Lỡ Hẹn Với Xuân Thì

Chương 5



Quá trưa lũ học trò đã vãn hết, sân trường được trả lại khung cảnh yên bình vốn có. Lùng khắp ngóc ngách của trường cuối cùng Tùng tìm thấy cô bé ngồi bệt ở góc tường rêu, đầu gục xuống dường như đang khóc. Tự nhiên nhìn bộ dạng yếu ớt ấy thấy thương thương, Tùng chìa cái khăn mùi soa ra.

– Sao thế, ai ăn hiếp được nhóc à?

Mi ngẩng đầu lên, thấy chú già có chút ngạc nhiên, quệt ngang nước mắt cầm lấy khăn tay xì mũi cái roẹt.

– Này, khăn cũng phải giặt tay như áo đấy. Xì mũi mấy lần thì phải giặt xả từng đấy lần. Tôi ghét nhất là bẩn đấy!

Câu nói của Tùng chẳng an ủi Mi được chút nào, ngược lại có tính sát thương cực mạnh. Mi thấy mình ở đâu cũng bị ăn hiếp, cũng bị thiệt thòi nước mắt cứ vậy ào ào như thác. Tùng nhận thấy tâm tình của con bé này tệ thật rồi. Bình thường nó phải chu mỏ lên mà cãi nhưng hôm nay lại cứ lặng thinh, cái tiếng nức nở của nó dội vào lòng anh vô cùng khó chịu.

– Nín đi. Người đã không xinh rồi khóc làm gì cho xấu đi. Có mấy triệu thôi, không cần căng thẳng vậy.

Mi trợn mắt, khóc oà lên. Cô bé cảm thấy tủi thân vô hạn. Cô tuy không phải xinh đẹp gì lắm nhưng cũng chưa ai chê xấu thẳng mặt như vậy cả.

– Tôi xấu liên quan gì chú. Mấy triệu đối với nhà giàu như chú không phải là cái đinh gỉ gì nhưng với tôi là cả gia tài. Đó là nỗ lực của tôi, là bộ mặt, là cả học bạ ảnh hưởng con đường tương lai của tôi đấy chú có hiểu không hả? Nhà giàu có phải rất hay khinh thường người khác, rất hay có cái kiểu lấy tiền để đổi trắng thay đen có phải không?
– Ừ thì… cũng thi thoảng!

Một cô bé vẫn ở tuổi mộng mơ, nhìn thế giới xung quanh bằng màu hồng lãng mạn bị tạt một gáo nước vỡ mộng, Mi tức tối vần vò chiếc khăn trong tay muốn nát bấy.

Lần đầu tiên Tùng thấy có một đứa trẻ khóc nhiều đến vậy. Mùa hè đến không khí vô cùng nóng bức, nhìn con bé kia nước mắt nước mũi bê bết vào nhau càng nóng bức hơn. Tùng nắm tay Mi kéo lên.

– Đi, khóc ở đây người ta thấy cười cho đấy.
– Không, liên quan đến chú.
– Đi về homestay làm việc, muốn khóc hay muốn chết đói!

Mặc kệ cho con bé gào thét giãy giụa vùng vằng, Tùng nhất quyết kéo con bé ra cổng, mở cửa xe ô tô nhét vào. Đi được một đoạn, anh đột ngột tấp vào ven đường bước xuống một quán cà phê.

Mi cũng không để tâm làm gì nữa. Cô bé dán mắt ngoài cửa kính, khóc nhiều đến mức đầu óc dường như tê liệt không suy nghĩ được gì. Giờ cô đang rất tuyệt vọng, nếu ai đẩy vào chỗ chết lúc này cũng không còn sức phản kháng.

Một que kem xuất hiện trước mặt Mi.

– Ăn đi, còn có sức mà cãi!

Mi cầm que kem đưa vào miệng. Mát rượi nơi đầu lưỡi truyền thẳng vào não bộ khiến cả người tỉnh táo hơn. Chốc lát tiếng thút thít không còn. Ăn hết 2 que kem dường như Mi đã hoàn lại trạng thái ban đầu. Lại ăn sang que thứ 3…

– Cảm ơn chú! Chú lớn tuổi mà cũng tâm lý nhỉ!

