Họ Cảnh ở Thái Nguyên, vốn trước là thế gia, cửa nhà rộng rãi bề thế. Về sau sa sút, lầu viên san sát bỏ hoang đến quá nửa. Nhân đó, sinh ra nhiều điều quái dị. Cửa vào nhà lớn cứ tự dưng mở đóng, thường khi giữa đêm hôm, người nhà hốt hoảng xôn xao. Cảnh đâm lo, phải dời đến một cơ ngơi khác ở, chỉ để một ông lão ở lại canh cửa mà thôi.
Từ đấy, cảnh hoang tàn đổ nát càng tệ hơn. Có người còn nghe cả tiếng nói cười đàn hát trong đó nữa.
Cảnh có người cháu ruột tên là Khứ Bệnh, tính cuồng phóng, không gì câu thúc nổi, dặn ông lão hễ nghe thấy gì lạ chạy đi báo cho mình ngay. Ðêm đó, thấy trên lầu có ánh đèn lúc sáng lúc tắt, ông lão vội đến báo với chàng.
Chàng muốn vào tận nơi xem cho biết sự lạ, ai ngăn cũng không được.
Cửa ngõ trong nhà vốn đã thuộc hết, chàng bàn rẽ cỏ rậm, lần đường quanh co đi vào. Trèo lên lầu rồi, vẫn chưa thấy có gì khác lạ. Băng qua lầu đi quá vào trong nữa, thì nghe có tiếng người nói chuyện rì rầm. Lén nhòm xem, thấy hai ngọn đèn lớn thắp song song, sáng trưng như ban ngày. Một ông già khăn áo nhà nho, ngồi quay mặt hướng Nam; đối diện là một bà già, cả hai đều khoảng ngoài bốn mươi tuổi. Ngoảnh Về hướng Ðông là một chàng trai tuổi chừng hai mươi; bên phía tay mặt lại là một cô gái, tuổi mới cập kê. Ai nấy đang cùng ngồi vây quanh một bàn đầy rượu thịt, vui cười trò chuyện.
Chàng đột ngột bước vào, cười, nói to lên rằng:
– Có một người khách không mời mà đến đây!
Cả đám cùng kinh hoảng chạy trốn, riêng ông già bước ra, quát hỏi:
– Ai mà lại dám xông vào buồng riêng nhà người ta thế?
Chàng đáp:
– Ðây là buồng nhà tôi, ông chiếm lấy. Có rượu ngon tự mình uống với nhau, không mời qua chủ nhà một câu, chẳng phải là bủn xỉn lắm sao?
Ông già ngắm kỹ một lượt rồi nói:
– Không phải là chủ nhân mà.
Chàng nói:
– Tôi là đồ ngông, tên là Cảnh Khứ Bệnh, cháu ruột của chủ nhân đây.
Ông già vội kính cẩn đáp:
– Lâu nay vẫn ngưỡng mộ danh tiếng Thái Sơn, Bắc Ðẩu!
Bèn đưa tay vái, mời chàng vào. Rồi gọi người nhà thay mâm cỗ.
Chàng ngăn lại. Ông liền rót rượu mời khách. Chàng nói:
– Chúng ta hai nhà như một, khách khứa cùng ngồi với nhau cần gì phải lánh mặt, xin mời cả ra cùng uống cho vui. Ông già gọi Hiếu Nhi, giây lát chàng trai từ ngoài bước vào. Ông nói:
– Ðây là thằng con tôi.
Vái chào rồi ngồi xuống. Hỏi thăm qua về gia thế, ông già tự nói mình tên là Nghĩa Quân, họ Hồ.
Chàng vốn tính hào hoa, nói năng bàn luận như gió. Hiếu Nhi cũng là người phóng khoáng, chuyện trò qua lại, đã thấy mến nhau ngay. Chàng hai mươi mốt tuổi, hơn Hiếu Nhi hai tuổi, bàn gọi cậu ta là em. Ông già bảo:
– Nghe nói cụ tổ ngài khi xưa có sọan cuốn Ðồ Sơn ngoại truyện ngài có biết chăng?
Chàng đáp:
– Thưa có biết.
