“Phải thay hết đống này à?” Tôi nhìn quanh bốn phía, tính sơ trong sân cũng được ít nhất hai mươi mấy chậu hoa.
“Một mình tôi không thay được nhiều như thế, hôm nay tôi đổi trước một nửa, chỗ còn lại để mai làm tiếp.” Trang phục của ngôn quan tuy đẹp nhưng lại không tiện trong việc lao động chân tay. Nói rồi Ma Xuyên đặt chậu hoa nhựa sang một bên, cậu ta thành thục cởi hai bên ống tay áo ra buộc quanh eo, để lộ chiếc áo lót trắng bó tay ở bên trong.
Cậu ta là cái giá treo quần áo bẩm sinh, vai đã rộng mà còn buộc thắt thế nữa nên chân càng dài, eo càng thon, dáng người còn đẹp hơn cả minh tinh trên TV.
“Hay là… tôi giúp cậu nhé?” Tôi gãi mũi, chủ động nhận việc.
Ma Xuyên thoáng dừng lại, nhìn xuống đất, hơi do dự: “Thế phiền lắm.”
Tôi đã bắt đầu cởi áo khoác ra: “Đằng nào tôi cũng chẳng có việc gì làm, đầy thời gian.”
Nói là giúp nhưng thật ra tôi cũng chẳng làm gì nhiều, tôi chỉ bỏ thêm ít hạt đất sét vào chậu nhựa, rắc chút phân bón lót rồi lại đưa cho Ma Xuyên.
Thao tác máy móc cho phép não bộ có thể tách ra một phần để nghĩ về chuyện khác, ví dụ như… người ta cứ bảo lan khó chăm nhưng thật ra cũng không hẳn vậy, còn tùy vào ai là người chăm nữa.
Hồi trước Ma Xuyên cũng trồng khá nhiều giống hoa cảnh ở ngoài ban công kí túc xá, sau khi cậu ta đi, Nghiêm Sơ Văn cố gắng tiếp quản, ngặt nỗi nó không nắm được cách chăm mà biến thành sát thủ thực vật. Lên năm tư nó ra trường, cây chết thì chết, cây tàn thì tàn, chỉ còn lại duy nhất một chậu hoa lan là còn chút dấu hiệu của sự sống.
Tôi thấy đáng thương nên chuyển nó đến chỗ bà ngoại tôi. Dưới sự chăm sóc tỉ mỉ của bà cụ, cây lan nở hoa liên tục qua các năm, tràn trề sức sống, càng ngày càng cao lớn hơn.
Đáng tiếc ngày vui ngắn chẳng tày gang, mấy năm sau bà cụ cũng mất, cây hoa lại thành vật vô chủ. Tuổi đời lan ngắn mà phải đổi chủ nhiều lần, tôi thấy đồng cảm với nó nên đem về trồng trong phòng làm việc. Nhưng không biết có phải do trong quá trình chăm sóc còn thiếu sót không mà nó chẳng còn ra hoa nữa.
Có lẽ, cũng giống như “kẻ sĩ sẽ hy sinh mạng sống cho tri kỉ, phụ nữ sẽ trang điểm vì người mình yêu”, hoa tươi cũng chỉ nở rộ cho đúng người. Và tôi không phải người mà nó muốn đợi.
“Mấy năm nay cậu có từng rời khỏi đây không?” Khi đưa chậu hoa cuối cùng cho Ma Xuyên, tôi bỗng mở miệng hỏi.
Ngón tay Ma Xuyên nhẹ nhàng nắm lấy mép chậu, hỏi lại: “Rời đi đâu?”
“Bên ngoài. Bảy năm nay cậu từng ra ngoài chưa? Chẳng lẽ cậu không muốn đi xem thử thế giới này đã thay đổi thế nào sao?” Tôi quan sát sự thay đổi trên nét mặt cậu ta, sấn lên hỏi: “Đi ngắm nhìn những phong cảnh khác, ăn những món ăn mới lạ, làm tình với người mình thích và tự do lui tới đó đây, cậu không muốn à?”
