Ở trong cung Hạ Thanh núi Lao Sơn có cây nại đông cao hai trượng, thân lớn mươi chét tay, cây mẫu đơn cao hơn trượng, khi trổ hoa rực rỡ như gấm. Thư sinh họ Hoàng ở Mục Châu làm nhà ở đấy để đọc sách.
Một hôm ngồi trong cửa sổ trông ra thấy một cô gái áo trắng thấp thoáng trong đám hoa, bụng nghĩ trong đạo quán sao lại có người như thế được, vội chạy ra thì đã trốn mất. Từ đó thường thấy luôn. Bèn nấp trong bụi cây, đợi người ấy tới. Chẳng bao lâu cô gái ấy lại cùng một người mặc xiêm hống nữa đến. Từ xa trông tháy cả hai đều tuyệt đẹp, đi tới gần thì cô xiêm hồng lùi bước nói:
– Ở đây có người.
Chàng bèn đứng vùng dậy, hai cô sợ hãi bỏ chạy, áo quần phấp phới, thoang thoảng hương thơm. Đuổi theo quá bứa tường ngắn thì đã biến mất tăm. Chàng ái mộ hết sức, nhân đó đề bài thơ lên thân cây rằng:
Tưởng nhớ bao đau khổ
Tần ngần ngóng trước song
Gặp tay Sa Trá Lợi
Đâu còn thấy Vô Song (1)
Về phòng học ngồi mơ tưởng, chợt một bóng thiếu nữ bước vào. Chàng vừa mừng vừa ngạc nhiên, đứng dậy đón chào. Người cười nói:
– Chàng hùng hổ như giặc, khiến người ta hoảng sợ, ai hay cũng là người tao nhã, có gần cũng không hại gì.
Chàng bèn hỏi qua thân thế, cô gái đáp:
– Thiếp tiểu tự là Hương Ngọc, người chốn bình khang, bị đạo sĩ nhốt ở trong núi này, thực không phải là ý nguyện.
Chàng hỏi:
– Đạo sĩ tên là gì? Tôi sẽ rửa hờn cho nàng.
Cô gái nói:
– Bất tất. Hắn ta cũng chưa dám ép buộc gì. Mượn nơi này để cùng khách hào hoa làm chốn gặp gỡ vắng vẻ kể cũng hay.
Chàng nói:
– Cô gái mặc áo hồng là ai thế?
Đáp:
– Chị ấy tên là Giáng Tuyết, chị kết nghĩa của thiếp.
Bèn ôm nhau đi nằm. Khi tỉnh giấc trời đã rạng đông. Nàng vội đứng dậy nói:
– Ham vui quên cả trời đã sáng.
Mặc áo, đi giày xong lại nói:
– Thiếp xin khẩu chiếm đáp lại chàng bài thơ, chớ có cười nhé:
Chóng hết đêm vui thế
Vừng đông đã dọi song
Muốn như đôi én nọ
Cùng chốn đậu song song.
Chàng nắm cổ tay nói:
-Nàng đã đẹp lại thông minh, khiến người ta yêu quên chết. Một ngày xa nhau như cách biệt ngàn năm, nàng lúc nào rỗi cứ lại, đừng đợi đêm nữa.
Nàng nhận lời. Từ đó sớm tối cùng nhau. Chàng vẫn thường bảo mời Giáng Tuyết, mà nàng không thấy đến, nên lấy làm buồn bực. Nàng nói:
– Chị Giáng Tuyết là người lạnh lùng, không si tình như thiếp. Cứ thong thả để thiếp khuyên nhủ, không việc gì phải vội.
Một hôm nàng buồn thảm bước vào nói rằng:
– Chàng không giữ được đất Lũng mà còn mong lấy được đất Thục ư (2)? Thôi từ nay xin vĩnh biệt.
Chàng hỏi đi đâu thì lấy tay áo lau nước mắt rồi nói:
– Cũng do số mệnh cả, không thể nói cùng chàng được. Câu thơ ngày trước này thành lời sấm:
Người đẹp vào tay Sa Trá Lợi
Nghĩa sĩ đâu còn Cổ Áp Nha.
Đem vịnh cảnh ngộ thiếp thế mà đúng.
Gạn hỏi nàng không chịu nói, chỉ nức nở khóc, suốt đêm không ngủ. Sáng dậy đi sớm. Chàng lấy làm lạ. Hôm sau có họ Lam người ở Tức Mặc, vào cung quán vãn cảnh, thấy cây bạch mẫu đơn, thích ý đào lên mang đi. Chàng mới hiểu ra rằng Hương Ngọc là tinh của hoa vậy, buồn rầu mãi không thôi.
