúa chăng nữa, nhưng làm sao mà giả mạo được võ công tuyệt thế của ông? Trong chùa Thiên Ninh hiện giờ đầy cả những tay cao thủ tại Nhất phẩm đường, đâu có thể ra vào như chỗ không người được? Theo ý ta thì ngươi giả làm người đầu bếp hoặc người bán rau trong làng có lẽ trà trộn dễ hơn.
A Châu nói:
– Bảo tôi giả làm mụ nhà quê thì còn thú gì! Thôi. tôi không đi nữa.
Vương Ngọc Yến nhìn Ðoàn Dự như muốn nói gì, lại thôi. Ðoàn Dự bèn hỏi:
– Dường như cô nương muốn bảo tại hạ điều gì thì phải?
Ngọc Yến đáp:
– Tôi muốn nói với công tử giả làm một người để cùng A Châu đi vào chùa Thiên Ninh, nhưng nói ra không tiện.
Ðoàn Dự hỏi:
– Cô nương muốn tôi giả dạng ư?
Ngọc Yến đáp:
– Bọn anh hùng Cái bang nặng bệnh đa nghi, ngờ oan cho biểu huynh tôi ngấm ngầm cấu kết với Kiều Bang chúa sát hại Mã Phó Bang chúa của họ. Giả tỷ… biểu huynh tôi cùng Kiều Bang chúa đến cứu bọn họ, tất họ hết mối nghi ngờ.
Ðoàn Dự chua xót trong lòng, hỏi:
– Cô nương muốn tôi giả trang làm lệnh biểu huynh?
Ngọc Yến mặt phấn ửng hồng, đáp:
– Bọn địch trong chùa Thiên Ninh rất mạnh. Hai người vào đó tất nguy hiểm lắm,không đi nữa là hơn.
Ðoàn Dự nghĩ thầm: “Nàng bảo ta làm sao, ta làm vậy. Dù nát thịt tan xương cũng không có lý do nào từ chối”.
Rồi chàng tự nhủ: “Ta giả trang làm biểu huynh nàng, có lẽ nàng nhìn ta bằng con mắt khác hẳn. Ta hưởng được vẻ mặt tình tứ của nàng lúc nào hay lúc ấy. Như thế chẳng thú lắm ư?” Nghĩ đến đó, bất giác tinh thần phấn khởi, chàng đáp:
– Giả tỷ có xảy ra điều chi nguy hiểm thì mình chuồn là cùng chứ gì?
Ðoàn Dự này vốn tính hoạt kê mà!
Ngọc Yến nói:
– Tôi bảo không ổn, vì biểu ca tôi giết địch dễ như trở bàn tay, chả bao giờ chàng chịu trốn ai.
Ðoàn Dự nghe Ngọc Yến nói, bực mình vô cùng, nghĩ thầm: “Nàng nói thế chẳng hoá ra chỉ có biểu huynh nàng là đại anh hùng, đại hào kiệt. Ta không xứng đáng giả trang gã để lòi cái dở ra trước mặt mọi người và như thế là làm ô nhục
đến thanh danh gã”. A Bích thấy chàng có vẻ bực dọc, liền tìm lời an ủi:
– Ðịch nhiều mà ta ít, hãy tạm ẩn nhẫn chẳng có gì là lạ. ý chí của chúng ta là ở việc cứu người, đâu có ở việc tỷ võ để dương danh.
Ðôi mắt trong sáng của A Châu nhìn thẳng vào mặt Ðoàn Dự từ đầu xuống chân rồi từ chân lên đầu, lâu lâu nàng gật đầu nói:
– Ðoàn công tử! Công tử muốn cải trang làm gia chủ tôi thực khó đấy chứ không phải dễ. May mà mọi người Cái Bang chưa biết mặt Mộ Dung công tử, chỉ cốt sao giống đại khái là được.
Ðoàn Dự nói:
– Tỷ nương phải trổ tài cải trang làm Kiều Bang chúa cho thật đúng vì ngày nào họ cũng nhẵn mặt Bang chúa. Chỉ sơ hở một chút là lập tức cơ mưu sẽ bị bại lộ.
A Châu tủm tỉm cười, nói:
– Kiều Bang chúa tuy là một nhân vật khôi vĩ, ấy thế mà giả trang ông ta không có gì là khó. Còn gia chủ tôi cùng công tử tầm vóc, cùng trạc tuổi không sai nhau mấy, cả hai đằng đều là thư sinh, thế mà bây giờ đem bộ mặt Ðoàn công tử biến thành Mộ Dung công tử lại khó lắm kia đấy!