Vẻ mặt tươi cười của Tùng trong nháy mắt không trụ nổi, một bụng ào ào tức giận. Anh chưa đầy 30 phong độ ngời ngời, người nói ra câu đó đích thị con mắt hoặc não bộ có vấn đề. Đôi mắt hoa đào tựa như cười của anh nheo lại, mang theo vẻ mặt tức tối, chậm rãi nói:

– Tuần sau homestay có buổi khám tổng quát cho nhân viên, đừng có nghỉ xem cái mắt có bị đui bên nào chưa!

– Ơ, lịch là tháng sau mà chú!
– Muốn đổi lịch, được chưa. Lắm lời!
– Vâng, Chú cho tôi xuống ở đây, tôi về quê.

Xe chạy chậm lại rất nhanh, Tùng hơi mỉm cười.

– Tôi cũng có việc vào bản nhóc đấy?

Mi nhìn Tùng nghi hoặc, sao lúc nãy nói phải về homestay gấp?

Ánh mắt của con bé như có thể lột trần tâm tình của anh, Tùng liếc đi chỗ khác.

– Vào nhà trưởng công an xã, nhờ người ta giới thiệu vài nhân viên bảo vệ cho homestay.
– Vậy… chú cho tôi đi nhờ một đoạn, đến đầu làng tôi xuống.

Tùng vừa lái xe chầm chậm chạy qua những con đèo dốc núi vừa gợi chuyện. Anh nghĩ đến mấy vết cào trên má Mi hôm trước chợt hiểu vì sao con bé lại nổi khùng lên với mình như vậy. Mi cầm cuốn sách trong tay, chăm chú nhìn vào đó. Tóc đuôi gà buộc cao ngoe nguẩy sau gáy, một lọn lưa thưa quệt vào má hồng sáng mịn. Tùng liếc sang, hơi ngẩn người trước góc nghiêng của con bé. Anh ho khan, giọng khàn đi.

– Hôm đó tôi không làm bố của nhóc được vì ban giám hiệu đều biết mặt tôi chứ không phải tôi không muốn giúp. Hôm sau có đứa nào bắt nạt gọi tôi đến, không làm bố được nhưng đánh cho chúng nó mất xác được, nghe chưa?

Mi thẹn đến đỏ bừng hai tai. Hôm trước đúng là cô quá hồ đồ nóng giận mất khôn. Thậm chí vừa rồi cô cũng suýt nữa quên mất đây là ông chủ của mình, cứ vậy bô bô mà cãi lại. Mi xị mặt không được tự nhiên, lí nhí rất nhỏ.

– Chú Tùng, hôm trước là tôi… tôi thất lễ, tôi đang bực mình nên có nói năng không phải. Tôi xin lỗi chú.

Mi xấu hổ kéo sụp mũ xuống che lấp hai con mắt, muốn ngủ thật nhanh.

Nhìn vẻ mặt làm bộ làm tịch hối lỗi của con bé Tùng không nhịn được cười rộ lên. Chắc hẳn trong lòng con bé đang chửi rủa mình xấu sâu ba tấc. Anh nhìn bộ dáng ngủ ngon lành của Mi, đáy mắt dâng lên một chút ấm áp và vui vẻ. Một gương mặt non tơ, toát ra mùi hương trẻ tuổi sạch sẽ hấp dẫn ánh nhìn, nhưng cũng vô hình mang đến cho anh cảm giác bí bách. Anh mở một bản nhạc nhẹ, những nốt nhạc mềm thánh thót làm cho tâm hồn có chút phiêu bồng hơn. Đường dẫn vào bản là hai hàng cây thẳng tắp, núi non hai bên xào xạc đặc biệt tươi mát xanh rì, trời mùa hè đặc biệt cao trong khiến khung cảnh miền sơn cước càng thêm đẹp đẽ. Khí tiết sạch sẽ ấy khiến tâm tình người ta vô cùng thoải mái.

Đến đầu dốc núi Mi vội vàng chào Tùng rồi chạy lên nhà. Bà Vông thấy con về rít lên.

