Lời Mị Hoặc

Chương 67: Ngoại truyện 3: "Chúc mừng tân gia"



Edit: OhHarry

Đi từ cổng sau đền Lộc Vương xuống chưa đầy mười mét có một ngôi nhà đã xuống cấp từ lâu, cỏ dại trong sân mọc um tùm, tường đổ ngói nát, vô cùng tồi tàn.

Nhưng tàn thì tàn, vị trí địa lý và diện tích của nơi này vẫn rất vừa ý tôi, sau khi được Niết Bằng giới thiệu, tôi đã liên lạc với chủ nhà và suôn sẻ thuê được miếng đất này trong thời hạn hai mươi năm.

Sau hơn một năm kéo dài, cuối cùng căn nhà cũng được sửa sang hoàn thiện. Hôm chuyển đến, hơn nửa làng cùng đến chung vui chúc mừng.

Người đến đều là khách, tôi đặc biệt kê ở cửa một cái bàn dài rồi chuẩn bị trà bánh mà người Tằng Lộc quen ăn để mọi người lấy miễn phí.

So với biệt thự phương Tây thì tôi thích kiểu nhà truyền thống của tộc Tằng Lộc hơn, tường đá xếp nguyên sơ, cửa sổ mái bằng đỏ với các cạnh được chạm trổ, vừa cổ kính lại vừa đặc sắc. Bởi vậy mà phần ngoài ngôi nhà mới xây vẫn tuân theo lối kiến trúc cổ, còn nội thất bên trong thì chủ yếu được thiết kế theo sở thích của Ma Xuyên.

Tuy nhiên, bảo là “sở thích” của anh thì cũng không chuẩn. Bởi tôi cho anh xem bức ảnh nào anh cũng toàn nói “ổn đấy”, “rất đẹp”, “được” giống như bên A Phật hệ, thế nên cuối cùng tôi chỉ đành chọn lọc trong đống ảnh anh đã xem, sau đó kết hợp với gu thẩm mỹ của mình, chắp vá thành dáng vẻ “ngôi nhà” mà có thể anh sẽ thích.

Bề ngoài tuy giống kiến trúc Bằng Cát nhưng bên trong lại rất khác biệt. Vì có nhiều người tò mò nên tôi bảo thẳng Nghiêm Sơ Văn đón khách ở bên ngoài, còn mình thì đưa mọi người đi tham quan ở bên trong nhà.

Căn nhà có hai tầng, cấu trúc bố trí theo nếp quen của người Hải thành, tầng một kết hợp chức năng tiếp khách và phòng bếp, ngoài ra còn có cả một gian cho khách, hai cửa trước sau, cửa sau dẫn thẳng ra sân sau.

Về thiết bị sưởi ấm thì tôi không chọn kiểu bếp củi người Tằng Lộc ưa dùng, tôi không chỉ lắp điều hòa trung tâm mà còn xây thêm cả lò sưởi.

(*) Bếp củi:

Tầng hai là nơi ngủ chính với một phòng suite rộng và một phòng làm việc, giữa hai phòng là khu vực giải trí riêng tư hơn. Cửa sổ sát đất cực lớn hướng ra sườn núi phía Bắc, dù là mùa đông thì khi nhìn ra cũng thấy cả vùng cây xanh tốt.

“Bồn tắm này có to quá không?” Niết Bằng xoa cằm, suy tư nhìn bồn tắm âm tường hình tròn cực đại trong phòng tắm dành cho khách ở dưới tầng một.

Bồn tắm này có thể chứa ít nhất một tấn nước, ba người ngâm chung cũng không thành vấn đề, tôi vốn định lắp nó ở khu giải trí trên tầng, chẳng phải sẽ rất tuyệt nếu vừa ngâm mình vừa ngắm tuyết rơi ngoài cửa sổ ư. Thế nhưng sau khi cân nhắc đến lúc không sử dụng, việc để nó lù lù ở đó sẽ làm ảnh hưởng đến mỹ quan, cộng thêm khả năng chịu lực cũng là một vấn đề nữa nên tôi chỉ đành miễn cưỡng bỏ cuộc.

“Người Hải thành bọn em thích ngâm mình trong bồn tắm lớn.” Tôi bịa chuyện không chớp mắt.