Tôi cứ tưởng câu hỏi vặn lỗ mãng, bất lịch sự thế này sẽ khiến cậu ta nổi sùng, thế nhưng cậu ta chỉ nhìn tôi rồi hỏi lại lần nữa: “Muốn thì làm được gì?”
Tôi nói với thái độ tồi tệ để hòng làm tổn thương Ma Xuyên, kết quả lại bị cậu ta hỏi cho cứng họng.
Cậu ta hơi dùng sức giành lấy chậu hoa từ tay tôi, hướng mắt về phía cây bách ở trước cửa kho chứa củi ở sân sau rồi nói: “Có lẽ cái cây kia cũng muốn nhìn ngắm thế giới bên ngoài, nhưng bộ rễ của nó đã cắm sâu trong mảnh đất này, từ lâu đã gắn bó chặt chẽ với nơi đây thì làm sao có thể rời đi được?”
Cậu ta thận trọng đặt rễ thịt của cây lan vào trong chậu hoa, sau đó lấp đất sét mới vào xung quanh, nét mặt trông chẳng có chút tức giận nào.
“Vậy nên, muốn thì làm được gì.” Giọng cậu ta bình tĩnh, lạnh lùng, không có tí dao động nào như thể hồ nước bị đóng băng vào mùa đông.
Tôi bừng tỉnh.
“Muốn thì làm được gì” không phải câu hỏi để hỏi vặn lại tôi mà chính là câu trả lời.
Tôi hé miệng, cảm thấy mình phải nói gì đó như đưa ra một vài đề xuất khả thi và hiệu quả. Nhưng sau khi lướt qua toàn bộ “lối thoát” trong đầu, tôi mới phát hiện, giống như Ma Xuyên nói, muốn thì làm được gì?
Thân phận của cậu ta đã định sẵn rằng cậu ta không có quyền tự do lựa chọn.
Tôi mím môi, không tiếp tục chủ đề này nữa, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi cũng dừng lại tại đây.
Thay chậu xong, không còn lý do gì để nán lại nữa, tôi phủi bụi đất trên tay, mặc áo vào chuẩn bị rời đi.
“Đợi đã.” Ma Xuyên gọi tôi lại, bảo tôi chờ ở đây một lát.
Cậu ta quay người đi vào bếp, không lâu sau cầm theo một cái mẹt trở ra. Trên mẹt có vài miếng hồng treo tròn trìa trịa, bên ngoài lớp vỏ màu đỏ cam được phủ một lớp phấn mỏng trông vô cùng ngon mắt.
“Quà cảm ơn.” Cậu ta nói súc tích.
“Ừ.” Tôi cũng chẳng khách sáo với cậu ta mà trực tiếp giơ tay đón lấy, nhưng cái mẹt kia lại đột ngột tránh đi.
Một chiếc khăn màu trắng tuyết được giơ ra trước mặt tôi, chạm vào ngón tay lem luốc đất của tôi, ý là gì thì đã quá rõ ràng.
“Kĩ tính thế.” Tôi giật giật khóe môi, nắm lấy một đầu khăn rồi tức tối giật mạnh, tôi vò khăn, chà trong lòng bàn tay mấy cái rồi nhanh chóng trả lại cho Ma Xuyên.
Ma Xuyên nhìn viên “súp lơ” kia chằm chặp, hơi cau mày nhưng cuối cùng vẫn cầm về.
Cảm giác mềm mại của lớp vải dệt bông lướt nhẹ qua kẽ ngón tay, tôi co ngón tay lại, chịu đựng cơn ngứa ngáy, không thu tay về.
Ngay sau đó, chiếc mẹt chứa đầy hồng lại được đưa đến trước mặt tôi, cuối cùng thì lần này tôi cũng có thể mang nó đi.