– Con với cái. Mày đã về rồi hả. Về đây tao hỏi, cái gì đây? Ai bày mày đánh nhau ở trường? Còn dám giả chữ ký mẹ mày. Bao nhiêu năm tao tự hào mày ngoan ngoãn học giỏi, tại sao mày dám đánh cả con nhà người ta để bố mẹ đó đến đây hả?
– Mẹ, không phải con… không phải như vậy. Không đánh nhau!

Mi phản xạ rất nhanh sau 2 giây chạy biến đi, chạy vòng quanh sân rồi trèo lên nhà sàn. Cô biết mẹ mình đau xương khớp, lên được đây phải cả tiếng đồng hồ.

Bà Vông đuổi một vòng mệt đứt hơi đứng lại thở hổn hển, nâng cây gậy chỉ thẳng vào con bé ngồi chồm hổm trên cửa nhà sàn.

– Con ơi là con, nhỏ thì đánh lũ trẻ con hàng xóm, lớn thì đánh bạn. Mày muốn mẹ mày chết luôn sao.
– Mẹ, nó đánh con trước, con thề từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ con gây sự trước.
– Câm ngay. Mày đúng tại sao phải giả chữ ký mẹ mày. có biết nó là con nhà ai không? Công an huyện, mày động đến ai không động lại động đến con nhà đó? Nghỉ học, nghỉ ngay cho tao. Thím Mão hỏi cưới mày cho thằng Rô, tao nhận lời rồi, tháng sau cưới luôn.

Mi cảm thấy có ngọn lửa ngùn ngụt đang cháy trong lòng mình, kể mà con Hạnh đứng trước mặt bây giờ, cô sẽ chẳng kiêng dè gì mà đánh cho nó què cẳng, xem bố láo được đến đâu, cái loại vừa ăn cắp vừa la làng.

– Mẹ, con không lấy chồng, nhất định không lấy. Mẹ lúc nào cũng tin người ngoài còn con cái bỏ hết ngoài tai. Đối với mẹ con cái không có giá trị gì ngoài việc lên nương đồng áng rồi đẻ con sao. Chị Mai học hành dở dang mẹ bắt chị ấy nghỉ việc nuôi gia đình, chị bị chồng đánh đến nhập viện mẹ lại đứng về phía người ta, bắt chị ấy sống tiếp trong cái bể khổ đó. Bây giờ đến lượt con được học hành một chút mẹ lại nghe người ngoài bắt con nghỉ học. Mẹ không thương con phải không, nhất định không thương phải không. Chị Mai con nuôi không thương chị ấy, con là con đẻ mẹ cũng không thương nốt phải không?

Mi oà khóc, bất lực gào lên. Những chuyện ở trường ở lớp đã đủ nén chặt tâm tình của một cô bé non nớt, về nhà mẹ lại chẳng cảm thông và chia sẻ. Cái đầu cô đau nhức đến muốn nổ tung.

Bà Vông cũng chảy nước mắt. Nó là con đẻ nhưng còn không hiểu lòng cha mẹ bằng đứa con nuôi. Người giàu đi học còn khó, người nghèo đi học không tiền không quyền thì làm sao được!

– Tao nợ thím Mão bao nhiêu tiền mày có biết không? Đã bị cái tiếng ngủ thăm, mày nghĩ mày cao sang lắm hả?!

Tùng đứng ở đầu dốc núi nhìn lên ngôi nhà sàn không thể nào đơn sơ hơn, có thể hiểu vì sao nhóc kia quyết tâm học hành đến vậy. Nghĩ lại tối mùng 5 ở chỗ này nhóc kia to gan dám ra điều kiện với mình cảm thấy rất buồn cười. Anh cũng không hiểu tại sao mình lại đồng ý điều kiện của con bé dễ dàng thế. Anh đi lên con dốc, qua bờ mận hảo ngào ngạt ngát hương thì nghe tiếng hai mẹ con om sòm dừng lại, ánh mắt đặt vào cô bé đang đứng bên gốc hồng quệt nước mắt. Anh dứt khoát bước vào.

– Cháu chào bác!

Bà Vông nheo mắt nhìn thanh niên cao lớn đứng ở cổng nhà mình, là ai mà trông có vẻ quen mắt. Mi nhìn lên thấy người hết hồn, chú ấy vào đây làm gì, liệu mẹ cô có nhận ra không. Cô bé nháy mắt lia lịa về phía người kia nhưng anh vẫn tỉnh bơ, đuôi mắt lóe lên trêu chọc.