Cách vài hôm nghe nói họ Lam đem hoa về trồng, càng ngày càng héo, chàng lại càng ân hận, làm năm mươi bài thơ khóc hoa, ngày ngày đến viếng chỗ hố đào, nước mắt tuông rơi đầm đìa.
Một hôm đi vãng cảnh quay về, xa xa thoáng thấy cô gái mặc áo hồng đứng khóc bên hố đất. Chàng thong thả đi đến gần, nàng cũng không trốn tránh, nhân níu vạt áo, nhìn nhau rưng rưng nước mắt, rồi mời vào nhà. Nàng cũng đi theo than rằng:
– Chị em với nhau từ tấm bé, một sớm chia lìa, thấy chàng thương cảm, thiếp cũng mủi lòng nước mắt rơi xuống suối vàng may ra cảm thấu lòng thành mà tái sinh chăng? Nhưng lẻ chết đi thần khí đã tan, trong chốc lát làm sao có thể cùng hai chúng ta cười nói được.
Chàng nói:
– Tiểu sinh phận bạc, làm hại tới người yêu, thực không có phúc được cả hai người đẹp. Ngày trước nhiều lần nhờ Huơng Ngọc đạo đạt lòng thành, sao cô nương không hạ cố?
Nàng nói:
– Thiếp cho rằng bọn học trò trẻ tuổi, mười người thì có chín người là phường bạc hãnh, có biết đâu chàng là khách chung tình. Tuy nhiên thiếp cùng chàng giao hảo, xin lấy chữ tình, không lấy chữ dâm, còn như đêm ngày suồng sả thì thiếp không kham được.
Nói xong xin từ biệt. Chàng nói:
– Phải xa Hương Ngọc lâu ngày bỏ cả ăn cả ngủ. Nhờ nàng ở lại đây chốc lát cho khuây khỏa nỗi nhớ, sao lại quyết liệt như vậy?
Nàng bèn ở lại, hết đêm ra về, mấy ngày sao không trở lại. Một hôm mưa lạnh bên ngoài, chàng nhớ thương Hương Ngọc, trằn trọc trên giường lệ đẫm chăn gối, bèn xốc áo đứng lên, khêu đèn cầm bút vịnh một bài thơ nối theo vần trước:
Nhà núi chiều mưa lạnh,
Buông rèm tựa trước song.
Người tương tư chẳng thấy,
Đêm nhỏ lệ song song.
Làm xong thơ tự ngâm nga, chợt có tiếng người ngoài cửa sổ:
– Có xướng tất phải có họa chứ.
Nghe chính là Giáng Tuyết, mở cửa mời vào. Nàng xem thơ xong nối vần liền:
Chung gối người đâu nhỉ?
Đèn le lói rọi song.
Một mình nơi núi thẳm,
Đổi bóng bỗng thành song.
Chàng đọc thơ, hai hàng nước mắt tuôn rơi, nhân trách nàng thưa gặp mặt. Nàng nói:
– Thiếp không thể nồng nàn như Hương Ngọc được, chỉ có thể an ủi chàng khuây cảnh tịch mịch đôi chút thôi.
Chàng muốn cùng nàng chăn gối. Nàng nói:
Niềm vui gặp gỡ, đâu phải vì chuyện đó.
Từ đó, cứ lúc nào chàng thấy quạnh hiu thì nàng lại đến. Đến thì yến ẩm xướng họa, có khi không ở lại ngủ đêm, tan tiệc rồi là về. Chàng cũng chiều theo, thường bảo nàng:
– Hương Ngọc là vợ yêu của ta, Giáng Tuyết là bạn tốt của ta.
Mỗi lần gặp lại hỏi:
– Nàng là cây thứ mấy trong viện, xin sớm bảo cho biết, anh sẽ mang về trồng ở trong nhà, khỏi bị bọn ác cướp đi mất như Hương Ngọc, để hận lại suốt đời.
Giáng Tuyết đáp:
– Chốn cũ khó dời, nói cho chàng biết cũng vô ích. Vợ còn chẳng giữ được, huống hồ là bạn.
Chàng không nghe, kéo tay cùng đi ra, đến mỗi cây mẫu đơn lại hỏi:
– Có phải nàng đây không?
Nàng không nói gì, chỉ bưng miệng cười.