Ðoàn Dự than rằng:
– Mộ Dung công tử như rồng như phượng, trong loài người ai mà học được cách cử chỉ đặc biệt của công tử. Tôi tưởng mình cải trang không giống càng hay, kẻo lúc nữa “đánh bài tẩu mã” há chẳng làm tổn thương đến thanh danh của công tử ư?
Ngọc Yến đỏ mặt lên, nói khẽ:
– Tôi nói lỡ lời. Ðoàn công tử giận tôi đấy ư?
Ðoàn Dự vội vàng đáp:
– Không phải! Không phải! Ðời nào tôi dám giận cô nương.
Vương Ngọc Yến mỉm cười, nói:
– A Châu! Bây giờ cô đưa Ðoàn công tử đi đâu cải trang?
A Châu đáp:
– Cần tìm đến một nơi thị trấn nhỏ để mua vật liệu ứng dụng.
Bốn người bắt ngựa quay hướng tây mà đi. Ði chừng được bẩy dặm thì đến thị trấn Mã Lang Kiều. Thị trấn này rất nhỏ, không có quán trọ để vào thay đồ.
A Châu liền nghĩ ra cách thuê thuyền đậu dưới bờ sông trước rồi sẽ đi mua quần áo,giày dép đem xuống thuyền cải trang.
Việc thuê thuyền ở Giang Nam không khó khăn gì, vì miền này nhiều sông ngòi,thuyền nhiều như lá tre. A Châu cải trang cho Ðoàn Dự trước, mình mặc áo trường bào sắc xanh, tay phải cầm cây quạt giấy, nhón trỏ tay trái đeo nhẫn.
A Châu cnói:
– Gia chủ tôi đeo nhẫn bằng ngọc quý đời xưa, ở đây làm sao mua được? Ðành dùng thứ ngọc bằng đá xanh để mập mờ đánh lận con đen vậy.
Ðoàn Dự cười nhăn nhó, nghĩ thầm: “Mộ Dung Phục thì nhẫn bằng ngọc quý còn mình thì hèn hạ đeo nhẫn đá. Có lẽ ba cô thiếu nữ này đánh giá mình và gã như vậy”.
A Châu cải trang cho Ðoàn Dự xong, vừa cười vừa nói với Ngọc Yến:
– Cô nương! Cô thử nhìn xem còn chỗ nào không giống?
Ngọc Yến không đáp, chỉ ngây người ra mà nhìn, đôi mắt đầy vẻ tình tứ, tỏ ra tâm thần xúc động tựa hồ như trông thấy Mộ Dung Phục thật. Ðoàn Dự cùng nàng,hai người như say như tỉnh, hai luồng nhãn quang chạm nhau mà trong lòng không khỏi bâng khuâng.
Nhưng rồi chàng lại nghĩ: “Ðây là nàng nhìn Mộ Dung Phục chứ đâu phải nhìn mình”. Lòng chàng đang vui mừng bỗng đổi ra đau đớn. Rút cục, chàng nhìn nàng,nàng nhìn chàng mà mỗi người có một ý nghĩ riêng tâm hồn dào dạt, ngẩn ngơ đến nỗi A Châu cùng A Bích vào trong thuyền cải trang mà hai người cũng không biết.
Sau một thời gian khá lâu, bỗng thấy một chàng trai giọng thô ồm ồm gọi:
– Ơ kìa! Ðoàn hiền đệ! Hiền đệ ở đây ư? Ðể ngu huynh kiếm mãi, mất bao công phu không thấy.
Ðoàn Dự giật mình, quay đầu lại xem, té ra Kiều Phong, bất giác cả mừng reo lên:
– Ðại ca! Ðại ca đấy ư? Ðại ca đến vừa khéo quá. Chúng tôi đang định giả trang làm đại ca để cứu người. Bây giờ chính đại ca thân tự đến đây, cô A Châu bất tất phải giả dạng nữa.
Kiều Phong nói:
– Quần chúng Cái Bang đã trục xuất ta ra khỏi bang. Bọn chúng sống chết cũng mặc, ta không bận tâm đến nữa. Hiền đệ! Lại đây mau, anh em mình đi uống thi mười bát rượu chơi!