“Đi đây.” Tôi chào đại rồi đi ra ngoài, bước một lèo xuống mười mấy mét, tôi quay đầu lại nhìn thì thấy Ma Xuyên đang đứng ở bậc trên cùng, không ngờ lại tiễn ra tận ngoài cổng.
Với ai cũng đều chu đáo lịch sự như thế hết nhỉ.
Tôi xua tay, ra hiệu cho cậu ta quay vào. Cậu ta không động đậy mà vẫn đứng đó cụp mắt nhìn xuống.
Phần lớn mọi người ở đây đều có nước da sậm màu, ngay đến Nghiêm Sơ Văn cũng đen đi đáng kể sau mấy năm này. Thế nhưng bất kể là bảy năm trước hay bảy năm sau, da của Ma Xuyên vẫn mang tông trắng lạnh như thể có phơi nắng cỡ nào cũng không bị cháy da.
Đứng trước ngôi đền cổ kính kia, trông cậu ta như sắp hòa vào làm một với bức tường trắng phía sau.
Không. Tôi thu lại tầm mắt, tiếp tục đi xuống.
Có lẽ… đã hòa làm một từ lâu.
Về đến viện nghiên cứu, tôi vừa đặt mẹt xuống, Nghiêm Sơ Văn đã đi xuống từ trên tầng.
“Hồng treo ở đâu ra thế?” Nó bốc một miếng cho vào miệng.
“Ma Xuyên cho.”
Nghiêm Sơ Văn sửng sốt: “Mày đến đền Lộc Vương à?”
“Ừ.” Tôi kể chuyện đi giao đồ ship, bỏ qua vụ giúp trồng hoa phát sinh ở giữa.
Tôi cầm miếng hồng ở trên cùng lên, cúi xuống cắn một miếng, hương vị ngọt ngào lập tức lan tỏa khắp khoang miệng.
“Ma Xuyên tốt bụng thật nhỉ?” Nghiêm Sơ Văn nhanh chóng giải quyết xong một miếng, nó định bốc thêm miếng thứ hai nhưng bị tôi lanh lẹ vả bay.
Nó che mu bàn tay đỏ ửng, kinh hãi hỏi: “Sao mày đánh tao?”
Chính tôi cũng không biết vì sao, hồi lâu sau mới rặn ra một câu: “Sắp ăn tối rồi, mày ăn nhiều hồng thế thì còn ăn được cơm à?” Nói xong, tôi bê cả cái mẹt lên tầng.
Giữa đường tôi gặp Quách Xu xuống nhà ăn cơm, cô ấy vừa định chào hỏi thì tôi đã giơ cái mẹt ra trước mặt cô ấy, kêu cô ấy chọn một trong bốn miếng còn lại.
“?”
Cô ấy chọn cẩn thận, cảm ơn tôi rồi khó hiểu đi xuống tầng.
Tôi loáng thoáng nghe thấy cô ấy nói với Nghiêm Sơ Văn ở bên dưới: “Anh ơi, chỗ hồng kia của Bách Dận đắt lắm à? Sao anh ấy lại…”
Vào ngày thứ chín tôi đến Thố Nham Tung, Lễ Đông Phong của tộc Tằng Lộc cũng đã tới.
Chưa đến bảy giờ sáng, tôi đã bị đánh thức bởi tiếng pháo ầm ĩ bên ngoài. Tôi kiềm chế cơn cáu muốn chửi, đẩy tung cửa sổ ngó ra thì thấy trên dốc cầu thang đang đông nghịt người.
“Dậy chưa?” Đúng lúc này, Nghiêm Sơ Văn đến gõ cửa.
Tôi gãi đầu sồn sột, chạy ra mở cửa.
Nghiêm Sơ Văn với Quách Xu tính lên đền xin cháo húp để chung vui, cảm nhận không khí lễ hội, hỏi tôi có đi không.
Còn trẻ nên ham vui gớm.
“Không đi.” Nói xong, tôi sập cửa lại.