Cuối năm chàng về quê ăn tết. Vào khoảng tháng hai, chợt nằm mơ thấy giáng Tuyết đến, buồn rầu nói:
– Thiếp gặp nạn lớn, chàng hãy mau trở lại, may còn được gặp nhau, nếu chậm là không kịp nữa.
Tỉnh dậy lấy làm lạ, vội bảo ngưòi nhà lấy ngựa, ruổi lên núi ngay; đến nơi thấy đạo sĩ sắp làm nhà, có cây nại đông vướng chỗ xây cất, thợ mộc sắp chặt bỏ đi. Chàng liền cản lại (3). Đến đêm, Giáng Tuyết vào tạ ơn. Chàng cười bảo:
Trước kia không nói thực nên gặp nạn này. Bây giờ biết đích nàng rồi, nếu không tới tôi sẽ lấy mồi ngải đốt cứu cho mà coi.
Nàng đáp:
– Thiếp vốn biết thế, nên trước kia mới không dám nói đấy.
Ngồi một lát,chàng nói:
– Nay ngồi với bạn tốt, lại càng nhớ vợ đẹp. Lâu không đi viếng Hương Ngọc, bây giờ nàng có thể cùng tôi đến viếng được chăng?
Hai người bèn đi đến bên hố đất mà khóc. Đến lúc sắp tan canh một, Giáng Tuyết lau nước mắt khuyên chàng thôi, rồi ra về. Cách vài ngày sau chàng đang ngồi một mình buồn bã, Giáng Tuyết tười cười bước vào bảo rằng:
– Có tin mừng báo chàng hay. Thần hoa cảm động vì lòng chí tình của chàng, cho Hương Ngọc tái sinh ơởtrog cung này.
Chàng mừng hỏi:
– Bao giờ?
Đáp:
– Không biết chắc nhưng cũng không lâu nữa.
Trời sáng bước xuống giường, chàng bảo nàng:
– Tôi vì nàng mà đến đây, chớ để người ta chịu hiu quạnh lâu nhá!
Nàng cười gật đầu. Hai ngày không thấy đến, chàng bèn đi đến ôm lấy thân cây, vuốt ve lay động, gọi tên Giáng Tuyết mấy lần, không nghe tiếng gì đáp lại. Bèn ra về ngồi trước đèn vê mồi ngải định tới đốt cây. Giáng Tuyết lật đật chạy vào, giật mồi ngải ném đi mà nói:
– Chàng hay đùa nhả, khiến người ta bị đau, phải đoạn tuyệt với chàng thôi.
Chàng cười ôm lấy nàng, vừa ngồi chưa yên thì Hương Ngọc lững thững đi vào. Chàng trông thấy từ xa đã bật khóc, vội vàng đứng lên ôm lấy nàng, Hương Ngọc giơ một tay kéo Giáng Tuyết, nhìn nhau nghẹn ngào. Đến khi ngồi xuống (4) chàng cầm tay Hương Ngọc mà cảm thấy trống không như tự nắm tay mình, nên rất ngạc nhiên hỏi nàng. Hương Ngọc ứa nước mắt nói:
– Ngày trước thiếp là thần hoa cho nên thể chất ngưng tụ, nay thiếp là ma nên thể chất hư tán, chàng đừng nên coi là chân tướng, chỉ nên coi là người trong mộng thôi.
Giáng Tuyết nói:
– Em lại đây tốt quá; chị bị chồng em quấy quả lằng nhằng muốn chết.
Nói rồi liền cáo thoái.
Hương Ngọc vẫn âu yếm như xưa, song lúc tựa kề nhau, phảng phất như là một hình tựa bóng.Chàng bần thần không vui, Hương Ngọc cũng bâng khuân tủi hận, bèn dặn:
– Chàng lấy ít bột bạch liễm trộng với ít lưu hoàng đem vun bón và mỗi ngày tưới một chén nướ cho thiếp, đến ngày này sang năm sẽ đền ơn chàng.
Nói đoạn cũng từ biệt mà đi.
Hôm sau ra xem chỗ cũ thấy có một nhánh mẫu đơn mới mọc, chàng bèn làm theo lời dặn, ngày nào cũng vun tưới, lại làm hàng rào vây quanh để giữ gìn. Hương Ngọc đến bội phần cảm kích. Chàng bàn dời cây, mang về nhà. Nàng không chịu, nói:
-Thiếp vốn thể chất yếu đuối, không chịu được cảnh đào lên trồng xuống. Vả lại mọi vật sinh ra đều có nơi có chốn cả, thiếp từ trước vốn không tính sinh ở nhà chàng, làm trái đi sợ giảm tuổi thọ; nhưng nếu có thương yêu nhau thì thế nào cũng sum họp.