Ông già nói tiếp:
– Chúng tôi là giòng dõi họ Ðồ Sơn đây. Từ đời Ðường trở về sau, gia phả còn nhớ được, còn từ Ngũ Ðại trở về trước thì thất truyền. Dám xin công tử làm ơn chỉ giáo cho.
Chàng kể qua công trạng của cô gái họ Ðồ giúp vua Vũ thuở xưa, thêm thật nhiều lời, lưu loát trôi chảy.
Ông lão cả mừng, bảo con trai rằng:
– Hôm này may mắn được nghe những điều chưa từng được nghe bao giờ. Công tử đây cũng chẳng phải ai xa lạ, hãy vào mời mẹ và Thanh Phượng ra cùng nghe, để cho biết công đức của tổ tiên mình một thể.
Hiếu Nhi bước vào sau bức màn. Chốc lát, bà cụ cùng cô gái bước ra. Nhìn kỹ, thấy dáng liễu yêu kiều, làn thu ba lóng lánh, trên đời dễ không ai đẹp bằng. Ông già trỏ vào bà cụ nói:
– Ðây là bà lão nhà tôi.
Lại trỏ sang cô gái nói tiếp:
– Còn đây là Thanh Phượng, cháu gọi tôi bằng chú. Cũng có phần sáng dạ, hễ nghe được điều gì nhớ không quên. Cho nên gọi ra cho nghe cùng.
Chàng nói chuyện xong bàn uống rượu, nhìn cô gái trân trân không chớp mắt. Cô gái biết, bèn cúi đầu xuống. Chàng ngầm đặt chân lên mũi giầy của nàng. Nàng vội thu chân lại, nhưng cũng không có ý giận dữ. Bấy giờ tâm thần, chí của chàng đều bay bổng, không thể tự chế được nữa, liền vỗ bàn mà nói:
– Ðược người vợ như thế này, dẫu đổi cho làm vua cũng không màng.
Bà cụ thấy chàng đã có vẻ say, càng thêm ngông, bàn cùng cô gái đứng dậy, vén bức màn, bước vào. Chàng mất hết hứng thú, cũng từ biệt ông già về. Nhưng tơ lòng vấn vương, không sao quên được tình cảm của mình đối với Thanh Phượng.
Ðến đêm, lại lần sang, thì hương còn thơm nức, mà chờ đợi đến hết đêm, tịnh không còn nghe một tiếng động nhỏ. Trở Về bàn với vợ, muốn đem cả nhà sang ở hẳn bên đó, hầu mong lại có lúc được hội ngộ chăng. Vợ không nghe. Chàng cứ một mình dọn sang, học hành dưới lầu. Ban đêm đang ngồi tựa ghế, thì một con quỷ xoã tóc bước vào, mặt đen như sơn, trừng mắt ngó chàng. Chàng cười, nhúng ngón tay trỏ vào nghiên mực rồi tự bôi lên mặt, giương mắt thao láo nhìn lại. Con ma thẹn mà bỏ đi. Ðêm hôm sau, canh đã khuya, vừa tắt đèn định nằm, nghe phía sau lầu có tiếng mở then, rồi tiếng kẹt cửa. Chàng vội trở dậy nhìn xem thì thấy cánh cửa hé mở. Giây lát, nghe có tiếng giầy nhỏ nhẹ, lại có ánh đèn từ phòng trong đi ra. Nhìn sang, thì chính là Thanh Phượng. Bất chợt thấy chàng, nàng hoảng hốt trở lui vào, vội vã đóng hai cánh cửa lại. Chàng quỳ dài xuống, nói vọng vào:
– Tiểu sinh không nề hà khó khăn, nguy hiểm, thực cũng chỉ vì nàng. May gặp lúc không có ai, xin được cầm tay cười một tiếng, thì chết cũng không dám ân hận.
Cô gái từ trong nói ra:
– Thâm tình khăng khít, sao thiếp lại không hay, nhưng lời giáo huấn của chú về phận gái chốn khuê môn rất nghiêm, nên không dám vâng mệnh.
Chàng cố van nài:
– Cũng chẳng dám mong được kề da áp thịt, chỉ xin trông thấy nhan sắc cũng đủ lắm rồi.