Ðoàn Dự nói:
– Ðại ca! Quần chúng Cái bang đa số là những người quang minh lỗi lạc. Ðại ca nên đi cứu họ là phải.
Kiều Phong tức mình, nói:
– Chú đồ gàn này biết gì! Lại đây uống rượu đã!
Nói xong vươn tay ra nắm lấy tay Ðoàn Dự. Ðoàn Dự không sao được, nói:
– Vâng! Chúng ta đi uống rượu xong rồi sẽ đi cứu người.
Kiều Phong cười khanh khách, tiếng cười thanh tao mà uyển chuyển, tiếng cười của một trang đại hán mà không khác gì tiếng cười của cô gái nhỏ tuổi thế mới kinh người.
Ðoàn Dự khẽ rùng mình một cái, bây giờ chàng mới hiểu, liền vái dài sát đất, nói:
– A Châu ỷ nương! Cô cải trang một cách mau lẹ dễ dàng, thật là một cách thần diệu vô song, không những giống người mà tiếng nói cũng hệt đến thế là cùng.
A Châu bắt chước tiếng Kiều Phong nói:
– Này hiền đệ! Chúng ta đi thôi! Mang cả bình thuốc nặng mùi đi.
Rồi nàng quay lại bảo Ngọc Yến cùng A Bích:
– Hai vị cô nương ở đây chờ tin lành nhé!
Nói xong, dắt tay Ðoàn Dự bước lên bờ. Không hiểu tay nàng nhồi thêm gì vào mà trước kia nhỏ bé trắng nõn, bây giờ hoá ra nước da ngăm ngăm, tuy không lớn bằng tay Kiều Phong, song người ngoài trong chốc lát khó mà biết ra được.
Ngọc Yến đưa mắt nhìn phía sau Ðoàn Dự, trong bụng nghĩ thầm: “Giả tỷ chàng là biểu huynh ta thật thì hay biết mấy! Biểu huynh hỡi biểu huynh! Lúc này chàng ở đâu? Có nghĩ gì đến tôi không?”
A Châu cùng Ðoàn Dự cưỡi ngựa đi về phía chùa Thiên Ninh. Còn cách chừng năm dặm, hai người sợ bọn Tây Hạ nghe tiếng vó ngựa, liền đem buộc ngựa vào chuồng bò một nhà nông rồi đi bộ đến chùa.
A Châu hỏi Ðoàn Dự:
– Mộ Dung huynh đệ! Khi đến chùa tôi sẽ nói chuyện huênh hoang để ướm bọn chúng. Công tử nhân cơ hội đó đem thuốc cho bọn Cái Bang giải độc.
Nàng nói mấy câu giọng ồm ồm nghiễm nhiên như Kiều Phong thật.
Ðoàn Dự tươi cười gật đầu. Hai người ngang nhiên đi đến trước cổng chùa Thiên Ninh.
Ngoài cổng hơn mười tên võ sỹ Tây Hạ tay cầm dáo trường, tướng mạo cực kỳ hung dữ.
A Châu cùng Ðoàn Dự vừa nhìn thấy đã trống ngực đánh hơn trống làng,bất giác sợ co rúm người lại.
A Châu khẽ bảo:
– Ðoàn công tử! Lát nữa công tử liệu dìu tôi cấp tốc chuồn ra, không thì chúng thách đấu võ, khó lòng mà đối phó được.
Ðoàn Dự khẽ đáp:
– Phải rồi!
Chàng vừa nói vừa run sợ. Trong lúc hai người đang thì thầm bàn định, nghiêng đầu nghé cổ coi chừng, một tên võ sỹ Tây Hạ đứng ngoài trông thấy, cả tiếng quát:
– Những tên man mọi kia! Làm gì mà thì thầm dòm ngó, phải chăng đến đây để làm gian tế?
Tiếng quát vừa dứt, bốn tên võ sỹ chạy ngay lại. A Châu không còn cách gì hơn,đàng hoàng tiến bước, dõng dạc nói:
– Các ngươi mau vào báo với tướng quân các ngươi có Kiều Phong ở Cái Bang cùng Mộ Dung Phục ở Giang Nam đến bái kiến Hách Liên đại tướng quân nước Tây Hạ.