Hôm qua tôi mất nguyên đêm để sửa đi sửa lại bản vẽ, cuối cùng nhận ra mình chỉ vẽ được một đống rác rưởi, bây giờ tôi chẳng muốn làm gì, chỉ muốn ngủ phè một giấc cho đã đời.
Nghiêm Sơ Văn đứng bên ngoài dặn dò tôi như bà mẹ già: “Thế đói thì mày cứ kiếm tạm cái gì trong tủ lạnh mà ăn, hôm nay thím nấu cơm cho bọn mình cũng lên đền để phụ việc rồi.”
Tôi lấy nút bịt tai từ trong vali ra đeo rồi ngủ tiếp, sau mười phút cố ngủ, tôi ảo não bật dậy khỏi giường.
Cơn buồn ngủ bị gián đoạn giống như con thỏ ở trên cánh đồng, không chú ý một cái là sẽ bỏ chạy mất tăm mất dạng.
Tôi mệt mỏi day mặt, lao vào phòng tắm tắm một lượt, đến khi ra ngoài thì toàn thân thấy sảng khoái nhẹ nhõm hơn nhiều.
Đám đông dưới nhà có vẻ đã thưa bớt một chút, nhưng ngóng vọng ra thì vẫn đông nghẹt, chẳng biết nhóm Nghiêm Sơ Văn đang ở đâu.
Lễ Đông Phong là lễ hội lớn thứ hai của tộc Tằng Lộc sau Lễ Lộc Vương đản sinh. Vào ngày này, Tần Già sẽ bận từ sáng đến tối để phát cháo cho các tộc nhân từ khắp nơi đến Bằng Cát, ăn cháo rồi thì sang năm sẽ suôn sẻ bình an, bách bệnh bất xâm.
Tất nhiên trên đời chẳng có căn bệnh nào có thể chữa khỏi bằng một chén cháo, nhưng khi gặp xui xẻo, người ta luôn sẵn sàng tin vào những điều tốt đẹp, ngay cả khi trông nó thật sự rất hoang đường.
Cứ thử thôi, đằng nào cũng không mất tiền, lỡ đổi vận được thật thì sao? Biết đâu… ăn xong linh cảm sẽ đến?
Tâm trí bị bủa vây bởi những âm thanh như vậy, đến khi định thần lại, tôi đã bị bao vây trong đám đông, trở hành một phần của hàng ngũ.
Tôi: “…”
Tôi muốn quay lại lách ra ngoài nhưng đã không chen được nữa. May sao tuy đông nhưng ở đây không bị loạn trật tự, mọi người ngay ngắn, thong thả tiến lên trước, không xuất hiện tình trạng chen lấn xô đẩy.
Trong hàng có rất nhiều người mặc đồ người Hạ giống tôi, tôi hỏi một hộ gia đình trong đó thì mới biết hầu hết họ đều là người Sơn Nam, nhưng họ chỉ lái xe đến đây để cảm nhận bầu không khí lễ hội chứ không phải tín đồ.
“Năm sau con cô thi đại học, nghe nói từ nhỏ Tần Già đương chức đã là học sinh xuất sắc, trước đây thi được hơn sáu trăm điểm, gia đình cô muốn đến xin vía.” Nói rồi, người phụ nữ mỉm cười xoa ót cậu bé bên cạnh.
Cậu bé nổi vài nốt mụn trên mặt, cáu kỉnh tránh khỏi tay mẹ: “Aiss mẹ đừng vò rối tóc con mà.”
Bố cậu bé nghe vậy cũng bắt đầu lên tiếng: “Động vào mày tí thì sao? Bố làm cho mày kiểu tóc đẹp trai hơn nhé.”
“Bố không hiểu đâu, giờ đang mốt kiểu này.”
“Mắt không thấy đâu mà mốt với chả miếc…”
Nhìn gia đình họ cười đùa trêu chọc nhau, tôi không khỏi chạnh lòng.