Cô gái dường như có ý bằng lòng, mở then cửa bước ra, nắm lấy cánh tay chàng kéo dậy. Chàng mừng cuống lên, đem nhau xuống dưới lầu, ôm ghì lấy và đỡ lên ngồi trên đầu gối mình.
Nàng bảo:
– Cũng may có chút túc duyên, nhưng chỉ hết đêm nay thôi, sau dầu có nhớ nhau cũng không làm gì được nữa.
Chàng hỏi:
– Vì sao vậy?
Nàng đáp:
– Chú thiếp sợ chàng ngông, nên giả dạng làm quỷ dữ để dọa chàng, mà chàng vẫn không nao núng; hôm nay tính dọn nhà đi nơi khác. Cả nhà đều đã mang đồ đạc đến nơi ở mới, chỉ còn mình thiếp ở lại đây coi giữ, ngay mai cũng ra đi.
Nói xong định lui gót, bảo rằng:
– Sợ chú Về.
Chàng gắng giữ lại, muốn cùng nàng giao hoan. Ðương lúc còn giằng co, đối đáp, thì ông già ập vào. Cô gái vừa thẹn, vừa sợ, không biết làm thế nào, chỉ cúi đầu đứng tựa thành giường, mân mê giải áo, không nói gì cả.
Ông già giận dữ mắng:
– Con tiện tì này, làm nhơ nhuốc danh giá nhà tao! Không đi ngay, roi vọt quất vào lưng bây giờ!
Nàng cúi đầu vội vã bước ra. Ông già cũng ra theo. Chàng từ phía sau lắng nghe, tiếng chửi mắng vang lên không ngớt, rồi tiếng Thanh Phượng khóc rưng rức. Lòng đau như cắt, chàng cất tiếng nói to lên:
– Tội lỗi ở cả tiểu sinh đây, chứ Thanh Phượng có dự gì vào đấy? Hãy tha lỗi cho Phượng, bao gươm đao rìu búa, một mình tiểu sinh xin chịu tất.
Một lúc thấy yên ắng, chàng bàn trở về giường ngủ.
Từ đấy, trong nhà tuyệt không còn nghe thấy tăm hơi gì nữa. Chú chàng được tin lấy làm lạ, vui lòng bán rẻ cơ ngơi cho chàng. Chàng mừng, đem cả gia quyến dọn sang. ở được hơn một năm, vừa lắm, song vẫn chưa một lúc nào quên được Thanh Phượng.
Gặp tiết thanh minh, chàng đi tảo mộ, lúc trở về thấy hai con chồn nhỏ đang bị chó đuổi riết. Một con nhảy vào bụi rậm chốn thoát, còn một con chạy cuống qut ở trên đường, từ xa trông thấy chàng, quẩn lại bên cạnh, kêu thương, cụp tai cúi đầu, dường như có cầu cứu. Chàng bỗng thấy thương, mở vạt áo bọc vào, đem về. Ðến nhà, đóng cửa, đặt lên giường, thì ra là Thanh Phượng. Mừng quá đỗi, bèn an ủi và thăm hỏi. Nàng đáp:
– Vừa rồi, đang cùng con hầu đùa giỡn thì gặp phải nạn lớn. Nếu không có chàng, ắt đã táng mạng vào bụng chó. Mong không vì khác loaì mà ghét bỏ nhau.
Chàng đáp:
– Ngày đêm tưởng nhớ, hồn mộng vấn vương. Nay gặp nàng như bắt được của báu, có đâu lại nói đến ghét bỏ!
Nàng nói:
– Ấy cũng là số trời. Nếu không vì gặp chuyện thì đâu còn được theo nhau? Nhưng thế cũng lại là may, con hầu hẳn cho thiếp đã chết, thì có thể cùng chàng đính ước bền lâu được.
Chàng mừng dọn một căn nhà riêng làm chỗ ở cho nàng.
Cứ thế được hơn hai năm, một đêm, chàng đang đọc sách, chợt Hiếu Nhi ở đâu bước vào. Chàng ngừng đọc, ngạc nhiên hỏi đến có việc gì. Hiếu Nhi sụp xuống đất, cất tiếng buồn thảm nói:
– Phụ thân tôi gặp nạn bất kỳ, phi anh ra không ai cứu nổi. Lẽ ra phải thân đến khẩn cầu, nhưng sợ không được tiếp, nên cho tôi đi thay.