“Ôi, bộ sô pha này êm với thoải mái quá!” Trong phòng khách, Côn Hoành Đồ cẩn thận ngồi xuống chiếc ghế sô pha da màu nâu, ngón tay nhẹ nhàng vuốt ve trên mặt vải dệt xếp chồng, “Cái này cái này! Em biết cái này, dì Tác Lan dệt đúng không anh?”

Người Tằng Lộc cũng có tục tặng quà tân gia, chẳng qua phần lớn quà của họ là trái cây nhà trồng, thịt ướp muối hoặc thảm tự đan, họ sẽ không tặng đồ gì quá mức đắt đỏ.

Niết Bằng tặng tôi một tảng thịt muối to nhà hun, Côn Hoành Đồ là rượu nho tự làm, ngay cả Ma Xuyên cũng gọi Lê Ương chạy sang từ sáng sớm để tặng một bó “vật trừ tà” kết hợp từ các loại cành lá với trái cây khác nhau, nghe bảo treo ngược trên cửa nhà có thể giữ cho gia trạch bình an, sức khỏe khang kiện.

Tấm thảm dài màu trắng với đường viền sắc sỡ trên tay Côn Hoành Đồ là món quà do Tác Lan nhờ cậu ta mang đến cách đây không lâu, vừa dày vừa mềm mại, rất thích hợp để đắp lúc nằm nghỉ trên sô pha vào mùa đông.

“Ừ, nó đó.” Tôi đi tới chỗ lò sưởi, vừa nói vừa khom lưng ném một khúc củi vào bên trong.

“Bộ này trông giống da bò, chắc đắt lắm anh nhỉ.” Côn Hoành Đồ thử ngả ra sau, khuôn mặt lập tức chảy ra vì siêu thoải mái.

“Thoải mái thế ư?” Niết Bằng không tin nên cũng đi ra ngồi, sau đó trên sô pha xuất hiện hai biểu cảm giống hệt nhau.

“Giá cũng ổn, chẳng qua hơi mất công vận chuyển thôi.” Hai bộ sô pha ở tầng trên và tầng dưới đều là hàng đặt từ nước ngoài, mức giá sáu chữ số không hẳn là quá cao so với đồ nội thất cao cấp, cái bất tiện là thời gian giao đặt, từ ngày đặt hàng, tính cả thời gian vận chuyển Thượng Hải và kho vận trong nước thì tôi đã đợi ngót tám tháng.

(*) 100,000 tệ là hơn 340 triệu VNĐ.

“Bếp này đẹp quá, tủ lạnh to thế này chắc đựng được nhiều đồ lắm nhỉ?” Các bà các cô trong làng tụ tập trong bếp, giọng đặc sệt khẩu âm, họ tự nhiên mở từng cái tủ ra xem, sau đó xuýt xoa khen ngợi cái tủ lạnh hai cánh và máy hút mùi đời mới nhất của tôi.

Tôi chỉ vào một loạt thiết bị điện, giới thiệu: “Đây là máy rửa bát, lò nướng với cả tủ hấp.”

Học ngu mà sắm lắm đồ dùng học tập. Tuy tay nghề nấu nướng hiện tại của tôi chỉ ở mức trung bình, nhưng vào một ngày nào đó trong tương lai, nói không chừng tôi sẽ rèn được kĩ năng nấu nướng siêu hạng nhờ vào việc rèn luyện này.

Mọi người xem xong tầng một thì lên tiếp tầng hai.

“Anh ơi, đồ đạc nhà anh cái nào cũng to quá, có phải giường trên tầng hai còn rộng hơn tầng một không? Một mình anh mà cần dùng giường rộng thế này ư?” Vừa bước vào phòng ngủ chính, Côn Hoàng Đồ đã bị chiếc giường rộng hai mét của tôi làm cho choáng váng.

Do tín ngưỡng tôn giáo nên vật dụng dùng lúc ngủ nghỉ của người Tằng Lộc thường rất nhỏ hẹp. Với họ thì chỉ cần có giường đủ để ngủ, tiền đủ để tiêu, lương thực đủ để ăn thôi là được, mọi thứ đã được ông Trời hoạch định, đây là việc tu hành của đời người, từ đời này qua đời khác họ đều sống như thế, tôi không lấy làm lạ lùng.