Tên võ sỹ đứng đầu bọn này tuy chưa biết tướng Mộ Dung Phục nhưng biết Kiều Phong là Bang chúa Cái Bang, nghe nói cả kinh, vội khoanh tay đáp:
– Cái Bang Kiều Bang chúa giá lâm, bọn tiểu nhân thực là vô lễ, để tiểu nhân xin lập tức vào bẩm báo.
Nói xong trở gót rảo bước đi vào, còn những tên khác cũng đều đứng nghiêm chỉnh ra chiều cung kính. Oai danh Kiều Phong khét tiếng khắp thiên hạ, nên bọn võ sỹ Tây Hạ rất là ngưỡng mộ. Lát sau tiếng tù và nổi hiệu, cửa chùa mở rộng.
Chủ nhân Nhất Phẩm Ðường nước Tây Hạ là Hách Liên Thiết Thụ suất lĩnh bọn Nỗ Nhi Hải cùng một đám cao thủ ra nghênh tiếp. Trong bọn này có cả Diệp Nhị Nương, Nam Hải Ngạc Thần, Vân Trung Hạc.
Ðoàn Dự chẳng còn hồn vía nào nữa, cúi đầu xuống không dám nhìn thẳng.
Bỗng nghe Hách Liên Thiết Thụ nói:
– Tôi từng nghe đại danh Cô Tô Mộ Dung đã lâu chuyên về cách lấy “gậy ông đập lưng ông”. Hôm nay gặp cao hiền, vinh hạnh biết chừng nào!
Nói xong, chắp tay nhìn Ðoàn Dự thi lễ… Ðoàn Dự vội đáp lễ, nói:
– Thịnh danh Hách Liên đại tướng quân, lẫy lừng đến tận bên giời góc bể. Tại hạ đang mong có dịp qua Tây Hạ hội diện cùng các vị hào kiệt trong Nhất Phẩm Ðường. Bữa nay đột ngột đến đây bái kiến, xin quý vị miễn thứ cho.
Chàng cho ra một tràng lời lẽ khách sáo. Tuy lời lẽ có vẻ trào lộng nhưng không sơ hở chút nào, nên tuyệt không ai biết chàng giả mạo. Hách Liên Thiết Thụ lại nói:
– Chúng tôi thường nghe trong võ lâm đã có câu “Bắc Kiều Phong Nam Mộ Dung” là hai vị đứng đầu các bậc hào kiệt khắp Trung Nguyên. Hôm nay đồng thời được hai vị chiếu cố hay cho tôi biết là chừng nào! Xin mời hai vị vào đại điện!
Nói xong, đứng tránh sang bên để nhường lối cho Kiều Phong và Mộ Dung giả vào đại điện.
A Châu cùng Ðoàn Dự một liều ba bảy cũng liều, ngang nhiên đi song song cùng Hách Liên Thiết Thụ.
Ðoàn Dự nghĩ thầm: “Từ lời nói cho đến vẻ mặt, đại tướng quân nước Tây Hạ xem chừng đối với Mộ Dung công tử còn có vẻ trịnh trọng hơn đối với Kiều đại ca. Chẳng lẽ võ công cùng nhân phẩm Mộ Dung Phục lại trội hơn đại ca ta một bậc? Ta không thể nào tin được”. Bất thình lình nghe giọng quái gở la lên:
– Không tin được! Nhất định không tin được!
Ðoàn Dự giật mình, ngoảnh đầu nhìn xem ai nói câu đó thì chính là Nam Hải Ngạc Thần. Lão giương đôi mắt ti hí, nghoẹo cổ dòm ngó Ðoàn Dự rồi lắc đầu lia lịa.
Ðoàn Dự lại càng bở vía, nghĩ thầm: “Thôi hỏng bét rồi! Mình bị lão nhận diện rồi!” Nam Hải Ngạc Thần nói tiếp:
– Ta xem tướng ngươi thường lắm, chả đáng gì hết. Ta thường nghe thiên hạ đồn rằng ngươi giỏi cái nghề “lấy gậy ông đập lưng ông”, Ngạc lão nhị này vẫn không tin. Ta không cần ngươi ra tay mà chỉ hỏi ngươi một câu, ngươi có biết ta thiện về môn gì không? Ngươi dùng môn gì để đối phó lại với ta để đi đến chỗ “lấy gậy lão gia đập vào lưng lão gia” cho được?