Hỏi có việc gì thì Hiếu Nhi đáp:
– Công tử có quen biết cậu Ba nhà họ Mạc không.
Chàng đáp:
– Người ấy là con nhà đồng niên với tôi.
Hiếu Nhi nói:
– Ngày mai cậu ta đi qua đây, Nếu có đem theo một con chồn săn được, mong anh giữ lại cho.
Chàng đáp:
– Câu chuyện xấu hổ dưới lầu hồi nào, vẫn canh cánh mãi trong dạ, nên những việc gì khác, không dám tự biết đến. Như muốn tôi đem hết sức hèn ra giúp, trừ phi Thanh Phượng đến đây, không xong.
Hiếu Nhi rơi lệ đáp rằng:
– Em Phượng đã chết ngoài đồng từ ba năm nay rồi!
Chàng bèn giũ áo nói:
– Ðã thế thì mối hận lại càng sâu nặng hơn thôi.
Rồi chàng cầm sách cao giọng ngâm nga, tuyệt không đoái nhìn đến gì nữa. Hiếu Nhi đứng dậy, khóc lạc cả giọng, che mặt mà bước ra.
Chàng liền đến buồng Thanh Phượng, kể cho nghe duyên cớ. Nàng thất sắc hỏi:
– Thế có cứu thật không?
Chàng đáp:
– Cứu thì vẫn cứu, nhưng vừa rồi mà không nhận lời ngay là cũng để trả miếng chuyện ngang ngược hồi trước cái đã.
Nàng mới mừng rỡ nói:
– Thiếp mồ côi từ bé, nhờ chú nuôi nấng mới trưởng thành. Ngày ấy, dẫu có mang lỗi với chàng, nhưng cũng do phép tắc trong nhà mà phải thế.
Chàng nói:
– Ðành thế, nhưng cũng không khỏi phải làm người ta ấm ức trong lòng. Nàng mà chết thật, thì nhất định là không cứu đâu.
Nàng cười mà đáp:
– Nhẫn tâm nhỉ!
Ngày hôm sau quả nhiên có chàng Ba họ Mạc đến, túi cung da hổ, đai ngựa chạm vàng, đầy tớ theo hầu rất hách. Chàng ra cửa đón tiếp, trông thấy các giống cầm thú săn được rất nhiều, trong đó có một con chồn đen, máu ướt đẫm cả da và lông. Vỗ vỗ xem, da thịt hãy còn ấm. Bèn thác cớ áo cừu bị rách, hỏi xin để dùng vá áo. Mạc khảng khái cởi dây ra tặng chàng. Chàng liền giao ngay cho Thanh Phượng, rồi ra yến ẩm với khách. Khi khách đi về rồi, cô gái ôm con hồ vào lòng, ba ngày sau thì sống lại. Quay trở một lát, lại hóa thành ông già. Ngước mắt nhìn thấy Phượng, ngỡ mình không còn ở dưới cõi trần. Nàng lần lượt kể hết thực tình. Ông già bàn sụp xuống lạy, thẹn thùng xin tạ lỗi xưa. Rồi mừng rỡ nhìn nàng nói:
– Ta vẫn cho là mày không chết, nay quả thế thật.
Cô gái nói với chàng:
– Như chàng có lòng nghĩ đến thiếp, thì xin cho mượn chỗ nhà lầu, để thiếp được trả nghĩa chú về công ơn nuôi nấng.
Chàng nhận lời. Ông già bẽn lẽn, giã biệt mà đi. Ðến tối, quả mang cả nhà lại. Từ đó, như cha con trong một nhà, không còn điều gì nghi kỵ.
Chàng ở riêng chỗ nhà học. Hiếu Nhi thỉnh thoảng đến cùng chuyện trò. Con trai người vợ cả của chàng dần dần lớn lên, bèn nhờ Hiếu Nhi dậy dỗ, vì tính nết ôn tồn, chỉ vẽ khéo léo, thật có tư cách mô phạm của ông thầy.