(*) Vật dụng dùng lúc ngủ nghỉ (gốc 卧具) chỉ những đồ như giường, gối, chăn ga, màn chiếu…

“Người Hải thành bọn tôi màu mè quen rồi, thích nhất mấy món to, càng to càng tốt.” Tham quan phòng ngủ chính xong, tôi lại dẫn họ đi xem phòng làm việc.

Để vào phòng làm việc cần phải mở khóa vân tay, trên bàn bày đủ loại dụng cụ vẽ, trong góc phòng có một chiếc két sắt âm tường cao bằng thân người. Người Tằng Lộc không hứng thú lắm nên chỉ nhìn nhanh qua rồi đi ra ngoài, thậm chí tôi còn chẳng kịp khoe với họ bộ sưu tập trang sức của mình.

Phía trên còn có sân thượng, tường xây rất cao, bên trong dựng cả rào tre để đảm bảo sự riêng tư, một phần sân được dùng để xây nhà kính, còn một phần vẫn để lộ thiên.

“Cái này là gì?” Niết Bằng gõ gõ cục sắt trong góc sân, hỏi.

“Bếp nướng.” Tôi đáp.

Anh tặc lưỡi mấy cái, lắc đầu: “Đồ nướng cũng làm hẳn một bếp chuyên dụng, người Hải thành các cậu đúng là cái gì cũng nghĩ ra được, biết hưởng thụ quá.”

Dòng khách kéo dài nườm nượp đến tận tối, ai cũng phải uống trà, ăn bánh trái, tham quan nhà xong rồi mới về.

Lần khai bếp đầu tiên ở nhà mới được tặng cho Nghiêm Sơ Văn và Quách Xu, hai người cùng chuẩn bị bữa tối, ban đầu tôi định gọi Ma Xuyên nhưng đúng lúc anh đang bận ở bên kia, tối còn phải kèm Lê Ương học nữa nên chỉ đành buông xuôi.

Ba chúng tôi nhâm nhi vài chén rượu trên bàn, tửu lượng của Nghiêm Sơ Văn vẫn kém như trước, uống có tí mà hai má đỏ lựng, lưỡi phồng cả lên, tôi sợ Quách Xu không lo xuể một mình nên dìu thằng kia về viện nghiên cứu cùng cô ấy.

Nghiên cứu phong tục dân gian vốn hiếm, nghiên cứu phong tục dân gian Tằng Lộc lại càng hiếm hơn, nếu không phải vì tập thể nghiên cứu học thì chắc cả năm cũng chẳng có mấy ai đến viện nghiên cứu. Thầy dạy của Nghiêm Sơ Văn và Quách Xu, giáo sư Cát Thương Khung, do công việc hàng ngày bận rộn nên dù thỉnh thoảng sẽ đi qua đi lại giữa Thố Nham Tung và Sơn Nam, ông cũng hiếm khi ở lại viện nghiên cứu lâu.

Sau mấy tháng xa cách, chiều nay ông đã đưa một vài vị lãnh đạo quay lại Thố Nham Tung, không phải vì hai học trò của mình, cũng không phải vì nghiên cứu học thuật mà là để trực tiếp bàn bạc với ngôn quan tộc Tằng Lộc về sự phát triển trong tương lai của Thố Nham Tung.

Đây cũng là lí do khiến Ma Xuyên không thể đến ăn tối.

“Thầy Cát vẫn chưa về.” Viện nghiên cứu im lìm, Quách Xu mở cổng dưới, nghiêng người để tôi vào nhà, “Chẳng biết hôm nay bàn thế nào. Ba năm rồi lại ba năm, từ lúc Tần Già kế nhiệm, hầu như năm nào cũng phải thảo luận một lần về chuyện phát triển du lịch Thố Nham Tung, lãnh đạo đổi mấy đợt rồi mà suốt bao năm vẫn chẳng có tiến triển gì.”

Hai Đồng nghe thấy tiếng động thì vươn người, đứng dậy khỏi ổ, nó hào hứng vẫy đuôi đi vòng quanh chân chúng tôi.