Chàng hận Giáng Tuyết không đến. Hương Ngọc nói:
– Nếu muốn cưỡng bức bắt đền, thiếp có thể làm được.
Bèn bảo chàng khêu đèn lên, đến dưới gốc cây, lấy một cuộn cỏ, lấy gang tay làm cữ, rồi đo từ dưới lên, đến bốn thước sáu tấc đánh dấu vào chỗ đó, bảo chàng lâý hai móng tay gãi. Giây lát Giáng Tuyết từ sau thân cây đi ra cười mà mắng rằng:
– Con nhỏ này đến đây giúp Kiệt làm điều bạo ngược à? (5)
Đoạn dắt tay cùng về. Hương Ngọc nói:
– Xin chị đừng phiền trách, tạm thời nhờ chị hâù hạ chàng, một năm sau, không dám quấy rầy nữa.
Từ đó bèn đi lại như thường. Chàng ngắm chồi hoa ngày càng tốt tươi nảy nở. Hết mùa xuân đã mọc gần hai thước. Sau khi về nhà, lấy vàng bạc tặng đạo sĩ, nhờ vun tưới cho cây. Sang năm sau, tháng Tư trở lại cung quán, thấy một bông hoa hàm tiếu; đang lúc tần ngần, hoa bỗng lay động như muốn gãy, lát sau đã nở lớn như cái mâm, nghiễm nhiên có một người đẹp nhỏ xíu ngồi trong nhụy hoa, chỉ bằng ba ngón tay, nháy mắt đã nhẹ nhàng nhảy xuống, chính là Hương Ngọc. Nàng nhoẻn miệng cuời:
– Thiếp chịu mưa gió để đợi chàng, sao tới muộn thế?
Đoạn cùng vào nhà, thấy Giáng Tuyết đã đến, cười bảo:
– Ngày ngày làm vợ thay người, bây giờ may mắn lại được rút lui làm bạn.
Rồi cùng nhau ngồi chuyện trò xướng họa. Đến nửa đêm, Giáng Tuyết ra về, hai người cùng đi nằm, lại mặn nồng như xưa.
Về sau, vợ chàng mất, chàng vào ở hẳn trong núi, không về nhà nữa, bấy giờ cây mẫu đơn đã lớn bằng như cánh tay. Chàng thường chỉ vào cây và bảo:
– Ngày sau ta gửi hồn ta ở đó, sẽ mọc bên trái nàng.
Hơn mười năm sau, thốt nhiên chàng mắc bệnh, con đến thăm, nhìn mà thương xót. Chàng cười mà bảo:
– Đây là ngày ta sinh chứ không phải là ngày ta chết, sao mày lại buồn?
Lại nói với đạo sĩ:
– Sau này, dưới gốc mẫu đơn có một mầm đỏ mọc lên, mọc một lúc năm lá tức là tôi đó.
Đoạn không nói gì nữa. Con lấy xe chở về, đến nhà thì chết. Năm sau quả có một cái mầm lớn vụt mọc lên, đủ năm lá như chàng nói trước. Đạo sĩ lấy làm lạ, năng tưới vun cây ấy. Ba năm sau cao mấy thước, to một ôm, nhưng không trổ hoa.
Đến khi đạo sĩ già rồi chết đi, đệ tử không biết, nhân thấy cây không trổ hoa, đẳn bỏ đi. Cây bạch mẫu đơn cũng héo đi rồi chết. Chẳng được bao lâu, cây nại đông củng chết nốt.
TRẦN VĂN TỪ – NGUYỄN CHÍ VIỄN dịch
Chú thích
(1) Sa Trá Lợi là một viên tướng phiên đã cướp Liễu thị, vợ Hàn Dực. Vô Song là tên một cô gái đẹp xưa, người yêu của Lưu Tiên Khách, bị lưu lạc trở thành cung nữ. Sau nhờ một nghĩa sĩ là Cổ Áp Nha giúp đỡ, lại được sum họp.
(2) Xuấ xứ từ câu nói của vua Hán Quang Vũ “Người ta khổ ở chỗ không biết thế nào là đủ. Đã dẹp được Lũng lại còn mong được cả Thục” Thục và Lũng đây ám chỉ hai người đẹp.
(3) Có bản thêm vào một câu: “biết rằng giấc mộng mới đây chính là việc này”.
(4) Có bản thêm: “ kể nỗi khổ biệt ly”.
(5)Kiệt là ông vua nổi tiếng bạo ngược ở TQ.