Hách Liên Thiết Thụ đã toan kiếm lời ngăn cản Nam Hải Ngạc Thần, nhưng rồi hắn lại nghĩ: “Thằng cha Mộ Dung Phục này oai danh cực lớn, chẳng hiểu có thực tài không? Chi bằng để lão Nam Hải Ngạc Thần dở điên dở khùng thử nhau với gã”. Thế rồi hắn để mặc hai bên thử thách với nhau. Lúc đó mọi người đã vào đến đại điện, Hách Liên Thiết Thụ mời Ðoàn Dự ngồi vào chỗ cao nhất.
Ðoàn Dự nhường lại A Châu. Nam Hải Ngạc Thần vốn nóng tính, lớn tiếng giục:
– Ồ! Mộ Dung tiểu tử! Ta chuyên dùng môn gì? Ngươi thử nói đi coi!
Ðoàn Dự tủm tỉm cười, nghĩ bụng: “Người khác hỏi có khi ta không biết thật, chứ lão thì ta lạ gì”. Chàng mở quạt ra phe phẩy, đáp:
– Nam Hải Ngạc Thần Nhạc lão tam! Ngươi đã thờ Ðoàn Dự công tử nước Ðại Lý làm thầy mà chưa học được gì ráo. Môn võ mà ngươi đắc ý nhất hiện giờ chẳng qua là cây Nhạc vĩ tiên cùng cây Ngạc chuỷ tiễn chứ có gì đâu!
Chàng nói đúng tên hai thứ khí giới của Nam Hải Ngạc Thần khiến lão sợ quá,há hốc miệng ra không ngậm lại được nữa. Cả đến Diệp Nhị Nương cùng Vân Trung Hạc cũng cực kỳ kinh dị. Ta nên hiểu rằng hai thứ khí giới này Nam Hải
Ngạc Thần mới luyện được, chưa từng thi thố trước mặt người nào, chỉ có lúc cùng Vân Trung Hạc động thủ ở Ðại Lý mới dùng qua một lần. Lúc đó trừ Mộc Uyển Thanh, ra không ai trông thấy. Bọn họ có ngờ đâu Mộc Uyển Thanh đã đem đầu đuôi kể hết cho Ðoàn Dự nghe, mà hiện giờ Ðoàn Dự đang giả trang làm Mộ Dung công tử.
Nam Hải Ngạc Thần lại nghiêng đầu nghoẹo cổ nhìn kỹ lại Ðoàn Dự. Tuy lão là người rất hung ác nhưng có lòng khâm phục anh hùng hảo hán. Nhìn một lúc,lão giơ ngón tay cái lên, nói:
– Chà! Giỏi thiệt!
Ðoàn Dự cười, nói:
– Tôi tưởng chả bõ làm trò cười cho quý vị.
Nam Hải Ngạc Thần nghĩ thầm: “Ngay đến những món binh khí ta vừa luyện xong thằng cha này còn biết thì những thứ võ công khác bất tất hỏi y làm gì nữa.
Có điều đáng tiếc là đại ca ta (thái tử Diên Khánh) không ở đây để đấu với y một chuyến xem sao. Nhưng mà được, ta đã có cách!”
Lão la lớn:
– Mộ Dung công tử! Ngươi hiểu được võ công của ta cũng chưa lấy làm kỳ, giả tỷ mà sư phụ ta đến đây thì quyết nhiên ngươi không hiểu võ công của người được.
Ðoàn Dự tủm tỉm cười, nói:
– Lệnh tôn sư là ai? Võ công của người làm gì mà tôi chả biết.
Nam Hải Ngạc Thần đắc ý, mặt nhơn nhơn cười, nói:
– Vị sư phụ mà ta thụ nghiệp qua đời đã lâu rồi, không nói đến nữa. Ta chỉ nói về vị sư phụ mà ta mới nhận sau này. Bản lãnh sư phụ ta không phải tầm thường,chẳng cần nói đâu xa, ngay một cước pháp “Lăng ba vi bộ” ta dám chắc trên đời
này không ai hiểu nổi.
Ðoàn Dự giả vờ trầm ngâm một lát rồi nói:
– Ủa! “Lăng ba vi bộ” quả là một võ công tuyệt thế. Ðoàn công tử chịu thu các hạ làm đồ đệ cũng lạ thực! Tại hạ cũng nghe nói vậy nhưng chưa tin chắc.
Nam Hải Ngạc Thần vội nói:
– Ta nói dối ngươi làm gì! Việc ta bái sư có nhiều người trông thấy. Chính miệng người vẫn kêu ta là đồ đệ (!)