– Cháu là chủ Ó homestay nơi em Mi đang làm thêm.

Bà Vông thoáng chốc vui mừng. Bà chẳng hiểu thanh niên kia nói hôm với sao là cái gì nhưng nghe nói chủ nơi con Mi làm việc thì tay bắt mặt mừng.

– Nay cháu đến thăm Mi, tiện thể thông báo homestay muốn đào tạo Mi. Sẽ làm việc lâu dài, có thể là rất dài.

Bà Vông và Mi đều ngạc nhiên. Nếu được làm ở đó lâu dài thì còn gì bằng.

– Đầu tiên bắt buộc Mi phải có bằng tốt nghiệp lớp 12. Sau đó sẽ được cử đi học đại học, chi phí học đại học bên cháu sẽ lo toàn bộ. Mi rất có triển vọng, cháu không muốn em ấy lấy chồng sớm. Bác nợ nhà kia bao nhiêu cháu có thể cho em ấy ứng trước.

Mi không thể tin nổi lời Tùng nói, có ai tự dưng cho không tiền ai bao giờ. Có phải chú ấy đang trấn an mẹ cô bằng những lời nói giả dối này không? Nhưng bây giờ giải quyết việc đi học đã rồi tính sau. Mi nhìn mẹ dè dặt.

– Mẹ, chú ấy đã nói vậy rồi mẹ cho con đi học tiếp nhé. Con hứa sẽ học hành thật chăm chỉ không chơi bời không đánh nhau.

Bà Vông thở dài.

– Nói thật với anh, tôi cũng muốn cho nó đi học nhưng nhà tôi không đủ điều kiện. Nếu bên công ty anh chịu giúp đỡ con tôi, nó học xong rồi các anh muốn nó làm thân trâu thân ngựa gì cũng được.

Mi trợn mắt, mẹ mình làm sao lại có thể dễ dàng đồng tình nhanh đến vậy. Mẹ cô không biết người đàn ông kia bề ngoài trông có vẻ lịch lãm vậy nhưng thực chất bên trong lại quái gở đến mức nào không. Chưa kể chị quản lý của homestay đó là cỗ máy vô tình.

– Vậy là bác đã đồng ý. Bây giờ bên homestay có việc cần người gấp, cháu xin phép đi trước.

Mi bất lực nhìn mình cứ bị sắp xếp, tức giận phùng mang trợn má với Tùng. Tùng cười tán thành với mẹ Mi như không có chuyện gì xảy ra, đi thẳng ra ngõ. Bà Vông vội vàng lấy túi hồng dưới gốc cây dúi vào tay con gái.

– Mày mang cái này đi ra biếu ông chủ đi con. Con gái con đứa lớn rồi không biết nịnh nọt mồm mép là cái gì, còn đứng đực ra đó hả. Ăn lắm béo thân không được tích sự gì, mang cho người ta người ta còn chịu nhịn cái nết ẩm ương của mày.
– Ơ, sao mẹ đối xử với con như con nhặt thế nhỉ.
– Mày nhặt đấy. Có nhanh cái chân lên không!

Mi le lưỡi trêu tức mẹ rồi cầm túi hồng chạy nhanh ra ngõ. Cô không tin ông chú kia lại có thể bỏ ra một số tiền lớn để cho cô đi học hành, nhất định bày trò gì đây.

– Chú Tùng, mẹ tôi đưa cho chú. Chú nói như vậy làm mẹ tôi tưởng thật, giờ tôi biết phải làm sao?
– Nghe giống nói chơi lắm à?
– Chú nói thật? Homestay cho tôi đi học đại học là thật hả?
– Tất nhiên. Tôi không phải trẻ con như nhóc!

Mi dằn lại kích động cố gắng tìm trên gương mặt của người kia một sắc thái trêu đùa nào đó nhưng không thấy.