“Mấu chốt của chuyện này không nằm ở Tần Già, anh ấy cũng không quyết định được.” Tôi đỡ Nghiêm Sơ Văn lên cầu thang, hai bọn tôi đi trước, Quách Xu đi đằng sau. Hai Đồng vốn đi cuối cùng, nhưng chưa đầy mấy bước nó đã xộc lên tầng hai chờ chúng tôi.

Quãng đường không dài không ngắn, Quách Xu không nói gì nữa. Sau khi đặt Nghiêm Sơ Văn lên giường, tôi cởi giày còn Quách Xu cởi quần áo, sau đó cô ấy bỗng lên tiếng.

“Có đôi khi… em cảm thấy chế độ ngôn quan thật sự quá độc ác. Tần Già không có tự do, không có nơi thuộc về, không có tí ràng buộc nào với thế giới này. Bảo có quyền thì lúc nào anh ấy cũng bị người khác khống chế; bảo có tiền thì mấy món thờ cúng kia cũng chẳng phải dành riêng cho anh.” Quách Xu thở dài, nói, “Rõ ràng đều là người như chúng ta, thế nhưng từ lúc được sinh ra, dường như ngôn quan đã bị tước mất ‘nhân tính’. Chúng ta không ngừng học cách để trở thành ‘bản thân’, còn anh ấy thì không ngừng học cách để trở thành ‘người khác’.”

Cô ấy nói lời này với giọng điệu bình thường nhưng lại thật sự cứa vào lòng người khác, tôi bất ngờ bị câu nói của cô ảnh hưởng, đi kèm cơn say chuếnh choáng là cảm giác đau đớn âm ỉ quặn thắt trong lồng ngực.

“… Anh ấy có thật sự vui không?”

Tôi dừng lại, Quách Xu cúi đầu, không nhận ra sự khác thường của tôi, vẫn nói tiếp.

“Anh ấy thật sự… yêu thần của mình mà không oán trách gì ư?” Ở mấy chữ cuối cùng, Quách Xu gần như chỉ thì thào lẩm bẩm, một lúc sau, cô bỗng tính táo ngẩng đầu lên, ngượng ngùng cười nói, “Coi em kìa, uống nhiều rồi lại bắt đầu nói lung tung.”

Nếu không rõ tửu lượng của cô ấy thì tôi đã tin rồi.

Thu xếp cho Nghiêm Sơ Văn xong, Quách Xu đưa tôi xuống nhà, vừa ra đến cổng thì gặp ngay giáo sư Cát mới về.

“Tiểu Bách về đấy à?” Giáo sư Cát cười hiền từ.

“Vâng, cháu đưa Nghiêm Sơ Văn về với Quách Xu, đang chuẩn bị đi ạ.”

“Lần sau tới chơi nhé!”

Sau khi chào hỏi lịch sự rồi trò chuyện đơn giản vài ba câu, tôi vẫy tay tạm biệt giáo sư Cát.

Trên đường về, tôi bật đèn pin, xung quanh chỉ có tiếng gió và tiếng chó sủa loáng thoáng, người bạn đồng hành duy nhất là vầng trăng cô độc trên đầu.

Tôi từ từ thở ra, dưới sự khúc xạ ánh sáng, các phân tử nước siêu nhỏ kết hợp thành sương, bay lơ lửng trong không khí như dải lụa mỏng, chớp mắt đã biến mất không thấy đâu.

Đi đi về về mất gần một tiếng, đêm đông ở Bằng Cát rất lạnh, về đến cửa nhà thì tay tôi đã lạnh cứng đơ, tôi phải nhập dấu vân tay mấy lần mở mở được khóa, may mà trong nhà rất ấm, vừa bước vào nhà tôi đã như sống lại.

Tôi ném bừa khăn quàng cổ với áo khoác lên ghế sô pha, sau đó rót cho mình một cốc trà nóng, vừa cúi đầu nhập tin nhắn, vừa chậm rãi đi lên tầng hai.

【Tối nay anh không sang à?】

Đang định bấm gửi thì tôi ngước lên, sau đó sửng sốt dừng lại ở thềm cầu thang.

