Đinh Điển kể tiếp:
Phương Đông trời vừa hửng sáng, ta cùng nàng chia tay, trở về nhà giam.
Lúc này tuy ta có thể ra khỏi nhà ngục, nhưng hàng ngày ta thích ngắm hoa trên thành cửa sổ, nên ta định vĩnh viễn không bỏ đi nữa…
Thậm chí có người hành thích Lăng Thoái Tư, ta vẫn giải cứu lão, vì… lão mà bị thích khách giết đi thì một mình Sương Hoa phải lênh đênh trơ trọi, không còn chỗ nào nương tựa.
Y nói tới đây, thanh âm dần dần nhỏ đi.
Địch Vân liền tìm lời an ủi:
– Đại ca cứ yên tâm. Nếu quả đại ca hết đường điều trị, tiểu đệ nhất định đem đại ca hợp táng với Lăng tiểu thư. Tiểu đệ chẳng ham muốn võ kinh, kiếm quyết chi hết. Dù đại ca có đọc, tiểu đệ cũng nhất quyết không để lọt vào tai.
Nét mặt Đinh Điển lộ vẻ vui mừng một cách thành thật đáp:
– Hảo huynh đệ! Ta kết giao cùng huynh đệ thật đã không uổng. Huynh đệ chịu lời hợp táng ta với nàng cùng một chỗ, ta rất vui mừng, chết đi cũng nhắm mắt được…
Thanh âm mỗi lúc một yếu ớt, Đinh Điển nói tiếp:
– Nếu huynh đệ tìm được kho tàng này, bất tất phải giữ làm của riêng mình, nên đem cứu cấp cho bọn người khổ sở trong thiên hạ. Những kẻ cùng khổ ở đời như anh em ta trên đời phỏng có thiếu gì? Nếu huynh đệ không chịu nghe để ghi nhớ Liên Thành Quyết thì sau khi ta chết đi là thất truyền, há chẳng đáng tiếc?
Địch Vân gật đầu vì chàng nhận ra lời Đinh Điển nói rất có lý.
Đinh Điển hít một hơi chân khí rồi nói:
– Huynh đệ hãy nghe cho kỹ. Đây toàn là số mục, sai trật là không được đâu.
Địch Vân ngưng thần lắng tai nghe.
Đinh Điển đọc:
– Chữ đầu là số “”, chữ thứ hai là số “”, chữ thứ ba là số “”, chữ thứ tư là số “”…
Địch Vân nghe mà chẳng hiểu ra làm sao thì đột nhiên ngoài vườn hoa có tiếng bước chân vang lên rồi tiếng người nói:
– Thử vào trong vườn xục tìm coi.
Đinh Điển sợ hãi thất sắc nhảy vọt lên. Địch Vân cũng nhảy theo. Chàng nhìn thấy ba đại hán do cổng sau tường hoa tiến vào.
Đinh Điển ngước mắt ngó thấy ba người kia, ngấm ngầm buông tiếng thở dài, bụng bảo dạ:
– Giả tỷ ta chưa bị trúng độc thì công phu của bọn Ưng trảo tử này cao cường đến đâu ta cũng không sợ. Nhưng hiện giờ thật khó nói quá! Chẳng lẽ Liên Thành Quyết này từ đây đành để thất truyền?
Trong lòng xoay chuyển ý nghĩ, y quyết định chủ ý:
– Chuyến này không mạo hiểm không xong.
Rồi cất tiếng hỏi:
– Huynh đệ! Vừa rồi ta đọc bốn chữ, huynh đệ đã nhớ chưa?
Địch Vân thấy ba đại hán đã gần đến trước mặt, vây thành hình cánh cung.
Trong đám này một người cầm đao, một người cầm kiếm. Còn người nữa tay không nhưng sắc mặt đầy vẻ nham hiểm, thái độ rất khủng khiếp. Chàng để hết tinh thần coi chừng địch nhân, chưa kịp trả lời câu hỏi của Đinh Điển.
Đinh Điển nóng ruột lớn tiếng:
– Huynh đệ đã nhớ chưa?
Địch Vân run lên đáp:
– Chữ đầu là…
Chàng toan nói chữ đầu là số “”, nhưng lại tự nghĩ:
– Nếu ta nói lên tiếng há chẳng để bọn địch nhân nghe rõ?