– Chú nói điều kiện đi. Không ai cho không ai cái gì!
– Khá lắm, tất nhiên. Không thích nói bây giờ. Cho nghỉ nốt ngày, mai lên homestay sẽ biết.
– Chú đùa tôi hả?
– Tôi về sắp xếp lại chuyện cá nhân thì mới ra điều kiện được. Cứ yên tâm ngủ ngon đêm nay, không ai ăn thịt đâu mà sợ!

Mi chưa kịp đưa túi hồng, Tùng đã giật lấy trên tay bỏ vào xe nổ máy rồi đi ra khỏi dốc núi. Mi đứng như trời trồng nhìn chiếc xe ô tô khuất dạng, đầu óc vẫn đang loạn lên đoán điều kiện đưa ra cho mình là gì. Có phải cô sẽ làm osin làm trâu làm chó cả năm không? Nếu vậy cũng được, miễn được đi học đại học, mà bây giờ cô có khác gì osin của homestay đâu. Hay là bắt cô làm nhân viên tay vịn của phòng karaoke? Cũng không thể nào, các chị gái tay vịn xinh xuất thần vòng nào ra vòng nấy cô thế này ai thèm vịn. Hay là làm hoạt náo viên teambuilding? Cũng có thể lắm, nhưng tiếng Anh không trôi chảy làm sao có thể hoạt động teambuilding khách tây?

(Truyện thuộc bản quyền tác giả #mienlam #lamtran)

***

Tùng xem lại hồ sơ của Mi, học lực 11 năm loại giỏi, hạnh kiểm tốt, hoạt động đoàn năng nổ. Lớp 3 đã biết đi theo khách ở khu du lịch nài nỉ chụp ảnh lấy tiền, lớp 8 đi bán hoa bán đào bán mận thuê, phục vụ chạy bàn. Nhóc này không đào tạo thì phí. Anh bấm máy cho nhân sự.

“Hết tháng này chuyển Hoạ Mi lên gian hàng souvenir không cần làm buồng phòng nữa, cho con bé tập dẫn tour đi”.
“Anh Tùng, con bé đó chỉ làm được ngoài giờ hành chính. Với lại ai đào tạo cho nó được”
“Ý cô là tôi phải đào tạo? Để con bé làm giờ ngoài hành chính, full thứ 7 chủ nhật. Riêng phòng tôi Hoạ Mi phụ trách dọn sau ca của con bé. Công tính vào tiền tăng ca”
“Sếp, em không có ý đó. Em sẽ thực hiện ngay”.

Thảo cắm hoa bên bàn trà cạnh cửa sổ cười khùng khục.

– Trăm năm mới thấy Tùng tất tay quan tâm công việc của homestay nhỉ.
– Thế từ lâu tôi không truyền thông cho cái homestay này thì ma nó đến đây à. Dớn rừng có khả năng, ở cái đất rừng rú này mấy đứa thông minh như thế? Cái này gọi là ngăn chảy máu chất xám bà hiểu không?
– Vâng hiểu, Tùng tất tay nay thành Tùng tinh tế cơ. Ai chứ Mi thì tôi đồng ý ngay. Nuôi một đứa trẻ 4 năm đại học cùng lắm bằng doanh thu một tháng của homestay nên có thể cân đối chi phí. Nhưng làm thế nào để giữ chân con bé sau khi ra trường mới là vấn đề. Con bé thông minh, ý chí vươn lên như vậy thì không thiếu việc làm hành chính công xã huyện. Nếu biết nhìn xa trông rộng chả dại chôn tương lai mình ở cái homestay bé tí đâu.
– Yên tâm, con bé sẽ hoàn toàn chấp nhận.
– Ồ thật à. Quên mất Tùng tất tay chuyên thao túng tâm lý các cô gái. Mà tôi cảnh cáo, chơi bời ai thì chơi, bé Mi là em của Mai, ông dám làm gì nó tôi với thằng Vỹ cho chết luôn!
– Ơ chị họ. Em làm gì đâu, em chỉ đang trồng măng non cho đất nước thôi mà!
– Măng cái con khỉ, măng mà mọc mầm mày chết tao!

Tùng nhìn ra vườn hoa cánh bướm ngoài cửa sổ miệng kéo đến mang tai. Bông hoa nào cũng bắt nguồn từ hoa dại mà thôi, nó trở thành hoa trong chậu là do con người chăm chút tỉa cành.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.