Trước cửa sổ sát đất lớn trên tầng hai, dưới ánh sáng lờ mờ, vị thần quan thánh khiết mặc bộ đồ trắng đang chiếm giữ chiếc ghế sô pha rộng rãi được quảng cáo là có vòng ôm như của mẹ mà tôi đã phải tốn rất nhiều tiền để mua. Anh hơi nghiêng đầu, nhắm mắt lại, vẻ mặt lúc ngủ trông vừa bình tĩnh lại vừa điềm đạm.

Tôi cất điện thoại, thả nhẹ bước chân, rón rén đi đến bên anh.

Đèn trong sân đều được bật sáng, một phần ánh sáng hắt lên cây cối trên núi, một phần chiếu vào trong nhà, nhuộm màu ấm áp cho vị thần quan đang say sưa ngủ.

Tôi nhấp một ngụm trà, phì cười, quan sát anh từ trên xuống dưới, thưởng thức suốt năm phút rồi mới bỏ cốc xuống dù chưa đã thèm, thầm cảm thán trong lòng — Tần Già đoan trang cấm dục tuy làm rung động lòng người, thế nhưng chim truyền âm ngủ bất tỉnh nhân sự, quần áo xộc xệch cũng mang một mùi vị khác nữa.

Xem ra buổi gặp với giáo sư Cát hôm nay khá tốn sức, chưa chờ được tôi về anh đã ngủ thiếp đi rồi.

“Hoàng tử nhẹ nhàng đặt xuống môi Người đẹp ngủ trong rừng một nụ hôn…” Tôi cúi người, hôn lên khóe môi Ma Xuyên, sau đó lùi lại một chút, đợi anh tỉnh dậy, “Cùng với nụ hôn này, cả tòa lâu đài như sống dậy lần nữa.”

Ma Xuyên nhướn mí mắt, rất hợp tác với lời kể của tôi, từ từ mở mắt ra.

Chắc do liên quan đến vùng khí hậu địa lí nên lông mi của người Tằng Lộc khá dày, nhìn như một chiếc bàn chải nhỏ. Tôi không kìm được mà khảy nhẹ chúng bằng ngón tay trỏ, cười nói: “Tỉnh rồi à? Người đẹp ngủ trong rừng.”

Anh chớp mắt, chẳng những không tránh đi mà còn đưa mặt lại gần hơn: “Trong nhà ấm quá nên anh lỡ ngủ quên mất, mấy giờ rồi?”

Cảm giác cọ xát này không chỉ khiến tay tôi ngứa ngáy mà trong lòng còn nhộn nhạo hơn, tôi ngồi xuống tay vịn ghế sô pha, chuyên tâm tán tỉnh anh: “Hơn chín giờ, em cũng vừa về.” Tôi xoa chiếc khuyên sapphire trên dái tai anh, nói.

“Mừng em chuyển sang nhà mới.” Giọng anh hơi khàn, có vẻ vẫn chưa tỉnh hẳn.

“Em treo quà tân gia của anh ở cổng, anh thấy chưa?”

Anh khoan khoái nheo mắt, nghiêng người về phía trước, cụng đầu vào vai tôi: “Anh vào từ cổng sau nên chưa thấy.”

Để hẹn hò với “Người đẹp ngủ trong rừng” thân bất do kỉ này, có thể nói tôi đã phải vắt óc suy nghĩ rất vất vả, không chỉ chọn nhà ở ngay sau cổng đền mà còn chừa riêng một “cánh cửa bí mật” bên cạnh tường sân để ban đêm anh có thể đến bất cứ lúc nào.

(*) Thân bất do kỉ: người không được tự do làm theo ý muốn của bản thân.

Cánh cửa bí mật nằm đối diện rừng cây, cho dù ban đêm có người muốn lên núi đi dạo thì cũng không bao giờ gặp được chú chim truyền âm đang lén lút ra ngoài yêu đương vụng trộm sau lưng Sơn thần này.

“Thế lúc về anh đi cổng trước xem nhé.” Đầu ngón tay tôi mơn trớn gáy anh, cào gãi như mèo, “Sao, nhà như này mà anh vẫn chưa hài lòng à?”

“Ừm.” Anh vùi hơn nửa khuôn mặt vào tôi, giọng rầu rĩ.

