Thuận Thiên Mỗ Sinh, nhà nghèo, gặp phải năm đói kém theo cha đi đất Lạc kiếm ăn. Tánh chàng rất độn, mãi 17 tuổi mới viết chữ thành hàng lối, nhhưng được bộ mặt lịch sự trai, khéo pha trò, tài nghề viết thư từ, cho nên ai cũng tưởng là chàng học giỏi lắm, nhhưng không dè bên trong rỗng tuếch.
Không bao lâu, cha mẹ kế tiếp qua đời, chàng trơ trọi một mình, phải làm nghề gõ đầu trẻ ỡ Lạc, để kiếm ăn độ nhựt.
Lúc đó trong xóm có người con gái mồ côi, họ Nhan, dòng dõi một nhà học giỏi. Khi người cha còn, thường dạy nàng học, chỉ đọc qua một lượt là nhớ nằm lòng. Ngoài mười tuổi, học làm thơ, người cha nói:
– Nhà ta có nữ học sĩ, tiếc không được đội mũ thôi.
Vì thế ông rất mực yêu quí, chỉ mong kén được một người chồng quý hiển cho con. Sau lúc ông qua đời, bà mẹ nàng vẫn ôm cái chí lớn đó. Nhưng đeo đuổi ba năm cũng chẳng toại nguyện, kế bà ấy cũng mất. Có người khuyên nàng lấy chồng học trò, nàng cũng đồng ý, nhưng cũng chưa kén được ai.
Vừa lúc mụ hàng xóm leo tường qua, nói chuyện với nàng, trong tay cầm một giấy viết chữ gói chỉ thêu, nàng mỡ ra xem, thì là chữ của Mỗ Sinh viết gởi bạn ở lối xóm. Nàng xem đi xem lại, khen ngợi chữ tốt. Mụ nọ dòm biết ý tứ, nói nhỏ:
– Ấy là một chàng đẹp trai, cũng mồ côi như cô, tuổi ngang như cô, nếu cô bằng lòng thì tôi mách chàng cậy mối đến là xong.
Nàng lẳng lặng không nói chi.
Mụ nọ về ngỏ ý với chồng. Người bạn lối xóm vốn chơi thân với chàng, đem chuyện ấy nói, chàng bằng lòng lắm, nhân có chiếc vòng vàng của mẹ để lại, bèn cậy người đem đến làm lễ vấn danh và xin cưới liền.
Vợ chồng như cá nước duyên ưa, hết sức vui vẽ. Ðến bửa được thấy văn bài chồng làm, nàng phì cười và nói:
– Văn với minh dường như hai người, thế này biết đời kiếp nào thi đổ?
Từ đó sớm hôm khuyên đốc chàng học, nghiêm khắc như thầy đối với học trò. Tối đến, nàng chăm đèn ngồi, tự cất tiếng học ê a, học trước để làm gương cho chồng ; học mãi đến canh ba mới nghĩ.
Như vậy được hơn một năm, văn chương thi cử của chàng đã hơi thông, nhưng đi thi khoa nào cũng rớt. Thân danh lận đận, sinh sống lại nghèo, tự nghĩ tình cảnh buồn tênh, bất giác hu hu khóc lóc.
Nàng phát cáu, mắng nhiếc to tiếng:
– Trời để cho mình làm đàn ông thật uổng. Nếu để cho tôi bỏ khăn yếm, thay đổi làm con trai, thì tôi coi sự thi đổ dễ như trò chơi vậy.
Chàng đang buồn rầu héo gan héo ruột, nghe vợ nói khoác như vậy, quắc mắt giận nói:
– Mình là đàn bà, chưa được bước chân đến chổ thi cử bao giờ, mới tưởng công danh phú quí như chuyện xuống bếp múc nước hay nấu cháo vậy. Nếu cho mình được làm đàn ông thì rồi cũng lận đận rớt lên rớt xuống như ai, chứ tài giỏi gì?
Nàng cười:
– Mình đừng nên giận, tôi nói thiệt đó. Ðến khoa thi này, tôi sẽ cải trang mà đội tên mình vô trường thi, nếu quả thật tôi cũng lận đận rớt lên rớt xuống như mình thì xin khoét mắt không dám coi rẻ thiên hạ nữa.
Chàng cũng cười và nói:
– Khanh chưa biết nổi cay đắng bên trong ra sao, nên muốn nếm thử. Ðã muốn vậy thì cứ làm, nhưng tôi chỉ sợ chân tướng lộ ra bị làng xóm cười chê mà thôi.
Nàng trả lời:
– Tôi nhất định làm thiệt không phải giả bộ đâu. Còn nhớ thường ngày mình nói tổ tiên có nếp nhà cũ ở đất Yên, vậy tôi xin cải trang làm con trai đi theo mình về ở đó, giả làm em mình, làng xóm biết đấy là đâu.