Chàng liền đưa bàn tay ra sau lưng chĩa bốn ngón lên.
Đinh Điển nói:
– Hay lắm!
Hán tử sử đao cười lạt hỏi:
– Họ Đinh kia! Ngươi cũng là một trang hán tử, đã đến bước đường này mà còn lảm nhảm nói những gì như kiểu đàn bà? Ngươi hãy ngoan ngoãn theo anh em ta về đi để khỏi tổn thương hòa khí.
Hán tử sử kiếm nhìn Địch Vân hỏi:
– Địch đại ca! Lâu nay tiểu đệ không được gặp, đại ca mạnh giỏi chứ? Đại ca ở chốn lao tù có được thảnh thơi chăng?
Địch Vân nghe thanh âm rất quen thuộc, không khỏi sửng sốt. Chàng ngưng thần nhìn lại liền nhớ ra ngay. Gã chẳng phải ai xa lạ mà chính là Chu Kỳ, nhị đệ tử của Vạn Chấn Sơn. Cách mặt lâu năm, nay trên môi gã đã để hàng ria nhỏ và phục sức cực kỳ hoa lệ, nên ban đầu chàng không nhận ra.
Địch Vân vừa nhớ tới gã là đệ tử ở Vạn môn, bao nhiêu mối căm hờn vì bị chúng hãm hại, dào dạt nổi lên trong đầu óc. Mặt đỏ bừng, chàng lớn tiếng quát:
– Ta tưởng ai, té ra là Chụ.. Chụ.. Chu nhị ca.
Chàng toan hô thẳng tên Chu Kỳ, song nghĩ lại mình nên nhẫn nại, mới hô là Chu nhị ca.
Đinh Điển đoán được tâm lý chàng cười nói:
– Hay lắm!
Y nhận thấy chỉ trong chớp mắt sẽ xảy ra cuộc chiến đấu sinh tử mà Địch Vân còn kiềm chế được mối phẫn nộ trong lòng, kêu địch nhân bằng “Chu nhị ca” thì chàng không phải là một kẻ dũng phu chỉ biết hung hăng liều mạng.
Đinh Điển hỏi Chu Kỳ:
– Chu nhị gia đây chắc là cao đồ dưới trướng Vạn lão gia? Hay lắm! Hay lắm! Chu nhị gia vào làm đương sai cho Lăng Tri phủ từ hồi nào?
Rồi y quay lại bảo Địch Vân:
– Địch huynh đệ! Ta giới thiệu cho huynh đệ biết:
Vị này là Mã Đại Minh, một cao thủ ở Vạn Thắng Đao, ngoại hiệu là “Hiệp nghĩa khách”.
Địch Vân hắng dặng một tiếng, hỏi:
– Ngoại hiệu hay quá nhỉ? Nhưng không hiểu là chân hay giả?
Đinh Điển đáp:
– Cái đó ư? Ha ha! Ta khó mà trả lời được.
Y lại trỏ vào hán tử tay không giới thiệu:
– Vị này là Song Đao Cảnh Thiên Bá, một hảo thủ ngoại gia ở phái Thiếu Lâm. Cảnh đại hiệp lừng danh hai miền nam bắc sông Đại giang về môn Thiết Sa chưởng. Các bạn đồng đạo võ lâm đều nói đôi thiết chưởng của đại hiệp sắc bén như đao, nên dành cho đại hiệp cái ngoại hiệu là “Song Đao”. Thực ra, Cảnh huynh trước nay vẫn không sử dụng binh khí.
Địch Vân hỏi:
– Võ công của hai vị đây đáng liệt vào hạng nào?
Đinh Điển đáp:
– Hai vị đáng liệt vào hảo thủ hạng ba, muốn trèo lên hạng nhì nhưng đến hết đời cũng không hy vọng.
Địch Vân hỏi:
– Tại sao vậy?
Địch Vân đáp:
– Vì hai vị không được danh sư truyền thụ võ công mà tư chất trong người lại quá tầm thường.
Đinh Điển và Địch Vân kẻ vấn người đáp như chỗ không người, khiến cho Mã Đại Minh và Cảnh Thiên Bá tức muốn vỡ ngực.
Mã Đại Minh chỉ bật tiếng cười khẩy, chứ không nổi nóng.
Cảnh Thiên Bá không nhịn được, quát mắng:
– Quân giặc thối tha kia! Các ngươi chết đến gáy rồi mà còn nỏ mồm tán láo ư? Hãy nếm một đao của ta đây.