Ðoàn Dự cười thầm, nghĩ bụng: “Ban đầu lão thà chết thôi chứ không chịu bái ta làm thầy, bây giờ trái lại lão chỉ sợ ta không nhận lão làm đồ đệ”. Chàng liền hỏi:
– Nếu vậy thì các hạ chắc đã học được tuyệt kỹ của lệnh tôn sư?
Nam Hải Ngạc Thần lắc đầu lia lịa, đáp:
– Chưa! Ta chưa học được tí gì! Còn ngươi đã tự xưng là biết các võ công khắp thiên hạ, nếu ngươi chỉ chạy được bước trong”Lăng ba vi bộ” thì Nhạc lão nhị (?) này mới phục.
Ðoàn Dự cười, nói:
– Phép “Lăng ba vi bộ” dù khó tại hạ cũng học được mấy đường. Nhạc lão gia!
Lão gia thử coi xem có phải không nhé!
Nói xong, áo phấp phới, Ðoàn Dự thủng thỉnh bước ra đứng giữa đại điện. Quần hao Tây Hạ chưa biết qua phép “Lăng ba vi bộ” là môn võ thế nào. Giờ nghe Nam Hải Ngạc Thần tâng bốc món này cực kỳ thần diệu, ai nấy đều tới tấp đến đứng chật cả bốn góc đại điện để xem Ðoàn Dự biểu diễn.
Nam Hải Ngạc Thần gầm lên một tiếng, giơ tay trái lên, luồn tay phải xuống gầm bàn trước để chụp tới Ðoàn Dự.
Ðoàn Dự bước chéo chân đi hai bước rồi lại lui về phía sau hai bước, trông tựa như lá sen trước gió, nhẹ nhàn tránh đòn. Bỗng nghe đánh “phập” một tiếng vang lên, đòn Nam Hải Ngạc Thần đánh không trúng,năm ngón tay phải lão đâm trúng chiếc cột lớn đại điện, sâu vào mấy tấc.
Những người bàng quan thấy của lão ai nấy đều kinh hãi, nhưng thấy Ðoàn Dự tránh được lại hoan hô rầm trời. Nam Hải Ngạc Thần đánh không trúng, gầm thét càng lớn, tung mình nhẩy lên, giáng xuống như chim ưng vồ mồi.
Ðoàn Dự để mặc lão muốn làm gì thì làm, không cần nghĩ đến, chỉ y theo bát quái bộ pháp học được ở trong thạch động, chân bước ung dung.
Nam Hải Ngạc Thần cáu tiết càng gầm lên những tiếng thật to, khác nào như con dã thú phát điên.
Ðoàn Dự vừa nhìn thấy mặt mũi lão hung dữ, trong lòng khiếp sợ, vội quay đi nơi khác, lấy khăn tay trong áo ra che mắt rồi nói:
– Dù ta bưng mắt lại ngươi cũng không đánh trúng được ta.
Nam Hải Ngạc Thần múa tít song chưởng nhắm đánh vào người Ðoàn Dự mà đòn nào cũng chỉ sai một ly. Người đứng xem lắm lúc sợ run, tay ướt đẫm mồ hôi cũng không biết. Ðoàn Dự vẫn vững như núi Thái Sơn, chỉ mong cho Nam Hải
Ngạc Thần cứ nhắm mình mà đánh, thì vĩnh viễn không bao giờ đánh trúng và chỉ sợ lão nhắm mắt đánh tràn thì mới thật nguy hiểm.
A Châu rất lo Ðoàn Dự, nàng sợ quá bắp thịt giật đùng đùng. Ðột nhiên, nàng quát hỏi:
– Nam Hải Ngạc Thần! Phép “Lăng ba vi bộ” này so với sư phụ ngươi thế nào?
Nam Hải Ngạc Thần giật mình, thở phào một cái rồi dừng chân lại, nói:
– Thật là tuyệt diệu! Ngươi bịt mắt bước lẹ, ta e rằng sư phụ ta cũng chưa được thế. Cô Tô Mộ Dung quả nhiên giỏi thật! Tiếng đồn thực đã không ngoa. Nam Hải Ngạc Thần này chịu phục ngươi rồi.
Ðoàn Dự bỏ khăn bịt mắt ra về chỗ ngồi. Trong nhà đại điện đâu đấy tiếng hoan hô vang lên như sấm dậy.