Chàng nghe theo. Nàng liền vô buồng bịt khăn mặc áo nam tử đi ra hỏi chồng:
– Mình xem tôi có làm con trai được không nào?
Chàng nhìn vợ quả thật là một thiếu niên đẹp trai, trong lòng mừng rỡ, lập tức đi chào lới xóm để về cố hương. Những người chơi thân đều có quà tặng, mua một con ngựa đở chân, cùng vợ lên đường.
Người anh con nhà bác của chàng còn sống thấy hai em về, cùng trẻ đẹp, hết sức vui mừng sớm hôm chăm nom giúp đở. Lại thấy hai em thức khuya dậy sớm chăm chỉ học hành, lòng thêm yêu quí, thuê một thằng bé để hầu hạ riêng. Nhưng buổi tối, chàng đuổi thằng bé về.
Mỗi khi trong làng có đám cưới đám giổ gì mời thĩnh, duy có anh (anh đây tức là chàng) ra mặt, còn em chỉ ngồi học trong buồng, đến nổi về làng đã nữa năm mà ít người được trông thấy mặt.
Có người nào ân cần xin cho giáp mặt thì anh từ chối hộ. Người ta xem văn bài của em hay quá, lấy làm kinh hải. Có kẻ xông vào tận nơi thì em chỉ cái chào qua loa, rồi ẩn mặt ngay.
Những người được thấy dung nhan, đều hâm mộ tán dương, vì thế tiếng tăm vang dậy, mấy nhà quyền quí tranh nhau, muốn gã con gái cho. Người anh con bác đem chuyện ấy bàn tính, em chỉ nhoẻn cười, cố nài ép thì nói:
– Thề lập chí trèo lên mây xanh, không thi đậu thì không lấy vợ.
Gặp kỳ thi hạch tại tĩnh, anh em cùng đi thi. Anh lại rớt. Em đậu số một, rồi thi Hương đậu Cử nhơn thứ tư, qua năm sau đậu luôn tấn sĩ.
Trào đình bổ đi tri huyện Ðồng thành, việc cai trị giỏi dang, lần lần thăng Chưởng Ấn Ngự Sữ ở Hà Nam, giàu có ngang bậc vương hầu. Rồi viện cớ bệnh tật xin về quê quán hưu dưỡng. Quan khách đến thăm đầy ngỏ, đều từ tạ không tiếp.
Từ lúc học trò cho tới khi quý hiển, không hề nói tới sự cưới vợ, khiến ai cũng lấy làm lạ. Sau khi về hưu, dần dà có nuôi thị nữ hầu hạ. Người ta nghi chắc có sự tòn ten với mấy ả này, nhưng người chị dâu để ý dò xét, tuyệt nhiên không có sự gì ám muội.
Minh trào mất ngôi, trong nước đại loạn,bấy giờ mới tự thú với chị dâu:
– Thú thiệt với chị, em không phải là đàn ông, mà chính là vợ của Tiểu lang đó. Vì thấy chồng học lôi thôi thi mãi chẳng đậu, em phát cáu tự làm cho biết tay. Bấy lâu giấu diếm hồi hộp, chỉ lo đở bể ra, bị nhà vua triệu vô tra hỏi thì thiên hạ cười chết.
Chị dâu không tin. Bèn tháo giày vớ đưa bàn cẳng cho xem, bấy giờ chị mới chưng hửng, nhìn trong giày thấy lót đầy bông gòn và vải. Từ đó, nàng trở lại làm đàn bà, còn chức hàm của vợ thì chàng lãnh lấy.
Hồi nào tới giờ, nàng không hề chửa đẻ, bèn ra tiền mua hầu cưới thiếp cho chồng, và nói:
– Phàm ai làm nên giàu sang cũng mua hầu có thiếp để tư phụng cho sướng thân. Riêng tôi làm quan trải mười năm, chỉ vò vỏ một mình, thế thôi. Mình phước gì mà được hưỡng hầu non gái đẹp như vầy chớ?
Chàng cười và nói bỡn:
– Thì mình lựa chọn lấy ít cậu đẹp trai để chúng hầu hạ, như kiễu Sơn Âm công chúa, em Tống phế đế ngày xưa vậy, có sao? Xin mình cứ việc.
Người đồn nhau câu chuyện ấy làm một trò cười.
Lúc ấy, cha mẹ chàng được ơn vua truy tặng mấy lần. Các hàng văn thân đến mừng, đều tôn chàng là quan Thị ngự, nhưng chàng hổ thẹn về sự nhận chức hàm do vợ làm nên, cho nên suốt đời cam làm anh học trò tầm thường, đi ra chưa từng dùng võng lọng bao giờ.