Hắn nói là đao mà thực ra phóng chưởng đánh tới. Có điều chưởng lực của hắn rất hùng hậu, hễ trúng vào người địch nhân thì sắc bén chẳng kém gì lưỡi cương đao.
Tiếng quát chưa dứt, thế chưởng đã phóng tới Đinh Điển sau khi bị trúng độc, vận khí sử kình rất khó khăn, không dám thẳng thắn đón tiếp, nghiêng mình né tránh.
Không ngờ chưởng pháp của Cảnh Thiên Bá quả có chỗ đặc biệt hơn người.
Chưởng đầu đánh vào quãng không, chưởng thứ hai lại tới liền.
Đinh Điển đã biết đây là “Biến thế chưởng”, vội xoay tay hóa giải. Nhưng y vừa vung chưởng lên rồi mà luồng kình lực rất yếu ớt không phát huy được.
“Bốp” một tiếng! Y bị chưởng tay mặt của Cảnh Thiên Bá đánh trúng vào cạnh nách.
Môn Thiết Sa chưởng của phái Thiếu Lâm quả nhiên danh bất hư truyền.
Đinh Điển lảo đảo người đi, ọe một tiếng, thổ ra búng máu tươi.
Cảnh Thiên Bá bật cười hỏi móc:
– Sao thế? Ta ở hạng ba, vậy ngươi ở hạng mấy?
Đinh Điển hít một hơi chân khí, đột nhiên cảm thấy nội tức lưu thông khoan khoái.
Nguyên chất kịch độc của Phật Tòa Kim Liên thấu vào huyết quản khiến cho huyết dịch lưu thông mỗi lúc một chậm lại. Đinh Điển vừa thổ máu tươi ra tuy bị thương khá nặng, nhưng độc tính tạm thời tiêu diệt. Y mừng thầm trong dạ, lập tức tiến lên phóng chưởng đánh tới Cảnh Thiên Bá.
Cảnh Thiên Bá giơ ngang chưởng lên đỡ.
Đinh Điển khoa tay trái một vòng. “Bốp” một tiếng! Phát chưởng của y đã đập trúng vào miệng đối phương.
Tiếp theo Đinh Điển lại xoay tay mặt một vòng phóng chưởng đánh xuống đầu địch nhân.
Cảnh Thiên Bá rú lên một tiếng:
– Úi chao!
Hắn vội lùi lại phía sau.
Đinh Điển đột nhiên vung tay mặt lại đánh trúng một chưởng vào trước ngực Cảnh Thiên Bá.
Cảnh Thiên Bá lại la lên:
– Trời ơi!
Rồi lại lùi thêm hai bước.
Đinh Điển thấy mình đánh trúng ba phát vào những chỗ trọng yếu đối phương mà địch nhân vẫn lùi lại được thì trong lòng không khỏi chua xót. Y biết mình sau khi trúng độc, công lực giảm sút quá nhiều. Kể ra trong ba phát chưởng này mà có công lực Thần Chiếu Công thì chỉ một phát cũng đủ đánh chết cao thủ hạng nhất hiện nay.
Môn Thiết Sa chưởng của Cảnh Thiên Bá tuy rất cao cường, nội lực hắn lại chưa có gì đáng kể. Thế mà hắn bị trúng ba chưởng liền vẫn còn đứng được không bị té nhào làm cho Đinh Điển cực kỳ thất vọng.
Đinh Điển tự biết mình sắp chết đến nơi, tuy y là người bản tính khoát đạt đã quyết định sống thác với tình mà lúc này cũng cảm thấy nông nỗi của đấng anh hùng mạt lộ, bất giác nỗi thương thần lộ ra ngoài mặt.
Cảnh Thiên Bá bị trúng ba chưởng liền cả kinh thất sắc. Hắn cảm thấy trên mặt, đỉnh đầu, trước ngực đều ngâm ngẩm đau, liền nghĩ tới ba chỗ đó đều là nơi khẩn yếu trí mạng, chưa rõ thương thế ra sao, bất giác sinh lòng khiếp sợ.
Mã Đại Minh đưa mắt ra hiệu cho Chu Kỳ và bảo gã:
– Chu huynh đệ! Chúng ta song song xông vào đi.
Chu Kỳ đáp:
– Phải rồi!