Tôi miết da anh, chưa thỏa mãn lắm: “Hôm nay Côn Hoành Đồ đến bảo thích ghế sô pha ở tầng dưới nhất, Niết Bằng bảo thích bếp nướng ở trên sân thượng nhất, còn em thì thích cái bồn tắm siêu to kia nhất. Anh nói đi, anh thích cái gì nhất?”

Tôi ra vẻ “để em kiểm tra anh”, đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho việc anh không trả lời được hoặc trả lời một cách qua loa chiếu lệ.

Không ngờ sau chốc lát im lặng, anh đã rành mạch đưa ra câu trả lời.

“Em.” Anh vòng tay ôm lấy eo tôi, hơi kéo tôi về phía mình.

Sau một thoáng bất ngờ, tôi tự động hoàn thành câu trả lời của anh — Trong nhà này, anh thích tôi nhất.

Chắc đây không phải nịnh đâu nhỉ?

Dù sướng nở ruột nở gan nhưng tôi vẫn tỏ ra giữ kẽ: “Học đâu ra kiểu trả lời xoa dịu như công chức nhà nước đấy thế? Nhưng mà… Coi như anh pass bài kiểm tra vậy.”

(*) Kiểu trả lời thay cho tổ chức, cơ quan, thường là để làm dịu sự khủng hoảng trong quan hệ công chúng.

Tôi sẽ làm nơi anh thuộc về, sẽ trở thành sự ràng buộc giữa anh và thế giới này. Người đời muốn anh làm vị thần vô dục vô cầu, tôi càng muốn biến anh trở thành con người có máu có thịt hơn.

Tôi ở đâu thì nhà anh ở đó; anh ở đâu thì trái tim tôi ở đó.

Xung quanh yên tĩnh lạ thường, tôi vỗ lưng Ma Xuyên, lải nhải trò chuyện với anh về cuộc sống hàng ngày, về Lê Ương, về giáo sư Cát, về Nghiêm Sơ Văn và Quách Xu, sau đó kể chuyện nhóm Côn Hoành Đồ đến tham quan nhà hồi chiều.

“Thằng nhóc Côn Hoành Đồ kia kêu đồ đạc trong nhà mình to quá, em bảo, người Hải thành thích đồ to, bồn tắm to, giường to, nhà to, kể cả không dùng đến…”

“Đây là ‘tham’.” Ma Xuyên chặt đúng chỗ.

Tôi bĩu môi, thẳng thắn thừa nhận: “Thế thì tham. Em cứ tham to đấy, cái gì cũng phải to, phải tốt…” Tôi ghé vào tai anh, thủ thỉ, “Phải cứng.”

Anh sững ra, sau đó từ từ ngẩng đầu lên, uốn lưỡi bật ra hai tiếng.

Nghĩa là “hạ lưu” trong tiếng Tắng Lộc.

Tôi cười dê, xấu xa nói: “Chẳng lẽ anh mong em ham của rẻ?”

Anh nhìn tôi chăm chú, mắt sáng quắc, không trả lời.

“Em uống rượu à?”

“Một tí thôi, có mùi hả?”

Anh không nói gì mà chỉ chậc nhẹ một tiếng.

“Anh chậc cái gì?” Tôi chỉnh lại tư thế ngồi, ngồi hẳn lên người anh.

Đáp lại tôi là nụ hôn anh chủ động đưa đến.

Tiếng cười khẽ của tôi hòa vào nụ hôn này, bầu không khí ấm áp dần nóng lên, trở nên bỏng rực, mà đúng lúc tôi đang định làm chuyện ấy với Ma Xuyên, tiếng chuông cửa bỗng vọng lên từ dưới nhà.

Chúng tôi dừng lại, cùng nhìn về phía cầu thang.

“Chú ơi! Chúng cháu về rồi ạ!” Dưới nhà vang lên giọng nói sôi nổi, tràn đầy năng lượng của Mễ Hạ.

Tác giả có lời muốn nói: Dòng thời gian nối tiếp chương cuối của 《Không Hợp》, bây giờ là kì nghỉ đông học kì 1 Đại học năm nhất của Mễ Hạ và Hạ Nam Diên.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.