Chỉ vì để cho con được hưởng vía học giỏi mà bố mẹ lái xe tận mấy trăm cây số chở con tới đây tham gia Lễ Đông Phong.
Có lẽ suốt đời cậu bé cũng không bao giờ nhận ra được rằng, những điều mình đang sở hữu lại là vận may mà đầy người ghen tị.
Hàng người chậm chạp tiến lên, sau nửa tiếng xếp hàng, cuối cùng cũng đến lượt tôi.
Tại chiếc bàn dài đầu tiên, người phụ nữ lớn tuổi phía đối diện phát cho tôi một cái bát nhựa. Tôi cầm cái bát nhựa đến chỗ cô thứ hai ở bên cạnh, đối phương nhanh nhẹn múc một muỗng cháo từ chiếc thùng inox lớn vào bát của tôi.
Cô thứ ba đưa cho tôi một chiếc bánh to cỡ lòng bàn tay.
Một tay bưng bát, một tay cầm bánh, cuối cùng tôi cũng bước đến trước mặt Ma Xuyên.
Ngăn cách giữa hai chúng tôi là một chiếc bàn gỗ nhỏ, trên bàn đặt một cái thau đồng cũ kỹ, trong thau là nước sạch ngâm với một đoạn cành tươi của cây bách.
Ban đầu Ma Xuyên không chú ý tới tôi, cậu ta nhúng nhanh ba ngón tay − cái, trỏ và giữa của bàn tay phải vào nước rồi duỗi tay ban phước cho tôi. Kết quả vừa trông thấy mặt tôi, cậu ta lập tức sững sờ, nụ cưới cũng đông cứng lại trên môi.
“Ké bữa sáng.” Tôi cười với cậu ta, ngoạm một miếng bánh to trên tay.
Cậu ta cụp mắt xuống, không nói gì rồi thực hiện nghi lễ đã làm cả nghìn lần với các tín đồ khác của cậu ta, chụm hai ngón tay lại, chạm vào giữa trán tôi, sau đó nhấc tay ra, bụng ngón tay cái mang theo cảm giác ẩm lạnh miết qua môi tôi.
Động tác nhai dừng lại, hô hấp cũng biến mất, hương vị ngọt ngào theo môi răng len vào trong khoang miệng, tôi tưởng vậy là hết, nhưng tay Ma Xuyên cứ lề mề không có ý định buông ra, vẫn đè môi tôi lại.
Vẫn chưa xong à?
Đang lúc tôi thấy kỳ lạ thì người đối diện bỗng thấp giọng nói, thốt ra câu nói đầu tiên của hôm nay kể từ lúc giáp mặt đến giờ.
“Không được ăn ở đây.”
Đầu ngón tay cậu ta ấn nhẹ xuống như một lời cảnh cáo.
Tôi: “…”
Kiểm chế cơn xúc động muốn trợn trắng mắt, tôi mau chóng nuốt miếng bánh trong miệng xuống: “… Biết rồi.”
Lúc tôi nói từ đầu tiên, tay cậu ta vẫn ấn đè trên môi tôi, đến khi tôi thốt ra từ cuối cùng, cậu ta đã bỏ tay ra như thể thấy ghét lắm.
Mùa đông rét mướt, do phải ngâm trong nước mãi nên đầu ngón tay cậu ta đã đỏ bừng vì cóng lạnh.
“Lha gyalo.” Cậu ta nhìn đi nơi khác, ngón tay run run, dường như đã lạnh tới nỗi không chịu nổi.
Lha gyalo, dựa vào vốn kiến thức có hạn về tiếng Tằng Lộc của tôi, chắc hẳn câu này có nghĩa là “Thần linh cao thượng”. Kết hợp với chủ đề lễ hội hôm nay thì có lẽ giống với câu “Amen” trong Cơ Đốc giáo, bày tỏ sự ca tụng với thần linh.
Tôi nhìn khuôn mặt trang nghiêm thánh thiện của cậu ta, lặp lại theo: “Lha gyalo.”