Tuy gã tự lượng không phải là đối thủ của Địch Vân, nhưng nghĩ tới mình sử kiếm mà đối phương tay không, hơn nữa những ngón tay mặt chàng đã bị đứt hết, xương tỳ bà lại bị xuyên thủng thì dù công lực có cao cường đến đâu cũng không phát huy được. Gã liền vung kiếm nhằm Địch Vân đâm tới.
Đinh Điển đã biết Địch Vân chưa luyện thành môn Thần Chiếu Công và nội lực chàng lúc này kém xa trước khi vào ngục. Nếu chàng đem tay không đối phó với Chu Kỳ tất bị uổng mạng.
Y liền nghiêng người đi vươn tay trái ra đoạt trường kiếm trong tay Chu Kỳ.
Chiêu thức này thi triển rất thần tốc mà kỳ dị khôn lường. Chu Kỳ chưa kịp phát giác, ba ngón tay của Đinh Điển đã chụp vào huyệt mạch môn bên tay mặt gã.
Chu Kỳ giật mình kinh hãi. Gã cho là thanh kiếm của mình tất tuột khỏi tay và tánh mạng khôn toàn.
Ngờ đâu ngón tay của địch nhân tuy chụp trúng huyệt mạch môn mà huyệt đạo vẫn không bị kiềm chế. Gã liền tiện tay hất ra một cái. Thanh trường kiếm xoay đi đâm lẹ vào trước ngực Đinh Điển.
Đinh Điển buông tiếng thở dài, than thầm:
– Không phát huy được kình lực là hỏng rồi!
Mã Đại Minh biết nhiều hiểu rộng. Hắn thấy Đinh Điển đã động thủ cùng Cảnh Thiên Bá và Chu Kỳ, cả hai lần Đinh Điển đã chiếm thượng phong mà không thủ thắng được, liền hiểu lý lẽ, bụng bảo dạ:
– Lăng Tri phủ bảo hắn trúng kịch độc, đây chắc là chất độc phát tác làm cho công lực của hắn giảm sút rất nhiều.
Cảnh Thiên Bá cũng nhìn thấy Đinh Điển chắc chắn đoạt được kiếm mà lại hỏng, tuy hắn tánh tình thô bạo, nhưng đã được danh sư chỉ điểm, biết là võ công Đinh Điển rất tinh thâm, song nội lực không đủ. Hắn tự nhủ:
– Ta chẳng thể để người đoạt mất công lao. Tên họ Đinh chiêu số tuy lợi hại nhưng khác nào hổ lạc bình nguyên… Ồ! Con mẹ nó…
Hắn toan nói câu “Hổ lạc bình nguyên bị chó lờn”, nhưng chợt nhớ ra nếu nghĩ thế thì ví Đinh Điển như lão hổ, mà tự coi mình là chó hay sao? Vì thế hắn dừng lại.
Mã Đại Minh và Cảnh Thiên Bá nghĩ chín chắn rồi đồng thời nhảy xổ vào Đinh Điển.
Địch Vân quát hỏi:
– Ngươi tự xưng là Hiệp nghĩa khách, hành động nghĩa hiệp của ngươi là như vậy chăng?
Chàng liền vung quyền nhắm Mã Đại Minh đánh tới.
Đinh Điển vừa đẩy vai chàng vừa hô:
– Địch huynh đệ! Huynh đệ hãy lùi lại.
Y đưa tay mặt chụp một cái trúng vào cổ họng Mã Đại Minh.
Cái chụp của Đinh Điển là một chiêu số trí mạng đưa người vào chỗ chết.
Đừng nói trên tay y có nội lực hùng hậu về Thần Chiếu Công, mà là kẻ nội công tầm thường, một khi đã chụp ngón tay vào bộ vị khẩn yếu này là đủ làm cho đối phương phải mất mạng.
Mã Đại Minh chẳng còn hồn vía nào nữa vội nằm xuống đất lăn người đi tránh được.
Đinh Điển lại một phen thất vọng, ngấm ngầm thở dài, lẳng lặng quan sát tình thế.
Y nhận thấy nội lực của mình mỗi lúc một thêm suy nhược, chỉ còn trông vào chiêu số cao minh hơn địch nhân. Y có chống chọi được cũng chỉ trong khoảnh khắc. Nếu không đọc Liên Thành Quyết cho Địch Vân nghe thì vụ bí mật này tan ra mây khói, thật là đáng tiếc!
Y quyết định chủ ý rồi nói:
– Địch huynh đệ! Huynh đệ hãy nghe lời ta. Bây giờ huynh đệ ẩn vào sau mình ta, đừng lý gì đến địch nhân nữa, hãy lưu tâm ghi nhớ khẩu quyết. Vụ này không phải tầm thường, chúng ta ráng làm cho nên việc. Sở dĩ tiểu huynh lâm vào tình trạng ngày nay cũng chỉ vì cái đó.
Địch Vân đáp:
– Dạ! Xin tuân lời đại ca.
Chàng ẩn vào phía sau Đinh Điển.
Đinh Điển đọc:
– Chứ thứ năm là số “”…
Mã Đại Minh biết Lăng Tri phủ hạ lệnh xục tìm đuổi bắt Đinh Điển vì chủ ý truy ra một tập bí lục võ công.
Chu Kỳ vào làm đương sai cho Lăng Thoái Tư đã không vì danh cũng chẳng vì lợi, mà là vâng lệnh sư phụ ngấm ngầm điều tra Liên Thành Quyết.
Lúc này hai người nghe Đinh Điển nói đến chữ thứ năm là số “” chúng liền chợt động tâm cơ, ghi nhớ ngay vào lòng.
Lại nghe Đinh Điển đọc tiếp:
– Chứ thứ sáu là số “”.
Mã Đại Minh, Chu Kỳ và Địch Vân, cả ba người đều dụng tâm ghi nhớ.
Còn Cảnh Thiên Bá chỉ biết vâng lệnh tróc nã yếu phạm, ngoài ra chẳng hiểu chi hết. Hắn thấy Đinh Điển trong miệng lẩm nhẩm những gì,, Mã Đại Minh và Chu Kỳ cũng lẩm nhẩm những số, gì gì đó. Hắn cho là nếu không phải yếu phạm niệm trú ngữ làm mê hoặc tâm thần bên địch thì lại là Mã Đại Minh và Chu Kỳ có âm mưu buông tha Đinh Điển. Hắn liền lớn tiếng quát:
– Ô hay! Các ngươi làm trò quỷ gì vậy?
Rồi vung chưởng nhằm Đinh Điển đánh tới. Có điều hắn vẫn úy kỵ đối thủ bản lãnh cao thâm, vừa phóng chưởng ra xong lập tức lùi lại, không dám đứng yên phóng liền phát thứ hai.
Đinh Điển lạng người qua mé tả né tránh, nhưng chân đứng không vững, ngã chúi về phía trước.
Mã Đại Minh gặp thời cơ liền vung đao chém xuống vai bên trái y.
Đinh Điển mắt tối sầm lại, không biết đường né tránh.
Địch Vân giật mình kinh hãi. Trong lúc nguy cấp không còn cách nào giải cứu, chàng đành liều xông về phía trước, húc đầu vào lòng Mã Đại Minh.
Cách đánh liều mạng này quả nhiên phát sinh hiệu lực, khiến cho đao pháp tuyệt diệu của Mã Đại Minh không thi triển được.
Đinh Điển ngất đi một lúc rồi mở mắt ra thì thấy Địch Vân đang quần thảo với Mã Đại Minh. Chu Kỳ lại vung kiếm phóng tới sau lưng chàng. Y liền đứng dậy phóng hai ngón tay trái đâm vào hai mắt Chu Kỳ.
Y tự biết mình khí lực suy yếu quá rồi, chỉ tấn công vào chỗ mềm nhũn, may ra mới thu được kết quả, hoặc bức bách địch nhân phải lùi lại.
Chu Kỳ không rảnh để hại người, vội lạng mình qua mé tả né tránh.
Giữa lúc ấy, Mã Đại Minh tiện tay dùng đốc đao đánh trúng đầu Địch Vân làm chàng té xuống.
Đinh Điển la lên:
– Địch huynh đệ! Nhớ lấy chữ thứ bảy là…
Bỗng cảm thấy hơi thở trước ngực bị nghẹt, mà Cảnh Thiên Bá lại phóng chưởng đánh tới.
Đinh Điển lắc đầu than thầm:
– Ý trời đã vậy còn biết làm sao? Thiên Liên Thành Quyết này đành là vĩnh viễn thất truyền.